Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học – Thực tiễn kinh nghiệm của trường Đại học Công đoàn

(Quanlynhanuoc.vn) – Tài sản công là một bộ phận quan trọng của tài sản quốc gia, là nguồn lực của đất nước do Nhà nước làm chủ sở hữu và đại diện chủ sở hữu quản lý, sử dụng nhằm thực thi có hiệu lực và hiệu quả chức năng tổ chức và quản lý xã hội. Bài viết nghiên cứu, đánh giá công tác quản lý tài sản công tại các cơ sở giáo dục đại học, qua thực tiễn kinh nghiệm của Trường Đại học Công đoàn, khẳng định vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường.
Ảnh minh họa (tintuctuyensinh.vn).
Quản lý tài sản công đối với cơ sở giáo dục đại học

Tài sản công (TSC) tại các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) công lập là tiền đề, là yếu tố vật chất để Nhà nước có thể tổ chức thực hiện các mục tiêu giáo dục – đào tạo đề ra. Nguồn kinh phí ban đầu của các cơ sở GDĐH công lập được Nhà nước cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, quản lý nhà nước về TSC nói chung và quản lý TSC tại các đơn vị cơ sở GDĐH công lập nói riêng đã từng bước đi vào nề nếp, kỷ cương, công khai và có hiệu quả, nhất là sau khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.

TSC tại các cơ sở GDĐH công lập có vai trò quan trọng: (1) TSC phản ánh tiềm lực cơ sở vật chất của cơ sở GDĐH công lập; (2) TSC là yếu tố đóng góp quan trọng cho quá trình huấn luyện, đào tạo, nghiên cứu khoa học tại các cơ sở GDĐH công lập; (3) TSC là nguồn vốn tiềm năng cho đầu tư phát triển; (4) TSC có ý nghĩa đặc biệt với đời sống cán bộ, giáo viên, học viên.

Việc hoàn thiện quản lý TSC tại cơ sở GDĐH công lập là cần thiết bởi:

Thứ nhất, quản lý TSC tốt góp phần kích thích quá trình phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia. Những yếu kém trong quản lý và sử dụng TSC dẫn đến thất thoát, lãng phí, từ đó làm suy giảm nội lực của đất nước.

Thứ hai, Chính phủ là đại diện chủ sở hữu của tất cả TSC. Tuy nhiên, Chính phủ giao quyền quản lý và sử dụng TSC cho các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp sử dụng. Các cơ quan, đơn vị được giao quyền quản lý và sử dụng TSC để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Nhà nước phải bảo đảm quản lý chặt chẽ TSC theo đúng quy định của pháp luật, tiết kiệm và hiệu quả.

Thứ ba, TSC tại cơ sở GDĐH công lập là tiền đề, là yếu tố vật chất để Nhà nước có thể tổ chức thực hiện các mục tiêu giáo dục – đào tạo đã đề ra. Nguồn kinh phí ban đầu của các cơ sở GDĐH công lập được Nhà nước cấp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN), do vậy công tác quản lý TSC tại cơ sở GDĐH công lập cần bảo đảm quản lý chặt chẽ các khoản kinh phí từ nguồn NSNN cho các cơ sở GDĐH công lập.

Thứ tư, quản lý tốt TSC tại cơ sở GDĐH công lập sẽ bảo đảm việc thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho các cơ sở GDĐH công lập. Do TSC hình thành chủ yếu từ nguồn chi tiêu công, do vậy, việc sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát, lãng phí là trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý cũng như bản thân các cơ sở GDĐH công lập1.

