Thiếu tá Lê Mạnh Hùng
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc Phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đã góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có cả “đức” và “tài” trong từng thời kỳ cách mạng. Đối với người cán bộ cách mạng, “đức” và “tài” là hai phẩm chất không thể thiếu, có mối quan hệ biện chứng, bổ sung và là tiền đề cho nhau phát triển. Đức là “gốc” của tài, định hướng cho tài phát triển. Ngược lại, tài là thành tố góp phần tạo nên đức, hoàn thiện đức. “Đức” và “tài” là tiêu chuẩn để mỗi cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu, đồng thời là tiêu chuẩn để xem xét, đánh giá, sử dụng cán bộ của Đảng và Nhà nước ta.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh, “đức” và “tài”, cán bộ cách mạng.
1. Đặt vấn đề
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chăm lo giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đào tạo họ trở thành những cán bộ có nhân cách phát triển toàn diện về phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Những phẩm chất nhân cách đó của người cán bộ, đảng viên được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát ngắn gọn trong hai chữ “đức” và “tài”. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng, Đảng ta thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải không ngừng ra sức rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng và năng lực chuyên môn trong thực tiễn để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng
Khi bàn đến mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng, Người cho rằng, “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau, là hai mặt cơ bản tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của người cán bộ cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đạo đức cách mạng, đức phải được đặt lên hàng đầu, song không bao giờ tuyệt đối hóa đạo đức mà coi nhẹ chuyên môn, nghiệp vụ.
Một là, “Đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng gắn bó chặt chẽ, thống nhất với nhau, là những tiêu chuẩn để mỗi người cán bộ cách mạng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, “đức” và “tài” phải đi liền với nhau, gắn bó chặt chẽ với nhau, là hai mặt không tách rời mà hòa quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hình thành và hoàn thiện nhân cách người cán bộ. Người nhấn mạnh: “phải chú ý cả tài, cả đức, tài là văn hóa, chuyên môn, đức là chính trị”1. Đối với người cán bộ, “đức” và “tài” không thể có mặt này mà thiếu mặt kia được, bởi vì có đức mà không có tài thì không thể phục vụ tốt cho cách mạng được. Trong Bài nói tại lớp học chính trị của giáo viên năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “chính trị là đức, chuyên môn là tài. Có tài mà không có đức là hỏng. Có đức mà chỉ i, tờ thì dạy thế nào? Đức phải có trước tài”2.
“Đức” và “tài” là những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét, đánh giá, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ của Đảng và nhà nước ta. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ tốt là người có phẩm chất toàn diện về mọi mặt, có phẩm chất chính trị đạo đức, lối sống, trình độ hiểu biết, chuyên môn, nghiệp vụ. Người khẳng định: “Một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng. Quân sự giỏi song nếu không có đạo đức cách mạng thì khó thành công”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập “đức” và “tài” của con người ở những góc độ cụ thể, với đội ngũ cán bộ, đây là đối tượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý và lưu tâm, thường đặt thẳng vấn đề đạo đức, nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, còn tài của người cán bộ, Người đề cập: “Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”4.
Hai là, trong mối quan hệ “đức” và “tài” thì đức là “gốc” là cơ sở, nền tảng để luyện tài của người cán bộ cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đức là “gốc” của người cách mạng, muốn làm cách mạng phải lấy đức làm gốc. Người khẳng định: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”5. Trong mối quan hệ giữa “đức” và “tài” thì đức là gốc, có ý nghĩa quyết định thái độ, lập trường tư tưởng, mục tiêu, lý tưởng mà người cán bộ cách mạng phấn đấu và trong cái đức đã có cái tài, đây là cơ sở chắc chắn để cái tài nảy nở, phát triển. Khi người cán bộ có đức thì sẽ luôn tự ý thức, tự đòi hỏi và không ngừng nỗ lực học tập nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực, kỹ năng để phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Đạo đức là động lực tinh thần thúc đẩy hành động của người cán bộ cách mạng vươn tới cái tài. Theo Người, đức của người cán bộ được nâng cao là động lực tinh thần thôi thúc người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để nâng cao trình độ trí tuệ của mình. Đức tạo nên uy tín của cán bộ, là cơ sở để giáo dục, thuyết phục và lãnh đạo quần chúng nhân dân, là tấm gương sáng cho mọi người học tập, noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đức sẽ giúp cho người cán bộ có động lực tinh thần vươn lên chiếm lĩnh tri thức, có ý chí quyết tâm cao, có khả năng nhận định, phân tích đánh giá tình hình và xử trí tình huống mau lẹ chính xác đem lại hiệu quả cao.
Ba là, có tài mới phát huy được đức, làm cho đức của người cán bộ cách mạng phát huy cao độ trong thực tiễn.
Tài của người cán bộ cách mạng là trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất, có hiệu quả nhất. Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình và là kết quả của một quá trình học tập, tích lũy kinh nghiệm của mỗi người. Bởi vậy, khi sử dụng cán bộ, Người dạy phải “biết tuỳ tài mà dùng người”6.
Đối với mỗi cán bộ, tài là nhân tố rất cần thiết và quan trọng không thể thiếu được trong nhân cách của người cán bộ cách mạng. Người dạy: “Nếu có đức mà không có tài ví như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người”7. Muốn hoàn thành nhiệm vụ, người cán bộ cách mạng chỉ có đức mà còn cần phải có tài. Bởi, nếu chỉ có đức, có lòng quyết tâm không có tài thì không hoàn thành được nhiệm vụ của cách mạng. Nếu đức là động lực bên trong thôi thúc người cách mạng hành động cách mạng, thì tài là phương tiện quan trọng để bảo đảm cho thành công của hành động cách mạng. Thực tiễn cho thấy, nếu chỉ có đức mà không có tài thì không thể thực hiện được cái tâm, cái đức của mình. Vì vậy, người cán bộ cách mạng có tài mới phát huy được đức, làm cho đức ngày càng cao hơn, ngày càng lớn hơn trong thực tiễn.
3. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng
Thứ nhất, góp phần bổ sung, phát triển truyền thống của dân tộc về mối quan hệ “đức” và “tài” lên tầm cao mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người am hiểu sâu sắc truyền thống dân tộc, cũng là người nghiên cứu, nắm vững về kế sách trọng dụng, phát huy người tài đức của dân tộc. Người cho rằng, truyền thống dân tộc về mối quan hệ “đức” và “tài” là nét đặc sắc, là nền tảng tinh thần to lớn, là động lực quan trọng để dân tộc tồn tại và phát triển trong lịch sử. Vì vậy, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, hoàn thiện nội dung đức của người cán bộ cách mạng; bổ sung, hoàn thiện nội dung tài của người cán bộ cách mạng; chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa đức và tài của người cán bộ cách mạng; hoàn thiện những nội dung trong tiêu chí, giá trị của người cán bộ cách mạng trong xã hội mới – xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng, phát triển một cách triệt để mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng trong đào đạo, bồi đưỡng đội ngũ cán bộ cách mạng qua các thời kỳ, với quan điểm không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, ai có tài, có đức, mong muốn cống hiến cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam đều được trọng dụng. Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển những nội dung đạo đức mới cho phù hợp với thực tiễn cách mạng; phát tiển nhiều nội dung mang giá trị mới về đức và tài của người cán bộ cách mạng; phát triển, hoàn chỉnh nội dung, phương pháp góp phần nâng cao phẩm chất, trình độ toàn diện trong quá trình đào tạo cán bộ cho cách mạng.
Thứ hai, góp phần bổ sung, làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cách mạng.
Tiếp thu, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ đức và tài của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung, làm rõ hơn nội dung mối quan hệ của “đức” và “tài” của người cách mạng. Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã gắn khái niệm đức, tài với nhiệm vụ cụ thể của người cách mạng và luôn khẳng định mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất giữa “đức” và “tài” trong thực tiễn hoạt động cách mạng. Nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ đức và tài của người cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy những giá trị cốt lõi mang tính định hướng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ của cách mạng Việt Nam, qua đó hình thành nên những tư tưởng độc đáo, sáng tạo về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng.
Thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng đội ngũ cán bộ, Người đã bổ sung và làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cách mạng trên nhiều nội dung như: vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đạo đức cách mạng; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của tài năng; làm rõ chuẩn mực và nguyên tắc xây dựng đạo đức cách mạng; biểu hiện cụ thể mối quan hệ “đức” và “tài” của người cách mạng,… Đây là những đóng góp quan trọng bổ sung vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, làm phong phú thêm lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin về nội dung mối quan hệ “đức” và “tài” của người cách mạng.
Thứ ba, đã đáp ứng kịp thời nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ cách mạng qua các thời kỳ.
Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ trong sự nghiệp cách mạng, nên ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, rồi đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng, xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ đức và đủ tài đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là vấn đề quan trọng, cấp bách của Đảng và Chính phủ. Thực tiễn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo cho Đảng, dân tộc lớp lớp thế hệ cán bộ có trí tuệ, tài năng, đạo đức cách mạng để lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng đã góp phần quan trọng trong đào tạo ra những lớp cán bộ kiên trung, gan góc, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo trong lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng cùng nhân dân. Những thế hệ cán bộ cách mạng đó đã luôn sát cánh cùng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nên những thắng lợi to lớn và vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Năm 1925, ngay sau khi về Quảng Châu, Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng bắt tay ngay vào mở các lớp huấn luyện, đào tạo và bồi dưỡng cách bộ cho cách mạng, đồng thời cũng chủ trương cử những thanh niên ưu tú sang học ở Trường quốc tế phương Đông của Quốc tế Cộng sản sau đó về nước tham gia vào hoạt động cách mạng. Đây là những cán bộ đầu tiên được đào tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, là những cán bộ có cả đức và tài, trong đó có: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên, Lê Thiết Hùng, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Lương Bằng… đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, đây là lớp cán bộ đầu tiên và sau này sẽ trực tiếp tham gia lãnh đạo cách mạng, từng bước góp phần đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thực tiễn, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng đã đào tạo, bồi dưỡng ra hàng vạn cán bộ trung kiên, vừa có đức, vừa có tài nhằm phục vụ cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ tư, góp phần định hướng cho quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ và phát triển con người ở nước ta hiện nay.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng có giá trị lý luận to lớn, là cơ sở khoa học quan trọng, nền tảng tư tưởng để Đảng và nhà nước ta lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” như: Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Quyết định số 1641/QĐ-TTg ngày 28/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý trẻ và cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ của chính quyền địa phương ở nước ngoài giai đoạn 2023 -2025; Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng được tiếp thu và thể hiện nhất quán trong quan điểm của Đảng ta về giáo dục phát triển con người toàn diện. Trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng khẳng định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”8.
4. Kết luận
Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ “đức” và “tài” của người cán bộ cách mạng là một trong những nội dung quan trọng, cơ bản trong di sản Hồ Chí Minh; là cơ sở lý luận chỉ đạo quá trình xây dựng, phát triển nền giáo dục mới và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Ngày nay, tình hình trong nước và thế giới đã có nhiều thay đổi nhưng những chỉ dẫn của Người về mối quan hệ “đức” và “tài” vẫn còn nguyên giá trị, là tài sản tinh thần vô giá mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập, làm theo.
Chú thích:
1, 2. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 12. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 266, 271.
3, 6. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 259 – 261, 269 – 346.
4. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 546 – 548.
5, 7. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 11. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tr. 600 – 612, 399 – 401.
8. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập II. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021, tr. 316 – 341.