Đóng góp của giáo dục vào chỉ số phát triển con người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

TS. Nguyễn Thị Minh Hòa 
Trường Đại học Lao động – Xã hội 
ThS. Hà Tuấn Anh 
Trường Đại học Kinh tế quốc dân
TS. Bùi Đức Thịnh 
Trường Đại học Lao động – Xã hội 

(Quanlynhanuoc.vn) – Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có chỉ số phát triển con người (HDI) cao trong những năm qua và là trọng tâm trong chiến lược phát triển của tỉnh, được nêu rõ trong Nghị quyết số 05/NQ-HĐND thông qua quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bài viết nghiên cứu, phân tích, thực trạng đóng góp của giáo dục vào HDI của tỉnh Bà Rịa  Vũng Tàu, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và chỉ số HDI của tỉnh.  

Từ khóa: Chỉ số phát triển con người, giáo dục, tỉnh Bà Rịa  Vũng Tàu.

1. Đặt vấn đề

Sau 30 năm thành lập, Bà Rịa – Vũng Tàu đã đạt được nhiều thành quả quan trọng về phát triển kinh tế – xã hội; quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên; các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm triển khai thực hiện tốt, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên rõ rệt. Hiện là địa phương duy nhất không thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương của Việt Nam nhưng lại nằm trong nhóm 5 tỉnh/thành phố có chỉ số HDI cao nhất cả nước trong cả giai đoạn 2016 – 2020; có 4 năm liền đứng thứ 1 hoặc thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội và cao hơn cả TP. Hồ Chí Minh (Tổng cục Thống kê, 2021). Tuy nhiên, trong cơ cấu HDI, chỉ số giáo dục của tỉnh đóng góp thấp nhất và có khoảng cách khá xa trong 5 tỉnh/thành phố có chỉ số HDI cao nhất cả nước, không được cải thiện trong cả giai đoạn. Điều này cho thấy tồn tại những hạn chế trong việc cải thiện chỉ số giáo dục của Bà Rịa – Vũng Tàu. 

Vì vậy, nghiên cứu làm rõ thực trạng đóng góp của giáo dục vào HDI của tỉnh, các hạn chế của hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh là cần thiết. Dựa trên dữ liệu thứ cấp của Tổng cục Thống kê và Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, từ Chỉ số giáo dục và số liệu về hệ thống giáo dục của tỉnh cung cấp cái nhìn sâu sắc về đóng góp của giáo dục vào chỉ số HDI của tỉnh và là căn cứ giúp các nhà hoạch định chính sách có những kế hoạch, chiến lược xây dựng và đưa ra những giải pháp khắc phục.

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

Theo UNDP (2024), HDI là chỉ tiêu kinh tế – xã hội tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên 3 phương diện: sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát. Từ năm 2010 đến nay, công thức tính HDI được tính bằng bình quân nhân của 3 chỉ số thành phần: (1) Chỉ số sức khỏe, được tính thông qua chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh; còn được gọi là tuổi thọ bình quân hay triển vọng sống trung bình khi sinh; (2) Chỉ số giáo dục được tính thông qua 2 chỉ tiêu là số năm đi học bình quân của những người từ 25 tuổi trở lên và số năm đi học kỳ vọng của trẻ em trong độ tuổi đi học; (3) Chỉ số thu nhập được tính thông qua chỉ tiêu tổng thu nhập quốc gia (GNI) bình quân đầu người theo sức mua tương đương. HDI có thể được sử dụng để đánh giá các lựa chọn chính sách quốc gia, hai quốc gia có cùng mức GNI bình quân đầu người nhưng có thể đạt được những kết quả phát triển con người khác nhau, thể hiện các ưu tiên chính sách của chính phủ.

HDI nhận giá trị trong khoảng từ 0 đến 1 (0 ≤ HDI ≤ 1). HDI đạt tối đa bằng 1, thể hiện trình độ phát triển con người ở mức lý tưởng; HDI tối thiểu bằng 0, thể hiện xã hội không có sự phát triển mang tính nhân văn. Căn cứ giá trị HDI, UNDP đã đưa ra Bảng xếp hạng phát triển con người của các quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc các địa phương trên địa bàn của một quốc gia, vùng lãnh thổ theo 4 nhóm: 

– HDI < 0,550: Mức phát triển con người thấp

– 0,550 ≤ HDI < 0,700: Mức phát triển con người trung bình

– 0,700 ≤ HDI < 0,800: Mức phát triển con người cao 

– HDI ≥ 0,800: Mức phát triển con người rất cao

Như vậy, trong cơ cấu HDI, giáo dục là một trong ba khía cạnh cơ bản, bên cạnh sức khỏe và mức sống. Chỉ số số năm đi học trung bình nhằm đo lường nguồn giáo dục trong một quốc gia, trong khi chỉ số số năm đi học kỳ vọng ​​đo lường tương lai của giáo dục hoặc số lượng và chất lượng giáo dục mà trẻ em ngày nay có thể mong đợi nhận được.

