Nguyễn Thị Thu Hằng
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong những năm qua, công tác tạo động lực làm việc cho viên chức tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch đã đạt những kết quả quan trọng, thể hiện ở thành tích đơn vị đạt được trên nhiều mặt hoạt động. Tuy nhiên, tiềm năng con người trong đơn vị vẫn còn lớn, nếu hoàn thiện một số giải pháp tạo động lực làm việc sẽ phát huy hơn nữa vai trò của viên chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc; đồng thời, càng làm sâu sắc, bền chặt thêm mối quan hệ gắn bó, đoàn kết trong đơn vị.
Từ khóa: Động lực; tạo động lực làm việc; Khu Di tích; Phủ Chủ tịch.
1. Đặt vấn đề
Ở Việt Nam, cải cách hành chính cùng xu thế hội nhập, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các lĩnh vực trên bình diện quốc gia. Công cuộc cải cách hành chính và hội nhập thế giới không thể thành công nếu thiếu nguồn nhân lực có đủ năng lực, trình độ và động lực làm việc. Khi được tạo động lực làm việc, cán bộ, công chức, viên chức sẽ có “tiếng nói bên trong” thúc đẩy hành vi hướng tới phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội. Yếu tố niềm tin, thái độ hướng tới những giá trị chuẩn mực của khu vực công chính là đặc điểm khác biệt của động lực làm việc mà các tổ chức trong khu vực tư không có được. Do đó, nghiên cứu tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt để thúc đẩy nỗ lực làm việc phục vụ lợi ích công.
Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu Di tích) là di tích Quốc gia đặc biệt, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 – 1969). Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của tạo động lực làm việc đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động, các thế hệ lãnh đạo, quản lý Khu Di tích đã áp dụng nhiều biện pháp tạo động lực thúc đẩy viên chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tạo động lực cho viên chức Khu Di tích vẫn còn tồn tại hạn chế, như: về chế độ đãi ngộ, công việc, môi trường làm việc… cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh, bổ sung để thúc đẩy viên chức cố gắng, nỗ lực hơn nữa trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, tiềm năng con người trong đơn vị còn nhiều, nếu triển khai những giải pháp phù hợp sẽ phát huy hơn nữa vai trò chủ động, sáng tạo và ý thức trách nhiệm của viên chức để hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt là những nhiệm vụ khó, mang tính thử thách.
2. Thực trạng tạo động lực làm việc của viên chức Khu Di tích
Khu Di tích là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Khu Di tích có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Khu Di tích có chức năng, nhiệm vụ bảo quản và phát huy giá trị các di tích, tài liệu, hiện vật về cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch từ năm 1954 đến tháng 9/1969.
Về cơ cấu tổ chức và nhân sự: Khu Di tích có 5 phòng chuyên môn, nghiệp vụ. Số biên chế viên chức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao năm 2024 là 50 chỉ tiêu. Tính đến thời điểm ngày 01/5/2024, số viên chức có mặt là 44 người, trong đó nam giới: 12 người, chiếm 27,3%; nữ: 32 người, chiếm 72,7%. Theo ngạch viên chức: chuyên viên chính: 7 người, chiếm 15,9%; chuyên viên: 7 người, chiếm 15,9%; di sản viên II: 3 người, chiếm 6,8%; di sản viên III: 25 người, chiếm 56,8%; ngạch viên chức khác: 2 người, chiếm 4,6%. Theo trình độ chuyên môn: thạc sỹ: 20 người (45,5%); cử nhân 24 người (54,5%).
Về tạo động lực làm việc cho viên chức: Khu Di tích đã đề ra mục tiêu cho viên chức bảo đảm nguyên tắc SMART, bao gồm: mục tiêu mang tính cụ thể, đo lường được, có thể đạt được, có tính thực tế và có thời hạn thực hiện. Mục tiêu mang tính thử thách, độ khó của nhiệm vụ được giao tạo động lực làm việc cho viên chức nỗ lực thực hiện.
Phân công nhiệm vụ hợp lý, công bằng, phù hợp với trình độ, năng lực cùng với sự ổn định, mức độ tự chủ cao đã tác động tích cực đến kinh nghiệm, năng lực, sở trường của viên chức. Viên chức có động lực làm việc tốt hơn khi nhận thấy kết quả phụ thuộc nhiều vào nỗ lực, sáng kiến, quyết định của chính mình. Khu Di tích cũng tạo điều kiện cho viên chức luân chuyển công việc theo nguyện vọng. Điều này đã giúp một số viên chức thay đổi môi trường, loại bỏ sự nhàm chán trong công việc, kích thích tìm hiểu, tích lũy kinh nghiệm mới ở những công việc khác nhau để phát triển bản thân. Hằng năm, thực hiện đánh giá, xếp loại và sử dụng kết quả đánh giá khách quan, công bằng. Sự công bằng, khách quan trong đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá cũng là yếu tố quan trọng kích thích viên chức phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu trong thực thi công việc để nhận được mức độ đãi ngộ xứng đáng.
Văn hóa Khu Di tích đề cao kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, trách nhiệm. Bầu không khí tại Khu Di tích thuận lợi, tích cực, dân chủ, hỗ trợ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Không gian làm việc tại Khu Di tích mang giá trị thiêng liêng, có ý nghĩa chính trị, văn hóa quan trọng đối với quốc gia. Ý nghĩa của môi trường làm việc đã góp phần tạo nên sức mạnh nội tại, tác động sâu sắc tới niềm vinh dự, tự hào và lòng mong muốn làm việc của viên chức. Tập thể Khu Di tích luôn đoàn kết, sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ nhau, đặc biệt là trong những công việc trọng tâm, những nhiệm vụ khó khăn để đạt được thành tích tốt nhất. Người đứng đầu đã khích lệ được viên chức đoàn kết, nỗ lực phát huy sở trường, kiến thức, kỹ năng, chủ động xử lý công việc; đồng thời, dân chủ tiếp thu ý kiến và chú trọng sự phản hồi, đặc biệt là phản hồi tích cực đối với kết quả thực hiện công việc của viên chức.
Bên cạnh đó, Khu Di tích thực hiện chính sách công bằng, không có sự khác biệt quyền lợi trong các khoản tiền lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, tiền thưởng và chế độ phúc lợi; bảo đảm chi trả công khai, minh bạch, đầy đủ, đúng hạn, kịp thời các khoản thanh toán để viên chức yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tốt về tạo động lực làm việc vẫn còn tồn tại một số vấn đề như sau:
Cường độ làm việc cao và sự quá tải công việc phần nào gây nên cảm giác mệt mỏi đối với viên chức. Mỗi năm, Khu Di tích đón trung bình hơn 2 triệu khách tham quan trong nước và quốc tế. Khu Di tích mở cửa đón khách tham quan 365 ngày/năm. Một số bộ phận bắt đầu làm việc từ 4 giờ 30 phút (mùa hè) hoặc 5 giờ sáng (mùa đông) và có thể kéo dài đến 21 – 22 giờ khi có yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị. Vào những ngày cuối tuần, đặc biệt là các dịp lễ, Tết và ngày kỷ niệm liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, khách tham quan đông gấp nhiều ngày thường, cơ quan mở cửa đón khách sớm, đóng cửa muộn, viên chức làm việc thông trưa, không có giờ nghỉ. Lượng khách đông cũng gây áp lực lớn lên môi trường, do đó, bảo đảm vệ sinh, nâng cao chất lượng phục vụ là công tác đặc thù không kém phần quan trọng.
Việc phải đi làm ngày thứ Bảy và Chủ nhật, viên chức được sắp xếp nghỉ bù, tuy nhiên, hầu hết viên chức không nghỉ hết ngày nghỉ bù, nghỉ phép, đặc biệt là viên chức quản lý vì ngoài các nhiệm vụ liên quan đến đón tiếp khách, viên chức còn thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đòi hỏi nhiều thời gian, như: nghiên cứu khoa học; nghiên cứu hồ sơ tài liệu hiện vật nâng cao chất lượng thuyết minh; sắp xếp, bảo quản tài liệu hiện vật lưu giữ; thực hiện công tác tu bổ, sửa chữa nhỏ… Ngoài chuyên môn, một số viên chức còn kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể với khối lượng công việc nhiều.
