Ngoại giao văn hóa trong triển khai chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong thế kỷ XXI – khuyến nghị cho Việt Nam

ThS. Vũ Tuấn Hà
Học viện Ngoại giao

(Quanlynhanuoc.vn) – Là một cường quốc ở châu Á trong suốt thời gian dài, Nhật Bản luôn nỗ lực duy trì và phát huy vai trò và vị thế quốc tế bằng các hoạt động đóng góp tích cực, đặc biệt là về kinh tế cho thế giới. Khoảng trên 20 năm trở lại đây, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, sự phát triển của Nhật Bản, nhất là về kinh tế có phần chững lại, đã phần nào ảnh hưởng đến vai trò, vị thế quốc tế của Nhật Bản. Nhận thấy tầm quan trọng của yếu tố văn hóa trong cấu thành chính sách đối ngoại hướng tới một cộng đồng Đông Á hòa bình, thịnh vượng và ổn định, Nhật Bản đã và đang có nhiều nỗ lực thúc đẩy ngoại giao văn hóa trong những năm đầu thế kỷ XXI bằng việc nâng cao và cụ thể hóa các chính sách, biện pháp và hoạt động trong lĩnh vực này và đã đạt được một số  kết quả tích cực bước đầu.  

Từ khóa: Chính sách đối ngoại; Nhật Bản; ngoại giao văn hóa; công nghiệp văn hóa; thế kỷ XXI.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm ngoại giao văn hóa ở góc độ quan hệ quốc tế, có thể khái quát là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng

Cho đến những năm cuối thế kỷ XX, vai trò, vị thế của Nhật Bản ở châu Á và trên thế giới có được chủ yếu nhờ sự phục hồi và phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản sau chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó, nhiều năm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ 2 (sau Hoa Kỳ). Với bản sắc văn hóa đặc sắc cùng sự quan tâm của nhiều nước tới Nhật Bản ngày càng gia tăng, cộng thêm những biến chuyển nhanh chóng của tình hình khu vực và thế giới những năm cuối thế kỷ XX, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu chú ý nhiều hơn đến vai trò của ngoại giao văn hóa trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của mình. 

Năm 1972, Bộ Ngoại giao Nhật Bản thành lập Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation) nhằm mục đích thúc đẩy các hoạt động giới thiệu văn hóa Nhật Bản ra toàn thế giới như là một công cụ đắc lực nâng cao vị thế của Nhật Bản. 

2. Vị trí ngoại giao văn hóa trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, ngoại giao văn hóa bắt đầu xuất hiện rõ nét hơn trong chính sách đối ngoại của Chính phủ Nhật Bản. Thủ tướng Noburu Takeshita (nhiệm kỳ 1987-1989) tuyên bố rằng, ngoại giao văn hóa là một trong ba phương cách ngoại giao trong “Kế hoạch hợp tác quốc tế” của mình. Ông nêu rõ các nội dung trong chính sách ngoại giao văn hóa Nhật Bản, gồm: (1) Đáp ứng tích cực sự quan tâm của các nước tới Nhật Bản trong đó có việc học tiếng Nhật; (2) Mở rộng giao lưu con người; (3) Hợp tác vì nền văn hóa thế giới cũng như bảo tồn di sản. 

Các chính sách đó được Nhật Bản cụ thể hoá bằng các hình thức sau: 

Thứ nhất, ngoại giao văn hóa song phương. Tăng cường thể chế giao lưu văn hóa tại nước ngoài, tăng chức năng truyền thông, thông tin chính xác về tình hình đất nước1. Trong khu vực châu Á, Nhật Bản chú trọng đẩy mạnh ngoại giao văn hóa trong quan hệ với các nước ASEAN.  