Xem xét mối quan hệ giữa giáo dục và HDI, các nghiên cứu cho thấy, giáo dục không chỉ là quyền cơ bản của con người mà còn là chất xúc tác cho sự phát triển kinh tế và xã hội (Bloom, 2007; Widiansyah, 2017; Yazdan Ebrahimi Soviz, Zahra Chavooshi, 2019; Yogiantoro & cộng sự, 2019). Giáo dục giúp nâng cao địa vị và khả năng của con người. Giáo dục có tác động lớn đến sức khỏe vì những cá nhân được giáo dục có nhiều khả năng áp dụng các hành vi lành mạnh và tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn. Vì vậy, đầu tư vào giáo dục phải được tăng lên đáng kể (Soviz & Chavooshi, 2019; Zahroh & Pontoh, 2021). Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, giáo dục là một công cụ phát triển, góp phần thúc đẩy tư duy phản biện, khả năng sáng tạo và nâng cao các kỹ năng làm việc, những điều cần thiết cho sự phát triển của lực lượng lao động hiệu quả và sáng tạo, do đó, vốn con người và hình thành kỹ năng là những yếu tố quan trọng để tạo việc làm hiệu quả và cải thiện thu nhập tiềm năng của các cá nhân (Schultz, 1961; Sukirno, 2004; Hannum & Buchmann, 2006; Bloom, 2007; Somaye & cộng sự, 2014; Yazdan và Zahra, 2019). Như vậy, giáo dục là một thành phần quan trọng trong quá trình phát triển con người và tác động của giáo dục đối với HDI là không thể phủ nhận.

Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, ngoài sự ổn định kinh tế và tăng trưởng sản xuất, yêu cầu phát triển kinh tế nhanh hơn là cải thiện điều kiện giáo dục và khả năng đọc viết của người dân trưởng thành (Kulić, Milačić, & Đurić, 2015). Tri thức là cơ chế giúp con người thoát nghèo, nâng cao mức sống và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (UN, 2017). Xã hội hiện đại đang thay đổi, do đó, giáo dục cần phải tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu và thách thức mới (Martin, 2016).

Giáo dục phát triển được đánh giá thông qua các chỉ tiêu sau: (1) Tăng tỷ lệ tham gia giáo dục tiểu học và trung học; (2) Tăng tỷ lệ bền vững của giáo dục được đánh giá bằng tỷ lệ bỏ học giảm và số lượng học sinh tiếp tục đi học ngày càng tăng; (3) Khoảng cách trong việc tham gia giáo dục giữa các nhóm cộng đồng ngày càng giảm, đặc  biệt là giữa người giàu và người nghèo, giữa nam và nữ, giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng; (4) Sự gia tăng và phổ biến về tính sẵn có cũng như chất lượng của cơ sở hạ tầng giáo dục (Yogiantoro & cộng sự, 2019). Như vậy, giáo dục chất lượng cao là nền giáo dục đáp ứng nhu cầu của tất cả người học, bất kể hoàn cảnh xuất thân và chuẩn bị cho họ những thách thức của thế kỷ XXI.

3. Kết quả nghiên cứu về đóng góp của giáo dục vào HDI của tỉnh

Thứ nhất, Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc nhóm 5 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có HDI cao nhất nhưng không thuộc nhóm có chỉ số giáo dục cao nhất.

Bảng 1: 5 tỉnh thành phố có HDI cao nhất cả nước (2016 – 2020)

Thứ hạngTỉnh/thành phố20162017201820192020
HDI
1Hà Nội0,7800,7860,7940,7990,799
2Bà Rịa – Vũng Tàu0,7800,7810,7890,7990,793
3TP. Hồ Chí Minh0,7770,7800,7860,7980,795
4Đà Nẵng0,7620,7680,7730,7880,779
5Hải Phòng0,7450,7590,7690,7770,782
Thứ hạng
1Hà Nội11111
2Bà Rịa – Vũng Tàu12213
3TP. Hồ Chí Minh33332
4Đà Nẵng44445
5Hải Phòng55554
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021). 

