(Quanlynhanuoc.vn) – Vai trò của phụ nữ trong quản lý nhà nước tại Việt Nam đã được tăng cường, có đóng góp quan trọng và đa dạng vào các cấp quản lý nhà nước, từ cấp cơ sở đến cấp quốc gia, trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức và hạn chế đối với sự tham gia của phụ nữ trong quản lý nhà nước tại Việt Nam, điều này đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh các chính sách và biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào hoạt động quản lý nhà nước.
Thực tiễn vai trò của phụ nữ trong hoạt động quản lý nhà nước ở Việt Nam
Với tỷ lệ 39% nữ giới làm lãnh đạo đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới, sau Philippines và Nam Phi. Tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022-2027, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, trong suốt lịch sử xây dựng và giữ vững quốc gia, phụ nữ Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, trở ngại và đóng góp to lớn bằng bản lĩnh, ý chí, nghị lực, lòng nhân ái, nhân hậu, đức hy sinh và sự nỗ lực phấn đấu. Họ đã xây dựng và bảo vệ sự vững chắc và truyền thống văn hóa đặc biệt của Việt Nam.
Theo báo cáo thường niên về đề tài “Phụ nữ trong kinh doanh” do Grant Thornton International phát hành, dù đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp tầm trung trên toàn cầu đã đạt 31%. Ở Việt Nam, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, trách nhiệm đã được phát huy cao nhất. Cấp hội cùng với cán bộ và hội viên phụ nữ trên khắp đất nước đã đồng lòng và chung sức nỗ lực để tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh. Họ đã thể hiện sự sáng tạo và hiệu quả trong các phương pháp và mô hình đối phó, đồng thời tổ chức nhiều chương trình thiết thực và ý nghĩa, mang đậm tinh thần của tổ chức hội và phụ nữ.
Hiện nay, tỉ lệ phụ nữ giữ các vai trò cấp cao vượt qua mức 30% trên toàn cầu là một cột mốc quan trọng cho các doanh nghiệp, tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Để đạt được sự cân bằng giới trong công sở và tận dụng những lợi ích từ đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục hành động để giúp phụ nữ xác định được mục tiêu lớn của mình. Thực tế, Việt Nam đã vượt qua mức trung bình toàn cầu với tỉ lệ 39% (tăng 6% so với năm 2020), đứng ở vị trí thứ 3 trên thế giới trong số 29 quốc gia được khảo sát. Xếp sau Philippines và Nam Phi, Việt Nam đứng ngang với Brazil, Ấn Độ và đứng thứ 2 tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương sau Philippines với tỷ lệ 48%.
Tình hình tham gia nữ giới vào công tác lãnh đạo và quản lý ngày càng gia tăng. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên tăng so với nhiệm kỳ trước đó. Tại Quốc hội, tỷ lệ nữ đại biểu vượt qua 30%, cao hơn mức trung bình toàn cầu và khu vực, đồng thời đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Tỷ lệ nữ giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các bộ, cơ quan ngang bộ vượt qua 50%. Nguồn nhân lực nữ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học cũng tăng đáng kể. Đồng thời, tỷ lệ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, xếp thứ 9/58 quốc gia được nghiên cứu. Nhiều doanh nhân nữ đã xây dựng được uy tín và đạt xếp hạng cao cả trong khu vực và trên thế giới.
Trong lĩnh vực kinh doanh, kết quả đáng khích lệ khác liên quan đến các vai trò lãnh đạo mà phụ nữ đang đảm nhiệm. Theo nghiên cứu của Grant Thornton International, số lượng phụ nữ đảm nhận các vai trò trong C-suite đã tăng so với năm trước, với tỷ lệ nữ Giám đốc điều hành (CEO) tăng 6 điểm phần trăm lên 26%, nữ Giám đốc tài chính (CFO) cũng tăng 6 điểm phần trăm lên 36% và nữ Giám đốc vận hành (COO) tăng 4 điểm phần trăm lên 22%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ giữ các vị trí cấp cao như quản trị nhân sự đã giảm nhẹ xuống còn 38% (giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2020) và có xu hướng giảm kể từ năm 2019.
Thách thức và khó khăn
Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.
Bình đẳng giới là một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và cũng là mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế. Việc nâng cao quyền lực và vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị luôn là một thách thức đối với các định kiến và quan niệm xã hội. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.
Với tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, đây là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ thời điểm đất nước thống nhất (từ khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981), Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 30%. Theo thống kê của Liên minh Nghị viện Thế giới, trước cuộc bầu cử, Việt Nam đứng thứ 71 trên thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử, Việt Nam đã tiến lên vị trí thứ 51. Đây thực sự là một thành tựu đáng kể trong cuộc bầu cử gần đây và đưa Việt Nam từ vị trí thứ 9 lên vị trí thứ 4 trong khu vực châu Á.
