Đỗ Thị Phương Thúy
Vũ Thị Minh Phương
Trường Đại học Giao thông vận tải
(Quanlynhanuoc.vn) – Kể từ khi xuất hiện, công cụ ChatGPT đã thu hút sự chú ý rộng rãi của người dùng nhờ khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp trong một thời gian ngắn. Nhiều nhà giáo dục đã nghiên cứu công cụ tiên tiến này nhằm mang lại những lợi ích tiềm năng cho việc dạy và học ngôn ngữ. Nghiên cứu đánh giá thái độ của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải đối với việc sử dụng ChatGPT để cải thiện việc học tiếng Anh cũng như nhận thức của họ về những ưu điểm và nhược điểm của ChatGPT. Nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi khảo sát, thu thập dữ liệu từ 109 sinh viên đang theo học các học phần tiếng Anh tại trường Đại học Giao thông vận tải. Kết quả của nghiên cứu sẽ là một công cụ để hỗ trợ sinh viên học tiếng Anh.
Từ khóa: ChatGPT; AI; dạy và học tiếng Anh; Trường Đại học Giao thông vận tải.
1. Đặt vấn đề
Trong những năm gần đây, các ứng dụng ngôn ngữ lớn đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên (Kasneci và cộng sự, 2023)2. Trong số đó, ChatGPT đã nhận được sự quan tâm và thảo luận đáng kể của giới truyền thông và học giả. Ứng dụng này được lập trình dựa trên một tập dữ liệu khổng lồ và có thể tạo ra các văn bản giống con người để trả lời các câu hỏi và hoàn thành các nhiệm vụ khác liên quan đến ngôn ngữ với độ chính xác cao. ChatGPT có thể cung cấp câu trả lời ngay lập tức và phù hợp cho các câu hỏi của người dùng, nhiều học giả tin rằng đây là một cách thức thú vị để người học phát triển kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp và giải quyết vấn đề (Cotton, Cotton & Shipway, 2023)3. Tuy nhiên, ChatGPT đã này sinh một số tiềm ẩn, gồm: đạo văn, gian lận, không trung thực trong học tập… Do đó, việc hiểu rõ thái độ và nhận thức của sinh viên đối với việc sử dụng ChatGPT trong học tiếng Anh có thể giúp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia công nghệ cũng như các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh nó thành một công cụ hỗ trợ ngôn ngữ hiệu quả với hướng dẫn rõ ràng để tránh các vấn đề học thuật.
Về việc ứng dụng ChatGPT vào giáo dục đại học, một số nhà nghiên cứu đã đồng thuận về sự hỗ trợ của nó trong việc phát triển tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề (Kasneci, et al., 2023)4. Ngoài ra, với tư cách là một nền tảng cung cấp thêm tài nguyên học tập và thông tin về một chủ đề cụ thể, ChatGPT cung cấp các cách thích ứng và cá nhân hóa để hỗ trợ sinh viên. Trong bối cảnh dạy và học tiếng Anh tại Trường Đại học Giao thông vận tải, những câu hỏi: làm thế nào để có thể tận dụng những điều kiện sẵn có kết hợp với những tiến bộ của công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm nâng cao năng lực ngôn ngữ cho người học; làm thế nào để sinh viên ra trường có năng lực ngoại ngữ tốt, có khả năng giải quyết công việc thông qua sử dụng ngoại ngữ…, là những thách thức và trách nhiệm to lớn đối với giáo viên giảng dạy tiếng Anh tại trường.
2. Tổng quan vấn đề nghiên cứu
Đề tài về ứng dụng công cụ AI nói chung và ChatGPT nói riêng đã và đang thu hút được sự quan tâm của học giả ngành ngôn ngữ trong và ngoài nước. Jeon (2021)5 đã thực hiện một nghiên cứu quan trọng về việc áp dụng nền tảng học ngôn ngữ tích hợp AI vào quá trình giảng dạy tiếng Anh ở trường trung học. Nền tảng này sử dụng một kết hợp công nghệ tiên tiến, như: nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và học máy để cung cấp hướng dẫn ngôn ngữ được cá nhân hóa cho học viên. Các kết quả của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc áp dụng nền tảng này đã đạt được sự cải thiện đáng kể về trình độ tiếng Anh của học viên cũng như tăng cường động lực học tập của họ.