Bảng 1 cho thấy, chỉ số giáo dục tính dựa trên chỉ tiêu số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng của tỉnh thấp nhất và có khoảng cách khá xa trong 5 tỉnh/thành phố, không được cải thiện trong cả giai đoạn, thậm chí thứ hạng chỉ số giáo dục của tỉnh năm 2018 còn giảm 5 bậc xếp hạng so với năm 2016, từ bậc thứ 19 xuống giảm xuống bậc 24. Trong khi đó, 4 thành phố còn lại chỉ số giáo dục và thứ hạng chỉ số giáo dục luôn dẫn đầu (bảng 2). Điều này cho thấy, sự đóng góp của chỉ số giáo dục thấp nhất trong ba chỉ số thành phần vào cấu thành HDI tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bảng 2: Chỉ số giáo dục và thứ hạng chỉ số giáo dục của 5 tỉnh/thành phố có HDI cao nhất cả nước (2016 – 2020)

Thứ hạngTỉnh/thành phố20162017201820192020
Chỉ số giáo dục
1Hà Nội0,7670,7740,7870,7900,783
2Bà Rịa – Vũng Tàu0,6280,6230,6240,6530,649
3TP. Hồ Chí Minh0,7100,7140,7180,7370,730
4Đà Nẵng0,7430,7480,7450,7750,763
5Hải Phòng0,7100,7290,7290,7290,732
Thứ hạng
1Hà Nội11111
2Bà Rịa – Vũng Tàu1922241719
3TP. Hồ Chí Minh34434
4Đà Nẵng22222
5Hải Phòng33343
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021).

Thứ hai, giáo dục đóng góp thấp nhất trong các chỉ số thành phần vào Chỉ số phát triển con người của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong cả giai đoạn 2016 – 2020, đóng góp nhiều nhất trong cơ cấu HDI của tỉnh là chỉ số thu nhập (0,883 năm 2020), tiếp đến là chỉ số sức khỏe (tuổi thọ trung bình, 0,869), thấp nhất là chỉ số giáo dục (0,649). 

Cả giai đoạn 2016 – 2020, Bà Rịa – Vũng Tàu có quy mô nền kinh tế và GNI bình quân/người tăng lên, liên tục cao nhất cả nước, đạt 34579 PPP-USD, cao gấp hơn 4 lần so với giá trị này của cả nước, chỉ đạt 8132 PPP-USD năm 2020 và cao gấp 1,6 lần địa phương xếp thứ hai là Quảng Ninh (Tổng cục Thống kê, 2021). Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn lợi lớn từ dầu khí, công nghiệp và thu nội địa, là điều kiện cần để thực hiện phát triển con người, bao gồm cơ hội phát triển và năng lực phát triển của con người. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển kinh tế, chú trọng nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao thu nhập và phúc lợi cho Nhân dân. Tuổi thọ và chỉ số sức khỏe của Bà Rịa – Vũng Tàu ngày càng cải thiện, xếp thứ 1/63 tỉnh, thành phố và đạt 76,5 tuổi và 0,869 năm 2020, cao hơn so với mức chung của cả nước là 2,8 tuổi. Điều này cho thấy, chính sách an sinh xã hội, chất lượng hệ thống y tế đảm bảo mọi người dân đều có quyền và cơ hội tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến, hỗ trợ người yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên.

Bảng 3: Số năm đi học trung bình, số năm đi học kỳ vọng, chỉ số giáo dục của Bà Rịa – Vũng Tàu và cả nước, giai đoạn 2016 – 2020

20162017201820192020
Số năm đi học trung bình
Cả nước8,58,68,79,09,1
Bà Rịa – Vũng Tàu8,88,88,99,59,3
Thứ hạng số năm đi học trungbình2121201721
Số năm đi học kỳ vọng
Cả nước12,012,012,112,212,2
Bà Rịa – Vũng Tàu12,011,911,812,112,2
Thứ hạng số năm đi học kỳ vọng2025302017
Chỉ số giáo dục
Cả nước0,6180,6210,6250,6410,640
Bà Rịa – Vũng Tàu0,6280,6230,6240,6530,649
Thứ hạng chỉ số giáo dục 1922241719
Nguồn: Tổng cục Thống kê (2021).

