TS. Hà Thị Thùy Dương
Học viện Chính trị khu vực IV
TS. Trần Thị Bích Huệ
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa của thành phố Cần Thơ thành các điểm tham quan du lịch ban đêm là hướng đi tất yếu và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố, những lợi ích mang lại từ hoạt động này. Trên cơ sở thành phố Cần Thơ thí điểm tại quận Ninh Kiều về phát triển kinh tế ban đêm, bài viết đề xuất những di tích có thể khai thác, những hạn chế cũng như các giải pháp để khắc phục những hạn chế này nhằm đưa các di tích trở thành điểm tham quan hấp dẫn về đêm.
Từ khóa: Du lịch đêm, di tích lịch sử – văn hóa, kinh tế đêm, Cần Thơ.
1. Đặt vấn đề
Phát triển du dịch tại các di tích lịch sử – văn hóa là cách có hiệu quả nhất để phát huy giá trị của các di tích trong đời sống, mang lại nhiều ý nghĩa kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội. Trong định hướng phát triển du lịch đêm của thành phố Cần Thơ1 không thể không chú ý đến việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa này. Tuy là một hướng đi cần ưu tiên xuất phát từ những lợi ích cũng như tiềm năng, song thực tế các di tích lịch sử – văn hóa của thành phố Cần Thơ dường như vẫn còn “ngủ yên”, chưa được đánh thức. Vì vậy, cần có nghiên cứu, phân tích những tiềm năng, lợi ích cũng như định hướng khai thác các di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở thành phố Cần Thơ – địa điểm du lịch nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
2. Những lợi ích và tiềm năng khai thác di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển du lịch đêm ở thành phố Cần Thơ
Kinh tế ban đêm là mô hình đã trải qua nhiều thập kỷ hình thành và phát triển ở nhiều thành phố, quốc gia trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích kinh tế.
Tại Vương quốc Anh, ngành công nghiệp về đêm đóng góp khoảng 6% GDP với quy mô xấp xỉ 66 tỷ bảng Anh, tạo ra hơn 1,25 triệu việc làm. Tại Australia, ngành kinh tế đêm tạo ra 1,1 triệu việc làm và đóng góp 134 tỷ USD2.
Xuất phát từ những lợi ích của kinh tế đêm và tiềm năng phát triển ở Việt Nam, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó Cần Thơ là một trong 10 địa phương được thí điểm phát triển kinh tế đêm. Quyết định số 1129/QĐ-TTg đã khẳng định: “Phát triển kinh tế ban đêm nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau”.
Để triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về ban hành đề án một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Đề án đã xác định có 5 mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm là: (1) Mô hình hoạt động biểu diễn văn hoá, nghệ thuật; (2) Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; (3) Mô hình mua sắm, giải trí đêm; (4) Mô hình tham quan du lịch đêm; (5) Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm.
Mô hình “tham quan du lịch đêm” chủ trương khai thác các di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm tham quan du lịch ban đêm “tổ chức hoạt động tham quan, giải trí về đêm (kéo dài đến 24h) sử dụng phương tiện vận chuyển hiện đại và truyền thống, các phương tiện mang đặc trưng của điểm đến để tham quan thành phố, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, công trình nghệ thuật, bảo tàng, danh lam thắng cảnh”. Theo đề án này, đến năm 2025, các tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Hội An (Quảng Nam), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu phấn đấu có ít nhất một mô hình về phát triển sản phẩm du lịch đêm.
Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 28/4/2022, UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1401/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Trong đó, cũng xác định các sản phẩm, dịch vụ và hoạt động kinh tế ban đêm của thành phố Cần Thơ có 4 nhóm là vui chơi giải trí; ẩm thực; mua sắm và du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm. Trong nhóm sản phẩm du lịch, văn hóa, thể thao ban đêm, thành phố Cần Thơ đã xác định di tích lịch sử – văn hóa là một điểm du lịch ban đêm cần được khai thác, phát triển “du lịch trải nghiệm, tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, bảo tàng, danh lam, thắng cảnh của thành phố Cần Thơ vào ban đêm”. Trung ương cũng như thành phố Cần Thơ đều khẳng định các di tích lịch sử – văn hóa là một điểm cần phải được quan tâm khai thác vào phát triển các sản phẩm du lịch đêm.