Ở cấp địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu trong Hội đồng nhân dân cho nhiệm kỳ 2021-2026 đã tăng ở cả ba cấp tỉnh, huyện và xã. Tại cấp tỉnh, tỷ lệ này đạt 29%, trong khi tại cấp huyện và xã, tỷ lệ tương ứng là 29,1% và 29%. Như vậy, tỷ lệ nữ đại biểu trong Hội đồng nhân dân đã tăng lên hơn 2 điểm phần trăm so với nhiệm kỳ trước đó.
Số lao động có việc làm trong nền kinh tế đã liên tục tăng theo thời gian. Năm 2019, tổng số lao động đạt 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 28,8 triệu người là lao động nam và 25,9 triệu người là lao động nữ. Có sự chuyển dịch cơ cấu lao động tiếp tục diễn ra, trong đó tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục tăng, trong khi tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm.
Khi xem xét hai nhóm lao động dễ bị tổn thương, chúng ta có thể thấy rằng, tỷ lệ lao động giữa nam giới và nữ giới ở Việt Nam là tương đương. Tuy nhiên, phụ nữ đối diện với nguy cơ cao hơn gấp đôi trở thành lao động gia đình. Năm 2019, có 5 triệu lao động gia đình là phụ nữ, chiếm 2/3 tổng số lao động gia đình ở Việt Nam. Phụ nữ nông thôn chiếm gần 1/4 tổng số việc làm (17,6 triệu lao động) trong khi nam giới chỉ chiếm 13% (2,7 triệu lao động) trong tổng số việc làm của nam giới ở nông thôn (19,5 triệu).
Nhìn vào tình hình việc làm, chúng ta có thể thấy những khó khăn đáng kể mà phụ nữ đang phải đối mặt. Cơ cấu lao động trong nền kinh tế cho thấy chỉ có 43% phụ nữ có việc làm là lao động công ăn lương, trong khi tỷ lệ này đối với nam giới là 51,5%. Đồng thời, tỷ lệ lao động gia đình không được trả công ở nam giới là 9,2%, trong khi con số này đối với nữ giới cao gấp đôi, là 19,4% trong năm 2019. Tỷ lệ phụ nữ làm công ăn lương đã tăng từ 37,9% vào năm 2017 lên 43% vào năm 2019. Do đó, mục tiêu “Tăng tỷ lệ lao động nữ làm công hưởng lương lên đạt 50% vào năm 2025 và khoảng 60% vào năm 2030” của Chiến lược Phát triển Bền vững giai đoạn 2021-2030 là khá khả thi.
Khoảng cách thu nhập giữa nam giới và nữ giới vẫn là thực tế đáng lo ngại. Theo số liệu năm 2019, thu nhập bình quân một tháng của lao động nam là 6,5 triệu đồng, cao hơn lao động nữ đến 30%. Trong đó, lao động nữ tại khu vực nông thôn thấp hơn nữa, chỉ đạt 3,7 triệu đồng một tháng. Khoảng cách thu nhập giữa nam và nữ đặc biệt lớn ở nhóm lao động lớn tuổi và khu vực kinh tế nông nghiệp. Tình trạng này cần được giải quyết để đảm bảo sự công bằng và tăng cường vai trò của phụ nữ trong kinh tế.
Kinh nghiệm từ góc nhìn quốc tế
Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ 1979 (CEDAW), 180 quốc gia phê chuẩn hoặc ký kết (90% thành viên Liên hợp quốc), 1981 có hiệu lực, Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn đầu tiên (1981). CEDAW là kết quả hơn 30 năm đấu tranh của Ủy ban về địa vị phụ nữ Liên hiệp quốc, góp phần thúc đẩy bình đẳng giới. CEDAW vừa giải thích rõ ý nghĩa bình đẳng giới, vừa chỉ ra giải pháp,… để có được bình đẳng. Ít nhất 4 năm một lần các nước tham gia CEDAW phải đệ trình báo cáo quốc gia cho Tổng thư ký Liên hợp quốc về kết quả thực hiện. CEDAW là công ước quốc tế đầu tiên về quyền phụ nữ, chỉ ra những ảnh hưởng của văn hóa và truyền thống làm giới hạn quyền của người phụ nữ.
(1) Trung Quốc đã xây dựng Đề cương phát triển phụ nữ Trung Quốc giai đoạn 2021-2030, tập trung 8 lĩnh vực: y tế, giáo dục, kinh tế, tham gia ra quyết định và quản lý, an sinh xã hội, xây dựng gia đình, môi trường và pháp luật, Chương trình Phụ nữ đề xuất 75 mục tiêu chính và 93 giải pháp chiến lược.Duy trì tỉ lệ hợp lý đảng viên nữ; tăng dần tỉ lệ nữ trong hội đồng nhân dân, cấp ủy, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan nhà nước; tăng dần cấp trưởng; 30% cấp ủy thôn; 50% cấp ủy tổ dân phố; 40% nữ trưởng ban dân phố.
(2) Canada là nước có nhiều biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới như: chỉ định số lượng nội các phải cân bằng giới; bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy nhà nước; xây dựng Bộ Công cụ phân tích giới; xây dựng chương trình kèm cặp, giúp đỡ của các chính trị gia có kinh nghiệm, đã nghỉ hưu.
(3) Pháp quy định trong Luật bầu cử mỗi đảng phải đề cử số ứng cử viên bằng nhau của cả hai giới. Năm 2017, nhiệm kỳ Tổng thống Macron số đại biểu nữ được bầu đạt kỷ lục 223/577 (trước đó là 155), xếp hạng từ 64 lên 17/thế giới về số lượng nghị sĩ, 6/Châu Âu (vượt qua Anh, Đức). Ngân sách của 1 đảng sẽ bị hạn chế nếu phụ nữ không chiếm ít nhất 49% số ứng cử viên trong bầu cử, đưa ra thông điệp: “đây cũng là trách nhiệm của bạn – chúng tôi cần bạn”.
(4) Nauy có Đạo luật Bình đẳng và chống phân biệt đối xử quy định khi một cơ quan bổ nhiệm hoặc lựa chọn một ủy ban, hội đồng, tòa án, phái đoàn,… phải có đại diện của hai giới.
(5) Bỉ, trong Hiến pháp quy định: “Thượng viện bao gồm không quá hai phần ba số thượng nghị sĩ cùng giới tính”.
(6) Thụy Điển có 12/22 bộ trưởng nữ; chính sách: lồng ghép giới trong mọi công đoạn của chính sách, ở mọi cấp, trong đó ngân sách giới là nhân tố quan trọng; thực hiện “Chiến lược đôi”: Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và xây dựng kế hoạch để thực hiện mục tiêu bình đẳng giới; quy định tất cả số liệu thống kê phải có tách biệt giới.
(7) Argentina có Đạo luật về chỉ tiêu năm 1991 yêu cầu ít nhất 30% số người trong danh sách bầu cử cho các vị trí lập pháp quốc gia phải là phụ nữ. Bộ luật Bầu cử quy định danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội phải được xếp xen kẽ nam và nữ từ ứng cử viên chính thức đầu tiên đến ứng cử viên thay thế cuối cùng.
(8) Nam Phi quy định trong Đạo luật Chính quyền địa phương, các đảng phải bảo đảm 50% ứng cử viên trong danh sách là phụ nữ trong các cuộc bầu cử hội đồng địa phương. Đạo luật cấu trúc thành phố yêu cầu bảo đảm 50% ứng cử viên trong danh sách của đảng là phụ nữ, các ứng cử viên nam và nữ được phân bổ đồng đều trong danh sách.
(9) Đông Timor quy định trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2006 (sửa đổi năm 2011) quy định 1 trong số 3 ứng cử viên trong danh sách bầu cử phải là phụ nữ.
Một số vấn đề cần quan tâm
Thứ nhất, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Thứ hai, bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: chính sách, pháp luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ…
Thứ ba, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và hệ thống chính trị đối với việc thực hiện có hiệu quả nghị quyết, chủ trương của Đảng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và những mục tiêu, chương trình về bình đẳng giới.
Thứ tư, bổ sung, thực hiện có hiệu quả các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới sát với thực tiễn Việt Nam; có giải pháp khắc phục khó khăn, thách thức, hạn chế về: chính sách, pháp luật; tính bền vững của kết quả đạt được; tạo cơ hội bình đẳng cho phụ nữ; rút ngắn khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa cán bộ nam và cán bộ nữ…
Tạo sự liên kết mạnh mẽ giữa các phong trào, chiến dịch và hoạt động của tổ chức với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và quốc gia. Bảo đảm lợi ích của tổ chức, các thành viên và phụ nữ được liên kết với lợi ích của quốc gia và dân tộc. Tích cực đề xuất với các cấp có thẩm quyền để tổ chức tham gia giải quyết các vấn đề thiết thực mà xã hội và phụ nữ quan tâm đến.
Phong trào phụ nữ và bình đẳng giới tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể. Trong suốt 5 năm qua, phụ nữ Việt Nam và các tổ chức hội đã tham gia tích cực và hiệu quả vào nỗ lực chung của hệ thống chính trị và xã hội. Đóng góp của họ đã giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, thành công trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu. Kết quả đã đạt được là sự phát triển toàn diện và các thành tựu quan trọng, tạo nên dấu ấn đáng kể trong quá trình phát triển của đất nước.