ThS. Lê Văn Thiện
Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
(Quanlynhanuoc.vn) – Nhờ sự phát triển của khoa học – kỹ thuật, ngành Y tế cũng có nhiều sự thay đổi, bên cạnh bác sĩ, y tá thì vị trí của người điều dưỡng trong quá trình điều trị và chăm sóc người bệnh cũng ngày càng được nâng cao. Điều dưỡng không chỉ là người tuân theo y lệnh của bác sĩ, họ còn có những vai trò, nhiệm vụ và chức năng lớn lao hơn trong công tác khám, điều trị và chăm sóc người bệnh. Phía sau một bác sĩ giỏi chính là những người điều dưỡng giỏi và tâm huyết với sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân. Bài viết đề xuất các biện pháp tăng cường vai trò của đội ngũ điều dưỡng viên trong điều trị, chăm sóc người bệnh nhằm chăm sóc, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.
Từ khóa: Điều dưỡng viên; vai trò; chăm sóc; bảo vệ sức khỏe người dân.
1. Một số quy định về điều dưỡng viên ở Việt Nam
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 05/2003/CT-BYT ngày 04/12/2003 về tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện trong bệnh viện; Thông tư số 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện được áp dụng từ ngày 01/01/2011; về quy định chuẩn năng lực cơ bản của điều dưỡng Việt Nam (theo Quyết định số 1352/QĐ-BYT ngày 21/4/2012) với 3 nhóm lĩnh vực, 25 tiêu chuẩn và 110 tiêu chí. Trong đó, lĩnh vực 1, từ tiêu chuẩn 1 – 15 quy định năng lực và nhiệm vụ của người điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh.
Tiếp đến, ngày 30/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 436/QĐ-TTg thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khỏe giai đoạn 2020 – 2025. Để thực hiện Quyết định này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4018/QĐ-BYT ngày 18/9/2020 về kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 436/QĐ-TTg. Theo đó, việc cần làm là xây dựng và rà soát chuẩn năng lực nghề nghiệp điều dưỡng Việt Nam; triển khai thực hiện Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.
2. Thực trạng thực hiện vai trò điều dưỡng viên trong điều trị và chăm sóc người bệnh
Một là, trực tiếp chăm sóc người bệnh: người điều dưỡng sử dụng quy trình điều dưỡng để chủ động nhận định, lập và thực hiện các kế hoạch chăm sóc đáp ứng nhu cầu cho người bệnh, đạt mục tiêu đề ra. Quy trình với các tiêu chuẩn được đặt ra đối với ngành Y tế và khả năng của bệnh viện, người điều dưỡng phải bảo đảm cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc người bệnh; quan tâm thăm hỏi, động viên người bệnh, giúp họ yên tâm điều trị, chữa bệnh chóng phục hồi.
Hai là, vai trò quản lý: sử dụng khả năng giao tiếp và kiến thức nhằm thực hiện đồng thời hoạt động quản lý các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, người bệnh trong giai đoạn cấp cứu, người bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, điều dưỡng viên cũng đóng vai trò quản lý lãnh đạo trong lĩnh vực công tác điều dưỡng.
Ba là, vai trò giáo dục: người điều dưỡng sử dụng các kiến thức đã được học để dạy và truyền kinh nghiệm cho đội ngũ điều dưỡng viên tương lai. Bảo đảm mang đến các kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế hữu ích, kế thừa, truyền bá các kiến thức, kỹ năng và đạo đức người điều dưỡng. Ngoài ra, còn tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho người bệnh và cộng đồng để dự phòng, tăng cường, nâng cao sức khỏe và phối hợp tốt trong quá trình điều trị.
Bốn là, nghiên cứu khoa học: thực hiện và tham gia các đề tài nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đặc biệt các đề tài thuộc lĩnh vực điều dưỡng thực hành dựa vào bằng chứng. Giúp nâng cao kiến thức, thực hành cho ngành điều dưỡng; ứng dụng các thành quả của nghiên cứu điều dưỡng vào công tác đào tạo, quản lý điều dưỡng và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.
Điều dưỡng góp phần to lớn đối với hiệu quả trị liệu bởi số lượng, chất lượng, sự nổ lực và việc làm của họ. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có chuyển biến rõ rệt thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh, chuẩn hóa các kỹ thuật điều dưỡng. Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân và nâng cao vị thế nghề nghiệp, hình ảnh của người điều dưỡng.
Theo niên giám thống kê năm 2015 của Bộ Y tế, cả nước có 284.979 nhân viên y tế, trong đó có 120.875 điều dưỡng (0,3% trình độ thạc sỹ/tiến sỹ, 11,4 % trình độ đại học, 12,2 % trình độ cao đẳng, 74,6 % trình độ trung học và 1,6 % trình độ sơ học)1; năm 2020, Bộ Y tế công bố tỷ lệ điều dưỡng chiếm 39% nhân lực toàn ngành Y tế. Nếu tính cán bộ y tế trực tiếp với người bệnh, điều dưỡng chiếm gần 60%, điều dưỡng có mặt ở khắp nơi của hệ thống y tế2. Dịch vụ do điều dưỡng và hộ sinh cung cấp nhiều nhất, thường xuyên nhất, liên tục nhất.
Hiện tại, công tác điều dưỡng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Theo chiến lược phát triển ngành Y tế ở nước ta, tại thời điểm hiện nay, với 100 triệu dân, cần phải có 260.000 điều dưỡng tại các cơ sở y tế. Tuy nhiên, trên thực tế, Việt Nam mới có 140.000 điều dưỡng3.
Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân ở nước ta hiện nay là 11,4 thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình thế giới. Để đạt chuẩn, Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2 – 3 lần số lượng điều dưỡng hiện có. Hội Điều dưỡng Việt Nam cũng đặt mục tiêu phấn đấu đạt 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 20254.
Nhìn chung, nguồn nhân lực điều dưỡng thiếu nhiều về số lượng và năng lực chuyên môn thấp hơn so với nhiều nước khu vực. Công việc của điều dưỡng ngày càng có nhiều áp lực. Công tác chăm sóc người bệnh tại các cơ sở y tế còn phụ thuộc nhiều vào người nhà người bệnh. Điều dưỡng hành nghề chưa phù hợp với văn bằng đào tạo. Đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập. Hệ thống lãnh đạo, quản lý điều dưỡng chưa phù hợp…
3. Một số giải pháp tăng cường vai trò của điều dưỡng viên
Thứ nhất, nâng cao chất lượng bệnh viện có nhiều tiêu chí liên quan đến hoạt động của điều dưỡng, đặc biệt trong những tiêu chí hướng về người bệnh. Có cơ chế, chính sách đối với đội ngũ điều dưỡng giỏi để yên tâm công tác, công hiến và thực hiện công việc chăm sóc, phục vụ tốt hơn. Trong đó, cần tập trung bổ sung đội ngũ điều dưỡng viên, bảo đảm trình độ, chuyên môn, năng lực đáp ứng với vai trò của người điều dưỡng, nhất là đối với nhóm người yếu thế.
Về lâu dài, cần thành lập trường đại học điều dưỡng, chuẩn hóa cơ sở thực hành. Song song với đó, cần mở các lớp tập huấn cho giáo viên và người quản lý; nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo các bậc học có nội dung ngang bằng với các nước trong khu vực và quốc tế. Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy được đào tạo cơ bản chuyên ngành điều dưỡng là cử nhân điều dưỡng bậc đại học. Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng kỹ thuật chăm sóc theo chuẩn mực của các nước khu vực, đầu tư các cơ sở vật chất, y dụng cụ và điều kiện làm việc của điều dưỡng, có chế độ, chính sách nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người điều dưỡng nói riêng và nhân viên y tế nói chung.
Thứ hai, các bệnh viện, cần củng cố, hoàn thiện thống nhất tổ chức biên chế điều dưỡng theo quy định; bảo đảm đủ về số lượng, tốt về chất lượng. Khi phân công nhiệm vụ cần dựa theo văn bằng và chính sách tuyển dụng chuyên khoa; quy định về chức danh nghề nghiệp tương ứng với trình độ, văn bằng đào tạo, tăng cường nghiên cứu trong các lĩnh vực quản lý, đào tạo cho ngành điều dưỡng. Hằng năm cần tổ chức các chương trình tập huấn, thi nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp và nguyên tắc ứng xử cho đội ngũ điều dưỡng với nội dung chương trình phù hợp.
Thứ ba, mỗi người điều dưỡng phải có ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để tự tin trong thực hành thao tác kỹ thuật, trang bị đầy đủ kiến thức, xây dựng được các kế hoạch chăm sóc người bệnh một cách phù hợp. Chủ động tiếp cận và trau dồi kỹ năng giao tiếp, trình độ lý luận nền tảng nhằm nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp, xây dựng hình ảnh chuẩn mực của ngành Điều dưỡng.
4. Kết luận
Với những thành tựu đáng tự hào của ngành Điều dưỡng trong thời gian qua cho thấy có sự đóng góp quan trọng của các cơ sở đào tạo điều dưỡng đã không ngừng đổi mới nhận thức, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ứng dụng vào thực tiễn tại Việt Nam để nâng cao chất lượng giáo dục, cập nhật chương trình giảng dạy đáp ứng nhu cầu thực tế tại Việt Nam. Từ đó, đào tạo, bồi dưỡng được lực lượng điều dưỡng viên thực sự chuyên nghiệp, kiên trì và trách nhiệm trong công việc chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.
Chú thích:
1. Bộ Y tế (2017). Niên giám thống kê. H. NXB Y học, tr. 116.
2. Bộ Y tế (2021). Niên giám thống kê. H. NXB Y học, tr. 181.
3. Hiền Minh (2023). Nhân lực nghề điều dưỡng vẫn đang rất thiếu. https://baochinhphu.vn/nhan-luc-nghe-dieu-duong-van-dang-rat-thieu-102230511125133573.htm
4. Võ Thu (2024). Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu có 15 bác sĩ trên 10.000 dân. https://vietnamnet.vn/nam-2025-viet-nam-phan-dau-dat-15-bac-si-tren-10-000-dan-2253712.html
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Y tế (2003). Chỉ thị số 05/2003/CT-BYT ngày 04/12/2003 về tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện trong bệnh viện.
2. Bộ Y tế (2020). Quyết định số 4018 /QĐ-BYT về việc Ban hành Kế hoạch hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 436/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ Thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ của giáo dục đại học thuộc khối ngành Sức khỏe, giai đoạn 2020 – 2025.
3. Bộ Y tế (2022). Quyết định số 3473/QĐ-BYT ngày 28/12/2022 về việc phê duyệt tài liệu “chuẩn năng lực cơ bản của cử nhân hộ sinh Việt Nam”.
4. Bộ Y tế (2011). Thông tư số 07/2011/TT-BYT ngày 26/01/2011 hướng dẫn công tác điều dưỡng về chăm sóc người bệnh trong bệnh viện được áp dụng từ ngày 01/01/2011.
5. Bộ Y tế (2021). Thông tư số 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện.
6. N. Dung (2023). Việt Nam cần thêm hàng trăm ngàn điều dưỡng viên. https://nld.com.vn/suc-khoe/viet-nam-can-them-hang-tram-ngan-dieu-duong-vien-20230505214336675.htm