TS. Vũ Ngọc Thanh,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Ngô Anh Dũng và Đàm Trọng Nghĩa,
Công ty Cổ phần Vận tải xăng dầu đường thủy, Petrolimex
(Quanlynhanuoc.vn) – Thời gian qua, lợi dụng việc các cơ quan tư pháp, tòa án đưa ra xét xử các đại trọng án, các thế lực thù địch, phản động đã không ngừng đẩy mạnh chống phá Đảng, Nhà nước ta và giới doanh nhân Việt Nam, mà thâm sâu là mục đích phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại công cuộc đổi mới, phá hoại cuộc sống tốt đẹp của Nhân dân ta bằng những luận điệu xuyên tạc, vu khống trên các phương tiện truyền thông điện tử. Để đập tan các luận điệu chống phá và các âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, bài viết làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nhân bị xét xử vừa qua; khái quát các luận điệu và thủ đoạn phá hoại; việc xét xử và chính sách khoan hồng; sự coi trọng thực chất của Đảng và Nhà nước với giới doanh nhân nước nhà.
Từ khóa: Doanh nhân, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, xử lý doanh nhân, bảo vệ doanh nhân, luận điệu phản động.
1. Những luận điệu sai trái, phản động, thù địch đang lan rộng trên không gian mạng về việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật của những người hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật và đạo đức
Từ khi đại trọng án Việt Á “trình làng” đến nay đã có thêm không ít các đại án, đại trọng án, không chỉ nghiêm trọng mà là đặc biệt nghiêm trọng được công bố rộng rãi đến công chúng, trong đó những người đã từng được gọi là “đại gia” bị khởi tố, bị bắt giam và bị tuyên các mức án rất cao, thậm chí bị tuyên án cao nhất là tử hình như trường hợp của bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ trọng án Vạn Thịnh Phát; gắn với các đại trọng án khác thời gian gần đây đều là cá nhân với tên tuổi nổi sóng một thời, như: Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Trần Quý Thanh – Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát; Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC và mới đây nhất là các cá nhân vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hai đại trọng án là Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An; Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và một số vụ đại trọng án khác.
Như thường thấy khi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta lên cao thì cũng là lúc các thế lực thù địch, phản động lại tăng cường phá hoại bằng việc tiến hành các hoạt động chống phá1. Và thời gian này cũng vậy, lợi dụng việc đưa ra xét xử các đại trọng án kể trên, các thế lực thù địch, phản động như tổ chức khủng bố Việt Tân, Hội Anh em dân chủ phản động và một số hãng truyền thông ở nước ngoài đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động chống phá, thể hiện sự thù địch bằng những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu khống, đánh tráo sự thật để lừa gạt cộng đồng nhằm phá hoại mối quan hệ tốt đẹp giữa Đảng và Nhà nước với giới doanh nhân mà thâm sâu là mục đích phá hoại khối đại đoàn kết, phá hoại công cuộc đổi mới, phá hoại cuộc sống tốt đẹp của toàn dân.
Có thể thấy rõ trên một số trang báo điện tử và mạng xã hội, các tổ chức và những cá nhân chống phá đã thực hiện đánh tráo sự thật và bản chất các vụ đại trọng án sang chiều hướng xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước với đội ngũ doanh nhân. Các thế lực thù địch và cơ hội chính trị xuyên tạc bằng các luận điệu sai trái, phản động về việc khởi tố và bắt các bị can nói trên là nhắm vào giới doanh nhân, giới siêu giàu ở Việt Nam. Chúng bịa đặt, vu khống việc Nhà nước khởi tố các vụ đại trọng án và bắt giam những người hoạt động kinh doanh, bất chấp đạo đức, cố ý thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng kể trên là do “đấu đá quyền lực trong Đảng”, từ đó quy kết một cách bịa đặt trắng trợn về “những đại gia, tài phiệt hoặc người giàu có tài sản đều là những người nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản”.
