Một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe trong giai đoạn hiện nay

ThS. Đoàn Chính Linh
Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Giai đoạn phát triển hiện nay, xu hướng bệnh tật đang thay đổi với sự gia tăng các bệnh không truyền nhiễm, già hóa dân số cùng với đà tăng trưởng mọi mặt kinh tế, đời sống xã hội, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đặt ra nhu cầu xã hội cấp thiết về cung ứng nguồn nhân lực y tế chất lượng. Bài viết nghiên cứu thực tiễn công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành Y tế và đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe thời gian tới.

Từ khóa: Giải pháp, cải thiện chất lượng, đào tạo thực hành, khối ngành sức khỏe.

1. Đặt vấn đề

Phát triển nguồn nhân lực y tế đang là nhiệm vụ hàng đầu của ngành Y tế, đặc biệt là quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe. Đối với hoạt động khám, chữa bệnh thì kết hợp giữa các trường đại học y khoa và bệnh viện thực hành đã là phương thức đào tạo truyền thống tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhiều năm qua, ngành Y tế đã tích cực lồng ghép hoạt động của trường Đại học Y với các bệnh viện thực hành đem lại những kết quả tốt trong công tác đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực y tế ngày càng có sức hút lớn làm bùng nổ các cơ sở đào tạo, tuyển sinh ngành Y khoa ngày càng mở rộng về quy mô nhưng cơ sở thực hành chưa đáp ứng, chưa đi đôi với công tác chuẩn bị tốt đội ngũ giảng viên và cơ sở thực hành là vấn đề gây lo ngại đến chất lượng đào tạo bác sĩ sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, công tác kết hợp trường – viện mà hạt nhân là cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe đã và đang đặt ra bài toán đối với ngành Y tế để bảo đảm cho mục tiêu chung là phát triển nguồn nhân lực y tế đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, năng lực chuyên môn và y đức với cơ cấu và sự phân bố hợp lý nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, hướng tới mục tiêu công bằng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế.

2. Thực trạng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe

Thời điểm ban hành Thông tư số 04/BYT-TT ngày 06/4/1996 của Bộ Y tế quy định cần kết hợp trường Đại học Y thuộc ngành Y tế và bệnh viện trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh, Việt Nam đã có sự mở rộng đáng kể về số lượng các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.

Tính tới năm 2020, Việt Nam có 66 cơ sở đào tạo trình độ đại học, 102 cơ sở đào tạo trình độ cao đẳng và 37 cơ sở đào tạo trình độ trung cấp. Theo đó, các đơn vị đã đào tạo ra trên 95.000 bác sĩ và hơn 106.000 điều dưỡng. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, hiện nay số bác sĩ trên 10.000 dân đạt 12,5, quy hoạch mạng lưới y tế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam đạt 15 bác sĩ trên 10.000 dân.

Với nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, lĩnh vực đào tạo sức khỏe y, dược hiện nay đã trở thành ngành có sức hút lớn vươn khỏi môi trường truyền thống và ngày càng thu hút mở rộng đối với nhiều cơ sở đào tạo không chuyên mong muốn mở ngành đào tạo y khoa. Điều này tác động lớn đến chất lượng đào tạo thực hành y khoa.

Trước hết, bắt đầu từ tuyển sinh đào tạo, khâu đầu vào đào tạo nhân lực y tế có sự phân hóa rõ rệt, nhìn nhận kết quả điểm chuẩn của kỳ tuyển sinh đại học năm 2023, các trường công lập, như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh lấy điểm chuẩn 27, 28 điểm. Trong khi điểm chuẩn của các trường ngoài công lập cũng tuyển sinh ngành Y khoa có số điểm chuẩn thấp hơn, khoảng 22 điểm và một số trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 hoặc sử dụng kết quả học tập trung học phổ thông (học bạ). Cũng đã có những trường đại học mở ngành đào tạo y khoa năm 2024 thông báo điều kiện xét tuyển học bạ ngành y khoa (trừ y học cổ truyền, dược học) yêu cầu học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ 8,0 trở lên.

