ThS. Ngô Đức Thắng
Trường Đại học Cảnh sát nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong những năm qua diễn biến phức tạp, số lượng vi phạm và số vụ tai nạn giao thông còn cao, trong đó số vụ tai nạn và số vụ vi phạm pháp luật do người điều khiển xe ô tô tải gây ra khá nhiều. Chính những vấn đề trên có tác động không nhỏ đến việc thực hiện công tác quản lý trật tự an toàn giao thông và hoạt động phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông nói chung, phòng ngừa vi phạm do người điều khiển xe ô tô tải nói riêng.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, trật tự an toàn, giao thông đường bộ, người điều khiển xe ô tô tải, Công an tỉnh Tây Ninh.
1. Đặt vấn đề
Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh và thủ đô Phnôm Pênh, Vương quốc Campuchia, Tây Ninh được xem là một trong những cửa ngõ giao lưu về quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan… đồng thời là tỉnh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, ngành Vận tải đường bộ tỉnh Tây Ninh phát triển khá nhanh theo hướng xã hội hóa cao, tăng cường vận tải hàng hóa bằng ô tô tải. Sự phát triển nhanh chóng đó đáp ứng yêu cầu vận chuyển hơn 70% khối lượng hàng hóa của tỉnh.
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ đơn vị vận tải ở tỉnh Tây Ninh có quy mô còn nhỏ lẻ, phương pháp quản lý thủ công, điều hành yếu kém; ý thức chấp hành pháp luật giao thông của lái xe, chủ xe còn nhiều hạn chế. Thực trạng trên, cộng với một số bất cập của quản lý nhà nước và hoạt động tuần tra, xử lý vi phạm là nguyên nhân dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông ở tỉnh Tây Ninh, trong đó nổi lên là tình trạng tai nạn giao thông và tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe ô tô tải gây ra.
2. Thực tiễn công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô tải của công an tỉnh Tây Ninh
Từ năm 2019 đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 567 vụ, làm chết 281 người và bị thương 401 người, trong đó có 95 tai nạn giao thông vụ do xe tải gây ra (chiếm tỷ lệ 16,75%), 472 vụ còn lại do các phương tiện khác, như: xe taxi, xe ba bánh gắn máy, xe khách, xe buýt, xe du lịch… Cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố 145 vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (chiếm tỷ lệ là 25,57% trên tổng số vụ tai nạn giao thông) với 147 bị can đã bị khởi tố, điều tra. Trong đó, đã khởi tố 95 vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe ô tô tải gây ra với 95 bị can.
Cũng theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh, từ năm 2019 đến năm 2023 đã tiến hành lập biên bản 176.919 trường hợp vi phạm luật giao thông, ra quyết định xử phạt 135.278 trường hợp với tổng tiền phạt 251.917.000.000 đồng. Trong số trường hợp vi phạm luật giao thông có 14.109 trường hợp vi phạm là người điều khiển xe ô tô tải (chiếm tỷ lệ 7,92%).
Tiến hành nắm tình hình về vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông và tình hình tai nạn giao thông do xe ô tô tải gây ra, các điểm đen tai nạn giao thông. Từ kết quả công tác nắm tình hình, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã xác định được những đoạn đường thường xảy ra vi phạm quy tắc giao thông có khả năng dẫn đến tai nạn giao thông, trong đó có phương tiện xe ô tô tải.
Cụ thể, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã xác định được những điểm đen thường xảy ra, tính đến năm 2023 lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh xác định có tổng cộng hơn 500 nút giao thông chủ yếu giao cắt cùng mức có nhiều phương tiện xe ô tô tải lưu thông, có 231 giao lộ có đèn tín hiệu giao thông (phân loại các chốt có đèn tín hiệu giao thông theo A, B, C để bố trí lực lượng là công tác phòng ngừa tai nạn giao thông cho phù hợp); đánh giá có 10 tuyến đường, 52 điểm có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông có liên quan đến xe ô tô tải.
Về quản lý các phương tiện vận tải, năm 2019, số lượng phương tiện lực lượng chức năng đang quản lý trên địa bàn tỉnh gồm 10.767 phương tiện, trong đó phương tiện xe ô tô tải đang quản lý 2.997 và số lượng phương tiện lực lượng chức năng đang quản lý trên địa bàn tỉnh lại tăng vào những năm 2020, năm 2021 và đến năm 2022 số lượng phương tiện đã là 76.725 phương tiện và trong đó ô tô tải chiếm 4.466 phương tiện.
Tính đến năm 2023 số lượng phương tiện lực lượng chức năng đang quản lý trên địa bàn tỉnh đã lên đến đến 101.906 phương tiện các loại. Trong đó, số lượng phương tiện xe ô tô tải đang quản lý là 4.557 phương tiện và các phương tiện khác là 97.349 phương tiện. Qua công tác tổ chức đăng ký, quản lý phương tiện ô tô, lực lượng cảnh sát giao thông đã kịp thời phát hiện những trường hợp nghi vấn, vi phạm quy định về đăng ký, quản lý phương tiện, nhất là các trường hợp không đảm bảo yêu cầu về an toàn kỹ thuật của các phương tiện khi đăng ký, các xe có biểu hiện độ, chế, xe tang vật vi phạm pháp luật.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chiến lược bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành chỉ thị, đề án về tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh Tây Ninh… Tham mưu cho Ban Giám đốc tổ chức triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Tây Ninh, như: kế hoạch tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông các năm 2019, 2020, 2021, 2022 và 2023.
Tiếp tục thực hiện kế hoạch phối hợp với thanh tra giao thông trong việc tổ chức triển khai “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, trọng tâm kiểm tra địa bàn có nhiều xe ô tô tải, như: thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, huyện Trảng Bàng…
Từ năm 2019 đến năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã tham mưu tổng cộng 836 văn bản liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung, trong đó có 86 văn bản liên quan đến phòng ngừa tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra.
Về công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ, thời gian qua lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục pháp luật với tổng cộng 48 lượt tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng; 1.546 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông thu hút 2.137.444 lượt người tham dự (trong đó có 70.524 lượt người lái xe ô tô tải tham dự); cấp phát 2.346 tài liệu, 116 đĩa CD và 425.781 tờ rơi có nội dung tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Nhìn chung, công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia quản lý trật tự an toàn giao thông nói chung và người điều khiển xe ô tô tải nói riêng được lực lượng cảnh sát giao thông chú trọng thực hiện, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng, trong đó có người điều khiển xe ô tô tải. Số lượng tuyên truyền của mỗi hình thức trực tiếp hay qua phương tiện thông tin đều tăng qua mỗi năm từ 2019 đến 2023.
Công tác tuần tra kiểm soát đạt được những kết quả nhất định, năm 2019 tổ chức 15.742 ca tuần tra kiểm soát, huy động 14.226 lượt cán bộ chiến sĩ tham gia; năm 2020 số ca tuần tra kiểm soát tăng lên 16.112 ca, huy động 20.336 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ; năm 2021 tăng lên 16.514 ca tuần tra kiểm soát, 21.342 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ; năm 2022 đã tổ chức 16.753, chỉ đạo 21.259 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ và đến năm 2023 số ca tuần tra kiểm soát đã lên tới 17.103 ca, huy động 21.432 lượt cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ. Qua đó, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã phát hiện và xử lý hơn 176.919 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông của xe ô tô tải vi phạm, xử phạt VPHC và nộp ngân sách nhà nước hơn 251 tỷ đồng. Trong đó, giải quyết 14.109 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến xe ô tô tải. Qua kết quả trên ta thấy số trường hợp vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông của người điều khiển xe ô tô tải gây ra có xu hướng giảm thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định, Cảnh sát điều tra được tiến hành điều tra các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có dấu hiệu tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe ô tô tải thực hiện.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh đã lập hồ sơ xử lý, điều tra ban đầu 1.449 vụ, trong đó có 467 vụ liên quan đến xe ô tô tải (chiếm tỷ lệ 32,2%). Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra mở rộng đối với các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng trở lên lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra theo quy định của pháp luật. Theo đó, từ năm 2019 đến năm 2023 lực lượng cảnh sát giao thông đã phối hợp điều tra 145 vụ tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, trong đó có 95 vụ tội phạm vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ do người điều khiển xe ô tô tải gây ra.
Ngoài ra, trong phối hợp điều tra tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra, lực lượng cảnh sát giao thông đã làm tốt mối quan hệ phối hợp với các lực lượng khác, như: phối hợp với lực lượng Cảnh sát hình sự trong các vụ tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra có dấu hiệu tội phạm với lực lượng kỹ thuật hình sự trong khám nghiệm hiện trường, với Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong những trường hợp có nguy cơ xảy ra cháy nổ.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô tải của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, như: công tác nắm tình hình có liên quan đến quản lý người điều khiển xe ô tô tải gây ra chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên, chưa phát huy được vai trò, tác dụng trong hỗ trợ các biện pháp khác trong hoạt động phòng ngừa, nhất là trong việc khai thác, sử dụng các thông tin từ công tác nắm tình hình vẫn còn nhiều hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong thời gian qua vẫn tập trung vào việc thực hiện trong các đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà chưa được quan tâm thực hiện một cách thường xuyên, với lộ trình cụ thể. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân về việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý người điều khiển xe ô tô tải.
Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đối với phương tiện ô tô tải đã được tiến hành nhưng từ kết quả tuần tra kiểm soát cho thấy khi thực hiện nội dung này vẫn còn chưa thấy được sự phối hợp chặt chẽ giữa các chủ thể, trong quá trình xử lý vẫn còn nhiều trường hợp còn thiếu kiên quyết, chưa xử lý nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật và điều quan trọng là vẫn chưa phát huy tính giáo dục, thuyết phục cũng như răn đe đối với người vi phạm và những trường hợp khác trong xã hội khi tham gia giao thông nói chung.
Những hạn chế trong quá trình thực hiện hoạt động quản lý người điều khiển xe ô tô tải gây ra của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh là do vẫn còn một bộ phận cán bộ chiến sĩ chưa nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của hoạt động này, chưa thấy hết được trách nhiệm của mình trong công tác quản lý người điều khiển xe ô tô tải. Số lượng cán bộ có trình độ chuyên sâu về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho người điều khiển xe ô tô tải chưa đáp ứng. Tình trạng việc chạy theo giải quyết các vấn đề phát sinh từ tai nạn giao thông đã chi phối và ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý người điều khiển xe ô tô tải của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhất là công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông; lãnh đạo Công an cấp huyện đối với các đồng chí làm nhiệm vụ còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục. Việc thực hiện các biện pháp trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và quản lý người điều khiển xe ô tô tải vẫn chưa được lực lượng cảnh sát giao thông kết hợp hài hòa với nhau để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động phòng ngừa.
3. Nhiệm vụ và giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô tải của Công an tỉnh Tây Ninh
Nhận thức được hậu quả tác hại do những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của người điều khiển xe ô tô tải, đặc biệt là hành vi gây tai nạn giao thông, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông tỉnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông nói chung, quản lý người điều khiển xe ô tô tải nói riêng, đặc biệt là những khu vực điểm nóng về tình hình tai nạn giao thông để hoạt động vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tải thật sự an toàn.
Một là, nắm rõ tình hình tham gia giao thông của người điều khiển xe ô tô tải theo chức năng của lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh thông qua các mặt công tác nghiệp vụ, như: nắm tình hình, khảo sát địa bàn, tuyến giao thông, nắm chắc tình hình về đặc điểm, địa lý, dân cư có liên quan và ảnh hưởng đến hoạt động tham gia giao thông của người điều khiển xe ô tô tải; nắm quy luật về thời gian, tuyến giao thông có nhiều phương tiện ô tô tải hoạt động.
Hai là, tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp những chủ trương, biện pháp quản lý trật tự an toàn giao thông cho người điều khiển xe ô tô tải trên địa bàn. Lực lượng cảnh sát giao thông căn cứ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của ngành Công an trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông để tham mưu, đề xuất các nội dung, biện pháp quản lý trật tự an toàn giao thông đối với người điều khiển phương tiện xe ô tô tải nói riêng phù hợp với tình hình thực tế của từng địa bàn cụ thể.
Ba là, tiếp tục tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ cho người điều khiển xe ô tô tải.
Bốn là, tăng cường quản lý phương tiện giao thông và người điều khiển phương tiện giao thông là xe ô tô tải.
Năm là, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, trong đó chú trọng các hành vi vi phạm do người điều khiển xe ô tô tải gây ra.
Sáu là, điều tra giải quyết tai nạn giao thông có liên quan đến người điều khiển xe ô tô tải trên địa bàn. Theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra và các văn bản hướng dẫn của ngành Công an, các cơ quan có thẩm quyền điều tra tai nạn giao thông là các cơ quan Cảnh sát điều tra và lực lượng cảnh sát giao thông ở các cấp.
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô tải của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh trong thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông cần chú trọng thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và công tác tham mưu cho các cấp lãnh đạo đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ đối với người điều khiển xe ô tô tải của lực lượng cảnh sát giao thông. Rà soát lại tất cả các văn bản đang triển khai thực hiện về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và quản lý người điều khiển xe ô tô tải gây ra để xác định tính khả thi của những văn bản này và xác định biện pháp để thực hiện đối với những văn bản đã được ban hành; đối với những văn bản không phù hợp phải tiến hành tham mưu điều chỉnh hoặc thay thế.
