Nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp

(Quanlynhanuoc.vn) – Làng nghề ở tỉnh Đồng Tháp được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX.Di sản làng nghề trong kho tàng di sản văn hóa, hình thành và phát triển con người đất Sen Hồng được xem là sức mạnh nội sinh tiềm tàng, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Đồng Tháp trong bối cảnh tự do hóa thương mại, trong kỷ nguyên chuyển đổi số, hội nhập toàn cầu. Cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, đòi hỏi Đồng Tháp cần phải nâng tầm giá trị và phát triển làng nghề như một thương hiệu văn hóa đặc trưng để góp phần gìn giữ di sản của làng nghề, di sản văn hóa, hình ảnh con người Đồng Tháp.
Làng hoa Sa Đéc là làng nghề hơn 100 tuổi ở Đồng Tháp.

1. Hiện nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 39 làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã được công nhận, trong đó, “có 21 làng nghề và 18 làng nghề truyền thống (LNTT) với các sản phẩm khá đa dạng, như: đan lát, chế biến lương thực, thực phẩm, trồng hoa kiểng, hàng thủ công mỹ nghệ,… Số hộ tham gia làm nghề khoảng 5.439 hộ (chiếm 16,55% tổng số hộ trên địa bàn có làng nghề, LNTT), với khoảng 14.567 lao động, trong đó 13.444 lao động thường xuyên. Tổng doanh thu của làng nghề khoảng 1.985 tỷ đồng. Nhìn chung, làng nghề hoạt động ổn định góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn”1.

Nhiều nghề, làng nghề, LNTT nổi tiếng tại Đồng Tháp, như: nghề làm nem Lai Vung; làng bột Sa Đéc; nghề dệt chiếu Định Yên; nghề dệt choàng (khăn) Long Khánh… Đặc biệt, làng nghề Sa Đéc – nơi nổi tiếng với diện tích trồng hoa, cây kiểng tập trung ở thành phố Sa Đéc là thành phố hoa của khu vực Nam Bộ, thủ phủ hoa của khu vực miền Tây.

Ở từng giai đoạn lịch sử, làng nghề, LNTT ở tỉnh Đồng Tháp có những bước thăng trầm; tuy nhiên, thời nào cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giải quyết bài toán khó cho nhiều địa phương “ly nông bất ly hương”. Làng nghề là nơi có tình làng nghĩa xóm bền chặt, nơi sản sinh ra các nghệ nhân, thợ giỏi, nơi tạo ra những sản phẩm đặc trưng, độc đáo của tỉnh; còn là nơi bà con tự học hỏi, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất, tăng thêm lợi nhuận cho người dân và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

2. Để nâng cao chất lượng quản lý nhà nước (QLNN) về làng nghề, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp đã ban hành nhiều văn bản, như: Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 09/01/2017 về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, LNTT giai đoạn 2017 – 2020; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 21/3/2023 về thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023… Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều nội dung nhằm tăng cường công tác QLNN đối với làng nghề, LNTT trên địa bàn tỉnh. Cụ thể:

Một là, tổ chức tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa công tác bảo tồn và phát triển làng nghề, LNTT. Giai đoạn từ 2017 – 2020 đã tổ chức tuyên truyền 5.327 cuộc, với hơn 213.083 người tham gia; phát hành hơn 20 bản tin kinh tế tập thể với hơn 5.400 bản và đăng tải hơn 100 tin, bài trên trang Thông tin điện tử Liên minh hợp tác xã tỉnh2. Nội dung tập trung vào công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống, tập trung khai thác các sản phẩm lưu niệm từ làng nghề, duy trì và phát triển các làng nghề, bảo vệ cảnh quan môi trường thiên nhiên…

Hai là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề truyền thống luôn được quan tâm. Với phương châm đào tạo tại địa phương, truyền nghề lấy thực hành là chính; qua đào tạo nghề, cơ bản giải quyết việc làm ổn định tại làng nghề, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Các nghề được đào tạo, như: tạo sản phẩm từ lục bình, bẹ chuối,  tre, trúc, mây, cói; đan thảm lau chân, dệt chiếu, sửa kiểng bonsai; tạo sản phẩm từ hoa, cỏ khô,… Kết quả, sau dạy nghề và truyền nghề có 26.925 học viên có việc làm, thu nhập bình quân từ 3,5 triệu đến 6 triệu đồng/người/tháng3.