Bên cạnh việc thúc đẩy ngoại giao văn hóa qua kênh song phương, Nhật Bản cũng nâng cao vai trò quốc tế của mình thông qua kênh đa phương bằng việc tích cực tham gia, đóng góp vào các thiết chế hợp tác quốc tế về văn hóa, giáo dục và khoa học – công nghệ, đặc biệt là thông qua Tổ chức Giáo dục, Văn hóa và Khoa học của Liên hiệp  quốc – UNESCO. Nhật Bản là nước đóng góp ngân sách lớn nhất cho UNESCO và Tổng giám đốc UNESCO giai đoạn 1999 – 2009 là ông Koiichiro Matsuura, người Nhật Bản. Với thế mạnh là kinh nghiệm, chất xám thông qua các chương trình của UNESCO, Nhật Bản cũng tích cực hỗ trợ các nước châu Á, nhất là Đông Nam Á trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới  được UNESCO công nhận. Tại UNESCO có 2 Quỹ Tín thác của Nhật Bản với mục đích bảo tồn giá trị các di sản vật thể và phi vật thể của thế giới.

Cùng với những nỗ lực phục hồi kinh tế, bước sang thế kỷ XXI, Nhật Bản xây dựng một tầm nhìn mới cho phát triển đất nước với tên gọi là “Tầm nhìn thế kỷ XXI của Nhật Bản” (công bố tháng 4/2005), tuyên bố từ năm 2020 trở đi nước Nhật sẽ trở thành quốc gia sáng tạo văn hóa mạnh mẽ. Theo đó, Nhật Bản  tích cực điều chỉnh các chính sách văn hóa, ngoại giao văn hóa phù hợp với điều kiện mới ở trong và ngoài nước. 

Thứ hai, Chiến lược ngoại giao văn hóa thế kỷ XXI của Nhật Bản. Tháng 12/2005, Thủ tướng Kozumi công bố “Chiến lược ngoại giao văn hóa thế kỷ XXI” của Chính phủ Nhật Bản. Đây có thể coi là một công cụ chính sách chủ đạo cho việc thực hiện ngoại giao văn hóa của Nhật Bản trong thế kỷ XXI. Chiến lược nhằm: (1) thúc đẩy thế giới hiểu biết nhiều hơn về Nhật bản, nâng cao hình ảnh và tín nhiệm  của Nhật Bản  đối với cộng đồng quốc tế; (2) tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin giữa các quốc gia, các nền văn hóa, văn minh của nhân loại, nhằm hạn chế, tránh  xung đột ở mức tối đa có thể; (3) Tăng cường bồi dưỡng, xây dựng các giá trị và quan niệm văn hóa phổ quát, chuẩn mực của toàn nhân loại. 

Từ các mục tiêu trên, Chiến lược gồm 3 trụ cột là: 

(1) Truyền bá: quảng bá văn hóa Nhật Bản được coi là trụ cột lớn nhất, thông qua các hoạt động phổ biến cập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa nghệ thuật, trò chơi, phim hoạt hình, truyện tranh, âm nhạc, điện ảnh, truyền hình, thời trang…

(2) Hấp thu: lịch sử văn hóa Nhật Bản là lịch sử “hấp thu” các tinh hoa của các nền văn hóa khác nhau. Chính vì vậy, tiếp tục “hấp thu” được coi là nguồn kích hoạt kích thích nền văn hóa Nhật Bản phát triển. Chiến lược nhấn mạnh việc “hấp thu có sáng tạo”, biến Nhật Bản thành nơi “sáng tạo văn hóa” tràn đầy sức sống. 

(3) Cộng sinh: nhấn mạnh việc các quốc gia, dân tộc, cộng đồng thậm chí các cá nhân với những khác biệt có thể và cần phải “chung lưng đấu cật” xây dựng một môi trường sống hiện đại, văn minh và bền vững trong hòa bình và hợp tác2. Các phương thức thúc đẩy cộng sinh là thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh, truyền bá quan niệm cơ bản của hợp tác quốc tế Nhật Bản, thiết lập “Tập đoàn tài chính hợp tác quốc tế về tài sản văn hóa”, thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ, tu sửa tài sản, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của nhân loại. Khái niệm “giao lưu văn hóa quốc gia hòa bình” được nhấn mạnh trong Chiến lược này3.