Nguy hiểm hơn, chúng còn trơ trẽn bịa đặt ra chuyện Nhà nước ta bị khánh kiệt tài sản, ngân khố sau đại dịch Covid-19 nên phải đưa giới nhà giàu “lên thớt”, đánh vào giới doanh nhân và các doanh nghiệp tư nhân lớn để cướp tài sản,… Mục đích thâm sâu của hành động bịa đặt, vu khống này không gì khác là để thu hút đông đảo cộng đồng những người không thể kiểm chứng, không có đủ khả năng kiểm chứng thông tin vào bình luận chỉ trích Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nghiêm minh và quyết liệt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch bộ máy; phòng, chống tham nhũng, quyết tâm diệt “giặc nội xâm”. Với sự phá hoại vô cùng nguy hiểm này, từ việc cố tình đánh tráo sự thật và bản chất của các vụ đại trọng án, rồi dùng thủ đoạn xảo quyệt điều hướng sang chính trị để từ đó có cớ kích động chống phá và kêu gọi sự can thiệp từ bên ngoài.
Những kẻ thù địch, chống phá đã thực hiện các hành vi bằng phương thức: ngay sau khi bản án giai đoạn 1 được tòa án xét xử sơ thẩm tuyên án, các thế lực thù địch không ngừng tạo và tung ảnh, clip tự chế để xuyên tạc và bóp méo sự thật với nội dung kích động là chính quyền tuyên án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan thì những người bị hại trong vụ án không được đền bù thiệt hại, nhất là những người đã mua trái phiếu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Những thông tin bịa đặt, xuyên tạc đầy ác ý này được đăng nhiều trong những hội, nhóm trên mạng xã hội, như: Facebook, TikTok, Youtube… làm cho rất nhiều bị hại trong vụ án này vô cùng bất an2.
Mặt khác, lợi dụng sự chú ý rất cao của dư luận xã hội về các vụ đại trọng án, một số trang mạng xã hội cùng các tờ báo phản động hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam đã tận dụng cơ hội tung ra nhiều thông tin sai sự thật và xuyên tạc. Khi bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm bị các cơ quan tố tụng khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam thì chúng vu khống rằng “chính quyền đang đánh tư sản, chính quyền nuôi tư sản lớn để làm thịt” và các luận điệu khác. Đến khi cáo trạng, bản án được đưa ra thì chúng xoay chiều và rêu rao “luật pháp Việt Nam dung túng cho tài phiệt nhưng xử nặng dân đen”, rồi còn nguỵ tạo ra nhiều “thuyết âm mưu” vô cùng thâm độc là thổi bùng dư luận của cộng đồng, định hướng dư luận xã hội vào việc công kích công tác phòng, chống tham nhũng đang dịp cao trào trong công cuộc chỉnh đốn và làm trong sạch bộ máy của Việt Nam3.
Thêm vào đó, chúng còn tung ra những luận điệu xuyên tạc khác về vụ án, âm mưu, bịa đặt gieo rắc sự hoang mang, sự hoài nghi và lo lắng cho người dân nói chung và người bị hại nói riêng, ví như đài VOA Tiếng Việt giật tít xuyên tạc rồi tung lên các mạng xã hội luận điệu vu khống ấy để phá hoại chính quyền và chống phá chế độ ta. Không chỉ vậy, các thế lực thù địch đã tạo dựng ra tin đồn hiểm độc đầy ác ý, gây ra sự nghi ngờ trong xã hội, làm cho các nhà đầu tư nản lòng, giảm sút niềm tin vào doanh nghiệp; gây hoang mang dư luận, tạo bất ổn trong xã hội, khiến người dân suy giảm lòng tin vào kinh tế đất nước.
Một luận điệu thường thấy là, các thế lực thù địch lợi dụng nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật của quần chúng nhân dân để ra sức tung tin theo kiểu cứ ai được hưởng án treo hay không bị xử lý hình sự trong các vụ án thì là “đặc vụ ngầm”. Chúng sẵn sàng vu khống người khác nhằm mục đích hạ thấp vai trò của các cơ quan điều tra, tố tụng trong các vụ án4.
2. Thực tế việc xử lý cá nhân hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh và chính sách khoan hồng của Nhà nước
Thực hiện sự lãnh đạo sát sao của Đảng và sự vào cuộc mạnh mẽ, không ngừng nghỉ của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước, công tác điều tra đã và đang hết sức tập trung, nhờ vậy, đã làm rõ nhiều vụ việc về hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt, lợi dụng tín nhiệm, rồi thao túng…. Qua quá trình điều tra, bên cạnh việc xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật thì cơ quan tố thực thi pháp luật còn chỉ rõ các phương thức và thủ đoạn thực hiện các hành vi phạm tội trong bối cảnh hiện nay; các kẽ hở và lỗ hổng về phương diện luật pháp bị lợi dụng… để rồi từ đó cảnh tỉnh và răn đe, khắc phục và hoàn thiện, không để lặp lại các vi phạm đã xảy ra.
Thực tế, trong quá trình tố tụng, xét xử, các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ một cách khách quan, tuân thủ pháp luật; trong tố tụng phải thu thập đầy đủ chứng cứ cho việc xác định có tội hay không, tội đến mức nào, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đến đâu. Hiện nay, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã thể hiện rất rõ nguyên tắc tại khoản 3 Điều 4:“Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”. Và, mọi công dân của nước Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật.
Việc xử lý các bị cáo và đồng phạm trong các vụ đại trọng án là minh chứng sống cho thấy rõ quyết tâm chính trị cao và hành động quyết liệt chưa từng có tiền lệ của Đảng, Nhà nước trong việc đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy theo như Kết luận số 12-KL/TW ngày 06/4/2022 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực kinh tế ngoài Nhà nước. Điều này hết sức quan trọng trong việc làm trong sạch môi trường kinh doanh của nước ta, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và cũng là giải pháp để bảo vệ, khích lệ các doanh nhân làm ăn chân chính.
Minh chứng về điều này là, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với các bị cáo chính trong các vụ đại trọng án đã xác định được tội danh vi phạm pháp luật và mức án, như:
– Bị tuyên mức án tử hình cho tội tham ô tài sản là bị cáo Trương Mỹ Lan trong vụ đại trọng án ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát; trong vụ án ở Công ty Việt Á, bị cáo Phan Quốc Việt bị tuyên mức án 29 năm tù cho hai tội là đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; trong vụ án ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bị cáo Đỗ Anh Dũng bị tuyên mức án 8 năm tù về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản; bị cáo Nguyễn Phương Hằng bị 3 năm tù cho các tội danh là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Bị định tội danh nhưng chưa tuyên mức án tù cho các bị cáo là: bị cáo Trịnh Văn Quyết mắc 2 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và thao túng thị trường chứng khoán; bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn, mắc các tội danh: vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; nhận hối lộ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi; bị cáo Nguyễn Duy Hưng trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An mắc các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Phải khẳng định rằng, việc luận tội trong xét xử là hoàn toàn khách quan, công tâm, tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy định pháp luật hiện hành từ định danh hành vi phạm tội, xác định mức độ phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ tội để được hưởng sự khoan hồng. Ngoài ra, các cá nhân còn được tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nỗ lực khắc phục hậu quả, qua đó thể hiện rõ bản chất tốt đẹp, tiến bộ, nhân văn của chế độ xã hội ta (như các trường hợp: bị cáo Hoàng Minh Hoàn, Lưu Chấn Nguyên (cựu Giám đốc SCB Củ Chi), Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc, Thẩm định viên Công ty DATC), Vũ Khánh Linh (cựu thanh tra viên của SCB) trong đại trọng án tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có vai trò đồng phạm được hưởng án treo và trả tự do tại tòa)5.
Việc truy tố và xét xử các hành vi vi phạm pháp luật như trong các vụ đại trọng án kể trên là yêu cầu cấp thiết từ cuộc sống xã hội, khẳng định tính nghiêm minh, thượng tôn pháp luật6.
