TS. Hoàng Văn Mạnh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Trên cơ sở làm rõ khái niệm đội ngũ trí thức, vai trò của đội ngũ trí thức, phân tích thực trạng vai trò của các trường đại học Việt Nam trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong những năm gần đây. Kết quả cho thấy, vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi các bên liên quan phải tiếp tục nghiên cứu tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng cường vai trò của các trường đại học trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới. Bài viết đề xuất hai nhóm giải pháp cơ bản nhất cần tập trung thực hiện, bao gồm: thực hiện tự chủ đại học gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thực chất; tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học.
Từ khóa: Trường đại học, đội ngũ trí thức, vai trò của đội ngũ trí thức.
1. Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam
Đội ngũ trí thức có vai trò rất quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia cũng như nhân loại. Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới xác định: đội ngũ trí thức là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; là nhân tố quan trọng trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng tầm trí tuệ và sức mạnh dân tộc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để đạt mục tiêu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và đến năm 2045… trở thành nước phát triển, thu nhập cao, đòi hỏi Việt Nam phải có được đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, cơ cấu hợp lý, thuộc top đầu khu vực và tiệm cận với các nước phát triển; phải có nhiều nhà khoa học có ảnh hưởng trên thế giới, đạt các giải thưởng quốc tế trên các lĩnh vực; nhiều tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của quốc gia phát triển. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cũng như lâu dài đối với Việt Nam, phải không ngừng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng cho được đội ngũ trí thức lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn phát triển.
Trên cơ sở đặt mục tiêu xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức, đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp phù hợp, thiết thực và hiệu quả nhằm phát huy đầy đủ vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Để xây dựng được đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, hướng đến hiện thực hóa các mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, đòi hỏi sự cộng đồng trách nhiệm của tất cả các bên liên quan cũng như sự tập trung cao độ nguồn lực của đất nước.
Ngoài ra, để xây dựng được đội ngũ trí thức bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng theo yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển, đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải phát huy được vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và phát triển đất nước. Vì thế, phải có cơ chế, chính sách đột phá thu hút, trọng dụng trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa, chuyên gia đầu ngành và nhân tài của đất nước; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lớp trí thức trẻ, kế cận.
2. Vai trò của các trường đại học trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Trường đại học hay cơ sở giáo dục đại học được hiểu là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng và các trình độ đào tạo của giáo dục đại học bao gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Hiện nay, cơ sở giáo dục đại học được thừa nhận rộng rãi trong việc thực hiện ba chức năng cơ bản, là: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có vai trò to lớn trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thông qua thực hiện các chức năng vốn có của mình là đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hình thành từ rất sớm trong lịch sử, kể từ khi nhà Lý thành lập Quốc Tử Giám vào năm 1076. Hiện nay, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đã có nhiều thay đổi để thích ứng với các điều kiện, bối cảnh cụ thể ở từng thời kỳ. Hệ thống các cơ sở giáo dục đại học cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp mà hiện nay là Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nếu như năm 2013, Việt Nam có 214 cơ sở giáo dục đại học, trong đó 156 cơ sở công lập (72,9%) và 58 cơ sở ngoài công lập (27,1%), thì đến năm học 2021 – 2022, sau 10 năm, Việt Nam có 242 trường, tăng khoảng 11,6%, trong đó có 175 cơ sở công lập (72,3%) và 67 cơ sở ngoài công lập (27,7%).
Bảng 1: Thống kê số trường đại học giai đoạn 2017-2022
Đơn vị: Trường
Năm học | 2017-2018 | 2018-2019 | 2019-2020 | 2020-2021 | 2021-2022 |
Tổng số | 236 | 237 | 237 | 241 | 242 |
Công lập | 171 | 172 | 172 | 175 | 175 |
Ngoài công lập | 65 | 65 | 65 | 66 | 67 |
Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, quy mô sinh viên đại học, quy mô tuyển mới sinh viên đại học và quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ không ngừng tăng lên. Quy mô sinh viên đại học đạt mức cao nhất kể từ khi đổi mới với 2.145.426 người vào năm học 2021-2022, quy mô tuyển mới sinh viên đại học giao động tăng từ 413.277 người vào năm học 2018 – 2019 đến 568.856 người vào năm học 2021-2022, quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ giao động theo xu hướng tăng từ 108.134 người vào năm học 2018 – 2019 đến 121.586 người vào năm học 2021 – 2022. Tuy nhiên, có một nghịch lý là số sinh viên tốt nghiệp đại học lại có xu hướng giảm trong giai đoạn từ năm học 2018-2019 với 311.599 người xuống còn 245.173 người vào năm học 2021 – 2022; số tuyển mới thạc sỹ, tiến sỹ cũng có xu hướng giảm, từ 48.106 người vào năm học 2017 – 2018 xuống còn 31.976 người vào năm học 2021 – 2022.
Bảng 2: Một số chỉ số về người học các trình độ của giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2022
Đơn vị: người học
Năm học | 2017-2018 | 2018-2019 | 2019-2020 | 2020-2021 | 2021-2022 |
Sinh viên tuyển mới đại học | 437.156 | 413.277 | 447.483 | 519.601 | 568.856 |
Quy mô sinh viên đại học | 1.707.025 | 1.526.111 | 1.672.881 | 1.905.956 | 2.145.426 |
Sinh viên tốt nghiệp đại học | 341.633 | 311.599 | 263.172 | 242.378 | 245.173 |
Tuyển mới thạc sỹ, tiến sỹ | 48.106 | 43.656 | 36.925 | 34.302 | 31.976 |
Quy mô đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ | 121.253 | 108.134 | 105.974 | 115.945 | 121.586 |
Như vậy, sự phát triển quy mô đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đã tạo nền tảng để hình thành và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam trong những năm vừa qua với việc làm cho lực lượng lao động có trình độ đại học cũng không ngừng tăng lên, sự gia tăng này diễn ra liên tục từ năm 2018 – 2022, nếu năm 2018, tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên chiếm 9,5% thì đến năm 2022 là 11,9%.
Bảng 3: Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật giai đoạn 2018-2022
Đơn vị: %
Năm | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | Sơ bộ 2022 |
Chung | 22 | 22,8 | 24,1 | 26,1 | 26,4 |
Sơ cấp | 3,6 | 3,7 | 4,7 | 6,8 | 7,1 |
Trung cấp | 5,2 | 4,7 | 4,4 | 4,1 | 3,7 |
Cao đẳng | 3,7 | 3,8 | 3,8 | 3,6 | 3,7 |
Đại học trở lên | 9,5 | 10,6 | 11,1 | 11,7 | 11,9 |
Vai trò của các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ từ đó tạo nền tảng xây dựng đội ngũ trí thức mà còn thể hiện ở chỗ là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua việc thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học mà sản phẩm đầu ra các bài báo, công trình khoa học đã công bố, đặc biệt là các công trình khoa học công bố quốc tế.
Trong những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc trong việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức thông qua thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học với những kết quả đạt được trong công bố các sản phẩm khoa học – công nghệ. Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong giai đoạn 2018 – 2022, tổng số bài báo khoa học của Việt Nam đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín là 76.686 bài. Trong đó, kể từ năm 2020 đến hết 2022, số lượng công bố hàng năm đều đạt trên 18.000 bài. Số bài báo khoa học công bố quốc tế có nguồn gốc từ các cơ sở giáo dục đại học chiếm tỷ lệ áp đảo, năm 2021, các cơ sở giáo dục đại học chiếm tới 95,78% số lượng công bố quốc tế trên Scopus, tương ứng với 17.625 công bố. Năm 2022 trong số 10 tổ chức có số lượng công bố trên Scopus cao nhất Việt Nam thì có tới 9 cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam ngày càng có nhiều đóng góp rất quan trọng trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, còn có những bất cập liên quan đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam, đó là: cơ cấu, số lượng, chất lượng đội ngũ trí thức chưa hợp lý, thiếu hụt chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực quan trọng; việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức còn bất cập, hạn chế; tỷ lệ lao động có trình độ đại học trở lên mặc dù có tăng lên hàng năm, nhưng vẫn còn chiếm một tỷ trọng thấp,…
Những hạn chế trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nhìn chung còn hạn chế. So sánh với yêu cầu phát triển đất nước cũng như trong so sánh với các nước khác, đáp ứng ở mức thấp trước những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn đời sống kinh tế – xã hội. Giáo dục đại học Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới; phát triển chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ và chưa đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân. Điều đó đặt ra yêu cầu phải có giải pháp phù hợp nhằm nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học từ đó góp phần đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới.
3. Tăng cường vai trò của các trường đại học trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức
Thứ nhất, cần thực hiện tự chủ đại học gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thực chất.
Nhận thức rõ vai trò của tự chủ đại học, ngày 02/11/2005, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam 2006 – 2020 với tư tưởng cốt lõi, trọng tâm và xuyên suốt là thực hiện đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam theo hướng thực hiện tự chủ gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Cho đến nay, việc thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã tiến một bước dài và đem lại những kết quả rất tích cực trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, từ đó đã có đóng góp rất quan trọng trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thực hiện tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cũng còn những bất cập, mâu thuẫn đòi hỏi các bên liên quan phải có giải pháp nhằm phát huy đầy đủ vai trò của tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trong phát triển giáo dục đại học nói chung, trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói riêng.
Để thực hiện tự chủ đại học gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thực chất, cần chú trọng giải quyết một số vấn đề:
(1) Thống nhất nhận thức về vấn đề tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học. Trong thực tế quan niệm và nội hàm, cách hiểu về tự chủ đại học ở Việt Nam vẫn còn có những khác biệt lớn, thậm chí nhầm lẫn, đôi khi đồng nhất tự chủ đại học với tự chủ tài chính để từ đó nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học chiếm một tỷ trọng rất nhỏ, trong đó tổng kinh phí đầu tư cho giáo dục cũng như tính trên GDP. Cần giao đồng bộ quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: tự chủ nguồn nhân lực; tự chủ trong tuyển sinh và quản lý sinh viên; tự chủ trong các hoạt động học thuật và chương trình giáo dục; tự chủ trong nghiên cứu và giảng dạy; quản lý hành chính và tài chính, quản lý và sử dụng ngân sách, các nguồn tài chính của nhà trường…
(2) Để có thể phát huy được tối đa những lợi ích do tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình mang lại, cần thiết phải hoàn thiện khung khổ pháp lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tự chủ đại học đi vào thực chất, hiệu quả, phát huy được sự chủ động, sáng tạo của cơ sở giáo dục đại học trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học cũng như phục vụ cộng đồng. Các quy định pháp lý, các chính sách quan trọng liên quan đến tự chủ cho cơ sở giáo dục đại học nên được ban hành đầy đủ, đồng bộ; cần sớm sửa đổi những vấn đề còn bất cập để tạo tính thống nhất, nhất quán; tạo hành lang pháp lý rõ ràng để tránh chồng chéo, tạo thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc thực thi quyền tự chủ.
(3) Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước và quản trị nhà trường theo hướng để nhà trường có khả năng thực hiện quyền tự chủ, đồng thời có trách nhiệm giải trình một cách thực chất, cần đổi mới cơ chế cơ quan chủ quản, xây dựng cơ chế để hội đồng trường có quyền lực thực sự trong quản trị nhà trường.
Thứ hai, tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các cơ sở giáo dục đại học.
Năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học được hợp thành từ các thành tố chủ yếu: chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Thực tiễn cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học đã không ngừng có sự cải thiện về năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học từ đó có đóng góp rất quan trọng vào việc đạt được các kết quả trong xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam hiện nay chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu với mức độ mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay. Điều đó bắt nguồn từ những hạn chế về chương trình đào tạo; nguồn nhân lực mà đặc biệt là đội ngũ giảng viên; cơ sở vật chất…
Nhiều chương trình đào tạo mặc dù được kiểm định và công nhận chất lượng đã không đạt những tiêu chí cốt lõi về chuẩn đầu ra, sự đầy đủ thông tin và cập nhật đề cương các học phần, sự đóng góp của các học phần để đạt được chuẩn đầu ra, phương pháp thi kiểm tra đánh giá, thư viện và nguồn học liệu, cơ chế phản hồi của các bên liên quan và việc rà soát thường xuyên để bảo đảm quá trình dạy – học, kiểm tra, đánh giá được tương thích. Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành.
Tính đến năm 2021, đội ngũ giảng viên có trình độ đại học vẫn chiếm đến 7,36%; số giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn còn thấp. Theo số liệu thống kê giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2021-2022, số giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ là 25.366 người chiếm 32,44% trong tổng số 78.190 giảng viên cơ hữu trên phạm vi cả nước. Cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục đại học, không đáp ứng được yêu cầu so với quy mô đào tạo nếu so với chuẩn mực chung của thế giới1, …
Để xây dựng và phát huy tốt hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức, trong thời gian tới, cần thiết phải có những giải pháp đủ mạnh để thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh việc thực hiện tự chủ đại học gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình một cách thực chất, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, cần thiết phải có sự gia tăng đầu tư nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước cùng với việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm huy động mạnh mẽ nguồn lực từ xã hội cho giáo dục đại học, hướng đến hỗ trợ và thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học có nguồn lực tài chính đủ mạnh để phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến và hiện đại, bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội gắn với bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường cơ sở vật chất, năng lực đội ngũ giảng viên từ đó thực hiện tốt các chương trình đào tạo cũng như triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học bảo đảm đạt kết quả tốt nhất có thể.
Hợp tác quốc tế cũng có vai trò rất quan trọng trong giáo dục đại học nói chung, trong hỗ trợ tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học nói riêng. Nhờ hợp tác quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học có điều kiện nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, tận dụng được các nguồn lực quốc tế, tạo lập môi trường quốc tế ngay trong trường đại học, tạo động lực và sự cạnh tranh để phát triển, thúc đẩy phát triển các yếu tố nguồn lực của mỗi cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn mực quốc tế.
4. Kết luận
Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành công lớn trong hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Đã có nhiều chương trình hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, dự án ODA, dự án trao đổi giáo viên, sinh viên, giảng viên và các chương trình liên kết đào tạo thực tế giữa các trường đại học ở Việt Nam và các trường của quốc gia khác. Tuy nhiên, hợp tác quốc tế về đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế từ đó có ảnh hưởng không tốt đến công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Vì vậy, cần có các giải pháp hiệu quả tăng cường hợp tác với cá nhân và tổ chức nước ngoài để có thể tranh thủ nguồn ngoại lực “đánh thức” nguồn nội lực trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, từ đó có đóng góp tích cực hơn nữa trong công tác xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Cương và cộng sự. Phân tích chất lượng chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam từ kết quả kiểm định chất lượng. Tạp chí Giáo dục, 23/2023 (số đặc biệt 9), tr. 67-72.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, 2021.
4. Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
5. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.
6. Tổng cục Thống kê. Kết quả số liệu thống kê khảo sát về số giảng viên các trường đại học phân theo trình độ chuyên môn giai đoạn 2015 – 2021, Hà Nội, 2021.
7. Đổi mới nhận thức lý luận về đội ngũ trí thức và tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong điều kiện phát triển mới của đất nước (kỳ I). https://www.tapchicongsan.org.vn, truy cập ngày 10/02/2024.
8. Việt Nam có 18.000 công bố khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín mỗi năm. https://daibieunhandan.vn, truy cập ngày 02/03/2024.