Phạm Ngọc Hòa
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đồng Tháp
ThS. Tô Thanh Tùng
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang
(Quanlynhanuoc.vn) – Marketing địa phương là một trong những chính sách không thể thiếu trong quá trình quản lý và điều hành địa phương. Trong khi đó, nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trên cơ sở sử dụng các số liệu thứ cấp và phỏng vấn đối tượng nguồn nhân lực được thu hút là dân nhập cư để đánh giá về chính sách thu hút nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua. Đồng thời, dựa trên quan điểm của lý thuyết marketing địa phương, bài viết phân tích thực trạng và khả năng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Đồng Tháp, qua đó đưa ra những giải pháp để tỉnh Đồng Tháp thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ khóa: Chính quyền địa phương; marketing địa phương; nguồn nhân lực chất lượng cao; tỉnh Đồng Tháp.
Đồng Tháp là tỉnh nông nghiệp, dân số trên 1,6 triệu người, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2022 đạt 14,44%, trong đó lao động đã qua đào tạo khu vực thành thị là 28,05%, khu vực nông thôn là 11,08%1. Với mức bình quân dân số và lao động tăng trưởng ổn định, thêm vào đó, dân số tại Đồng Tháp đang trong thời kỳ dân số vàng nên sẽ là cơ hội để tỉnh Đồng Tháp thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngay từ năm 2011, tỉnh Đồng Tháp đã ban hành các cơ chế, chính sách nhằm xây dựng đội ngũ nhân lực có chất lượng và trình độ cao cũng như thu hút lao động chất lượng cao từ các địa phương khác về Đồng Tháp sinh sống và làm việc.
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa thật sự ổn định, tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn, kỹ thuật còn thấp nên chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh Đồng Tháp không cao. Từ đó, địa phương ít nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư và do vậy, cũng khó thu hút được nguồn nhân lực chất lượng sinh sống và công tác tại địa phương. Bên cạnh đó, do thiếu các cơ chế, chính sách trong thu thút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực chủ yếu nên đến nay, tỉnh vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật có chuyên môn giỏi… Vì những lý do trên, việc vận dụng lý thuyết về marketing địa phương để phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh Đồng Tháp trở nên quan trọng và cấp thiết hơn bao giờ hết.
2. Cơ sở lý luận về marketing địa phương và nguồn nhân lực chất lượng cao
Thứ nhất, khái niệm marketing địa phương.
Qua các giai đoạn phát triển, định nghĩa về marketing địa phương rất đa dạng, tuy nhiên, theo Kotler và cộng sự (2002): marketing địa phương là một thuật ngữ chỉ tập hợp các chương trình hành động hỗ trợ được địa phương thực hiện nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của địa phương và phát triển kinh tế2. Cùng với quan niệm trên, Huỳnh Quốc Tuấn (2024) cho rằng, marketing địa phương là tập hợp các chương trình hoạt động được địa phương thực hiện nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và phát triển kinh tế3.
Từ các quan niệm trên có thể hiểu, marketing địa phương là tổng thể các chương trình, kế hoạch hoạt động được địa phương thực hiện nhằm thu hút nhà đầu tư; thu hút khách du lịch; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thị trường cho sản phẩm của địa phương, hướng đến sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Thứ hai, khái niệm marketing trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là một bộ phận của nguồn nhân lực, kết tinh những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất của nguồn nhân lực. Đây là bộ phận lao động có phẩm chất, thái độ đúng, có sức khỏe, có trình độ học vấn và chuyên môn kỹ thuật cao hoặc có kỹ năng lao động giỏi, có năng lực sáng tạo, biết vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản xuất nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao. Nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng đồng thời các tiêu chí về chất lượng cao và trình độ cao – đó là nguồn lực con người được đào tạo và sử dụng có chất lượng và hiệu quả cao với tổng hợp các yếu tố bao gồm: trí lực, kỹ năng, phẩm chất, tâm lực và thể lực4.
