Giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở tỉnh Hải Dương

(Quanlynhanuoc.vn) – Hiếm có dân tộc nào trên thế giới có nhiều giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp như Việt Nam, chính vì thế, cần tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, đặc biệt là nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng xây dựng đất nước và nhận thức rõ sứ mệnh, trách nhiệm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc1. Do đó, giáo dục đạo đức truyền thống thế hệ trẻ nói chung và cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở Hải Dương nói riêng là rất thiết thực, cụ thể, góp phần đào tạo, bồi dưỡng ra những lớp người mới kế cận sự nghiệp cách mạng của Đảng, có bản lĩnh, đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước.
Ảnh minh họa (internet).
Truyền thống dân tộc – giá trị đạo đức tốt đẹp cần được giữ gìn và phát huy trong giáo dục sinh viên về phẩm chất, năng lực

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”2. Đó là sự khái quát đầy đủ, toàn diện cho ý chí, sức mạnh con người Việt Nam không bao giờ run sợ trước khó khăn, thử thách, hiểm nguy, ngay cả khi đối mặt giữa sự sống và cái chết thì tinh thần bất tử vì Tổ quốc vẫn rực cháy trong mỗi con người cụ thể mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đại diện tiêu biểu nhất cho khí phách, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất của cả dân tộc.

Hiếm có dân tộc nào trên thế giới có nhiều giá trị đạo đức truyền thống (ĐĐTT) tốt đẹp như Việt Nam chúng ta, lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và yêu cầu của nền nông nghiệp trồng lúa nước đã tôi luyện, hình thành, phát triển nên nhiều phẩm chất tốt đẹp của dân tộc, đó là: lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, không sợ khó khăn, hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào nơi “mũi tên, hòn đạn”; lao động cần cù, thông minh, sáng tạo, thuỷ chung, có tinh thần đồng chí, đồng đội, giúp đỡ nhau trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, bán anh em xa mua láng giềng gần… Những phẩm chất đó là kết tinh của ĐĐTT được tôi luyện qua thực tiễn vận động, phát triển, biến đổi của xã hội và ngày càng được chứng minh trên thực tế, bởi sức sống trường tồn, bền vững của ĐĐTT không bao giờ mai một, lãng quên, trở thành niềm tin, lẽ sống, quy định đường hướng nhận thức và hành động của mỗi người vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

ĐĐTT là những giá trị tốt đẹp được truyền từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này qua thế khác, có vai trò quan trọng trong đời sống của con người, là cái ổn định, bền vững, được lặp đi lặp lại nhiều lần, có tác dụng điều chỉnh mọi suy nghĩ, thái độ, hành vi của con người đúng với tôn ti, trật tự, hương ước, quy định của gia đình, dòng họ, địa phương và của xã hội; từng bước hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của con người, trở thành công dân có ích cho xã họi, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; là căn cứ, cơ sở quan trọng để đấu tranh, phê phán, bác bỏ những thói hư, tật xấu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống con người, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng đời sống văn hóa mới vì con người, lấy con người làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho con người phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ.

Sinh viên các trường CĐĐH ở Hải Dương, ngoài những đặc điểm chung là trẻ, khoẻ, có tri thức, trải qua kỳ thi tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên các trường cao đẳng, đại học (CĐĐH) ở Hải Dương còn có đặc điểm riêng, đó là: đa phần sinh viên là con em trong tỉnh, số ít ở các tỉnh lân cận, như: Hưng Yên, Thái Nguyên, Hải Phòng; gia đình thuần nông, có truyền thống cách mạng, với những nghề làm truyền thống (bánh gai, bánh đậu xanh…). Hải Dương là một trong tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao, nhiều khu công nghiệp hình thành, phát triển, giao thông thuận lợi… Đây là những đặc điểm rất đặc trưng, tác động đến giáo dục ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH ở Hải Dương hiện nay và trong thời gian tới.