Thứ ba, phát triển chiến lược quảng bá thương hiệu quốc gia Cool Japan. Năm 2015, dự án Cool Japan Fund được thành lập với quỹ ngân sách đến từ Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân hợp tác với nhau. Năm 2019, Nhật Bản thành lập “tầm nhìn chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chiến lược Cool Japan” và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành nhằm làm sâu sắc hơn nữa chiến lược Cool Japan. 

Chiến dịch “Cool Japan” nhằm quảng bá Nhật Bản như là một đất nước đáng mến, đáng yêu với nhiều giá trị, sản phẩm văn hoá độc đáo, hấp dẫn có thể chia sẻ với quốc tế và với các nền văn hóa văn minh khác (tên gọi “Cool Japan” lấy từ cảm hứng của trào lưu “Cool Britania” của Anh những năm 80- 90 của thế kỷ XX). Cùng với “Cool Japan” là các loại hình nghệ thuật, thuật ngữ điển hình và đã trở nên quen thuộc với thế giới như “manga”, “anime”, “sushi”. Song song là sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa Nhật Bản với các sản phẩm. Đến tháng 7/2019, quỹ Cool Japan xúc tiến đầu tư 35 dự án với 87% nguồn vốn từ chính phủ. Quỹ này không chỉ đầu tư vào sản xuất mà còn tài trợ cho các  hoạt động triển lãm, liên hoan phim, trao đổi văn hóa4.

Đẩy mạnh quảng bá các lễ hội truyền thống của Nhật Bản như lễ hội dịp năm mới Shogatsu, Obon, Matsri… cũng như ẩm thực phong phú, chất lượng cao  của Nhật Bản. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản thành lập chương trình hợp tác trao đổi giao lưu quốc tế với tên gọi tiếng Anh (Sport for Tomorrow), chương trình này được hoạt động với sự hợp tác của Bộ ngoại giao, Cục thể thao, JICA, Japan Foundation, Jetro. Gắn liền cụ thể chương trình giao lưu với các mục tiêu của Liên hiệp quốc như 17 mục tiêu phát triển bền vững.

Các tác nhân Chính phủ Nhật Bản liên quan đến Cool Japan, gồm: Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), Bộ Ngoại giao (MOFA), Bộ Nội vụ và Truyền thông (MIC), Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), Bộ Nông nghiệp,… Chiến lược của Cool Japan được cụ thể hóa trong giai đoạn sau năm 2011, cụ thể: 

Năm 2011, chiến lược Cool Japan được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp được khởi động, chi phí hoạt động dựa vào sự kết hợp giữa quỹ doanh nghiệp tư nhân và công. Năm 2012 thành lập Bộ Chiến lược thúc đẩy Cool Japan. 

Năm 2013, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã mở cuộc họp giữa các chuyên gia về phương hướng quảng bá ngoại giao văn hóa. Bộ Ngoại giao ngoài đơn vị giao lưu văn hóa, quảng bá đối ngoại đã lập ra đơn vị chiến lược ngoại giao quảng bá văn hóa5

Thứ tư, triển khai ngoại giao văn hóa thông qua các trung tâm văn hóa Japan House và các cơ quan đại diện ngoại giao. 

Năm 2017, đặt 3 trung tâm quảng bá Nhật Bản ra toàn thế giới là London, Los Angeles và Sao Paulo với cái tên là Japan Houses. Japan Houses được thành lập bởi Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhằm giới thiệu và truyền tải thông tin về Nhật Bản tới cộng đồng quốc tế tại 3 thành phố trên thế giới như một phần trong nỗ lực tăng cường giao tiếp chiến lược toàn cầu. Mục đích của trung tâm là truyền tải các điểm thu hút, chính sách và nỗ lực của Nhật Bản đến công chúng, bao gồm cả những người biết rất ít về Nhật Bản; đồng thời, mở rộng cơ sở của những người quan tâm và am hiểu về Nhật Bản. Các đặc điểm của Japan Houses, bao gồm: 

