Các nhân tố tác động đến sự phát triển vùng động lực tỉnh Hoà Bình

(Quanlynhanuoc.vn) – Vùng động lực kinh tế tỉnh Hòa Bình được hình thành dựa trên những lợi thế cạnh tranh về điều kiện tự nhiên và kết cấu hạ tầng để tạo ra lực kéo, tạo đà thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Từ khi hình thành đến nay, vùng đã có đóng góp lớn đối với GRDP của tỉnh, thu hút được sự đầu tư và chiếm tỷ trọng đầu tư lớn so với các vùng trong tỉnh, phát huy được thế mạnh của các ngành/lĩnh vực kinh tế của vùng cũng như của toàn tỉnh. Bài viết đã tập trung vào việc nghiên cứu và phân tích các nhân tố tác động đến sự phát triển vùng động lực của tỉnh Hòa Bình, từ đó đưa ra một số giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của vùng trong thời gian tới.
Dự án Lvory villas & resort, xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn.
Đặt vấn đề

Vùng động lực (VĐL) đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vị trí đầu tàu, dẫn dắt và tạo động lực cho sự phát triển chung của mỗi quốc gia, khu vực và địa phương. VĐL cần được xây dựng trên cơ sở khai thác những nguồn lực sẵn có; phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm xây dựng toàn vùng trở thành khu vực kinh tế năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Với vai trò quan trọng như vậy, cần xác định những nhân tố (bên trong và bên ngoài) tác động và ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng động lực (VĐL) nhằm đưa ra những giải pháp can thiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy sự phát triển của vùng.

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng và phát triển VĐL của tỉnh để đưa vùng trở thành vùng kinh tế năng động, tạo lực đẩy cho sự phát triển chung của toàn tỉnh. Quá trình phát triển VĐL tỉnh Hòa Bình, bên cạnh những thuận lợi còn gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhiều nhân tố. Chính vì vậy, tỉnh cần hiểu rõ nhân tố tác động đến sự phát triển VĐL, từ đó, có những giải pháp thiết thực để nâng cao vị thế, vai trò cũng như tiềm năng phát triển của VĐL.

Khái quát về sự phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình

Theo Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 27/3/2018 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Hòa Bình trong phát triển VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, trong đó nêu rõ phạm vi VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình gồm toàn bộ ranh giới của thành phố Hòa Bình, huyện Kỳ Sơn, huyện Lương Sơn và 9 xã của huyện Lạc Thủy là Thanh Nông, Phú Thành, Phú Lão, Cố Nghĩa, Lạc Long, Yên Bồng, Đồng Tâm, thị trấn Thanh Hà và thị trấn Chi Nê1.

Để tạo lực đẩy cho phát triển VĐL, tỉnh đã tập trung thực hiện cơ chế phân cấp, ủy quyền cho VĐL, đặc biệt trong các lĩnh vực trọng tâm, như: tài chính, thuế, đầu tư, quản lý đô thị; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn cho vùng. Có cơ chế sử dụng nguồn vượt thu dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) hằng năm để tăng chi đầu tư phát triển. Cùng với sử dụng có hiệu quả nguồn vốn NSNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo linh hoạt trong cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn vốn của DN, người dân, tổ chức trong và ngoài nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của VĐL, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).

Với quan điểm này, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng để phát triển nhanh, toàn diện; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp, nhất là trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội VĐL. Trong 3 năm (2018 – 2020), tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong vùng bằng khoảng 66,5% (so với toàn tỉnh), vốn đầu tư khu vực nhà nước khoảng 43%, vốn đầu tư của DN 77% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng khoảng 99%2. Hiện nay, VĐL là nơi tập trung phần lớn các KCN, CCN của tỉnh, với 7 KCN (chiếm 87,5% KCN) và 10 CCN (chiếm trên 60% CCN) của toàn tỉnh. Đối với các CCN, đã có 4 cụm đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm đạt gần 33% diện tích. Qua đó, VĐL là nơi tập trung nhiều nhất số lượng các dự án, DN, tổ chức kinh doanh.

Toàn tỉnh hiện có 635 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó thành phố Hòa Bình chiếm nhiều nhất, với 203 dự án; tiếp đến huyện Lương Sơn có 198 dự án; huyện Lạc Thủy 64 dự án. Có 92,5% dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh được triển khai thực hiện tại địa bàn VĐL. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu, gồm: công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, thấu kính, công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất và phân phối điện, nước. Trong vùng cũng tập trung khá nhiều dự án phát triển dịch vụ, du lịch như sân golf Phượng Hoàng, sân golf Hilltop Valley, khu du lịch thác Thăng Thiên và nhiều dự án đầu tư khu nghỉ dưỡng, nhà vườn. Bên cạnh đó, phát triển đô thị được chú trọng, toàn vùng có 3 đô thị đều đã được lập và điều chỉnh quy hoạch. Nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật đã, đang được triển khai thực hiện, tạo diện mạo mới cho bộ mặt đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Hòa Bình đạt khoảng 78%; huyện Lương Sơn đạt 45%; huyện Lạc Thủy khoảng 25,45%3.

Hạ tầng giao thông được thực hiện khá đồng bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển. Nhiều tuyến đường mang tính chiến lược đã được đầu tư, phát huy hiệu quả, như: đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình, đường tỉnh 435, cầu Hòa Bình 3… Tuyến đường thuộc các huyện, như: đường từ ngã ba Đông Dương, thị trấn Lương Sơn đi xã Cư Yên; đường nội thị thị trấn Lương Sơn; đường tránh Thanh Nông – Thanh Hà đi đường Hồ Chí Minh và giao thông nông thôn cũng được đầu tư nâng cấp.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Hòa Bình, VĐL đã đóng góp gần 70% thu NSNN, trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 70% quy mô kinh tế của toàn tỉnh; cũng là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất và tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất tỉnh. Trong đó, riêng thành phố Hòa Bình, năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,97%. Từ những kết quả đạt được, VĐL đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội, dần trở thành đầu tàu, lan tỏa cho sự phát triển kinh tế của tỉnh4.

Hoà Bình chuẩn bị đón sóng đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.
Các nhân tố tác động đến sự phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình

Nhóm các nhân tố bên trong

Vị trí địa lý và tài nguyên thiên nhiên của tỉnh Hòa Bình đã đem đến vị trí địa kinh tế quan trọng cùng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên phát triển du lịch5… đã góp phần thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của VĐL tỉnh Hòa Bình và giao thương với vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Dân số cùng các giá trị văn hóa và nguồn nhân lực cũng được chú trọng. Những năm gần đây, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của VĐL luôn ở mức thấp hơn trung bình của cả tỉnh. Đặc biệt, hằng năm vùng tạo ra việc làm mới cho 6.600 người (chiếm 41,3% lao động mới của cả tỉnh). Điều này chứng tỏ được khả năng và sức thu hút của người lao động6.

VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình tuy có nguồn nhân lực khá dồi dào và có xu hướng tăng lên nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Hoạt động giáo dục – đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất – kinh doanh. Do đó, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp xa so với bình quân chung cả nước (đặc biệt là vùng giáp ranh Hà Nội).

Trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (KHCN) và công tác ứng dụng KHCN vào sản xuất – kinh doanh luôn nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh. Cụ thể, công tác quản lý các nhiệm vụ KHCN được triển khai tích cực, công tác ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất được quan tâm, nhiều mô hình sản xuất mới được ứng dụng và nhân rộng góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của địa phương. Tuy nhiên, phát triển KHCN chưa tạo được sự đột phá,việc ứng dụng các tiến bộ KHCN vào sản xuất – kinh doanh còn chậm, năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo của tỉnh nói chung và của VĐL nói riêng còn hạn chế. Hoạt động đầu tư, nghiên cứu KHCN và đổi mới công nghệ trong các DN còn chậm, chưa phát huy được vai trò trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, giai đoạn 2016 – 2018, tỉnh đã dành 509 tỷ đồng vốn ngân sách xây dựng trục giao thông chính, khu xử lý nước thải, xây dựng công trình điện, đền bù quỹ đất sạch tại KCN Mông Hóa, KCN Bờ Trái sông Đà, KCN Yên Quang. Đây cũng chính là điểm mạnh để thu hút các nhà đầu tư, dự án đầu tư vào VĐL của tỉnh, góp phần thúc đẩy sự phát triển. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho VĐL của tỉnh Hòa Bình khá Đồng Bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, từ những tuyến đường chiến lược (đường Hòa Lạc – thành phố Hòa Bình, đường tỉnh 425, cầu Hòa Bình 3…) đến các tuyến đường thuộc các huyện7.

VĐL tỉnh Hòa Bình là khu vực có trình độ phát triển khá về giáo dục – đào tạo so với các địa phương khác của tỉnh, mạng lưới trường, lớp học được chú trọng đầu tư, chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng được nâng cao. Các xã, phường, thị trấn trên địa bàn VĐL đều có trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở; mỗi huyện đều có từ 2 – 4 trường trung học phổ thông, riêng thành phố Hòa Bình có 5 trường trung học phổ thông và 1 trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh, VĐL được trang bị rất tốt về hạ tầng kỹ thuật, cũng là nơi tập trung nhiều cụm, KCN với trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại hơn mặt bằng chung của tỉnh, tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh chiếm hơn 40% lĩnh vực công nghiệp của tỉnh8. Tuy nhiên, so với cả nước, trình độ phát triển của VĐL còn thấp, quy mô kinh tế và quy mô xuất nhập khẩu còn nhỏ, chưa có những sản phẩm mang tính đột phá, nộp ngân sách nhà nước không lớn, nhiều xã trong vùng còn rất khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn.

Về môi trường chính sách, tỉnh Hòa Bình được đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên quyết tâm xây dựng VĐL bằng việc ban hành các chính sách, trong đó xác định rõ vị trí chiến lược, vai trò, mục tiêu và giải pháp phát triển VĐL của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã xây dưng Đề án Phát triển VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chính nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích phát triển của các cấp lãnh đạo tỉnh, VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình đã hình thành và bước đầu đạt được một số thành quả nhất định.

Nhóm yếu tố bên ngoài

Một là, về thị trường và các mối liên hệ kinh tế liên vùng.

Trình độ phát triển của tỉnh Hòa Bình nói chung và VĐL tỉnh Hòa Bình nói riêng còn thấp so với cả nước, năng lực cạnh tranh của vùng còn yếu, chưa cân xứng với khả năng của vùng, chưa có sản phẩm mang tính đột phá tạo khả năng cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Thu nhập của người lao động trong lĩnh vực này chưa ổn định. Nhiều cơ sở sản xuất và làng nghề chưa có quy hoạch, trình độ quản lý yếu, thiếu tính liên kết. Cùng đó, cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và xúc tiến thương mại còn khiêm tốn9.

Trong lĩnh vực du lịch – dịch vụ thương mại hiện đã có sẵn tiềm năng phát triển các loại hình dịch vụ, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch gắn với thể thao sân gofl, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh… Ngành Du lịch tỉnh của vùng cũng không ngừng đa dạng hóa sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường khách du lịch lớn trong và ngoài nước. Đặc biệt là năm 2018, tỉnh đón 2.695.185 lượt khách, trong đó khách quốc tế 312.193 lượt, khách nội địa 2.382.992 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 844.898 tỷ đồng. Thu nhập từ du lịch đạt trên 1.520 tỷ10.

Lĩnh vực nông nghiệp của VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình cũng được chú trọng ở một số sản phẩm đặc sản nổi bật mang giá trị cao. Đã có nhiều hợp tác xã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực, quy mô lớn tại các địa phương. Sản phẩm của hợp tác xã có năng suất, chất lượng cao và đồng đều, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc; được tiêu thụ tại Hà Nội và một số tỉnh trong nước, được người tiêu dùng ưa chuộng và đánh giá cao11.

