Phát triển kinh tế xanh – Góc nhìn từ TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh biến đổi khí hậu phức tạp và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế xanh đã trở thành mục tiêu không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Kinh tế xanh tập trung vào sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững. Để đánh giá tình hình phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam nói chung và tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, bài viết này sử dụng phương pháp phân tích tài liệu để tổng quan và tập trung vào kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế xanh từ các nước, như: Hàn Quốc, Singapore và Mỹ. Từ đó, bài viết đưa ra những bài học quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phát triển kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh.
Kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh đang được thúc đẩy thông qua việc xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng bền vững.
Đặt vấn đề

TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, văn hóa và công nghiệp của Việt Nam, đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế xanh. Đây là một xu hướng đáng chú ý, mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng và môi trường.

Kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh đang được thúc đẩy thông qua việc xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng bền vững. Các tòa nhà và khu đô thị mới được thiết kế nhằm tối ưu hóa sử dụng năng lượng, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và giảm lượng khí thải gây ô nhiễm. Đồng thời, các công viên và khu vườn xanh được xây dựng và duy trì nhằm cải thiện chất lượng không khí và tạo ra không gian sống trong lành cho người dân.

Trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp và dự báo tăng cường trong tương lai, cùng với việc suy thoái nghiêm trọng của tài nguyên thiên nhiên, gây ra các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, việc tích hợp mục tiêu tăng trưởng xanh vào phát triển kinh tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết tại mỗi quốc gia. Kinh tế xanh đại diện cho một hướng phát triển mới cho kinh tế trong tương lai. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đã tuyên bố rằng, kinh tế xanh có thể tạo ra việc làm và tăng cường công bằng xã hội, đồng thời ảnh hưởng tích cực đến thị trường lao động. Tổ chức Lao động Quốc tế cũng tin rằng, kinh tế xanh có thể tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm cho người lao động.

Quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh được coi là một quá trình chất lượng cao. Theo Cato (2012), các nước phát triển xác định quá trình chuyển đổi sang kinh tế xanh là sự gia tăng về việc làm và phát triển thị trường hàng hóa. Trong khi đó, các nước đang phát triển tập trung vào giải quyết các vấn đề liên quan đến đối phó với nghèo đói và lập kế hoạch phát triển bền vững. Nhóm quốc gia BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã chọn chiến lược sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả.

Việc tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Nhà nước trong thời gian gần đây, nhất là tại các thành phố lớn như: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh ở TP. Hồ Chí Minh luôn được hỗ trợ và giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế và cộng đồng trên toàn cầu. Vào ngày 24/5/2022, tại “Diễn đàn và triển lãm kinh tế xanh (GEFE) 2022”, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp châu Âu mong muốn chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh với Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn. Đồng thời, tại TP. Hồ Chí Minh đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào kinh tế xanh, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp xanh và năng lượng xanh.

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh ở TP. Hồ Chí Minh đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế. Các vấn đề, như: nguồn vốn, sự không ổn định của thị trường, cơ chế chính sách và nguồn nhân lực chất lượng cao đã gây khó khăn. Vì vậy, bài viết này sẽ tập trung hệ thống hóa kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh của Mỹ, Đan Mạch, Hàn Quốc và Singapore, nhằm rút ra những bài học và kinh nghiệm cho mục tiêu phát triển kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh.

Thực trạng kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh

Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh vừa có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý 4 và cả năm 2022. Trong đó xác định, năm phục hồi kinh tế – xã hội 2022 được xem là “năm bản lề” tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu của kế hoạch kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Năm 2022, tăng trưởng GRDP đạt 9,03% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố ước đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010, tăng trưởng GRDP đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với năm 2021. Cụ thể, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 3,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,95%, trong đó công nghiệp tăng 12,92%; khu vực thương mại dịch vụ tăng 8,37%; thuế sản phẩm tăng 7,41%. Nếu không tính các ngành y tế và cứu trợ xã hội có mức tăng trưởng âm (-2,77%), các ngành còn lại đều có mức tăng trưởng khá, gồm: bán buôn, bán lẻ tăng 10,47%; vận tải, kho bãi tăng 5,2%; thông tin và truyền thông tăng 9,13%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,77%; kinh doanh bất động sản tăng 4,42%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,04%; giáo dục và đào tạo tăng 5,45%. Riêng ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống có mức tăng cao nhất 47,05% so với cùng kỳ.

Sự đóng góp của các khu vực kinh tế trong mức tăng trưởng chung 9,03% của nền kinh tế như sau: khu vực nông lâm thuỷ sản đóng góp 0,02 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 2,68 điểm phần trăm với công nghiệp góp 2,41 điểm phần trăm; khu vực thương mại dịch vụ đóng góp 5,36 điểm phần trăm; thuế sản phẩm đóng góp 0,97 điểm phần trăm.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực thương mại – dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, đến 64%, đứng thứ hai là công nghiệp – xây dựng 22,1%… Trong đó, chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 58,7% trong GRDP, chiếm 91,7% trong khu vực dịch vụ. Bốn ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP là thương nghiệp 16,4%; vận tải kho bãi 8,7%; tài chính ngân hàng 10,1%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ 5,3% – đây là những ngành là chủ đạo và chiếm 40,5% trong tổng GRDP của Thành phố, chiếm 63,3% nội bộ khu vực dịch vụ.

Báo cáo của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng cuối cùng của năm 2022 diễn biến ngược xu hướng với các tháng trước khi có mức giảm 0,07% so tháng 11, với hai nhóm giảm giá là giao thông và may mặc, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều (-3,05%) và chín nhóm còn lại tăng. CPI tháng 12/2022 tăng 4,92% với 10/11 nhóm hàng tăng giá, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức 14,87%; tiếp đến là nhóm nhà ở với mức tăng 7,42%; nhóm hàng giảm giá là bưu chính viễn thông (-0,32%). Tính bình quân cả năm, CPI tăng 2,73%. Hai chỉ số giá được quan tâm nhiều nhất, tăng nhiều nhất là vàng và đô la Mỹ; theo đó, chỉ số giá vàng bình quân năm 2022 tăng 16,96% và chỉ số giá USD bình quân cả năm tăng 1,14%.

Với số liệu trên cho thấy, quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế truyền thống sang kinh tế xanh đã trở thành một quá trình chất lượng cao, đại diện cho một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với chính sách kinh tế, có khả năng giải quyết một tập hợp các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội. Trên toàn cầu, vấn đề kinh tế xanh đã thu hút sự quan tâm từ các nhà nghiên cứu từ khá sớm, như: Egorova et al. (2015), Maria et al. (2015), Georgeson & Maslin (2019), Sulich (2020), Mikhno et al. (2021). Tại TP. Hồ Chí Minh, các nghiên cứu về kinh tế xanh tập trung vào các nội dung, như: xu hướng phát triển kinh tế xanh trên toàn thành phố, cơ hội và thách thức trong việc phát triển kinh tế xanh, tình hình hiện tại và giải pháp để phát triển kinh tế xanh, các giải pháp để thực hiện tăng trưởng xanh.

TP. Hồ Chí Minh cũng đang tập trung vào việc khuyến khích các ngành công nghiệp và doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các công nghệ xanh. Các doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, viễn thông và các lĩnh vực khác nhằm tăng cường sự sáng tạo và hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Trong hơn 10 năm triển khai và thực hiện kinh tế xanh, Đảng và Nhà nước ta đã chứng kiến những tiến bộ đáng kể nhờ sự chỉ đạo cùng nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của kinh tế xanh. Cụ thể, hành vi sản xuất và tiêu dùng đã có những thay đổi đáng kể và được cải thiện tích cực, đồng thời, ngày càng có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào việc phát triển kinh tế xanh. Đời sống của người dân cũng không ngừng được cải thiện và nâng cao, đồng thời, nhiều khu đô thị mới đã nổi lên, đặc biệt là các vùng nông thôn mới đã được hình thành.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong năm 2021, Việt Nam đã phải đối mặt với tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn đạt mức 2,58%, giảm nhẹ so với năm 2020. Năm 2021, cơ cấu kinh tế của Việt Nam được đóng góp chủ yếu từ lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. So với các năm trước, cơ cấu kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 đã có sự chuyển dịch tích cực, với tăng tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Xu hướng này phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xanh của Chính phủ.

