V.I.Lênin với quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa

(Quanlynhanuoc.vn) – Để định hướng và chỉ đạo quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa, V.I.Lênin xác định các nguyên tắc cơ bản: tính đảng, tính khoa học, tính tổng hợp, sự thống nhất lãnh đạo kinh tế và chính trị, tập trung dân chủ. Với việc định rõ các nguyên tắc này cho thấy, mục tiêu chung trong quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa theo Lênin là sử dụng tối ưu các quy luật kinh tế, quy luật xã hội để tổ chức, huy động, sử dụng các nguồn lực, vật lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng của V.I.Lênin về quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa đến nay vẫn mang tính thời sự.
Lãnh tụ V.I.Lê-nin đã lãnh đạo thành công Cách mạng Tháng Mười Nga. Ảnh tư liệu.
Vai trò, mục đích của quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa

Sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) tháng Mười Nga vĩ đại, V.I.Lênin đã nhận thức sâu sắc vai trò của quản lý xã hội (QLXH) đối với chính quyền Xô-viết mới ra đời. Bước vào giai đoạn củng cố và xây dựng chế độ xã hội mới, V.I.Lênin khẳng định: “Đây là lần đầu tiên mà một đảng XHCN đã có thể hoàn thành được trên những nét chủ yếu, việc giành chính quyền và đè bẹp bọn bóc lột, đã có thể trực tiếp bắt tay vào việc giải quyết nhiệm vụ quản lý. Chúng ta phải tỏ ra là những người thực hiện được một cách xứng đáng nhiệm vụ rất khó khăn (và rất cao cả) ấy của cách mạng XHCN. Chúng ta phải suy nghĩ kỹ rằng, muốn quản lý được tốt thì ngoài cái tài biết thuyết phục, biết chiến thắng trong cuộc nội chiến, còn cần phải biết tổ chức trong lĩnh vực thực tiễn”1.

Khi nhiệm vụ đấu tranh giành chính quyền của giai cấp công nhân và nhân dân lao động đã hoàn thành, V.I.Lênin đề nghị phải chuyển trọng tâm của cuộc đấu tranh cách mạng từ việc “tước đoạt kẻ đi tước đoạt” sang QLXH và phát triển nền kinh tế quốc dân. Trong báo cáo “Những nhiệm vụ trước mắt của Chính quyền Xô-viết”, V.I.Lênin viết: “Ngày nay, nhiệm vụ quản lý đã trở thành nhiệm vụ chủ yếu và trung tâm. Chúng ta, đảng bôn‐sê‐vích đã thuyết phục được nước Nga. Chúng ta đã giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động. Bây giờ, chúng ta phải quản lý nước Nga”2.

V.I.Lênin cho rằng, nhiệm vụ hàng đầu đang đặt ra với chính quyền Xô-viết lúc bấy giờ là quản lý nhà nước mà trước hết là quản lý kinh tế. Đây chính là động lực quan trọng, là điểm mấu chốt để tạo ra năng suất lao động cao. Mục tiêu của QLXH XHCN là nhằm phát triển có kế hoạch nền sản xuất, của tất cả các quan hệ xã hội và văn hóa để đáp ứng ngày càng đầy đủ hơn các nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân và phát triển toàn diện cá nhân. Tăng cường QLXH mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nâng cao ý thức giác ngộ XHCN và lòng tin của nhân dân. V.I.Lênin chỉ ra: “Chúng ta phải… gắng sức xây dựng một nhà nước, trong đó công nhân tiếp tục lãnh đạo nông dân, duy trì được lòng tin của họ đối với mình… bằng cách thực hành sự tiết kiệm nghiêm ngặt nhất trong việc quản lý nhà nước”3.

Bản chất, nguyên tắc quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa

Thứ nhất, V.I.Lênin đã khẳng định bản chất dân chủ của QLXH XHCN. Người cho rằng, chế độ dân chủ là một hình thức nhà nước: “Xô‐viết tựu trung là một hình thức và một kiểu chế độ dân chủ vô cùng cao hơn, chính là vì do chỗ nó tập hợp được quần chúng công nông và lôi cuốn họ tham gia sinh hoạt chính trị, nên nó là cơ quan gần nhân dân nhất”4. V.I.Lênin nhấn mạnh bản chất của chuyên chính vô sản là vì lợi ích của đa số người bị bóc lột và “chính quyền xô-viết không phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức của chuyên chính vô sản, chuyên chính của giai cấp tiền phong đã phát động được hàng chục và hàng chục triệu người lao động và bị bóc lột thực hiện một nền dân chủ mới và chủ động tham gia quản lý nhà nước; những người lao động và bị bóc lột này đã nhờ kinh nghiệm của bản thân mà thấy được đội tiền phong có kỷ luật và giác ngộ của giai cấp vô sản là lãnh tụ đáng tin cậy nhất của họ”5.

V.I.Lênin cho rằng, chế độ dân chủ này một mặt thi hành có tổ chức, có hệ thống cưỡng bức đối với người ta, một mặt: “Chính thức thừa nhận quyền bình đẳng giữa những công dân, thừa nhận cho mọi người được quyền ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước”6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong QLXH được ghi nhận trong hiến pháp, pháp luật của nhà nước. Bộ máy nhà nước, cơ cấu tổ chức của nhà nước trong QLXH là cơ quan của nhân dân, được nhân dân bầu ra, đại diện cho nhân dân để quản lý, điều hành đất nước. Vì vậy, bản chất của dân chủ XHCN trong QLXH được biểu hiện ở sự tham gia của đại đa số nhân dân lao động, đại đa số dân cư vào công việc quản lý của nhà nước. Người viết: “Khi đa số nhân dân, tự mình và ở khắp mọi nơi, tiến hành thống kê và kiểm soát như thế…, thì lúc đó sự kiểm soát ấy sẽ thật vạn năng, phổ biến và có tính chất toàn dân”7.

Thứ hai, theo V.I.Lênin, QLXH dưới chủ nghĩa xã hội được tiến hành một cách khoa học. Đây vừa là bản chất vừa là nguyên tắc quan trọng chỉ đạo toàn bộ hoạt động QLXH XHCN. Trên cơ sở nhận thức đúng quy luật khách quan của xã hội, chủ thể QLXH tác động đúng hướng, tạo nên sự phát triển kết hợp giữa tịnh tiến và nhảy vọt theo phương pháp rút ngắn lịch sử, nhưng đề phòng sự nôn nóng, chủ quan đốt cháy giai đoạn; phải biết kế thừa và phát huy những thành tựu, kinh nghiệm của chủ nghĩa tư bản trong QLXH để đạt hiệu quả tối ưu, sử dụng tổng hợp các phương thức quản lý từ quản lý nhà nước đến tự quản lý của cộng đồng xã hội, phát huy giá trị, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc tạo sức mạnh thúc đẩy xã hội phát triển.

V.I.Lênin nhiều lần khẳng định để xây dựng chủ nghĩa xã hội phải kết hợp tốt Chính quyền xôviết và chế độ quản lý xô viết với những tiến bộ mới nhất của chủ nghĩa tư bản. Người cho rằng, công nhân sẽ tổ chức nên nền sản xuất lớn xuất phát từ cái đã được chủ nghĩa tư bản đã tạo ra, do vậy phải dựa vào kinh nghiệm của công nhân, phải sử dụng những nhân viên, những nhà kỹ thuật…cũng như khi thủ tiêu chế độ đại nghị không phải là phá hủy các cơ quan đại diện và nguyên tắc bầu cử mà phải biến các cơ quan ấy từ chỗ là cái máy thành các cơ quan “hành động” thực sự QLXH.

QLXH XHCN đòi hỏi phải nắm vững quy luật khách quan phát triển xã hội, các kiến thức sản xuất, khoa học, kỹ thuật, biết người, nắm được các thói quen, các phương pháp, phương tiện quản lý. Người nhấn mạnh: “Muốn quản lý phải là người thông thạo chuyên môn, phải biết một cách đầy đủ và chính xác tất cả những điều kiện của sản xuất, phải hiểu được kỹ thuật của nền sản xuất đó ở trình độ hiện đại của nó, phải có một trình độ khoa học nhất định”9.

V.I.Lênin xem am hiểu sâu sắc khoa học quản lý là nguyên tắc bản chất, Người cho rằng: không thể quản lý nếu thiếu tri thức về những cơ sở của khoa học quản lý và đã giải thích thêm rằng cần phải học tập và học tập nữa trong các học viện cao cấp về tổ chức lao động. QLXH phải tuân thủ các quy luật khách quan và sự biểu hiện đặc thù của chúng trong điều kiện lịch sử cụ thể, tìm ra trong số rất nhiều nhiệm vụ một nhiệm vụ chủ yếu mà khi giải quyết xong thì sẽ giải quyết được toàn bộ các vấn đề trong công tác quản lý. Để bảo đảm tính khoa học trong QLXH đòi hỏi phải phát huy tốt vai trò chủ quan của chủ thể quản lý, V.I.Lênin chỉ ra: “nghệ thuật quản lý không phải từ trên trời rơi xuống và cũng không do thần thánh ban cho”10.

