Tăng cường phối hợp trong bảo đảm an ninh, trật tự đối với hoạt động của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngân hàng Thương mại cổ phần là loại hình ngân hàng phổ biến, có tác động lớn và quan trọng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế thì hoạt động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần đã nảy sinh, tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự. Bài viết nghiên cứu thực trạng phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong bảo đảm an ninh, trật tự đối với hoạt động của các Ngân hàng Thương mại cổ phần trên địa bàn TP. Hà Nội, phân tích những hạn chế và kiến nghị một số giải pháp nhằm nâng cao công tác phối hợp.
7 ngân hàng thương mại cổ phần được vinh danh Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022.

Ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) là loại hình ngân hàng phổ biến nhất hiện nay, có tác động lớn và quan trọng đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Hoạt động của các NHTMCP vừa tạo vốn cho sự tăng trưởng kinh tế tài chính, vừa góp phần rút ngắn tốc độ lưu thông hàng hóa và tiền tệ, tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất – kinh doanh diễn ra liên tục, không bị đứt quãng. Tính đến tháng 12/2022, có 31 NHTMCP Việt Nam đang hoạt động. Các NHTMCP hoạt động tương đối hiệu quả cung cấp cho tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, hoạt động thương mại, vận tải và các hoạt động dịch vụ khác. Trong năm 2022, hệ thống NHTMCP đã huy động được triệu tỷ đồng, phục vụ thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển, hoạt động của các NHTMCP Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).

Thời gian qua, một số cán bộ, nhân viên ngân hàng suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống, trực tiếp thực hiện các hành vi phạm tội như tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái các quy định về nghiệp vụ ngân hàng, hỗ trợ cho các đối tượng bên ngoài chiếm đoạt tài sản của ngân hàng hoặc thông qua các hợp đồng tín dụng, hợp đồng đầu tư sai quy định để chuyển một lượng tiền lớn cho các công ty sân sau, doanh nghiệp liên quan vay để sử dụng vào mục đích khác dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của ngân hàng, điển hình, như: Nguyễn Thị Minh Quyên là nhân viên giao dịch tại phòng giao dịch của NHTMCP phát triển TP. Hồ Chí Minh. Quá trình làm việc tại ngân hàng, lợi dụng nhiệm vụ được giao, Quyên đã lập khống nhiều chưng từ và chữ ký giả của khách hàng để rút tiền. Ngày 31/3/2023, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh tuyên Nguyễn Thị Minh Quyên 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản1.

Tình hình nợ xấu chính là các khoản tiền mà ngân hàng cho khách hàng vay nhưng khi đến hạn thu hồi nợ lại không thể đòi được do yếu tố chủ quan từ phía khách hàng, như: doanh nghiệp, tổ chức vay tín dụng làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán khoản nợ đã vay của ngân hàng khi đến kỳ hạn. Mặc dù quá trình triển khai chủ trương tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu tại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2016 – 2020 đã đạt được những kết quả nhất định song tỷ lệ nợ xấu của các NHTMCP của Việt Nam vẫn ở mức cao. Nợ xấu đã, đang và có thể sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến việc lưu thông dòng vốn vào nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu càng cao thì rủi ro và tổn thất dòng vốn của các ngân hàng thương mại càng lớn. Đây được coi là nguyên nhân chính kìm hãm, hạn chế sự lưu thông của dòng tín dụng trong nền kinh tế.

Hoạt động thu mua trái phiếu doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các NHTMCP Việt Nam diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo “Thị trường trái phiếu Doanh nghiệp”, do Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, tính đến hết tháng 9/2022, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đạt hơn 443 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các cá nhân trong và ngoài nước mua gần 22 nghìn tỷ đồng trên thị trường sơ cấp, chiếm khoảng 5% tổng lượng phát hành.

Đáng chú ý, có tới gần 60% lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là do các NHTMCP và công ty chứng khoán nắm giữ. Đây là vấn đề phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất ANTT trong hoạt động ngân hàng khi hầu hết trái phiếu doanh nghiệp phát hành đều không có tài sản bảo đảm. Trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản bảo đảm chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Thực tế cho thấy, việc bảo đảm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu, bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa. Nếu doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản bảo đảm cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng, khiến các NHTMCP Việt Nam đối diện nguy cơ mất vốn, tăng tỷ lệ nợ xấu trong hoạt động của ngân hàng.

Những vấn đề phức tạp về an ninh thông tin, như: các đối tượng đăng tải, tán phát thông tin giả, thông tin sai sự thật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các NHTMCP Việt Nam. Điển hình như những tin giả, tin sai sự thật liên quan đến NHTMCP Sài Gòn (SCB) “vỡ nợ” dẫn đến việc người dân ồ ạt rút tiền, làm thủ tục rút tiền trước thời hạn tại Ngân hàng SCB, gây ra tình trạng tê liệt cục bộ và ảnh hưởng xấu đến tâm lý của người dân cả nước đối với hoạt động của các NHTMCP. Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các ngân NHTMCP diễn biến phức tạp.

Theo khảo sát của Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, hơn 50% các cuộc tấn công mạng tại Việt Nam là nhằm vào các tổ chức tài chính và ngân hàng, trong đó chủ yếu là tấn công hệ thống dữ liệu ngân hàng để lấy cắp dữ liệu hoặc thực hiện các hành vi gây thiệt hại về tài sản của ngân hàng và khách hàng; các vụ tấn công nhằm vào khách hàng của ngân hàng như lừa tiền qua tài khoản, mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc gửi link giả mạng ngân hàng và các website mạo danh ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trên thực tế đã diễn ra hàng trăm vụ liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các NHTMCP; liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao; vụ vận chuyển, lưu hành, tiêu thụ tiền giả; vụ việc phức tạp với các hành vi gây mất an ninh, trật tự trong hoạt động của NHTMCP, như: hoạt động tín dụng đen, trộm cắp, mua bán, sử dụng trái phép thẻ ngân hàng giả, mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân của khách hàng; trộm tiền tại cây ATM; cướp ngân hàng, đặc biệt thời gian gần đây các vụ cướp ngân hàng có dấu hiệu gia tăng, xảy ra tại nhiều nơi, nhiều tỉnh thành với nhiều phương thức tinh vi và manh động… Những hành vi trên đều gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của các NHTMCP Việt Nam.

Trước tình hình trên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thì lực lượng An ninh kinh tế đã chủ động tổ chức, phối hợp lực lượng tiến hành với kết quả cơ bản như sau:

Một là, chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội (như: Vụ Chính sách tiền tệ; Vụ ổn định tiền tệ – tài chính; Vụ kiểm toán nội bộ; Văn phòng; cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam) trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách tiền tệ, góp phần hạn chế những rủi ro trong hoạt động của các NHTMCP Việt Nam; phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động của các NHTMCP. Nổi bật là lực lượng An ninh kinh tế cũng phối hợp với Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, thường xuyên trao đổi thông tin liên quan đến các vụ việc vi phạm.

Hai là, phối hợp với các cơ quan quản lý, giám sát tài chính trong triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về ANTT đối với các NHTMCP Việt Nam. Nổi bật là phối hợp với Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong trao đổi thông tin, tình hình liên quan đến nợ xấu, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm, qua đó chủ động đánh giá những nguy cơ, những rủi ro trong quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu của các NHTMCP Việt Nam.

Ba là, phối hợp với Văn phòng Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia trong thu thập thông tin, tình hình chung về thị trường tài chính, trong đó có hiệu quả hoạt động của các NHTMCP (về chất lượng tài sản, kết quả huy động vốn và thanh khoản, kết quả kinh doanh, tình hình nợ xấu,…). Thông qua Văn phòng, Trung tâm thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, lực lượng An ninh kinh tế thu thập thông tin liên quan đến việc xây dựng cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động tài chính; các chiến lược, định hướng phát triển ngành ngân hàng, từ đó phân tích, dự báo, cảnh báo mức độ an toàn của hệ thống tài chính – ngân hàng và nguy cơ, rủi ro trong hoạt động của các NHTMCP Việt Nam.

Bốn là, phối hợp với Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, các đơn vị chức năng khác thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, phối hợp với các cơ quan báo chí của Việt Nam trong thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo đảm ANTT trong hoạt động của các NHTMCP Việt Nam, nhất là trong quá trình tái cơ cấu, gắn với xử lý nợ xấu theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Phối hợp trong ngăn chặn, xử lý việc đăng tải, phát tán thông tin giả, thông tin sai sự thật ảnh hưởng đến ANTT các NHTMCP Việt Nam.

Năm là, phối hợp với các NHTMCP Việt Nam trong tổ chức, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về ANTT. Lực lượng An ninh kinh tế đã phối hợp với các NHTMCP trong trao đổi thông tin, tình hình có liên quan đến ANTT, phối hợp trong quản lý đội ngũ cán bộ, nhân viên, nhất là người làm việc tại các bộ phận thiết yếu, quan trọng của ngân hàng. Phối hợp trong trao đổi thông tin về hoạt động liên quan đến hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố. Phối hợp trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên ngân hàng về bảo vệ ANTT. Phối hợp trong quản lý hệ thống thông tin quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, trong tổ chức, triển khai các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh mạng,… trong hoạt động của NHTMCP.