Thực tế trên đặt ra vấn đề đáng quan ngại do đầu vào khác nhau, chương trình đào tạo chưa đồng bộ, chưa bảo đảm điều kiện giảng viên, cơ sở thực hành… điểm chuẩn đầu vào các trường đại học y truyền thống luôn ở tốp cao nhưng những trường không chuyên điểm chuẩn vào chỉ bằng điểm sàn trong khi chất lượng nhân lực y tế đóng vai trò quyết định công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để 1 bác sĩ có thể hành nghề được theo quy định hiện nay phải mất thời gian đào tạo tối thiểu 7,5 năm và để 1 bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật điều trị tuyến tỉnh cũng phải mất thời gian đào tạo gần 10 năm, đây là một thực tế thách thức lớn với ngành Y tế.
Ngoài ra, một trong những yếu tố phát sinh đáng lo ngại hiện nay là xu thế nhiều trường đại học tuyển sinh ngành Y khoa số lượng lớn nhưng chưa đi đôi với chuẩn bị tốt đội ngũ giảng dạy và cơ sở thực hành đang là vấn đề gây lo ngại đến chất lượng đào tạo bác sĩ sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là xu thế tất yếu của xã hội trong bối cảnh thiếu hụt đội ngũ nhân viên y tế khi các trường tăng quy mô đào tạo sinh viên y khoa trong khi cơ sở thực hành chưa đủ đáp ứng, làm giảm chất lượng thực hành lâm sàng.

Quy mô 01 lớp học 40 đến 50 sinh viên sẽ có điều kiện thực hiện các thao tác hướng dẫn thực hành thuận lợi nhưng số lượng lên tới hàng trăm thì số giờ thực hành tăng, các trường đào tạo y khoa gặp khó khăn khi tìm chỗ thực hành cho sinh viên. Trong khi, sinh viên y khoa trước khi ra trường cần vững vàng kiến thức căn bản, kiến thức y khoa và thuần thục trong thực hành lâm sàng, do đó, yêu cầu về số lượng người học đáp ứng chuẩn cho 01 phòng bệnh với 50 bệnh nhân chỉ nên có 25 sinh viên thực tập với ê kíp y bác sĩ nhiều kinh nghiệm hướng dẫn chu đáo thì sau khi tốt nghiệp sinh viên mới có thể đáp ứng tốt các tiêu chuẩn hành nghề.

Nhưng trên thực tế hiện nay, sự mở rộng các trường đào tạo về y khoa xuất phát từ nhu cầu xã hội, số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào trường y luôn cao, chỉ tiêu tuyển lớn của một số trường từ 100 – 200 lên đến 800 – 1.000 chỉ tiêu, quy mô sinh viên tăng nhưng số lượng và chất lượng cơ sở thực hành không tăng dẫn đến nhiều trường cùng gửi sinh viên thực hành vào 1 bệnh viện, mỗi cơ sở thực hành hiện có sinh viên của 5 – 6 trường cùng tham gia thực tập làm giảm trầm trọng chất lượng thực hành của sinh viên y khoa một cách hệ thống.

Thực trạng này đòi hỏi giải pháp có tính đồng bộ và căn cơ, bởi lẽ, khi đào tạo thực hành nếu vượt quá số lượng sinh viên theo quy định sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng thực hành của người học, ngoài ảnh hưởng chuyên môn còn làm giảm hiệu quả kỹ năng giao tiếp của người học với bệnh nhân. Với lượng sinh viên thực hành đông đến rất đông làm hạn chế việc sinh viên tiếp cận bệnh nhân và nếu không thực hành được kỹ năng giao tiếp, kỹ năng hỏi bệnh thì các kỹ năng thăm khám lâm sàng sẽ khó được thực hiện. Và nếu số lượng sinh viên vượt quá quy định trên 10 – 20 sinh viên cùng tập trung hỏi bệnh 01 bệnh nhân ngay tại lúc bệnh nhân đang mệt mỏi và đau thì bệnh nhân không thể tương tác như mong muốn và không hợp tác với sinh viên thực tập được chính xác.

Sinh viên y khoa đến giai đoạn đi thực hành luôn cần đội ngũ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” các kỹ năng thực hành lâm sàng để nắm bắt thành thạo các thao tác chuẩn, tuy nhiên, đội ngũ bác sĩ có kinh nghiệm ở các bệnh viện không đủ thời gian để hướng dẫn chu đáo từng sinh viên nếu sinh viên đi thực hành với nhóm đông từ 20-30 hay 50-100 sinh viên như hiện nay thì không thể nắm bắt hết các thao tác (sinh viên chỉ có thể ngồi hành lang bệnh viện nghe thực hành…). Chưa kể hiện nay các trường đại học hoạt động theo cơ chế tự chủ, các bệnh viện thực hành lâm sàng cũng hoạt động tự chủ dẫn đến việc sinh viên y khoa sẽ chịu gánh nặng học phí kép, đó là học phí trong 6 năm học đại học và đến khi ra trường tham gia thực hành lâm sàng 10 – 12 tháng tại các bệnh viện tiếp tục phải chi trả kinh phí học thực hành.

