Nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với xây dựng “Thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc

(Quanlynhanuoc.vn) – Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, thể hiện ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc của Nhân dân Việt Nam. 76 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở để Đảng ta kế thừa đường lối xây dựng “thế trận lòng dân” đúng đắn, sáng tạo nhằm tập hợp các lực lượng yêu nước vào một mặt trận thống nhất, khơi dậy những giá trị tốt đẹp của lịch sử truyền thống dân tộc và nhân cách con người Việt Nam tạo nên thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Ảnh minh họa (tư liệu).
Đặt vấn đề

Dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam ta. Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, chúng ta đã đánh thắng nhiều thế lực ngoại xâm hung bạo, hùng mạnh, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những thắng lợi vẻ vang đó là sự đồng tâm nhất trí của Nhân dân cả nước, mà thực chất là phát huy sức mạnh toàn dân tạo thành thế trận lòng dân (TTLD). Kế thừa kinh nghiệm đánh giặc giữ nước của dân tộc; đồng thời, vận dụng một cách sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử và điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam. Với tư duy biện chứng sâu sắc và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy sức mạnh của cuộc kháng chiến ngay ở trong Nhân dân. Người chỉ rõ, “trong cuộc kháng chiến, kiến quốc, lực lượng chính là ở dân”1, “Sự đồng tâm của đồng bào ta đúc thành một bức tường đồng xung quanh Tổ quốc. Dù địch hung tàn, xảo quyệt đến mức nào, đụng đầu nhằm bức tường đó, chúng cũng phải thất bại”2… và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” đã trở thành một trong những biểu tượng mẫu mực, đỉnh cao của nghệ thuật khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân, sức mạnh của TTLD trong thời đại mới.

Nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân

Nét đặc sắc trong nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” được thể hiện trước hết ở nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ để kích thích, khơi dậy ý chí quyết tâm, khơi dậy bản sắc văn hóa của dân tộc. Ngay từ mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những cụm từ: “Hỡi”… “Không”, Hễ là người Việt Nam…”, “Chúng ta thà… chứ nhất định không…” những thuật ngữ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng một cách khéo léo, tài tình đã liên tục tác động vào tâm trạng, nhận thức, tình cảm, hình thành ý chí sục sôi, quyết tâm đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ Tổ quốc của mỗi người dân Việt Nam.

Bên cạnh đó, thuật ngữ “đồng bào” cũng được Người sử dụng hết sức tài tình. Ngay từ lời mở đầu, Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Hỡi đồng bào toàn quốc!” và sau đó Người còn nhắc lại một lần nữa ba từ “Hỡi đồng bào!”. “Đồng bào” vốn là một khái niệm dùng để gọi những người cùng nguồn cội, giống nòi, cùng dân tộc, Tổ quốc với hàm ý có quan hệ thân thiết như ruột thịt. “Đồng bào” là mạch nguồn sức mạnh nội sinh cực kỳ quan trọng. Với việc sử dụng thuật ngữ “đồng bào” một cách khéo léo, tài tình, nhuần nhuyễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy điểm tương đồng, ý thức, trách nhiệm và nghĩa vụ chung của hàng triệu con tim, khối óc “Con Lạc, Cháu Hồng” đối với Tổ quốc. Thông qua đó, phát huy hiệu quả đích thực, truyền tải và nhân lên sức mạnh to lớn, làm lay động lòng người, tác động sâu thẳm vào tư tưởng, tình cảm mỗi con người; có tác dụng thức tỉnh lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, sự kiên cường, dũng cảm ở mỗi người Việt Nam. Đồng thời, quy tụ, tập hợp lực lượng, nguồn nhân lực, tài lực, vật lực, trí lực,.. tạo thành “thế trận” để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến. Do vậy, chúng ta đánh giặc Pháp không phải chỉ bằng sức mạnh vật chất mà cả sức mạnh chính trị – tinh thần của cả dân tộc.