Viên chức Khu Di tích chịu áp lực công việc và yêu cầu đạt hiệu quả cao. Công việc của viên chức bảo quản đòi hỏi tính cẩn trọng cao nhất vì một sai sót nhỏ cũng có thể gây nguy hại khôn lường đến những giá trị di sản vô giá, thiêng liêng. Công tác thuyết minh về Chủ tịch Hồ Chí Minh có mức độ ảnh hưởng rộng đến toàn xã hội nên yêu cầu phải bảo đảm tính chính xác cao nhất. Viên chức phụ trách bộ phận bảo vệ, kỹ thuật phải bảo đảm yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ mục tiêu trọng yếu… Do đó, mỗi công việc của viên chức đều có áp lực riêng.
Chính sách tiền lương theo ngạch, bậc quy định của Nhà nước còn mang tính bình quân, chưa bảo đảm cuộc sống của một số viên chức, đặc biệt là viên chức trẻ. Chế độ hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm còn có điểm bất hợp lý. Các công việc lưu trữ, văn thư, thủ quỹ ngày tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên với tài liệu lưu trữ, máy móc, thiết bị… tiềm ẩn nấm mốc độc hại nhưng không thuộc nhóm đối tượng được hưởng phụ cấp độc hại.
3. Một số giải pháp tạo động lực làm việc cho viên chức Khu Di tích
Một là, xây dựng động lực làm việc trở thành văn hóa Khu Di tích. Trong bối cảnh cường độ làm việc liên tục, áp lực của viên chức Khu Di tích khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, khó có thể gia tăng các yếu tố kích thích tài chính thực sự hiệu quả thì cần đặc biệt chú trọng những yếu tố mang lại cảm giác thỏa mãn về tinh thần. Giải pháp này đặt trọng tâm vào sự khuyến khích viên chức tự tạo động lực làm việc trong chính bản thân mỗi người trên tinh thần tự nguyện cống hiến. Tạo động lực làm việc cho viên chức phải gắn liền với sứ mệnh bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Khu Di tích là nơi thiêng liêng trong tâm tưởng của Nhân dân cả nước, được làm việc tại Khu Di tích, được cống hiến trong môi trường gắn liền với di sản của Bác Hồ là niềm tự hào, vinh dự của viên chức.
Việc khẳng định và đề cao tính chất thiêng liêng của môi trường gắn liền với Di tích Quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể xem là nội dung cốt lõi, quan trọng, xuyên suốt trong tạo động lực làm việc cho viên chức Khu Di tích. Khi viên chức thấm thía giá trị tinh thần cao cả và niềm vinh dự, tự hào được thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ sẽ tự tạo động lực để bản thân vượt qua những giai đoạn khó khăn hay cao điểm của công việc. Đồng thời, thông qua công việc, viên chức càng được bồi đắp thêm tình cảm trân trọng, yêu quý, gắn bó với đơn vị.
Hai là, thực hiện quản lý công việc theo mục tiêu. Thiết lập quản lý công việc theo mục tiêu là giải pháp mang ý nghĩa trọng tâm để tạo động lực làm việc cho viên chức Khu Di tích. Giải pháp giúp đơn vị bám sát nhiệm vụ được giao, tránh bỏ sót công việc trong bối cảnh khối lượng công việc nhiều và áp lực cao.
Muốn thiết lập mục tiêu thành công cần bảo đảm nguyên tắc: rõ ràng, thách thức, cam kết, phản hồi, độ phức tạp của công việc. Mục tiêu rõ ràng, cụ thể, chi tiết, có thể lượng hóa, có thời gian, lộ trình cụ thể giúp viên chức biết rõ cần làm gì để đạt được. Phải xác định mức độ thách thức hợp lý của mục tiêu, nếu mục tiêu dễ dàng thì không hấp dẫn, mục tiêu quá khó lại gây sự nản lòng. Do đó, độ khó của mục tiêu phải hợp lý để kích thích lòng mong muốn chinh phục, thể hiện năng lực của viên chức. Xây dựng mục tiêu thách thức nên kèm theo phần thưởng mang tính động viên.
Bên cạnh đó, mục tiêu đòi hỏi phải có sự cam kết để viên chức thể hiện trách nhiệm thi hành và chịu trách nhiệm về kết quả cuối cùng. Trong quá trình thực hiện mục tiêu, viên chức cần nhận được phản hồi nhanh chóng, đặc biệt là phản hồi tích cực của người lãnh đạo, quản lý để định hướng công việc tiếp theo. Một yếu tố quan trọng khác phải bảo đảm xác định độ phức tạp của nhiệm vụ được giaomột cách hợp lý, tránh tình trạng quá tải công việc, gây cảm giác mệt mỏi cho viên chức đảm nhận.