Thứ ba, QLXH trong xã hội mới theo V.I.Lênin mang tính nhân đạo sâu sắc, nghiêm minh, hướng tới thực hiện công bằng xã hội. Đây là thuộc tính bản chất của chủ nghĩa xã hội: “mọi người đều có bánh ăn, đều có giày dép tốt và quần áo lành, đều có nhà cửa ấm áp, đều làm việc có ý thức, phải làm sao không cho một tên ăn cắp nào (và không một tên trốn tránh lao động nào cả) lại có thể đi dạo chơi nhởn nhơ, mà không bị bỏ tù hay không bị phạt khổ sai thật nặng; phải làm sao không một tên nhà giàu nào phạm quy tắc và luật pháp của chủ nghĩa xã hội lại có thể tránh được số phận của tên ăn cắp”11. QLXH XHCN là tạo điều kiện giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại, để con người phát triển toàn diện.

Người dẫn giải và đề cao vai trò của pháp luật, ý nghĩa của việc tạo ra một môi trường pháp lý nghiêm minh làm điểm tựa căn bản cho sự vận hành guồng máy xã hội là quan trọng và bức thiết. V.I Lênin khuyến cáo: “Ở giờ phút chiến đấu quyết liệt, kẻ nào chùn bước trước tính chất bất di bất dịch của pháp luật thì người đó là kẻ cách mạng tồi”12.

Thứ tư, để định hướng và chỉ đạo QLXH XHCN, V.I.Lênin xác định các nguyên tắc cơ bản: tính đảng, tính khoa học, tính tổng hợp, sự thống nhất lãnh đạo kinh tế và chính trị, tập trung dân chủ. Theo đó, nguyên tắc tính đảng trong QLXH XHCN do tính giai cấp trong xã hội XHCN quy định. Xuyên suốt tiến trình của cách mạng XHCN, giai cấp công nhân có lợi ích căn bản thống nhất với lợi ích của giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Vì vậy, giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức luôn có mối quan gắn bó, tác động sâu sắc lẫn nhau. Sự lãnh đạo của đảng cộng sản trong QLXH là hướng đến giải quyết hài hòa lợi ích của giai cấp cấp nhân, của các nhóm xã hội và nhân dân lao động.

Đảng Cộng sản là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động. Bảo đảm nguyên tắc tính đảng trong QLXH XHCN nhằm giữ vững lập trường của giai cấp công nhân, giữ vững sự thống nhất về lợi ích giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Những lợi ích chung, căn bản của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, của trí thức và nhân dân lao động, những nguyện vọng chính đáng của người lao động được thể hiện trong chính sách của đảng cộng sản. V.I.Lênin tin tưởng rằng quần chúng sẽ đi theo Đảng, sẽ ủng hộ đảng “nếu chúng ta sáng suốt và chấp hành một chính sách đúng đắn trong giai cấp của chúng ta”13.

Việc tổ chức QLXH trên các lĩnh vực của đời sống xã hội đều phải bám sát các quan điểm, chủ trương, đường lối lãnh đạo của đảng cộng sản; việc bố trí, sử dụng cán bộ quản lý trong các cơ quan nhà nước đều phải do cấp ủy đảng ở cơ quan đó, bộ phận đó tiến hành. V.I.Lênin nhấn mạnh: “chừng nào một đảng cầm quyền còn quản lý, chừng nào đảng ấy còn phải giải quyết tất cả mọi vấn đề về những sự bổ nhiệm khác nhau, thì anh không thể để có tình trạng là việc bổ nhiệm các chức vụ nhà nước quan trọng nhất lại do một đảng không lãnh đạo tiến hành”14.

