Đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người

(Quanlynhanuoc.vn) – Đồng bào dân tộc rất ít người thuộc nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù, do đó đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người để phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn, năng lực, trình độ của đồng bào nhằm nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Bài viết nghiên cứu quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc rất ít người và những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện, đề xuất giải pháp đổi mới công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người trong tình hình mới.

Ảnh minh hoạ: tuyenquang.dcs.vn.
Đặt vấn đề

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận (CTDV) là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. CTDV là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt1.

Đồng bào dân tộc rất ít người hiện nay thuộc nhóm những dân tộc có khó khăn đặc thù, cần phải có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Đổi mới CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người trong giai đoạn hiện nay nhằm thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng, các dân tộc, nâng cao chất lượng dân số, bài trừ tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở và cơ sở chính trị ở thôn bản, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc rất ít người, tiếp tục củng cố vững chắc mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc và lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.

Khái quát về đặc điểm của đồng bào dân tộc rất ít người ở Việt Nam

Tính đến năm 2015, nước ta có 16 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, được xếp vào nhóm các dân tộc rất ít người là: Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu, Cống, Bố Y, Mảng, Lô Lô, Cờ Lao, Ngái, La Ha, Pà Thẻn, Lự, Chứt, La Hủ. Ngoài dân tộc La Ha và Rơ Măm, thì 14 dân tộc còn lại có nguồn gốc tộc người với các dân tộc tương ứng ở các quốc gia láng giềng. Đặc biệt là có 5 dân tộc có dân số rất ít (dưới 1.000 người) là Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Brâu2. Các dân tộc rất ít người đoàn kết, có nhiều đóng góp trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dân tộc rất ít người sinh sống tập trung thành cộng đồng, xen kẽ với các dân tộc trên địa bàn tại 428 bản, 203 xã, 64 huyện ở 12 tỉnh là Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum3. Các thôn bản và xã này thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, khu vực đầu nguồn, núi cao hiểm trở, địa hình chia cắt mạnh và thường bị cô lập vào mùa mưa bão, được xếp vào vùng có điều kiện kinh tế – xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn.

Kinh tế của đồng bào dân tộc rất ít người đại đa số là sản xuất nông nghiệp dựa trên canh tác nương rẫy, kết hợp với làm ruộng, nhận khoán trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, làm vườn, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi phần lớn còn nhỏ lẻ. Kỹ thuật sản xuất nông nghiệp của đồng bào đa phần còn lạc hậu hơn so với các dân tộc trên địa bàn, nguồn nước sản xuất vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào thiên nhiên. Sản phẩm làm ra chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp, ít có sản phẩm hàng hóa. Trong những năm gần đây, do điều kiện đất đai ngày càng thu hẹp, năng xuất thấp, thu nhập bấp bênh, một bộ phận chuyển sang làm nông nghiệp kết hợp với phát triển loại hình du lịch cộng đồng như dân tộc Lô Lô ở xã Kim Cúc (Cao Bằng), ở Đồng Văn (Hà Giang), hay dân tộc Lự ở Lai Châu; một bộ phận lao động đi làm thuê, làm công nhân trong các khu công nghiệp nhưng chủ yếu vẫn là lao động với tay nghề giản đơn, nằm trong nhóm có thu nhập thấp.

Mặc dù có dân số rất ít nhưng văn hóa đồng bào các dân tộc rất ít người phong phú. Mỗi dân tộc đều có văn hóa truyền thống mang bản sắc riêng từ ngôn ngữ, trang phục, tập quán, văn hóa dân gian, tín ngưỡng. Trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, văn hóa truyền thống của đồng bào ngày càng có sự giao thoa, tiếp biến mạnh mẽ. Nhiều nơi, kiến trúc nhà cửa truyền thống không còn nhiều, nhất là nơi đồng bào tái định cư, được hỗ trợ xây dựng nhà cửa (ở dân tộc Ơ Đu, dân tộc Brâu), ngôn ngữ, trang phục của nhiều dân tộc cũng đang dần mất đi. Trình độ dân trí của đồng bào ngày càng được cải thiện, nhưng nhìn chung, vẫn còn thấp hơn so với các dân tộc có dân số đông hơn. Nhiều tập tục lạc hậu trong đồng bào vẫn còn tồn tại như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, cúng bái khi bị ốm đau, bệnh tật,… để lại nhiều hệ lụy trong cuộc sống.

Quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người

Đảng ta đã có những chủ trương, định hướng cụ thể đối với CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người.

Về nhiệm vụ và giải pháp định hướng đối với CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người được thể hiện trong Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Chỉ thị xác định CTDV ở vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cấp ủy, hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Các cấp ủy, tổ chức đảng vùng đồng bào DTTS phải đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện CTDV, góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về xóa đói, giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao mức thu nhập; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và đội ngũ cán bộ người DTTS có chất lượng, tỉ lệ và cơ cấu hợp lý. Cơ quan nhà nước thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về CTDV ở vùng đồng bào DTTS; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KTXH thiết yếu, hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập, ổn định đời sống; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở. Các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn chủ động phối hợp chặt chẽ với địa phương làm tốt CTDV. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội trong vùng đồng bào DTTS cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

 Cán bộ đoàn thể các cấp phải tăng cường tới cơ sở, bám sát cuộc sống người dân; tổ chức các hoạt động để hướng dẫn đồng bào các DTTS vươn lên xóa đói, giảm nghèo, đổi mới tập quán sản xuất, phát triển kinh tế hàng hóa, xây dựng nông thôn mới. Nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện và chủ động tham gia xây dựng các chính sách có liên quan đến đồng bào DTTS trước khi ban hành. Đề cao và phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào. Xây dựng, bổ sung quy ước, hương ước của xã, thôn, bản, buôn, ấp để xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh phù hợp với từng địa phương, cơ sở. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, quan hệ thân tộc, đồng tộc của đồng bào vùng giáp biên giới của nước ta với các nước láng giềng, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Đảng ta cũng đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với CTDV trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ là: chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết tốt các chính sách phát triển KTXH ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người, để các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đề ra mục tiêu đến năm 2030 là bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc có rất ít người.

Ưu tiên đầu tư nguồn lực nhà nước, đồng thời, huy động nguồn lực xã hội phát triển các cơ sở cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản bảo đảm cho đồng bào dân tộc ít người. Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án bảo vệ và phát triển các DTTS, đặc biệt dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc. Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới đề ra nhiệm vụ là, có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với DTTS rất ít người.

Nhà nước ban hành nhiều chính sách ưu tiên phát triển KTXH dành riêng cho dân tộc rất ít người.

Chính sách phát triển KTXH vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao được Thủ tướng Chính phủ ban hành thông qua tại Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011, được thực hiện tại 88 thôn, bản trên 27 xã thuộc 9 huyện của các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên và Hà Giang. Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (2011 – 2020) và chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I: 2011-2015; giai đoạn II: 2016-2020. Kinh phí thực hiện chính sách là 1.042.811 triệu đồng, với mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao phát triển sản xuất, giảm nghèo, thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vào việc bảo vệ môi trường, rừng đầu nguồn và chủ quyền biên giới quốc gia.

Chính sách hỗ trợ phát triển KTXH các DTTS rất ít người giai đoạn 2016-2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành thông qua tại Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 được thực hiện tại 194 thôn, bản sinh sống tập trung các DTTS rất ít người, trên địa bàn 93 xã thuộc 37 huyện của các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Kon Tum, với mục tiêu duy trì, phát triển và nâng cao vị thế của các DTTS rất ít người; xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào một cách bền vững nhằm giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển với các dân tộc khác trong vùng; xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các thôn, bản nơi sinh sống tập trung của đồng bào dân tộc rất ít người; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng kinh phí thực hiện chính sách là 1.861 tỷ đồng. Thời gian thực hiện Đề án là 10 năm (2016 – 2025), chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I: 2016 – 2020; giai đoạn II: 2021 – 2025.

