TS. Nguyễn Duy Tiên
TS. Trần Việt Hưng
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam là những chuẩn mực hành vi, tư tưởng, phong tục, tập quán, thói quen, lối sống, cách ứng xử của các thế hệ gia đình được hình thành trong lịch sử và được truyền từ đời này sang đời khác. Trước tác động của hội nhập quốc tế, Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp và trực tiếp là mỗi gia đình đã thường xuyên quan tâm bảo tồn nét đẹp truyền thống của gia đình. Công tác này đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định, đòi hỏi cần tiếp tục có những giải pháp toàn diện, đồng bộ, gìn giữ và phát huy nét văn hóa của gia đình Việt Nam trước tác động của hội nhập quốc tế hiện nay.
Từ khóa: Gia đình Việt Nam; giá trị truyền thống; văn hóa; bảo tồn; phát huy; hội nhập quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Suốt quá trình phát triển, các thế hệ gia đình đã hình thành và bồi đắp nên những truyền thống tốt đẹp, tạo nên một diện mạo văn hóa riêng của gia đình Việt Nam. Giá trị nổi bật của gia đình Việt Nam là sự thương yêu và chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình; tình nghĩa, thủy chung, hòa thuận trong quan hệ vợ chồng; ông bà gương mẫu; cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo; ông bà gương mẫu con cháu hiếu thảo; anh chị em yêu thương, hòa thuận, gắn bó, đùm bọc lẫn nhau; truyền thống yêu nước; đoàn kết cộng đồng; tôn sư trọng đạo, hiếu học… cùng với các phong tục, tập quán trong cưới xin, ma chay, giỗ tết… Đó là sự kết tinh của văn hóa gia đình và văn hóa dân tộc, được vun đắp qua nhiều thế hệ, nhiều thời kỳ, tạo sợi dây liên kết bền chặt giữa các thành viên, các thế hệ, khiến cho dòng chảy văn hóa gia đình truyền thống không bị đứt đoạn mà luôn có sự tiếp nối thường xuyên, liên tục. Hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của hội nhập quốc tế, hệ giá trị gia đình Việt Nam đang có những biến đổi theo chiều hướng khác nhau, song những nét đẹp truyền thống của gia đình vẫn tiếp tục được lưu truyền, giữ gìn và phát huy cùng với quá trình tiếp biến những giá trị mới, tiến bộ của thời đại, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh.
2. Thực trạng bảo tồn nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Hiện nay, trước tác động đa chiều của xã hội hiện đại, nhất là của hội nhập quốc tế, các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam đã và đang có nhiều biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Do đó, Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp để gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, ngày 20/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 279/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020 nhằm phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình.
Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, trong đó xác định tiêu chí ứng xử chung trong gia đình là: tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ; và các tiêu chí ứng xử với từng mối quan hệ gia đình là: vợ chồng thủy chung, nghĩa tình; ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, yêu thương con cháu; con cháu phải hiếu thảo, lễ phép với cha mẹ, ông bà; anh, chị, em phải hòa thuận chia sẻ. Trên cơ sở Bộ tiêu chí ứng xử này, các địa phương đã và đang triển khai thực hiện thí điểm nhằm từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực giá trị đạo đức, văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; củng cố ý thức pháp luật, đề cao đạo đức, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước; ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức trong gia đình và xã hội; nâng cao nhận thức về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình hướng tới sự ổn định, văn minh cho toàn xã hội.
Những nét đẹp truyền thống vẫn tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và lan tỏa trong mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Đại đa số người Việt Nam vẫn coi trọng gia đình; xem gia đình là một tổ ấm yêu thương, một phần thiêng liêng không thể thiếu trong cuộc đời mỗi người. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn những người được hỏi khẳng định tầm quan trọng của hôn nhân, 80,5% số người chưa kết hôn cho biết sẽ “kết hôn, có gia đình”, 46,2% cho rằng “thanh niên đến tuổi trưởng thành phải lập gia đình”; tỷ lệ người đồng ý với việc sống độc thân thấp hơn nhiều so với số người không đồng ý1. Trong mỗi gia đình, các chuẩn mực đạo đức truyền thống vẫn được thực hiện, văn hóa ứng xử vẫn được thực hiện trên cơ sở tình nghĩa, yêu thương, chia sẻ và trách nhiệm.