Cùng trên đà phát triển này, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu ban đầu trong mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, không thể không nhắc đến vai trò quan trọng của chính quyền địa phương trong việc tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước. TP. Hồ Chí Minh đã đáp ứng nhanh chóng diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích để các doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm lượng khí thải CO2 đối với các ngành công nghiệp nặng…

Những hạn chế và khó khăn trong xây dựng kinh tế xanh

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thực trạng phát triển kinh tế xanh ở TP. Hồ Chí Minh vẫn đối diện với một số hạn chế và khó khăn nhất định. Một trong những vấn đề quan trọng là nhận thức của người dân về nền kinh tế xanh vẫn còn hạn chế và cần được nâng cao. Do đó, sự đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia trong việc nghiên cứu và lan tỏa kiến thức về phát triển kinh tế xanh từ các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và cả người dân là rất cần thiết.

So với quốc tế, dây chuyền sản xuất và công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh phần lớn vẫn sử dụng công nghệ cũ và lỗi thời, gây lãng phí nhiên liệu và năng lượng. Chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực kinh tế xanh tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về trình độ khoa học công nghệ cao trong chiến lược phát triển kinh tế xanh. Vì vậy, việc áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại và công nghệ tiên tiến vào kinh tế xanh là một thách thức lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, sự tư vấn và hỗ trợ từ các quốc gia phát triển là rất cần thiết để Việt Nam có thể áp dụng các kỹ thuật khoa học và công nghệ mới.

Về mặt pháp lý, mặc dù Chính phủ đã ban hành và phê duyệt các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tương ứng với từng giai đoạn, hệ thống pháp luật vẫn chưa đồng bộ hoàn chỉnh. Hiện tại, chưa có các văn bản pháp luật cụ thể quy định về năng lượng xanh và năng lượng tái tạo; cần thiết ban hành các luật mới về phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường… Ngoài ra, công tác quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh ở các ngành, vùng và địa phương trên toàn quốc vẫn chưa thực sự liên kết và thống nhất.

Đồng thời, TP. Hồ Chí Minh cũng đang thúc đẩy việc sử dụng giao thông công cộng và các phương tiện giao thông xanh khác để giảm ô nhiễm không khí và ùn tắc giao thông. Hệ thống xe buýt công cộng được phát triển và mở rộng, đồng thời, các phương tiện giao thông cá nhân sử dụng năng lượng sạch như xe điện và xe đạp đang được khuyến khích.

Kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới

Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia tiên phong trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, thông qua việc ban hành kịp thời một khung chính sách toàn diện về tăng trưởng xanh cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một trong những thành tựu đáng chú ý là việc xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng xanh ở Hàn Quốc. Cụ thể, các chỉ tiêu này bao gồm: (1) Hiệu quả quản lý môi trường và tài nguyên, bao gồm giảm lượng phát thải CO2, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm tiêu thụ nguyên liệu trong nước; (2) Chỉ số về chất lượng môi trường sống, bao gồm tỷ lệ xử lý nước thải và đảm bảo tiếp cận nước uống an toàn, phát triển không gian xanh đô thị và giảm ô nhiễm không khí trong các khu đô thị; (3) Nhóm chỉ số về cơ hội kinh tế và tác động của chính sách, bao gồm chi tiêu nghiên cứu và phát triển liên quan đến tăng trưởng xanh và tỷ lệ ODA xanh.

