NCS. Nguyễn Thanh Phong
PGS.TS. Đỗ Văn Dũng
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện sáng tạo nhiều giải pháp vừa mang tính đột phá, vừa mang tính nhân văn và bền vững. Trong đó, quá trình tự chủ đại học chỉ mới thực hiện trong vòng 5 năm đã làm thay đổi cơ bản chất lượng đào tạo và quan trọng hơn là sự sẵn sàng đón nhận những thách thức đổi mới mô hình giảng dạy đối với nhà trường.
Từ khóa: Cách mạng công nghiệp 4.0, tự chủ đại học, cơ sở giáo dục đại học công lập, quyền tự chủ, thời kỳ hội nhập, mô hình giảng dạy.
1. Tự chủ đại học
Tự chủ đại học là quyền của cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mục tiêu và lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học1. Tự chủ đại học có nhiều mặt ưu điểm như giúp các trường đại học tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản. Tự chủ đại học là cơ hội để nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Quyền tự chủ đại học được thể hiện ở nhiệm vụ và quyền hạn theo Luật Giáo dục đại học hiện hành, như: Hội đồng trường, Hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập, chương trình giáo dục, tuyển sinh, văn bằng, học phí, nghiên cứu khoa học, quan hệ quốc tế, bảo đảm chất lượng…
Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi theo hướng trao quyền tự chủ cao hơn về cho cơ sở giáo dục đại học, bao gồm: quyền tự chủ trong học thuật, quyền tự chủ trong tổ chức và nhân sự và quyền tự chủ trong tài chính và tài sản. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 cho phép hội đồng trường, hội đồng đại học tự quyết định việc sử dụng nguồn tài chính là nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước cấp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quyết định nội dung và mức chi từ nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý theo quy định của quy chế chi tiêu nội bộ của mình.
Theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định mức độ tự chủ tài chính theo 4 nhóm đối với đơn vị sự nghiệp công lập2: Đơn vị nhóm 1 – tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; Đơn vị nhóm 2 – tự bảo đảm chi thường xuyên; Đơn vị nhóm 3 – tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; Đơn vị nhóm 4 – do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
2. Tầm quan trọng của tự chủ trong phát triển giáo dục đại học
Tự chủ trong phát triển giáo dục đại học có tầm quan trọng lớn và đa chiều, với nhiều ưu điểm và tiềm năng tích cực.
(1) Tăng cường chất lượng giáo dục: tự chủ giúp các trường đại học có khả năng tự quản lý và tự xác định mục tiêu giáo dục của mình. Quyền tự chủ trong học thuật cho phép những quyết định linh hoạt và nhanh chóng, giúp nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách tối ưu hóa nội dung học tập và cập nhật các chương trình đào tạo theo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động.
(2) Tích cực trong nghiên cứu khoa học và cải cách: sự tự chủ cung cấp tự do cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc quyết định về nghiên cứu khoa học và hoạt động cải cách. Điều này có thể thúc đẩy sự sáng tạo, khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu mới, và tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ.
(3) Nâng cao hiệu quả quản lý: tự chủ trong tổ chức và nhân sự giúp các trường đại học linh hoạt hóa quá trình quản lý, tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan. Điều này có thể dẫn đến sự minh bạch, tính hiệu quả và khả năng thích ứng nhanh chóng với các thách thức và cơ hội mới.
(4) Tạo điều kiện cho sự đổi mới hệ thống: sự tự chủ trong tài chính và tài sản cho phép các trường đại học tự quyết định về việc sử dụng nguồn tài chính của mình, đặt ra các ưu tiên đầu tư và chi tiêu phù hợp với mục tiêu và định hình chiến lược của mình. Điều này có thể thúc đẩy sự đổi mới và tối ưu hóa hiệu suất nguồn lực.
(5) Tăng cường hợp tác quốc tế: quyền tự chủ trong quan hệ quốc tế cho phép các trường đại học xây dựng và phát triển các mối quan hệ đối tác toàn cầu. Điều này có thể giúp cải thiện chất lượng giáo dục thông qua trao đổi sinh viên, giảng viên và nghiên cứu quốc tế.
(6) Tạo điều kiện cho sự đa dạng và nâng cao sự tương tác cộng đồng: sự tự chủ cũng mở cửa cho việc tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học tương tác chặt chẽ hơn với cộng đồng xã hội, kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời tạo ra môi trường hỗ trợ cho sự đa dạng và tích cực trong môi trường học thuật.
Như vậy, sự tự chủ trong phát triển giáo dục đại học không chỉ là quyền lợi cho các cơ sở giáo dục mà còn mang lại nhiều lợi ích cho xã hội, kinh tế và cả sinh viên. Việc bảo đảm quyền tự chủ cần đi kèm với trách nhiệm giải trình và giám sát để bảo đảm việc thực hiện một cách bền vững và tích cực.
3. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học khi tiến hành tự chủ
Tự chủ tài chính là vấn đề quan trọng của tự chủ đại học, nếu không bảo đảm về nguồn thu sẽ là thách thức lớn. Trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn và nhiều biến động, nguồn thu học phí trở nên không bền vững, nguy cơ rủi ro cao nếu nhu cầu thị trường lao động bão hòa. Trái lại, nguồn thu từ các dịch vụ lại chưa nhiều. Thực tế, việc đẩy mạnh tự chủ đại học gắn với tự chủ tài chính theo quan niệm tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư đã tạo ra một sự mất cân đối lớn về cơ cấu lĩnh vực và trình độ đào tạo.
Việc các cơ sở giáo dục đại học phải tăng học phí để bù đắp chi phí trong khi thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính hiệu quả cho người học, dẫn tới thu hẹp cơ hội học đại học chất lượng cao đối với những nhóm đối tượng yếu thế.
Ngoài ra, một số văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện chế độ tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập chậm ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, dẫn đến thiếu tính đồng bộ, trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chưa điều chỉnh khung học phí của các cơ sở giáo dục đại học theo lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo3. Và một trong những khó khăn lớn nữa là cơ sở vật chất. Hầu hết ở các trường, quỹ này được trích từ nguồn thu học phí vì vậy việc xây dựng cơ sở vật chất mang tính từng bước. Để các trường mạnh dạn đăng ký tự chủ hoàn toàn, cần hoàn thiện về mặt hạ tầng, cơ sở vất chất, nghĩa là tự chủ nhưng cần Nhà nước đầu tư ban đầu.
Tự chủ đại học mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều thách thức cho các trường đại học. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các trường đại học cần phải có sự nỗ lực và sẵn sàng thay đổi để thích nghi với môi trường tự chủ, cũng như để đạt được mục tiêu và tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, các trường đại học phải nâng cao trách nhiệm đối với chất lượng đào tạo và nghiên cứu của mình, điều này đòi hỏi sự minh bạch và công khai về các tiêu chí bảo đảm chất lượng. Việc tự chủ đại học cũng đồng nghĩa với việc phải xây dựng và duy trì thương hiệu nhà trường, khẳng định vị thế của mình để thu hút sinh viên và đối tác.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 để các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ đại học, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, của cơ sở giáo dục đại học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học, bảo đảm hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của thị trường lao động trong nước và nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đứng trước các thay đổi trên nhiều lĩnh vực đã nêu, để đáp ứng yêu cầu mới về nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần nhanh chóng cải cách giáo dục đại học để đáp ứng và thích ứng với các thay đổi trong kỷ nguyên số thì mới có thể đứng vững khi tự chủ.
Những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn tiến hành tự chủ, liên tục đổi mới sáng tạo, cố gắng đưa những luồng gió mới của thời đại vào cuộc sống của mọi thành viên và tất cả các hoạt động của nhà trường. Tự chủ đại học và đổi mới phải song hành, đã và đang đạt được những thành công vượt bậc.
4. Kết quả tự chủ tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh
Sau 5 năm tự chủ toàn diện và triệt để, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, như: kiểm định đạt chuẩn 18 ngành đào tạo theo AUN-QA. Có 13 chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp trường theo các tiêu chí Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sử dụng hiệu quả phòng dạy học kỹ thuật số trong phát triển hệ thống các môn học kết hợp thêm hình thức dạy học số (E/M learning). 100% giảng viên ứng dung mô hình giảng dạy tích hợp (Blended Learning) giữa dạy học truyền thống và dạy học số, mô hình lớp học “đảo ngược” (Flipped classroom). Nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong nhà trường. Đổi mới đánh giá quá trình, tổ chức đánh giá online.
Trong 3 năm liên tiếp đạt giải nhất Giải thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên toàn quốc (2017, 2018, 2019) và 3 năm đạt Giải nhất Eureka (2017, 2018, 2021). Trường có nhiều sân chơi học thuật dành cho sinh viên.