Bồi dưỡng ĐĐTT cho sinh viên là tổng thể cách thức, biện pháp của các chủ thể lãnh đạo, quản lý giáo dục và sự tự bồi dưỡng của sinh viên với nội dung, hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng nhằm nâng cao trách nhiệm cho sinh viên với nhiệm vụ giáo dục – đào tạo thành công dân có ích cho xã hội.

Thời gian qua, công tác giáo dục ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH ở Hải Dương đạt được kết quả nhất định: đa phần sinh viên có bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động ở nhà trường và địa phương; phòng quản lý sinh viên làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy nhà trường; Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp ở các trường CĐĐH thường xuyên đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục ĐĐTT thông qua hoạt động thực tiễn phong phú, đa dạng, hấp dẫn để tập hợp, động viên, cuốn hút sinh viên tham gia ngày càng nhiều hơn vào các phong trào do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Sinh viên tổ chức phát động, như: Trường Cao đẳng Dược Trung ương Hải Dương, ngay từ đầu năm học, Hội Sinh viên trường đã phát động sinh viên đăng ký thực hiện phong trào “Sinh viên 5 tốt”; từ năm 2013 đến nay, các cấp hội đã tổ chức trên 60 buổi giáo dục đạo đức, lối sống cho khoảng 60.000 lượt sinh viên; mở 5 diễn đàn trao đổi phương pháp học tập, nghiên cứu khoa học thu hút trên 2.000 sinh viên; tổ chức nhiều sân chơi như “Sáng tạo trẻ”, “Phương pháp làm đề tài nghiên cứu khoa học”, “Tay nghề giỏi”… vận động được hơn 500 triệu đồng giúp đỡ hơn 1.000 lượt sinh viên có hoàn cảnh khó khăn…. Trường Đại học Sao Đỏ thực hiện tốt phong trào “Sinh viên 5 tốt” (học tập tốt, đạo đức tốt, tình nguyện tốt, hội nhập tốt và thể lực tốt); Hội Sinh viên của trường xây dựng các mô hình tuyên truyền về phong trào, “Hình mẫu sinh viên Sao Đỏ”, chương trình trải nghiệm “Một ngày làm sinh viên”; vận động sinh viên tích cực tham gia hội thi “Tay nghề giỏi”3.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH ở Hải Dương còn một số hạn chế, như: công tác giáo dục ĐĐTT cho sinh viên có thời điểm còn chậm, chưa thường xuyên, liên tục; quản lý, giáo dục của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp chưa tích cực, chủ động, nội dung, hình thức, biện pháp giáo dục chưa mới, chưa thật sự linh hoạt, sáng tạo, chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và nhu cầu, nguyện vọng của sinh viên.

Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp chưa phát huy hết vai trò của mình trong định hướng, giúp đỡ sinh viên hướng nghiệp hiệu quả; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm không đúng chuyên môn còn nhiều; còn nhiều sinh viên chưa tích cực, chủ động tự bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức về mọi mặt đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; bị chi phối bởi “guồng quay” của cơ chế thị trường, như: nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, chỗ đứng trong xã hội; tình trạng tệ nạn xã hội, như: nghiện hút, cờ bạc, trộm cắp, sống thực dụng, sống thử; sống thờ ơ với gia đình và xã hội… cũng xuất hiện ở một số ít trong sinh viên các trường CĐĐH Hải Dương

Đề xuất một số biện pháp giáo dục đạo đức truyền thống cho sinh viên các trường cao đẳng, đại học ở tỉnh Hải Dương trong giai đoạn hiện nay

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ nội dung, mục tiêu, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”4. Hơn nữa, bối cảnh thực tế của đời sống xã hội đã và đang đặt ra cho các cấp, các ngành phải không ngừng quan tâm, chăm lo bồi dưỡng thanh niên nói chung và sinh viên các trường CĐĐH ở tỉnh Hải Dương nói riêng về mọi mặt, nhất là giáo dục ĐĐTT để sinh viên không quên đi quá khứ dân tộc, lấy đó làm động lực, mục tiêu, hành trang trên con đường “lập thân, lập nghiệp”. Trong đó cần:

(1) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho sinh viên về vai trò của giáo dục ĐĐTT. Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa hàng đầu để nâng cao chất lượng giáo dục ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH ở tỉnh Hải Dương hiện nay.