Trong giai đoạn 2023 đến năm 2030, chính sách phát triển KTXH đối với dân tộc rất ít người được Chính phủ đưa vào Tiểu dự án 1 của Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm các DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, với mục tiêu: xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù, thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập so với các dân tộc khác trong vùng; góp phần nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, hỗ trợ cải thiện chất lượng dân số, thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc; đào tạo và nâng cao trình độ năng lực cho cán bộ, cộng đồng và xây dựng cơ sở chính trị ở thôn bản vững mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chính sách phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 – 2015 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 được áp dụng đối với các cơ sở giáo dục có trẻ em, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người là Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm, Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao, trong phạm vi 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, với mục tiêu trong giai đoạn 2010 – 2012 là hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp tại các thôn bản có học sinh dân tộc rất ít người, trong giai đoạn 2013 – 2015 là hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người. Tổng dự toán kinh phí giai đoạn 2010 – 2015 là 341.455 triệu đồng. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, chính sách hỗ trợ giáo dục đối với học sinh dân tộc rất ít người được thực hiện theo Nghị định số 57/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ về ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người.

Chính sách bảo vệ và phát triển các DTTS rất ít người giai đoạn 2021 – 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10/4/2020 được thực hiện trên địa bàn 12 tỉnh là: Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Kon Tum, với mục tiêu hỗ trợ cải thiện tình trạng dân số của các DTTS rất ít người cả về số lượng và chất lượng nhằm đạt được mức sinh thay thế, giảm mạnh tỷ lệ tử vong mẹ và trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi, góp phần nâng cao chất lượng dân số, bảo đảm sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các dân tộc.

Thực trạng công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người trong những năm qua

Thực hiện chủ trương, đường lối Đảng và chính sách của Nhà nước, CTDV của hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: cấp ủy các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chú trọng, tăng cường lãnh đạo công tác đối với đồng bào dân tộc rất ít người, nhất là trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo tồn văn hóa truyền thống, nâng cao chất lượng giáo dục, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, và xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc rất ít người. Chính quyền các địa phương đã cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để triển khai thực hiện cụ thể, phù hợp với đặc thù dân tộc rất ít người trên địa bàn; thúc đẩy tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện chính sách.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội đã hướng về cơ sở, tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, chính sách, giám sát việc thực hiện chính sách. Lực lượng vũ trang đóng quân ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người đã chủ động phối hợp với địa phương vận động, giúp đỡ đồng bào phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Hoạt động kết nghĩa, giao lưu bản – bản biên giới được duy trì tương đối đều với nhiều hoạt động có ý nghĩa, tạo dựng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các cụm dân cư khu vực biên giới.

Tuy nhiên, CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người vẫn còn những khó khăn, hạn chế, đó là: một số cấp ủy đảng chưa thực sự quan tâm lãnh đạo công tác ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người, nhất là lãnh đạo CTDV của hệ thống chính trị, lãnh đạo phối hợp thực hiện nhiệm vụ CTDV, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc rất ít người và xóa bỏ tập tục lạc hậu. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách đối với dân tộc rất ít người một số nơi chưa được chú trọng, còn để xảy ra vi phạm gây thất thoát, lãng phí như ở Nghệ An, Quảng Bình, Hà Giang,…

Ngân sách bố trí thực hiện chính sách đối với dân tộc rất ít người chậm được phân bổ, phân bổ thiếu, như: chính sách phát triển KTXH đối với dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Cờ Lao theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg chỉ cấp đạt 48,2% tổng mức kinh phí, chính sách phát triển KTXH với dân tộc rất ít người theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg chỉ cấp đạt 34% mức kinh phí4. Tổ chức, cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện chính sách một số nơi sau khi giải thể, sáp nhập, kiện toàn bị chi phối bởi nhiều nhiệm vụ nên hoạt động chưa thực sự mang lại hiệu lực, hiệu quả trong CTDV. Nhận thức, ý thức tham gia thực hiện chính sách của một bộ phận đồng bào dân tộc rất ít người vẫn còn hạn chế.

Tỷ lệ hộ nghèo trong DTTS rất ít người vẫn ở mức cao, chưa đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn mà chính sách đề ra. Mức sống của phần đa đồng bào DTTS rất ít người vẫn còn thấp hơn mức sống của các dân tộc trong vùng. Chẳng hạn, như: trong Quyết định số 1672/QĐ-TTg đề ra đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 60%, nhưng kết quả điều tra thực trạng KTXH 53 DTTS của UBDT và Tổng cục thống kê năm 2015 và 2019 thì tỷ lệ hộ nghèo đối với dân tộc: La Hủ năm 2015 là 84,9% và 2018 là 74,4%, Mảng là 82,9% và 66,3%. Kết quả điều tra thực trạng KTXH 53 DTTS năm 2019 của UBDT cho thấy, nhiều DTTS rất ít người có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn bình quân chung của 53 DTTS từ 1,5 – 2,2 lần5.

Chất lượng dân số đồng bào dân tộc rất ít người vẫn còn thấp. Đồng bào còn sinh nhiều con nhưng ít có điều kiện chăm sóc và nuôi dưỡng, ảnh hưởng đến chất lượng dân số. Chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp. Tỷ lệ suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em còn cao. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn phổ biến ở một số dân tộc ít người. Phân bố dân số, quản lý nhập cư, di dân còn nhiều bất cập. Việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người di cư và ở nhiều đô thị, khu công nghiệp còn nhiều hạn chế6.

Một số giải pháp tiếp tục đổi mới CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người

Một là, cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở cần tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo đối với CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người gắn với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực.

Các cấp ủy, tổ chức đảng từ tỉnh đến cơ sở cần tăng quán triệt, bồi dưỡng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về CTDV nói chung và CTDV ở vùng đồng bào rất ít người nói riêng, tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước đồng bào. Xác định đúng đắn CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Đồng thời, phát huy tinh thần nêu gương, gắn với trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt các cấp.

Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy các tỉnh có đồng bào dân tộc rất ít người cần có chủ trương lãnh đạo cụ thể về CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người gắn với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể trên các mặt công tác, từ phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, bài trừ hủ tục lạc hậu, thu hẹp khoảng cách về mức sống, điều kiện sống, bảo vệ và phát triển dân tộc rất ít người, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và cơ sở chính trị ở thôn bản, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc rất ít người, hoạt động đối ngoại Nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời lãnh đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, gắn với trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và cán bộ chủ chốt các cấp đối với CTDV.

Tăng cường hơn nữa hoạt động phối hợp công tác và kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc rất ít người. Lãnh đạo chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào CTDV, thực hành dân chủ và nắm tình hình Nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người.

Hai là, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người của cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

Cơ quan nhà nước bố trí nguồn ngân sách thực hiện các chính sách đối với các dân tộc rất ít người phải kịp thời, đầy đủ; cần phải có kế hoạch cấp ngân sách thực hiện cho tổng thể giai đoạn, hằng năm và cần có sự linh hoạt trong sử dụng các nguồn vốn trong thực hiện chính sách. Thực tế, khi xây dựng chính sách thường tính toán giá cả hỗ trợ, đầu tư các chương trình, dự án cụ thể trong từng lĩnh vực, được áp giá tại thời điểm đó, chưa tính toán kỹ lưỡng hệ số trượt giá, chưa tính toán được đầy đủ khả năng nguồn lực tham gia của nhân dân, nên khi nguồn vốn cấp chậm, cấp thiếu so với kế hoạch thì giá cả đã tăng cao, mức hỗ trợ không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến chính sách khó thực hiện hoặc thực hiện kém hiệu quả (điển hình nhất là chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất và khai hoang, phục hóa đất đai để sản xuất).

Chính sách đặc thù cho các dân tộc rất ít người cũng cần có chế đặc thù đối với việc giải ngân nguồn vốn cho các chương trình, dự án hỗ trợ theo hướng đơn giản, dễ thực hiện, phát huy vai trò quản lý của chính quyền cơ sở, vai trò vừa là đối tượng tham gia, hưởng lợi, vừa là lực lượng giám sát quá trình thực hiện, đồng thời gắn với trách nhiệm của các tổ chức ở thôn làng. Trong thực hiện chính sách phải làm tốt phương châm: “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra, Dân giám sát, Dân thụ hưởng”, cán bộ thực sự “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả CTDV của lực lượng vũ trang, nhất là của bộ đội Biên phòng, xây dựng Đồn Biên phòng làm công tác “Dân vận khéo”, đơn vị Dân vận tốt, thực sự là điểm tựa vững chắc của đồng bào khu vực biên giới, nơi biên cương của Tổ quốc. Tăng cường trách nhiệm phối hợp CTDV của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp với các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là trong tuyên truyền, vận động và thực hiện chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc rất ít người.

Ba là, tăng cường trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân đối với CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội các tỉnh có đông đồng bào dân tộc rất ít người cần rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung kế hoạch CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người để phù hợp hơn với điều kiện thực tế. CTDV cần chú trọng nội dung, giải pháp đặc thù, phù hợp với từng dân tộc. Tiếp tục cụ thể hóa nội dung tuyên truyền, vận động thực hiện chủ trương, chính sách theo nhóm như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh theo lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ hạ tầng cơ sở,…

Xây dựng chương trình giám sát và phản biện xã hội hằng năm, xác định rõ nội dung giám sát và phản biện xã hội trong việc thực hiện chính sách, đối với từng nội dung, hạng mục chương trình, dự án cụ thể, phát huy được vai trò của Nhân dân trong giám sát việc thực hiện. Tăng cường trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trong thực hiện chính sách đối với dân tộc rất ít người. Tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, tương trợ, giúp đỡ nhau ở khu dân cư. Quan tâm, tổ chức tốt hơn Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở bản làng đồng bào dân tộc rất ít người.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội cũng cần quan tâm, chú trọng hơn công tác nắm tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, nắm tình hình thực hiện chủ trương, chính sách của cơ quan chính quyền từ tỉnh đến cơ sở để báo cáo với cấp ủy cùng cấp lãnh đạo chỉ đạo. Đồng thời, cũng cần có những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong nắm tình hình nhân nhân. Làm tốt hơn nữa công tác đoàn kết các dân tộc, vận động đồng bào các dân tộc cùng với Đảng và Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc rất ít người như: hỗ trợ giúp đỡ về nhà ở, hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ hạ tầng cơ sở thiết yếu, vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo, Quỹ Khuyến học. Tích cực đổi mới, sáng tạo trong vận động đồng bào thực hành dân chủ, xây dựng hương ước, quy ước, bài trừ tập tục lạc hậu, bảo tồn phát huy văn hóa truyền thống, thúc đẩy ý chí tự lực tự cường của đồng bào trong phát triển KTXH, xây dựng nếp sống mới ở khu dân cư.

Kết luận

Trong những năm qua, CTDV ở vùng đồng bào dân tộc rất ít người đã được quan tâm, chú trọng thực hiện và mang lại hiệu quả trong thực tế. Tuy nhiên, công tác vận động đồng bào các dân tộc rất ít người vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục sớm, do đó, việc đổi mới CTDV của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là rất cần thiết, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Chú thích:
1. Uỷ ban Dân tộc. Một số chỉ tiêu chính kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019. Hà Nội, tháng 3/2020.
2,6. Uỷ ban Dân tộc. Tổng quan thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Hà Nội, tháng 5/2017.
3. Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới.
4. Tờ trình số 23/TTr-UBDT ngày 31/10/2019 của Uỷ ban Dân tộc ban hành Quyết định phê duyệt Đề án bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc dưới 10 nghìn người theo hướng bảo đảm sự phát triển đồng đều, bình đẳng giữa các dân tộc giai đoạn 2021 – 2030.
5. Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2021 của Uỷ ban Dân tộc tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới.
ThS. Nguyễn Văn Kế
Ban Dân vận Trung ương Đảng