Thứ hai, sự sáng tạo, độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc khơi dậy, phát huy sức mạnh toàn dân tạo thành “thế trận” còn được thể hiện ở nghệ thuật tập hợp tinh thần đoàn kết trong Nhân dân, lấy mục tiêu cao nhất là Việt Nam độc lập và thống nhất, mục tiêu đó là khát vọng của Nhân dân và tất cả mọi người dân đều thấy lợi ích của mình trong đó. Trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định lực lượng chống lại kẻ “bội ước” là: “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc, là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”3. Như vậy, với việc xác định và sử dụng lực lượng một cách đúng đắn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở rộng quan niệm về quần chúng đến tất cả mọi thành phần, lực lượng trong toàn dân, không giới hạn về độ tuổi, tôn giáo, đảng phái, dân tộc…  Rõ ràng, đây không chỉ là lời kêu gọi tập hợp lực lượng cho cuộc kháng chiến, trong đó đã chứa đựng tư tưởng của đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện”. Như vậy, lực lượng tham gia cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là mọi người dân Việt Nam, không phân biệt tuổi tác, giới tính, lương giáo, đảng phái, dân tộc, thành phần giai cấp, binh sĩ, tự vệ hay dân quân,… Vì vậy, ai cũng đều thấy rõ bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của mình và phải ra sức chống thực dân Pháp cứu quốc. Nhờ việc xác định đúng lực lượng kháng chiến, Người đã quy tụ được sức mạnh của toàn dân để làm nên sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến.

Thứ ba, nghệ thuật vũ trang tinh thần cho quần chúng làm cho quần chúng tự tin. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”4. Lời kêu gọi đã chỉ ra một cách rõ ràng, cụ thể, hợp lý vị trí, vai trò của mỗi một thành phần, mỗi lực lượng trong xã hội. Từ đó, làm cho mỗi người nhận thức được mình phải làm gì, làm như thế nào ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, thiết thực đóng góp vào sức mạnh toàn dân tộc bảo vệ độc lập, tự do. Người tiếp tục khẳng định: “Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập”5. Sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc, lợi ích của Nhân dân được khẳng định trong quyết tâm sắt đá của Người: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”6. Từ lời kêu gọi đó đã lan tỏa một nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn, động viên thúc giục toàn dân ta sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Lời kêu gọi ấy không chỉ khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, mà còn được đẩy lên tầm cao mới: chống giặc ngoại xâm dựa trên mong muốn đất nước được độc lập, Nhân dân được hưởng tự do và tự quyết định đến vận mệnh của Tổ quốc.

Thực tiễn cho thấy, đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết đứng lên kháng chiến với tinh thần “mỗi quốc dân là một chiến sĩ, mỗi làng xóm là một pháo đài”. Trong khi già, trẻ, trai, gái, lương, giáo,… sát cánh cùng bộ đội đánh giặc trong từng căn nhà, góc phố, trực tiếp xây dựng công sự, chiến hào, đắp ụ, chướng ngại vật, phá hủy công trình, đường sá ngăn địch, làm trinh sát, thông tin liên lạc, binh vận, địch vận, cứu thương, vận tải,… thì cán bộ, đội viên lực lượng vũ trang tại mặt trận Hà Nội nêu cao tinh thần “quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, với bom ba càng, chai xăng và vũ khí thô sơ đã cùng nhân dân Thủ đô chiến đấu anh dũng suốt 60 ngày đêm (từ ngày 19/12/1946 – 17/02/1947), đập tan hoàn toàn kế hoạch đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 giờ của địch, góp phần thiết thực vào việc tạo điều kiện, thời gian thuận lợi cho cả nước chuyển từ thời bình sang thời chiến. Đây chính là bằng chứng sinh động và đầy thuyết phục về nghệ thuật khơi dậy và phát huy sức mạnh toàn dân từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”.

Ý nghĩa của vấn đề đối với xây dựng “thế trận lòng dân” bảo vệ Tổ quốc

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” ra đời cách đây đã 76 năm nhưng ý nghĩa lịch sử và tầm vóc thời đại của nó vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, bài học về nghệ thuật khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. Từ bài học kinh nghiệm đó, vận dụng trong công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước hiện nay, đòi hỏi quan trọng hàng đầu là phải xây dựng TTLD. Bởi lẽ, “Lòng dân” chính là cội nguồn sức mạnh của đất nước nói chung và sức mạnh quốc phòng nói riêng. TTLD chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được quy tụ tập hợp, khơi dậy, phát huy, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.

Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và TTLD, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”7. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc làm nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”8. Đây là một nội dung quan trọng trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới. So với các kỳ đại hội trước, TTLD được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Đó là sự khẳng định, bổ sung, thể hiện sự phát triển mới trong tư duy của Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Củng cố vững chắc TTLD không chỉ tạo tiền đề cho nhiệm vụ xây dựng tiềm lực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó còn là sự kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo nguồn sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào tình hình mới của đất nước. Để thực hiện tốt vấn đề này phải thông qua sách lược, định hướng mang tính khoa học, những giải pháp đồng bộ, thiết thực và khả thi. Cụ thể là:

Một là, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và văn hóa giữ nước Việt Nam trong xây dựng TTLD.

Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, sức mạnh nội sinh quan trọng làm nên mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay, Đảng ta đã khẳng định: “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”9. Vì vậy, trong công tác giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và văn hóa giữ nước Việt Nam cần tập trung vào bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và tình yêu con người Việt Nam; bồi dưỡng chủ nghĩa yêu nước xã hội chủ nghĩa; những kinh nghiệm đấu tranh giữ nước trong lịch sử dân tộc, trong đó vấn đề hiện nay là cần quan tâm bồi dưỡng về mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ xây dựng TTLD, làm cho mọi người dân hiểu rõ tính tất yếu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng một cách toàn diện về cả kiến thức, phương pháp và phẩm chất nghề nghiệp, tâm hồn trong sáng cho các chủ thể giáo dục. Thực hiện đúng tinh thần người đi giáo dục phải được giáo dục đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Hai là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa sống còn đối với cách mạng. Thông qua “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp tục khơi dậy truyền thống đoàn kết, phát huy cao độ lòng yêu nước, chí căm thù giặc, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của toàn dân, toàn quân, quyết chiến, quyết thắng chống lại kẻ thù xâm lược

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng TTLD, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân, trong đó phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm mấu hốt lấy “dân là gốc”, “cách mạng là sự nghiệp của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Nhân dân là chủ, Nhân dân làm chủ”. Đồng thời, chú trọng xây dựng và thực hiện các chính sách bảo đảm công bằng, bình đẳng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân; phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, tích cực chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong xây dựng TTLD củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Để khơi dậy, quy tụ, phát huy sức mạnh của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, quân đội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Lực lượng quân đội chính là xúc tác, gắn kết nhân dân với bức tranh quốc phòng toàn dân, là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong xây dựng TTLD cần tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng; tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tố quốc”10; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức sâu sắc nhiệm vụ cách mạng; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định, ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Chủ động phối hợp với các địa phương tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, TTLD vững chắc; nâng cao chất lượng tuyển quân, nghiên cứu, xây dựng các đơn vị dự bị động viên bảo đảm chất lượng, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu động viên quốc phòng của đất nước; huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ khai thác, sử dụng thành thạo vũ khí trang bị hiện có và năng lực làm chủ vũ khí trang bị mới, hiện đại; tăng cường giáo dục, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp; kiên quyết đấu tranh, bác bỏ những quan điểm, nhận thức sai trái; giữ vững và tăng cường trận địa chính trị tư tưởng; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ Quân đội.

Kết luận

“Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiếng gọi của non sông đất nước, là lời hịch cứu quốc, thể hiện ý chí kiên cường của Nhân dân Việt Nam và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, thống nhất quốc gia. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”, đặc biệt là nghệ thuật phát huy sức mạnh toàn dân làm cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự. Là cơ sở để Đảng ta kế thừa với đường lối xây dựng TTLD đúng đắn, sáng tạo đã luôn biết động viên, thu hút, tập hợp được hết thảy các lực lượng yêu nước vào một mặt trận thống nhất, đã khơi dậy những giá trị tốt đẹp của nhân cách con người Việt Nam, của lịch sử truyền thống dân tộc làm cho nó sinh sôi, nảy nở, đơm hoa kết trái, tạo nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 501, 179.
3, 4, 5, 6. Hồ Chí Minh. Toàn tập. Tập 4. H. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật,  2011, tr. 534, 534, 3, 534.
7. Nguyễn Phú Trọng. Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. H. NXB. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2019, tr. 80.
8, 9, 10. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 49, 54, 67.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Quang Bình. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” – cương lĩnh về khát vọng hòa bình của dân tộc” Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 15/12/2021.
2. Nguyễn Xuân Thành. “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử, ngày 12/12/2011.
ThS. Trịnh Minh Thế
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng