Tăng cường quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống của người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

ThS. Lý Thị Bé Luyễn
Trường Đại học Trà Vinh

(Quanlynhanuoc.vn) – Lễ hội truyền thống của người Khmer là sản phẩm tinh thần của cộng đồng dân tộc Khmer mang những đặc trưng, không lẫn với dân tộc nào khác, cấu thành nền văn hóa đa dạng và thống nhất của Việt Nam. Lễ hội truyền thống của người Khmer không chỉ phong phú mà còn mang bản sắc riêng, được sáng tạo ra trong quá trình lịch sử, lao động, sản xuất trên quê hương Việt Nam nói chung, tỉnh Trà Vinh nói riêng, bao gồm cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế hóa, song song với cơ hội được giao lưu, hội nhập là nguy cơ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer bị mai một, lãng quên. Chính vì thế, việc tăng cường quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống của người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, lễ hội truyền thống, người Khmer, Trà Vinh.

1. Lễ hội truyền thống người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, tiếp giáp với các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng; có bờ biển dài 65 km, với diện tích tự nhiên là 2.358 km2, gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 7 huyện, với dân số là 1.009.168 người. Trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số là 325.365 người, chiếm 32,24% (dân tộc Khmer là 318.231 người, còn lại là dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số khác)1. Trong quá trình sinh sống cộng cư, đồng bào Khmer ở Trà Vinh đã tạo dựng được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đóng góp vào kho tàng văn hóa đồng bào Khmer ở Việt Nam. Kho tàng văn hoá của người Khmer tại Trà Vinh hội tụ tất cả những di sản văn hóa truyền thống của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, như: ngôn ngữ, chữ viết, thần thoại, truyện cổ tích, truyền thuyết, truyện ngụ ngôn, nghệ thuật sân khấu, âm nhạc đặc sắc; cùng với đó là hàng loạt các di tích văn hoá lịch sử.

Đồng bào Khmer Trà Vinh hiện có 4 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận cấp quốc gia, gồm: Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật Rô băm, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà; 7 di sản văn hóa vật thể được công nhận cấp quốc gia, gồm: Danh lam thắng cảnh Ao Bà Om; chùa Âng; chùa Bodhiculàmani (Ấp Sóc); chùa Bodhisalaraja (Kom Pong); chùa Ba Si (Chùa PySeyVaRaRam); chùa Teakhinasakor Ta Lôn (chùa Cái Cối); chùa Giác Linh (chùa Dơi); 15 si sản văn hóa vật thể cấp tỉnh, gồm: chùa SatharamVanTa (Tà Rom); chùa Sattharinadi Pro Khup (Trà Khúp); chùa Chrôi Tan Sa (bãi Xào Giữa); chùa Can Snom (Căn Nom); chùa VelLac (Lạc Hòa); chùa Pnô Om Pung (Sirivansaràma); chùa Chông Bát; chùa Krapoumchhouk chral (chùa Chà); chùa Phnô Sanke Thmây (chùa Mé Láng); chùa Sàlavana (chùa Tà Ốt); chùa Uttamabhirìràjamandìr); chùa Pla Pang (chùa Sôrinriachaprưe); chùa Đom Bot Bi; chùa Lò Gạch; chùa Trốt Lích; chùa Ô Chhuc.

Ngoài ra, trong kho tàng văn học dân gian, đồng bào dân tộc Khmer vẫn còn lưu giữ được nền sân khấu truyền thống hát Dù kê. Đây là loại hình sân khấu ca kịch được ra đời trên cơ sở kế thừa Rô băm. Vào các dịp lễ hội lớn trong năm (như lễ hội Sene Dolta và Ok Om Bok), các vở diễn của nghệ thuật Dù kê sẽ được biểu diễn tại các ngôi chùa, trở thành một điểm nhấn nổi bật thu hút được sự quan tâm của tất cả mọi người tham gia. Những ngày lễ quan trọng trong năm cũng chính là những dịp tổ chức các hình thức sinh hoạt ca vũ dân gian với phần biểu diễn kèm theo điệu lâm thôn và dàn nhạc ngũ âm – một nhạc khí đặc trưng của đồng bào Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Đồng bào dân tộc Khmer có kho tàng nhạc khí dân tộc đa dạng, mang đặc trưng riêng của văn hóa dân tộc, đó là nghệ thuật Chầm riêng chà pây (chầm riêng nghĩa là hát, chà pây tức là cây đàn chà pây), một loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian có từ lâu đời.

Tính cộng đồng của người Khmer và sự gắn kết cộng đồng dân tộc thông qua nhà chùa và lễ hội truyền thống thể hiện rất đậm nét. Phật giáo Nam tông, sư sãi và ngôi chùa Khmer có một vai trò, vị trí hết sức đặc thù trong cộng đồng dân tộc Khmer. Trong đời sống tinh thần của đồng bào Khmer Trà Vinh, ngôi chùa không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, thực hiện các lễ nghi mà còn được xem là trung tâm văn hóa cộng đồng, nơi diễn ra các nghi lễ cũng như nơi giáo dục của đồng bào Khmer. Chùa thường ở vị trí trung tâm của phum, sóc với nghệ thuật kiến trúc vô cùng độc đáo. Ngoài thờ tự Đức Phật Thích Ca ở trung tâm khu chính điện, các ngôi chùa Khmer vẫn tồn tại một hệ thống phong phú linh thần, linh thú – những dấu vết còn lại của tín ngưỡng Bà la môn và tín ngưỡng dân gian chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ.

Chùa của người Khmer ngoài chức năng tôn giáo còn là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội dân gian truyền thống, lễ hội tôn giáo và là nơi bảo tồn lưu trữ các di sản văn hóa của đồng bào Khmer để phục vụ cho các sinh hoạt cộng đồng. Mỗi lễ hội có những ý nghĩa khác nhau, nhiều nghi thức độc đáo diễn ra, và luôn lấy chùa làm trung tâm tổ chức nghi thức lễ hội. Vào những dịp lễ tết, bà con dân tộc Khmer sum họp tại chùa để thực hiện các nghi thức tôn giáo và tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí. Vào những dịp trọng đại của gia đình, đồng bào dân tộc Khmer cũng mời các nhà sư đến thực hiện nghi thức và chứng giám.

Chùa của người Khmer còn có chức năng giáo dục đặc biệt là giáo dục đạo đức. Theo thông tục, các thanh niên người Khmer phải vào chùa tu để báo hiếu công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Các thanh niên người Khmer sẽ được giảng dạy về đạo làm người, về những điều tốt đẹp, lẽ phải để giúp họ trở thành những người có ích cho xã hội. Sau thời gian tu học, hoàn tục về lại đời thường, người con trai mang theo sự hiểu biết đã học nơi chùa mà phụ giúp gia đình, đền ơn công dưỡng dục của cha mẹ, phục vụ xã hội. Theo đó: “Chùa là biểu tượng đặc trưng cho văn hóa dân tộc Khmer, nơi rèn luyện đạo đức và nhân cách con người, cũng là nơi giáo dục cho thanh niên người Khmer. Người Khmer xem chùa là nơi thiêng liêng, trang trọng, nơi tập trung những gì tinh túy nhất của dân tộc”2.

2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống của người Khmer tỉnh Trà Vinh thời gian qua được quan tâm và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, đó là:

Thứ nhất, vận dụng triển khai các văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước về lễ hội.

Trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản chỉ đạo về quản lý và tổ chức lễ hội được các địa phương cũng như tỉnh Trà Vinh kịp thời triển khai tích cực, đáp ứng yêu cầu về tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn cả nước. Năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Đây là lần đầu tiên có một văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức Nghị định của Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội; là hành lang pháp lý quan trọng để Tỉnh làm căn cứ tổ chức thực hiện. Nghị định đã nhấn mạnh mục tiêu của việc tổ chức lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống nói riêng là để giáo dục, định hướng con người hình thành các giá trị quan tốt đẹp, không thực hiện nghi lễ bạo lực hay phản cảm; và đặc biệt không tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân hay phục vụ cho lợi ích nhóm.

Từ khi Nghị định được ban hành, công tác tổ chức, quản lý lễ hội đã được thực hiện hiệu quả hơn. Cấp ủy, chính quyền tỉnh Trà Vinh đã nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan quản lý. Các lễ hội bảo đảm đúng mục tiêu giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tính nhân văn cho người dân.

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý cũng như khuyến khích người dân thực hiện nếp sống văn minh trong cuộc sống cũng như lễ hội, cụ thể: Quyết định số 848/QĐ-BVHTTDL ngày 08/3/2019 phê duyệt Kế hoạch tuyên truyền, khuyến nghị người dân không đốt đồ mã, vàng mã tại di tích, cơ sở thờ tự và lễ hội; Quyết định số 1983/QĐ-BVHTTDL ngày 04/6/2019 phê duyệt Đề án Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội giai đoạn 2020-2021; Quyết định số 3020/QĐ-BVHTTDL ngày 30/8/2019 ban hành Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa mê tín dị đoan, loại bỏ hủ tục lạc hậu, văn hóa phẩm đồi trụy trái với thuần phong mỹ tục giai đoạn 2020-2022. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng giao trách nhiệm cho Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ, hằng năm, thành lập các đoàn kiểm tra đến các địa phương (trong đó có tỉnh Trà Vinh) để đánh giá thực trạng, những bất cập, vướng mắc, từ đó tham mưu đề xuất nội dung, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Ngày 03/8/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL nhằm củng cố thêm hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về lễ hội, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các lễ hội truyền thống được tổ chức tại các địa phương trên cả nước. Bên cạnh sự phát triển bền vững, để trung hòa được lợi ích về kinh tế và lợi ích văn hóa – xã hội của các lễ hội truyền thống, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 3811/BVHTTDL-VHCS ngày 12/9/2023 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Văn bản nhấn mạnh việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo phân cấp; chỉ đạo tổ chức lễ hội bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của địa phương, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp thực hiện tổ chức lễ hội thuộc Nhà nước quản lý, chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ trong chuỗi hoạt động lễ hội, như: trưng bày các sản phẩm du lịch, hoạt động nghệ thuật trình diễn, thể thao vui chơi giải trí; tổ chức Tuần lễ văn hóa, du lịch – liên hoan ẩm thực Nam Bộ gắn với lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023 (theo Quyết định số 58/QĐ-BTC ngày 08/9/2023 của Ban Tổ chức lễ hội).

Thứ hai, chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các hoạt động tổ chức lễ hội.

Lễ hội Cúng Biển Mỹ Long tại huyện Cầu ngang và Lễ hội Vu lan thắng hội tại huyện Cầu Kè luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về các mặt hoạt động quảng bá du lịch, văn hóa – văn nghệ, thể thao, giải trí… đã tạo nhiều hoạt động mới, phong phú, hấp dẫn, giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương và qua lễ hội có sự thắt chặt sự đoàn kết các dân tộc và cố kết cộng đồng khi tham gia lễ hội.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã xây dựng Kế hoạch tuyên truyền chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, như: băng rôn, cờ, pano, áp phích, thông tin lưu động, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, triển lãm… Trong đó, định hướng các cơ quan báo chí, các địa phương, đơn vị có liên quan, hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên,… tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: báo chí, truyền thông; cổng thông tin điện tử, trang tin điện tử của các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương; trạm truyền thanh; tuyên truyền cổ động trực quan; trên Internet và mạng xã hội nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong và ngoài tỉnh về các hoạt động Tuần lễ.

Năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông; Báo Trà Vinh; Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh; các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá lễ hội, cụ thể:

Trung tâm Văn hóa tỉnh thực hiện treo băng rôn, cờ phướn, pa nô tại các tuyến đường Võ Nguyên Giáp và nội đô thành phố Trà Vinh; lắp hệ thống đèn cách điệu xung quanh Ao Bà Om; cổng hơi; bảng lịch hoạt động Tuần lễ; mô hình chánh điện tại Ao Bà Om. Phối hợp thành phố Trà Vinh tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó có nội dung chạy chữ: “Chào mừng Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023” trên các màn hình Led trên địa bàn thành phố Trà Vinh3.

Báo Trà Vinh đã đăng tải hàng trăm tác phẩm báo chí gồm chữ Việt, chữ Khmer và báo Trà Vinh online4. Trong đó, tập trung tuyên truyền các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao; du lịch, giới thiệu quảng bá làng nghề, ẩm thực vùng miền… Ngoài ra, còn có những bài viết tuyên truyền về đời sống, kinh tế, văn hóa đồng bào Khmer trong tỉnh và các Phóng sự ảnh về các hoạt động tại Tuần lễ.

Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh tập trung thực hiện công tác tuyên truyền trên chương trình thời sự; các chuyên đề liên quan, như: “Văn hóa xã hội’, “Kinh tế”, “Đại đoàn kết”, “Khởi nghiệp, “Biển xanh quê hương”… các đề tài liên quan các đến hoạt động Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok5.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh, có 23 cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh tham dự. Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường chỉ đạo cơ quan báo chí, cơ quan truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan tập trung tuyên truyền chuỗi các hoạt động Tuần Lễ hội.

Các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán của người dân được bảo tồn và phát huy; các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể thao của đồng bào ngày càng đa dạng và phong phú; vai trò chủ thể văn hóa và đời sống của người dân ngày càng được nâng lên; văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer được giới thiệu, quảng bá trong và ngoài nước, các công trình kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử của đồng bào dân tộc Khmer được bảo tồn, trùng tu tôn tạo, trở thành những điểm tham quan, tìm hiểu các giá trị văn hóa hấp dẫn của nhân dân địa phương và khách du lịch.

Có thể nói, với chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Tài chính, Điện lực Trà Vinh, Công ty Cấp thoát nước Trà Vinh, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Công an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Sở Giao thông vận tải, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Chi Cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện bảo đảm một cách toàn diện về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, vệ sinh thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy, kinh phí tổ chức… để các lễ hội của người Khmer được tổ chức đúng nghi thức truyền thống, phát huy giá trị nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức và quản lý đối với lễ hội truyền thống người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn tồn tại một số hạn chế, bất cập, như:

(1) Vẫn còn những lễ hội do các chùa Khmer tổ chức trên tinh thần tự phát, chưa được cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ nên xuất hiện nhiều hình ảnh chưa đẹp, như: mua bán mất trật tự; an toàn vệ sinh thực phẩm không đảm bảo; nhiều hình thức giải trí mang tính đỏ đen, vui chơi quá đà… 

(2) Có những lễ lội truyền thống chưa được quy hoạch nên việc kêu gọi các nguồn tài trợ xã hội hóa còn khiêm tốn, các hoạt động tổ chức còn nghèo nàn.

(3) Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan có lúc thiếu chặt chẽ dẫn đến một số hoạt động chưa đúng định hướng.

(4) Công tác tuyên truyền cổ động trực quan một số nơi còn bị lỗi kỹ thuật; việc kiểm tra dịch thuật khẩu hiệu tuyên truyền còn sai sót, nguyên nhân là do khâu kiểm duyệt của cơ quan chuyên môn còn lơ là, thiếu trách nhiệm.

3. Một số giải pháp tăng cường quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống người Khmer trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

Một là, triển khai nghiêm túc các văn bản do cơ quan nhà nước cấp trên ban hành liên quan đến công tác dân tộc cũng như lễ hội truyền thống. Trên cơ sở các văn bản cấp trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc, nhanh chóng hướng dẫn cấp huyện, cấp xã thực hiện nội dung của các văn bản trên. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh phát huy hơn nữa tính chủ động, linh hoạt trong ban hành các văn bản quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương và người Khmer.

Hai là, bảo đảm kiện toàn tổ chức và nhân sự thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer ở các cấp. Quan tâm ưu tiên tới thành phần dân tộc, bố trí cán bộ, công chức là người dân tộc để đảm nhiệm các nội dung thuộc về công tác dân tộc cũng như không ngừng bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ quản lý của đội ngũ này.

Ba là, quan tâm đầu tư hoạt động nghiên cứu khoa học về vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer. Chú trọng thực hiện các đề tài liên quan đến người Khmer và lễ hội truyền thống của người Khmer. Phát huy vai trò và sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cùng với các trung tâm khoa học, trường đại học trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Bốn là, cần làm tốt việc hợp tác giữa các địa phương trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long về lễ hội truyền thống để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu những lối suy nghĩ mới, cách làm mới nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer, góp phần quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống người Khmer Trà Vinh ra cả nước và thế giới.

Năm là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý nhà nước đối với lễ hội truyền thống. Nội dung này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục trên đầy đủ chủ thể với nội dung phù hợp từng đối tượng. Đối với cán bộ, công chức chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer cần xem xét tính hợp pháp và hợp lý của các quyết định do chủ thể này đưa ra. Đối với những chủ thể tham gia vào lễ hội trên địa bàn tỉnh thì công tác thanh tra, kiểm tra cần tập trung theo dõi những biến đổi tiêu cực trong lễ hội truyền thống xuất phát từ nhóm chủ thể này, như: lợi dụng lễ hội để truyền bá mê tín dị đoan, tệ lừa đảo, trộm cắp, ép giá… để kịp thời có những biện pháp xử lý phù hợp.

Sáu là, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đồng bào Khmer về lễ hội truyền thống. Để nâng cao nhận thức của người dân, cần tập trung, tăng cường, nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, tuyên truyền về lễ hội truyền thống cho đồng bào. Đồng thời, đưa vào nhà trường các cấp trên địa bàn tỉnh nội dung giáo dục về bảo tồn di sản truyền thống nói chung và lễ hội nói riêng.

Chú thích:
1. Tổng quan về Trà Vinh. https://teza.travinh.gov.vn/tong-quan-ve-tra-vinh
2. Phạm Phương Hạnh (2013). Văn hóa Khmer Nam Bộ nét đẹp trong bản sắc văn hóa Việt Nam. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật. tr. 99.
3, 4, 5.Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2023). Báo cáo Tổng kết các hoạt động Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ gắn với Lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm 2023.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2018). Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/01/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khơ-me trong tình hình mới.
2. Bùi Hoài Sơn (2009). Quản lý lễ hội truyền thống của người Việt. H. NXB. Văn hóa dân tộc.
3. Dương Văn Sáu (2004). Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch. H. NXB. Đại học Văn hóa Hà Nội.