Trên thực tế, Luật Quản lý, sử dụng TSC năm 2017 đã có những quy định cụ thể trong quản lý, sử dụng TSC tại các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó, có các cơ sở GDĐH) với những đổi mới quan trọng theo hướng được chủ động hơn trong đầu tư, mua sắm, khai thác, xử lý tài sản, được dùng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cũng đã chỉ ra những bất cập cả về cơ chế, chính sách cũng như công tác tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng TSC; nhiều cơ sở giáo dục còn sử dụng lãng phí nguồn lực TSC, sử dụng TSC sai mục đích, thậm chí gây thất thoát tài sản…

Quản lý tài sản công tại Trường Đại học Công đoàn2

Trường Đại học Công đoàn (ĐHCĐ) là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường vừa thực hiện chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tổ chức Công đoàn, vừa góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, từng bước khẳng định vị trí và uy tín trong xã hội. Quy mô Trường ĐHCĐ, với tổng số viên chức và người lao động hơn 400 người, lưu lượng người học của Trường gần 10.000 người, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trường hiện có 12 ngành đào tạo trình độ đại học; 5 ngành đào tạo trình độ thạc sỹ; 1 ngành đào tạo trình độ tiến sỹ. Cùng hệ đào tạo trên, Trường đã và đang đào tạo song ngành, bằng 2, vừa làm – vừa học, liên thông.

Những năm qua, Trường ĐHCĐ đã thể hiện rõ vai trò quan trọng trong việc góp phần vào công cuộc tạo nguồn nhân lực cho thị trường lao động. Để duy trì hoạt động, thực hiện các mục tiêu, nhà trường hiện đang sử dụng TSC cố định hữu hình rất lớn, như: nhà cửa, phòng học, các thiết bị trong phòng học, hệ thống PCCC, máy móc thiết bị văn phòng, thiết bị truyền dẫn, phương tiện di chuyển… Trường có diện tích hơn 27 ha (gồm cơ sở 1 tại Hà Nội và cơ sở 2 tại Hưng Yên).

Qua từng thời kỳ, nhà trường đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng thêm các tòa giảng đường mới, các phòng học được trang bị thiết bị hiện đại, đáp ứng nhu cầu số lượng sinh viên tăng qua từng giai đoạn. Trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học đã đáp ứng nhu cầu cơ bản của giảng viên và người học. Ký túc xá đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu về chỗ ở cho người học. Khuôn viên, cây xanh được xây dựng và chăm sóc thường xuyên tạo cảnh quan môi trường sư phạm “xanh – sạch – đẹp”.

Nguyên tắc quản lý TSC tại Trường ĐHCĐ: một là, thống nhất về cơ chế, chính sách, chế độ quản lý; hai là, thực hiện quản lý và sử dụng TSC theo tiêu chuẩn, định mức; ba là, thực hiện phân cấp quản lý TSC; bốn là, quản lý TSC phải gắn với quản lý ngân sách nhà nước.

Việc quản lý TSC tại Trường ĐHCĐ cũng nằm trong bối cảnh chung của quản lý TSC tại cơ sở GDĐH, do đó quản lý TSC tại Trường cũng đã xuất hiện nhiều bất cập cần được nghiên cứu, giải quyết để có cơ sở xây dựng các giải pháp, quy trình quản lý bảo đảm ổn định, hiệu quả, thống nhất và tuân thủ những quy định mới về TSC của Nhà nước, đồng thời phù hợp những đặc thù hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

TSC trong Trường ĐHCĐ giữ vai trò quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Giá trị TSC của trường nhiều về số lượng, lớn về giá trị và mỗi loại tài sản lại có giá trị sử dụng khác nhau, thời hạn sử dụng khác nhau; phong phú về chủng loại; mỗi loại tài sản có tính năng, công dụng khác nhau và được sử dụng vào các mục đích khác nhau, được đánh giá hiệu quả theo những tiêu thức khác nhau… do đó việc quản lý đối với mỗi loại tài sản cũng có những đặc điểm khác nhau. Quản lý TSC tại nhà trường cần phải được xây dựng bằng kế hoạch cụ thể, tổ chức, triển khai một cách khoa học, có quy trình, có kiểm tra, giám sát và có các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nói chung của nhà trường.

