Phát triển thương mại điện tử bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Thương mại điện tử, trụ cột của nền kinh tế số đã bứt phá và duy trì được tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc nổi lên như một điểm sáng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhiều năm liên tục Hà Nội xếp ở vị trí số 2 cả nước về các chỉ số phát triển thương mại điện tử. Tuy nhiên, chất lượng phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội còn nhiều vấn đề đặt ra, như: hạ tầng viễn thông, nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về thương mại điện tử, chiến lược phát triển thương mại điện tử… Bài viết đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững trên địa bàn Hà Nội.
Ảnh minh họa (internet).
Tổng quan về phát triển và quản lý thương mại điện tử bền vững

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO): “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình, cả các sản phẩm giao nhận cũng như những thông tin số hoá thông qua mạng internet”1.

Tại khoản 4 Điều 6 và khoản 4 Điều 10 Luật Giao dịch điện tử năm 2005: “Thương mại điện tử là hoạt động thương mại bao gồm tất cả các hoạt động thương mại trong đó các bên tham gia sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông mạng để kết nối với nhau nhằm thực hiện việc mua bán hàng hóa, dịch vụ hoặc trao đổi thông tin thương mại khác”.

Vậy, tính bền vững có tầm quan trọng lớn trong phát triển thương mại điện tử (TMĐT) như thế nào? Trong đó có, nhiều nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách đã đặt câu hỏi về mức độ nhận thức và trách nhiệm xã hội của công ty cung ứng dịch vụ TMĐT đối với môi trường.

Sự ủng hộ bảo vệ môi trường xanh của các nhà cung ứng và các sản phẩm có lợi cho môi trường trong các giao dịch TMĐT đã góp phần nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng và đó là một tiêu chí của TMĐT bền vững. Điều này mang lại sự hài lòng của người tiêu dùng2, đồng thời tạo dựng niềm tin từ phía người tiêu dùng. Ở khía cạnh xã hội, phát triển bền vững TMĐT bao gồm nhu cầu phát triển con người và phát triển văn hóa3. Ở khía cạnh này, người ta quan tâm đến việc TMĐT sẽ tác động tích cực đến người tiêu dùng như thế nào. Người tiêu dùng mong muốn sức khỏe tốt hơn, môi trường xanh và cộng đồng có trách nhiệm với xã hội trong hoạt động kinh doanh trực tuyến hằng ngày. Như vậy, khái niệm TMĐT của các tổ chức thế giới và các quốc gia có sự khác nhau về độ rộng, nội dung ứng dụng điện tử viễn thông vào các hoạt động thương mại.

Lý thuyết về phát triển TMĐT được nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia hoạch định chính sách đề cập trong các nghiên cứu chuyên đề và các sách trắng TMĐT các quốc gia. Một quan điểm phổ biến phát triển TMĐT là sự gia tăng về khối lượng, giá trị thương mại giao dịch điện tử, là sự đóng góp giá trị kinh tế – xã hội, việc làm, thu nhập cho người dân, bao gồm: sự tăng trưởng quy mô kinh tế, chất lượng và cơ cấu, nâng cao về sự hài lòng của người bán và người mua, đồng thời tạo ra tác động lan tỏa lớn đối với các ngành, nghề trong nền kinh tế quốc dân.

Như vậy, phát triển TMĐT bền vững đòi hỏi sự cân bằng giữa các lợi ích kinh tế – xã hội, đồng thời bảo đảm tác động đến môi trường được giảm thiểu và tạo ra sự bền vững kinh tế lâu dài. Đề cập đến phát triển TMĐT ở Việt Nam, theo chiến lược phát triển TMĐT quốc gia gắn liền với lý thuyết phát triển TMĐT bền vững, thì trong đó đòi hỏi cân bằng lợi ích kinh tế – xã hội, môi trường.

Thực trạng phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố Hà Nội
Các yếu tố tác động đến chiến lược phát triển thương mại điện tử

Một là, xu thế kinh tế số và xu thế công nghệ thông tin (CNTT). Trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều quốc gia đang chuyển dịch nền kinh tế của mình để tạo nên hình thái kinh tế số. Nền kinh tế số khai thác các ưu việt của công nghệ số để tối ưu hoạt động sản xuất – kinh doanh, tìm ra phương án tổ chức hiệu quả và giá trị mới từ yếu tố số. Dựa trên các nền tảng số, hoạt động kinh doanh nhanh chóng được triển khai với chi phí thấp hơn so với phương án sử dụng mạng lưới vật lý.

Ngoài ra, sự bùng nổ về công nghệ, trong đó có các công nghệ cho phép hình thành các mô hình kinh doanh đột phá. Các công nghệ thông minh, như: phân tích, trí tuệ nhân tạo, mô phỏng đang thay đổi bức tranh sản xuất – kinh doanh. Xu thế kết nối bao trùm thông qua công nghệ viễn thông thế hệ mới và sự phổ biến của thiết bị di động cho phép nâng cao mức độ tương tác giữa nhà cung cấp và khách hàng. Từ đó tác động mạnh mẽ đến các giao dịch thương mại và phát triển TMĐT tốc độ cao thay thế.

Hai là, xu thế mạng xã hội. Mạng xã hội là một dạng nền tảng số, trên đó các hoạt động truyền thông và kinh doanh kết hợp, bổ sung và tạo ra hiệu ứng cộng hưởng. Các nhà cung cấp cạnh tranh không chỉ bằng sản phẩm và dịch vụ mà còn qua việc bổ sung các tiện ích đi kèm với môi trường kinh doanh để vừa lòng khách hàng. Thông qua phương thức truyền thông này, vai trò và quyền lực của khách hàng trong hoạt động kinh doanh được thể hiện rõ, tác động mạnh mẽ vào các thói quen kinh doanh và mua sắm các sản phẩm dịch vụ. Dữ liệu kinh doanh được thu thập thông qua mạng xã hội giúp doanh nghiệp (DN) có thể có được cái nhìn sâu sắc về nhu cầu và trải nghiệm của khách hàng, qua đó, DN có cơ hội cải tiến sản phẩm của mình. Các nền tảng dựa trên mạng internet cho phép DN có thể triển khai các mô hình hoạt động vượt qua các giới hạn địa lý với chi phí thấp hơn so với cách thức truyền thống. Tuy nhiên, các nhà quản lý và DN cũng phải đối mặt với các thách thức về pháp lý và cạnh tranh đặc thù trên môi trường số.

Ba là, xu thế chính sách quản lý. TMĐT cũng chịu tác động của sự thay đổi trong các chính sách quản lý của cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt về bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Các chính sách về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu khách hàng với các chế tài thương mại đang được nhiều quốc gia áp dụng. Các thay đổi về chính sách quản lý TMĐT tác động đến chiến lược phát triển TMĐT.

Những kết quả phát triển thương mại điện tử đạt được trong thời gian qua

Theo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), báo cáo chỉ số TMĐT (EBI) trong giai đoạn 2018 – 2022, Hà Nội luôn đứng thứ hai về phát triển TMĐT (sau TP. Hồ Chí Minh).

Điều này cho thấy, tác động rất lớn của quy mô thị trường, đồng thời chứng tỏ năng lực ứng dụng công nghệ dựa trên nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT của thành phố Hà Nội so với các địa phương trong cả nước. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 – 2022 chứng kiến sự phát triển bùng nổ của TMĐT trong bối cảnh hậu cuối đại dịch Covid-19 và sự thay đổi mạnh mẽ thói quen tiêu dùng của người dân.

Theo Báo cáo của VECOM công bố năm 2019, EBI của Hà Nội xếp thứ hai cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh với 84,3 điểm (tăng 4,5 điểm so với năm 2018), đến năm 2022, EBI Hà Nội đạt 85,9 điểm tăng cao nhất trong thời gian 5 năm4. Nhìn vào biểu đồ phát triển TMĐT của ba thành phố top đầu cả nước, có thể thấy nét tương đồng trong xu thế phát triển TMĐT của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân của sự phát triển bứt phá về TMĐT của Hà Nội phải kể đến những lợi thế riêng về quy mô thị trường, trình độ công nghệ cũng như các điều kiện phát triển TMĐT khác, như: quy mô dân số lớn với 8,33 triệu người5, trong đó nguồn nhân lực có chất lượng cao về TMĐT và sự tập trung số lượng lớn các DN trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn. Ba chỉ số thành phần trong chỉ tiêu phát triển TMĐT bao gồm: nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, chỉ số TMĐT B2C và TMĐT B2B.

(1) Nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT. VECOM đã tiến hành khảo sát và thống kê kết quả đánh giá sự phát triển về nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT hỗ trợ cho sự phát triển của TMĐT của TP. Hà Nội các năm từ 2018 – 2022. Theo đó, Hà Nội luôn xếp vị trí top đầu về chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng CNTT, riêng năm 2022, Hà Nội xếp sau TP. Hồ Chí Minh nhưng sự sai biệt không đáng kể và có sự khác biệt rất đáng kể của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh so với các tỉnh còn lại trong top đầu cả nước.

(2) Chỉ số giao dịch TMĐT B2C (được sử dụng để mô tả giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng – Business to Consumer). Về số lượng các năm 2018 – 2020, có 11 chỉ số đo lường giao dịch TMĐT B2C; năm 2021, được bổ sung thêm 3 chỉ số; đến năm 2022, tiếp tục được bổ sung thêm 4 chỉ số, nâng tổng chỉ số đánh giá lên 17 chỉ số6. Kết quả tổng hợp chỉ số giao dịch TMĐT B2C của TP. Hà Nội 5 năm qua cho thấy, Hà Nội ở vị trí thứ 2 (sau TP. Hồ Chí Minh) và năm 2021 là năm có số điểm thấp nhất.

Nguyên nhân của sự suy giảm chỉ số B2C năm 2021 là do suy thoái kinh tế trong đại dịch Covid-19, làm giá trị TMĐT nói riêng và giá trị thương mại nói chung đều suy giảm ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.

(3) Chỉ số về giao dịch TMĐT B2B (mô hình kinh doanh mua bán trực tuyến mà tại đó cả khách hàng và người bán đều là doanh nghiệp gọi là thương mại điện tử theo hình thức B2B – Business to business). Tương tự như chỉ số B2C, Hà Nội xếp vị trí thứ 2 cả nước về giá trị giao dịch TMĐT B2B trong 5 năm (từ năm 2018 – 2022). Trong đó, kết quả đánh giá năm 2021 là thấp nhất, chưa bằng 1/2 so với năm 2020. Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 làm suy thoái kinh tế, với sự đứt gãy chuỗi cung ứng và sự suy giảm GDP cả nước khiến các giao dịch thương mại, trong đó có giao dịch TMĐT cũng suy giảm bởi xu thế thắt lưng buộc bụng trong tiêu dùng.

Như vậy, có thể thấy, tốc độ tăng trưởng phát triển TMĐT của Hà Nội trong điều kiện bình thường năm sau đều tăng hơn năm trước. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng chung của đại dịch Covid-19 làm tốc độ tăng trưởng phát triển TMĐT giảm đều chung, đặc biệt, năm 2021 giảm so với năm 2019 gần 30 điểm. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tình hình dịch bệnh được kìm chế, kinh tế thế giới và trong nước phục hồi thì tốc độ phát triển TMĐT của Hà Nội đã lấy lại được đà tăng trưởng, thậm chí còn cao hơn thời điểm trước dịch bệnh năm 20197.

Một số thách thức trong phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Hà Nội.

TMĐT đang phát triển nhanh ở thị trường Hà Nội, nhưng cũng bộc lộ nhiều lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát hình thức thương mại hiện đại này. Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, những hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực này đang là thách thức không nhỏ đối với các cơ quan chức năng, như: chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng; thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị các DN sử dụng cung cấp cho bên thứ ba; nhiều trang website TMĐT không cung cấp địa chỉ hoặc địa chỉ không chính xác…, lúc đó công tác chứng minh vi phạm trên trang website cũng khó thực hiện.

Mặt khác, hầu hết giao dịch không có hóa đơn, chứng từ, khi người mua gặp phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì công tác xử lý càng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, hiện các DN Việt Nam chủ yếu sử dụng hóa đơn giấy, vì vậy việc thu thuế của các giao dịch TMĐT gặp khó khăn.

Hoạt động có yếu tố TMĐT theo các cấp độ khác nhau diễn ra cả ở mạng xã hội và trên sàn giao dịch TMĐT có nhiều đặc điểm riêng biệt. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện đang có xu hướng áp dụng chung biện pháp quản lý đối với hai hình thức TMĐT này mà chưa tính đến những khác biệt cơ bản giữa chúng. Theo đó, rất nhiều quy định được đặt ra chỉ phù hợp với mô hình hoạt động của các sàn giao dịch TMĐT lớn, có chức năng đặt hàng trực tuyến, hỗ trợ giao nhận và thanh toán, không thực sự phù hợp với hoạt động có yếu tố TMĐT trên mạng xã hội.

Đến nay, Hà Nội chưa xây dựng được cơ chế quản lý thuế hiệu quả đối với các DN kinh doanh TMĐT, mức xử phạt đối với những sai phạm trong kinh doanh TMĐT chưa đủ sức răn đe. Việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định người nộp thuế, doanh thu tính thuế, quy mô kinh doanh, quá trình giao dịch…

Hơn nữa, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua chủ yếu tập trung vào cổ vũ, động viên cho việc ứng dụng TMĐT, chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục pháp luật. Ý thức tự giác chưa cao kèm theo những hạn chế về hiểu biết, nhiều cá nhân không biết việc mình kinh doanh trên website TMĐT hoặc kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội là phải đăng ký, kê khai thuế.

Ngoài ra, Hà Nội chưa phát huy được thế mạnh của mình về tiềm lực khoa học – công nghệ để thúc đẩy mạnh mẽ về công nghệ cho TMĐT, cũng như chưa có sáng kiến để các DN nước ngoài cung cấp các dịch vụ công nghệ nhằm phát triển TMĐT của thành phố.

Một số giải pháp quản lý phát triển thương mại điện tử bền vững

Thứ nhất, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT trong bối cảnh chuyển đổi số. Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với TMĐT hiện nay. Đặc biệt, chú trọng xây dựng các chính sách phát triển TMĐT phải có sự tương đồng với pháp luật quốc tế, các cam kết trong Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước liên quan đến TMĐT trên địa bàn Hà Nội. Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp đến kết quả phát triển TMĐT của Hà Nội. Nâng cao năng lực quản lý và tổ chức hoạt động TMĐT, trong đó thực hiện nhiều nhóm giải pháp hỗ trợ, như: đào tạo năng lực cho đội ngũ thực thi pháp luật, nâng cao năng lực ứng dụng TMĐT, hoàn thiện các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính; trang bị các phương tiện hiện đại để hỗ trợ việc theo dõi, giám sát, giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm các hoạt động TMĐT trên môi trường trực tuyến; cung cấp trực tuyến các dịch vụ công liên quan tới hoạt động sản xuất – kinh doanh; tăng cường ứng dụng CNTT trong các thủ tục hành chính công… Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phối hợp liên ngành trong đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền và phổ cập kiến thức về internet và TMĐT cho người dân và DN để họ cùng tham gia giám sát hoạt động giao dịch TMĐT trên địa bàn. Tiếp tục xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT thông qua nhiều hình thức, như: tuyên truyền, quảng cáo, tổ chức hội nghị, sự kiện,… Từ đó, tăng cường khả năng nhận biết và ứng phó của người tiêu dùng với những hành vi tiêu cực trong TMĐT; đồng thời, giúp người dân và DN hiểu được những mặt tích cực mà công nghệ cũng như TMĐT mang lại, giúp thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại hơn, hiệu quả hơn…