Các chủ thể làm công tác quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, như: giảng viên, phòng quản lý sinh viên, phòng khảo thí, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các cấp thường xuyên tuyên truyền, giáo dục cho sinh viên nắm chắc những quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chỉ thị, quy định của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới; mục tiêu cuộc vận động xây dựng hình mẫu thanh niên tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…

Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên các cấp cần cụ thể hóa, thể chế hóa vào từng hoạt động của đơn vị, xây dựng tiêu chí, nội dung thi đua phù hợp, hiệu quả để sinh viên cùng phấn đấu, trưởng thành đạt được mục đích, nguyện vọng đề ra; tuyên truyền, giáo dục phẩm chất truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, đặc biệt là pháp luật Nhà nước, quy định của nhà trường; giáo dục, bồi dưỡng động cơ, thái độ, trách nhiệm cho sinh viên đối với nhiệm vụ chính trị trung tâm là học tập, rèn luyện để trở thành những người “vừa hồng”, “vừa chuyên” của xã hội; giáo dục, bồi dưỡng lối sống văn hóa trong sạch, lành mạnh, sống chân thành, vị tha, có trách nhiệm với bản thân, tập thể và xã hội; tránh xa lối sống xa hoa, trụy lạc, phản văn hóa, phi đạo đức không đúng với thuần phong mỹ tục của dân tộc và nội quy của nhà trường; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong phối kết hợp hành động, thực hiện tốt những mục tiêu, nội dung của các phong trào thi đua do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các cấp ở tỉnh Hải Dương đã xác định; không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau vì nhiệm vụ chung của tập thể.

(2) Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH ở tỉnh Hải Dương.

Về nội dung, trước tiên bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; bồi dưỡng đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh; những chiến công hiển hách, chói ngời trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay; thành tựu của đất nước đạt được qua hơn 35 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng; bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc cho sinh viên không mơ hồ, ảo tưởng vào sự giúp đỡ ở bên ngoài, tin tưởng vào chính mình, vào nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc…

Lồng ghép nội dung bồi dưỡng ĐĐTT vào quá trình giảng bài trên lớp và thông qua hoạt động thực tiễn, trải nghiệm của sinh viên do Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các cấp tổ chức; kết hợp chặt chẽ nội dung bồi dưỡng mang tính truyền thống với những vấn đề mới của xã hội đã, đang và sẽ diễn ra hiện nay, đó là kỹ năng sống, giải quyết tình huống, sự việc xảy ra trong quan hệ giao tiếp, ứng xử ở lớp học và bên ngoài xã hội; sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ gia đình và xã hội bằng vật chất và tinh thần; những tấm gương sinh viên nghèo vượt khó, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, nỗ lực phấn đấu vươn lên ở mọi lúc, mọi nơi….

Về hình thức, phương pháp bồi dưỡng cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, không dập khuân, máy móc, thụ động của các chủ thể lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng sinh viên. Thông qua kết quả thi kiểm tra kết thúc học phần, môn học để đánh giá chất lượng của hoạt động bồi dưỡng của sinh viên; thông qua hoạt động thực tiễn ở đơn vị, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm vào các phong trào đoàn, Hội Sinh viên tổ chức; thông qua thi đua, khen thưởng, tôn vinh, biểu dương gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến đối với những sinh viên đạt thành tích cao trong học tập, rèn luyện, tham gia vào hoạt động phong trào, nghiên cứu khoa học; xây dựng, thành lập tổ, nhóm sinh viên làm công tác tuyên truyền, vận động, giúp đỡ sinh viên, Nhân dân trên địa bàn.

(3) Kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội bồi dưỡng ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH trên địa bàn tỉnh.