Từ năm 2008, Hàn Quốc đã xem vấn đề “Carbon thấp, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh” là tầm nhìn phát triển trung và dài hạn trong giai đoạn từ 2009 đến 2050, và đặt ra mục tiêu tự nguyện giảm 30% lượng khí thải CO2 từ hoạt động kinh doanh theo kịch bản cơ bản vào năm 2020. Năm 2009, Hàn Quốc đã ra mắt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn từ 2009 đến 2050, song song với kế hoạch 5 năm (FYP) của quốc gia từ 2009 đến 2013. Chiến lược này nhằm thúc đẩy cơ hội tăng trưởng mới thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân và đóng góp vào cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Để thực hiện tầm nhìn này, Hàn Quốc đã thành lập Đề án mua bán khí thải quốc gia (ETS) từ tháng 01/2015.

Ở Singapore, vào tháng 01/2008, Ủy ban liên Bộ trưởng về Phát triển bền vững (IMCSD) đã được thành lập để xây dựng Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững tại Singapore. Singapore đã đặt mục tiêu trở thành một thành phố xanh và thiên nhiên vào năm 2030. Tháng 02/2021, Kế hoạch Xanh Singapore 2030 đã được triển khai trên toàn quốc và thúc đẩy chương trình quốc gia về phát triển bền vững của Singapore, tập trung vào 5 trụ cột chính: Thành phố trong thiên nhiên, tái quy hoạch năng lượng, sống bền vững, kinh tế xanh và tương lai tự cường.

Chính phủ Singapore đã tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực khoa học và công nghệ, tập trung vào nghiên cứu và phát triển về kinh tế xanh trong quý 3/2021, nhằm đạt tới một tương lai với mức carbon thấp. Ngày 10/6/2021, Singapore và Úc đã ký kết Thỏa thuận Kinh tế xanh (GEA) nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư vào hàng hóa và dịch vụ môi trường. Thỏa thuận này mang đến nhiều cơ hội hấp dẫn cho hoạt động xuất khẩu năng lượng sạch của cả hai quốc gia, đồng thời tăng cường quản lý môi trường và đóng góp vào xây dựng năng lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Ngoài ra, thỏa thuận cũng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong các lĩnh vực kinh tế xanh (Australian Government, 2021).

Đặc biệt, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng thuế carbon từ đầu năm 2019. Trong chiến lược phát triển kinh tế xanh, hai quốc gia đã tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh, nhằm đảm bảo việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và đối phó với những thách thức của biến đổi khí hậu (NCCS, 2022). Tuy nhiên, mức thuế carbon tại Singapore hiện vẫn còn thấp và được dự kiến sẽ được tăng lên trong tương lai. Áp dụng thuế carbon không chỉ giúp giảm lượng khí thải mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành sử dụng năng lượng sạch, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách cho quốc gia này.

Chính phủ Mỹ đã đặt ra các mục tiêu giảm phát thải dài hạn và triển khai các chính sách phát triển nền kinh tế xanh bằng cách thúc đẩy tiết kiệm năng lượng và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường. Nhìn chung, các chính sách này đã tạo động lực quan trọng cho hành động vì biến đổi khí hậu. Nhờ những nỗ lực giảm chi phí năng lượng tái tạo, tiến bộ trong công nghệ và sự thay đổi của các doanh nghiệp, nền kinh tế xanh của Mỹ đã được kích thích và phát triển. Mỹ đã sớm tiếp cận với mục tiêu xanh hóa nền kinh tế và đứng đầu trong việc phát triển nền kinh tế xanh toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, Chính phủ Mỹ đã thực hiện các khoản đầu tư quan trọng vào việc nâng cấp và hiện đại hóa lưới điện, cơ sở hạ tầng xe điện, năng lượng tái tạo, bảo quản năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng hydro, thu gom CO2, và nâng cao khả năng thích ứng và phục hồi trước biến đổi khí hậu (US Green Economy, 2021). Những thành tựu này đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và tạo ra cơ hội việc làm cho người dân trong nền kinh tế xanh của Mỹ. Theo một nghiên cứu của Georgeson & Maslin, nền kinh tế xanh của Mỹ ước tính tạo ra doanh số hàng năm khoảng 1,3 nghìn tỷ USD và sử dụng hơn 9,5 triệu lao động toàn thời gian (Stevens, 2019).

