ThS. Trần Ngọc Duyệt
Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
(Quanlynhanuoc.vn) – Bình Dương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thuộc các tỉnh miền Đông Nam Bộ, nơi đây không chỉ biết đến với nhiều khu công nghiệp sầm uất, nổi tiếng mà còn được biết đến với bề dày lịch sử, văn hoá ghi đậm những chiến công oai hùng của lịch sử đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc. Phát huy truyền thống lịch sử của văn hoá phương Nam, cùng với lợi thế, tiềm năng sẵn có, tích cực, chủ động nắm bắt thời cơ, vận hội mới, bức tranh kinh tế – xã hội, đặc biệt là phát triển các khu công nghiệp ở Bình Dương phát triển rất mạnh, vị thế của tỉnh ngày càng được nâng cao, được ví như “thủ phủ” của cả nước, là một trong những địa phương dẫn đầu về sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tương lai, phát triển các khu công nghiệp vẫn là điểm đột phá để nâng cao năng xuất lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân, sớm trở thành đô thị văn minh, giàu đẹp.
Từ khóa: Khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương, vùng kinh tế trọng điểm.
1. Thực trạng phát triển các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương trong những năm vừa qua
Hiện nay, theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, tỉnh Bình Dương có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha, trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 70%; các khu công nghiệp thu hút 2.965 dự án, bao gồm 2.309 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 24,3 tỷ USD và 656 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 76.608 tỷ đồng. Bình Dương có nhiều khu công nghiệp nổi tiếng, như: Khu công nghiệp Sóng Thần 1; Khu công nghiệp Việt Hương; Khu công nghiệp Nam Tân Yên; Khu công nghiệp VSIP1… Các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã thu hút rất nhiều nguồn lao động ở các tỉnh, thành phía Nam, giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều công nhân, thu hút nhiều đầu tư ở ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Dương, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm cho việc giao lưu, mở rộng quan hệ với tỉnh, thành lân cận, trong khu vực và trên thế giới.
Để bảo đảm cho các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương phát triển bền vững, ổn định tỉnh đang tập trung thực hiện đúng lộ trình xây dựng thành phố thông minh với các định hướng phát triển chủ yếu như thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ hiện đại, tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ triển khai, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch; nghiên cứu hình thành khu công nghiệp – đô thị khoa học công nghệ; tiếp tục chuyển đổi công năng, di dời các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; giải quyết hài hoà lợi ích cho nhân dân ở vùng giải phóng mặt bằng, phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành có liên quan để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhân dân ở những nơi bị giải phóng mặt bằng hoặc có nhu cầu tái định cư; tỉnh cũng xây dựng nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp; đồng thời tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục pháp lý về đất đai cho nhà đầu tư thứ cấp trong các khu công nghiệp. Với nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả trong đồng hành cùng doanh nghiệp, các doanh nghiệp tại tất cả các khu công nghiệp của tỉnh vẫn giữ được nhịp sản xuất, kinh doanh, tạo giá trị gia tăng các sản phẩm, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, hiện nay phát triển khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức đó là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cho việc sản xuất, kinh doanh ở một số khu công nghiệp bị giảm sút về năng xuất, chất lượng do thiếu hụt nguồn lao động; bố trí, xắp xếp cho người lao động ở nơi làm việc vừa bảo đảm sản xuất – kinh doanh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch; việc cung ứng xuất khẩu ra thị trường bên ngoài bị đình trệ do dịch bệnh; khả năng cạnh tranh sản phẩm ở các thị trường thế giới chưa cao, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới chưa nhiều; lao động làm việc ở các khu công nghiệp có trình độ tay nghề cao còn ít, vẫn chủ yếu lao động phổ thông, làm việc giản đơn.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa có thu nhập cao; Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định: phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của cả vùng và của cả nước.
2. Một số biện pháp phát triển các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương thời gian tới
(1) Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng chuyên môn hoá cao, tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường.
Đây là hướng đi rất đúng đắn, hợp lý được nhiều địa phương đang tiến hành, việc hướng đến chuyên môn ở các khu công nghiệp cho phép khai thác có hiệu quả, lợi thế tiềm năng của tỉnh. Thực tế các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thường gắn với các vùng chuyên canh, chuyên môn hoá về một lĩnh vực, sản phẩm cụ thể, điều đó đã tận dụng được những nguyên liệu sẵn có, nhập khẩu những công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến, từng bước nâng cao thu nhập cho người công nhân.
