(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác tuyển quân là khâu quan trọng, có tác động trực tiếp đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, công tác tuyển quân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có nhiều đổi mới. Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội hiện đại, chính quy, tinh nhuệ, vấn đề nâng cao chất lượng lãnh đạo công tác tuyển quân của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng là rất cần thiết hiện nay.

Đặt vấn đề
Công tác tuyển quân (CTTQ) ở tỉnh Lâm Đồng là cuộc vận động chính trị sâu rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều tổ chức, lực lượng, nhất là hoạt động lãnh đạo của các cấp ủy đảng và vai trò tham mưu, lãnh đạo của Đảng ủy quân sự tỉnh. Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CTTQ, những năm qua, việc lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều đổi mới cả về nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, trên cơ sở huy động sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng bảo đảm cho tỉnh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ tuyển quân thì năng lực tham mưu, lãnh đạo và tổ chức thực hiện của một số cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang tỉnh chưa được phát huy đầy đủ, dẫn tới chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ tuyển quân có mặt chưa cao. Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải tiến hành đồng bộ những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng giai đoạn hiện nay.
Hoạt động tuyển quân ở tỉnh Lâm Đồng
Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây nguyên, cửa ngõ nối liền các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Nam duyên hải miền Trung và Đông Nam Bộ, diện tích 9.783,34 km2 với địa hình cơ bản là đồi núi, có 12 đơn vị hành chính, 10 huyện và 2 thành phố (là Đà Lạt, Bảo Lộc) với 142 xã, phường, thị trấn; dân số hơn 1,3 triệu người, trong đó 25,7% là đồng bào dân tộc thiểu số, dân tộc gốc Tây Nguyên chiếm 17% (K’Ho, Chu Ru, Châu Mạ…); có nhiều tôn giáo khác nhau, với trên 830.000 tín đồ, chiếm khoảng 63,7% dân số; có 4 tôn giáo lớn. gồm: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài1. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội không ngừng được nâng cao; quốc phòng an ninh luôn được quan tâm coi trọng. Nhân dân có truyền thống đoàn kết, yêu nước, truyền thống đó được tiếp tục kế thừa, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương hiện nay.
So với các tỉnh trong cả nước, Lâm Đồng vẫn là một tỉnh nghèo, kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hạ tầng cơ sở còn chưa đồng bộ, đời sống Nhân dân các dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhất là khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tình hình di dân tự do có xu hướng ngày càng gia tăng. Hiện nay, các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo và trình độ, dân trí thấp của đồng bào các dân tộc bản địa cũng như những vấn đề khó khăn của địa phương để lôi kéo, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề trên có ảnh hưởng không nhỏ tới nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của địa phương, trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng CTTQ trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện nhiệm vụ tuyển quân trên địa bàn tỉnh được tiến hành qua nhiều khâu, nhiều bước, để CTTQ đạt chất lượng cao, bảo đảm đủ số lượng, đúng thời gian, đúng chính sách, đúng pháp luật, đúng với phương châm “Tuyển người nào chắc người đó” đòi hỏi quá trình lãnh đạo của Đảng ủy quân sự tỉnh về CTTQ trên địa bàn cần nắm chắc một số đặc điểm nổi bật sau: (1) CTTQ là hoạt động thường xuyên liên tục, theo chu kỳ, liên quan đến các tổ chức, lực lượng, các cấp, các ngành, các tầng lớp xã hội ở địa phương. (2) CTTQ diễn ra trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tình trạng di dân tự do còn nhiều và phức tạp về tôn giáo. (3) CTTQ của tỉnh diễn ra trong điều kiện có nhiều thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn phải đi lao động xa ngoài địa bàn của tỉnh. (4) CTTQ diễn ra trong điều kiện trình độ văn hóa, dân trí, sức khỏe của công dân trong độ tuổi nhập ngũ giữa các địa phương trong tỉnh không đều, nhất là thanh niên nhập ngũ là người dân tộc thiểu số. (6) CTTQ diễn ra trong điều kiện tác động mạnh mẽ về âm mưu, hoạt động chống phá, xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch.
Những năm qua, chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng đã đạt những kết quả tích cực: lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện các khâu, các bước trong quy trình CTTQ nghiêm túc, chặt chẽ theo đúng hướng dẫn của cấp trên, đạt chất lượng, hiệu quả theo đúng yêu cầu đặt ra; nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện CTTQ từng bước được đổi mới phù hợp với đặc điểm của địa phương và đặc điểm, yêu cầu, nội dung CTTQ trong tình hình mới; các cơ quan, đơn vị làm CTTQ trong lực lượng vũ trang tỉnh luôn có nhận thức đúng đắn, trách nhiệm cao, chủ động, tích cực, sáng tạo trong tham mưu, chỉ đạo, phối hợp tiến hành CTTQ; tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh Lâm Đồng lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời đúng quy định đối với CTTQ trên địa bàn tỉnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu trong công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của các địa phương trong tỉnh ngày càng vững chắc.
Liên tục trong các năm 2019 – 2022 Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng luôn đạt 100% chỉ tiêu CTTQ cụ thể: năm 2019, toàn tỉnh giao 1.000/1.000 thanh niên nhập ngũ trong đó đảng viên nhập ngũ 42 công dân chiếm 4,2%; học vấn trung cấp, cao đẳng, đại học: 48 công dân, đạt 4,8%, trung học phổ thông (THPT): 560 công dân, đạt 56%. Sức khỏe loại 1 và 2: 708 công dân chiếm 70,8%2.
Năm 2020, toàn tỉnh đã giao 1.052/1.052 công dân nhập ngũ. Đảng viên 29 công dân đạt 2,76%; học vấn: trung cấp, cao đẳng, đại học : 57 công dân chiếm 5,4%, trình độ THPT: 594 công dân chiếm 56,5%. Sức khỏe loại 1 và 2: 749 công dân chiếm 71,2%. Công dân là người dân tộc thiểu số: 447 công dân chiếm tỷ lệ 42,5%”3.
Năm 2021, toàn tỉnh đã giao 1.103/1.103 công dân nhập ngũ, đảng viên: 18 công dân đạt 1,6%; học vấn: trung cấp, cao đẳng, đại học : 71 công dân chiếm 6,4%, trình độ THPT: 551 chiếm 50%. Sức khỏe: loại 1 và 2: 716 công dân chiếm 64,9%. Công dân là người dân tộc thiểu số: 487 chiếm tỷ lệ 44,1%”4.
Năm 2022, toàn tỉnh đã giao 1.150/1.150 công dân nhập ngũ đạt 100% chỉ tiêu. Đảng viên: 23 công dân chiếm 2,0%, học vấn: trung cấp, cao đẳng, đại học: 40 công dân chiếm 3,48%; trình độ THPT: 613 công dân chiếm 53,3%. Sức khỏe: loại 1 và 2: 748 công dân chiếm 65%. Công dân là người dân tộc thiểu số: 502 công dân chiếm tỷ lệ 43,6%5.
Năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 6433/KH-UBND ngày 26/8/2022 về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ năm 2023 trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 2259/QĐ-UBND ngày 30/11/2022 về việc giao chỉ tiêu tuyển nhận công dân nhập ngũ năm 2023 phù hợp với tỷ lệ dân số và nguồn xây dựng lực lượng dự bị động viên của từng địa phương. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra các địa phương triển khai thực hiện quy trình tuyển quân năm 2023 bảo đảm đúng Luật Nghĩa vụ quân sự. Các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện, xã cơ bản làm tốt chức năng tham mưu, phối hợp hiệp đồng, tổ chức thực hiện nghiêm túc; toàn tỉnh đã giao “1.150/1.150 công dân nhập ngũ, trong đó Đảng viên: 21 công dân đạt 1,83%; học vấn: trung cấp, cao đẳng, đại học là 49 công dân chiếm 4,2%; trình độ THPT là 584 công dân chiếm 50,78%. Sức khỏe: loại 1 và 2: 670 công dân chiếm 58,26%6.
Mặc dù kết quả CTTQ của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lâm Đồng thường xuyên bảo đảm đủ số lượng, nhưng quá trình lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng còn một số hạn chế, như: ý thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, chỉ huy của các cơ quan, đơn vị làm CTTQ trong lực lượng vũ trang tỉnh có lúc, có thời điểm chưa tốt; công tác tham mưu, phối hợp, hiệp đồng triển khai thực hiện CTTQ của một số đảng ủy, ban chỉ huy quân sự cấp huyện, của chi bộ quân sự, ban chỉ huy quân sự cấp xã có những năm hiệu quả thấp; thực hiện các khâu, các bước trong quy trình CTTQ ở một số xã, phường, thị trấn chưa thực sự chặt chẽ, nghiêm túc dẫn tới kết quả tuyển quân có thời điểm chưa cao. Do đó, cần phải có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trực tiếp góp phần củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng và xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh; góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa cho mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Giải pháp nâng cao chất lượng lãnh đạo công tác tuyển quân của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng hiện nay
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể, đối tượng, lực lượng trong lãnh đạo CTTQ.
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, giữ vai trò chỉ đạo, định hướng toàn bộ hoạt động nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng nhằm tạo sự thống nhất cao cả trong nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong CTTQ trên địa bàn tỉnh.
Đây là việc làm thường xuyên, liên tục, rộng khắp, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân. Vấn đề hàng đầu đặt ra là các chủ thể, đối tượng, lực lượng phải nắm vững nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, các văn bản của Bộ Quốc phòng, Quân khu 7, UBND tỉnh Lâm Đồng về CTTQ hằng năm. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận về nhận thức, trách nhiệm đối với CTTQ, làm cho mọi cấp, ngành, lực lượng tích cực tham gia, tiến hành hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị.
Để thực hiện tốt giải pháp này, cần tập trung vào các biện pháp chủ yếu sau: nâng cao nhận thức của cấp ủy các cấp trong lực lượng vũ trang tỉnh về sự cần thiết phải nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng; nâng cao nhận thức của các tổ chức, lực lượng về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CTTQ; nhận thức đúng những thuận lợi, khó khăn tác động đến quá trình lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, trước hết là cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chính trị, cán bộ chính trị đối với nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh.
Hai là, thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp đáp ứng yêu cầu lãnh đạo CTTQ.
Quá trình củng cố, kiện toàn cấp ủy cần đặc biệt coi trọng chất lượng cấp ủy, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh. Do đó, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp. Củng cố, kiện toàn cấp ủy các cấp trong đảng bộ quân sự tỉnh phải chú ý kiện toàn cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, bảo đảm cấp ủy có đủ số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, thực sự trở thành hạt nhân đoàn kết lãnh đạo ở đơn vị.
Cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp vừa là người trực tiếp quán triệt, nghiên cứu, đề xuất với cấp uỷ những chủ trương, biện pháp lãnh đạo của tổ chức đảng, vừa là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các khâu, các bước trong quy trình CTTQ. Do đó, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì các cấp là vấn đề cơ bản, quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đối với các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và tham mưu giúp cấp ủy địa phương trong CTTQ.
Nội dung, phương thức lãnh đạo CTTQ có vị trí, vai trò quyết định đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng.
Đổi mới nội dung lãnh đạo CTTQ cần chú trọng thực hiện tốt việc: lãnh đạo chặt chẽ việc tham mưu cho Tỉnh ủy chỉ đạo CTTQ trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo chặt chẽ các khâu, các bước trong quy trình CTTQ; lãnh đạo phát huy vai trò của cán bộ chủ trì các cấp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ tuyển quân; lãnh đạo phát huy vai trò cán bộ trực tiếp làm CTTQ; lãnh đạo thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng trong nhiệm vụ tuyển quân; lãnh đạo bảo đảm tốt kinh phí, điều kiện, cơ sở vật chất cho CTTQ.
Đổi mới quy trình, phương thức lãnh đạo cần tập trung vào thực hiện tốt việc: đổi mới, nâng cao chất lượng khâu ra nghị quyết lãnh đạo CTTQ; đổi mới khâu tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp ủy, tổ chức đảng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục nêu gương của tổ chức đảng, đảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm CTTQ; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng; đổi mới sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động lãnh đạo CTTQ.
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp trong nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ.
Đặc điểm nổi bật của CTTQ là do nhiều chủ thể tiến hành, nhiều lực lượng tham gia. Vì vậy, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ vừa là vấn đề có tính nguyên tắc, vừa là kinh nghiệm rút ra trong CTTQ, nhằm phát huy hiệu lực, nâng cao hiệu quả chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng hiện nay.
Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong CTTQ, phải làm cho mỗi tổ chức, mỗi lực lượng nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của mình đối với CTTQ, trong đó cần tập trung vào các cơ quan, đơn vị, như: ban tuyên giáo, ban dân vận; vai trò các huyện (thành) ủy, đảng ủy, Ủy ban nhân dân các cấp; các sở, ban, ngành của tỉnh; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội…
Các tổ chức, các lực lượng chú trọng làm tốt khâu thâm nhập, tuyển chọn công dân nhập ngũ, không để các thanh niên không đủ tiêu chuẩn về chính trị nhập ngũ vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; đề cao vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự huyện (thành phố) làm nhiệm vụ chuyên quản địa bàn, nhất là trong khâu “3 gặp, 4 biết” (gặp công dân, gặp gia đình, gặp địa phương và biết sức khỏe, biết văn hóa, biết lai lịch, biết phẩm chất đạo đức); thực hiện tốt “3 bình cử, 4 công khai” ở từng thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn bảo đảm dân chủ, công bằng trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong Nhân dân và trong thanh niên; kiên quyết chống mọi biểu hiện tiêu cực; tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị nhận quân nghiên cứu hồ sơ, chốt quân số.
Chú trọng tuyển công dân nhập ngũ đã tốt nghiệp trung học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học, có ngành nghề chuyên môn cần cho quân đội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quân đội; ưu tiên tuyển chọn con, em đồng bào dân tộc thiểu số, thanh niên tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên, sức khỏe loại 1, loại 2; công chức, viên chức trong hệ thống chính trị địa phương, con cán bộ, đảng viên nhập ngũ, góp phần nâng cao chất lượng lực lượng thường trực, tạo nguồn cán bộ dự bị động viên cho địa phương sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Có biện pháp quản lý và xử lý kiên quyết, nghiêm minh đối với các trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, các trường hợp đào bỏ ngũ nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng CTTQ của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn hiện nay.
Năm là, đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; thường xuyên sơ, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo CTTQ.
Đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát trong lãnh đạo CTTQ trước hết yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ quân sự tỉnh phải nhận thức đúng vai trò của công tác kiểm tra, giám sát; phải có kế hoạch cụ thể, tỉ mỉ, xác định rõ mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, thời gian kiểm tra, giám sát; hình thức, biện pháp tiến hành công tác kiểm tra, giám sát phải rất linh hoạt, đa dạng.
Tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm là việc làm cơ bản, thường xuyên có ý nghĩa rất quan trọng trong nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ. Để tiến hành sơ kết, tổng kết đạt hiệu quả, trước hết phải nhận thức đúng mục đích, yêu cầu của việc sơ kết, tổng kết; đánh giá đúng thực trạng, khắc phục bệnh hình thức, chạy theo thành tích; xác định rõ trách nhiệm, những ưu điểm, khuyết điểm trong các khâu, các bước của quy trình lãnh đạo; rút ra những kinh nghiệm và xác định phương hướng, biện pháp khắc phục, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tốt, phê bình, nhắc nhở, xử lý những trường hợp vi phạm nguyên tắc, kết quả hoàn thành nhiệm vụ thấp để không ngừng nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ.
Mỗi giải pháp cơ bản nêu trên có vị trí, vai trò khác nhau, nhưng có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Để nâng cao chất lượng lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh Lâm Đồng cần tiến hành đồng bộ, toàn diện, không tuyệt đối hóa hay xem nhẹ bất cứ giải pháp nào. Đồng thời, luôn bám sát thực tiễn sự vận động, biến đổi của nhiệm vụ, sát với đặc điểm địa bàn tỉnh Lâm Đồng để vận dụng một cách sáng tạo, làm cho quá trình lãnh đạo CTTQ của Đảng ủy quân sự tỉnh đạt chất lượng cao nhất. Thực hiện tốt công tác này là cơ sở quan trọng hoàn thành thắng lợi khâu đột phá “Nâng cao năng lực tham mưu và hiệu quả công tác quân sự, quốc phòng địa phương” mà Đại hội Đảng bộ quân sự tỉnh Lâm Đồng lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định.