Tuy nhiên, với mỗi tiêu chuẩn, nguồn nhân lực chất lượng cao lại thay đổi tùy từng loại hình công việc, ngành, nghề, lĩnh vực mà nhân lực đang hoạt động chứ không có một tiêu chuẩn chung cho tất cả nguồn nhân lực. Điều này cũng thay đổi theo thời gian chứ không phải là một giá trị bất biến. Thậm chí, nguồn nhân lực chất lượng cao còn có thể đánh giá dựa trên những tiêu chí, yêu cầu theo đặc điểm cụ thể của mỗi địa phương trong chiến lược marketing địa phương.
Từ những quan niệm trên có thể hiểu, marketing địa phương trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao là tổng thể các chương trình, kế hoạch hoạt động mà địa phương thực hiện nhằm thu hút nguồn lực chất lượng cao đáp ứng đồng thời các tiêu chí về chất lượng cao và trình độ cao với tổng hợp các yếu tố bao gồm trí lực, kỹ năng, phẩm chất và thể lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
3. Thực trạng hoạt động marketing địa phương để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp
Một là, tình hình nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đồng Tháp.
Những năm qua, nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nếu như năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 3 tiến sỹ, 38 thạc sỹ thì đến năm 2022, số lượng tiến sỹ và thạc sỹ có sự gia tăng với khoảng 107 tiến sỹ và 1.263 thạc sỹ5. Riêng năm 2023, có sự gia tăng đột biết về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao, theo đó, có 174 tiến sỹ và 2.158 thạc sỹ6.
Những năm gần đây, để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào giáo dục đại học, dạy nghề. Công tác đào tạo nghề được thực hiện đa dạng, với nhiều hình thức, nội dung chương trình dạy nghề được đổi mới, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị trong giảng dạy, gắn kết với nhu cầu doanh nghiệp. Từ đó, chất lượng đào tạo nghề được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động (Bảng 2).
Tiềm năng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh hiện khá lớn, bởi tỷ lệ dân số đang đi học cao đẳng, đại học của tỉnh gần 3% trên tổng dân số. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; 4 cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Cùng với đó, tỉnh có Trường Đại học Đồng Tháp với 23 chương đào tạo đạt kiểm định chất lượng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Cao đẳng Y tế Đồng Tháp thực hiện đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuẩn hóa nghiệp vụ sư phạm giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn cấp độ ASEAN và Quốc gia. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75,4%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 54,2%, tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm đạt từ 86% trở lên7. Điều này báo hiệu sự tăng trưởng nhân lực chất lượng cao bền vững trong tương lai và cho thấy công tác phát triển nhân lực chất lượng cao của Đồng Tháp thông qua đào tạo đang diễn ra đúng hướng.
Hai là, các chính sách marketing nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp.
Những năm qua, để phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực có chất lượng luôn được mở rộng và điều chỉnh dựa trên hiện trạng phát triển nhân lực chất lượng cao tại Đồng Tháp. Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kể cả trong nước và nước ngoài cụ thể: Nghị quyết số 116/2013/NQ-HĐND ngày 05/7/2013 quy định hỗ trợ học phí đào tạo cho viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế; Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 quy định mức chi đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Quyết định số 927/QĐ-UBND ngày 05/8/2016 quy chế tuyển chọn đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 – 2020; Quyết định số 984/QĐ-UBND ngày 22/8/2018 Quy chế đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn ở trong nước đối với nhân lực ngành y tế tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 về quy chế xét cử đào tạo sau đại học ở trong nước đối với viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo và cán bộ, công chức tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 về quy chế đào tạo sau đại học ở nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Các chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh được phân làm 3 nhóm: thu hút lao động chất lượng cao trở thành viên chức tại tỉnh; giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao; khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác đào tạo.