Bản chất và đặc trưng sự lãnh đạo của Đảng Bôn-sê-vích là sự lãnh đạo chính trị, Đảng vạch ra đường lối chính trị thống nhất của sự phát triển xã hội, tính đảng trong QLXH XHCN phải được thể hiện ở các khâu, các quá trình quản lý, quan trọng nhất vẫn là vai trò và mục tiêu sự lãnh đạo quản lý của Đảng. V.I.Lênin nhiều lần lưu ý nhiệm vụ của Đảng rằng: “Không phải là phục vụ một cách thụ động phong trào công nhân… mà chỉ rõ cho phong trào thấy rõ mục đích cuối cùng và các nhiệm vụ chính trị của nó”15.

Theo V.I.Lênin, nắm vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong QLXH XHCN có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hệ thống QLXH XHCN. Đây vừa là một phương thức tổ chức và QLXH XHCN, vừa là một nguyên tắc chính trị, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ XHCN nhằm phát huy một cách đầy đủ các đặc điểm, sáng kiến, tính chủ động của địa phương và tính chất muôn hình, muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt mục đích chung.

Nội dung của nguyên tắc này quy định những đặc điểm chung, mang tính quy luật khách quan trong hoạt động của hệ thống QLXH XHCN. Đồng thời, nó phản ánh sự thống nhất giữa cơ sở tư tưởng, chiến lược và tổ chức của xã hội XHCN. Nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ tạo nên tính tổ chức kế hoạch của nhà nước, Người viết: “… nếu không có một tổ chức nhà nước có kế hoạch có thể khiến cho hàng chục triệu người phải tuân theo hết sức nghiêm khắc một tiêu chuẩn thống nhất trong công việc sản xuất và phân phối sản phẩm, thì không thể nói đến chủ nghĩa xã hội được”16.

V.I.Lênin cho rằng, cần kết hợp một cách hữu cơ giữa tập trung và dân chủ, “tập trung dân chủ” có nghĩa là kết hợp lãnh đạo, quản lý tập trung với tinh thần tích cực sáng tạo hết sức rộng lớn của quần chúng: “và đồng thời chế độ tập trung, hiểu theo nghĩa thực sự dân chủ, đã bao hàm khả năng – khả năng này do lịch sử tạo ra lần đầu tiên – phát huy đầy đủ và từ do không những các đặc điểm của địa phương, mà cả những sáng kiến của địa phương, tính chủ động của địa phương, tính chất muôn hình muôn vẻ của các đường lối, của các phương pháp và phương tiện để đạt đến mục đích chung”17. V.I.Lênin phân tích tập trung dân chủ khác xa với tập trung quan liêu và chủ nghĩa vô chính phủ đã từng tồn tại trong lịch sử: “Chúng ta chủ trương theo chế độ tập trung dân chủ. Nhưng cần phải hiểu rõ rằng chế độ tập trung dân chủ, một mặt, thật khác xa chế độ tập trung quan liêu chủ nghĩa và mặt khác, thật khác xa chủ nghĩa vô chính phủ”18.

Phát huy dân chủ XHCN trong QLXH vừa tạo điều kiện để tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân lao động, vừa phải quan tâm phát huy trách nhiệm, nghĩa vụ của họ trong tham gia quản lý công việc của xã hội. V.I.Lênin viết: “chúng ta phải bắt đầu phân biệt nghiêm khắc hai phạm trù chức năng dân chủ: một mặt là những cuộc tranh luận, những cuộc mít‐tinh; mặt khác, là phải đặt một trách nhiệm hết sức chặt chẽ đối với các chức vụ thực hành và đối với việc chấp hành một cách tuyệt đối cần mẫn, có kỷ luật và tự nguyện những mệnh lệnh và chỉ thị cần thiết”19.

Bàn về phương thức quản lý xã hội xã hội chủ nghĩa

V.I.Lênin cho rằng, quá trình QLXH XHCN phải được tiến hành một cách đa dạng bằng đường lối, chủ trương, chính sách của đảng cộng sản, hiến pháp, pháp luật của nhà nước, các đòn bẩy kinh tế (tín dụng, ngân hàng) và cả thi đua khen thưởng, xử phạt, dư luận, đạo đức xã hội. Cụ thể:

Một là, đảng cộng sản lãnh đạo QLXH phải bằng các chủ trương, đường lối và chính sách. Đảng tác động đến mọi quá trình phát triển xã hội thông qua hệ thống chuyên chính vô sản, vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản là ở chỗ Đảng lãnh đạo Nhà nước, các tổ chức xã hội, thông qua các tổ chức này, lãnh đạo toàn bộ quá trình xây dựng và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin chỉ rõ: “nước cộng hòa của chúng ta, không có một vấn đề chính trị hay tổ chức quan trọng nào do một cơ quan nhà nước giải quyết mà lại không có chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng”20.

Theo quan điểm của V.I.Lênin, Đảng làm cho hệ thống quản lý nói chung và từng khâu của nó có phương hướng giai cấp – xã hội phù hợp với chủ nghĩa xã hội, có chế độ dân chủ sâu sắc và toàn diện. Sự lãnh đạo của Đảng thông qua đường lối chính sách gắn với cơ chế QLXH và hướng dẫn nó vào việc giải quyết các nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội.

V.I.Lênin phân tích làm rõ thêm sự lãnh đạo của Đảng đối với QLXH là thông qua đường lối chung, mang tính định hướng chính trị, Người nhận xét: “Cho đến nay, những người cộng sản ở nước ta chưa hiểu rõ nhiệm vụ lãnh đạo của mình thực sự là như thế nào: không nên “tự mình” làm “tất cả”, làm quá sức mà vẫn không kịp, làm một lúc cả hàng hai chục việc mà không được một việc nào ra trò”21. V.I.Lênin lưu ý rằng, sự lãnh đạo của Đảng trong QLXH không có một điểm chung nào với thói quan liêu, mệnh lệnh, mà sự lãnh đạo này còn mềm dẻo hơn cả việc “chỉ huy nhẹ nhàng của một viên nhạc trưởng”.

Hai là, nhà nước QLXH bằng pháp luật, kế hoạch. Hoạt động của các cơ quan nhà nước được biểu hiện bằng những hình thức pháp lý, hoạt động của Nhà nước đối với toàn dân trong nước mang tính chất pháp lý – chính quyền. Muốn đạt được các mục tiêu QLXH, chính quyền Nhà nước bên cạnh những biện pháp tác động tư tưởng, kích thích kinh tế cũng sử dụng cả phương pháp cưỡng bức thông qua hệ thống pháp luật. Theo V.I.Lênin: “Nếu nó là ý chí của nhà nước thì phải biểu hiện dưới hình thức một đạo luật do chính quyền đặt ra, nếu không thế thì hai tiếng “ý chí” chỉ là một sự rung động không khí do những âm thanh rỗng tuếch gây nên”22.

Chính quyền Xô-viết ban hành luật pháp và buộc các thành viên xã hội thực hiện những quy định của mình, theo V.I.Lênin, chính quyền nhà nước sử dụng pháp luật để điều chỉnh các hành vi, các quan hệ xã hội là hết sức cần thiết: “Nhà nước, đó là lĩnh vực thực hành cưỡng bức… dùng “mệnh lệnh hành chính” và đứng trên quan điểm hành chính để giải quyết vấn đề ở đây là tuyệt đối cần thiết”23.

V.I.Lênin giải thích: Nhà nước Xô-viết vạch ra và lý giải các đạo luật, thực hiện việc quản lý các công việc xã hội, lập ra kế hoạch Nhà nước sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên và lao động, quản lý mọi ngành kinh tế quốc dân, quản lý nền văn hóa nhân dân, quản lý khoa khoa học, bảo hiểm xã hội, y tế, tổ chức bảo đảm trật xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vai trò của pháp luật trong QLXH được xác định: “chúng ta cần có nhà nước, chúng ta cần có cưỡng bức. Các tòa án Xô viết phải là những cơ quan của nhà nước vô sản thực hiện sự cưỡng bức đó. Có một nhiệm vụ khác quan trọng hơn. Đó là nhiệm vụ bảo đảm thực hiện một cách chặt chẽ nhất kỷ luật và kỷ luật tự giác của người lao động”24.

Ba là, kết hợp các biện pháp hành chính, kinh tế, giáo dục, thi đua trong quản lý. V.I.Lênin nhắc nhở trong QLXH tránh tuyệt đối hóa quản lý hành chính, cần kết hợp các phương pháp trong quản lý, bám sát thực tiễn để quản lý: toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì tệ quan liêu. Không ít những người cộng sản đã trở thành những cán bộ quan liêu, đồng thời, cảnh báo rằng chính chủ nghĩa quan liêu sẽ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội mới25.