Trong quan hệ vợ chồng, sự thủy chung luôn được coi là chuẩn mực, tiêu chí hàng đầu trong quan hệ hôn nhân. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 41,6% coi chung thủy là “quan trọng”, và 56,7% coi chung thủy là “rất quan trọng”2. Đồng thời, sự hòa thuận vợ chồng cũng là một yếu tố đặc biệt quan trọng để duy trì hạnh phúc gia đình. Trong mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ với con cháu, chuẩn mực ông bà, cha mẹ nhân từ, con cháu hiếu thảo là nét đặc trưng của gia đình Việt Nam.
Ông bà, cha mẹ luôn chú trọng dưỡng dục con cháu, giúp đỡ con cháu chăm lo xây dựng gia đình, tiền đồ, hạnh phúc. Con cháu không chỉ kính trọng, yêu thương, vâng lời, phụng dưỡng cha mẹ, ông bà mà còn phấn đấu tu dưỡng bản thân, không ngừng học tập vươn lên vinh danh bản thân, mang lại cho cha mẹ niềm tự hào về sự thành đạt của con cái.
Trong quan hệ anh, chị, em, sự hòa thuận, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau là giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam. Trong đó, “hòa thuận” được coi là yêu cầu, chuẩn mực hàng đầu, anh chị em trong gia đình phải luôn yêu thương, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, không xích mích, tranh giành quyền lợi với nhau ngay cả khi đã có gia đình riêng, cuộc sống riêng. Hòa thuận không chỉ là nhu cầu nội tại của mối quan hệ giữa anh, chị, em mà còn là yêu cầu, mong muốn của cha mẹ, họ hàng. Dù xã hội có nhiều biến đổi, nhưng sự hòa thuận, gắn bó keo sơn, bền chặt giữa những người ruột thịt vẫn giữ vị trí rất cao trong đời sống xã hội. Dù giàu có hay nghèo khó về vật chất nhưng anh chi em vẫn giữ trọn tình nghĩa với nhau, luôn hòa thuận, gắn bó keo sơn, bền chặt, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau cùng vươn lên trong cuộc sống.
Cùng với việc gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa trong mối quan hệ gia đình, đa số các gia đình Việt Nam hiện nay luôn đề cao ý thức cộng đồng, chú trọng đến trách nhiệm, nghĩa vụ đối với cộng đồng và xã hội. Phần lớn các gia đình luôn coi trọng tình cảm họ hàng, dòng tộc, trọng tình nghĩa, sống chan hòa trong tình làng, nghĩa xóm… Đặc biệt, mỗi gia đình Việt Nam luôn chú trọng gìn giữ, phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết dân tộc, đề cao truyền thống hiếu học, đạo lý tôn sư trọng đạo, lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người; chú trọng giáo dục đức tính cần cù, chịu khó trong lao động và ý chí khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Mỗi gia đình không chỉ rèn luyện thói quen, khả năng phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, kỹ năng trong lao động mà còn giáo dục cho con cháu biết quý trọng thành quả lao động, có đức tính cần cù, chịu khó, từ đó rèn luyện tính tự lập, tự giác của con cháu, giúp thế hệ trẻ ngày càng trưởng thành hơn, có ý chí vươn lên trong cuộc sống. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn răn dạy con cháu những điều hay, lẽ phải, biết giữ gìn hòa khí, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình, dòng họ, gắn bó với làng xã, đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
Nhiều gia đình đã quan tâm thực hiện các nghi lễ gia đình vào dịp lễ, Tết, duy trì các sinh hoạt văn hóa gia đình, làm cho các giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa gia đình được trao truyền một cách tự nhiên cho con trẻ, góp phần hình thành lối sống lành mạnh, hình thành và phát triển nhân cách con người và gìn giữ, phát huy cốt cách của con người Việt Nam, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống hiện đại.