Gia đình, nhà trường và xã hội là 3 trụ cột quan trọng chủ yếu để bồi dưỡng ĐĐTT cho sinh viên các trường CĐĐH hiện nay và thời gian tới, trong đó bồi dưỡng gia đình là nền tảng vững chắc, động lực chủ yếu quyết định đến sự trưởng thành, phát triển của sinh viên; bồi dưỡng nhà trường là cơ sở hướng sinh viên đến những suy nghĩ, hành động đúng với pháp luật Nhà nước, nội quy nhà trường; bồi dưỡng xã hội là môi trường phong phú, đa dạng để sinh viên phát huy nội dung đã được gia đình, nhà trường bồi dưỡng thông qua cách ứng xử, giải quyết công việc đạt được mục tiêu, kết quả đề ra.

(4) Phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên tự bồi dưỡng về ĐĐTT đáp ứng với mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục – đào tạo hiện nay.

Tính tích cực, chủ động của sinh viên trong tự bồi dưỡng về ĐĐTT là quá trình tự thân vận động trên cơ sở định hướng, giúp đỡ của chủ thể quản lý, bồi dưỡng về nội dung, hình thức, phương pháp. Sinh viên vừa là đối tượng của bồi dưỡng vừa là chủ thể của sự tự bồi dưỡng, cần đánh thức, khơi dậy tính năng động, sáng tạo của mình ở mọi lúc, mọi nơi. Không ai có thể làm thay, làm hộ được bằng chính sự nỗ lực, cố gắng vươn lên ở mọi lúc, mọi nơi của sinh viên đối với việc tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, lối sống. Đó là sự vượt qua cám dỗ, chiến thắng bản thân mình một cách tốt nhất, không hài lòng với kết quả đã có, mà luôn khiêm tốn, học hỏi cầu tiến bộ theo phương châm không biết thì học, yếu chỗ nào thì bồi dưỡng chỗ đấy. Theo đó, tính tích cực, chủ động của sinh viên phải được thể hiện ở tinh thần, trách nhiệm cao với bản thân, gia đình và xã hội; ở việc xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, rèn luyện với công việc, nhiệm vụ được phân công; ở sự lắng nghe, quan sát mọi người xung quanh; phải tự mình thường xuyên trau dồi đạo đức, lối sống, nhất là trong quan hệ ứng xử văn hóa với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên; tự đặt mình vào trong tổ chức, không được đứng trên tổ chức hoặc đứng ngoài tổ chức; phải tranh thủ từng giờ, từng phút để học tập, rèn luyện, bổ sung kinh nghiệm, vốn sống, sự hiểu biết cho bản thân về các lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội, tạo điều kiện thuận lợi, hành trang về mọi mặt để thực hiện các dự định tương lai đã đặt ra. Mỗi sinh viên sau này dù đi đâu, làm gì, ở vị trí nào đi chăng nữa đều phải tự mình vươn lên, không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của người khác, coi đó chỉ là những ý kiến tham khảo, định hướng, quyết định vẫn ở chính mỗi sinh viên, ở sự chín chắn, độc lập trong suy nghĩ, hành động của họ.

Chú thích:
1. Nguyễn Phú Trọng. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia, Sự thật, 2021, tr.314.
2. Hồ Chí Minh. Toàn tập, Tập 7. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2011, tr.38.
3. Sức hút phong trào “Sinh viên 5 tốt”. https://m.baohaiduong.vn, ngày 09/01/2020.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 1. H. NXB. Chính trị quốc gia, Sự thật, 2021, tr.136.
Tài liệu tham khảo:
1. Nhiều đổi mới trong giáo dục truyền thống cho sinh viên. https://www.qdnd.vn, ngày 16/3/2021.
2. Nguyễn Tất Hùng – Nguyễn Thị Huyền. Giáo dục lý tưởng cách mạng, khơi dậy khát vọng cống hiến cho sinh viên Việt Nam hiện nay. Tạp chí Giáo dục Lý luận, tháng 6/2022.
3. Giáo dục lý tưởng cách mạng cho sinh viên tại nhà trường. Tuyengiao.vn, ngày 26/3/2020.
4. Giáo dục giá trị đạo đức, nhân văn Phật giáo cho sinh viên. Quanlynhanuoc.vn, ngày 29/3/2022.
ThS. Trần Thị Tuyền
Trường Cao đẳng Hải Dương