V.I.Lênin coi thi đua là đòn bẩy mạnh mẽ của tiến bộ kinh tế, xã hội trong chủ nghĩa xã hội, là một cách thức của QLXH, là trường học giáo dục chính trị lao động và đạo đức cho nhân dân lao động. Thi đua XHCN góp phần nâng cao hiệu suất của sản xuất xã hội, tăng năng suất lao động. Vì vậy, dưới chế độ XHCN, V.I.Lênin khẳng định: “chủ nghĩa xã hội không những không dập tắt thi đua, mà trái lại, lần đầu tiên, đã tạo ra khả năng áp dụng thi đua một cách thật sự rộng rãi, với quy mô thật sự to lớn, tạo ra khả năng thu hút thật sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình, phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có”26.

Bốn là, trong QLXH XHCN, V.I.Lênin yêu cầu nâng lên thành văn hóa quản lý, quản lý không chỉ là văn hóa mà còn là nghệ thuật. Văn hóa quản lý theo tư tưởng V.I.Lênin có nội dung rộng lớn, nội dung của văn hóa vô sản, được thể hiện tập trung ở ý thức chủ thể, năng lực của người đứng đầu, dám nhận sai và sửa sai, tôn trọng cá nhân và tập thể, ý thức tổ chức kỷ luật, chống quan liêu, tham nhũng…

Di sản tư tưởng, hoạt động của V.I.Lênin về QLXH XHCN không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn để lại cho chúng ta những bài học, kinh nghiệm bổ ích đối với việc nâng cao hiệu quả QLXH ở nước ta hiện nay. Tư tưởng của V.I.Lênin về QLXH XHCN được đề ra trong hoàn cảnh của nước Nga Xô-viết cụ thể nhưng những chỉ dẫn của Người về QLXH mới đều dựa vào các quy luật kinh tế, quy luật chính trị xã hội khách quan, do vậy, tư tưởng đó không chỉ đúng với nước Nga hiện thời mà còn có ý nghĩa đối với các nước XHCN.

Sức sống, giá trị tư tưởng V.I.Lênin về QLXH XHCN bắt nguồn từ sự thống nhất giữa tính cách mạng, khoa học trong các quan điểm của Người; nắm vững tính cách mạng, khoa học trong tư tưởng của V.I.Lênin về QLXH XHCN để hiểu sâu sắc hơn quy luật vận động của xã hội mới, con đường, biện pháp để QLXH XHCN.

Để tạo ra sự phát triển toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLXH, cần nghiên cứu và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về QLXH theo hướng toàn diện trên các lĩnh vực, các quá trình quản lý. Đồng thời, trong nghiên cứu, tìm hiểu, vận dụng tư tưởng V.I.Lênin về QLXH XHCN đòi hỏi phải hiểu thực chất tư tưởng của Người về vấn đề này; cần nghiên cứu sâu hơn để tránh tình trạng vận dụng theo kiểu “chắp vá”, chung chung, không hiệu quả.

Trong QLXH, cần tránh tùy tiện, vô nguyên tắc, đồng thời căn cứ vào những quy luật của sự phát triển xã hội, những biểu hiện đặc thù của nó trong điều kiện cụ thể; mục tiêu chung của QLXH XHCN là sử dụng tối ưu các quy luật kinh tế, quy luật xã hội để tổ chức, huy động, sử dụng các nguồn lực, vật lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:
1, 2, 5, 12, 16, 17, 18, 19, 24.  V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 36. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 209 – 210, 209, 240, 625, 368, 186 – 187, 185, 191, 199.
3. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 45. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 458.
4. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 37. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 383.
6, 7, 8. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 33. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 123, 125, 61.
9, 10. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 40. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 248, 293.
11, 26. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 35. H. NXB Chính trị quốc gia, 2006, tr. 244, 234 – 235.
13, 14, 23. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 42. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr.311, 204 – 205, 369.
15. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 470.
20. V.I.Lênin. Toàn tập. Tập 41. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 38.
21. V.I.Lênin Toàn tập. Tập 43. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 293.
22. V.I.Lênin Toàn tập. Tập 32. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 429.
25. V.I.Lênin Toàn tập. Tập 54. H. NXB Chính trị quốc gia, 2005, tr. 235.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. H. NXB Chính trị quốc gia, 2016.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
4. Ngô Ngọc Thắng, Đoàn Minh Huấn. Một số lý thuyết về phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội. Những vận dụng đối với Việt Nam hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia, 2014.
ThS. Nguyễn Văn Toàn
Học viện Chính trị – Bộ Quốc Phòng