Một số đề xuất tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ nhất, TP. Hồ Chí Minh cần tăng tốc hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, cần tập trung vào cải thiện hiệu quả thực thi chủ trương và chính sách phát triển kinh tế xanh. Có thể tham khảo Luật Khung về tăng trưởng xanh của Chính phủ Hàn Quốc để định hình cơ sở pháp lý.

Thứ hai, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh, Chính phủ cần tăng cường đầu tư nguồn lực vào phát triển năng lượng, giới hạn việc sử dụng năng lượng từ nguồn hóa thạch và chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh và tái tạo. Đồng thời, cần thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng để đóng góp vào việc giảm ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia đã đạt được thành tựu nổi bật trong tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế xanh, việc giao lưu và hợp tác với cộng đồng quốc tế trở nên vô cùng quan trọng. Qua việc thiết lập quan hệ với cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ có cơ hội nhận được sự hỗ trợ không chỉ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, mà còn trong việc mobilize nguồn vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, như phát triển khu công nghiệp xanh và tự động hóa, xây dựng hạ tầng giao thông, năng lượng xanh và sạch, và nhiều lĩnh vực khác. Điều này sẽ giúp giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và không ngừng cải thiện, đảm bảo chất lượng môi trường sống cho người dân.

Thứ tư, Việt Nam cần tiến xa hơn trong việc áp dụng thuế carbon nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Với vai trò là một thị trường xuất khẩu đối với nhiều quốc gia phát triển, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Trong khi các quốc gia tiên tiến như Mỹ, châu Âu và những nước tiên phong khác đã thực hiện việc trung hòa carbon, Việt Nam cần nỗ lực hơn để bắt kịp tiến độ này. Thuế carbon là một khái niệm mới đối với Việt Nam, nhưng đó lại là một công cụ quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Áp dụng thuế carbon là giải pháp hiệu quả để giảm lượng khí thải CO2 tại mỗi quốc gia. Đồng thời, việc thu thuế carbon cũng tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Chính phủ có thể sử dụng nguồn thu này để đầu tư vào việc bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng xanh và giảm carbon.

Tài liệu tham khảo:
1. Australian Government (2021), Singapore-Australia Green Economy Agreementhttps://www.dfat.gov.au, ngày 27/7/2022.
2. Cổng thông tin AEC của VCCI (2022), Lộ diện top nền kinh tế lớn theo GDP ở Đông Nam Á năm 2021: Việt Nam đứng thứ mấy? https://aecvcci.vn, ngày 17/5/2023.
3. Georgeson, L., & Maslin, M. (2019), Estimating the scale of the US green economy within the global context, Palgrave Communications, 5 (1), 1-12.
4. NCCS (2022), Good Progress Made on the Singapore Green Plan 2030 as Government Accelerates Decarbonisation and Sustainability Efforts, https://www.nccs.gov.sg, ngày 15/7/2022.
5. The World Bank (2022), Việt Nam và Ngân hàng Thế giới nâng tầm quan hệ đối tác hướng tới mục tiêu nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, https://www.worldbank.org, ngày 29/6/2022.
6. UNEP (2011), Towards a Green Economy: Pathways to Sustainable Development and Poverty Eradication, UNEP, doi:10.1063/1.3159605.
7. US Green Economy (2021), US Green Economy Report Series, https://usgreeneconomy.com, ngày 14/7/2022.
TS. Nguyễn Đức Quyền
Học viện Cán bộ TP. Hồ Chí Minh