Tăng cường quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn thành phố Hà Nội

ThS. Nguyễn Đức Chiến
Xã Song Phương, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều nội dung quản lý nhà nước về đất đai. Đặc biệt, trên các lĩnh vực quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt được một số kết quả tích cực, song vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là nội dung quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai nói chung, Hà Nội nói riêng nhằm đưa ra một số giải pháp góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ quá trình phát triển đô thị bền vững.

Từ khoá: Quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thành phố Hà Nội.

1. Thực tiễn công tác quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội

Xác định công tác quy hoạch sử dụng đất có vai trò rất quan trọng, phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đề ra định hướng đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

Công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đã được tổ chức thực hiện hợp lý, đáp ứng yêu cầu của phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đồng thời bảo vệ môi trường, cảnh quan tự nhiên và di sản văn hóa.

Thành phố đã thực hiện quy hoạch sử dụng đất một cách bài bản, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở thành phố Hà Nội đã mang lại nhiều kết quả tích cực, thể hiện qua sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thành phố, cũng như việc cải thiện đời sống xã hội và môi trường sống cho người dân.

Hà Nội đã tập trung vào việc quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị theo hướng bền vững, với các khu đô thị mới được xây dựng có tính toán kỹ lưỡng về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian xanh và có cơ chế quản lý phù hợp nhằm tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân.

Qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Hà Nội đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, như: du lịch, dịch vụ, công nghệ cao và giáo dục. Điều này đã góp phần tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao đời sống cho người dân. Qua quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, công tác quản lý, kiểm soát việc sử dụng đất đã trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm đất công hoặc để hoang hóa đất đai.

Thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU của Thành ủy, UBND Thành phố đã có Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 05/5/2023 với các nội dung quan trọng về nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý trong lĩnh vực đất đai. Trong đó, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tham mưu việc chỉ đạo xử lý những tồn tại, vướng mắc về đất đai; nghiên cứu, đề xuất Trung ương chấp thuận các cơ chế đặc thù trong quy hoạch, thu hồi đất vùng phụ cận các tuyến đường giao thông, tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất. Nhờ đó, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả.

Điển hình, như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội đã bảo đảm toàn bộ các điều kiện để khởi công, đáp ứng đúng tiến độ đề ra. Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đã đạt trên 84% (cao hơn mức kế hoạch đề ra là 70%). Công tác quản lý đất đai tại các địa phương đã có sự chuyển biến quan trọng. Nhiều huyện đang từng bước hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất, bản đồ giá đất; xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai hiện đại, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đất đai theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính trong công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…; đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cắt giảm thời gian thực hiện từ 30%-50%. Đến nay, Sở đã hoàn thành việc phân cấp, phân quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Ngoài ra, các địa phương trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng quyết liệt xử lý các tồn tại cũ, không để vi phạm mới phát sinh thành điểm nóng… Điển hình tại huyện Phú Xuyên, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Huyện triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt cơ bản bảo đảm, công tác quản lý hồ sơ địa chính đã đi vào nền nếp, các hoạt động đánh giá hiện trạng sử dụng đất, thống kê, kiểm kê đất đai được bảo đảm; hồ sơ về đất đai của người dân được thực hiện theo thủ tục hành chính của cơ chế một cửa, một cửa liên thông; xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng về đất đai.

Ngoài ra, việc phát triển các đô thị vệ tinh, như: Hà Đông, Gia Lâm và một số khu vực khác đã giúp giải tỏa áp lực về dân số và cơ sở hạ tầng cho trung tâm Hà Nội, đồng thời phân bố dân cư và hoạt động kinh tế một cách hợp lý hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển đồng đều trên toàn bộ địa bàn thành phố.

Thành phố Hà Nội đã và đang áp dụng một loạt các ứng dụng công nghệ tiên tiến để quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất một cách hiệu quả. Sự tích hợp của công nghệ vào quản lý đô thị giúp tăng cường minh bạch, tiện lợi và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Một số ứng dụng công nghệ tiêu biểu, như: Hà Nội đã triển khai ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý quy hoạch và đất đai. Qua đó, cơ quan quản lý có thể dễ dàng theo dõi, quản lý và cập nhật thông tin quy hoạch, sử dụng đất trên toàn bộ địa bàn thành phố. Điều này giúp quá trình quyết định và thẩm định quy hoạch trở nên nhanh chóng, chính xác và dễ dàng hơn.

Để cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm làm căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, lập dự án đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch…, UBND Thành phố đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND các quận, huyện, thị xã (đối với các đơn vị đủ điều kiện) tiếp tục thực hiện chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc để tạo điều kiện hồ sơ dự án không bị gián đoạn.

Thúc đẩy các dự án trên địa bàn Thành phố với yêu cầu: quy trình, các bước thực hiện phải rõ ràng, công khai, dễ hiểu; các văn bản phải nộp trong hồ sơ chấp thuận quy hoạch tổng thể mặt bằng và phương án kiến trúc phải có danh mục cụ thể (không được quy định bổ sung các giấy tờ mà luật và các nghị định không bắt buộc, nằm ngoài danh mục hồ sơ); hồ sơ đủ thủ tục đã nhận qua một cửa không được trả lại khi chưa có kết quả giải quyết; không được yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hồ sơ quá 1 lần; trường hợp hồ sơ còn thiếu phải bổ sung, phải có văn bản thông báo bổ sung hồ sơ trong thời gian không quá 5 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Cùng với đó, bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đất đai còn rất yếu, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn. Có hiện tượng làm quy hoạch tùy tiện và mang tính hình thức. Việc tổ chức thực thi, thanh tra, kiểm tra và chế tài xử phạt vi phạm về đất đai chưa nghiêm. Đặc biệt, công tác lập quy hoạch đất đai không phải lúc nào cũng đi trước làm công cụ cho công tác quản lý nhà nước. Chưa bảo đảm sự gắn kết, thống nhất giữa quy hoạch đất đai và các quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội khác.

2. Yêu cầu công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hà Nội trong thời gian tới

Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cần chú trọng vào việc phát triển hệ thống giao thông, với mục tiêu giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Các dự án mở rộng đường, xây dựng cầu mới và phát triển hệ thống giao thông công cộng, như: metro, xe buýt nhanh BRT đã và đang được triển khai, góp phần cải thiện đáng kể tình hình giao thông tại các địa phương trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội cần tích cực trong việc bảo vệ và phát triển không gian xanh, thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch các công viên, khu vui chơi và khu vực bảo tồn. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra không gian công cộng cho cư dân.

Hà Nội cần phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp về quy hoạch và sử dụng đất, đảm bảo tính thống nhất, cập nhật và dễ tra cứu. Cơ sở dữ liệu này phục vụ cả người dân và cơ quan quản lý trong việc theo dõi và thực thi quy hoạch đất đai.

Cung cấp portal thông tin quy hoạch trực tuyến, nơi mà thông tin về quy hoạch sử dụng đất, dự án phát triển đô thị và các thông tin cần thiết khác được công bố. Người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng truy cập để nắm bắt thông tin, giúp gia tăng sự minh bạch và sự tham gia của công chúng vào quá trình quy hoạch.

Triển khai các ứng dụng di động để cung cấp thông tin và dịch vụ liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian và chi phí đi lại, tăng cường sự tiện lợi và tương tác giữa chính quyền và người dân.

Áp dụng trực tiếp hóa các thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, như: đăng ký quyền sử dụng đất, phê duyệt dự án,… thông qua các hệ thống trực tuyến, giảm thiểu quy trình giấy tờ và thời gian chờ đợi cho người dân và doanh nghiệp.

Triển khai hệ thống quản lý và giám sát dự án trực tuyến cho phép theo dõi tiến độ, quản lý chất lượng và ngân sách của các dự án phát triển đô thị, giúp cải thiện hiệu quả quản lý dự án. Những ứng dụng công nghệ này đã và đang góp phần quan trọng vào việc tối ưu hóa quy trình quy hoạch và quản lý sử dụng đất tại Hà Nội, hướng đến việc xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại và bền vững.

3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai tại Thành phố Hà Nội

Mt là, cải thiện và nâng cao hiệu quả quy hoạch sử dụng đất. Cập nhật, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất theo hướng phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch để đảm bảo tuân thủ pháp lý và hiệu quả sử dụng đất.

Các địa phương cần thực hiện công khai, minh bạch thông tin quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ trong hệ thống quy hoạch, bao gồm quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và các quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có liên quan; bảo đảm tỉnh đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu, bản đồ giữa quy hoạch sử dụng đất quốc gia với quy hoạch tỉnh, giữa quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; giữa kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Hai là, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Mở rộng và cải thiện hệ thống thông tin địa lý GIS, thành lập cơ sở dữ liệu đất đai toàn diện, giúp quản lý, giám sát và phát triển quỹ đất một cách khoa học. Phát triển các ứng dụng trực tuyến cho phép người dân và doanh nghiệp dễ dàng truy cập, đăng ký, giao dịch về đất đai, từ đó nâng cao tính minh bạch và giảm tiêu cực.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. Rút ngắn thời gian, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến đất đai, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tăng cường kiểm soát việc thực hiện thủ tục hành chính, giảm bớt tình trạng quan liêu, tiêu cực.

Ba, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tăng cường khả năng giám sát, kiểm soát việc sử dụng đất thông qua việc sử dụng các công cụ và công nghệ hiện đại. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về sử dụng đất, xây dựng không phép, lấn chiếm đất đai, để răn đe và ngăn ngừa.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý, giám sát công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch đất đai. Phát triển các kênh thông tin, tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức xã hội tham gia giám sát, góp ý cho công tác quản lý đất đai. Tổ chức các buổi đối thoại giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những vấn đề, bất cập trong quản lý và sử dụng đất.

Bốn, bảo đảm công bằng, minh bạch trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại. Xây dựng và duy trì cơ chế công bằng, minh bạch, kịp thời trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai. Nâng cao năng lực, tăng cường đào tạo để cải thiện chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực quản lý đất đai, giúp họ xử lý công việc một cách chính xác và hiệu quả.

Những giải pháp trên không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai ở Hà Nội mà còn góp phần tạo dựng một môi trường đầu tư thuận lợi, bền vững, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:
1. Công văn số 315/TTg-NN ngày 27/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021- 2025 cấp tỉnh và lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030.
3. Luật Đất đai năm 2024.
4. Quyết định số 678/QĐ-BTNMT ngày 19/3/2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc ban hành kế hoạch thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Đất đai số 31/2024/QH15.
5. Tăng cường thực hiện ba vấn đề quản lý đất đai. http://sotnmt.hanoi.gov.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=18315&catid=12&Itemid=130, ngày 10/6/2022.
6. Những điểm mới quan trọng của Luật Đất Đai sửa đổi. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/01/24/nhung-diem-moi-quan-trong-cua-luat-dat-dai-sua-doi/, ngày 20/01/2024.