TS. Trần Thuý Vân
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Rừng đóng vai trò quan trọng trong chống biến đổi khí hậu do khả năng hấp thụ khí carbon – loại khí thải làm nhiệt độ Trái đất tăng lên. Bảo vệ và phát triển rừng không chỉ là một trong các giải pháp chống biến đổi khí hậu mà còn là giải pháp có tính bền vững, kinh tế, đa lợi ích nhất. Ngày nay, đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia đã có chính sách và các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát triển rừng.
Từ khóa: Biến đổi khí hậu, phát triển rừng, đa dạng sinh học, hoàn thiện chính sách, pháp luật, kinh nghiệm quốc tế.
1. Khí thải carbon và các giải pháp khử carbon ở các quốc gia
Biến đổi khí hậu toàn cầu có liên quan đến sự gia tăng nồng độ carbon dioxide (CO2) trong khí quyển. Khí thải CO2 chủ yếu bắt nguồn từ các hoạt động của con người. CO2 là loại khí được thải ra khi con người đốt cháy nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí tự nhiên; cháy rừng… Khi thải vào khí quyển, CO2 có xu hướng tích tụ trong một thời gian rất dài.
Theo đánh giá tình trạng hiện nay, chỉ một nửa CO2 được hấp thụ bởi thực vật và đại dương, nửa còn lại có thể tồn tại hàng trăm năm trong bầu khí quyển. Các nhà khoa học giải thích rằng, CO2 tích tụ trong bầu khí quyển khiến năng lượng mặt trời mà trái đất hấp thụ không thoát ra ngoài được làm trái đất nóng lên. Sự gia tăng nhiệt độ trên trái đất dẫn đến hạn hán, băng tan… Nhiều quốc gia trên thế giới thải nhiều CO2 hơn hấp thụ, điều này tạo ra nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo các chuyên gia, 5 quốc gia phát thải lượng khí thải hàng đầu thế giới, bao gồm: Trung Quốc (31%), Hoa Kỳ (14%), Ấn Độ (7%), Nga (5%) và Nhật Bản (3%)1. Việc khử carbon là giải pháp duy nhất để ổn định khí hậu. Từ bỏ năng lượng hóa thạch, sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế năng lượng hoá thạch, thu và giữ CO2, bảo vệ và phát triển rừng là các giải pháp chính mà nhiều quốc gia đang áp dụng để khử CO2 nhằm chống biến đổi khí hậu. Nhiều quốc gia đã cam kết từ bỏ năng lượng hóa thạch, chuyển dần sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch. Một số quốc gia đã nghiên cứu thành công quy trình thu, giữ CO2. Bên cạnh đó, một số quốc gia hướng đến bảo vệ và phát triển rừng nhằm trung hòa CO2.
Đối với việc bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua đã được các nhà khoa học khẳng định: rừng đóng vai trò quan trọng trong hấp thụ carbon và rừng trên trái đất loại bỏ khỏi bầu khí quyển một phần ba carbon dioxide bị thải ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch. Về việc rừng già hay rừng trẻ hấp thụ carbon tốt hơn, các nhà khoa học còn có ý kiến khác nhau nhưng đều thống nhất rằng, các khu rừng đều hấp thụ carbon. Hoạt động chặt hạ các khu rừng khiến mất đi một trong những cơ sở lưu trữ carbon có giá trị nhất. Trong khi đó, việc khôi phục lại các khu rừng già đòi hỏi tới hàng thế kỷ. Các mục tiêu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đã dẫn đến sự hình thành thị trường carbon (thị trường bồi thường cho việc phát thải carbon). Thị trường carbon chưa trưởng thành nhưng đang phát triển nhanh chóng. Dự kiến số lượng giao dịch về carbon tăng lên và giá giao dịch carbon sẽ tăng.