Nghiên cứu của Ma (2021)6 tập trung vào việc tích hợp công nghệ thực tế ảo (VR) cùng AI vào quá trình giảng dạy tiếng Anh. Một môi trường VR đặc biệt đã được phát triển trong nghiên cứu, kết hợp cả hai yếu tố trên để tạo ra một trải nghiệm học tập tương tác và sâu sắc. Kết quả của nghiên cứu đã chứng minh rằng, việc sử dụng công nghệ VR tích hợp AI đã mang lại cải thiện đáng kể về kết quả học tập tiếng Anh cho sinh viên.
Kasneci và cộng sự (2023)7 đã thực hiện một cuộc khảo sát về việc tích hợp ChatGPT vào một chương trình học tiếng Anh dành cho người nói tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ. Các kết quả của nghiên cứu này đã chỉ ra việc sử dụng ChatGPT giúp sinh viên tạo ra các câu phức tạp và tinh tế hơn, từ đó cải thiện đáng kể chất lượng viết tổng thể của họ. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự hướng dẫn và hỗ trợ từ phía giảng viên trong việc sử dụng ChatGPT một cách hiệu quả trong quá trình học ngôn ngữ.
Các nghiên cứu trên chủ yếu đều nhấn mạnh về hiệu quả của sử dụng ChatGPT và các phần mềm tích hợp AI trong học tập cũng như giảng dạy tiếng Anh, ít đề cập đến thái độ và quan điểm của người học trong các thử nghiệm này.
Tại Việt Nam, trong nghiên cứu của mình, Mai (2020)8 đã tìm hiểu những lợi ích cũng như những rào cản mà giáo viên và học sinh gặp phải trong việc tích hợp các công cụ công nghệ thông tin trong dạy và học tiếng Anh trên lớp học. Việc tích hợp công nghệ thông tin sẽ cho phép giáo viên đa dạng hóa các hoạt động dạy và học, từng bước thay đổi phong cách giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm hơn, rèn luyện học sinh có vai trò tích cực hơn trong học tập và tiếp cận được nhiều tài liệu học tập đích thực. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố hạn chế việc sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học tiếng Anh ở Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu này đề xuất các khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình. ChatGPT là công cụ công nghệ thông tin đầy hứa hẹn cho việc dạy và học tiếng Anh ở trường đại học.
ChatGPT cũng nhận được sự quan tâm đáng kể trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam. Khảo sát về thái độ và kỳ vọng của sinh viên sư phạm tiếng Anh đối với ChatGPT đã được tiến hành, tuy nhiên, trong số các sinh viên tham gia thực hiện phỏng vấn và làm khảo sát chỉ có 30% sinh viên đã từng sử dụng ứng dụng này trong học tập, số còn lại chỉ nghe nói đến và chưa hề có sự trải nghiệm nào9. Do đó, chưa có nghiên cứu nào điều tra cụ thể về thái độ và nhận thức của các sinh viên đã và đang trải nghiệm việc áp dụng ChatGPT trong học tập tiếng Anh.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu được tiến hành trên các sinh viên chính quy đang theo học bất cứ chương trình tiếng Anh nào tại Trường Đại học Giao thông vận tải. Các sinh viên gồm cả nam và nữ học khóa 62, 63, 64 thuộc nhiều khoa trong trường. Những sinh viên này có nhiều đặc điểm giống nhau, như: cùng độ tuổi (20 – 22 tuổi); là sinh viên không chuyên ngữ; có học một trong số ba chương trình tiếng Anh A1, A2, B1 (theo khung tham chiếu châu Âu) tại trường; có cùng giáo trình và tài liệu tham khảo. Sinh viên tham gia nghiên cứu đều là những người đã hoặc đang sử dụng ChatGPT trong việc học tiếng Anh.
a. Phương pháp thu thập dữ liệu
Công cụ thu thập dữ liệu của nghiên cứu này là bảng câu hỏi khảo sát đánh giá trên thang đo Likert 5 điểm, được phỏng theo bảng câu hỏi do Hasan sử dụng (2019)10. Bố cục bảng câu hỏi gồm 2phần: (1) 4 câu hỏi về thông tin cá nhân về giới tính, năng lực ngôn ngữ và hiểu biết sơ bộ của sinh viên về các ứng dụng AI; (2) 16 nhận định liên quan đến thái độ của người tham gia đối với ChatGPT.
Các nhận định này được chia thành bốn loại: (1) Nhận thức hoặc hiểu biết về ChatGPT – 6 câu, (2) Thái độ đối với thực tiễn sử dụng ChatGPT – 4 câu; (3) Nhận thức về ưu điểm của ChatGPT – 3 câu;(4) Nhận thức về nhược điểm của ChatGPT – 3 câu.
Các nhận định này được đánh giá dựa trên thang đo Linkert năm điểm tương ứng với: Hoàn toàn không đồng ý = 1; Không đồng ý = 2; Trung lập = 3; Đồng ý = 4 và Hoàn toàn đồng ý = 5. Những người tham gia được yêu cầu chọn phương án phù hợp nhất với ý kiến của họ.
Bảng câu hỏi được giao cho sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải thông qua ứng dụng Google biểu mẫu, một nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp và được sử dụng rộng rãi để quản lý bảng câu hỏi, khảo sát và đánh giá, cung cấp cho người dùng khả năng thiết kế, thu thập và phân tích dữ liệu trực tuyến phức tạp.
b. Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu này nhằm mục đích tìm hiểu thái độ của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải đối với việc học tiếng Anh bằng ChatGPT và nhận thức của họ về những ưu điểm và nhược điểm của nó. Những phát hiện này sẽ được thảo luận theo bốn phương diện được trình bày trong bảng câu hỏi.
Dựa trên các khoảng đánh giá do Pallant (2005) đề xuất11, phân tích mô tả ở bảng 1 cho thấy, phần lớn sinh viên có nhận thức và hiểu biết tích cực về ChatGPT.

Một số lượng đáng kể sinh viên bày tỏ rằng, họ có thể hiểu ChatGPT (18,35% hoàn toàn không đồng ý và 16,51% không đồng ý). Kết quả cho thấy, đa số sinh viên (20,18% không chắc chắn, 25,69% đồng ý và 31,19% hoàn toàn đồng ý) cho rằng ChatGPT có thể giúp họ học hiệu quả hơn và họ sẵn sàng đầu tư công sức để áp dụng ChatGPT tốt hơn sang học tiếng Anh (19,27% đồng ý và 36,7% hoàn toàn đồng ý). Một số lượng lớn sinh viên cho rằng, học tiếng Anh với ChatGPT rất thú vị và sẽ sử dụng nó thường xuyên trong tương lai (19,27% đồng ý và 35,78% đồng ý hoàn toàn). Các câu trả lời rất khác nhau trong trường hợp sử dụng ChatGPT một cách thuận tiện (22,02% hoàn toàn không đồng ý và 26,61% hoàn toàn đồng ý).
Nhóm câu hỏi tiếp theo đề cập đến cách người tham gia sử dụng ChatGPT để học tiếng Anh. Bảng 2 minh họa thái độ của sinh viên đối với thực tế sử dụng ChatGPT.

Bảng 2 cho thấy, 47,71% số người tham gia đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý rằng ChatGPT tăng động lực học tiếng Anh của họ, trong khi 15,6% số người thể hiện thái độ trung lập và 36,7% học sinh không tin rằng ChatGPT thúc đẩy sự hứng thú học tiếng Anh của họ. Ngoài ra, mục 12 và 13 còn thể hiện quan điểm khác nhau của người tham gia về việc sử dụng ChatGPT để cải thiện các kỹ năng tiếng Anh cụ thể. So với việc sử dụng nó để cải thiện kỹ năng giao tiếp, người tham gia sẵn sàng sử dụng nó hơn để phát triển khả năng đọc và viết (18,35% đồng ý và 30,28% hoàn toàn đồng ý). Về việc sử dụng ChatGPT để nâng cao hiểu biết về văn hóa Anh, 14,68% người tham gia đồng ý và 31,19% người tham gia hoàn toàn đồng ý.
Bảng 3 trình bày dữ liệu về phản hồi của những người tham gia về nhận thức của họ về những lợi ích của ChatGPT.

Bảng 3 chứng minh rằng, phần lớn những người tham gia bày tỏ sự đồng tình vừa phải đối với các nhận định liên quan đến lợi ích của ChatGPT. Học sinh thể hiện thái độ tích cực hơn đối với việc ChatGPT nâng cao khả năng học tập (30,28% hoàn toàn đồng ý và 21,1% đồng ý). Xét về chức năng của ChatGPT trong việc cung cấp cơ hội học tập, chỉ có 49,54% người tham gia đồng ý và rất đồng ý về việc sử dụng ChatGPT như một công cụ để khám phá thêm cơ hội học tập, trong khi 17,43% người không chắc chắn và 33,03% sinh viên không đồng ý và phản đối mạnh mẽ. Điều đáng chú ý là ở mục 15, 19,27% người tham gia hoàn toàn không đồng ý với việc sử dụng ChatGPT để cải thiện chất lượng học tập và các câu trả lời trong trường hợp này rất khác nhau. Những lý do cụ thể hơn dẫn đến kết quả này đòi hỏi phải nghiên cứu thêm.

Trong bảng 4, thái độ của người tham gia có khác nhau về những nhược điểm của ChatGPT, nhưng họ đồng tình về tính hiệu quả của ChatGPT trong việc học tiếng Anh. Về các vấn đề đạo văn hoặc rò rỉ thông tin, thái độ của mọi người rất khác nhau; một số sinh viên đồng ý hoặc rất đồng ý (43,12%) trong khi có 32,11% sinh viên có ý kiến ngược lại và 24,77% sinh viên phản hồi thể hiện thái độ không chắc chắn. Đối với mục 19, nhiều người hơn (52,29%, tổng số rất đồng ý và đồng ý) cho rằng ChatGPT có thể cung cấp một số thông tin không chính xác. Trong tuyên bố cuối cùng, phần lớn số người được hỏi (38,53% hoàn toàn không đồng ý và 33,03% không đồng ý) công nhận ChatGPT rất hữu ích cho việc học tiếng Anh của họ trong khi 28,44% số người giữ thái độ trung lập và cho rằng tính hiệu quả của ChatGPT đáng được thảo luận thêm.
4. Thảo luận
Khi AI được đưa vào giáo dục, điều quan trọng là phải hiểu thái độ của học sinh để hướng tới người dùng và tối ưu hóa các chức năng của nó. Kết quả cho thấy, hầu hết sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải đều quen với việc học tiếng Anh thông qua sự hỗ trợ của AI, như ChatGPT. Họ biết mục đích của ChatGPT và coi đây là công cụ học tập hiệu quả. Tuy nhiên, một số sinh viên tại trườngĐại học Giao thông vận tải tỏ ra ít có động lực sử dụng ChatGPT vì tính bất tiện của nó.
Theo những phát hiện này, ChatGPT có một số lợi ích đáng kể trong việc học tiếng Anh. Sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải vẫn có động lực học tiếng Anh với sự hỗ trợ của ChatGPT bên ngoài lớp học và muốn đầu tư thời gian và sức lực để học cách sử dụng nó tốt hơn, giúp nâng cao đáng kể khả năng học tập độc lập và giải quyết vấn đề của họ. Ngoài ra, ChatGPT được cho là sẽ cải thiện hiệu suất và hiệu quả học tập của sinh viên.
Về những hạn chế, những người tham gia đều đồng ý về các vấn đề đạo văn, rò rỉ thông tin và phản hồi không chính xác, nhưng họ vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng ChatGPT rất hữu ích cho việc học tiếng Anh của họ. Như các nghiên Cotton, Cotton & Shipway (2023)12 và Kasneci, et al., 2023; Rudolph, Tan & Tan (2023)13 đã đề cập, không nên bỏ qua những vấn đề học thuật này; các công nghệ liên quan dự kiến sẽ phát triển và cần cung cấp các hướng dẫn rõ ràng để ngăn chặn các vấn đề thiếu trung thực tiềm ẩn trong học tập.
Một số hạn chế khi nghiên cứu được tiến hành. Nghiên cứu này dựa trên một số ít người tham gia; nếu có thể đưa vào nhiều dữ liệu hơn thì độ tin cậy và giá trị của nghiên cứu này có thể tăng lên. Ngoài ra, tần suất và mức độ quen thuộc của việc sử dụng ChatGPT cũng có thể có một số ảnh hưởng đến thái độ của học sinh, cần phải thảo luận thêm.
Một hạn chế khác của nghiên cứu này là phương pháp nghiên cứu định lượng không thể trình bày đầy đủ thái độ và nhận thức của người tham gia về việc sử dụng ChatGPT. Xem xét lý do này, các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc tiếp theo có thể được thực hiện để cung cấp phản hồi chi tiết hơn về việc sử dụng công cụ AI mới nổi trong việc học tiếng Anh.
5. Kết luận
ChatGPT được coi là công nghệ có khả năng kết hợp các tương tác xã hội của chúng ta với mục đích giáo dục và nó cách mạng hóa cách chúng ta học và dạy. Điều cần thiết là sinh viên phải hiểu rõ về ChatGPT để có động lực sử dụng như một công cụ học ngôn ngữ hiệu quả. Để đối mặt với những thách thức của ChatGPT, điều quan trọng là phải nhận ra những hạn chế của nó và chỉ coi nó như một công cụ hỗ trợ việc học, thay vì xem nó như một sự thay thế cho việc giảng dạy của con người và các nguồn học liệu khác. Do có một số sai sót hoặc thông tin không chính xác được cung cấp trong các câu trả lời, nên sinh viên phải xác định những vấn đề này và trau dồi khả năng tư duy phản biện khi sử dụng ChatGPT.
Những phát hiện của nghiên cứu này có thể giúp giáo viên và chuyên gia công nghệ hiểu được liệu người học tiếng Anh có được hưởng lợi từ ChatGPT hay không. Nghiên cứu sâu hơn có thể được thực hiện bằng cách sử dụng phương pháp kết hợp để kiểm tra khía cạnh cụ thể nào của việc học ngôn ngữ có thể được kết hợp với ChatGPT nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học; đồng thời, xem xét quan điểm từ các góc độ khác, như giáo viên ngôn ngữ, người thiết kế chương trình giảng dạy, nhà phát triển phần mềm để đưa ra gợi ý về cách tối ưu hóa chức năng của ChatGPT trong việc học ngôn ngữ. Do đó, đồng thuận với những phát hiện của Graham (2022)14 và Stokel-Walker (2022)15, ChatGPT với tư cách là một mô hình ngôn ngữ đầy triển vọng, có thể hỗ trợ phát triển nội dung và rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ, nhưng cần được sử dụng có trách nhiệm theo định hướng để bảo đảm tính học thuật và trung thực.
Chú thích:
1. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Giao thông vận tải trong Đề tài mã số T2024-CB-006.
2, 4. 7. Kasneci, E., et al. (2023). ChatGPT for good? On opportunities and challenges of large language models for education. EdArXiv. Available online at: https://doi.org/10.35542/osf.io/5er8f.
3, 12. Cotton, D., Cotton, P., & Shipway, J. R. (2023). Chatting and cheating. Ensuring academic integrity in the era of ChatGPT. Available online at: https://doi.org/10.35542/osf.io/mrz8h.
5. Jeon, J. (2021). Exploring AI chatbot affordances in the EFL classroom: Young learners’ experiences and perspectives. Computer Assisted Language Learning, 1 – 26. https://doi.org/10.1080/09588221.2021.2021241.
6. Ma, L. (2021). An immersive context teaching method for college English based on artificial intelligence and machine learning in virtual reality technology. Mobile Information Systems, 2021, 1-7. https://doi.org/10.1155/ 2021/2637439.
8. Le Thi, Mai (2020). Benefits and challenges to integrate ICT in EFL teaching and learning activities.Journal of Research & Method in Education (IOSR-JRME), 10(3), 46 – 50.
9. Thái, T. C. T. (2023). Thái độ và kì vọng của sinh viên sư phạm tiếng Anh đối với ChatGPT: nghiên cứu tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tạp chí Giáo dục, 23(10), 51 – 56.
10. Hasan, M.. Portfolio assessment in writing courses: Attitudes of students from the Department of English, University of Dhaka. The Warwick ELT. https://thewarwickeltezine.wordpress.com, January 2, 2019.
11. Pallant, J. (2005). SPSS Survival Guide: A Step by Step Guide to Data Analysis Using SPSS for Windows (3rd ed.). NewYork: Open University Press.
13. Rudolph, J., Tan, S., & Tan, S. (2023). ChatGPT: Bullshit spewer or the end of traditional assessments in higher education? Journal of Applied Learning and Teaching, 6(1). https://doi.org/10.37074/jalt.2023.6.1.9
14. Graham, F. (2022). Daily briefing: Will ChatGPT kill the essay assignment? Nature. https://doi.org/10.1038/D41586-022-04437-2
15. Stokel-Walker, C. (2022). AI bot ChatGPT writes smart essays — Should academics worry?Available online at: https://doi.org/10.1038/D41586-022-04397-7