Đào tạo thực hành là giai đoạn chuẩn bị thực thụ nhất đối với bất kỳ sinh viên y khoa, nếu đào tạo thực hành thiếu chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu chính sách đầu tư thỏa đáng thì kết quả này liền tác động trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực y tế. Bài học kinh nghiệm cho chúng ta thấy hầu hết các nước trên thế giới đều dành sự đầu tư rất lớn cho đào tạo nhân lực ngành Y, đầu tư quy mô chất lượng công nghệ mô phỏng để sinh viên phát triển các kỹ năng thực hành, đánh giá sát sao trước khi tiếp cận chính thức bệnh nhân.

3. Công tác quản lý đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe

Vấn đề cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe trong giai đoạn hiện nay cần đặt trong bối cảnh chung của quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế. Theo báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024 của Bộ Y tế chỉ ra một số nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó nhấn mạnh nhiều cơ chế, chính sách và mô hình tổ chức hoạt động đối với lĩnh vực y tế đang trong quá trình chuyển đổi… Ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của người dân chưa cao, đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân còn hạn chế…

Nước ta đang trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các cơ chế chính sách và mô hình tổ chức hoạt động đối với lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân chưa bắt kịp với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, quá trình hội nhập; chính sách đãi ngộ cho cán bộ y tế còn chưa phù hợp, chưa tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động và môi trường, điều kiện làm việc, nhất là ở miền núi, nông thôn, y tế cơ sở; cơ chế tài chính chậm được đổi mới, giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ các cấu phần chi phí gây khó khăn trong việc tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế.

Trên thực tế, Bộ Y tế đã ban hành quy định cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe, từ năm 1996 tại Thông tư số 04/BYT-TT và đã phát huy hiệu quả về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Tuy nhiên, tính từ năm 1996 đến nay (hơn 30 năm), tại Hà Nội, có bệnh viện Đại học Y Hà Nội thuộc Đại học Y Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh, hiện cũng chỉ có Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là có bệnh viện thuộc đại học, các trường đào tạo y khoa còn lại đều phải ký kết hợp đồng giữa trường – viện với các bệnh viện bên ngoài. Trong khi hầu hầu hết các nước trên thế giới và khu vực, trường đào tạo y khoa phải có bệnh viện thực hành để phục vụ hoạt động học tập của sinh viên. Các chuyên gia y khoa tâm huyết đầu ngành hiện nay đều đồng quan điểm cho rằng, một trong tồn tại hạn chế lớn của đào tạo y khoa tại Việt Nam hiện nay là đào tạo nhưng thiếu bệnh viện thực hành.

Thời gian qua, Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan ban ngành chức năng liên quan đã tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về lĩnh vực này, năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 05/10/2017 quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (viết tắt là Nghị định 111/NĐ) theo đó tất cả hoạt động đào tạo thực hành sinh viên y khoa kể từ năm 2017 trở đi thống nhất thực hiện theo Nghị định số 111/NĐ.

Tổng kết 7 năm triển khai đến nay (2017-2024), Nghị định số 111/NĐ đã góp phần làm rõ vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ của nhà trường và cơ sở thực hành; sinh viên, học viên y khoa đã được học tập, thực hành lâm sàng tại các cơ sở thực hành tốt hơn, gắn kết giữa cơ sở giáo dục và cơ sở thực hành, các bên cùng trao đổi về đội ngũ nhân lực, trình độ chuyên môn, các cán bộ của cơ sở thực hành tham gia giảng dạy cho cơ sở giáo dục đào tạo và ngược lại; mở ra cơ hội các trường đào tạo khối ngành sức khỏe chấn chỉnh, chăm lo quan tâm tổ chức chương trình thực hành bài bản, nề nếp, chặt chẽ và hiệu quả.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai thực tế, Nghị định số 111/NĐ vẫn cần được điều chỉnh sát hợp thực tế đặc biệt là điều chỉnh vấn đề xác định chi phí đào tạo thực hành khi các cơ sở bệnh viện chuyển dần sang tự chủ một phần hoặc tự chủ hoàn toàn, cần đơn giản thủ tục hành chính và điều chỉnh các quy định chuyên môn phù hợp hơn.

Kể từ ngày 01/01/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành với một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đã được Chính phủ và Bộ Y tế ban hành trong đó phải kể đến Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2024 có hiệu lực kể từ 01/01/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh; hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia trong kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề.

