Quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hoá ở thành phố Hà Tĩnh

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác quản lý nhà nước các hoạt động văn hoá trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế – xã hội và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, việc tôn tạo, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch, dịch vụ của thành phố Hà Tĩnh vẫn còn có những khó khăn, hạn chế nhất định, rất cần có những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này.
Văn Miếu Hà Tĩnh được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 14 (1833) trên cánh đồng thuộc làng Hoàn, xã Đông Lộ, nay là tổ dân phố Vĩnh Hòa, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh.
Khái quát về thành phố Hà Tĩnh

Thành phố Hà Tĩnh có 16 đơn vị hành chính, trong đó có 10 phường và 6 xã, với tổng diện tích tự nhiên là 57km2. Thành phố Hà Tĩnh là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh, với các kiến trúc đô thị đan xen với vùng nông thôn rất đặc trưng. Vị trí địa lý của thành phố là thế mạnh tạo điều kiện thuận lợi để thành phố phát triển sản xuất thương mại với các ngành kinh tế đặc thù đi đầu, tiếp thu nhanh tiến bộ khoa học – kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, liên kết kinh tế giữa các huyện, thành phố mở rộng nội tỉnh cũng như các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Năm 2022, thành phố Hà Tĩnh xác định là năm đột phá về văn hóa – giáo dục, tạo đòn bẩy và động lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng thành phố phát triển. Theo đó, về phát triển văn hóa, quan điểm chủ đạo được xác định là nâng cao vai trò chủ thể văn hóa của mỗi công dân; xây dựng hệ sinh thái văn hóa của thành phố, hướng tới sự đa dạng bản sắc, tạo sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế – xã hội thành phố.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định, UBND thành phố xây dựng một số nội dung trọng tâm về phát triển văn hóa, như: nâng cao chất lượng nếp sống văn hóa văn minh đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN trên lĩnh vực văn hóa, định hướng để người dân trên địa bàn sống, làm việc, ứng xử có văn hóa, hướng tới nét văn hóa riêng của người Thành Sen.

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa ở thành phố Hà Tĩnh

Hằng năm, Phòng Văn hoá và Thông tin (VHTT) tham mưu cho UBND thành phố nhiều nội dung QLNN về văn hóa, như: tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Quyết định số 45/2019/QĐ-UBND ngày 04/11/2019 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; Chỉ thị số 24-CT/HU ngày 22/11/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh.

Tham mưu thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Thành ủy thành phố Hà Tĩnh về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chiến lược phát triển Văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh. Trong đó, có các nhiệm vụ trọng tâm, như: ban hành Kế hoạch triển khai công tác QLNN trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, thông tin, truyền thông; hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền, cổ động tổ chức các HĐVH, thể thao chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc và phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham mưu tổ chức thực hiện phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo Hướng dẫn số 128/HD-BCĐPT ngày 15/3/2019 của Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh Hà Tĩnh.

Giai đoạn 2016 – 2020, phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được đảng bộ, chính quyền các cấp thành phố Hà Tĩnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp văn hóa, là nền tảng, động lực để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của thành phố. Do đó, phong trào đã phát triển đồng đều, được các cấp, các ngành tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng phong trào, trong đó, chú trọng việc xây dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Thông qua phong trào, đã góp phần làm cho đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao; số hộ gia đình, khu dân cư,cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tăng dần qua các năm.

Việc tổ chức các lễ hội trên địa bàn được bảo đảm theo quy định. Một số lễ hội đã tiếp thu có chọn lọc các nghi thức truyền thống, đồng thời đưa các HĐVH lành mạnh vào chương trình, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, đáp ứng nhu cầu của đông đảo Nhân dân. Xây dựng, tu bổ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống; hạn chế hiện tượng lợi dụng tín ngưỡng tự do để hoạt động mê tín dị đoan.

Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh có 100% xã, thị trấn có nhà văn hóa và khu chơi thể thao; 100% thôn, xóm, tiểu khu có nhà văn hóa (nhà sinh hoạt cộng đồng). Trong đó, có 70% nhà văn hóa thôn, xóm đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 100% nhà văn hóa các thôn được được đầu tư trang thiết bị cơ bản như bàn ghế, phông, bục tượng Bác, có trang bị tăng âm, loa đài phục vụ hoạt động của Nhân dân trên địa bàn. Các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, khu hoạt động thể thao được xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất,… đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao ở các xã, phường và tại các cơ quan, đơn vị, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho các tầng lớp Nhân dân.

Công tác thanh tra, kiểm tra về HĐVH cũng được quan tâm thường xuyên. Hằng năm, đội kiểm tra liên ngành văn hóa phối hợp với UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra liên ngành việc xuất bản sách, văn hóa phẩm trên địa bàn thành phố; kiểm tra, loại bỏ xuất bản phẩm, sách có nội dung trái với quy định của nhà nước. Đội kiểm tra văn hóa thành phố đã tham gia nhiều cuộc kiểm tra thực hiện nếp sống văn hóa trong các đền, chùa; kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể thao, cơ sở in ấn, quảng cáo; phối hợp với đoàn thanh tra của Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố,…

Tuy nhiên, công tác QLNN về HĐVH trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh vẫn còn có những khó khăn, hạn chế, đó là: nhận thức về QLNN đối với HĐVH của đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp còn hạn chế, thiếu tính chủ động. Việc xây dựng các kế hoạch, đề án QLNN đối với HĐVH chưa thực sự khoa học, chưa sâu sát. Một số nội dung Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu cho UBND thành phố về việc ban hành văn bản chỉ đạo các HĐVH chưa thực sự thiết thực. Một số hoạt động QLNN đối với HĐVH còn theo phong trào; kế hoạch thực hiện còn mang tính hình thức, ít có nội dung mới.

Thành phố có khá nhiều làn điệu dân gian cổ, văn hóa cồng chiêng lâu đời, có giá trị tinh thần cao, thế nhưng thế hệ trẻ ít người muốn học và không có hứng thú với loại hình văn hóa này, nên dần đang bị mai một. Những người am hiểu thì phần lớn đã cao tuổi, nên việc lên kế hoạch để phục dựng, kế thừa, xây dựng và phát triển văn hóa cồng chiêng, các làn điệu văn nghệ dân gian cổ khá khó khăn. Điều này khiến cho công tác quản lý HĐVH của thành phố Hà Tĩnh cũng gặp phải các khó khăn nhất định.

Ca trù – một trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh gìn giữ, phát huy trong đời sống.

Chính quyền một số phường, xã chưa sáng tạo trong QLNN đối với HĐVH, chưa có nhiều chương trình, đề án, kế hoạch chuyên đề phát triển văn hóa. Việc xây dựng các mô hình điểm sinh hoạt văn hóa ở cơ sở còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người dân. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ dành cho người làm công tác quản lý văn hóa, môi trường du lịch tự nhiên tại thành phố chưa có. Hệ thống thiết chế văn hóa của thành phố chưa rõ ràng nên hoạt động của đơn vị sự nghiệp về văn hóa, thể thao còn hạn chế.

Nguồn kinh phí cho các HĐVH, văn nghệ, thể thao trong QLNN đối với HĐVH ở thành phố Hà Tĩnh chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Công tác xã hội hóa về văn hóa chưa được đẩy mạnh. Việc xây dựng và sử dụng các nguồn lực, kinh phí cho QLNN đối với HĐVH ở thành phố Hà Tĩnh còn khá hạn chế, chưa được quan tâm.

Chế tài đối với các hành vi bị cấm khi công bố trên không gian mạng của thành phố Hà Tĩnh cũng chưa thống nhất và gây nhầm lẫn cho người xử lý khi áp dụng các biện pháp xử lý. Do các quy định của pháp luật về các hành vi bị cấm được công bố trên không gian mạng ở thành phố Hà Tĩnh công bố chưa đầy đủ, nên đã không đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng; thậm chí còn có biểu hiện đối phó của những cá nhân có hành vi vi phạm trong HĐVH.

Một số đề xuất mang tính giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động văn hóa ở thành phố Hà Tĩnh

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về QLNN đối với HĐVH.

Thành phố Hà Tĩnh cần phải chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác QLNN về văn hóa, thể thao và du lịch. Đẩy mạnh công tác thông tin – tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của các ngành, đoàn thể, cán bộ, công chức, viên chức và người dân về vấn đề QLNN về HĐVH. Thông tin, tuyên truyền cổ động phát triển theo hướng gọn nhẹ và hoạt động có hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền thông qua hệ thống phát thanh, truyền hình từ thành phố đến cơ sở, đội thông tin lưu động; trang bị đầy đủ, từng bước hiện đại hoá các phương tiện kỹ thuật, hệ thống thiết bị nhằm nâng cao chất lượng QLNN về HĐVH.

Thứ hai, đổi mới nội dung quản lý HĐVH trên địa bàn.

Đổi mới nội dung, phương pháp QLNN đối với HĐVH phải được tiến hành song song với đổi mới tư duy “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần các Nghị quyết về văn hóa của Đảng. Tập trung phát triển hệ thống thể chế, đầu tư và cấp vốn cho phát triển cơ sở vật chất; tiếp tục xây dựng cơ chế phân cấp, phân quyền.

Xây dựng cơ chế tự chịu trách nhiệm của các tổ chức văn hóa trong hoạt động sáng tạo và sản xuất sản phẩm văn hóa. Đổi mới tư duy lãnh đạo văn hóa, văn nghệ và tích cực phát huy tính sáng tạo của HĐVH theo hướng đổi mới, sáng tạo. Đổi mới tư duy về công tác quản lý các HĐVH của thành phố, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; thực hiện đầu tư nâng cấp trang thiết bị phục vụ công tác văn hóa trong toàn hệ thống của thành phố.

Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa các HĐVH.

Các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Hà Tĩnh luôn phải xác định văn hóa là một lĩnh vực rộng lớn, bao trùm mọi mặt đời sống xã hội và là nhu cầu thiết yếu của người dân. Để đạt được hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý, cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa. Nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các HĐVH, nâng cao nhận thức của người dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi người dân, tăng niềm tin vào các HĐVH, phát huy bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra HĐVH.

Do tính đặc thù của lĩnh vực QLNN về văn hóa, nên cần phải tập trung vào cơ chế hai chiều khi giám sát việc thực hiện QLNN về các HĐVH. Các cơ sở được giao QLNN đối với HĐVH thực hiện giám sát các HĐVH theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Nếu hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật về văn hóa, cơ quan chủ quản sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra. Cơ quan quản lý HĐVH cần khuyến khích người dân nâng cao vai trò giám sát của công dân, tố giác những hành vi sai trái của chủ hộ kinh doanh lĩnh vực văn hóa, lễ hội cũng như sự nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng của cán bộ thực thi quản lý HĐVH để xử lý kịp thời, đúng quy định.

Thứ năm, cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa phù hợp thực tiễn của địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố Hà Tĩnh cần chú trọng cụ thể hóa các văn bản quy phạm pháp luật về QLNN về văn hóa. Căn cứ vào thực tế từng nơi để xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể đối với từng xã, phường, cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Phòng Văn hóa và Thông tin cần phải chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho UBND thành phố trong công tác quản lý các HĐVH. Đồng thời, cần xác định những yêu cầu cụ thể khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực văn hóa.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII. H. NXB Chính trị quốc gia, 1998.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia, 2011.
3. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIvề xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021.
5. Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025. Hà Tĩnh, 2019.
6. Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Báo cáo kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020. Hà Tĩnh, 2020.
Phạm Thị Dung
Huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh