Quản trị truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước

(Quanlynhanuoc.vn) – Quản trị truyền thông trong quản lý nhà nước có vai trò quan trọng trong việc quản trị chuỗi thông tin và đánh giá tác động của nó đối với hoạt động quản lý nhà nước. Hoạt động truyền thông không mới nhưng tiếp cận theo hướng quản trị truyền thông trong quản lý nhà nước hiện nay là cách tiếp cận mới và cấp thiết. Bài viết phân tích làm rõ bản chất, vai trò, mục đích, nội dung, yêu cầu của quản trị truyền thông trong quản lý nhà nước.
Ảnh minh họa (internet).
Quản trị truyền thông

Bản chất của truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước (QLNN) là quá trình truyền đạt, cung cấp, phổ biến thông tin mang tính hai chiều từ các cơ quan nhà nước (CQNN) đến với công chúng nhằm định hướng dư luận hướng tới thay đổi hành vi, thái độ của công chúng đối với các CQNN và ngược lại, các CQNN thu thập thông tin phản hồi từ công chúng, từ đó có những thay đổi, điều chỉnh quá trình xây dựng ban hành chính sách và phương pháp quản trị cho phù hợp. Thông qua hoạt động truyền thông nhằm thiết lập và duy trì các mối quan hệ giữa các cơ quan, tổ chức (CQTC) với công chúng; tạo sự hài lòng của công chúng đối với các CQTC, đồng thời phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của CQNN.

Quản trị truyền thông (QTTT) là việc áp dụng các công cụ, phương pháp quản trị vào quá trình truyền đạt thông tin, bao gồm: việc hoạch định, tổ chức, chỉ đạo, kiểm soát các hoạt động truyền thông của tổ chức nhằm đạt được mục tiêu đã định. Hay nói một cách đơn giản, QTTT là một chuỗi các hoạt động đã được lên kế hoạch có chủ đích, có mục đích, mục tiêu rõ ràng nhằm thiết lập mối quan hệ truyền thông hai chiều, xây dựng hình ảnh, nâng cao uy tín của tổ chức với công chúng.

Để QTTT có hiệu quả, các nhà lãnh đạo, quản lý các cấp cần xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu phát triển truyền thông, coi QTTT cũng là một nội dung quan trọng trong quản trị tổ chức. Ngoài hoạt động quản trị chuỗi giá trị thông tin, cần xây dựng và phát triển truyền thông và coi như một nội dung phát triển của CQTC. Bằng hoạt động QTTT, các CQTC truyền tải thông tin đến với người dân, đồng thời, cung cấp thông tin để người dân, doanh nghiệp biết được tiến trình và kết quả hoạt động của CQTC, hỗ trợ việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả QLNN.

Chủ thể QTTT trong QLNN, bao gồm: (1) Các CQNN (cụ thể hơn là các cấp lãnh đạo, quản lý trong CQNN), trong thực tế một số CQNN hình thành các đơn vị chuyên trách, như: Vụ truyền thông và Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế, Vụ Truyền thông của Ngân hàng Nhà nước…; (2) Bản thân cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các thành viên trong tổ chức vừa là chủ thể QTTT vừa là đối tượng thực hiện truyền thông; (3) Các cơ quan thông tấn, báo chí.

Nội dung QTTT trong QLNN, bao gồm: quản trị chuỗi thông tin đầu vào và thông tin đầu ra; nguồn tin, xuất xứ nguồn tin; nội dung thông tin; kênh thông tin và kết quả truyền thông, QTTT trong QLNN nó liên quan đến mọi hoạt động của CQNN; gắn với chức năng, nhiệm vụ của hoạt động QLNN.

Vai trò của quản trị truyền thông đối với hoạt động của cơ quan nhà nước

Thứ nhất, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, với sự phát triển nhanh và lan tỏa rộng của truyền thông, đặc biệt là truyền thông điện tử, truyền thông số có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội. Đối với hoạt động của các CQNN, QTTT đóng vai trò quan trọng, thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, cung cấp đầy đủ, chính xác, thông tin kịp thời về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo niềm tin, sự đồng thuận cho xã hội, tạo nội lực để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, thông qua hoạt động QTTT giúp cho các CQNN có thể xây dựng và ban hành chính sách được tốt hơn thông qua hệ thống thông tin phản hồi từ các kênh truyền thông, đặc biệt kênh thông tin điện tử, giúp phản hồi nhanh nhạy, từ đó, các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền xây dựng và ban hành chính sách có biện pháp điều chỉnh, xây dựng và ban hành chính sách có tính khả thi. Mặt khác, truyền thông sẽ chuyển tải mọi chủ trương, chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội đến với người dân nhanh hơn, chính xác hơn.