3. Bảo vệ doanh nhân Việt Nam chân chính và đập tan âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động
Đảng và Nhà nước luôn quan tâm thiết thực, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, khẳng định nhận thức nhất quán là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế nước nhà, đóng vai trò hết sức quan trọng, to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của đất nước. Vì thế, đến nay nước ta đã có khoảng hơn 900nghìn doanh nghiệp đang hoạt động7; các doanh nghiệp đóng góp trên 60% vào GDP hằng năm và tạo việc làm cho khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế nước ta. Nhiều doanh nhân đã tạo dựng được uy tín rất cao, khẳng định được giá trị và niềm tin của thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới; đã có được một đội ngũ các doanh nhân trẻ, năng động, dám nghĩ, dám đương đầu với khó khăn và khởi nghiệp thành công bằng các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo được ghi nhận. Hiện nay, chúng ta đang phấn đấu cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%8.
Chính phủ rất thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và tiếp tục có các giải pháp phù hợp hỗ trợ cho các doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn tầm xa hơn nữa. Để tiếp sức cùng với doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp không ngừng phát triển cả về lượng và chất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân.
Trong những năm qua, nhiều doanh nhân bị điều tra và xử lý vì đã có các hành vi phạm pháp luật, đạo đức kinh doanh, trong đó, có nhiều doanh nghiệp lớn và người hoạt động kinh doanh nổi tiếng. Thực tế này, ít nhiều đã và đang gây ra sự lo lắng, phân tâm đối với một bộ phận người hoạt động sản xuất – kinh doanh. Và, có những người trong số đó đôi lúc có cảm giác bất an với nỗi lo mơ hồ… đây là tâm trạng, cảm xúc mà có thể ai đó chạm phải trong những hoàn cảnh nhất định9.
Nghiêm khắc xử lý hành vi sai trái, bảo vệ hành vi đúng đắn, chân chính là điều cần phải làm trong công việc quản trị quốc gia, nhất định không được để “vàng thau lẫn lộn“, tuyệt đối không thể dung túng cho những hành vi sai trái, lừa gạt để làm mất niềm tin, uy tín và tài sản của Nhân dân, huỷ hoại văn hóa, đạo đức, uy tín nhà đầu tư, doanh nhân chân chính.
Bảo vệ doanh nhân làm ăn chân chính là bảo vệ những “viên ngọc quý” dựng xây nền tảng cho sự phồn vinh, văn minh của đất nước Việt Nam. Xử lý các đối tượng lừa đảo, gây nhiều sai phạm là góp phần làm cho xã hội lành mạnh hơn, minh bạch hơn và khuyến khích người dân sống và làm việc trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành đầy đủ kỷ cương. Và, bất kỳ người đó là ai, ở vị trí nào, nếu vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý theo đúng pháp luật, bất vị thân. Có làm như vậy mới mong nền kinh tế phát triển lành mạnh; những doanh nhân chân chính và việc làm ăn chính đáng mới có đất phát triển, làm giàu chính đáng10.
Thực tế, để bảo vệ doanh nghiệp trước tác động xấu của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ chưa từng có tiền lệ bằng 3 gói hỗ trợ lớn11:
(1) Chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất…);
(2) Chính sách hỗ trợ tín dụng, như hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất (gói tín dụng 250.000 tỷ đồng);
(3) Chính sách an sinh xã hội (gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng).
Những chính sách này đã tiếp thêm nguồn lực cho các doanh nghiệp trên con đường vượt qua khó khăn để tiếp tục duy trì hoạt động và có những đóng góp to lớn hơn cho nền kinh tế nước nhà trong tiến trình phục hồi và phát triển.Nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước thì rất nhiều doanh nghiệp khó có thể vượt qua nổi “cơn bão” Covid-19 càn quét.
