Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia ở một số nước trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam hiện nay

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước. Biên giới quốc gia vừa là điều kiện, vừa là cơ sở quan trọng hàng đầu cho mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia nhưng cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu của xung đột, chiến tranh. Các quốc gia trên thế giới đã thực hiện tốt các hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia để chúng ta có thể tham khảo1.
Ảnh minh họa (internet).

Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến đầu, là “phên dậu”, là cửa ngõ của mỗi quốc gia; là hàng rào pháp lý xác định giới hạn vùng đất, vùng nước, vùng biển, vùng trời và lòng đất thuộc chủ quyền quốc gia; là nơi phân chia chủ quyền lãnh thổ của một quốc gia với một quốc gia khác. Vì vậy, việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ và cũng là nghĩa vụ của bất kỳ công dân nào.

Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia ở một số nước trên thế giới

(1) Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Đây là quốc gia có đường biên giới với nhiều nước: ở phía Bắc giáp với Trung Quốc với đường biên giới dài 505 km; ở phía Nam giáp Cam-pu-chia với đường biên giới dài 535 km; phía Đông giáp với Việt Nam với đường biên giới dài 2.069 km; phía Tây Bắc giáp với Mi-an-ma với đường biên giới dài 236 km; phía Tây giáp với Thái Lan với đường biên giới dài 1.835 km2.

Do có đường biên giới trên bộ khá dài, lại tiếp giáp với nhiều quốc gia trên những địa hình hiểm trở, có vị trí chiến lược nhạy cảm nên việc tranh chấp chủ quyền rất phức tạp. Để bảo vệ chủ quyền biên giới, Lào đã chú trọng, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường giao lưu giữa nhân dân các vùng biên giới của Lào với nhân dân các địa phương tiếp giáp. Kết quả là Lào hiện có đường biên giới hoà bình, hữu nghị với tất cả các quốc gia láng giềng, tạo nên những mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp với các quốc gia, góp phần tạo lập môi trường hòa bình, hữu nghị, ổn định cho sự phát triển của Lào nói riêng và cả khu vực Đông Nam Á nói chung.

(2) Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Trung Quốc.

Trung Quốc là nước lớn ở Bắc bán cầu, với diện tích lớn thứ 3 thế giới, chia sẻ đường biên giới đất liền dài 22.457 km với 14 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Mông Cổ và Nga. Trong lịch sử, vấn đề biên giới của Trung Quốc khá phức tạp.

Để bảo vệ biên giới lãnh thổ, Trung Quốc đã thực hiện các chủ trương, biện pháp chính, như: chủ trương duy trì hiện trạng; thay đổi linh hoạt để bảo vệ lợi ích quốc gia; sử dụng sức mạnh vũ lực kết hợp với dùng uy quyền, tình cảm để thu phục; kết hợp cai trị với ràng buộc, lôi kéo; sử dụng chiến lược “biên giới mềm”; xây dựng các công trình bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, như: xây thành, đắp lũy. Ở những khu vực trọng yếu đã xây dựng những công trình trọng điểm để bảo vệ biên giới, điển hình như Vạn Lý Trường Thành.

Bên cạnh các chủ trương, chính sách nêu trên, biện pháp đáng chú ý gần đây về bảo vệ chủ quyền biên giới của Trung Quốc, đó là: quy định quân đội và cảnh sát vũ trang Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ biên giới chống lại mọi hành động “xâm lược, lấn chiếm, xâm nhập, khiêu khích” và được phép sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết để “chống lại những người vượt biên trái phép thực hiện hành vi tấn công, kháng cự”; có thể đóng cửa biên giới trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc xung đột vũ trang ở gần đe dọa an ninh biên giới của đất nước; Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp “củng cố quốc phòng biên giới, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội, mở cửa khu vực biên giới, cải thiện dịch vụ công và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống và công ăn việc làm của người dân”3.

(3) Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Liên bang Nga.

Nước Nga có biên giới dài hơn 60.000 km, trong đó có 38.000 km đường biên giới trên bộ và là láng giềng của 18 quốc gia. Hằng ngày, có hơn 11.000 bộ đội biên phòng, hàng chục tàu thuyền trực tiếp tham gia công tác bảo vệ biên giới. Việc bảo vệ chủ quyền biên giới được quốc gia này chú trọng, thể hiện ở sự đầu tư phát triển vượt trội cho lực lượng Biên phòng Nga, nhất là được trang bị ô tô địa hình, xe máy địa hình, xe máy bốn bánh để dùng thay cho ngựa4.