Vấn đề đặt ra hiện nay là tỉnh phải thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, khu công nghiệp tiến hành quy hoạch lại quy mô, mức độ sản xuất theo hướng hiện đại, tiết kiệm chi phí, bảo đảm thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng đến các lĩnh vực, ngành nghề khác, nhất là sinh hoạt đời sống hàng ngày của nhân dân không chỉ gần khu vực có khu công nghiệp mà nhân dân lân cận ở các địa bàn khác; các khu công nghiệp phải đi vào thực chất, hoạt động hiệu quả, không chạy theo số lượng, chú trọng về chất lượng; sản xuất – kinh doanh những mặt hàng mà nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đang cần; việc chuyên môn hoá này diễn ra ở tất cả các khâu, các bước, từ công nghệ máy móc cho đến con người cũng phải được chuyên môn hoá; trong tương lai sẽ có nhiều tỉnh đi theo mô hình xây dựng, sử dựng các khu công nghiệp kiểu như vậy, đó là hướng đi đúng đắn, hiệu quả, tích cực, phù hợp với đặc điểm lợi thể của Bình Dương hiện nay.
Tỉnh cần lãnh đạo, chỉ đạo sở, ban, ngành tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp phát triển, trên cơ sở tận dụng tối đa những lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đi tắt, đón đầu, thay thế công nghệ máy móc đã lỗi thời, lạc hậu, thay vào đó là công nghệ, máy móc hiện đại, giảm tải lao động chân tay cho người lao động; phân hoá lao động theo những mức khác nhau để cử đi đào tạo và có những xắp xếp, bổ nhiệm phù hợp với trình độ chuyên môn, năng lực công tác.
Thường xuyên kiểm tra, đánh giá mức độ hoạt động của các khu công nghiệp có chấp hành nghiêm quy định luật pháp, các điều kiện bảo hộ cho người lao động cũng như quyền lợi, chính sách không; các chỉ số về môi trường có thân thiện với nhiên nhiên không. Tất cả những nội dung đó phải được tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo thườn xuyên, kịp thời, hiệu quả, không vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà đánh đổi về xã hội, môi trường của người dân.
(2) Chú trọng đến việc xây dựng các yếu tố cơ sở hạ tầng về kinh tế, xã hội và môi trường bảo đảm bền vững, ổn định.
Cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội và môi trường là những yếu tố không thể tách rời để phát triển các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương trong thời gian tới. Một kết cấu hạ tầng đồng bộ, thống nhất sẽ là cơ sở, điều kiện cho việc hình thành, phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó giải quyết được nhiều vấn đề về xã hội, môi trường, góp phần thu hút lao động từ địa phương khác, làm cho quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh hơn, hệ thống đường giao thông cũng được cải thiện, nâng cao. Thực hiện Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020, Bình Dương đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, cung cấp điện, thủy lợi, cấp thoát nước và xử lý chất thải; hạ tầng đô thị, nông thôn; hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ…
Đặc biệt, tỉnh huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội với nhiều phương thức đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các công trình giao thông đối ngoại quan trọng theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất của cả nước (82%) với 3 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; bên cạnh đó, tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế có tiềm lực, uy tín, tầm ảnh hưởng lớn có khả năng tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường, định hướng cho quy hoạch phát triển các khu dân cư mới, các khu đô thị vệ tinh, hình thành các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đời sống người lao động và cư dân. Từ nay đến năm 2025, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển các khu công nghiệp bền vững theo mô hình “3 trong 1” (khu công nghiệp – khu đô thị – khu dịch vụ) với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
(3) Có chính sách hợp lý, kịp thời để thu hút lao động có trình độ tay nghề phục vụ nhu cầu về lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Đây là nội dung rất quan trọng để phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay. Các khu công nghiệp hiện đại, không có nguồn lao động được sử dụng ở những vị trí khác nhau thì không thể ra được sản phẩm. Do đó, vấn đề thu hút người lao động, nhất là lao động có tay nghề kỹ thuật cao vào làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là rất cấp bách.