Bảng 3 cho thấy, số năm đi học bình quân của tỉnh mặc dù được cải thiện trong cả giai đoạn 2016-2020, song cũng chỉ xấp xỉ so với mức chung của cả nước. Số năm đi học kỳ vọng hầu như không thay đổi, thậm chí có năm còn thấp hơn mức chung của cả nước. Điều này kéo theo chỉ số giáo dục của tỉnhít được cải thiện, thậm chí năm 2020 còn giảm so với năm 2019, đạt 0,649, xấp xỉ mức chung của cả nước (0,640). Điều này cũng phản ánh thành quả tăng trưởng kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu chưa lan tỏa mạnh cho lĩnh vực giáo dục liên quan đến phát triển về trí lực của người dân. 

Thứ ba, hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh khá phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm dân cư, song mạng lưới đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bất cập.

(1) Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi cao, tỷ lệ tham gia của học sinh nữ cao hơn học sinh nam. 

Bảng 4: Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp theo giới tính trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2016 – 2020)

Đơn vị (%)

Tỷ lệ đi học chungTỷ lệ đi học đúng tuổi
 201620182020201620182020
Tỷ lệ đi học chung 95,2289,8295,2274,0188,0689,57
Trong đó: nữ102,7298,04102,7280,5494,6494,00
 Tiểu học109,72104,25109,7265,3194,4694,68
Trong đó: nữ114,80112,79114,8063,2095,3695,58
 Trung học cơ sở99,2496,7599,2494,7792,8892,94
Trong đó: nữ 99,72106,0399,7297,8394,5593,67
 Trung học phổ thông65,1457,5265,1460,8453,1071,87
Trong đó: nữ 83,8668,6083,8680,4063,4183,78
Nguồn: Cục Thống kê tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2021). 

Bảng 4 cho thấy, cả giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp biến động không nhiều, do tỷ lệ này tại tỉnh khá cao, ngoại trừ tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp trung học phổ thông tăng mạnh. Điều này cho thấy, giáo dục đang được nâng cao, hướng tới phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông. Học sinh nữ vẫn có tỷ lệ đi chung và đi học đúng tuổi cao hơn nam. Thực trạng này không chỉ ở Bà Rịa – Vũng Tàu mà phổ biến trên cả nước. 

(2Tỷ lệ học sinh phổ thông lưu ban, bỏ học phân theo cấp học và giới tính rất thấp.

Số liệu của Cục Thống kê Bà Rịa – Vũng Tàu cho thấy, tỷ lệ học sinh phổ thông lưu ban, bỏ học phân theo cấp học và giới tính rất thấp, gần như không có sự thay đổi, lần lượt là 0,011% và 0,002% trong cả 5 năm 2016 – 2020.

Phân tích trên cho thấy, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh đạt ở mức cao, phát triển bền vững, khoảng cách trong việc tham gia giáo dục giữa nam và nữ không đáng kể.

(3) Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển giáo dục – đào tạo cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên chưa phù hợp với quy mô tăng dân số từng địa bàn, cơ sở đào tạo còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của tỉnh. 

Bảng 5: Quy mô và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia năm 2012 và năm 2020 của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

 Mầm nonTiểu họcTHCSTHPTTổng
Số trường1851349036445
Trường chuẩn quốc gia88907222272
Tỷ lệ (%)47,667,280,061,161,1
Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2021).

Năm 2020, toàn tỉnh có 445 trường học, gồm 185 trường mầm non, 134 trường tiểu học, 90 trường trung học cơ sở và 36 trường trung học phổ thông. Đến nay hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đã có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Mạng lưới trường, lớp từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên… ngày càng được kiên cố hóa và phát triển, phân bố khá đồng đều trên các địa bàn, bán kính phục vụ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường. Tuy nhiên, việc xây dựng một số cơ sở giáo dục chưa phù hợp với quy mô tăng dân số từng địa bàn; quy hoạch quỹ đất xây dựng trường chưa được bổ sung, điều chỉnh kịp thời. 

Mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 trường đại học, trong đó Trường Đại học Dầu khí có quy mô tuyển sinh hằng năm chưa tới 100 sinh viên, chủ yếu phục vụ cho ngành dầu khí, không có trường đại học do UBND tỉnh quản lý, 6 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp và 25 trung tâm dạy nghề khác. Hiện nay, tỉnh đã có mạng lưới cơ sở giáo dục dạy nghề được đầu tư khá tốt về cơ sở vật chất nhưng một số ngành như logistics – thế mạnh của tỉnh chỉ có Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu và Trường Cao đẳng Quốc tế VABIS đào tạo ngành Logistics. 