Trong quản lý cũng là Trường đầu tiên áp dụng KPIs trong quản lý và đánh giá công viêc của cán bộ quản lý và viên chức hành chính. Số giảng viên là phó giáo sư và tiến sỹ tăng gấp đôi so với trước khi tự chủ (245/808, chiếm 30,32%), có thể đăng ký thực hiện khối lượng nghiên cứu khoa học và giảng dạy theo nhu cầu, năng lực của giảng viên theo các mức 25%, 50%, 75% nghiên cứu khoa học và được đánh giá theo năm học thông qua hệ thống KPIs.
Điểm chuẩn năm 2022 có 6 ngành đạt 26 điểm trở lên, tỷ lệ nhập học đạt 100,7% (6.525/6.482), tăng 47,3 % so với thời điểm chưa tự chủ năm 2016. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên tăng cao, có gần 60% sinh viên chưa ra trường đã có việc.
Số bài báo quốc tế uy tăng gấp bốn lần so với trước tự chủ, năm 2021 đạt 199 bài báo thuộc danh mục WoS và xếp hạng hạng 7 (tăng 3 bậc so với năm 2020) về số lượng bài báo quốc tế uy tín được công bố của các trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội thảo khoa học quốc tế được đẩy mạnh, trong năm 2022, hội thảo quốc tế Công nghệ xanh và Phát triển bền vững thu hút 269 bài báo từ 27 quốc gia và được xuất bản trên Springer và IEEE Xplore.
Tổ chức trao học bổng “Tạo nguồn” kết nghĩa với các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT chuyên hoặc có nhiều thí sinh trúng tuyển vào trường, kết nối với trên 200 trường trung học phổ thông để đưa các sân chơi khoa học – kỹ thuật, xây dựng 100 câu lạc bộ STEM về cho học sinh trải nghiệm, tư vấn ngành nghề cho các em ngay từ khi còn ở bậc trung học để học sinh chủ động trước khi vào đại học, với tâm thế tốt hơn, chọn đúng nghề, yêu thích tạo nên động lực, tinh thần học tập tốt hơn ở bậc đại học.
Thu nhập trung bình của cán bộ viên chức nhà trường tăng (số liệu năm 2012: 14,15 triệu đồng/tháng, năm 2018: 24,29 triệu đồng/tháng, năm 2022: hơn 30 triệu/người/tháng).
Quan hệ doanh nghiệp khởi sắc: doanh nghiệp hợp tác với trường trong mọi hoạt động. Trong đó, công ty Rockwell Automation, Mitsubishi, Bosch… đã tài trợ phòng thí nghiệm hàng chục tỷ đồng phục vụ đào tạo và nghiên cứu.
5. Những giải pháp cải cách đã triển khai
(1) Xây dựng triết lý giáo dục.
Xây dựng Triết lý giáo dục chính là bước đầu tiên và tiên quyết nhà trường cần phải thực hiện. Triết lý giáo dục sẽ đóng vai trò như kim chỉ nam cho toàn bộ các hoạt động, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường. Triết lý giáo dục của nhà trường được xây dựng dựa trên ba trụ cột: Nhân bản – Sáng tạo – Hội nhập. Tất cả hoạt động của nhà trường đều phải hướng đến ba mục tiêu này. Ngoài ra, nhà trường cũng đề ra khẩu hiệu hành động: “Trở thành Trường Đại học sáng tạo nhất”.
(2) Thiết kế lại chương trình đào tạo.
Nhà trường thiết kế lại 100% chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận CDIO, PBL, WBL. Nhờ những hướng tiếp cận mới này, chương trình đào tạo của nhà trường đã thu hẹp được khoảng cách giữa chuẩn đầu ra và yêu cầu thực tế của doanh nghiệp, đồng thời đã đáp ứng được các yêu cầu mới về kiến thức, kỹ năng và thái độ của nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. sinh viên của Nhà trường được trang bị hầu hết các phẩm chất của người kỹ sư trong thế kỷ XXI: từ kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng làm việc nhóm, làm việc với cộng đồng và ý thức nghề nghiệp, ý thức xã hội và hơn nữa là tư duy sáng tạo, khả năng tự học, tự nghiên cứu và khởi nghiệp. Đây chính là một trong những thành quả to lớn nhất của công cuộc cải cách.
Thành công của chương trình đào tạo có sự đóng góp không nhỏ của các bên liên quan (stakeholders) bao gồm: doanh nghiệp, cựu sinh viên, giảng viên, chuyên gia, tổ chức giáo dục, sinh viên. Trong số đó, Hội cựu sinh viên và Hội đồng tư vấn doanh nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng và hiệu chỉnh các chương trình đào tạo.
(3) Đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp.
Kỷ nguyên số là kỷ nguyên kết nối mọi người thông qua các thiết bị công nghệ mới và mạng xã hội. Hiểu rõ điều này, Nhà trường sử dụng các hình thức giao tiếp đa dạng để kết nối với các bên liên quan. Bên cạnh những kênh giao tiếp truyền thống như báo, đài, Nhà trường tích cực sử dụng những hình thức giao tiếp online hiện đại. Đặc biệt, Nhà trường đã thiết lập kênh truyền hình kỹ thuật số UTE -TV, kênh truyền hình đầu tiên do một trường đại học điều hành ở Việt Nam. Kênh truyền hình đã trở thành một phương tiện kết nối hữu hiệu giữa Nhà trường và các thí sinh, sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh và doanh nghiệp.
Công tác truyền thông và tư vấn tuyển sinh được tiến hành đa dạng và sáng tạo. Ví dụ, công tác tư vấn tuyển sinh được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: qua kênh UTE-TV, qua facebook, hay qua các buổi tư vấn trà sữa, nơi ban lãnh đạo Nhà trường trực tiếp giải đáp những thắc mắc về tuyển sinh của học sinh và phụ huynh trong không khí thân mật và cởi mở.
Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức các ngày hội mở (open day), kết nghĩa với các trường phổ thông trung học, xây dựng các câu lạc bộ STEM và sáng tạo kỹ thuật ở 100 trường trung học phổ thông để đưa các sân chơi khoa học kỹ thuật về cho học sinh trải nghiệm. Những hoạt động này nhằm tư vấn ngành nghề cho các em ngay từ khi còn ở bậc trung học để học sinh chủ động trước khi vào đại học, với tâm thế tốt hơn, chọn đúng nghề, yêu thích tạo nên động lực, tinh thần học tập tốt hơn ở bậc đại học. Nhờ những sáng kiến kể trên trong 5 năm qua, điểm chuẩn đầu vào của Nhà trường liên tục tăng dẫn đến chất lượng đầu vào tăng, yếu tố quyết định chất lượng đầu ra để bảo đảm tỷ lệ sinh viên có việc làm cao.
(4) Áp dụng triệt để công nghệ thông tin.
Tất cả các hoạt động của nhà trường đều được áp dụng công nghệ thông tin với các phần mềm quản lý ở các lĩnh vực: quản lý hành chính, quản lý đào tạo, quản lý nhân sự và KPI, quản lý sinh viên, tư vấn sinh viên, quản lý khoa học công nghệ, mạng xã hội. Các phần mềm này đã chứng tỏ được tính hiệu quả, như: phần mềm Dashboard giúp lãnh đạo các cấp ra quyết định chính xác dựa trên Big Data. Phần mềm KPI giúp bảo đảm công bằng trong công tác thi đua và trả lương. Nhà trường đã thành lập Trung tâm phát triển phần mềm để có thể đáp ứng được những nhu cầu đa dạng của mình.
(5) Đổi mới mạnh mẽ, triệt để phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá.
Để triển khai việc đổi mới phương pháp dạy và học, Nhà trường đã tổ chức tập huấn, chia sẻ định kỳ ở các cấp độ khác nhau, toàn trường, khoa, bộ môn. Hiện nay, đa số giảng viên của Nhà trường đang sử dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực phù hợp với nội dung giảng dạy, kiến thức được giảng dạy tích hợp với các kỹ năng công việc, như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng cộng tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề phức tạp… Giảng viên tổ chức cho sinh viên học tập theo dự án (project-based learning). Những phương pháp dạy và học mới này sẽ giúp người học quen với tư duy sáng tạo, hình thành kỹ năng làm việc nhóm và quen với môi trường làm việc tại doanh nghiệp và giải quyết vấn đề thực tế của xã hội…
Nhà trường còn sử dụng hệ thống LMS (Learning Management System) để triển khai hơn 1.000 khóa học với hình thức kết hợp (blended learning). Các khóa học này đã tạo cho người học phong cách chủ động, học tập mọi lúc, mọi nơi, tự lập kế hoạch học tập, phát huy khả năng học tập suốt đời và phù hợp với yêu cầu liên tục tự cập nhật, nâng cao trình độ và văn hóa làm việc của con người trong kỷ nguyên số.
Song song với việc đổi mới phương pháp dạy và học, trường còn đổi mới mạnh mẽ các phương pháp kiểm tra, đánh giá. Phương pháp kiểm tra, đánh giá mới đã giúp thiết lập được các kỹ năng cần thiết cho sinh viên nhất là kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, kỹ năng cộng tác, kỹ năng học liên tục, học cả đời để thích ứng với cách làm việc của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Những kỹ năng này đã giúp tăng cao tỷ lệ việc làm của sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù có những tác động tích cực, việc đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá cũng đã tạo ra áp lực và tải trọng quá lớn đối với giảng viên. Thực tế cho thấy với lớp học có 100 sinh viên, người dạy phải chấm 700 lượt bài tập lớn nhỏ, dự án, thuyết trình, tiểu luận…
Để khắc phục bất cập nêu trên, nhà trường cũng phát triển hệ thống trợ lý giảng dạy (TA – teaching assistant) từ học viên cao học và sinh viên. Mỗi giảng viên đều được tuyển trợ lý giảng dạy là sinh viên. Hệ thống TA không những giúp giảm tải cho giảng viên, đáp ứng việc thay đổi phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá mà còn giúp sinh viên có thêm thu nhập, được học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng mềm với vai trò là trợ lý giảng dạy, đồng thời giảm các nguy cơ tiềm ẩn khi các em phải kiếm việc làm thêm bên ngoài.
(6) Nâng cao năng lực tiếng Anh cho giảng viên, cán bộ và nhân viên.
Tiếng Anh còn giúp sinh viên dễ dàng liên thông lên các chương trình đào tạo quốc tế. Đối với Nhà trường, tiếng Anh sẽ giúp thu hút được sinh viên nước ngoài. Ý thức được những điều này, nhà trường đã nâng dần chuẩn đầu ra về tiếng Anh của sinh viên trong các năm qua từ TOEIC 450 lên TOEIC 550. Điểm TOEIC được gắn liền với điều kiện xét tốt nghiệp của sinh viên. Bên cạnh đó, Nhà trường đã xây dựng các chương trình tiếng Anh tăng cường để cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên.
Hiện nay, toàn bộ các bài giảng chuyên ngành đã được giảng dạy bằng slide tiếng Anh. Nhà trường khuyến khích giảng viên sử dụng giáo trình của các đại học Anh, Mỹ đi kèm với chính sách khuyến khích giảng viên giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Các chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh được tính thù lao với hệ số 1.5. Tính đến nay, Nhà trường đã mở 13 ngành đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh. Nhà trường đã “nhập khẩu” các học phần đại cương đại học của Mỹ và tích hợp vào chương trình đào tạo. Nhà trường còn thường xuyên cử cán bộ viên chức và giảng viên ra nước ngoài học tập để nâng cao trình độ chuyên môn và tiếng Anh.
(7) Hợp tác toàn diện với doanh nghiệp.
Nhà trường luôn coi trọng và đẩy mạnh việc hợp tác với doanh nghiệp. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo của mình. Các hoạt động hợp tác giữa Nhà trường với doanh nghiệp rất đa dạng về cả hình thức và nội dung. Một số hoạt động nổi bật bao gồm:
Triển khai Work Based Learning: Nhà trường tổ chức cho sinh viên học các học phần tại các doanh nghiệp và công nhận tích lũy tín chỉ, hoặc gởi sinh viên đến doanh nghiệp học tập hoặc mời chuyên gia đến trường để giảng dạy, chuyển giao các công nghệ mới, dạy kỹ năng mềm.
Đưa môi trường công nghiệp vào các xưởng: Nhà trường áp dụng các quy tắc 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) vào các xưởng thực tập và các phòng ban. Điều này sẽ giúp sinh viên hình thành tác phong và kỷ luật công nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tạo cho sinh viên thói quen tiết kiệm chi phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng sản phẩm.
Phối hợp với doanh nghiệp thành lập các trung tâm đào tạo trong trường, theo đó, nhiều công ty lớn đã tài trợ cho Nhà trường xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, các phòng thí nghiệm, tặng thiết bị, máy móc thực hành với giá trị nhiều triệu đô la. Các dự án tài trợ cho Nhà trường có thể kể đến, như: Toyota TTEP, Mercedes Benz, General Electric, Rockwell Automation, Siemens, Bosch, Omron, National Instruments, Textronix… Các dự án tài trợ này được xây dựng theo nguyên tắc 2 bên cùng có lợi (win-win).
Về phía nhà tài trợ, do được miễn thuế thiết bị đào tạo, công ty có thể sử dụng miễn phí để huấn luyện cho nhân viên và đại lý. Về phía Nhà trường, sinh viên của Trường được thực hành trên các hệ thống thiết bị công nghiệp mới nhất, nhờ đó sinh viên có đủ kiến thức và kỹ năng thực hành để có thể tự tin khi ra làm ở các công ty.
Vận động sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp, cựu sinh viên: doanh nghiệp, cựu sinh viên đã hỗ trợ học bổng cho nhiều thế hệ sinh viên của Nhà trường. Doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo thường niên để chia sẻ kỹ năng mềm, kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng xin việc, kỹ năng viết CV… cho sinh viên. Mỗi năm nhà trường nhận hơn 5 tỷ đồng tài trợ quỹ học bổng và hơn 2 tỷ đồng kinh phí tài trợ các hoạt động cho sinh viên tiếp cận doanh nghiệp.
Mỗi năm học, có từ 5.000 – 10.000 sinh viên được tham gia các hoạt động tiếp cận doanh nghiệp, khoảng 5.000 em được tham quan doanh nghiệp và hơn 50 khóa tập huấn kỹ năng mềm cho khoảng 5.000 sinh viên. Mỗi năm Nhà trường tổ chức 4 tuần lễ vàng tuyển dụng và 2 ngày hội việc làm. Mỗi tuần lễ vàng hay ngày hội đã thu hút được sự tham gia của hơn 200 doanh nghiệp. Ở mỗi đợt, các doanh nghiệp đã tuyển dụng hơn 1.000 vị trí. Thông qua các tuần lễ vàng hay ngày hội này, sinh viên còn có cơ hội tiếp cận và trải nghiệm với các loại hình doanh nghiệp đa dạng.
Hội đồng tư vấn doanh nghiệp được thành lập để tư vấn cho Nhà trường trong nhiều hoạt động, như: thiết kế, đánh giá và góp ý hiệu chỉnh chương trình đào tạo; phối hợp tổ chức đào tạo tại doanh nghiệp; cung cấp nơi thực tập cho giảng viên và sinh viên; định hướng mở ngành mới; phối hợp tổ chức các buổi giới thiệu công nghệ mới và thực hiện các Capstone projects…
Ngoài ra, Nhà trường còn thực hiện một số nội dung, biện pháp khác, như: cải cách chính sách nhân sự; khuyến khích nghiên cứu khoa học và tạo sân chơi học thuật cho sinh viên; chú trọng công tác phục vụ và chăm sóc sinh viên; xây dựng hệ thống bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng; thực hiện thí điểm tự chủ, tận dụng mọi nguồn lực cho cải cách, đầu tư đồng bộ vào cơ sở hạ tầng.
6. Kết luận
Thông qua tự chủ đại học, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được những thành quả đáng khích lệ và rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc. Tất cả các hoạt động đổi mới của trường đều phải dựa vào triết lý giáo dục: nhân bản, sáng tạo, hội nhập và khẩu hiệu hành động: trở thành trường đại học sáng tạo nhất.
Trong quá trình cải cách, tốc độ đổi mới cần điều chỉnh theo sự chuyển biến tư duy và tiến độ thực hiện. Khó khăn lớn nhất cho công cuộc đổi mới giáo dục đại học phát sinh từ nhiều nguồn, trong đó nguyên nhân hàng đầu từ tư duy của con người: chậm thích ứng và ngại đổi thay. Do vậy, việc cần làm là thay đổi tư duy, văn hóa làm việc của tất cả thành viên của Nhà trường, một công việc không dễ dàng nhưng không phải là không thực hiện được.
Công cuộc tự chủ, đổi mới giáo dục đại học là một quá trình liên tục, không phải một đích đến nhất thời. Thành công của cải cách đòi hỏi thời gian, sự kiên trì, quyết tâm và quan trọng nhất là sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và các bên liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2013). Nghị quyết số 77/2013/NQ-CP ngày 17/7/2013 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017.
2. Chính phủ (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 15/8/2021 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Chính phủ (2021). Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
4. Quốc hội (2018). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, năm 2018.
5. Thủ tướng Chính phủ (2017). Quyết định số 937/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.