Thứ hai, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chủ doanh nghiệp và người điều khiển xe ô tô tải nâng cao ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông đường bộ. Hoàn thiện nội dung tuyên truyền, hướng dẫn, giáo dục pháp luật giao thông. Xây dựng nhiều mô hình với những nội dung phù hợp với đối tượng trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe ô tô tải. Tập trung vào việc phổ biến các quy định về điều khiển phương tiện vận tải hàng hóa, quy định về việc đậu và dừng phương tiện nơi công cộng, ý nghĩa của biển báo, hình thức xử lý và mức độ xử lý đối với hành vi vi phạm, đạo đức của người lái xe…
Lực lượng cảnh sát giao thông trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật giao thông đường bộ cần đặc biệt coi trọng việc phân tích hành vi vi phạm, chỉ rõ tính chất, mức độ nguy hiểm, hậu quả của hành vi vi phạm và những chế tài áp dụng nhằm giúp người điều khiển xe ô tô tải nhận thức đầy đủ và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật giao thông.
Thứ ba, tập trung tiến hành công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình về các tuyến đường, điểm đen mà xe ô tô tải thường gây ra tai nạn để phục vụ hoạt động quản lý người điều khiển xe ô tô tải trên địa bàn. Công tác điều tra cơ bản cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, tỉ mỉ, có trọng tâm, trọng điểm, không nên thực hiện một cách chiếu lệ, tượng trưng, tránh tình trạng quyết liệt trong đợt cao điểm sau đó lại lơ là. Những thông tin thu thập được phải tiến hành chọn lọc, nghiên cứu, xác minh trước khi đưa vào sử dụng đảm bảo tính khách quan, xác thực và có hệ thống. Trên cơ sở đó xác định được những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô tải và sự lơ là trong công tác quản lý xe ô tô tải hiện nay để từ đó tham mưu, đề xuất, kiến nghị lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có biện pháp thay đổi phù hợp.
Thứ tư, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát; xử lý kịp thời vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ do người điều khiển xe ô tô tải gây ra. Tập trung chỉ đạo, củng cố và tổ chức lại lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông từ phòng cảnh sát giao thông tới cấp huyện cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm các chuyên đề, các đợt cao điểm để đề ra các biện pháp phát huy kết quả đạt được và khắc phục những thiếu sót trong quá trình thực hiện.
Lực lượng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải chấp hành nghiêm chỉnh quy trình tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật giao thông của người điều khiển xe ô tô tải. Lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường phát hiện các trường hợp người điều khiển xe ô tô tải vi phạm các quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông.
Thứ năm, thực hiện tốt công tác đăng ký, quản lý phương tiện và điều tra, xử lý tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra. Tổ chức đăng ký, quản lý chặt chẽ các phương tiện xe ô tô tải do lực lượng cảnh sát giao thông trực tiếp quản lý theo quy định. Trong đó, phải chú ý đến việc phát hiện những phương tiện không rõ nguồn gốc, phương tiện không đảm bảo điều kiện để tiếp tục lưu thông, phương tiện thiếu hoặc không bảo đảm các điều kiện an toàn theo quy định hoặc những phương tiện thay đổi kết cấu, thay đổi các bộ phận nhằm thay đổi công suất, thay đổi đặc điểm của phương tiện…
4. Kết luận
Lực lượng cảnh sát giao thông tùy thuộc vào tính chất của phương tiện để có biện pháp nhắc nhở bảo đảm điều kiện hoặc phải thực hiện biện pháp xử lý phù hợp đối với từng phương tiện cụ thể nhằm phòng ngừa tai nạn giao thông do các phương tiện này gây ra.
Khai thác có hiệu quả biện pháp điều tra, xử lý tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra. Thông qua công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra, lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ Công an tỉnh Tây Ninh phát hiện được các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đồng thời tìm ra những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý trật tự an toàn giao thông nói chung cũng như người điều khiển xe ô tô tải nói riêng. Từ đó đề xuất các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông do người điều khiển xe ô tô tải gây ra một cách hiệu quả.
Tài liệu tham khảo:
1. Cục thống kê Tây Ninh (2023). Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Tỉnh Tây Ninh năm 2023.
2. Phòng PC08 Công an tỉnh Tây Ninh (2019, 2020, 2021, 2022, 2023). Báo cáo tổng kết tình hình và kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông năm của lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Tây Ninh.
3. Thủ tướng Chính phủ (2023). Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/5/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.