Thực tế trong giai đoạn 2016 – 2022, lực lượng An ninh kinh tế đã phối hợp với các NHTMCP Việt Nam tổ chức hàng trăm lớp tập huấn liên quan về về bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước, bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ các mục tiêu quan trọng của ngân hàng; bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, rèn luyện kỹ năng về phòng cháy chữa cháy, tuần tra canh gác, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ,… cho lực lượng bảo vệ chuyên trách của các NHTMCP Việt Nam.

Thực tiễn bảo đảm ANTT đối với các NHTMCP Việt Nam thời gian qua cho thấy, chưa có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các lực lượng có liên quan để triển khai các hoạt động bảo đảm ANTT. Việc trao đổi thông tin, tình hình ANTT trong hoạt động của các NHTMCP Việt Nam chưa được tiến hành thường xuyên, còn bị động, chạy theo vụ việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác bảo đảm ANTT. Thời gian tới, cần thiết phải nâng cao hiệu quả phối hợp giữa lực lượng an ninh kinh tế và các cơ quan liên quan, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, huy động tối đa nguồn lực tham gia triển khai các hoạt động quản lý, với một số giải pháp như sau:

Một là, các lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động đề xuất xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh; phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam; Văn phòng Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Trọng tâm là tăng cường phối hợp triển khai các biện pháp quản lý nhằm bảo đảm ANTT quá trình tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu các NHTMCP Việt Nam. Phối hợp trong xây dựng các phương án cơ cấu lại các NHTMCP; phối hợp trong phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố; phòng, chống tội phạm tiền giả, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Hai là, việc phối hợp giữa lực lượng An ninh kinh tế và các đơn vị có liên quan phải xác định rõ trách nhiệm của các bên, trong đó phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị ngành ngân hàng. Hoạt động phối hợp này phải được tiến hành một cách thường xuyên hoặc theo yêu cầu của các bên nhằm chủ động triển khai các hoạt động bảo đảm ANTT một cách phù hợp, tạo điều kiện tối đa để các NHTMCP Việt Nam phát triển ổn định, bền vững qua từng giai đoạn.

Ba là, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật là hoạt động quan trọng trong quản lý nhà nước về ANTT đối với các NHTMCP Việt Nam. Thông qua thanh tra, kiểm tra, lực lượng An ninh kinh tế kịp thời phát hiện được những hành vi vi phạm pháp luật, những sơ hở trong chính sách, pháp luật có thể bị các đối tượng lợi dụng để xâm hại ANTT trong hoạt động của các NHTMCP để kiến nghị chỉnh sửa, bổ sung, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý.

Bốn là, tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo đảm ANTT cho cán bộ, nhân viên các NHTMCP Việt Nam. Đây là hoạt động cần tiến hành một cách thường xuyên thông qua tuyên truyền, vận động góp phần nâng cao ý thức cho cán bộ, nhân viên ngân hàng, giúp họ xác định được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, từ đó tuân thủ, hỗ trợ, phối hợp triển khai các hoạt động bảo đảm ANTT, cung cấp cho lực lượng Công an những thông tin cần thiết, làm cơ sở đề xuất các hoạt động bảo đảm ANTT.

Năm là, phối hợp trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý cho bảo đảm ANTT đối với hoạt động các NHTMCP Việt Nam, đặc biệt là các quy định của pháp luật về: (1) Quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của các NHTMCP Việt Nam, như: Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Bảo hiểm tiền gửi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan…; (2) Các quy định của pháp luật về sáp nhập các NHTMCP ở Việt Nam, góp phần bảo đảm ANTT, hạn chế rủi ro trong quá trình sáp nhập các NHTMCP; (3) Các quy định về bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thanh tra, giám sát ngân hàng; (4) Các quy định cấp phép thành lập mới và phát triển mạng lưới các NHTMCP.

Thời gian tới, tình hình hoạt động của NHTMCP Việt Nam sẽ còn hoạt động phức tạp về ANTT, do đó, việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần tăng cường hiệu quả phối hợp của các cơ quan trọng trong bảo đảm ANTT đối với hoạt động của NHTMCP Việt Nam.

Chú thích:
1. Giả chữ ký khách hàng chiếm đoạt 4,4 tỷ đồng của nhân viên ngân hàng lãnh 13 năm tù. Https://tuoitre.vn, ngày 28/3/2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban chấp hành Trung ương. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. H. NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, 2021.
2. Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2017 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
ThS. Phạm Thị Thùy Dương
Công an Thành phố Hà Nội