PGS.TS. Cao Tuấn Khanh
Trường Đại học Thương mại
(Quanlynhanuoc.vn) – Nghiên cứu nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán mặt hàng gia dụng của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Qua khảo sát 167 doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng, gồm: kỳ vọng hiệu suất, kỳ vọng nỗ lực, ảnh hưởng xã hội, điều kiện thuận lợi và tự tin vào năng lực bản thân. Kết quả nghiên cứu gợi ra một số hàm ý cho các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nâng cao khả năng kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.
Từ khóa: Doanh nghiệp; mặt hàng gia dụng; phương tiện truyền thông xã hội; kinh doanh trực tuyến; ý định sử dụng; doanh nghiệp; TP. Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Đại dịch Covid-19 được coi là cú hích mạnh mẽ cho các doanh nghiệp đề cao vai trò của các phương tiện truyền thông xã hội trong hoạt động kinh doanh. Với sự phát triển mạnh mẽ của phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam, trong những năm qua, xu hướng mua sắm hàng hoá nói chung và mặt hàng gia dụng nói riêng trên phương tiện truyền thông xã hội đã trở nên khá quen thuộc không chỉ giới trẻ, mà cả những người lớn tuổi. Hà Nội có khoảng 30 nghìn cửa hàng bán hàng qua các phương tiện truyền thông xã hội (Tổng Cục Thuế, 2022);đồng thời, số lượng người dùng phương tiện truyền thông xã hội khá lớn sẽ tạo ra thị trường rộng mở cho việc phát triển các dịch vụ bán hàng cho các doanh nghiệp kinh doanh qua mạng và các cửa hàng trực tuyến.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến là điều cần thiết nhằm nâng cao vị thế, hình ảnh, tín nhiệm và ưu thế trội của các hình thức bán hàng phi truyền thống so với hình thức bán hàng truyền thống.
2. Tổng quan lý thuyết
2.1. Cơ sở lý thuyết
Phương tiện truyền thông là thuật ngữ mô tả công cụ truyền tải thông tin đến đối tượng nhận tin, có thể bao gồm bất kỳ công cụ (từ giấy in đến dữ liệu kỹ thuật số). Phương tiện truyền thông xã hội là hình ảnh thu nhỏ của web: cộng tác và chia sẻ nội dung, ý tưởng và thông tin. Phương tiện truyền thông xã hội đứng đằng sau sự bùng nổ nội dung trên internet, vì nhiều kênh khác nhau đã cho phép bất kỳ ai có kết nối internet tạo và chia sẻ nội dung một cách dễ dàng và miễn phí. Nói một cách đơn giản, phương tiện truyền thông xã hội là phương tiện truyền thông (từ văn bản, hình ảnh đến âm thanh) được thiết kế để chia sẻ.
Mô hình nổi trội nhất trong nghiên cứu liên quan đến chấp nhận và sử dụng công nghệ trong một tổ chức là mô hình chấp nhận công nghệ (Technology Acceptance Model – TAM). Về cơ bản, TAM giải thích những lý do ảnh hưởng đến hành vi sử dụng và áp dụng hệ thống mới của một cá nhân. Mặc dù vậy, tính mạnh mẽ của TAM có những hạn chế riêng và hệ quả của ảnh hưởng xã hội đến việc triển khai hệ thống thông tin không được đưa vào lý thuyết (Davis, 2007). Venkatesh & Davis đã mở rộng mô hình này thành Lý thuyết thống nhất về chấp nhận và sử dụng công nghệ (Unified theory of acceptance and use of technology – UTAUT) và đưa ra một lưu ý về việc chấp nhận công nghệ và sử dụng thực tế.
Lý thuyết UTAUT đã được áp dụng rộng rãi để giải thích hành vi của các cá nhân trong nhiều bối cảnh khác nhau, như: dịch vụ thanh toán di động (Slade và cộng sự, 2015), dịch vụ học tập điện tử (Liu và cộng sự, 2019) và hệ thống quản lý học tập (Buabeng- Andoh & Baah, 2020). Okumus và cộng sự (2018) cho biết, UTAUT có khả năng dự đoán cao hơn bất kỳ lý thuyết nào về hành vi của con người. Trong nghiên cứu này, lý thuyết UTAUT được sử dụng để hình thành khái niệm phương tiện truyền thông xã hội cho việc marketing các mặt hàng gia dụng. Các yếu tố thuộc lý thuyết UTAUT, gồm: điều kiện thuận lợi (Facilitating Condition – FC); ảnh hưởng xã hội (Social Influence – SI); kỳ vọng về nỗ lực (Effort Expectancy – EE) và kỳ vọng về hiệu suất (Performance Expectancy – PE). Lý thuyết này giải thích cách một cá nhân sử dụng công nghệ mới sau một loạt các quá trình khảo cứu bản thân, trong đó ý định dẫn đến hành vi sử dụng. Nghiên cứu tiếp theo đã tích hợp tính tự tin vào năng lực bản thân là yếu tố quyết định về ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của cá nhân, trong nghiên cứu này, đólà chủ doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Các nghiên cứu hiện tại đã phát hiện ra rằng, hiệu quả bản thân của cá nhân được liên kết với thái độ tích cực trong việc sử dụng công nghệ (Engotoit, 2016; Okumus và cộng sự, 2018). Do vậy, sự tự tin vào năng lực bản thân của các cá nhân là yếu tố quyết định đến ý định hành vi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội.
Hầu hết các nghiên cứu mô hình chấp nhận công nghệ và lý thuyết về hành vi dự định/ý định (Theory of Reasoned Action – TRA) đã sử dụng thái độ như một yếu tố chính để xác định ý định hành vi của một cá nhân liên quan đến việc chấp nhận và sử dụng công nghệ (Davis, 1989). Tuy nhiên, sau đó đã bị loại trừ trong những nghiên cứu mới của TAM (López ‐ Bonilla, 2017). Nguồn thông tin và kỳ vọng hiệu suất là những yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến việc khắc phục thái độ không thuận lợi của một người đối với việc chấp nhận công nghệ mới. Do vậy, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để bán các mặt hàng có liên quan đến hiệu quả cao cho quá trình kinh doanh và tăng lên của thu nhập. Để hiểu rõ hơn về ý định hành vi của các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến đối với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội như một công cụ marketing hiện đại, các yếu tố trên đã được đề xuất nghiên cứu.
2.2. Giả thuyết nghiên cứu
Tổng hợp từ các lý thuyết trên tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu:

Kỳ vọng về hiệu suất (PE) là mức độ mà một cá nhân tin rằng, việc sử dụng công nghệ sẽ giúp họ đạt được hiệu quả công việc (Venkatesh và cộng sự, 2003). Đặc biệt, PE được coi là mức độ mà các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến tin tưởng rằng, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để marketing các mặt hàng gia dụng sẽ giúp họ có được giá thị trường tốt hơn. Do đó, PE có liên quan đến tính hữu ích được cảm nhận trong bối cảnh công nghệ được chấp nhận. Các biến số như hiệu suất công việc, năng suất, tính hữu dụng, thuận tiện khi sử dụng và tiết kiệm thời gian xác định ý định hành vi của một cá nhân đối với việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội. Do vậy, giả thuyết được đưa ra là:
H1: Kỳ vọng hiệu suất có tác động tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Kỳ vọng nỗ lực (EE). Theo Venkatesh và cộng sự (2003), kỳ vọng nỗ lực là mức độ mà người dùng tin tưởng vào một công nghệ cụ thể. Kỳ vọng nỗ lực là yếu tố tâm lý quan trọng quyết định trong các nghiên cứu chấp nhận công nghệ trong hệ thống thông tin. Kỳ vọng nỗ lực cũng được so sánh với mức độ dễ sử dụng của TAM và IDT (Ghalandari, 2012). Nhiều nghiên cứu cho thấy, kỳ vọng nỗ lực có ảnh hưởng lạc quan đến việc sử dụng công nghệ (Yang, 2010; Listyo & Lisandy, 2014). Trong nghiên cứu này, kỳ vọng nỗ lực minh họa nỗ lực mà một doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến học cách sử dụng phương tiện truyền thông xã hội nhằm marketing các mặt hàng gia dụng của họ. Do vậy, mệnh đề giả thuyết được đưa ra là:
H2: Kỳ vọng nỗ lực có tác động tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội củadoanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Ảnh hưởng xã hội (SI) là mức độ mà một cá nhân nhận thấy sự quan trọng của người khác tin rằng họ nên sử dụng hệ thống mới (Venkatesh và cộng sự, 2003). Chẳng hạn là bạn bè, nhóm đồng nghiệp và người tiêu dùng ảnh hưởng đến mình để có thể tương tác thường xuyên (Taylor & Todd, 1995). Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh khi những người đó sử dụng internet, vận dụng công nghệ. Do đó, nghiên cứu này dựa trên giả định rằng, ảnh hưởng xã hội sẽ kích hoạt ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Do vậy, giả thuyết được đưa ra là:
H3: Ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Điều kiện thuận lợi (FC) là mức độ mà một cá nhân tin rằng, sự tồn tại của tổ chức và cơ sở hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ sử dụng hệ thống ứng dụng phương tiện truyền thông xã hội (Venkatesh và cộng sự, 2003). Điều kiện thuận lợi được mô tả như một sự hỗ trợ được cung cấp cho doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến về tương tác với công nghệ mới (Seneler và cộng sự, 2008). Do đó, trong nghiên cứu này, việc kết nối và truy cập internet, kiến thức cần thiết trên các trang mạng xã hội, tính sẵn có và khả năng chi trả cho công cụ truy cập mạng được xem xét trong điều kiện thuận lợi. Giả thuyết được đưa ra là:
H4: Điều kiện thuận lợi có tác động tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Tự tin vào năng lực bản thân (SE) phản ánh niềm tin của một cá nhân vào tiềm năng của họ để thực hiện nhiệm vụ cụ thể (Bandura, 2003). Một người tự tin vào năng lực bản thân cao thì dễ đạt được khả năng tương thích hơn về việc sử dụng kiến thức chuyên môn mới. Người dùng chưa có kinh nghiệm thường cảm nhận công nghệ mới là phức tạp. Ảnh hưởng trực tiếp của sự tự tin vào năng lực bản thân đối với ý định hành vi đã được thực nghiệm chứng minh (Santos & Liguori, 2020; Kaur & Singh, 2019). Tác động gián tiếp của hiệu quả bản thân đã được nghiên cứu trước đây với vai trò trung gian giữa nhiều biến độc lập và phụ thuộc như các chiều hướng lãnh đạo chuyển đổi và tâm lý (Djourova và cộng sự, 2020). Ở các nghiên cứu đã chỉ ra sự tự tin vào năng lực bản thân của một người đã làm trung gian cho sự hỗ trợ sử dụng công nghệ của tổ chức cùng với các điều kiện thuận lợi cho ứng dụng phương tiện truyền thông xã hội (Igbaria & Iivari, 1995). Trong nghiên cứu này, tự tin năng lực của bản thân đã được chọn làm trung gian giữa điều kiện thuận lợi và ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến. Giả thuyết được đưa ra:
H5: Tự tin vào năng lực bản thân sẽ làm trung gian cho mối quan hệ giữa điều kiện thuận lợi và ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
H6: Tự tin vào năng lực bản thân sẽ làm trung gian cho mối quan hệ giữa ảnh hưởng xã hội và ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
H7: Tự tin vào năng lực bản thân có tác động tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến (TRA). Hầu hết các nghiên cứu TAM và TRA đã sử dụng thái độ như một yếu tố chính để xác định ý định hành vi của một cá nhân liên quan đến việc chấp nhận và sử dụng công nghệ (Davis, 1989). Ở các nghiên cứu tiếp theo, thái độ đã bị loại trừ trong phiên bản mới của mô hình TAM (López ‐ Bonilla, 2017). Do đó, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để marketing có liên quan đến hiệu suất và đem lại thành công về lợi ích mà doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nhận được cao hơn. Do vậy, mà các yếu tố như PE, EE, SI, FC, SE sẽ được chấp nhận cho nghiên cứu này.
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu trải qua hai giai đoạn là nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính, bao gồm phỏng vấn chuyên gia và phỏng vấn thử nhằm hiệu chỉnh thang đo. Tổng số biến sau khi hiệu chỉnh bao gồm 21 biến quan sát của 5 biến độc lập và 6 quan sát của 1 biến phụ thuộc. Các biến được đo lường bằng thang đo likert 5, mức độ tương ứng với mức từ 1 – hoàn toàn không đồng ý đến 5 – hoàn toàn đồng ý.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận thuận tiện đối với doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến trên địa bàn Hà Nội, chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến các mặt hàng gia dụng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Thời gian nghiên cứu từ tháng 01/2024 – 3/2024. Phiếu khảo sát được phát bằng hình thức trực tiếp và online (google forms) tới doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến.
Dữ liệu thu được sẽ được sàng lọc và tiến hành phân tích với sự hỗ trợ của phần mềm SPSS phiên bản 22.0 bằng các thủ tục thống kê. Trong phân tích Cronbach’s Alpha, để bảo đảm độ tin cậy cao của thang đo thì hệ số Cronbach’s Alpha ≥ 0,6 và hệ số tương quan biến tổng ≥ 0,3 (Tabachnick & Fidell, 2013). Hair & cộng sự (1998) đã chỉ ra rằng, để bảo đảm cho sự tin cậy và sự phù hợp với thực tiễn của thang đo, thì phân tích EFA phải có hệ số tải nhân tố ≥ 0,5, kiểm định Bartlett’s test có ý nghĩa ≤ 0,05, phương sai trích ≥ 50%, KMO ≥ 0,5 và giá trị eigenvalue > 1.
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha
Hệ số Cronbach’s Alpha được sử dụng để loại các biến không thỏa mãn điều kiện. Các biến số có hệ số tương quan biến tổng nhỏ hơn 0,3 sẽ bị loại và thang đo được chọn khi hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6. Do đó, tất cả các biến đều được sử dụng cho phân tích EFA tiếp theo.

4.2. Phân tích nhân tố khám phá EFA
Phân tích EFA nhóm biến độc lập cho kết quả hệ số KMO = 0,813 > 0,5, với mức ý nghĩa sig = 0,000 < 0,05, điều này chứng tỏ các biến quan sát cùng một nhân tố có tương quan chặt chẽ với nhau. Đồng thời, tổng phương sai trích là 64,441 % > 50% cho thấy, 5 nhân tố này giải thích 64,441% sự biến thiên của tập dữ liệu và giá trị Eigenvalue = 4,961 > 1 đủ tiêu chuẩn phân tích nhân tố.

4.3. Phân tích tương quan và hồi quy
Phân tích tương quan. Kết quả phân tích tương quan có mức ý nghĩa 0,05 (độ tin cậy 95%). Tất cả năm yếu tố thang đo biến độc lập đều có mối tương quan tích cực đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội cho doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến nên dữ liệu đưa vào thực hiện hồi quy.

Phân tích hồi quy. Tiến hành phân tích hồi quy lần thứ nhất với biến phụ thuộc là SE, biến độc lập là SI, FC được kết quả R hiệu chỉnh là 0,581, hệ số Durbin-Watson: 1,530; thống kê F (ANOVA): 57,392; mức ý nghĩa (Sig.của ANOVA): 0,000, hệ số bêta chuẩn hóa của SI là 0,349 (>0) và của FC là 0,382 (>0), đều tác động thuận chiều đến SE.
Tiến hành phân tích hồi quy lần thứ hai với biến phụ thuộc là TRA, biến độc lập là SE được kết quả R hiệu chỉnh là 0,573, hệ số Durbin-Watson: 1,784; thống kê F (ANOVA): 109,879; mức ý nghĩa (Sig.của ANOVA): 0,000, hệ số bê ta chuẩn hóa của SE là 0,614 (>0) tác động thuận chiều đến TRA.
Tiến hành phân tích hồi quy tiếp theo với biến phụ thuộc là TRA, biến độc lập là PE, EE, SI, FC được kết quả R hiệu chỉnh là 0,598, hệ số Durbin-Watson: 1,486; thống kê F (ANOVA): 44,430; mức ý nghĩa (Sig.của ANOVA): 0,000, hệ số bêta chuẩn hóa thể hiện ở bảng sau:

Số liệu trên cho thấy, R2 là 0,598 nghĩa là 59,8% sự biến thiên của TRA – ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến được giải thích bởi sự biến thiên của các biến độc lập PE, EE, SI, FC. Giá trị Sig. = 0,000<0,05 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính đưa ra là phù hợp với dữ liệu đã thu thập.
4.4. Kiểm định giả thuyết của mô hình
Dựa vào kết quả kiểm định các giả thuyết như nội dung phân tích hồi quy và bảng 4 cho thấy, mối quan hệ giữa các biến độc lập và biển phụ thuộc là ảnh hưởng cùng chiều. Các giả thuyết đều được chấp nhận, cụ thể tổng hợp ở bảng sau:

5. Kết luận và hàm ý
Một là, kỳ vọng hiệu suất có tác động tích cực và ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán các mặt hàng gia dụng (Beta = 0,354, Sig. =0,000). Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần bố trí nguồn lực về con người, tổ chức bộ máy nhân sự phục vụ cho sự tương tác khách hàng qua phương tiện truyền thông xã hội, cần tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, bao gồm: nhật ký điện tử, hệ thống quản lý bán hàng bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát cửa hàng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
Hai là, kỳ vọng nỗ lực có tác động tích cực và ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán mặt hàng gia dụng (Beta = 0,260, Sig. =0,000). Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần chủ động tham gia các khóa đào tạo cá nhân tự tìm hiểu để bổ sung kiến thức như vận hành, sử dụng và quản lý phương tiện truyền thông xã hội mà cá nhân lựa chọn, cách viết bài, post bài, tương tác với khách hàng.
Ba là, ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực và ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán mặt hàng gia dụng (Beta = 0,191, Sig. =0,000). Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần đánh giá và xem xét mối tương quan của các lực lượng này (khách hàng, mối quan hệ đối tác, mối quan hệ cá nhân…) đến khả năng sử dụng công nghệ cá nhân, xem xét mức độ thích hợp giữa các nhóm người sử dụng công nghệ, từ đó cập nhật, đổi mới, tạo sự khác biệt hóa.
Bốn là, điều kiện thuận lợi có tác động tích cực và ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán mặt hàng gia dụng (Beta = 0,073, Sig. =0,000). Điều này có thể bị giới hạn bởi năng lực, trình độ hiểu biết về công nghệ của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cũng như vận dụng nó để bán mặt hàng có dễ dàng hay không. Các điều kiện này thường bao gồm các chính sách về chuyển đổi số quốc gia, các ứng dụng công nghệ hỗ trợ… Do đó, các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần trau dồi kiến thức, kỹ năng vận hành phương tiện truyền thông xã hội cho thuận tiện.
Năm là, tự tin vào năng lực bản thân có tác động tích cực và ảnh hưởng đến ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội trong bán các mặt hàng gia dụng (Beta = 0,614, Sig. =0,000), đồng thời, là trung gian cho mối quan hệ ảnh hưởng xã hội và ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến (Beta = 0,349, Sig. =0,000), mối quan hệ giữa điều kiện thuận lợi và ý định sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến (Beta = 0,382, Sig. =0,000). Các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần mở rộng, linh hoạt sử dụng nhiều kênh truyền thông xã hội để tiếp cận khách hàng; đánh giá xu hướng nhận tin của khách hàng để lựa chọn công cụ truyền thông phù hợp về thời gian, không gian, chi phí.
Tài liệu tham khảo:
1. Ajzen, I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50(2), 179-211. doi:10.1016/0749-5978(91)90020-T.
2. Bandura, A. & Locke, E.A. (2003). Negative self-efficacy and goal effects revisited. Journal of Applied Psychology, 881, 87 – 99.
3. Buabeng-Andoh, C., &Baah, C. (2020). Pre-service teachers’ intention to use learning management system: an integration of UTAUT and TAM. Interactive Technology and Smart Education.
4. Davis, F. D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology. MIS Quarterly, 319 – 340.
5. Djourova, N. P., Rodríguez Molina, I., TorderaSantamatilde, N., & Abate, G. (2020). Self-efficacy and resilience: Mediating mechanisms in the relationship between the transformational leadership dimensions and well-being. Journal of Leadership & Organizational Studies, 27(3), 256 – 270.
6. Engotoit, B., Kituyi, G. M., & Moya, M. B. (2016). Influence of performance expectancy on commercial farmers’ intention to use mobile-based communication technologies for agricultural market information dissemination in Uganda. Journal of Systems and Information Technology.
7. Ghalandari, K. (2012). The effect of performance expectancy, effort expectancy, social influence and facilitating conditions on acceptance of e-banking services in Iran: The moderating role of age andgender. Middle-East Journal of Scientific Research, 12(6), 801 – 807.
8. Listyo, I., MT, D., &Lisandy, A. S. (2014). Factors Affecting the Use Behavior of Social Media Using UTAUT 2 Model. Telkom University. Telkom Economics and Business School. In Proceedings ofthe First Asia-Pacific Conference on Global Business, Economics, Finance and Social Sciences(AP14Singapore Conference) (pp. 1-14).
9. Marafon, D. L., Basso, K., Espartel, L. B., de Barcellos, M. D., &Rech, E. (2018). Perceived risk and intention to use internet banking. International Journal of Bank Marketing.
10. Okumus, B., Ali, F., Bilgihan, A., &Ozturk, A. B. (2018). Psychological factors influencing customers’ acceptance of smartphone diet apps when ordering food at restaurants. International Journal of Hospitality Management, 72, 67 – 77.
11. Santos, S. C., &Liguori, E. W. (2020). Entrepreneurial self-efficacy and intentions: Outcome expectations as mediator and subjective norms as moderator. International Journal of Entrepreneurial Behaviour and Research, 26(3), 400 – 415.
12. Slade, E. L., Dwivedi, Y. K., Piercy, N. C., & Williams, M. D. (2015). Modeling consumers’ adoption intentions of remote mobile payments in the United Kingdom: extending UTAUT with innovativeness, risk, and trust. Psychology & Marketing, 32(8), 860 – 873.
13. Taylor, S., & Todd, P. (1995). Decomposition and crossover effects in the theory of planned behavior: A study of consumer adoption intentions. International journal of research in marketing, 12(2), 137- 155.
14. Venkatesh, V., & Davis, F. D. (2003). A theoretical extension of the technology acceptance model: Four longitudinal field studies. Management Science, 46(2), 186 – 204.
15. Yang, K. (2010). Determinants of US consumer mobile shopping services adoption: implications for designing mobile shopping services. Journal of consumer marketing.