Tuy nhiên, mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế cũng làm cho gia đình không tránh khỏi những tác động tiêu cực, một số nét văn hóa truyền thống của gia đình cũng bị mai một, lãng quên. Thực tế là lối sống, cách sống xa lạ, trái với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã và đang xâm nhập vào đời sống của nhiều gia đình, nhất là gia đình trẻ. Một số gia đình thiên về mưu cầu lợi ích cá nhân đã lãng quên những giá trị, chuẩn mực tốt đẹp của gia đình Việt Nam; một bộ phận trong giới trẻ có tâm lý học đòi cách sống thực dụng, cách sống xa lạ, sùng bái đồng tiền, quay lưng lại với thuần phong mỹ tục của gia đình truyền thống. Sự gắn kết của các thành viên trong gia đình ngày nay lỏng lẻo, thiếu tính bền vững hơn trước. Văn hóa gia đình trở nên mỏng manh, cấu trúc gia đình dễ bị đỗ vỡ hơn, chuẩn mực đạo đức truyền thống bị xem nhẹ, những hiện tượng lệch chuẩn có xu hướng gia tăng.
Trong quan hệ cha mẹ và con cái thì từ hiếu cũng có những biểu hiện theo nhiều chiều hướng. Nhiều cha mẹ mải miết kiếm tiền mà quên đi sự dạy dỗ con cái, thời gian dành cho con không nhiều và thường phó mặc cho nhà trường, xã hội, người giúp việc… Điều đó khiến con cái lớn lên thiếu hụt những giá trị mà không dễ gì bù đắp được. Nhiều người con báo hiếu cha mẹ đầy đủ nhưng cũng không ít người con bất hiếu làm đau lòng những bậc sinh thành và cả xã hội phải suy ngẫm. Trong quan hệ anh em, hòa thuận, đễ cũng có những thay đổi. Đôi khi, vì giá trị vật chất mà người ta quên đi tình nghĩa anh em; vì tiền bạc, đất đai, thừa kế mà anh chị em có thể chém giết lẫn nhau để tranh giành của cải, những chuyện đau lòng đó đang tạo nên mảng tối trong giá trị đạo đức của gia đình, xã hội, quan hệ trong nhiều gia đình trở nên gay gắt, tình cảm sứt mẻ. Do những tính toán thiệt hơn, vun vén lợi ích cá nhân, tình làng, nghĩa xóm có phần giảm sút. Kết quả khảo sát cho thấy, điểm trung bình về nhận định “bạn bè xóm giềng giúp đỡ bất cứ khi nào tôi cần” là khá thấp (3,52/5 điểm), điểm trung bình tham gia các hoạt động cộng đồng là 3,54 điểm, điểm trung bình về mức độ sẵn sàng hy sinh lợi ích vì cộng đồng của gia đình Việt Nam là 3,603. Kết quả này cho thấy, tính cộng đồng của người dân Việt Nam đang trên đà suy giảm.
3. Một số giải pháp giữ gìn và phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam trước tác động của hội nhập quốc tế
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Cần đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền giáo dục để mỗi cá nhân, mỗi gia đình và toàn xã hội nhận thức đúng đắn về vai trò của đạo đức gia đình, những nét đẹp của đạo đức truyền thống trong sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Đặc biệt, cần chú trọng giáo dục cho thế hệ trẻ những giá trị đạo đức truyền thống, gia phong và văn hóa ứng xử trong gia đình giúp họ thấy được sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại, cho họ nền tảng để rèn giũa phẩm chất đạo đức của bản thân.
Hai là, tập trung xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thốngtốt đẹp, tiếp biến những giá trị tiến bộ, hiện đại. Tăng cường gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình nhằm tạo nên sự gắn kết trong mỗi gia đình, cố kết cộng đồng, gắn tình yêu gia đình với tình yêu đất nước. Đồng thời, khắc phục, loại bỏ những truyền thống không còn phù hợp như: tính gia trưởng, bất bình đẳng về giới, bất bình đẳng trong quan hệ giữa các thế hệ, những nghi lễ rườm rà tốn kém trong ma chay, cưới hỏi; tính cục bộ theo dòng họ, địa phương… Tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá của nhân loại, đồng thời ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của lối sống trái với thuần phong mỹ tục. Trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, cần thực hiện hôn nhân tiến bộ một vợ một chồng trên cơ sở tình yêu chân chính giữa nam và nữ, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ; xây dựng bầu không khí gia đình dân chủ, bình đẳng, hoà thuận, yêu thương; củng cố, xây dựng nếp nhà, phát huy giá trị giáo dục của gia đình.
Ba là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Cần có những chính sách đẩy mạnh phát triển sản xuất, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế gia đình, trong đó ưu tiên các gia đình đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cần có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, cơ cấu lao động; đưa tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; từng bước rút dần lao động nông nghiệp sang phát triển ngành nghề, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong khu vực nông thôn…, qua đó tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng nguồn lao động cho gia đình và xã hội. Cùng với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phải giữ vững ổn định chính trị, kiên quyết đấu tranh ngăn chặn mọi biểu hiện gây chia rẽ, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết cộng đồng gia đình các dân tộc Việt Nam, bảo đảm cho các gia đình trên lãnh thổ Việt Nam đều có đời sống vật chất, tinh thần no đủ, phong phú để thực hiện tốt vai trò, chức năng của mình.
Bốn là, quan tâm xây dựng khu dân cư, làng, bản, tổ dân phố văn hóa, tạo môi trường văn hóa trong sạch,lành mạnh, an toàn, thuận lợi để bảo tồn phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình. Gắn xây dựng gia đình văn hoá với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Thực hiện phương châm “xây” đi đôi với “chống”, lấy xây làm chính nhằm giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới. Đề cao tinh thần đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa các gia đình trong cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở làng, xã, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các khu dân cư; giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Thường xuyên nêu gương và khen thưởng cho những gia đình mẫu mực, đồng thời phải lên án, phê phán nặng những gia đình đồi bại, cha mẹ bỏ rơi, ngược đãi con cáí hoặc con cái bất hiếu, hành hạ cha mẹ… tạo dư luận trong cộng đồng, góp phần điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi của mỗi gia đình.
4. Kết luận
Gia đình là nơi lưu giữ và chuyển giao các giá trị văn hóa truyền thống từ thế hệ này sang thế hệ khác, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Cũng chính những giá trị truyền thống là yếu tố nội sinh góp phần xây dựng gia đình thật sự trở thành tổ ấm, thành cái nôi nuôi dưỡng cuộc đời của mỗi con người. Hiện nay, hội nhập quốc tế vừa tạo nên những thời cơ để bảo tồn và quảng bá nét văn hóa của gia đình Việt Nam, khẳng định giá trị của nó trong cuộc sống hiện đại, đồng thời cũng gây nên không ít khó khăn, thách thức đối với công tác này. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp nhằm “Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững trong truyền thống văn hoá Việt Nam”4, giữ gìn, lưu truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, tạo nền tảng xây dựng gia đình hiện đại.
Chú thích:
1, 2, 3. Những biến đổi của gia đình Việt Nam hiện nay và một số khuyến nghị chính sách.https://www.tapchicongsan.org.vn, ngày 10/6/2020.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2021, tr. 143.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Ngọc Văn, Mai Văn Hai, Đặng Thị Hoa, Bùi thị Hương Trầm. Hệ giá trị gia đình Việt Nam từ hướng tiếp cận xã hội học. H. NXB Khoa học xã hội, 2016.
2. Nguyễn Huy Phòng. Gìn giữ, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Tạp lý Lý luận Chính trị, số (4), 2021.
3. Quyết định số 629/QĐ-TTg, ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
4. Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 20/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đến năm 2020.
5. Lê Ngọc Văn. Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam. H. NXB Khoa học xã hội, 2012.
6. Nguyễn Quang Vinh. Hệ giá trị quốc gia – từ góc nhìn của hệ giá trị gia đình truyền thống Việt Nam.Tạp chí Quản lý nhà nước số 324 (tháng 01/2023).