Mặc dù thuận lợi trong việc tạo những mối liên kết ngoại vùng nhưng sự liên kết giữa các địa phương trong và ngoài VĐL còn yếu, khiến cho vai trò làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của vùng đối với toàn tỉnh còn “mờ nhạt”, đã cản trở cho mục tiêu chung là hợp tác và phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo lợi thế cạnh tranh cho các địa phương trong VĐL cũng như tạo sức lan tỏa sự phát triển từ VĐL ra các địa phương khác của tỉnh.

Hai là, nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài.

Vốn đầu từ của các nhà đầu tư trong nước, vốn đầu tư nước ngoài làm thay đổi bộ mặt và tăng nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu lãnh thổ VĐL kinh tế. Trong điều kiện quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé, khả năng tích lũy có hạn thì việc thu hút vốn đầu tư từ bên ngoài là rất quan trọng. Theo số liệu từ Đề án Phát triển phát triển VĐL kinh tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vốn đầu tư trên địa bàn VĐL tăng nhanh: từ 2018 – 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của vùng đạt khoảng 34.780 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong vùng bằng khoảng 66,5%, vốn đầu tư khu vực nhà nước so với toàn tỉnh và khoảng 43%, vốn đầu tư của DN 77% và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng khoảng 99%12. Tuy nhiên, với vị trí liền kề vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, VĐL tỉnh Hòa Bình phải cạnh tranh với các địa phương khác trong vùng Thủ đô về thu hút đầu tư.

Hiện nay, những lợi thế đặc thù trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, du lịch – dịch vụ, công nghiệp đang được tỉnh chú trọng, coi là tâm điểm của các dự án đầu tư tầm cỡ hướng tới. Việc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào cuối năm 2018 đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư, nghiên cứu triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội với tổng số vốn lên tới hàng tỷ USD. Không chỉ những VĐL kinh tế như Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Thủy, nhiều nhà đầu tư lớn đã đề xuất các dự án trên địa bàn các huyện được xem là có nhiều khó khăn, như: Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu13.

Đề xuất một số giải pháp phát triển vùng động lực tỉnh Hòa Bình

Thứ nhất, cần ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật các KCN, trong đó quan tâm đầu tư kết nối hạ tầng ngoài hàng rào KCN; nâng tỷ lệ lấp đầy diện tích các KCN; giải phóng mặt bằng; xây dựng đường giao thông, đường điện đến địa giới quy hoạch các KCN, CCN, các khu đô thị, dịch vụ… tạo các khu đất sạch hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ hai, khuyến khích, hỗ trợ và có chính sách ưu đãi với các DN và dự án. Chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển DN vừa và nhỏ, các DN khởi nghiệp như: chính sách vay vốn, chính sách về thuế, giải phóng mặt bằng, chính sách hỗ trợ DN sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ… Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi cao hơn trong các chính sách trên đối với các DN, KCN, CCN trong VĐL; tăng tỷ lệ % phân chia các nguồn thu giữa các cấp ngân sách cho địa phương; định mức phân bổ ngân sách chi sự nghiệp; cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi riêng mang tính đặc thù cho các dự án đầu tư vào vùng kinh tế động lực; ưu tiên sử dụng quỹ đất vào mục đích đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ chung cho vùng kinh tế động lực, đặc biệt là hạ tầng KCN, cụm công nghiệp.

Thứ ba, có chính sách huy động vốn đầu tư – đây sẽ là hệ thống các biện pháp huy động vốn đầu tư một cách tích cực, toàn diện.

Đối với nguồn vốn NSNN: cần có chính sách ưu tiên cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của VĐL kinh tế, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho tỉnh để có thêm nguồn lực đầu tư cho vùng; đẩy mạnh lồng ghép các các nguồn vốn của các chương trình quốc gia, các dự án hỗ trợ của quốc tế.

Đối với khu vực ngoài nhà nước: tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo lợi thế trong việc thu hút các nguồn vốn của khu vực DN và dân cư, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào VĐL; tạo quỹ đất sạch trong VĐL để kêu gọi đầu tư; tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN, CCN trong VĐL để thu hút đầu tư; tăng cường huy động vốn đầu tư từ hình thức đầu tư PPP để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng; huy động nguồn vốn từ quỹ đất (sử dụng hiệu quả đất đai thông qua việc xây dựng tốt quy hoạch sử dụng đất; công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất.

Thứ tư, cần phát triển nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các ngành; đồng thời, tập trung dạy nghề chất lượng cao vào các ngành kinh tế mũi nhọn, các lĩnh vực trọng tâm của VĐL. Chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật bậc cao, lành nghề, đủ sức cung ứng cho các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ hiện đại trong, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài việc đào tạo nhân lực, tỉnh cũng cần có chế độ, chính sách để thu hút nhân tài và lao động có kỹ thuật đến công tác và làm việc lâu dài tại VĐL hay các sinh viên trong vùng tại các trường đại học về làm việc lâu dài trong vùng.

Thứ năm, ưu tiên đầu tư từ NSNN cho các dự án KHCN phục vụ sản xuất tại VĐL cũng như đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KHCN, chuyển giao công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân. Có các chính sách hỗ trợ DN cải tiến, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm. Nghiên cứu thành lập tổ chức tư vấn, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giúp các DN trên địa bàn vùng lựa chọn các công nghệ phù hợp với điều kiện của DN.

Khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, sử dụng công nghệ sạch. Hạn chế đầu tư vào các ngành tiêu hao nhiều năng lượng, không chấp nhận những dự án đầu tư công nghệ thấp, gây ô nhiễm môi trường.

Thứ sáu, tăng cường liên kết vùng, tổ chức đối thoại trực tiếp giữa các địa phương trong vùng và các sở, ban, ngành có liên quan để giải quyết các thắc mắc, thủ tục, khó khăn trong quá trình phát triển của địa phương trong vùng. Đồng thời, lãnh đạo cấp huyện cần thường xuyên chia sẻ thông tin với các DN – những người cần hiểu rõ, cụ thể cơ chế, chính sách ban hành. Sự trao đổi giữa các địa phương trong vùng cũng nhằm tránh sự đầu tư quá ồ ạt hoặc khai thác lợi thế chưa hợp lý ở các địa phương, dẫn tới cạnh tranh, khó thu hút nhà đầu tư hay phát triển không đúng trọng tâm đưa ra.

Ngoài ra, cần tăng cường sự liên kết giữa VĐL và các địa phương trong VĐL với các vùng ngoại vi cũng như các địa phương xung quanh nhằm tạo ra sự lan tỏa phát triển kinh tế tới những vùng và địa phương đó.

Kết luận

Từ bối cảnh và điều kiện phát triển hiện tại của tỉnh, việc thành lập và xây dựng VĐL tỉnh Hòa Bình là việc làm cần thiết nhằm tạo “sân chơi” thu hút các nhà đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế của tỉnh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, có thế mạnh của tỉnh. Điều này cũng thể hiện rõ thực tiễn xây dựng và phát triển các VĐL ở Việt Nam, trong đó có VĐL tỉnh Hòa Bình đã và đang thể hiện rõ vai trò trung tâm và vị trí đầu tàu trong các hoạt động kinh tế.

Chú thích:
1. Kế hoạch số 38/KH-UBND ngày 27/3/2018 của UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện Nghị quyết của tỉnh ủy Hòa Bình trong phát triển vùng động lực kinh tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
2,7,12. Xây dựng vùng động lực thành vùng phát triển năng động. http://baohoabinh.com.vn, ngày 23/10/2020.
3,4,9. Vùng động lực – tàu kéo phát triển kinh tế. https://www.baohoabinh.com.vn, ngày 04/01/2022.
5,6,8. UBND tỉnh Hòa Bình. Đề án Phát triển vùng động lực kinh tế tỉnh Hòa Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (năm 2017).
10. Hòa Bình phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. http://kinhtevn.com.vn, ngày 07/5/2018.
11. Du lịch Hòa Bình khẳng định vị thế phát triển. http://www.baohoabinh.com.vn, ngày 14/3/2019.
13. Gọi tên nông sản đặc trưng Hòa Bình. http://www.baohoabinh.com.vn, ngày 01/02/2019.
Bùi Thị Cẩm Tú
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam