ThS. Nguyễn Thị Phương Mai
Trường Đại học Điện lực
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết khái quát vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất; làm rõ thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam trong những năm tới.
Từ khóa: Khoa học và công nghệ; lực lượng sản xuất; vai trò của hoa học và công nghệ; phát triển lực lượng sản xuất.
1. Đặt vấn đề
Khoa học và công nghệ có vai trò quyết định đối với phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia là phương tiện, mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất. Khoa học và công nghệ hiện đại làm cho nǎng suất lao động nâng cao, cơ cấu kinh tế chuyển biến mạnh mẽ và thay đổi sâu sắc mọi mặt đời sống xã hội loài người. Cuộc cách cách mạng công nghiệp 4.0, là biểu hiện mới về trình độ của lực lượng sản xuất; mặt khác, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của lực lượng sản xuất, thúc đẩy lực lượng sản xuất tiến đến những trình độ mới, ngày càng cao hơn. Nếu quốc gia nào bỏ lỡ, không tận dụng được những thời cơ do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại sẽ khó có điều kiện phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra yêu cầu: lao động thủ công sẽ bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo, hàng loạt người lao động bị thất nghiệp vì mất việc làm, lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh của các nước châu Á, trong đó có Việt Nam,…
Mặc dù, Đảng và Nhà nước rất quan tâm nhưng khoa học và công nghệ Việt Nam vẫn phát triển chậm, còn nhiều hạn chế, chưa trở thành động lực phát triển kinh tế – xã hội mạnh mẽ, chưa phát huy tốt vai trò của mình trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất và cũng chưa tương xứng với vai trò “là quốc sách hàng đầu”. Như vậy, cả trên phương diện lý luận và thực tiễn đều cho thấy, khoa học và công nghệ có vai trò to lớn đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất; việc phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết.
2. Vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất
Theo cách hiểu chung nhất thì khoa học và công nghệ chính là một tập hợp của những hoạt động có hệ thống, có sự sáng tạo với mục đích chính là phát triển kiến thức có liên quan tới con người, tự nhiên, xã hội. Từ đó sử dụng các kiến thức này vào việc tạo ra những nguồn ứng dụng mới.
Lực lượng sản xuất là khái niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử dùng để biểu thị mối quan hệ giữa con người với tự nhiên trong quá trình sản xuất, thể hiện năng lực thực tiễn của con người, được tạo thành từ sự kết hợp giữa người lao động và tư liệu sản xuất trong quá trình chinh phục, cải biến tự nhiên, thực hiện việc sản xuất trong xã hội.
Vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển của người lao động: khoa học và công nghệ có vai trò đặc biệt đối với người lao động, từ chỗ giải phóng người lao động khỏi nhịp điệu sống và làm việc của nền công nghiệp cổ điển, biến người lao động thủ công, cơ khí trở thành người lao động trí óc và tự do. Khoa học và công nghệ loại người lao động ra khỏi quá trình sản xuất trực tiếp để thích ứng, buộc người lao động phải thay đổi, phải tự học tập không ngừng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề… Đồng thời, khoa học và công nghệ còn giúp cho người lao động có điều kiện phát triển thể trạng, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm thiểu bệnh tật, đây là bước tiến quan trọng làm cho người lao động trở thành yếu tố quyết định trong lực lượng sản xuất và là nguồn lực cơ bản của quá trình sản xuất hiện nay.
Vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển tư liệu sản xuất: góp phần tạo ra nhiều tư liệu lao động mới, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Trong đó công cụ lao động là yếu tố quyết định trong tư liệu lao động không ngừng thay đổi và phát triển. Đây là yếu tố quyết định năng suất lao động, biểu hiện khả năng chinh phục và làm chủ tự nhiên của con người. Khoa học và công nghệ phát triển đưa đến sự ra đời của hàng loạt các loại máy móc, công cụ sản xuất hiện đại.
Về thực chất, máy móc hiện đại đó chính là sức mạnh đã vật chất hóa của tri thức con người, cũng có nghĩa là tri thức ngày càng trở thành nhân tố chủ yếu của quá trình sản xuất. Nhờ ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ, công cụ lao động được cải tiến không ngừng nhằm giảm nhẹ lao động cơ bắp của con người và làm cho lao động đạt hiệu quả cao hơn. Có thể nói, sự phát triển của khoa học và công nghệ dẫn đến cuộc cách mạng trong lực lượng sản xuất, trong đó có công cụ lao động.
Vai trò của khoa học và công nghệ đối với đối tượng lao động: khoa học và công nghệ cho phép người lao động mở rộng khai thác các nguồn lực tự nhiên mà trước đây kỹ thuật chưa cho phép, ứng dụng những quy trình công nghệ hiện đại, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, chế tạo ra những nguyên, nhiên vật liệu mới đáp ứng được những yêu cầu cao của sản xuất công nghiệp; các vật liệu mới, như: vật liệu gốm sứ cách điện cao cấp, vật liệu siêu dẫn, siêu bền,… đang giúp con người làm tăng giá trị của một số loại tài nguyên thiên nhiên có sẵn trong sản xuất. Khoa học và công nghệ giúp con người ngày càng tạo ra được nhiều đối tượng lao động mới, khắc phục được hạn chế về thời gian sử dụng và một số đặc tính khác của đối tượng lao động tự nhiên; những đối tượng nhân tạo này thân thiện với môi trường. Khoa học và công nghệ còn tạo điều kiện tìm ra và sử dụng những nguồn năng lượng, như: năng lượng gió, mặt trời, năng lượng trái đất,…
Khoa học và công nghệ làm thay đổi tận gốc các yếu tố của lực lượng sản xuất từ người lao động đến tư liệu sản xuất, là một trong những động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển lực lượng sản xuất. Khoa học và công nghệ thâm nhập vào tất cả các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, từ chỗ công cụ lao động được cải tiến đến giải phóng sức lao động của con người; trình độ, tay nghề, kỹ năng, kỹ xảo của người lao động không ngừng được nâng cao và đội ngũ công nhân trí thức ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng.
Khoa học và công nghệ làm cho việc lãnh đạo, quản lý và điều hành sản xuất tốt hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất. Khoa học và công nghệ với vai trò động lực đã và đang làm thay đổi toàn bộ lực lượng sản xuất, biến đổi nhiều quan hệ xã hội cũ, xác lập quan hệ xã hội mới, đưa xã hội loài người phát triển lên một giai đoạn mới. Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong việc phát triển lực lượng sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu qủa, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
3. Thành tựu, hạn chế và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam
(1) Những thành tựu cơ bản.
Thứ nhất, thành tựu lớn nhất là khoa học và công nghệ đã làm thay đổi trình độ, năng lực và kỹ năng của người lao động.
Tính đến năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023 đạt 52,4 triệu người, tăng 666,5 nghìn người so với năm trước. Trong đó, lực lượng lao động ở khu vực thành thị là 19,5 triệu người, chiếm 37,3%, khu vực nông thôn là 32,9 triệu người, chiếm 62,7%; lực lượng lao động nữ đạt 24,5 triệu người, chiếm 46,7%, lực lượng lao động nam đạt 27,9 triệu người, chiếm 53,3%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2023 là 68,9%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với năm 20221.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam giới là 75,2%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó con số này của nữ giới là 62,9%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới. Tính chung năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính là 14,1 triệu người, chiếm 27,0%, tăng 0,6 điểm phần trăm so với năm 20222.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 8,1 triệu đồng, gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (6,0 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,7 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng). Năm 2023, cả nước có gần 1,07 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 14,6 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2023 là 2,28%, giảm 0,06 điểm phần trăm so với năm trước3.
Chất lượng của người lao động không chỉ thể hiện ở trình độ mà còn thể hiện ở kinh nghiệm, kỹ năng lao động và chất lượng của sản phẩm làm ra ngày càng mang tính trí tuệ. Không chỉ nâng cao trình độ người lao động, khoa học và công nghệ còn làm thay đổi cách thức lao động, thay đổi địa vị của người lao động trong lực lượng sản xuất. Người lao động Việt Nam bước đầu tiếp cận xu hướng và trình độ lao động của thế giới để hội nhập và phát triển.
Thứ hai, phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với công cụ lao động, yếu tố quyết định trong tư liệu lao động có nhiều chuyển biến tích cực. Khi áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất công cụ sản xuất ở Việt Nam đã có những thay đổi rất lớn.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, máy móc đã thay dần những công cụ thủ công lạc hậu. Mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam bình quân đạt 1,16 cv/ha canh tác, tỷ lệ cơ giới hóa cả nước trong sản xuất nông nghiệp: cây lúa đạt 72%, các cây trồng cạn đạt 65%; nếu tính theo các khâu, riêng đối với lúa, tỷ lệ sử dụng máy cho tưới đạt 85%; tuốt đập 84%; vận chuyển 66%; sấy 38,7%; thu hoạch 15-20%; xay xát 95%4. Số công cụ được sản xuất ra hàng năm, không chỉ thể hiện sự phát triển của lực lượng sản xuất mà còn thể hiện sự gia tăng về quy mô, trình độ, tốc độ phát triển của công cụ lao động hiện nay. Có thể nói khoa học và công nghệ đã góp phần nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu hàng đầu về lúa gạo và một số mặt hàng nông sản, thủy sản khác và làm thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam.
Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhiều công nghệ, máy móc hiện đại được áp dụng. Quá trình tin học hóa, tự động hóa đang diễn ra ở mọi khâu, mọi lĩnh vực của nền sản xuất. Nhiều máy móc tự động hóa, số hóa, công nghệ kết nối với máy tính… dùng phục vụ cho quá trình sản xuất. Trong đó, có những cơ sở sản xuất đã bắt đầu tiếp cận với trình độ công nghiệp 4.0. Những nhà máy, xí nghiệp với những dây chuyền công nghệ tiến tiến; những khu công nghệ cao ra đời ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Năng lực công nghiệp quốc gia có tiến bộ, bắt đầu khả năng lựa chọn thích hợp và làm chủ công nghệ nhập, nhiều ngành sản xuất dịch vụ chủ yếu sử dụng công nghệ tiên tiến, trình độ công nghệ được nâng cao. Cùng với quá trình chuyển giao khoa học và công nghệ đã góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất Việt Nam phát triển, kết quả là năng suất lao động tăng, khối lượng sản phẩm làm ra nhiều, chất lượng ngày một tốt hơn.
Cùng với việc áp dụng khoa học và công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, một số lĩnh vực khác cũng đạt được những thành tựu, như: công nghệ tế bào, công nghệ tái tổ hợp gen và lĩnh vực y học Việt Nam đã tiếp cận những phương pháp chữa bệnh mới của thế giới; từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị và ứng dụng khoa học công nghệ mới. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, bưu chính viễn thông, Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt, đạt trình độ cao, phục vụ ngày càng nhiều và hiệu quả cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân. Thị trường viễn thông Việt Nam được xếp thứ 13 châu Á về cả quy mô, tốc độ phát triển trên 3 lĩnh vực: cố định, di động và internet.
Thứ ba, đối với đối tượng lao động, có nhiều đối tượng lao động mới được khai thác và đưa vào sử dụng. Nếu như trước đây tự nhiên, đất đai là đối tượng lao động chính của người lao động Việt Nam, hiện nay, nhiều đối tượng lao động khác cũng được huy động và khai thác hiệu quả, góp phần làm gia tăng sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam. Nhờ khoa học và công nghệ con người hiểu biết về tự nhiên, cải tạo tự nhiên, thậm chí sáng tạo đối tượng lao động mới phù hợp với nhu cầu của mình. Người lao động Việt Nam từ chỗ phụ thuộc vào tự nhiên đã dần làm chủ mối quan hệ này và trong mối quan hệ với tự nhiên, họ bắt đầu ý thức phải bảo vệ tự nhiên, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đó mới là phát triển bền vững. Hơn nữa, tài nguyên thiên nhiên không còn là đối tượng lao động chính của Việt Nam, nên tìm ra đối tượng lao động mới ít phụ thuộc vào tự nhiên là xu thế tất yếu.
Thứ tư, các phương tiện lao động khác cũng thay đổi vượt bậc. Những phương tiện lao động cơ khí truyền thống mà trước kia C.Mác gọi là hệ thống xương cốt hoặc cơ bắp của sản xuất, thì ngày nay trong một chừng mực đáng kể ở Việt Nam đã nhường chỗ cho các phương pháp điện vật lý, điện hóa học, điện tử trong gia công vật liệu, cho hệ thống tự động hóa và những thiết bị điều khiển với một quy trình công nghệ liên tục. Sự phát triển bước đầu của hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật thông tin cùng các điều kiện vật chất khác làm cho năng xuất lao động của Việt Nam phát triển.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những thành tựu trên, trong đó ứng dụng khoa học và công nghệ được coi là nguyên nhân then chốt, quyết định. Chính việc ứng dụng tốt khoa học và công nghệ vào sản xuất đã làm cho năng suất lao động tăng lên rất nhiều. So với thời điểm trước đổi mới, năng suất lao động thấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát cao và khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng.
Từ khi đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã có bước thay đổi mang tính lịch sử, đó là nhờ ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất: năm 2017, tổng sản phẩm trong nước theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương đương 220 tỷ USD; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD tổng sản phẩm trong nước5, Việt Nam thoát khỏi danh sách nước có thu nhập thấp, trở thành một nước có mức thu nhập trung bình. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động)6. Có thể nói, trong điều kiện nền kinh tế như Việt Nam, xét về trình độ và năng lực khoa học và công nghệ, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trong khu vực được rút ngắn đáng kể, lực lượng sản xuất ở Việt Nam từng bước phát triển và hội nhập với xu thế phát triển của thế giới.
Quá trình phát huy vai trò của khoa học và công nghệ, đối với sự phát triển của lực lượng sản xuất ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu: đó là sự thay đổi toàn diện các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất, từ người lao động đến tư liệu sản xuất. Thay đổi này theo hướng tích cực, là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế.
(2) Một số hạn chế trong quá trình phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam.
Thứ nhất, người lao động Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp thu, vận dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất. Về trình độ người lao động: trình độ đào tạo, tay nghề của người lao động là nhân tố quyết định chất lượng lao động, chất lượng nguồn nhân lực nhưng ở Việt Nam còn thấp và không đồng đều. Chất lượng lao động trí tuệ ở Việt Nam còn hạn chế, số người lao động có trình độ khoa học và công nghệ phân bố không đều, phần lớn tập trung ở các thành phố lớn, là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Việc phân bố nhân lực và cơ cấu trình độ chưa hợp lý theo vùng, miền và lĩnh vực hoạt động gây khó khăn trong quá trình phát huy vai trò của khoa học công nghệ đối với phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay.
Nhìn chung, chất lượng lao động của Việt Nam chưa tương xứng với yêu cầu phát triển nhanh lực lượng sản xuất theo hướng của cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới điểm chất lượng nhân lực cao của Việt Nam chỉ đạt 3,79/10 năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Việt Nam xếp thứ 73/133 quốc gia xếp hạng7. Trình độ khoa học và công nghệ ở Việt Nam thấp, có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam sử dụng công nghệ trung bình là chủ yếu, điều này làm cho năng suất lao động Việt Nam thấp.
Theo số liệu của Tổng cục thống kế năm 2019 năng suất lao động Việt Nam là 9.84 USD chỉ bằng 7% Singapore, 36,5% Thái Lan, 42,3% Indonesia, 56,7% Philippines, 87,4 năng suất của Lào8. Việt Nam chưa coi trọng vai trò của khoa học và công nghệ trong việc tăng năng suất lao động. Đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam mới đạt khoảng 1% GDP, trong khi Trung Quốc đạt 2,2% GDP, Hàn Quốc đạt 4,5%9. Việt Nam chỉ đáp ứng được về nhu cầu lao động có trình độ thấp, còn lao động có trình độ cao đang trong trình trạng thiếu trầm trọng.
Thứ hai, việc phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với tư liệu sản xuất còn hạn chế. Điều này được thể hiện: tư liệu sản xuất ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay. Đặc biệt, công cụ sản xuất còn lạc hậu, trình độ thấp, công cụ lao động thủ công chiếm phần lớn trong nông nghiệp, trong công nghiệp chiếm đến 60% lao động giản đơn10. Máy móc thiết bị hiện có của Việt Nam so với thế giới lạc hậu nhiều, mức tiêu hao nhiên liệu cao gấp nhiều lần. Thêm vào đó đối tượng lao động ở Việt Nam bị khai thác đến mức kiệt quệ. Trước đây, Việt Nam có rừng vàng, biển bạc, tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng nhưng điều đó hiện nay không đúng nữa.
(3) Những vấn đề đặt ra trong quá trình phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay
Một là, giữa yêu cầu cao về phát triển khoa học và công nghệ với đầu tư cho khoa học và công nghệ còn thấp. Nhiều nghị quyết của Đảng nhấn mạnh vai trò “quốc sách hàng đầu” của khoa học và công nghệ, nhưng thực tế đầu tư cho khoa học và công nghệ chưa phải là quốc sách hàng đầu, đây là sự đầu tư thấp, chưa phù hợp. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, nhất là ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ phát triển lực lượng sản xuất chưa đúng mức, chưa xứng tầm với vị trí khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu.
Hai là, giữa yêu cầu đẩy mạnh phát triển sản xuất nói chung, lực lượng sản xuất nói riêng với khả năng vận dụng khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế.
Ba là, mâu thuẫn giữa yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là phải có lực lượng lao động chất lượng cao, trong khi đó lực lượng lao động Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nếu những hạn chế của nguồn nhân lực không được giải quyết triệt để, Việt Nam khó có thể tận dụng tối đa tác dụng tích cực của cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với sự phát triển của Việt Nam nói chung, và sự phát triển của lực lượng sản xuất nói riêng.
Bốn là, cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang diễn ra với tốc độ nhanh nhưng các cơ chế, chính sách ở Việt Nam lại chậm đổi mới, dẫn đến những khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ mới để phát triển lực lượng sản xuất.
4. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự phát triển lực lượng sản xuất ở Việt Nam trong những năm tới
(1) Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong công tác ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất.
Quán triệt nghiêm túc các nghị quyết của Đảng, các chủ trương, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực khoa học và công nghệ và đầu tư cho khoa học và công nghệ. Khi chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống sẽ tạo niềm tin, và động lực để phát phát huy tốt nhất vai trò của khoa học và công nghệ đối với phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển lực lượng sản xuất nói riêng.
Nhà nước nên xem lao động khoa học và công nghệ là một loại hình lao động đặc thù, có chính sách, cơ chế đặc biệt trong việc trọng dụng và đãi ngộ đối với cán bộ khoa học đầu ngành; cán bộ chuyên gia giỏi; cán bộ được giao chủ trì nhiệm vụ quốc gia; cán bộ trẻ tài năng. Tạo điều kiện tốt để sinh viên, nghiên cứu sinh sau khi được đào tạo ở nước ngoài yên tâm về nước làm việc. Đồng thời, nắm bắt cơ chế thị trường, vận dụng đúng đắn, linh hoạt để phát triển nguồn lực trong nước.
Nhà nước cần sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ một cách khoa học tránh chồng chéo chức năng và nhiệm vụ, có sự phân công, phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời đổi mới cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động khoa học và công nghệ. Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho khoa học và công nghệ, đầu tư cho các trường đại học, viện nghiên cứu, những người làm khoa học và công nghệ kể cả doanh nghiệp và nông dân có sáng kiến, sáng tạo. Nhà nước nâng cao năng lực hệ của thống các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng hổ trợ cho việc vận hành có hiệu quả, gắn với việc tự do mua bán, đặt hàng sản phẩm, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ.
Đổi mới quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách sử dụng, trọng dụng đội ngũ khoa học và công nghệ, coi đây là yếu tố tạo động lực thúc đẩy người lao động phát huy hết vai trò, khả năng của mình, góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ, gắn với thực hiện cơ chế tự chủ cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng, sử dụng công nghệ mới vào phát triển lực lượng sản xuất.
(2) Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như hiện nay.
Đặc biệt chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ giỏi, quan tâm đến những người trẻ làm khoa học, đội ngũ này tiếp thu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ của thế giới vào Việt Nam. Tích cực hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
(3) Phát triển đào tạo nghề nhằm nâng cao năng lực thực hành cho người lao động trong quá trình ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất hiện nay.
Đổi mới nội dung chương trình giáo dục, đào tạo nghề, và phương pháp thực hiện theo hướng chú trọng năng lực chuyên môn, năng lực thực hành nhằm cung cấp cho người lao động những kiến thức ngành nghề của họ. Áp dụng những tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Đào tạo nghề phải gắn với công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và giải quyết việc làm. Nhà nước cần có những chính sách thu hút người học vào những ngành nghề mà nhu cầu của doanh nhiệp đang thiếu như ngành hàn, chế tạo thiết bị cơ khí và cơ điện tử.
Nhà nước khuyến khích cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp cùng liên kết để tổ chức đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội. Trong đó doanh nghiệp và cơ sở giáo 152 dục nghề nghiệp cần hợp tác trong xác định chuẩn đầu ra, xây dựng chương trình, tổ chức tuyển sinh, tuyển dụng và tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp một số modul quan trọng, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người tuyển dụng công nhận kết quả đầu ra. Về phía người lao động phải có ý thức tự học, tự rèn luyện nâng cao tay nghề.
(4) Tích cực, chủ động hơn nữa trong việc hội nhập quốc tế, tham gia quá trình toàn cầu hóa nhằm thu hút, chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển.
Để hội nhập quốc tế người lao động Việt Nam cần thay đổi tư duy và tầm nhìn rộng, có kỹ năng nghề nghiệp, tiếp thu và làm chủ kỹ thuật tiên tiến, có trình độ ngoại ngữ, tin học nhanh chóng nắm bắt cái mới. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực khoa học và công nghệ nghệ bắt đầu từ sự đầu tư công nghệ “ưu tiên”. Hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, Việt Nam cần đi tắt, đón đầu để rút ngắn khoảng cách phát triển lực lượng sản xuất. Huy động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vào việc phát triển khoa học và công nghệ cho đất nước, kể cả chuyên gia, nhà khoa học là người nước ngoài có nguyện vọng làm việc tại Việt Nam.
5. Kết luận
Chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão. Tri thức khoa học và công nghệ chiếm ưu thế và phổ biến. Trong xu thế đó, bất kỳ một quốc gia nào, không riêng Việt Nam nếu không xây dựng cho mình một thực lực sẽ có nguy cơ tụt hậu. Chính vì vậy, yêu cầu khách quan đặt ra cho Việt Nam hiện nay là tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao tiềm lực, trình độ khoa học và công nghệ, đầu tư cho công nghệ ưu tiên, công nghệ lõi. Tích cực, chủ động hơn trong hội nhập quốc tế, tham gia quá trình toàn cầu hóa nhằm thu hút, chuyển giao khoa học và công nghệ hiện đại, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nhanh chóng nắm bắt, làm chủ các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển lực lượng sản xuất nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập và xu hướng phát triển kinh tế tri thức hiện nay hơn bao giờ hết, khoa học và công nghệ biểu hiện như là nguồn lực cơ bản của sự phát triển kinh tế – xã hội và phát triển lực lượng sản xuất hiện đại. Để làm được những điều trên, Việt Nam cần có nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ, đồng thời chủ động, sáng tạo trong việc ứng dụng những thành tựu mới nhất của nhân loại về phát triển khoa học và công nghệ vào phát triển lực lượng sản xuất, tránh những sai lầm mà các nước khác đã vấp phải. Việt Nam cần xác định rõ mục đích phát triển khoa học và công nghệ là cơ sở tăng năng xuất lao động xã hội, là yếu tố thúc đẩy kinh tế – xã hội và lực lượng sản xuất phát triển. Trong thời gian qua khoa học và công nghệ Việt Nam có những bước chuyển biến tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển của đất nước, đặc biệt là phát triển lực lượng sản xuất.
Chú thích:
1, 2, 3, 4, 5, 6. Dữ liệu và số liệu thông kê. https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke.
7, 8, 9, 10. Chế tạo máy cho nhà nông: dễ mà khó. http://www.mard.gov.vn, ngày 12/10/2019.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị Chiên. Vai trò của khoa học và công nghệ với sự phát triển của lực lượng sản xuất hiện đại. Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 12 (73) – 2013.
2. Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê. Bản tin thị trường lao động quý 4 năm 2019.
3. Nguyễn Đức Luận. Tác động của quan hệ sản xuất đối với lực lượng sản xuất: Từ lý luận đến thực tiễn Việt Nam. H. NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật, 2016.
4. C. Mác và Ph. Ăngghen toàn tập. Tập 46. H. NXB Chính trị Quốc gia, 2000, tr. 372.
5. Đường Vinh Sường. Giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay. Tạp chí Cộng sản điện tử, số tháng 12/2014.
6. Ngô Tử Thành (2017). Cách mạng công nghệ lần thứ 4.0 và định hướng giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam. Tạp chí Nghề nghiệp và cuộc sống, số 91, tr.10.
7. Ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển đất nước. httt://baovemoitruong.org.vn/ung-dung-khoa-học-cong-nghe- phuc-vu-phat-trien-dat-nuoc, ngày 19/3/2018.