Thứ ba, truyền thông giúp cho các CQTC tuyên truyền, thăm dò ý kiến của dư luận để có thể điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, đồng thời thúc đẩy hoạt động của CQTC phát triển phù hợp hơn theo xu hướng của thời đại.

Thứ tư, QTTT, đặc biệt truyền thông điện tử, truyền thông số giúp cho các CQTC, nhà lãnh đạo, quản lý nhận được sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp, thông qua đó giúp cho người dân và doanh nghiệp hiểu chính xác hơn về chủ trương, chính sách của Nhà nước và hơn thế nữa phát triển mối quan hệ và tạo được uy tín, niềm tin của người dân với Nhà nước.

Thứ năm, QTTT có vai trò quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý tổ chức. Truyền thông vừa là phương tiện, là cầu nối thông tin giữa CQNN với các tổ chức, công dân trong xã hội; vừa là đối tượng mà CQNN, các nhà lãnh đạo, quản lý cần ứng xử như một nhóm công chúng bên ngoài. Truyền thông đưa thông tin do các CQNN cung cấp đến xã hội và phản hồi ý kiến về các vấn đề của người dân.

Mục đích, yêu cầu của quản trị truyền thông trong hoạt động quản lý nhà nước

Một là, bảo đảm đúng các quy định của pháp luật. QTTT cần tuân thủ các quy định của pháp luật, đúng với chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các nhà QTTT cần tuân thủ đúng quy định những điều mà cán bộ, công chức, viên chức nhà nước được làm và những điều không được làm theo luật và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Mặt khác, cần có chiến lược truyền thông; có phương thức truyền thông phù hợp với từng nội dung; lựa chọn kết nối với các cơ quan thông tấn, báo chí; các kênh truyền thông. Các phương thức truyền thông phù hợp, đúng quy định cả về nội dung và hình thức, phù hợp với văn hóa, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ.

Đặc biệt, phải phù hợp với quan điểm của Chính phủ đã được quy định cụ thể tại Quyết định số 1497/2018/QĐ – TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển thông tin quốc gia 2025 tầm nhìn 2030. Trong đó, “Hoạt động thông tin và các loại hình thông tin ở nước ta đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật. Phát triển nhanh, mạnh, vững chắc với cơ cấu, quy mô hợp lý các loại hình thông tin theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển khoa học và công nghệ, thông tin, truyền thông thế giới, đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của nhân dân, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, ngang tầm với trình độ phát triển thông tin của các nước trong khu vực và thế giới”1.

Hai là, bảo đảm tính khách quan, khoa học. Bản chất của QTTT là quản trị chuỗi thông tin, do đó nội dung thông tin phải chính xác, rõ ràng, cụ thể và đúng với chức năng, nhiệm vụ, tổ chức đang thực hiện và với vị trí của người phát nâng cao uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế; phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng

ngôn, cung cấp thông tin. Tiếp đến cần xác định mục tiêu, nội dung và đối tượng cần truyền thông để từ đó xác định các nội dung công việc tiếp theo cho phù hợp. Hơn thế nữa, các CQTC cần có kế hoạch, có định hướng truyền thông; bảo đảm chất lượng nội dung thông tin, đổi mới phương thức thông tin theo hướng chủ động, kịp thời, nhanh nhạy, toàn diện, phong phú; bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng, phù hợp với trình độ tiếp nhận của từng đối tượng và điều kiện kinh tế – xã hội của từng vùng, miền và từng lĩnh vực. Thông tin có trọng tâm, trọng điểm trong từng thời gian nhất định. Cần lựa chọn các kênh truyền thông và phương thức truyền thông phù hợp để việc truyền thông đạt hiệu quả. Có cơ chế kiểm tra hoạt động truyền thông nhằm phát hiện những sai lệch để có thể điều chỉnh kịp thời.

Ba là, bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của CQTC. Hoạt động truyền thông phải là hoạt động có tính thường xuyên, liên tục; không phải “chờ khi tổ chức có vấn đề” mới chú trọng đến truyền thông. Để thực hiện tốt yêu cầu này, nhà QTTT cần quan tâm kết hợp nhiều hình thức truyền thông, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào hoạt động truyền thông thông tin. Các nội dung truyền thông cần phải lựa chọn phù hợp với định hướng chiến lược truyền thông của ngành, của tổ chức, của Đảng và Nhà nước. Mỗi giai đoạn hoạt động của tổ chức nên chọn cách thức truyền thông bảo đảm hiệu quả nhất.