Trước đây, vào ngày 28/5/1918, Nhà nước Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô) đã thông qua Nghị định thành lập Cơ quan Biên phòng trực thuộc Ủy ban An ninh quốc gia. Hiện nay, lực lượng Biên phòng Nga đã tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; kiểm tra thực hiện pháp luật về biên giới quốc gia; kiểm soát việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu biên giới, các đường qua lại biên giới, cảng biển. Bên cạnh đó, Nga còn tăng cường quan hệ, phối hợp với các lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng trong thực hiện Hiệp định và các Điều ước quốc tế về biên giới đã ký kết, đồng thời đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến chủ quyền, an ninh, quan hệ biên giới với các nước tiếp giáp, từ đó, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định với các nước láng giềng.

(4) Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của các nước châu Âu.

Các nước châu Âu là những nền kinh tế phát triển, có mức sống cao so với các khu vực xung quanh. Vì vậy, việc bảo vệ chủ quyền biên giới của các quốc gia châu Âu trước những làn sóng di cư tự do đến các nước này là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cả khối Liên minh châu Âu (EU). Các nước châu Âu đã có rất nhiều nỗ lực để quản lý hiệu quả vấn đề này.

Từ đầu năm 2015 đến nay, hàng trăm nghìn người tị nạn, bằng đủ loại phương tiện, chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông đã tràn vào châu Âu qua cửa ngõ I-ta-li-a và Hy Lạp, gây ra một cuộc khủng hoảng nhập cư ở châu Âu. Để bảo vệ chủ quyền biên giới, đối phó với tình trạng này, nhiều nước châu Âu đã biến biên giới của mình thành những “pháo đài” với hàng rào dây thép gai và đây được coi là giải pháp trước mắt nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư trong khi chưa tìm được tiếng nói chung trong khối.

Một trong những nỗ lực để bảo vệ chủ quyền biên giới trước làn sóng nhập cư là việc thành lập tổ chức Biên phòng mới để bảo vệ hiệu quả hơn đường biên giới bên ngoài của EU. Việc thành lập một cơ quan Biên phòng chung của EU do Ủy ban châu Âu (EC) đề xướng vào tháng 12/2015, đúng đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng di cư và nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của Nghị viện châu Âu và Hội đồng EU.

Cơ quan Biên phòng và Bờ biển châu Âu (EBCG) chính thức hoạt động vào ngày 6/10/2016. EBCG trực thuộc các cơ quan siêu quốc gia của EU với nhiệm vụ chính là chủ động phát hiện các điểm nhạy cảm trong hệ thống bảo vệ biên giới EU, đồng thời, phối hợp với Chính phủ và các cơ quan Biên phòng của các quốc gia thành viên để chống khủng bố và tội phạm có tổ chức5. Mặc dù còn nhiều thách thức, song việc thành lập EBCG là bước đi tích cực của EU trong việc giải quyết khủng hoảng nhập cư, nhất là đáp ứng yêu cầu tăng cường bảo vệ biên giới phía ngoài của các nước trong khu vực, góp phần thu hẹp bất đồng nội khối.

Bên cạnh các cơ quan có chức năng chính thức bảo vệ chủ quyền biên giới thì các quốc gia châu Âu đã chủ động có sự phối hợp chính sách và quản lý với các nước láng giềng có chung biên giới, để bảo đảm hiệu quả trong việc quản lý chặt chẽ vấn nạn di cư và tội phạm xuyên biên giới trong khu vực này.

(5) Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới của Mỹ.

Một trong những biện pháp hiệu quả trong thực hiện bảo vệ chủ quyền biên giới được Mỹ thực hiện, đó là:xây dựng Lực lượng Bảo vệ biên giới và Hải quan Mỹ (United States Customs and Border Protection, viết tắt CBP) nằm trong Bộ An ninh nội địa Mỹ. CBP là cơ quan độc lập chuyên trách bảo vệ biên giới, có trụ sở tại Oa-sinh-tơn. Nhiệm vụ của CBP đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ người dân và nền kinh tế Mỹ. CBP có quân số 62.450 người hoạt động tại tất cả các cảng nhập chính thức, các khu vực an ninh và được huấn luyện với tinh thần cảnh giác cao, sẵn sàng phục vụ đất nước và liêm chính Hải quan.