Cung cấp “dịch vụ một điểm đến”, nơi mọi người có thể tiếp cận thông tin đa dạng về Nhật Bản. Cung cấp không gian thương mại như nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng,… giúp truyền tải thông tin dựa trên cơ sở toàn Nhật Bản bằng cách tận dụng sự sôi động của thương mại và những điểm thu hút địa phương. Truyền tải thông tin theo cách thu hút sự đồng cảm của người dân địa phương bằng cách tận dụng kiến thức của các chuyên gia6.

Những năm gần đây, các hoạt động quảng bá văn hóa Nhật Bản tại nước ngoài thường có hoạt động điệu nhảy Yosakoi. Các hoạt động Yosakoi được người dân nước ngoài hưởng ứng bởi sự đơn giản và dễ nhảy. Yosakoi là điệu nhảy truyền thống rất phổ biến ở Nhật Bản, với phong cách mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực, gồm những bước nhảy truyền thống trên nền nhạc hiện đại. Yosakoi trở nên rất phổ biến, thậm chí còn được biểu diễn trong các đại hội thể thao tại các trường tiểu học, trung học, phổ thông, đại học ở Nhật Bản. Đặc biệt, những người tham gia Yosakoi có thể gồm cả nam và nữ ở mọi lứa tuổi.

Ngoài các hoạt động quảng bá văn hóa, Nhật Bản còn tích cực vận động quảng bá đăng ký các địa danh di sản văn hóa thế giới. Hiện nay, Nhật Bản có tổng cộng 26 địa điểm di sản thế giới, trong đó có 14 địa điểm được công nhận trong thế kỷ XXI. Nhật Bản đã ý thức được việc các danh lam thắng cảnh có thể thu hút khách du lịch nước ngoài, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Ngoài ra Bộ Ngoại giao Nhật Bản còn tích cực hợp tác với các bộ khác quảng cảo văn hóa Nhật Bản. Một trong số là việc kết hợp với Bộ Nông Thủy sản, quảng bá, giới thiệu tinh hoa ẩm thực Nhật Bản ra thế giới, như soạn thảo và phát hành sách giới thiệu tinh thần ẩm thực Nhật Bản (The Washoku Way – Japan’s Nuanced Approach to Food). Quảng bá thương hiệu rượu bia Nhật Bản ở các sân bay quốc tế, tổ chức các sự kiện quảng bá ẩm thực Nhật Bản thông qua các cơ quan đại diện Nhật Bản ở nước ngoài. Cục Du lịch Nhật Bản, JNTO mở văn phòng đại diện ở những nước có nhiều khách du lịch tiềm năng đến Nhật, trong đó có Việt Nam (Hà Nội), tham gia các cuộc triển lãm du lịch của các nước sở tại nhằm quảng bá thương hiệu Nhật Bản.

Ngoại giao văn hoá đóng vai trò hiệu quả cho nền kinh tế, với số lượng nhiều danh hiệu các di sản thế giới vật thể và phi vật thể phong phú, Nhật Bản đã thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế đến Nhật Bản trong những năm qua, đóng góp đáng kể cho nền kinh tếqua đó góp phần nâng cao vị trí vai trò quốc tế của Nhật Bản (bên cạnh sức mạnh kinh tế và khoa học – kỹ thuật vốn có). Năm 2012, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản là 8 triệu, đến năm 2019, số lượng khách nước ngoài đến Nhật Bản là 31 triệu. Ngành Du lịch Nhật Bản là ngành đóng góp xuất khẩu lớn thứ hai của Nhật Bản, sau ngành sản xuất ô tô và trước các ngành mà Nhật Bản vốn mạnh về truyền thống như điện tử, sắt thép. Washoku được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013 đã tạo thêm “cú hích” về quảng bá ẩm thực Nhật Bản. Tổ chức thương hiệu quốc gia đã đánh giá Nhật Bản là thương hiệu quốc gia số 1 trong năm 2023 (Ipsos Nation Brands Index), lần đầu tiên Nhật Bản đạt vị trí số 1, vượt qua Đức. 