Các hình thức truyền thông cũng cần căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; sản phẩm, dịch vụ của tổ chức, mục đích không chỉ cho công chúng tin, hiểu mà còn giới thiệu sản phẩm, kết quả hoạt động của tổ chức, từ đó, tạo dựng niềm tin, có tính thuyết phục hơn tới công chúng. Chẳng hạn, truyền thông về kết quả thực hiện cải cách hành chính nhà nước về quá trình quản lý tổ chức, bộ máy, về hệ thống quy trình, thủ tục, về các triết lý, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi mà các CQTC theo đuổi về các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội hoặc các chiến lược ngành. Có như vậy mới phát huy được vai trò của truyền thông, hoạt động thường xuyên, liên tục, đúng chiến lược của tổ chức, nội dung thông tin phù hợp với bối cảnh thực tế, với mục đích mà nền công vụ đang thực hiện.

Bốn là, bảo đảm chất lượng, hiệu quả thông tin. Để QTTT có hiệu quả, ngoài những yêu cầu nêu trên, hoạt động truyền thông cần bảo đảm chất lượng thông tin. Vì vậy, đối với các nhà QTTT cần nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức thông tin theo hướng: thông tin có trọng tâm, trọng điểm; chủ động, kịp thời, nhanh nhạy, toàn diện, phong phú, bảo đảm định hướng chính trị, tư tưởng, phù hợp với trình độ tiếp nhận của người dân. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý, đánh giá hiệu quả công tác thông tin theo định kỳ hoặc theo từng hoạt động.

Năm là, cần phát huy sức mạnh của truyền thông điện tử, truyền thông số. QTTT trong bối cảnh thực hiện chính phủ điện tử, hướng tới xây dựng, thực hiện Chính phủ số, QTTT cần dựa trên nền tảng dữ liệu số của tổ chức. Các nhà QTTT cần phát huy tối đa truyền thông điện tử, truyền thông số, thể hiện tính chuyên nghiệp hơn bằng cách truyền thông được công nghệ hóa, ISO hóa, chuẩn hóa để tạo ra các kết quả không những chính xác mà còn đo lường được. Chuẩn hóa hệ thống thông tin các CQTC, làm cơ sở xác minh thông tin; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ – thông tin theo xu hướng chung của thế giới góp phần vào quản lý thông tin, đặc biệt là thông tin điện tử, thông tin trên mạng; áp dụng công nghệ – thông tin phục vụ bảo đảm an toàn thông tin; bảo mật dữ liệu thông tin.

Để làm được, đòi hỏi các cơ quan QTTT phải hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ để phát triển truyền thông điện tử. QTTT chuyên nghiệp cần bảo đảm sử dụng các phương thức truyền thông chuyên nghiệp, được chuẩn hóa để tạo ra các kết quả có chất lượng. Cung cấp đầy đủ các yêu cầu về thông tin, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã quy định. Cần hướng tới QTTT như một công nghệ. Tuy nhiên, sự hạn chế về công cụ, phương tiện tiếp cận thông tin của người dân, sự thụ động của người dân trong sử dụng internet, sự thờ ơ của dân chúng đối với các vấn đề của QLNN nói chung mà chỉ quan tâm khi động đến quyền lợi trực tiếp của bản thân hay gia đình, vừa là kết quả của QTTT, vừa là một rào cản đối với quá trình này.

Chính vì vậy, số hóa hoạt động của Chính phủ cũng cần sự nâng cao dân trí, cải thiện hạ tầng công nghệ thông tin công cộng và cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến quá trình hành chính nói chung là điều kiện khả thi của QTTT trong bối cảnh số. Mặt khác, trong bối cảnh số, hệ thống dữ liệu được tích hợp và phản ứng một cách thông minh trước các nhu cầu của người dùng thì tính cá nhân, cảm xúc của các bên liên quan có thể được “làm mờ” hoặc biến đổi so với thực tế.

QTTT nói chung và QTTT trong hoạt động QLNN nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng, bởi muốn đổi mới quản trị đất nước, muốn phát triển tổ chức hay quốc gia theo xu thế phát triển của thế giới, của thời đại thì thông tin luôn phải đi đầu, trong đó truyền thông cần được chú trọng và phải thực hiện đầu tiên. QTTT trong QLNN là nội dung rộng: từ việc xây dựng kế hoạch, thiết lập các phương tiện truyền thông đến phương pháp, kỹ năng truyền thông đến việc quản trị chuỗi thông tin đầu vào, đầu ra cho đến quản trị đánh giá tác động của nó đối với hoạt động QLNN.

Chú thích:
1. Khoản 1, 2 Điều 1 Quyết định số 1497/2018/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Báo chí năm 2016.
2. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016.
3. Nghị định số 09/2017/NĐ – CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước.
4. Quyết định số 1497/2018/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
TS. Nguyễn Thị Hà
Học viện Hành chính Quốc gia