Chúng ta thấy rằng, trong các vụ đại trọng án, sở dĩ dư luận đặc biệt quan tâm và bọn thù địch, phản động lợi dụng chống phá là vì những người phạm tội đều là những cá nhân có nhiều tài sản đến mức dư luận gọi là “đại gia” và có nhiều ảnh hưởng trong đời sống xã hội trước khi bị truy tố. Tuy nhiên, không phải vì thế mà làm thay đổi bản chất vụ án. Việc khởi tố, điều tra, xét xử là căn cứ các yếu tố cấu thành tội phạm, trong đó có các hành vi thuộc vào tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự, ví như trong trường hợp của bị cáo Nguyễn Phương Hằng là các tội danh là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bị cáo Phan Quốc Việt trong vụ án tại Công ty Việt Á bị hai tội là đưa hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; bị cáo Đỗ Anh Dũng bị tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ đại trọng án ở Tập đoàn Tân Hoàng Minh.
Các sai phạm kể trên đủ yếu tố cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án, điều tra, làm rõ. Không thể viện dẫn bất cứ lý do gì để chuyển hướng và lái các vụ án sang vấn đề chính trị được, không thể lấy cái cớ bị cáo là những cá nhân giàu có để xuyên tạc thành “chiến dịch đánh tư sản”, “tấn công vào kinh tế tư nhân”. Mọi bị can khi bị khởi tố, điều tra đều phải căn cứ vào hành vi vi phạm pháp luật, không có bất cứ lý do nào để xuyên tạc, vu khống.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đây là lực lượng sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Vì lẽ đó, ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13/10) đã ra đời để tôn vinh những người hoạt động sản xuất – kinh doanh trên cả nước và cũng là ngày để mọi người đề cao cảnh giác trước mọi luận điệu xuyên tạc về đội ngũ doanh nhân Việt Nam, đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch, chống phá và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nhân Việt Nam.
4. Kết luận
Dù phá hoại thế nào, bằng bất kể phương thức và thủ đoạn gì đi chăng nữa thì các thế lực thù địch cũng không thể đạt được mục đích phá hoại đất nước, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, ngược lại chỉ tự hủy hoại chính chúng trong lòng xã hội Việt Nam và cộng đồng quốc tế yêu mến Việt Nam. Chúng ta luôn tin tưởng với sự quan tâm thực chất và cụ thể của Đảng, Nhà nước, sự tin tưởng của Nhân dân, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng doanh nghiệp nước nhà ngày càng lớn mạnh không ngừng, đóng góp tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng một Việt Nam giàu, mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Chú thích:
1. Cảnh giác với các luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. https://daibieunhandan.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-dang/canh-giac-voi-cac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-hien-nay-i373160/.
2, 4. Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc đối với vụ án Vạn Thịnh Phát và đồng bọn. https://cdannd1.bocongan.gov.vn/news/blog/5051/canh-giac-truoc-luan-dieu-xuyen-tac-doi-voi-vu-an-van-thinh-phat-va-dong-bon.
3. “Cảnh giác với luận điệu xuyên tạc vụ án Vạn Thịnh Phát do Trương Mỹ Lan cầm đầu để xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước”. https://congan.ninhbinh.gov.vn/canh-giac-voi-luan-dieu-xuyen-tac-vu-an-van-thinh-phat-do-truong-my-lan-cam-dau-de-xuyen-tac-boi-nho-chong-pha-dang-nha-nuoc.
5, 6. Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc hình ảnh vu khống cá nhân trong các vụ án. https://www.sggp.org.vn/nhan-dien-thu-doan-xuyen-tac-hinh-anh-vu-khong-ca-nhan-trong-cac-vu-an-post736414.html.
7. Phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới. https://nhandan.vn/phat-huy-vai-tro-cua-doi-ngu-doanh-nhan-thoi-ky-moi-post777369.html.
8. “Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và hỗ trợ đội ngũ doanh nhân vượt qua khó khăn, vươn xa hơn nữa”. https://baochinhphu.vn/chinh-phu-thau-hieu-chia-se-lang-nghe-va-ho-tro-doi-ngu-doanh-nhan-vuot-qua-kho-khan-vuon-xa-hon-nua-102221012140255152.htm.
9, 10, 11. Bảo vệ doanh nghiệp chân chính. https://baochinhphu.vn/print/bao-ve-doanh-nghiep-chan-chinh 102221015001745391.htm.