Công tác kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 01/01/2027 đối với bác sĩ, từ 01/01/2028 đối với y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y. Tuy nhiên, để văn bản quy phạm phát huy hiệu quả, lộ trình này cần nhiều thời gian hơn trên thực tế nhằm điều chỉnh chặt chẽ về mặt quản lý nhà nước, thúc đẩy quá trình hiệp đồng của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tạo cơ chế phối hợp thực hiện mục tiêu nói trên và còn cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, thí điểm, tổng kết để đánh giá tính hiệu quả trên thực tế mới có cơ sở chính thức triển khai.

Hiện nay, cả nước có 32 cơ sở được phép đào tạo bác sĩ đa khoa, số bác sĩ tốt nghiệp năm 2020 là 12.254, dự kiến đến năm 2025 sẽ đào tạo được 60.900. Con số đó đáp ứng được nhu cầu theo xu hướng gia tăng dân số và nhu cầu của sự phát triển. Tuy nhiên, kéo theo đó là những bất cập tăng số lượng cơ sở đào tạo không theo quy hoạch; các trường ngoài công lập gia tăng số lượng và tuyển sinh cao hơn các trường truyền thống. Trong khi tăng quy mô tuyển sinh, hình thức đào tạo thì vấn đề đầu ra chưa được kiểm soát. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng, thiếu nhân lực phù hợp ở tuyến cơ sở. Hệ thống chính sách chưa phân rõ hướng đào tạo để hình thành năng lực nghiên cứu và năng lực thực hành khám chữa bệnh, do đó chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo chưa đáp ứng, chưa bám sát với nhu cầu thực tế.

4. Đề xuất một số giải pháp cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành sức khỏe trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, cần tính đến Luật hóa các quy định về bảo đảm chất lượng đào tạo thực hành khối ngành khoa học sức khỏe là một trong nhiệm vụ quốc gia. Coi đây là nhiệm vụ được chế tài của pháp luật để không chỉ là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân mà đây còn là nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trên cơ sở chăm sóc tốt sức khỏe của tuyệt đại bộ phận người dân, đội ngũ công nhân, đội ngũ lao động trí thức, bảo đảm tốt sức khỏe lực lượng công an, quân đội làm nhiệm vụ thường trực chính quy bảo vệ an ninh tổ quốc. Trước hết nhân lực y tế là thành phần cốt lõi vô cùng quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ y tế có chất lượng, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe.

Thứ hai, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã quy định việc kiểm tra, đánh giá năng lực, phục vụ cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo thông lệ quốc tế do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức. Cần thiết xây dựng cơ chế để có thể huy động tổng thể hệ thống chính trị bảo đảm nguồn lực để triển khai thuận lợi các hoạt động của Hội đồng y khoa quốc gia. Nếu sự mở rộng đầu vào của các cơ sở đào tạo nhân lực y tế không chuyên hiện nay là xu thế tất yếu thì Hội đồng y khoa quốc gia sẽ là biện pháp quản lý nhà nước siết lại chất lượng đầu ra bằng hệ thống kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề được thực hiện từ 01/01/2027 đối với bác sĩ và từ 01/01/2028 đối với y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y.

Cần bố trí đủ nguồn lực để Hội đồng có thể triển khai các hoạt động theo quy định của pháp luật bảo đảm tính minh bạch, khách quan khi triển khai đánh giá năng lực của đội ngũ nhân viên, cán bộ y tế trước khi hành nghề. Kể từ giai đoạn này trở đi, chất lượng thực hành của sinh viên y khoa trước ngưỡng cửa chính thức trở thành nhân viên, cán bộ y tế sẽ được hỗ trợ đắc lực bởi quy định của pháp luật về kiểm tra, sát hạch trình độ tay nghề đạt chuẩn mới được cấp phép hành nghề và kiểm tra sát hạch định kỳ, thường xuyên, liên tục như là công cụ bổ trợ để y, bác sĩ có cơ hội, điều kiện liên tục củng cố nâng cao tay nghề trong xu thế hội nhập.