Theo tính toán của Công ty dầu khí Shell của Anh-Hà Lan, giá carbon sẽ là 85 đô la hoặc khoảng 70 euro mỗi tấn vào năm 2050, cao hơn một nửa mức giá năm 2020 ở EU – gần 30 euro2. Thị trường thường hoạt động theo cách, người sở hữu Chứng chỉ carbon đã thực hiện dự án giảm khí thải carbon. Dự án có thể là bảo tồn các vùng đất ngập nước, có thể là sử dụng nhiên liệu sạch thay thế nhiên liệu gỗ, hoá thạch, có thể là bảo tồn, phát triển rừng. Ở một số nước trong đó có Australia, người nông dân có thể trồng rừng và tham gia thị trường carbon – nhận Chứng chỉ carbon thông qua chương trình do Chính phủ điều hành hoặc bán trên thị trường. Bản chất của loại giao dịch carbon này là doanh nghiệp phát thải carbon trả tiền cho các chủ rừng (để có quyền phát thải carbon).
2. Bảo vệ và phát triển rừng – giải pháp khử carbon kinh tế và bền vững ở một số quốc gia
(1) Chính sách bảo vệ và phát triển rừng ở Vương quốc Bhutan
Ngày nay, hầu hết các quốc gia đã nghiêm túc áp dụng các biện pháp giảm lượng khí thải CO2. Mỗi nước chiến đấu với biến đổi khí hậu theo cách riêng của họ. Tuy nhiên, chỉ có một quốc gia là vương quốc Bhutan thực sự đã đạt được lượng thải carbon bằng âm. Rừng chiếm khoảng 70% lãnh thổ của Bhutan và hoạt động như một cỗ máy hấp thụ carbon dioxide. Các số liệu thống kê cho thấy, Bhutan sản xuất 2 triệu tấn CO2 nhưng các khu rừng của vương quốc này hấp thụ được 6 triệu tấn CO2. Do đó, Bhutan âm tính với carbon3. Đáng chú ý là Bhutan đã đạt được kết quả này một cách có ý thức. Gần đây, Hiến pháp Bhutan được sửa đổi nhằm bảo đảm diện tích rừng sẽ không bao giờ giảm xuống dưới 60%4.
Bhutan không chỉ bảo vệ độ che phủ rừng hiện tại mà còn tích cực khuyến khích trồng thêm rừng. Những người dân sinh sống trong các khu vực bảo vệ rừng được Chính phủ tạo những điều kiện tốt để bảo vệ rừng, ngăn chặn việc săn bắn, khai thác và gây ô nhiễm rừng. Hầu hết các khu rừng của đất nước được khoanh vùng bảo vệ. Trong các khu vực này, có những quy tắc nghiêm ngặt chống nạn săn bắt trộm, khai thác và ô nhiễm. Chính phủ Bhutan còn cung cấp điện miễn phí cho nông dân để giảm lượng CO2 hình thành trong quá trình đốt gỗ5.
(2) Chính sách bảo vệ và phát triển rừng ở Phần Lan
Phần Lan có chính sách thúc đẩy quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng rừng đa mục đích, bảo đảm mọi người được sống trong môi trường tốt, hưởng lợi ích từ rừng. Rừng thuộc sở hữu nhà nước do cơ quan nhà nước quản lý, rừng của đô thị, cộng đồng địa phương do các cơ quan có liên quan đến các chủ thể này quản lý, rừng tư nhân do chủ rừng hoặc người đại diện của họ quản lý. Hầu hết mọi cộng đồng địa phương đều sở hữu rừng, bao gồm: rừng giải trí, công viên, các khu bảo tồn, rừng sản xuất gỗ (cộng đồng địa phương có thu nhập từ rừng sản xuất gỗ)…
Diện tích rừng thuộc sở hữu tư nhân không quá 26 ha. Nếu chủ rừng tư nhân thông báo cho trung tâm lâm nghiệp về việc chặt hạ cây và hai năm sau đó không thực hiện các hoạt động lâm nghiệp theo kế hoạch thì trung tâm lâm nghiệp sẽ thực hiện các biện pháp tái trồng khu rừng này và chủ rừng tư nhân nhận được một hóa đơn báo tất cả các chi phí liên quan đến việc trồng lại rừng. Một điều đáng chú ý là về cơ bản, trong khai thác rừng, công việc thu mua và vận chuyển được thực hiện bởi các tổ chức chuyên môn.
Phần Lan tổ chức tốt các biện pháp phòng và cứu hỏa đối với rừng do vậy, rừng ở Phần Lan không bị cháy trong khi ở tất cả các nước trên thế giới thường xuyên xảy ra cháy rừng. 80% người chữa cháy ở Phần Lan là tình nguyện viên6 (họ là bạn bè, người thân, hàng xóm của những người chủ mảnh đất nơi xảy ra hỏa hoạn). Ngoài ra, ở Phần Lan có rất nhiều đường bộ, không chỉ đường cao tốc mà còn cả đường nông thôn và đường đất. Thông thường những con đường nhỏ này được các chủ rừng xây dựng bằng kinh phí của mình. Các khu vực rộng lớn đều có thể tiếp cận: đội cứu hỏa có thể tiếp cận bất kỳ nơi nào để dập tắt đám cháy.
(3) Chính sách trồng và khai thác rừng của Nhật Bản
Sau thế chiến thứ hai, ở Nhật Bản, nhu cầu sử dụng gỗ bùng nổ, chủ yếu để hỗ trợ tái thiết nhà cửa. Cơ quan Lâm nghiệp Nhật Bản đã phát động một chiến dịch phá các rừng cây nguyên sinh và thay thế bằng các loài cây lá kim phát triển nhanh như bách và tuyết tùng để cung cấp các loại gỗ chất lượng cao cho thị trường.
Chính phủ Nhật Bản đã trả tiền để người dân tham gia chiến dịch trồng hàng triệu cây lá kim. Ở một số khu vực, rừng bản địa thậm chí còn bị chặt phá và thay thế bằng rừng trồng sinh lợi. Các khu rừng nhân tạo, từng chỉ chiếm 27% tổng diện tích đất rừng của Nhật Bản đã vượt quá 44% vào năm 1985. Việc phá rừng nguyên sinh, trồng cây lá kim dẫn đến hệ luỵ: hệ sinh thái đa dạng trở thành đơn điệu, ảnh hưởng đến môi trường sống của động, thực vật, sạt lở đất, bề mặt đất của các khu rừng trở nên khô cứng… Theo quy định hiện nay của Nhật Bản, bất cứ khi nào một cây bách hoặc tuyết tùng bị chặt, một cây con cùng loài khác phải được trồng thay thế. Việc trồng mới cây cùng loại như vậy không giúp phục hồi sự đa dạng sinh học của rừng. Mất sự đa dạng sinh học khiến rừng giảm khả năng chống chọi với các loại biến đổi7. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thực hiện chính sách nhập khẩu gỗ vào năm 1964. Việc nhập khẩu gỗ từ nước các nước khác vào Nhật Bản lại dẫn đến sự tàn phá rừng ở các nước đó8.
3. Hoàn thiện chính sách, pháp luật Việt Nam về bảo vệ và phát triển rừng
Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định: “Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường… chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhà nước khuyến khích mọi hoạt động bảo vệ môi trường…” (Điều 63). Một số đạo luật ban hành sau đó đã cụ thể hóa nội dung này của Hiến pháp, như: Luật Lâm nghiệp năm 2017 quy định chính sách và các giải pháp cụ thể về bảo vệ và phát triển rừng; Luật Đầu tư năm 2020 đã đưa trồng và bảo vệ rừng vào nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư (điểm b, e khoản 1 Điều 16).
Để chống biến đổi khí hậu, bên cạnh việc từ bỏ sản xuất điện từ than đá và ngừng xây mới các nhà máy nhiệt điện than; thúc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tiết kiệm năng lượng và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon; cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách và các giải pháp về bảo vệ và phát triển rừng.
Một là, ngừng mọi hoạt động chặt hạ có tính chất thương mại đối với các khu rừng bảo vệ có nguồn gốc tự nhiên;
Hai là, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát triển sự đa dạng sinh học của rừng tự nhiên; khuyến khích, hỗ trợ áp dụng các biện pháp cụ thể nhằm phát triển sự đa dạng sinh học của rừng sản xuất;
Ba là, tăng cường hệ thống phòng ngừa cháy rừng và sâu bệnh hại rừng; gia tăng trách nhiệm của những người liên quan đến thiệt hại do cháy rừng; bảo đảm các khu rừng đều dễ dàng được tiếp cận khi cứu hoả; nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ cao để giám sát, quản lý rừng;
Bốn là, trên các diện tích thuộc loại rừng sản xuất, thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động trồng, khai thác rừng nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng; bắt buộc ươm cây thay thế trước khi có kế hoạch chặt hạ; bắt buộc trồng thay thế ngay sau khi chặt hạ;
Năm là, sử dụng các công nghệ khai thác rừng tốt nhất khi tiến hành khai thác rừng để bảo tồn môi trường rừng và đa dạng sinh học của rừng, không gây tổn hại cho rừng;
Sáu là, tiết kiệm gỗ; định hướng sử dụng gỗ để sản xuất các sản phẩm với hạn sử dụng lâu dài;
Bảy là, xây dựng, phát triển chính sách mua sắm, tiêu dùng có trách nhiệm đối với các sản phẩm rừng.
4. Kết luận
Rừng là giải pháp chống biến đổi khí hậu ít tốn kém, đa lợi ích, bền vững nhất và phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta hiện nay. Bên cạnh tác dụng hấp thụ carbon, rừng còn đem lại nhiều lợi ích khác, như: tăng thu nhập cho người dân, phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, nghiên cứu khoa học, chống sạt lở đất,…
Qua nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia như Bhutan, Phần Lan, Nhật Bản về bảo vệ và phát triển rừng nhằm chống biến đổi khí hậu, chúng ta có thể tổng hợp một số giải pháp của các quốc gia này để nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.
Chú thích:
1. Почему леса играют ключевую роль в сохранении климата водных ресурсов, здоровья и жизни людей. https://www.vsemirnyjbank.org/ru/news/feature/2016/03/18/why-forests-are-key-to-climate-water-health-and-livelihoods.
2. Анатолий Петров, Лес и климат: партнёрство или антагонизм? https://forestcomplex.ru/forestry/les-i-klimat-partnjorstvo-ili-antagonizm.
3, 4, 5. Бутан: первая страна с отрицательным выбросом СО2. https://w2e.ru/blog/butan-pervaya-strana-s-otritsatelnym-vybrosom.
6. IA. Regnum, Почему горит Карелия, но не горит Финляндия – Авиалесоохрана объясняет. https://regnum.ru/article/3335120.
7, 8. Phá rừng và công cuộc sửa sai của Nhật Bản. https://ngaynay.vn/pha-rung-va-cong-cuoc-sua-sai-cua-nhat-ban-post98757. html.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2013). Hiến pháp năm 2013
2. Quốc hội (2020). Luật Đầu tư năm 2020
3. Quốc hội (2017). Luật Lâm nghiệp năm 2017
4. Dự án thu giữ, lưu trữ CO2 Tomakomai (Nhật Bản) và tiềm năng áp dụng tại Việt Nam. https://www.erav.vn/tin-tuc/t2842/du-an-thu-giu-luu-tru-co2-tomakomai-nhat-ban-va-tiem-nang-ap-dung-tai-viet-nam.html.
5. Việt Nam tham gia cam kết từ bỏ điện than. https://vnexpress.net/viet-nam-tham-gia-cam-ket-tu-bo-dien-than-4381499.html.
6. Институт развития технологий ТЭК (ИРТТЭК), Сколько СО2 поглощают деревья? Вопрос, который обрушит рынок, https://nangs.org/news/ecology/skolyko-so2-pogloshtayut-derevyya-vopros-kotoryy-obrushit-rynok.
7. Н.Н. Карпина, Сравнительный анализ управления лесными ресурсами в Финляндии и в Российской Федерации. https://giefjournal.ru/node/1653.