Để thực hiện quản lý công việc theo mục tiêu, cần chia nhỏ đến mức tối đa mục tiêu lớn thành các mục tiêu thành phần. Mục tiêu chung của Khu Di tích là cơ sở để xác định mục tiêu riêng của từng phòng, từ mục tiêu của phòng để xác định mục tiêu của bộ phận, mục tiêu của cá nhân. Đối với mỗi cấp độ mục tiêu, phân tích mục tiêu càng cụ thể, chi tiết thì tính khả thi càng cao. Có thể áp dụng xây dựng mục tiêu theo mô hình bậc thang. Khi hoàn thành bậc thang thứ nhất, viên chức xác định rõ được nhiệm vụ ở bậc thang kế tiếp để lập kế hoạch thực hiện. Điều này tạo ra tâm thế lao động tốt, góp phần giúp viên chức chủ động, vững vàng trước cả những thuận lợi, khó khăn đan xen trong quá trình đạt tới mục tiêu đề ra.
Ba là, đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện điều kiện làm việc. Khu Di tích cần tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác bảo quản di tích. Ứng dụng quét mã QR giảm tải lượng khách tập trung vào một số di tích trung tâm. Nghiên cứu, lựa chọn đặt mã QR tại các vị trí có khoảng không gian thoáng, rộng để tránh gây ùn tắc hành trình tham quan, vừa bảo đảm cung cấp cho khách những thông tin cơ bản về các di tích, tài liệu hiện vật.
Tiếp tục nâng cấp trang thông tin điện tử của Khu Di tích, tích hợp những tính năng mới, cho phép người xem trải nghiệm dưới các hình thức đa dạng, như: triển lãm online, video chất lượng cao, tham quan 3600, đăng ký tham quan trực tuyến, tham gia giáo dục di sản online… Xây dựng hệ thống tra cứu thông minh hỗ trợ du khách dễ dàng tìm kiếm thông tin. Thực hiện bán vé online trên các nền tảng số. Thường xuyên bảo dưỡng hệ thống máy móc, thiết bị bảo đảm vận hành thông suốt.
Chú trọng nghiên cứu khoa học, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của các bảo tàng, di tích trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản để ứng dụng vào thực tiễn Khu Di tích. Mua sắm bổ sung máy móc, thiết bị mới phục vụ công tác bảo quản di tích, chăm sóc cảnh quan môi trường, thuyết minh giới thiệu… Với sự hỗ trợ hiệu quả của khoa học – công nghệ, viên chức sẽ được giảm bớt hao phí sức lao động và nâng cao kỹ năng, kiến thức chuyên môn trong quá trình xử lý những tác động không mong muốn của môi trường đến các di tích, tài liệu hiện vật, cảnh quan di tích và đáp ứng tốt hơn thị hiếu ngày càng cao của khách tham quan.
5. Kết luận
Trong bối cảnh Khu Di tích đang thực hiện chuỗi hoạt động trọng tâm kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (1969 – 2024), 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954 – 2024), việc tiếp tục tăng cường các giải pháp tạo động lực làm việc sẽ giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Hành chính Quốc gia (2014). Động lực làm việc trong tổ chức hành chính nhà nước. H. NXB Bách Khoa.
2. Nguyễn Thị Hồng (2020). Giáo trình tạo động lực lao động. H. NXB Lao động – Xã hội.
3. Nguyễn Thị Vân Hương (2015). Tìm hiểu về môi trường và động cơ làm việc trong khu vực công. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật.
4. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2023). Báo cáo thực trạng số lượng, chất lượng đội ngũ viên chức. Hà Nội.
5. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2023). Quy chế tổ chức và hoạt động.Hà Nội.
6. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (2024). Đề án vị trí việc làm.
7. Nguyễn Trang Thu (2013). Tạo động lực làm việc cho người lao động trong tổ chức. H. NXB. Giáo dục Việt Nam.
8. Ứng dụng quét QR Code để phát huy giá trị di tích Nhà sàn trong Khu Di tích Phủ Chủ tịch. https://www.quanlynhanuoc.vn/2023/08/08/ung-dung-quet-qr-code-de-phat-huy-gia-tri-di-tich-nha-san-trong-khu-di-tich-phu-chu-tich, ngày 08/8/2023.