Chính sách nhóm 1: dùng để thu hút lao động chất lượng cao trở thành viên chức. Ở nhóm này, tùy theo nhân lực có trình độ chuyên môn, học vị, học hàm, khi tuyển dụng vào ngạch viên chức thì được hưởng các chế độ hỗ trợ tài chính định kỳ một lần nhằm thu hút người có học hàm, học vị làm việc trong một thời gian nhất định cho một công việc cụ thể. Hình thức này chủ yếu được thực hiện tại Trường Đại học Đồng Tháp, theo đó, những người có học vị tiến sỹ được nhà trường chi trả chính sách ưu đãi 250 triệu đồng/người; được nhà trường xem xét và bố trí nhà ở công vụ miễn phí, đối với viên chức tuyển dụng mới có học vị tiến sỹ và học hàm phó giáo sư, giáo sư là 300 triệu đồng/người; viên chức được cử đi đào tạo và đã hoàn thành chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ được nhà trường hỗ trợ 25 triệu đồng/người.
Chính sách nhóm 2: giữ chân nguồn nhân lực hiện là cán bộ, công chức, viên chức tại Đồng Tháp được thực hiện theo Nghị quyết số 116/2013/NQ-HĐND ngày 05/7/2013 của HĐND tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy định hỗ trợ học phí đào tạo cho viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế; Nghị quyết số 43/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND về ban hành quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đồng tháp; Quyết định số 1653/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành quy chế xét cử đào tạo… Để giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đang công tác tại các sở, ban, ngành, tỉnhĐồng Tháp đã ban hành chính sách hỗ trợ tài chính hằng tháng. Mức hỗ trợ được tính trên lương tối thiểu, căn cứ theo trình độ, lĩnh vực công tác và đơn vị công tác.
Ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế được đánh giá là giữ vai trò quan trọng trong công tác phát triển nhân lực, do vậy, được tỉnh áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính riêng. Ở nhóm này, địa bàn công tác và khoảng cách đi lại cũng được quan tâm hỗ trợ. Để giữ chân lao động chất lượng cao, đồng thời nâng cao năng lực công tác đối với cán bộ công chức, viên chức, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ nâng cao trình độ. Tùy theo tính cấp thiết của việc học, đối tượng đi học, nội dung khóa học, tỉnh đã quy định các mức hỗ trợ tài chính, như: hỗ trợ đi học, hỗ trợ học phí, hỗ trợ tàu xe và hỗ trợ các chi phí khác.
Đối với nguồn nhân lực được đào tạo ở nước ngoài sẽ được tỉnh Đồng Tháp bố trí nhân lực linh hoạt, theo đó nhân lực sau khi được đào tạo tại nước ngoài về làm việc tại địa phương sẽ được bố trí công việc đúng với chuyên ngành đào tạo, sở thích của họ. Cụ thể ngoài việc bố trí nhân lực vào các sở, ngành thì tỉnh Đồng Tháp còn linh động bố trí nhân lực vào làm việc tại các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm phát huy hết khả năng, thế mạnh của từng người. Cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng được tạo điều kiện liên kết, làm thêm với doanh nghiệp bên ngoài.
Chính sách nhóm 3: khuyến khích nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia công tác đào tạo theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 của HĐND tỉnh Đồng Tháp về quy định chế độ hỗ trợ đào tạo sau đại học ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp; Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND ngày 29/5/2023 của UBND tỉnh Đồng Tháp về ban hành quy chế đào tạo sau đại học ở nước ngoài đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh đồng tháp… Để thu hút nhân lực chất lượng cao, từ năm 2011, Đồng Tháp đã ban hành chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Các chính sách được áp dụng, như: cá nhân được tuyển dụng sẽ được bố trí làm việc đúng chuyên môn, được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ; được tạo điều kiện thuận lợi về môi trường làm việc và điều kiện sinh hoạt để phát huy khả năng bản thân; được xem xét bổ nhiệm vào các chức vụ nếu có năng lực và có triển vọng phục vụ lâu dài; được hưởng trợ cấp tài chính. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, để hỗ trợ nhân lực chất lượng cao yên tâm đóng góp công sức, tỉnh phát triển hình thức nhà công vụ, bán trả góp nền nhà, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức yên tâm công tác.
4. Đánh giá hoạt động marketing địa phương trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại Đồng Tháp
Thực tiễn cho thấy, tỉnh Đồng Tháp đang có những chính sách thể hiện sự quan tâm, chú trọngthu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, có ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn tỉnh, tác động rõ nét, cụ thể nhất là chất lượng, tay nghề đội ngũ y, bác sỹ được nâng cao kéo theo các dịch vụ về y tế được người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận tin tưởng, sử dụng, nguồn thu tại các đơn vị sự nghiệp công lập được cải thiện, góp phần giữ chân được đội ngũ bác sỹ có trình độ chuyên môn cao phục vụ công tác lâu dài, ổn định tại địa phương. Đặc biệt, tạo cơ hội việc làm cho một nhóm đối tượng của xã hội; nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục được nâng cao góp phần xây dựng an sinh xã hội cho người dân của địa phương.
Ngoài ra, chính sách thu hút nguồn nhân lực đã tạo điều kiện cho nhân lực có nhu cầu công tác, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp có thể gắn bó, gần gũi với người thân, gia đình tại địa phương; những chính sách kinh tế – xã hội khác của Đồng Tháp như chính sách thu hút đầu tư cũng tạo động lực mạnh trong việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nơi khác đến tỉnh Đồng Tháp.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, vẫn còn những tồn tại trong việc marketing địa phương về các chính sách thu hút, trọng dụng nhân lực ưu tú cũng như tạo điều kiện mở cho đội ngũ này cống hiến cho tỉnh.
Thứ nhất, phương thức marketing trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa thật phong phú; các chế độ ưu đãi trong các chính sách được điều chỉnh liên tục nên tính ổn định của các chính sách thấp; nhiều cơ quan, đơn vị tiến hành thu hút dựa trên định hướng chung mà chưa xuất phát từ tính cấp thiết về nhân lực trong từng giai đoạn, dẫn đến không có chính sách sử dụng người được tuyển dụng phù hợp.
Thứ hai, chế độ lương và đãi ngộ dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao còn thấp so trí tuệ và công sức đóng góp của nguồn nhân lực vào sự phát triển kinh tế – xã hội. Đây là một trong những rào cản có ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Với những yêu cầu về trình độ đầu vào khác nhau, nhưng chế độ lương, thưởng, đãi ngộ nhìn chung không có sự chênh lệch nên rất khó thu hút nhân lực có trình độ cao.
Thứ ba, các hoạt động truyền thông tạo lập mối quan hệ với thị trường lao động của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hiệu quả tích cực trong hoạt động truyền thông. Mặt khác, công tác xây dựng hình ảnh địa phương, về những tiềm năng, lợi thế của tỉnh ít được quan tâm. Do đó, việc tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao còn kém hiệu quả.
Nguyên nhân của những hạn chế trên là do chính quyền địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, mức chi hỗ trợ chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được cấp có thẩm quyền quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, nhiều trí thức trẻ, nhất là sinh viên giỏi mới tốt nghiệp, phần lớn tìm việc ở các thành phố lớn do có điều kiện hơn. Việc tinh giản biên chế theo lộ trình đã tạo áp lực, tâm lý e ngại cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xác định nhu cầu thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến công tác, làm việc tại đơn vị.
5. Giải pháp tăng cường hoạt động marketing địa phương để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao tại tỉnh Đồng Tháp
(1) Nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò của marketing địa phương.
Tiếp tục nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương trong thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan, đơn vị thuộc khu vực công. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền phải thông qua các phương thức khác nhau để toàn xã hội nhận thức rõ việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công không chỉ là trách nhiệm của các sở, ban ngành tỉnh, mà đó còn là trách nhiệm của toàn xã hội; chú trọng công tác tuyên truyền, thông tin rộng rãi về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để mỗi cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và bản thân mỗi cán bộ, công chức hiểu rõ hơn về sự cần thiết cũng như trách nhiệm của mình đối với việc thực hiện chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao.
(2) Đổi mới phương thức và quy trình marketing địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp cần quam tâm tới những nhu cầu của nhân lực chất lượng cao khi sống và làm việc tại địa phương, tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu của nhân lực chất lượng cao. Cho nên, phương thức marketing hiệu quả nhất là thông qua người đang sống và làm việc tại địa phương, vì vậy, tỉnh Đồng Tháp cần phải quan tâm đến tạo dựng sự hài lòng của cư dân và người lao động. Địa phương có thể xây dựng các chiến lược, chính sách thu hút nguồn nhân lực dựa trên bài học kinh nghiệm thành công của các địa phương khác trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
(3) Đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh địa phương.
Chú trọng marketing địa phương thông qua việc xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Đồng thời, tỉnh cần tăng cường quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên các phương tiện truyền thông để cư dân có thể quay về làm việc và sinh sống tại địa phương. Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, định hướng dư luận, tập trung tuyên truyền các sự kiện nổi bật, đẩy mạnh xây dựng quảng bá hình ảnh, thương hiệu Đồng Tháp, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ “Made in Dong Thap”. Mặt khác, tỉnh cần xây dựng và quảng bá chính sách thu hút nguồn lực một cách rộng rãi, từ đó mở rộng không gian tiếp cận với nguồn lực có chất lượng cao dạng tiềm năng, từ đó gia tăng hiệu quả trong chính sách thu hút nguồn nhân lực. Từng bước hình thành, phát triển một đội ngũ marketing chuyên biệt, chịu trách nhiệm hoạch định, xây dựng, triển khai và đánh giá hiệu quả chính sách thu nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.
(4) Bảo đảm sự ổn định, lâu dài trong chính sách thu hút nguồn nhân lực.
Để chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao của Đồng Tháp gia tăng hiệu quả, việc xây dựng, ban hành và thực thi các chính sách cần bảo đảm tính ổn định, lâu dài. Đây là cũng là vấn đề rất được quan tâm khi đánh giá năng lực cạnh tranh bền vững của các địa phương. Việc tuyển dụng nhân lực tại từng đơn vị nên được phân theo từng giai đoạn, tùy theo nhu cầu thực tế ở địa phương, để tránh tình trạng tuyển dụng nhưng không sử dụng phù hợp, lãng phí nguồn nhân lực và các nguồn lực khác của địa phương. Phát huy trí tuệ của nguồn nhân lực để nâng cao sức hấp dẫn của địa phương, tăng động lực cống hiến của nhân lực chất lượng cao là người ngoại tỉnh. Đồng thời, xác định các tiêu chí tuyển dụng, đến sử dụng và giữ chân người tài. Có chính sách thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ đến công tác, làm việc tại tỉnh Đồng Tháp. Tạo điều kiện cho nhân lực được thu hút an tâm làm việc gắn bó ổn định lâu dài tại địa phương.
(5) Có chính sách ưu đãi về chế độ tiền lương và đãi ngộ khác dành cho nguồn nhân lực.
Cần xây dựng chính sách tiền lượng đặc thù với một chế độ ưu đãi đặc biệt dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao khi về công tác tại tỉnh Đồng Tháp. Bởi khi có chính sách tiền lương vượt bậc sẽ thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao ở những ngành, lĩnh vực mà tỉnh đang thu hút. Khi chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao sẽ tác động tích cực đến hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế trên địa bàn tỉnh, tác động rõ nét, cụ thể nhất là chất lượng, tay nghề đội ngũ y, bác sĩ được nâng cao kéo theo các dịch vụ về y tế được người dân trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận tin tưởng, sử dụng, nguồn thu tại các đơn vị sự nghiệp công lập được cải thiện, góp phần giữ chân được đội ngũ bác sĩ có trình độ chuyên môn cao phục vụ công tác lâu dài, ổn định tại địa phương. Việc thực hiện tốt chính sách về thu hút và các chế độ đãi ngộ đối với người có tài năng thì mức hỗ trợ phải tương xứng với trình độ, năng lực, vị trí, nhiệm vụ của người được thu hút; chính sách phải đủ mạnh để trở thành công cụ, động lực thúc đẩy tăng năng suất lao động và hiệu suất công tác.
(6) Tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực.
Cần xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh theo hướng tự chủ, đa ngành, chất lượng cao, từng bước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chú trọng hơn nữa đào tạo các ngành, nghề mới, tiềm năng, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu sâu về các lĩnh vực kỹ thuật số, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm, số hóa, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học và sự tích hợp giữa các ngành, nghề này. Tập trung nguồn lực xây dựng mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực chủ lực.
6. Kết luận
Như vậy, các chính sách trực tiếp mà tỉnh Đồng Tháp đưa ra liên quan đến thu hút và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay vẫn xoay quanh khu vực nhà nước. Phương pháp thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng chỉ xoay quanh vấn đề thu nhập, nhà ở, đào tạo, hỗ trợ kinh phí đi lại, hỗ trợ kinh phí học tập. Để thu hút nhân lực chất lượng cao thì dường như các chính sách chuyên biệt mà Đồng Tháp đưa ra là quá ít. Tuy nhiên, về tổng thể, do các yếu tố thu hút đầu tư và thu hút nhân lực có sự giao thoa và Đồng Tháp lại rất thành công trong thu hút đầu tư, nên công tác thu hút nhân lực thời gian qua vẫn gặp nhiều thuận lợi.
Trong thời gian tới, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh cần hoàn thiện hoạt động marketing địa phương, theo đó, cần nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của marketing địa phương; đổi mới phương thức và quy trình marketing địa phương; đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh địa phương; bảo đảm sự ổn định, lâu dài trong chính sách thu hút nguồn nhân lực; có chính sách ưu đãi về chế độ tiền lương và đãi ngộ khác dành cho nguồn nhân lực; tăng năng lực cạnh tranh trong thu hút nguồn nhân lực… Chỉ có thực hiện đồng bộ các giải pháp trên thì mới thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về tỉnh Đồng Tháp làm việc và gắn bó lâu dài.
Chú thích:
1. Tổng cục Thống kê (2023). Niên giám thống kê tỉnh Đồng Tháp năm 2022. H. NXB Thống kê, tr. 39.
2. Kotler, P., Hamlin, M. A., Rein, I. and Haider, D. H. (2002). Marketing Asian Places. Singapore: JohnWiley & Sons.
3. Huỳnh Quốc Tuấn (2024). Bài giảng cao học Marketing địa phương. Lưu hành nội bộ, Đồng Tháp, tr. 30.
4. Phạm Ngọc Hòa (2016). Quan niệm và các tiêu chí đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam. Tạp chí Sinh hoạt lý luận, số 7 (140), tr. 37.
5. Tỉnh ủy Đồng Tháp (2022). Báo cáo số 306-BC/TU ngày 06/10/2022 tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tr. 4.
6. Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp (2024). Báo cáo số 112/BC-SNV ngày 12/01/2024 về kết quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2023, tr. 2.
7. Dũng Chinh (2024). Từng bước hoàn thiện thể chế về phát triển, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. https://baodongthap.vn/xa-hoi/tung-buoc-hoan-thien-the-che-ve-phat-trien-su-dung-hieu-qua-nguon-nhan-luc-123038.aspx
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Văn Hiến, Ao Thu Hoài (2019). Tác động của các yếu tố Marketing địa phương đến thu hút đầu tư tại tỉnh Đắc Nông. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính, số 54.
2. Lê Thị Kim Huệ (2016). Những đòi hỏi cấp thiết của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đối với nguồn nhân lực ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học chính trị, số 4 -2016.
3. Lê Thị Sự (2016). Vai trò của nguồn nhân lục chất lượng cao trong kinh tế tri thức hiện nay. Tạp chí Triết học, số 6, 82 – 87.
4. Quyết số 39/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.