Về ưu điểm, hệ thống cơ chế quản lý TSC của Trường ĐHCĐ đã bao quát hết các công đoạn từ khâu đầu tư, mua sắm đến quá trình quản lý, sử dụng và cuối cùng là thu hồi, thanh lý những tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc không còn sử dụng được. TSC hiện có của trường cơ bản được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả và cơ bản khai thác và sử dụng đúng mục đích. Như vậy, một trong những yêu cầu và cũng là mục tiêu quản lý TSC của trường căn bản đã được thực hiện

Về hạn chế, trường còn chậm ban hành cơ chế chính sách về quản lý TSC theo hướng dẫn của Nhà nước và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Hệ thống cơ sở dữ liệu còn thiếu chưa cập nhật kịp thời, chưa xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu tài sản trong toàn hệ thống. Quy mô tài sản của trường hiện tại còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của giảng viên và sinh viên trong thời điểm đổi mới căn bản toàn diện về giáo dục.

Một số đề xuất nâng cao hiệu quả quản lý tài sản công của Trường Đại học Công đoàn

Xuất phát từ hiện trạng TSC đang quản lý, sử dụng và thực tế kết quả quản lý, sử dụng TSC thời gian qua tại Trường ĐHCĐ, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế và đáp ứng yêu cầu huy động nguồn lực tập trung cho đầu tư phát triển nhà trường trong giai đoạn mới, cần:

Một là, hoàn thiện các quy định, quy trình quản lý TSC, bổ sung các tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC.

Hai là, xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về tài sản, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đẩy mạnh công tác quản lý khai thác và sử dụng TSC.

Ba là, tăng cường các giải pháp huy động các nguồn lực để phát triển TSC.

Bốn là, trong tiến trình tự chủ của Trường ĐHCĐ, yêu cầu cần thiết là phải tính được giá thành dịch vụ; tính đúng, tính đủ giá thành dịch vụ công. Việc tính đủ chi phí, trong đó trích khấu hao tài sản cố định được xác định theo lộ trình nhất định qua ba giai đoạn đến năm 2025.

Năm là, tiêu chuẩn, định mức sử dụng TSC tại Trường ĐHCĐ nên được hoàn thiện theo hướng bám sát đặc thù hoạt động của lĩnh vực giáo dục – đào tạo cũng như đặc điểm tình hình của các địa phương.

Kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan

(1) Tăng quyền chủ động cho các cơ sở GDĐH công lập trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất bằng nguồn vốn hợp pháp thay vì vẫn phải lập dự án và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt, cấp vốn như hiện nay. Giảm mua sắm, trang bị bằng hiện vật chuyển sang cơ chế khoán kinh phí và thuê tài sản; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong mua sắm TSC để bảo đảm quá trình mua sắm được công khai, minh bạch và công bằng cho tất cả các đối tượng có khả năng tham gia.

(2) Xây dựng chính sách xã hội hóa và chuyển dịch các cơ sở GDĐH công lập thành các doanh nghiệp hoặc cổ phần hóa; tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH công lập được góp vốn liên doanh, liên kết trong cho thuê tài sản cũng như trong việc thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, dịch vụ thông qua thương hiệu và tài sản của cơ sở GDĐH công lập (có thể định giá tài sản góp vốn theo từng dự án hợp tác, không cần định giá toàn bộ tài sản để Nhà nước giao vốn). Số tiền thu được từ khai thác TSC tại cơ sở GDĐH công lập sau khi dùng để hoàn trả vốn huy động thì được phép giữ lại để bổ sung vào quỹ phát triển hoạt động của cơ sở GDĐH công lập chứ không cần hạch toán là NSNN như hiện nay.

Chú thích:
1. Quản lý tài sản công tại cơ sở giáo dục đại học công lập. https://mof.gov.vn, ngày 08/4/2022.
2. Số liệu trong phần này được tác giả tổng hợp từ báo cáo của Phòng Hành chính Tổng hợp – Trường Đại học Công đoàn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Giáo dục đại học năm 2013 (sửa đổi, bổ sung năm 2018).
2. Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2018.
3. Quy chế tổ chức và hoạt động của Trường (ban hành kèm theo Nghị quuyết số 03/NQ-HĐTĐHCĐ ngày 27/11/2020 của Hội đồng Trường Đại học Công đoàn.
4. Quyết định số 1196/QĐ-TLĐ ngày 18/8/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc công nhận Hội đồng Trường Đại học Công đoàn.
TS. Đàm Khắc Cử – CN. Đỗ Thị Minh
Trường Đại học Công đoàn