Thứ ba, cần rà soát để tính toán đầu tư nâng cấp hoặc thành lập mở rộng hệ thống cơ sở thực hành của cả nước phù hợp lộ trình đào tạo nhân lực y tế, đặc biệt là các cơ sở thực hành gắn với các vùng miền địa phương để phát triển y tế cơ sở, để giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối, xử lý tốt các bệnh lý có thể chữa trị tốt tại địa phương, tiến tới ngày một nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở khi Hội đồng y khoa Quốc gia đã vận hành tốt các kỳ kiểm tra, sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề đồng bộ với hệ thống chính sách hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ thì cơ cấu bác sĩ giỏi có chuyên môn cao sẽ tiệm cận sự phân bố hợp lý, có độ bao phủ đều các vùng miền cả nước, hình thành mô hình cơ sở đào tạo y khoa, cơ sở thực hành và địa phương hiệp đồng tạo môi trường làm việc và chính sách hỗ trợ thuận lợi cho bác sĩ có điều kiện thuận lợi phát triển nâng cao tay nghề chuyên môn, phát triển thăng tiến nghề nghiệp và tâm huyết, gắn bó nơi công tác.

Thứ tư, cần tổ chức nghiên cứu sâu vào thực tiễn, hoàn thiện cơ chế, chính sách cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội, trong đó có chính sách lớn ưu tiên đầu tư cải thiện chất lượng đào tạo thực hành khối ngành khoa học sức khỏe nhắm đến 4 đối tượng chính là sinh viên y khoa trong giai đoạn thực hành, trường đào tạo y khoa, cơ sở bệnh viện thực hành và bệnh nhân tham gia phục vụ đào tạo thực hành. Mục đích là nhà trường và bệnh viện được tạo cơ chế giải quyết phù hợp vấn đề chi phí trong công tác kết hợp trường – viện khi thực hiện tự chủ. Đồng thời, sinh viên y khoa đi thực hành không phải chi trả kinh phí học thực hành và được Nhà nước có chính sách trợ cấp phí nhất định đối với vị trí thực tập sinh y khoa trên cơ sở xây dựng quy định chương trình đào tạo thực hành đạt chuẩn năng lực và người bệnh được hưởng thù lao nhất định khi tham gia ngẫu nhiên bất cứ quy trình phỏng vấn nào phục vụ cho công tác đào tạo thực hành.

Thứ năm, nghiên cứu hoàn thiện, sớm vận hành chính sách hỗ trợ sinh viên y khoa nhằm hỗ trợ học phí với các cam kết đi kèm sau khi ra trường sẽ làm việc theo sự phân công của nhà nước. Điều này giúp bảo đảm nguồn sinh viên, đặc biệt là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, có cơ hội đạt được nguyện vọng để trở thành bác sĩ. Đồng thời, giải quyết được vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực y tế tại các vùng sâu, vùng xa, vùng thiếu bác sĩ, đạt mục tiêu bao phủ cơ cấu cân đối phù hợp nguồn nhân lực y tế trên cả nước.

Thứ sáu, nghiên cứu kỹ lưỡng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để xây dựng Bộ tiêu chuẩn năng lực của cơ sở thực hành và thực hiện rà soát đánh giá lại toàn bộ bệnh viện trong cả nước hiện nay để có một quy hoạch tổng thể hệ thống bệnh viện đủ tiêu chuẩn làm cơ sở thực hành cho sinh viên y khoa. Trên cơ sở đó, Nhà nước quy định chính sách phân bổ ngân sách cho các bệnh viện đủ điều kiện là cơ sở thực hành lâm sàng theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ thực hành cho các bác sĩ sau khi tốt nghiệp đại học. Trên cơ sở hoàn chỉnh về Bộ tiêu chuẩn năng lực của bệnh viện là cơ sở thực hành thì sẽ có quy định giám sát chặt chẽ, kiểm tra định kỳ/đột xuất về năng lực đào tạo của các trường có đào tạo ngành y, từng bước chuẩn hóa năng lực các trường đào tạo y khoa, bảo đảm cân bằng đồng đều chất lượng cả hai nơi cơ sở đào tạo và cơ sở thực hành.

Tài liệu tham khảo:
1. Thông tư số 04/BYT-TT ngày 06/4/1996 của Bộ Y tế quy định kết hợp trường đại học y thuộc ngành y tế và bệnh viện trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ người bệnh.
2. Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 05/10/2017 của Chính phủ quy định tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khoẻ.
3. Nghị định số 96/2023/NĐ-CP ngày 01/01/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, hướng dẫn thực hành trong khám bệnh, chữa bệnh.
4. Quyết định số 869/QĐ-BYT ngày 08/4/2024 của Bộ Y tế quyết định phê duyệt “Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030, định hướng 2025”.
5. Báo cáo số 11/BC-BYT ngày 04/01/2024 của Bộ Y tế báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2024.