Ba là, tăng cường công tác hỗ trợ, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho hoạt động sản xuất tại làng nghề: 11 đề án của cơ sở sản xuất nghề truyền thống, làng nghề được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm từ đề tài “Ứng dụng đề tài nghiên cứu triển khai thực hiện các giải pháp tổng hợp để xử lý môi trường của làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo” cho 4 cơ sở sản xuất bột kết hợp với chăn nuôi heo tại huyện Châu Thành; hỗ trợ máy móc, thiết bị cho 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh với kinh phí 403,345 triệu đồng4. Các thiết bị máy móc được hỗ trợ cho các cơ sở, như: máy sản xuất keo tái sinh cho cơ sở sản xuất dây đai – giỏ nhựa Ba Hưng (huyện Thanh Bình); dây chuyền sản xuất bột của cơ sở sản xuất bột xã Tân Phú Đông (thành phố Sa Đéc); xây nhà màng, nhà lưới để sản xuất hoa kiểng tại làng hoa Sa Đéc…

Bốn là, tích cực triển khai các dự án, đề tài khoa học có tính ứng dụng cao vào thực tế sản xuất tại địa phương. Cụ thể: Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhân giống và sản xuất một số chủng loại hoa chủ lực tại Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”, đã nghiệm thu và và chuyển giao cho một số chuyên ngành để ứng dụng và nhân rộng; các đề tài: “Nghiên cứu thay thế chất trợ lắng trong sản xuất bột gạo lọc truyền thống tại tỉnh Đồng Tháp”; “Cải thiện giống hoa Hồng Lửa và hoa Cúc Tiger phù hợp với Làng hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp”; “Nhân rộng mô hình xử lý môi trường làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo quy mô liên hộ Q = 16 m3/ngày đêm”; “Nhân rộng mô hình xử lý môi trường làng nghề sản xuất bột kết hợp chăn nuôi heo quy mô hộ Q=15m3/ngày đêm”; “Nhân giống cây sống đời kép (Kalanchoe sp.) bằng phương pháp nuôi cấy mô”, “Nghiên cứu và so sánh hiệu quả một số loại giá thể lên sự sinh trưởng và phát triển cây hoa chuông ra ngôi và cây ngoài vườn”… Kết quả: có 6 phẩm từ các nghề truyền thống, làng nghề, LNTT được công nhận cấp quốc gia; 161 sản phẩm được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh…5

Năm là, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm tại nhiều làng nghề trong tỉnh. Việc hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cơ sở góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tăng uy tín sản phẩm của làng nghề trên thị trường góp phần bảo tồn và phát triển ngành nghề nông thôn và LNTT của địa phương.

Nhìn chung, công tác QLNN được tỉnh quan tâm nên thời gian qua, nhiều làng nghề ở Đồng Tháp được phục hồi và phát triển mạnh tạo ra khối lượng sản phẩm phong phú, đa dạng phục vụ cho nhu cầu trong nước và góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu. Các làng nghề ở Đồng Tháp góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, làng nghề ở Đồng Tháp còn gặp những khó khăn, thách thứckhông nhỏ. Còn tâm lý khá phổ biến ở nhiều địa phương, thích sở hữu nhiều làng nghề, nhưng lại không tinh, không mạnh, vẫn quanh quẩn “ao làng, ao ta”. Các chính sách phát triển làng nghề tuy đã được quan tâm ban hành nhưng hiệu quả còn thấp vì nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tế. Thủ tục hành chính để hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn còn rườm rà, công tác quản lý vẫn còn sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan quản lý. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển các làng nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức, còn nhiều bất cập từ khâu xây dựng tới khâu tổ chức thực hiện và thanh kiểm tra. Công tác giám sát, thanh kiểm tra đối với hoạt động của các làng nghề trong tỉnh vẫn còn chưa sát sao, đôi khi còn tồn tại những cuộc giám sát dàn trải, tốn kém kinh phí mà không mang lại hiệu quả.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do thiếu sự quản lý, chưa có chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề phù hợp và thống nhất trong toàn tỉnh. Việc phổ biến và thực thi các chính sách liên quan đến phát triển ngành, nghề nông thôn còn chưa được quan tâm đúng mức. Công tác triển khai ở địa phương còn chậm, thủ tục hành chính trong việc thực hiện quy định hỗ trợ sản xuất – kinh doanh theo các chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề nông thôn còn rườm rà, còn sự chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan QLNN tại địa phương. Nhận thức và ý thức về ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu của hộ, cơ sở sản xuất làng nghề ở Đồng Tháp cũng còn hạn chế và phiến diện. Bên cạnh đó, các hộ, cơ sở sản xuất làng nghề vẫn chưa có hiểu biết nhiều về thương mại điện tử, về chuyển đổi số trong sản xuất, quản lý. Thêm nhiều khó khăn khác, như: thiếu những thợ giỏi, lành nghề; trình độ sản xuất thấp; sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, sản xuất thiếu tính bền vững, chưa tạo dựng được thương hiệu…

Làng nem Lai Vung ở TP.Sa Đéc có lịch sử hơn 60 năm.

3. Để tìm ra chìa khóa giải quyết vấn đề trên cần có một chiến lược phát triển làng nghề bền vững, thịnh vượng, là cả một chặng đường dài phía trước. Để làm được điều đó nhất thiết cần phải có nghiên cứu căn bản, chuyên sâu, là đòi hỏi khách quan, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Thứ nhất, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng đối với chính quyền các cấp trong công tác quản lý nghề, làng nghề. Nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo xây dựng chiến lược, chính sách phát triển làng nghề sát với thực tế, bảo đảm  tính định hướng cho hoạt động quản lý và phải mang tính khả thi cao. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và của người dân Đồng Tháp, bảo đảm thực hiện có hiệu quả mô hình thân thiện với môi trường, phát triển làng nghề bền vững, thịnh vượng. Tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận cao của toàn xã hội biến thành hành động thiết thực hằng ngày, tất cả vì mục tiêu kết hợp phát triển làng nghề bền vững với bảo vệ môi trường, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển con người toàn diện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân Đồng Tháp.

Thứ hai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan nhà nước từ tỉnh tới cơ sở trong quản lý làng nghề.Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phải có đầu tư tương xứng, đặc biệt là nhân lực, máy móc, thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất tại làng nghề. Cùng với đó, làng nghề cũng phải tự tái cơ cấu, loại bỏ những sản phẩm truyền thống không thích hợp hiện nay, không thân thiện với môi trường, sáng tạo sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu trong và ngoài nước. Đổi mới công tác xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển làng nghề. Cũng cần sự ra tay, sự vào cuộc của các chính quyền tạo cú hích để thúc đẩy liên kết vùng, tránh hiện tượng phát triển làng nghề khép kín. Phải có sự liên kết, kết nối giữa làng nghề, địa phương, hiệp hội trong vùng.

Các làng nghề Đồng Tháp cần chú trọng xây dựng môi trường thương mại điện tử hiện đại, đẩy mạnh tương tác online trực tuyến với khách hàng để cho khách hàng cùng tham gia vào thiết kế, mẫu mã sản phẩm. Cùng với đó, hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề, LNTT hiện có, đồng thời rà soát hỗ trợ lập hồ sơ công nhận nghề, làng nghề, ngành nghề truyền thống. Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề, LNTT. Tham gia hội chợ xúc tiến thương mại về làng nghề trong và ngoài tỉnh. Tổ chức tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh có ngành nghề nông thôn phát triển, tương đồng với điều kiện của tỉnh Đồng Tháp.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của làng nghề, vai trò của QLNN đối với phát triển làng nghề. Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt kịp thời, sâu sắc những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển làng nghề là một trong những biện pháp cơ bản nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan, ban ngành và các tầng lớp nhân dân đối với việc phát triển làng nghề. Công tác này cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, và nhất quán bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Thứ tư, nâng cao nhận thức cho các hộ, cơ sở sản xuất trong làng nghề ở Đồng Tháp về tầm quan trọng của việc kết hợp hài hòa phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu. Thay đổi tư duy, nhận thức về việc kết hợp hài hòa phát triển làng nghề với bảo vệ môi trường, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục những tư tưởng lệch lạc, phiến diện, nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu. Cần có các quy định sáng suốt để vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa kết hợp hài hòa phát triển làng nghề thịnh vượng, bền vững và tạo công ăn việc làm cho người dân.

Thứ năm, xây dựng chính sách phát triển làng nghề gắn với du lịch. Đồng Tháp có nhiều LNTT nổi tiếng, trong đó có hai nghề được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh nên việc phát triển các làng nghề gắn với du lịch là một hướng đi đúng đắn và bền vững. Vì vậy, các cơ quan hữu quan trong tỉnh cần khẩn trương thống nhất quan điểm, tạo quỹ đất cho việc quy hoạch phát triển làng nghề gắn với du lịch, cần nhanh chóng cải thiện cơ sở vật chất, dịch vụ, cải thiện môi trường để phục vụ du khách đến với các làng nghề.

Thứ sáu, thay đổi phương thức từ hỗ trợ, ưu đãi làng nghề sang phương thức khuyến khích phát triển làng nghề trong hoạch định chính sách. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh phương thức hoạt động, bố trí đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu, chú trọng triển khai quyết liệt và có hiệu quả một số chính sách khuyến khích phát triển làng nghề như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ ứng dụng khoa học – công nghệ mới; chuyển đổi số đối với làng nghề; xúc tiến thương mại; mở rộng thị trường; tín dụng ngân hàng hỗ trợ phát triển làng nghề… Điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện chính sách theo hướng có chọn lọc và trọng tâm, kích thích khởi nghiệp làng nghề, thúc đẩy sự phát triển bền vững của làng nghề.

Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5. Báo cáo số 48/BC-UBND ngày 19/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn và công tác bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2017 – 2020; kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025 và năm 2021.
Tài liệu tham khảo:
1. Kế hoạch số 04/KH-UBND ngày 09/01/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống giai đoạn 2017- 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
2. Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 21/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2023.
3. Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
4. Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.
5. Quyết định số 3671/QĐ-BNN-KTHT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Bảo tồn và Phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021- 2030.

 TS. Nguyễn Việt Thanh – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long
ThS. Lê Minh Sơn – Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp
NCS. Nguyễn Quang Thành – Trường Đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh