Nguyễn Thị Duyên
Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân II
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu về tâm lý học hoạt động trong lực lượng Cảnh sát nhân dân đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân. Bài viết nghiên cứu tính đặc thù của công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân, đề xuất vận dụng tâm lý học hoạt động vào nâng cao hiệu quả công tác này của lực lượng Cảnh sát nhân dân.
Từ khoá: Cảnh sát nhân dân; tâm lý học hoạt động; cải tạo; giáo dục phạm nhân.
1. Đặt vấn đề
Việc quản lý và giáo dục phạm nhân với mục đích giúp họ cải tạo tái hòa nhập vào xã hội một cách tích cực sau khi hoàn thành án phạt tù bằng cách cung cấp cho họ cơ hội học tập, phát triển kỹ năng và thúc đẩy nhận thức về trách nhiệm cá nhân, để trở thành người có ích cho xã hội sau khi chấp hành xong hình phạt tù của pháp luật. Việc này đòi hỏi sự cân nhắc cẩn thận, sự thấu hiểu để giáo dục từ góc nhìn tâm lý học của cơ quan thực thi pháp luật. Theo đó, việc giáo dục và cải tạo phạm nhân không chỉ đơn giản là việc truyền đạt kiến thức và kỹ năng mà còn là việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển tích cực của họ. Điều này bao gồm các công việc, như: xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với nhu cầu của từng phạm nhân cụ thể, cung cấp dịch vụ tâm lý và hỗ trợ tái hòa nhập vào xã hội… Việc quản lý và giáo dục phạm nhân có ý nghĩa không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội bằng cách giảm thiểu tái phạm và tái phạm nguy hiểm mà còn thúc đẩy sự phát triển tích cực của các cá nhân, giúp họ trở thành người có ích cho xã hội.
2. Vai trò của tâm lý học hoạt động trong giáo dục nhân cách của con người
Tâm lý học hoạt động là một lĩnh vực nghiên cứu về tâm lý con người, dựa trên triết học Mác – Lênin. Từ những năm 80 thế kỷ XX, lý thuyết này đã được truyền bá rộng rãi ở Việt Nam và trở thành một trong những nguyên tắc, phương pháp luận quan trọng cho các nghiên cứu về tâm lý học và giáo dục. Tâm lý học hoạt động tập trung vào phạm trù hoạt động, giúp hiểu được quá trình phát triển tâm lý của con người dựa trên việc lĩnh hội và truyền đạt lại những thành tựu từ các thế hệ trước, từ đó hình thành đời sống tâm lý của bản thân.
Thứ nhất, tâm lý và ý thức là kết quả của hoạt động, tức là những nảy sinh từ việc tham gia vào hoạt động.
Trong lĩnh vực tâm lý học, hoạt động được xem như một loại vận động, làm hình thành nguồn gốc, nội dung và cách hoạt động của tâm lý. Nói cách khác, hoạt động được xem như là quy luật chung nhất của tâm lý học con người. Sự phát triển phức tạp và biến đổi của hoạt động, đồng thời cũng kéo theo sự phát triển và biến đổi của tâm lý. Phạm trù hoạt động không chỉ là yếu tố quan trọng mà còn là trọng tâm trong hệ thống khái niệm của tâm lý học con người. Các yếu tố khác như phản xạ, phản ánh, ý thức, nhân cách, nhu cầu, động cơ và nhiều yếu tố khác đều chịu ảnh hưởng và được điều chỉnh bởi phạm trù hoạt động.
Thứ hai, phản ánh tâm lý gắn liền với hoạt động.
Trong quá trình hoạt động, tâm lý được tạo ra và sử dụng phản ánh tâm lý như một khâu trung gian để tác động vào đối tượng. Điều này phản ánh nguyên tắc của việc thống nhất ý thức và hoạt động thông qua khái niệm “kinh nghiệm kép”. “Kép” đề cập đến việc, cái gì đó xảy ra trong quá trình lao động cụ thể và đối tượng cũng sẽ được tái hiện trong tư duy về sản phẩm của lao động, ở trong đầu người lao động. Ngược lại, hình ảnh về sản phẩm lao động, thông qua việc chuyển hoá quá trình sản xuất thành hình ảnh trong đầu người lao động, đồng thời cũng là sự chuyển đổi của sản phẩm đó vào đầu người lao động.
Thứ ba, tất cả các chức năng tâm sinh lý, quá trình và thuộc tính tâm lý, bao gồm cả ý thức và nhân cách được nghiên cứu như các hoạt động.
Điều này có nghĩa là hiện tượng được nghiên cứu được đặt vào cấu trúc tâm lý vĩ mô của hoạt động. Cấu trúc này bao gồm động cơ làm nảy sinh và điều chỉnh hiện tượng, được tạo ra thông qua các hành động cụ thể và vận hành bằng các phương tiện cụ thể, dựa vào các điều kiện cụ thể. Phương pháp tiếp cận hoạt động trong nghiên cứu thế giới tâm lý tập trung vào việc phân tích hệ thống các quan hệ giữa các yếu tố của cấu trúc vĩ mô của hoạt động. Một bên là điều kiện, mục đích, động cơ và bên kia là thao tác, hành động và hoạt động. Điều này ngụ ý rằng, phương pháp tiếp cận hoạt động cũng là phương pháp tiếp cận hệ thống được áp dụng trong nghiên cứu thế giới tâm lý con người. Thế giới tâm lý này được nghiên cứu ở các cấp độ: thao tác (tương ứng với điều kiện và phương tiện), hành động (tương ứng với mục đích cụ thể) và hoạt động (tương ứng với mục đích chung hay còn gọi là động cơ).
Cấp bậc nghiên cứu tâm lý có thể được xác định bằng các cách khác nhau; một cách là tổ hợp các cử động của cơ thể hoặc phản ứng của cá nhân và cách khác là nghiên cứu hoạt động với đơn vị là hành động. Tâm lý học hoạt động tập trung vào nghiên cứu thế giới tâm lý ở cấp độ hoạt động, trong đó hoạt động luôn cần phải có và nó cũng phản ánh trạng thái tâm lý. Trong ngữ cảnh này, hành vi được xem như là kết quả của tổ hợp các cử động và thao tác, chỉ là bề ngoài của hoạt động.
Thứ tư, ở cấp độ hoạt động, con người không chỉ đơn thuần là “một cơ thể người” hoặc “một máy móc vật lý”, cũng không chỉ là một cá thể đại diện cho loài.
Khi con người thực hiện một hoạt động, điều này bao gồm việc thực hiện các thao tác để đạt được một mục tiêu cụ thể hoặc một động cơ. Mục tiêu và động cơ được hiểu như là một đối tượng với ý nghĩa tổng quát nhất, trong đó nhu cầu được biểu hiện và cá nhân thực hiện hoạt động để đạt được, sử dụng và sáng tạo ra cái gì đó để làm thỏa mãn nhu cầu đó. Do đó, tính chủ thể là yếu tố cơ bản của hoạt động, bao gồm cả tính tích cực. Tính tích cực được tạo ra thông qua hoạt động và đồng thời cũng là yếu tố tham gia trong việc thực hiện hoạt động.
Hơn nữa, trong mối quan hệ với việc thỏa mãn nhu cầu, mục tiêu, động cơ và tính tích cực đạt đến mức cao nhất của chúng trong sự đam mê. Nói cách khác, trong hành động và hoạt động của con người, bên cạnh ý nghĩa khách quan do xã hội quy định, luôn tồn tại một ý nghĩa riêng đối với mỗi cá nhân. Trong trường hợp này, con người phải là một nhân cách, nghĩa là ở cấp độ hoạt động, chủ thể của hoạt động phải là một con người với tư cách là một nhân cách. Qua hoạt động, con người trở thành và tồn tại như một nhân cách.
Nhân cách là khía cạnh tâm lý đặc trưng của từng cá nhân, bao gồm các thái độ riêng biệt đã trở thành đặc điểm của bản thân. Đặc tính tâm lý này được xác định bởi một hệ thống các động cơ chủ đạo. Khi cá nhân nhận thức một sự vật hay hiện tượng với một thái độ riêng biệt đã trở thành đặc điểm của mình, điều này phản ánh sự ảnh hưởng của các động cơ, bao gồm cả ý thức cá nhân và kinh nghiệm sống – những gì được gọi là thông tin không gian và thời gian trong quá trình nhận thức. Quá trình tư duy của con người về một hiện tượng hoặc sự vật thường xuyên diễn ra dưới sự tác động của ý thức cá nhân kết hợp với bối cảnh không gian và thời gian cụ thể.
Các quá trình tâm lý không chỉ đơn thuần là kết quả của ảnh hưởng từ môi trường xung quanh lên cơ thể con người. Môi trường tâm lý của con người bao gồm cả thế giới mà họ nhận thức cũng như thế giới của cảm xúc, thành công, thất bại và biến đổi tâm trạng… Điều này bao gồm sự kết hợp của các yếu tố trong quá trình hoạt động, với tính chất của chúng là các nguồn động cơ và mục tiêu của hoạt động cùng với thái độ của cá nhân đối với những yếu tố này. Mối quan hệ giữa cá nhân này với cá nhân khác hoặc mối quan hệ tương tác (giao tiếp) giữa các cá nhân có vai trò quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách.
Trong quá trình thực hiện hoạt động, con người dần dần trở thành có nhân cách, tức là một cá thể với các cấu trúc tâm lý độc đáo mà họ tự tạo ra thông qua hoạt động của bản thân. Hoạt động luôn liên quan đến sự tương tác giữa cá nhân và những cá nhân khác thông qua giao tiếp. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện một hoạt động, sự biến đổi từ khía cạnh khách quan, được quy định bởi xã hội, thành ý riêng của cá nhân luôn xảy ra qua các mối quan hệ tương tác giữa các cá nhân hay còn gọi là giao lưu.
Phương pháp tiếp cận hoạt động không phải là một phương pháp nghiên cứu tâm lý đối lập với phương pháp tiếp cận nhân cách. Thực tế, phương pháp tiếp cận hoạt động chứa đựng trong mình phương pháp tiếp cận nhân cách. Nó nghiên cứu về tâm lý như là một khía cạnh của cá nhân, được hình thành thông qua hoạt động có đối tượng và giao tiếp.
3. Vận dụng tâm lý học hoạt động trong công tác giáo dục phạm nhân của lực lượng Cảnh sát nhân dân
Một là, định hướng khắc phục các yếu tố tiêu cực và xây dựng các yếu tố tích cực ở phạm nhân.
Công tác giáo dục và cải tạo phạm nhân bao gồm một loạt các hoạt động từ khi tiếp nhận phạm nhân vào trại giam cho đến tổ chức phân loại và thực hiện chế độ chính sách, giáo dục chính trị, pháp luật, văn hóa, đạo đức và lối sống. Trong môi trường hoạt động này, việc tiếp cận và nghiên cứu về tâm lý học hoạt động đóng vai trò quan trọng.
Cán bộ và chiến sĩ thực hiện công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân có trách nhiệm thay đổi nhận thức, tư tưởng và tình cảm không phù hợp, hướng tới việc phục hồi và hoàn thiện nhân cách của phạm nhân; giúp những người đã mắc sai lầm có nhận thức sửa chữa để trở thành người có ích cho xã hội. Để đạt được điều này, tâm lý học hoạt động định hướng nội dung, phương pháp và nguyên tắc thực hiện công tác quản lý, giáo dục và cải tạo phạm nhân.
Hai là, cho phép lựa chọn phương pháp đa dạng, phong phú, đúng đắn trong triển khai công tác giáo dục, cải tạo và tác động tâm lý đối với phạm nhân. Đa phần các trại giam hiện nay thường áp dụng phương pháp thông qua lao động sản xuất và đào tạo nghề nghiệp. Cơ sở pháp lý cho hoạt động này được quy định trong Pháp lệnh Thi hành án hình sự và các quy định của pháp luật hình sự. Theo đó, trong suốt thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân phải tham gia lao động để tác động đến nhận thức trách nhiệm của mình thông qua việc lao động, để hiểu rõ giá trị của công việc và dần dần hình thành thói quen làm việc có trách nhiệm.
Ba là, cung cấp căn cứ đánh giá kết quả của việc triển khai công tác giáo dục, cải tạo và tác động tâm lý đối với phạm nhân. Kết quả của công tác này thường được đo lường bằng sự thay đổi về nhân cách của phạm nhân, hướng tới một trạng thái tích cực hơn. Tâm lý học hoạt động đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả của các hoạt động đã và đang triển khai, giúp xác định những điểm có thể cải thiện, xác định tiêu chí đánh giá phù hợp, bảo đảm tính giáo dục và nhân văn sâu sắc trong quá trình này. Điều này giúp tăng cường hiệu quả của công tác giáo dục và cải tạo, đồng thời mang lại lợi ích lâu dài cho cả cá nhân và xã hội.
4. Kết luận
Thực tế cho thấy, thông qua lao động sản xuất đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần của phạm nhân được cải thiện đáng kể. Đồng thời, giảm đáng kể tình trạng suy kiệt và ốm đau, tạo điều kiện thuận lợi cho phạm nhân tuân thủ hình phạt hoặc cố gắng cải thiện để giảm thời gian chấp hành án phạt.
Các nghiên cứu tâm lý học hoạt động cung cấp cơ sở để hiểu biết và có vai trò trong việc định hướng xây dựng nhân cách con người, giúp định hình các lựa chọn trong việc xác định ý nghĩa, động cơ, mục tiêu và cách thức triển khai công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân. Do đó, giúp cán bộ và chiến sĩ thực hiện công tác này cải thiện nội dung và hình thức lao động sản xuất và đào tạo nghề, tham khảo và áp dụng các phương pháp đa dạng với các đối tượng, mang lại hiệu quả cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Cảnh sát nhân dân. Giáo trình Tâm lý học đại cương (lưu hành nội bộ). Hà Nội, 2010.
2. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Giáo trình tâm lý học. H. NXB Công an nhân dân, 2005.
3. Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2. Giáo trình Tâm lý học (lưu hành nội bộ). TP. Hồ Chí Minh, 2019.
4. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Giáo trình Tâm lý học đại cương. NXB Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, 2013.
5. Daniel Goleman. Trí tuệ xúc cảm. H. NXB Lao Động – Xã hội, 2021.
6. Kerry Goyete. EQ – Nghệ thuật làm chủ cảm xúc. H. NXB Dân Trí, 2020.