Thành phố Cần Thơ cần chú ý phát triển các sản phẩm du lịch đêm, trong đó có khai thác các di tích lịch sử – văn hóa còn xuất phát từ chính định hướng phát triển và những cơ sở sẵn có của thành phố. Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định quan điểm phát triển thành phố Cần Thơ phải khai thác được tiềm năng của thành phố trong đó có tiềm năng về các di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc “Xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ phải trên cơ sở khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế của thành phố, của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là vai trò trung tâm vùng, vị trí cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mê Công, cảng biển và cảng hàng không quốc tế; tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên đất và nước; di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số”. Trong định hướng về khai thác tiềm năng là các di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, nghị quyết khẳng định cần “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với phát triển du lịch”. Do đó, chủ trương phát triển kinh tế ban đêm, du lịch đêm của thành phố Cần Thơ cần chú ý khai thác các di tích lịch sử – văn hóa nhằm bảo đảm đúng định hướng phát triển của thành phố.
Trong phát triển các sản phẩm du lịch đêm, việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa trở phải được coi trọng, bởi các dịch vụ thể thao, chăm sóc sức khỏe và làm đẹp hiện đại, các trung tâm mua sắm, giải trí đêm hiện đại, các hoạt động biểu diễn văn hóa và nghệ thuật có tính hiện đại thì thành phố nào cũng có, không có sự khác biệt. Khi nhiều thành phố lớn cùng phát triển du lịch đêm thì cần nghiên cứu để có các dịch vụ, sản phẩm “bảo đảm tính địa phương tốt nhất”, điều đó mới tạo ra sự khác biệt và nét đặc sắc riêng. Tính địa phương ở đây chính là ở văn hóa ẩm thực và các di tích lịch sử – văn hóa. Di tích lịch sử, văn hóa thể hiện rất rõ nét lịch sử của một vùng đất, những đặc điểm riêng có về điều kiện tự nhiên cũng như con người ở địa phương. Do đó, tạo ra điểm nhấn khác biệt trong các sản phẩm du lịch đêm thì các địa phương cần chú ý khai thác các di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm thu hút du khách tham quan về đêm.
Đối với thành phố Cần Thơ cũng vậy, mặc dù là Tây Đô, thủ phủ của miền Tây Nam Bộ song nếu so với các thành phố khác trên cả nước thì các dịch vụ mua sắm, vui chơi, giải trí về đêm, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, thể dục thể thao… thành phố Cần Thơ khó có thể cạnh tranh.
Để tạo ra sự khác biệt thu hút du khách thì thành phố Cần Thơ phải chú ý đến khai thác những yếu tố văn hóa đặc trưng trong đó có di tích lịch sử – văn hóa. Trong 12 địa phương thí điểm phát triển các sản phẩm du lịch đêm, thành phố Cần Thơ có điểm khác biệt bởi đây là điểm cuối của đất nước, là vùng đất mới được hình thành, nơi giao thoa văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống gồm: Kinh – Khmer – Hoa, văn hóa của người Kinh khi vào vùng đất mới, với đặc điểm cùng chung sống với nhiều dân tộc, nhiều người từ các vùng miền khác nhau cũng đã có nhiều sự biến đổi so với văn hóa người Kinh ở miền Bắc và miền Trung. Tất cả những đặc điểm rất riêng biệt và đặc sắc về vùng đất, con người và thiên nhiên được phản ánh rất đậm nét trong các di tích lịch sử – văn hóa ở Cần Thơ. Do đó, việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển các sản phẩm du lịch đêm là một hướng đi cần đặc biệt chú ý để thành phố Cần Thơ tạo ra sự khác biệt và có sức cạnh tranh đối với các thành phố khác trên cả nước.
Cần Thơ là thành phố trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có hệ thống giao thông cả đường bộ và đường sông tương đối tốt, thuận lợi. Là thành phố trực thuộc Trung ương nên dân số tập trung đông, không chỉ có người dân trong thành phố mà có nhiều người dân ngoại tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh trong vùng đến sinh sống, làm việc và học tập. Điều kiện thời tiết của Cần Thơ cũng như các tỉnh phía Nam rất thuận lợi cho phát triển du lịch đêm vì thời tiết về đêm quanh năm mát dịu. Cần Thơ có cảng sân bay quốc tế; hệ thống các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, các quán bar, các điểm vui chơi của Cần Thơ cũng tương đối phát triển… Đồng thời, hiện tại thành phố Cần Thơ có 5 rạp chiếu phim với khoảng 30 phòng chiếu phim, chỉ đứng sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Cần Thơ hiện có khoảng 600 cơ sở lưu trú với hơn 11.000 phòng, trong đó khách sạn từ 1 – 5 sao chiếm khoảng 1/3. Không ít khách sạn, như: Mường Thanh, TTC Premium, Azerai Cần Thơ, Victoria Cần Thơ… đều đạt nhiều giải thưởng du lịch trong nước và quốc tế3. Cần Thơ cũng là trung tâm của vùng nên có nhiều hội nghị, hội thảo diễn ra ở đây, thu hút loại hình du lịch MICE và đây cũng là trọng tâm trong các loại hình du lịch ở Cần Thơ. Với những du khách dự hội thảo, hội nghị, hoặc có công việc ở Cần Thơ vào ban ngày, thì ban đêm, họ có thể tham quan, mua sắm nên có nhu cầu lớn về các sản phẩm du lịch đêm.
Hiện nay, thành phố đã có một số địa điểm phát triển kinh tế ban đêm, du lịch đêm, như: du thuyền trên bến Ninh Kiều, chợ đêm Ninh Kiều, chợ đêm Tây Đô, chợ đêm Trần Phú, chợ đêm ẩm thực Cần Thơ, có các tuyến đường kinh doanh thời trang, hoạt động karaoke, hệ thống các nhà hàng chuyên nghiệp cung cấp các món ăn mặc đặc trưng của vùng sông nước… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế về đêm, các sản phẩm du lịch đêm của thành phố chủ yếu là các dịch vụ ăn uống giải trí, kinh doanh, siêu thị, thời trang, mỹ phẩm, karaoke, café, trà sữa… Các hoạt động, sự kiện văn hoá về đêm chưa có nhiều, đặc biệt là chưa có di tích lịch sử – văn hóa nào của thành phố Cần Thơ mở cửa vào ban đêm để đón du khách đến tham quan, tất cả các di tích đều đóng cửa trước 6 giờ tối. Đó cũng là một trong những lý do khiến thời gian lưu trú của du khách tại Cần Thơ còn ít, mức độ tiêu tiền chưa nhiều. Năm 2019, du lịch Cần Thơ đón 8,8 triệu lượt khách du lịch4 nhưng do kinh tế đêm chưa phát triển nên mức độ tiêu tiền của du khách thấp, số lượng khách lưu trú tại Cần Thơ bình quân là 1,5 ngày5.
Để đạt được mục tiêu như thành phố đã đề ra là đến năm 2025, thành phố sẽ đón 9 triệu lượt du khách, chi tiêu bình quân của du khách quốc tế bình quân tại Cần Thơ là 250 USD, số ngày bình quân lưu trú của du khách là 2 ngày thì thành phố cần phải ưu tiên phát triển du lịch đêm, trong đó có khai thác các di tích lịch sử – văn hóa thành điểm tham quan ban đêm.
3. Những định hướng để khai thác các di tích lịch sử – văn hóa trong phát triển du lịch đêm của thành phố Cần Thơ
Để triển khai Quyết định số 1401/QĐ-UBND, ngày 09/9/2022, UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 3362/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch triển khai triển khai “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều). Theo đó, tiếp tục duy trì và nâng chất hoạt động, đồng thời, cho phép mở rộng khung thời gian hoạt động từ 6 giờ tối ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau đối với các hoạt động hiện có, như: phố hàng rong trên đường Phan Chu Trinh – Phan Bội Châu; Chợ đêm Ninh Kiều trên đường Võ Văn Tần – Nguyễn Thái Học; Tuyến phố chuyên doanh thời trang Nguyễn Trãi, Nguyễn Việt Hồng, Mậu Thân và ẩm thực Đề Thám – Huỳnh Cương; hoạt động karaoke theo 5 khu vực thí điểm tại Khoản 3 phần II và một số tuyến đường cụ thể trên địa bàn quận như đường Lê Bình, Lê Lợi,… Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2022 – 2024, thành phố sẽ mời gọi đầu tư đối với các địa điểm có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm tập trung, như: Khu vực từ cầu đi bộ Ninh Kiều đến đường Trần Phú, khu vực đường Lê Lợi, khu vực rạch Khai Luông từ cầu đi bộ Ninh Kiều đến Nhà lồng 3 của Trung tâm Thương mại Cái Khế thuộc phường Cái Khế, khu vực Lê Bình thuộc phường Hưng Lợi; một phần diện tích của Trung tâm Xúc tiến đầu tư – thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ.
Với những khu vực được ưu tiên để phát triển các sản phẩm du lịch đêm, kinh tế đêm thì có một số di tích lịch sử – văn hóa của quận Ninh Kiều có thể khai thác phát triển thành các điểm tham quan đêm, như: Khám lớn Cần Thơ, đình Thới Bình, chùa Ông và nhà lồng chợ Cần Thơ. Việc đưa các di tích này vào phát triển điểm tham quan ban đêm sẽ giúp du khách thấy được những nét đặc trưng văn hóa của người Cần Thơ.
Đình Thới Bình cho thấy những nét đặc trưng văn hóa của người Kinh tại vùng đất mới, lịch sử khai phá vùng đất mới. Người Kinh khi đã ổn định được cộng đồng dân cư đã lập đình để vừa là nơi thực hành tín ngưỡng, vừa là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt cộng đồng về chính trị, văn hóa – xã hội. Vì vậy, đến đình Thới Bình sẽ thấy được quá trình khai phá vùng đất của người Kinh ở vùng Trần Giang xưa – Cần Thơ nay. Đồng thời, cũng giới thiệu được nét đặc trưng văn hóa của người Kinh, tín ngưỡng thành hoàng làng, các sinh hoạt cộng đồng, các loại hình nghệ thuật và trò chơi dân gian mà những người dân xưa kia thường tham gia. Không chỉ vậy, đình Thới Bình còn thể hiện rất rõ sự giao thoa văn hóa giữa người Kinh và người Hoa trong kiến trúc, trong tín ngưỡng. Người Kinh trong quá trình cùng sinh sống, cộng sinh với người Hoa có tinh thần cởi mở, tiếp thu văn hóa của các cộng đồng sống xung quanh.
Đến chùa Ông, du khách sẽ thấy được quá trình di cư của người Hoa đến vùng đất Cần Thơ, những đặc trưng văn hóa của người Hoa, như: tinh thần cộng đồng, đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau ở vùng đất mới; đặc trưng về nghệ thuật kiến trúc, tín ngưỡng cũng như các hoạt động văn hóa tiêu biểu của người Hoa. Đồng thời, du khách khi đến thăm nhà lồng chợ Cần Thơ hay Khám lớn Cần Thơ sẽ thấy được lịch sử của vùng đất này cả lịch sử xây dựng phát triển cũng như lịch sử đấu tranh để giành độc lập dân tộc, thấy được vị trí của Cần Thơ trong khu vực, cuộc sống gắn bó với sông nước của người dân trên bến dưới thuyền.
Có thể khẳng định, 4 di tích lịch sử – văn hóa của quận Ninh Kiều nằm trong khu vực phát triển kinh tế đêm, du lịch đêm của thành phố Cần Thơ có điều kiện thuận lợi để trở thành điểm tham quan về đêm, đồng thời, các di tích này đã phản ánh khá đầy đủ những nét đặc trưng về lịch sử vùng đất, văn hóa của con người vùng đất. Do đó, trong giai đoạn thí điểm ở quận Ninh Kiều, cần chú ý khai thác các di tích này vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đêm, vừa rút kinh nghiệm để tiếp tục khai thác các di tích lịch sử – văn hóa của Cần Thơ vào phát triển du lịch đêm trong giai đoạn sau năm 2024, đặc biệt là ở quận Bình Thủy – quận trung tâm liền kề quận Ninh Kiều và tập trung rất nhiều di tích tiêu biểu của thành phố.
Trong thời gian qua, 4 điểm di tích lịch sử – văn hóa của quận Ninh Kiều đã thu hút du khách đến tham quan nhưng số lượng còn ít. Theo số liệu thống kế của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ, số lượng du khách đến 4 điểm di tích này như sau:
Di tích lịch sử – văn hóa | Số lượng du khách đến tham quan (lượt người) |
Khám lớn Cần Thơ | 10.083 |
Chùa Ông | 36.360 |
Nhà lồng chợ Cần Thơ | 91.220 |
Đình Thới Bình | 13.580 |
Để du khách thấy được cái hay, giá trị của các di tích thì phải có thuyết minh, giới thiệu. Tuy nhiên, hiện nay không có thuyết minh viên túc trực tại các di tích để giới thiệu cho du khách khi họ cần. Trong khi cái hồn của di tích nằm ở những câu chuyện, những con người gắn với di tích, đối với di tích có giá trị kiến trúc, nghệ thuật thì phải có sự phân tích, giới thiệu mới thấy hết sự độc đáo riêng có của nó.
Hiện nay, các di tích lịch sử – văn hóa của quận Ninh Kiều có khả năng phát triển du lịch đêm thì cũng gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Hạ tầng giao thông đến các di tích rất thuận tiện, nằm trên trục lộ lớn, trung tâm của thành phố, song hạn chế chính là không gian của di tích hẹp. Diện tích chùa Ông chỉ có 532m2, diện tích của đình Thới Bình khoảng 1000m2, song có nhiều hộ dân cư hiện đang sinh sống ngay tại trong khuôn viên đình, làm mất đi cảnh quan của ngôi đình. Nhiều hạng mục trong công trình đình Thới Bình đã bị hư hỏng, dột nát, chưa được thay thế kịp thời. Điều này làm hạn chế việc du khách đến tham quan cũng như tổ chức các hoạt động trài nghiệm cho du khách.
Nhà lồng chợ Cần Thơ vì bản thân là chợ nên có bày bán những đồ thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm, một số mặt hàng có tính chất đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ bên cạnh những mặt hàng chung có tính chất đại trà, chùa Ông còn có những ngày lễ hội riêng còn lại các di tích lịch sử – văn hóa của quận Ninh Kiều chưa có hoạt động gì để thu hút du khách. Để thu hút du khách và kích thích du khách tiêu tiền thì phải có các dịch vụ liên quan đến di tích, ở mức độ thấp nhất phải có bán các mặt hàng lưu niệm về di tích hay có thể là các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ví dụ như hát truyền thống xưa kia vào dịp lễ hội của đình hay biểu diễn các loại hình nghệ thuật của người Hoa…
4. Một số giải pháp phát triển
Để khai thác hiệu quả các di tích lịch sử – văn hóa, trước hết là 4 di tích của quận Ninh Kiều vào phát triển du lịch đêm trong đề án thí điểm, cần chú ý một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần có cơ chế động viên, khuyến khích để các di tích mở cửa vào ban đêm. Hiện nay chỉ có nhà lồng chợ Cần Thơ mở cửa bán hàng đến khoảng 21 giờ, còn các di tích còn lại đều đóng cửa vào lúc 17 – 18 giờ hằng ngày. Để các di tích mở cửa vào ban đêm, cũng cần có những chính sách để bảo đảm an ninh cho các di tích. Ví dụ như lắp đặt camera để quan sát hoặc có lực lượng an ninh hỗ trợ. Bởi vì các di tích, như đình Thới Bình hay chùa Ông có những đồ vật cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt.
Thứ hai, chính quyền cần ưu tiên đầu tư về cơ sở vật chất cho các di tích, rất khó để mở rộng không gian của các di tích bởi các di tích nằm ở trung tâm của thành phố với rất nhiều các công trình bên cạnh, song với di tích chùa Ông có thể tạo điều kiện cho di tích tổ chức các hoạt động ở khu vực công viên bến Ninh Kiều (đối diện với chùa Ông). Đối với di tích Thới Bình cần có chính sách để di dời các hộ gia đình trả lại không gian cho di tích. Đồng thời, cần có quỹ bảo dưỡng các công trình hằng năm đối với di tích. Mặc dù di tích khám lớn Cần Thơ đã được đầu tư số vốn lớn để tu bổ gần đây, nhưng hiện đường đi tại di tích đã mọc rêu rất dễ trơn trượt, các tượng trong di tích bụi mốc chưa được lau chùi kịp thời. Vì vậy, cần đầu tư về cơ sở vật chất cho các di tích được sạch sẽ, thoáng đãng, tạo cảm giác thoải mái nhất cho du khách khi đến tham quan.
Thứ ba, hiện nay đội ngũ thuyết minh viên còn mỏng, khó có thể đáp ứng mọi nhu cầu của du khách, đặc biệt là vào thời gian ban đêm. Vì vậy, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các di tích. Trước hết, xây dựng một bản thuyết minh hấp dẫn, nêu được đầy đủ, khái quát những giá trị nổi bật tại di tích bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh hoặc một số thứ tiếng khác, sử dụng mã quét QR để du khách có nhu cầu tìm hiểu về di tích có thể sử dụng dịch vụ.
Thứ tư, các nhà văn hóa, công ty lữ hành và các chuyên gia về du lịch, chính quyền các cấp cần nghiên cứu đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp cho du khách, các hoạt động trải nghiệm để có thể thu hút du khách đến di tích, quay lại di tích. Các dịch vụ cần được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để làm bật những giá trị độc đáo của di tích, gắn với di tích. Ví dụ, có thể dựng lại những hoạt cảnh, chiếu phim 3D về những câu chuyện hay những nhân vật nổi tiếng đã từng bị giam cầm tại di tích khám lớn Cần Thơ; hoặc bán một số mặt hàng lưu niệm liên quan đến di tích như áo, nón hay món đồ lưu niệm có in hình di tích. Các đoàn nghệ thuật của thành phố có thể tổ chức các hoạt động biểu diễn định kỳ tại di tích, như: đối với đình Thới Bình thì diễn các loại hình nghệ thuật mà lễ hội truyền thống của đình; đối với chùa Ông thì diễn các loại hình nghệ thuật đặc trưng của người Hoa…
5. Kết luận
Một số tỉnh, thành phố trong nước, như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà nẵng… đã có những thành công trong việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Để thực hiện thành công đề án phát triển kinh tế đêm của thành phố Cần Thơ đến hết năm 2024 cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch thúc đẩy phát triển du lịch tại Cần Thơ, thành phố cần tham khảo kinh nghiệm của các địa phương trong việc khai thác các di tích lịch sử – văn hóa trở thành điểm tham quan du lịch ban đêm. Các di tích lịch sử – văn hóa của Cần Thơ cũng có những giá trị và tiềm năng khai thác, vấn đề là cách làm, cách tổ chức của địa phương để thực sự biến tiềm năng thành hiện thực, biến tiềm lực thành nguồn lực.
Chú thích:
1. Bài viết nằm trong khuôn khổ của Đề tài khoa học cấp thành phố “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp khai thác hiệu quả các di tích lịch sử – văn hóa vào phát triển du lịch ở thành phố Cần Thơ”.
2. Phạm Thị Kim Anh (2021). Phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam: thực trạng và khuyến nghị. Tạp chí châu Á – Thái Bình Dương, số tháng 01/2021.
3. Đa dạng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng Cần Thơ. https://www.cantho.gov.vn/wps/portal/home/du-khach/chi-tiet/tin-tuc-du-lich/da+dang+he+thong+san+pham+du+lich+dac+trung+can+tho
4. Du lịch Cần Thơ đón hơn 8,8 triệu lượt khách trong năm 2019. https://baocantho.com.vn/du-lich-can-tho-don-hon-8-8-trieu-luot-khach-trong-nam-2019-a116820.html
5. Cần thơ phát triển kinh tế ban đêm gắn với du lịch. https://bvhttdl.gov.vn/can-tho-phat-trien-kinh-te-ban-dem-gan-voi-du-lich-20211230084123453.htm
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2020). Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
3. Phạm Thị Kiều. Các điều kiện phát triển hoạt động du lịch đêm tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Tạp chí Khoa học Đại học Trà Vinh, số 46 năm 2022.
4. Bùi Nhật Quỳnh, Thân Trọng Thụy. Đánh giá sự phát triển của các sản phẩm du lịch đêm tại thành phố Hà Nội. Tạp chí Khoa học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 5/2017.
5. UBND thành phố Cần Thơ (2022). Quyết định số 1401/QĐ-UBND ngày 28/4/2022 về việc phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều).
6. Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ (2022). Quyết định số 3362/QĐ-UBND ngày 09/9/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai “Đề án Phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Cần Thơ (thí điểm tại quận Ninh Kiều).