Mặt khác, các cơ quan quản lý tiếp tục nghiên cứu và xây dựng mô hình thanh toán TMĐT; giải pháp bán hàng trực tuyến; hệ thống giám sát và quản lý hoạt động trên môi trường trực tuyến; đẩy mạnh việc hỗ trợ DN trên địa bàn Hà Nội xuất khẩu thông qua TMĐT xuyên biên giới… Từ đó, tạo điều kiện cho DN quảng bá sản phẩm, định vị thương hiệu, kết nối khách hàng và tìm kiếm thị trường để đa dạng các kênh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, mở rộng mạng lưới kinh doanh.

Thứ tư, xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng công nghệ, tạo dựng các nền tảng kinh tế, kỹ thuật hỗ trợ phát triển TMĐT. Đây là một trong những chức năng quản lý quan trọng mà các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT phải thực hiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động này. Theo đó, đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và hạ tầng logistics trong TMĐT, từ đó sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và DN. Hoàn thiện về mặt hạ tầng thanh toán, tăng cường phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, như: ví điện tử, mã QR code, NFC, POS…, để từng bước thay đổi nhận thức và thói quen người tiêu dùng đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho DN và người dân phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và quản lý thuế điện tử trong TMĐT, bao gồm: khai thuế bắt buộc với giao dịch TMĐT; triển khai thực hiện các đề án hiện đại hóa công tác quản lý thuế; đa dạng hóa các hình thức thu, nộp thuế không dùng tiền mặt; hiện đại hóa công tác truyền nhận dữ liệu thu nộp ngân sách nhà nước. Đồng thời, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành, định kỳ, đột xuất đối với hoạt động TMĐT và đẩy mạnh xử lý vi phạm pháp luật về TMĐT trên địa bàn Hà Nội.

Kết luận

Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, phát triển bền vững TMĐT là một xu thế tất yếu trong phát triển kinh tế – xã hội của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Câu chuyện phát triển và tạo động lực phát triển đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đến tổ chức thực thi hiệu quả chính sách cho đến các biện pháp tạo đà phát triển môi trường thúc đẩy TMĐT. Vì vậy, việc phát triển TMĐT bền vững sẽ mở ra sự liên kết sâu, rộng và hội nhập nhanh với kinh tế khu vực và thế giới.

Chú thích:
1. Measuring Electronic Commerce. https://www.oecd-ilibrary.org, 01 Jan 1997, p. 32.
2. Sullivan, Y.W.; Kim, D.J. Assessing the effects of consumers’ product evaluations and trust on repurchase intention in e-commerce environments. Int. J. Inf. Manag. 2018, 39, p. 199 – 219.
3. Elkington, J.; Rowlands, I.H. Cannibals with forks: The triple bottom line of 21st century business. Altern. J. 1999, 25, p. 42.
4. VECOM. So sánh chỉ số xếp hạng phát triển thương mại điện tử của thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng từ năm 2019 – 2022.
5. Tổng cục Thống kê. Niên giám Thống kê Việt Nam năm 2021. H. NXB Thống kê, 2021 tr. 92.
6. VECOM. Kết quả tổng hợp chỉ số giao dịch thương mại điện tử B2C của thành phố Hà Nội từ năm 2018 – 2022.
7. VECOM. Tốc độ tăng trưởng phát triển thương mại điện tử của thành phố Hà Nội từ năm 2019 – 2022.
TS. Phạm Thị Minh Uyên
Trường Đại học Thương Mại