Ngoài nhiệm vụ bảo vệ quốc gia khỏi nạn khủng bố; buôn người; buôn bán, vận chuyển ma túy, CBP còn có nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới. CBP bảo vệ vành đai biên giới với Ca-na-da và Me-xi-co cũng như khu vực bờ biển bán đảo Flo-ri-da và bờ biển phía Bắc Ca-li-for-ni-a, đồng thời CBP còn phối hợp với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ để kiểm soát hàng chục nghìn km đường biên giới biển. Trong hoạt động xuất nhập cảnh, song song với nhiệm vụ trọng yếu là chống khủng bố, CBP còn bảo đảm tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại và du lịch hợp pháp; tạo thuận lợi cho việc làm thủ tục cho người, phương tiện và hàng hóa nhập cảnh vào Mỹ. CBP sử dụng các dữ liệu tự động kết hợp với tin tức tình báo và các tài liệu nhận dạng nhằm bảo đảm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch 6.

Những kinh nghiệm cho Việt Nam

Công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia ở nước ta trong giai đoạn hiện nay đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, vấn đề giải quyết những tranh chấp để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia ở nước ta với các nước láng giềng là một trong những ưu tiên trong đường lối đối ngoại và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và Nhà nước. Qua nghiên cứu chính sách bảo vệ chủ quyền biên giới lãnh thổ của một số quốc gia, như: Lào, Trung Quốc, Nga, các nước châu Âu, Mỹ, có thể rút ra những  kinh nghiệm sau:

Thứ nhất, xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Xây dựng lực lượng biên phòng, hải quan thành lực lượng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Các lực lượng này cần được đầu tư, vũ trang hiện đại, đào tạo chuyên nghiệp và được trao quyền cụ thể thông qua các văn bản đã được thể chế hóa.

Thứ hai, chú trọng công tác hậu cần, bảo đảm sẵn sàng trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong mọi tình huống. Khai thác triệt để điều kiện tự nhiên, địa hình, địa vật để xây dựng các công trình trọng điểm bảo vệ chủ quyền biên giới.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp, triển khai mô hình hợp tác giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của Việt Nam với lực lượng hữu quan của các nước láng giềng và các nước liên quan; củng cố, xây dựng lòng tin chiến lược, hướng đến hòa bình và ổn định; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, lực lượng chức năng các nước trong tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh, di, dịch cư tự do; đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới; cần tỉnh táo trước các âm mưu về “biên giới mềm”, tránh bị lệ thuộc, phụ thuộc để phải nhân nhượng trước các yêu sách lãnh thổ của nước lớn.

Thứ tư, cần đầu tư xây dựng, phát triển các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân vùng biên để tạo thành “phên dậu” bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân với công tác bảo vệ chủ quyền biên giới; chú trọng tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc ở khu vực biên giới, tạo nền tảng xây dựng khu vực phòng thủ vùng biên giới vững mạnh.

Thứ năm, cần chú trọng thực hiện công tác đối ngoại nhân dân nhằm tăng cường kết nối các dân tộc, các địa phương vùng ven; phát huy hình thức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới; nhân rộng mô hình kết nghĩa giữa các địa phương và Nhân dân các bên biên giới.

Chú thích:
1. Bài viết thuộc đề tài: “Đối ngoại nhân dân trong bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia ở các tỉnh biên giới phía Bắc nước ta hiện nay” của Học viện Chính trị Khu vực 1. Đề tài cấp Bộ, mã số B.22- 02 năm 2023.
2. Đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển Việt Nam – Lào. http://vietlao.vietnam.vn/, ngày 19/10/2021.
3. Luật Bảo vệ biên giới mới của Trung Quốc khiến Ấn Độ như “ngồi trên lửa”. https://vov.vn/, ngày 28/10/2021.
4, 5, 6. Vài nét về lực lượng Biên phòng Nga, châu Âu và Mỹ. https://www.bienphong.com.vn, ngày 03/3/2018.
Tài liệu tham khảo:
1. Đinh Quang Hải. Quan hệ biên giới trên đất liền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng. NXB Khoa học xã hội, 2022.
2. Việt Nam – Lào và đường biên giới chung của hợp tác, hữu nghị. https://vietlao.dangcongsan.vn, ngày 27/6/2022.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thúy Hà
Học viện Chính trị Khu vực I