Mặc dù là tỉnh luôn nằm trong nhóm 10 tỉnh thành có GRDP cao nhất cả nước các năm gần đây, nhưng số trường đại học của Bà Rịa – Vũng Tàu lại thấp nhất. Cùng ở Đông Nam Bộ, cùng nằm trong nhóm tỉnh có GRDP cao nhất cả nước nhưng đến năm 2020, cả tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ có 2 trường đại học, trong khi đó Bình Dương có tới 6 trường đại học và 2 phân hiệu đại học (Mộc Hương, 2023), Đồng Nai có 6 trường đại học (Lam Khuê, 2024). Thực tế này cho thấy, Bà Rịa – Vũng Tàu chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân khi có nhu cầu học cao hơn, kéo theo số năm đi học bình quân của dân số trên 25 tuổi thấp, phần nào hạn chế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh từ góc độ đào tạo.

5. Kết luận và khuyến nghị

5.1. Kết luận

Dựa trên việc xem xét những bằng chứng, kết quả phân tích cho thấy: Bà Rịa – Vũng Tàu thuộc nhóm 5 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có HDI cao nhất nhưng không thuộc nhóm có chỉ số giáo dục cao nhất. Hiện đóng góp thấp nhất trong các chỉ số thành phần vào HDI của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; chỉ số sức khỏe và chỉ số thu nhập của Bà Rịa – Vũng Tàu đã gần đến ngưỡng do tuổi thọ của người dân Bà Rịa – Vũng Tàu khá cao và GNI/người của tỉnh rất cao. Do vậy, muốn có sự cải thiện HDI rõ rệt, để trở thành địa phương có HDI rất cao thì phải tập trung cải thiện mạnh mẽ chỉ số giáo dục. Hiện nay, hệ thống giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh khá phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của các nhóm dân cư song cơ sở đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bất cập, cụ thể là: (1) Tỷ lệ đi học chung và tỷ lệ đi học đúng tuổi cao, tỷ lệ tham gia của học sinh nữ cao hơn học sinh nam; (2) Tỷ lệ học sinh phổ thông lưu ban, bỏ học phân theo cấp học và giới tính rất thấp; (3)Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển giáo dục – đào tạo cơ bản được bảo đảm, tuy nhiên chưa phù hợp với quy mô tăng dân số từng địa bàn, cơ sở đào tạo còn khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của tỉnh. 

5.2. Khuyến nghị

Định hướng đến năm 2030 nêu ra: (1) Bà Rịa – Vũng Tàu đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị dạy, học đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các địa phương trên địa bàn tỉnh bảo đảmkiên cố, hiện đại, tuân thủ các tiêu chí/nguyên tắc theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu giáo dục – đào tạo trong từng giai đoạn/thời kỳ phát triển; (2) Đầu tư cơ sở vật chất các trung tâm giáo dục thường xuyên ở cấp huyện, bảo đảm yêu cầu chuẩn hoá, đồng bộ, để thực hiện hiệu quả chức năng giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Khuyến khích phát triển hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt cho người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập; (3) Xây dựng, hiện đại hoá cơ sở vật chất Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và nâng cao chất lượng đào tạo các trường đại học này (UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, 2023).

Khoa học – công nghệ đang phát triển nhanh chóng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần cải thiện chất lượng giáo dục- đào tạo, đây là một trong những khía cạnh của HDI. Phấn đấu đến năm 2025, chất lượng giáo dục trong toàn hệ thống, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học có chuyển biến tích cực theo hướng phát triển con người đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục đại học và đào tạo nghề nghiệp. Mở rộng các chương trình học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Cải thiện chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mở rộng các ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Quan tâm đến thế hệ trẻ, những tài năng đất nước. Có chính sách học bổng phù hợp cho học sinh, sinh viên những vùng đặc biết khó khăn. Việc tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là trong các khu vực khó khăn, sẽ giúp tăng số năm đi học trung bình và số năm đi học kỳ vọng. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh của Bà Rịa – Vũng Tàutrong thu hút các dự án đầu tư, doanh nghiệp đầu tư sử dụng công nghệ cao, thuộc lĩnh vực sử dụng lao động chất lượng cao.

Rà soát, xắp xếp và tổ chức lại mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Mở rộng quy mô, đa dạng ngành nghề và loại hình đào tạo; xây dựng cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo tiếp cận tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.

Đến năm 2030, xây dựng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Trường là đơn vị hàng đầu đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho tỉnh. Điều này sẽ đóng góp vào sự phát triển bền vững và nâng cao HDI của tỉnh. Nếu không có những quyết sách mạnh mẽ cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thì Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ rơi vào nguy cơ mất vị trí trong nhóm 5 tỉnh/thành phố có HDI cao nhất, vì chỉ số giáo dục của các tỉnh, thành phố trong nhóm này trong 5 năm qua ngày càng bỏ xa Bà Rịa – Vũng Tàu.

Tài liệu tham khảo:
1. Sở Giáo dục tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2021). Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 
2. Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020.
3. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (2023). Báo cáo tổng hợp Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
4. Mộc Hương (2023). Giai đoạn tới, Bình Dương sẽ dành từ 1.000-1.500 ha đất để phát triển giáo dục. https://giaoduc.net.vn/giai-doan-toi-binh-duong-se-danh-tu-1000-1500-ha-dat-de-phat-trien-giao-duc-post234560.gd
5. Lam Khuê (2024). Nhiều trường đại học tại Đồng Nai: Nâng chất đào tạo để thu hút sinh viên. https://www.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=43947&CatId=109
6. Bloom, D. E., (2007). Education,Health, and Development, American academy of arts & sciences, project on universal basic and secondary education.
7. Dasic, B., Devic, Z., Denic, N., Zlatkovic, D., Ilic, I. D., Cao, Y., Jermsittiparsert, K. & Le, H. V. (2020) Human development index in a context of human development: Review on the western balkans countries, Brain Behav, 10(9), https://doi.org/10.1002/brb3.1755.
8. Engineer, M. , King, I. , & Roy, N. (2008). The human development index as a criterion for optimal planning. Indian Growth and Development Review, 1(2), 172–192.
9. Hannum, E. and Buchmann, C. (2006). Global Educational Expansion and Socio Economic Development: An Assessment of Findings from the Social Sciences Somaye Rahjou, Mohammad Naghi Imani, Asghar Sharifi (2014). The Review of Human Development Index to Determine the Contribution of Higher Education in the Education Index, Bulletin of Environment, Pharmacology and Life Sciences, Vol 3 Spl issue II 2014, pp.244 – 252.  
10. Kulić, R. , Milačić, S. , & Đurić, I. (2015). Kvalitet ljudskog potencijala i ekonomski razvoj na nacionalnom nivou, Andragoške studije. broj 1, Institut za pedagogiju i andragogiju, str. 80. (65 – 86). 
11. Martin, J. P. (2016). Lifelong, inclusive and equitable education, Chapter 7: Goal 4 In y Lalaguna P. D., Barrado C. M. D. & Liesa C. R. F. (Eds.), International Society and Sustainable Development Goals (1st ed., pp. 231–238). Spain: Thomson Reuters, Rodona Industria Gráfica
12. Schultz, T.W., (1961). Investment in human capital, The American economic review, pp.1-17. 
13. Sukirno, S., (2004). Economic Macro : Introduction Theory, Jakarta : PT. Raja Grafindo Persada.
14. UN (2017). Millions could escape poverty by finishing secondary education, says UN Cultural Agency. June 22, 2017. Retrieved from https://news.un.org/en/story/2017/06/560162‐millions‐could‐escape‐poverty‐finishing‐secondary‐education‐says‐un‐cultural
15. UNDP (1990). Human development report 1990. New York, NY: Oxford University Press, p. 10.
16. UNDP (2022). Human Development Report 2021 – 2022.
17. UNDP (2024). Human Development Reports. https://hdr-undp-org.translate.goog/?_x_tr_sl=en&_x_tr_tl=vi&_x_tr_hl=vi&_x_tr_pto=sc&_x_tr_hist=true#/indicies/HDI, truy cập ngày 10/4/2024.
18. Widiansyah, A. (2017). The Role of Economics in Education and Education in Economic Development. Cakrawala Jurnal Humaniora, 17(2), pp.207 – 215. 
19. Yazdan Ebrahimi Soviz, Y. E., Chavooshi, Z. (2019). The impact of higher education on human development, 6th International Conference on Education, Social Sciences and Humanities, Istanbul, Turkey.
20. Yogiantoro, M., Komariah, D., Irawan, I. (2019).  Effects of Education Funding in Increasing  Human Development Index, Journal of Economics and Policy, Vol 12 (2), pp.482 – 497.
21. Zahroh, S. và Pontoh, R. S., (2021). Journal Physics: Conference  series 1722 012106.