Thực tiễn cho thấy, thời gian gần đây, Bình Dương là một trong những tỉnh có số lượng người lao động đến làm việc đứng thứ 2 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh, đóng góp vào tốc độc tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh tương đối cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 số người lao động tìm về quê thời gian qua tương đối nhiều, gây thiếu hụt người làm cho các khu công nghiệp. Lãnh đạo khu công nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng có liên quan tiến hành tuyển dụng lao động; tổ chức đưa đón công nhân từ địa phương đến nơi làm việc theo đúng quy định phòng, chống dịch, hàng tuần tổ chức xét nghiệm cho công nhân, tiêm vắccin cho công nhân; bảo đảm đầy đủ các điều kiện về nơi ăn, ở cho công nhân khi đến làm việc tại nơi sản xuất; có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ công nhân có tay nghề kỹ thuật cao, như: nâng lương; thưởng tiền, bố trí, xắp xếp ở những vị trí đúng với chuyên môn công tác; hỗ trợ cho công nhân về điều kiện nhà ở để họ yên tâm làm việc; có những chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời đối với người lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người lao động ở các tỉnh, thành xa.
Hằng năm, đánh giá chất lượng đội ngũ người lao động, từ đó, buộc người lao động phải tự mình học hỏi, bổ sung kiến thức; nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, đặc biệt là hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương nhằm tăng cường kết nối cung – cầu lao động, liên kết lao động, tạo niềm tin và cơ hội việc làm cho người lao động góp phần tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và giải quyết việc làm cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; phát triển các khu công nghiệp bên cạnh lợi ích về mặt kinh tế, thì phải bảo đảm cuộc sống cho công nhân được nâng lên từng bước, bảo đảm đủ mức sinh hoạt so với mặt bằng chung của xã hội, thậm trí phải cao hơn nhóm công nhân, lao động làm việc ở các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.
(4) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính hướng đến mô hình hành chính điện tử.
Đây là nội dung đặt ra rất thiết thực, cụ thể hiện nay để hướng đến chuyển đổi số ở nước ta hiện nay; tỉnh uỷ lãnh đạo, chỉ đạo sở, ban, ngành cắt giảm thủ tục hành chính không cần thiết, còn rườm rà, nhiêu khê, qua nhiều cửa, ảnh hưởng đến tiến độ thời gian làm việc của các khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp được tiếp cận với chuyển đổi số một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất; các thủ tục hành chính ở các khu công nghiệp cần được tự động hóa, hòa vào hệ thống chung của tỉnh uỷ, đến khi triển khai công việc, nhiệm vụ gì đó, hay đến làm việc ở cơ quan hành chính không phải chờ đợi lâu; triển khai xây dựng và đăng ký tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền qua mạng Internet, thực hiện đúng phương châm “Nghe doanh nghiệp nói, nói doanh nghiệp hiểu, làm doanh nghiệp tin”; người lao động làm việc ở các khu công nghiệp cũng phải phối hợp với lãnh đạo khu công nghiệp đăng ký mã cá nhân, tiến hành các hoạt động hành chính điện tử nhanh, gọn, bảo đảm hài hoà lợi ích của khu công nghiệp và người lao động, tất cả hướng đến lợi nhuận, chất lượng sản phẩm và thu nhập, mức sống cho người lao động; từ đó góp phần nâng cao vị thế, uy tín của các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương hiện nay.
3. Kết luận
Với quan điểm nhất quán xây dựng các khu công nghiệp nhanh, mạnh và bền vững, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Phát triển các khu công nghiệp ở tỉnh Bình Dương đã trở thành điểm đột phá trong chiến lược tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, nhiều khu công nghiệp “thương hiệu”, thu hút nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư. Từ đó, Bình Dương đã nhân rộng, chia sẻ mô hình quản lý vận hành khu công nghiệp ra rất nhiều tỉnh thành bạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 – 2025.
2. Chương trình số 23-CTr/TU ngày 16/8/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về huy động và phát huy các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh giai đoạn 2016-2020.
3. Chương trình số 111-CTr/TU của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
4. Mai Phương (2022). Bình Dương tập trung phát triển công nghiệp làm nền tảng đột phá phát triển kinh tế. https://consosukien.vn, ngày 29/3/2022.