Tuy đã đạt được những kết quả bước đầu khá tích cực, nhưng ngoại giao văn hóa của Nhật Bản vẫn còn có những hạn chế, bất cập, như: chưa xứng tầm theo hướng hoà nhập sâu hơn với các nền văn hóa đa dạng của các châu lục, vùng miền khác nhau trên thế giới; chiến lược văn hóa cho thế kỷ XXI chưa có nhiều tham gia từ các chuyên gia văn hóa, ngoại giao quốc tế, do đó, chưa đánh giá một cách khách quan về tính hiệu quả của chiến lược cũng như các chiến dịch, chương trình cụ thể; kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các nước cũng chưa được Nhật Bản nghiên cứu sâu hơn để có thể học hỏi những nội dung, biện pháp phù hợp với văn hóa Nhật Bản. 

3. Hợp tác giao lưu văn hoá giữa Việt Nam  Nhật Bản trong những năm gần đây

Trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, cùng với việc thúc đẩy quan hệ chính trị – kinh tế trong những năm qua, hai nước đã phối hợp tác tích cực trong lĩnh vực ngoại giao văn hóa, góp phần hữu hiệu đưa quan hệ hai nước lên mức cao nhất, tháng 11/2023 là “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới”. Các hoạt động hợp tác về ngoại giao văn hóa tiêu biểu giữa hai nước, bao gồm việc tổ chức các sự kiện: “Tuần văn hóa”, “Ngày văn hóa” của nước này tại nước kia. Các sự kiện được tổ chức một cách thường xuyên và tại nhiều địa phương của hai nước và nhân các dịp kỷ niệm quan trọng như dịp 30, 40, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Nhật Bản có nhiều đóng góp và kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế được UNESCO công nhận. Nhật Bản cũng hỗ trợ tích cực Việt Nam trong việc truyền bá tiếng Nhật, Văn hóa Nhật Bản tới công chúng Việt Nam cũng như việc quảng bá văn hóa Việt Nam tới công chúng Nhật Bản.

Nhật Bản đã cung cấp nhiều học bổng các loại cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Số lượng công chúng của hai nước quan tâm tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử của nhau và khách du lịch hai chiều tăng lên nhanh chóng trong những năm qua. Các cơ sở, chương trình nghiên cứu, quảng bá văn hóa của nhau tại mỗi nước cũng gia tăng đáng kể. Tại Việt Nam có Quỹ Nhật Bản (Japan Foundation), Trường Đại học Việt – Nhật… Nhiều trường đại học tăng cường giảng dạy tiếng Nhật, văn hóa Nhật, như: Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; Học viện Ngoại giao… Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp nhịp nhàng trong các hoạt động hợp tác trong khuôn khổ các tổ chức văn hóa quốc tế, đặc biệt là UNESCO. Qua việc hợp tác, giao lưu văn hóa với Nhật Bản, Việt Nam cũng học tập được nhiều kinh nghiệm về ngoại giao văn hóa, nhất là việc xây dựng chương trình, mục tiêu và sản phẩm giao lưu văn hóa theo hướng lâu dài, bền vững và việc huy động công chúng trực tiếp tham gia vào các hoạt động ngoại giao văn hóa do Chính phủ khởi xướng. 

4. Một số đề xuất khuyến nghị cho Việt Nam

Từ thực tiễn triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa những năm qua và đặc biệt qua việc hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản trong lĩnh vực này, các cơ quan liên quan, các địa phương của Việt Nam cần nhanh chóng điều chỉnh, bổ sung và cập nhật các nội dung ngoại giao văn hóa cho phù hợp với từng giai đoạn, nhằm nâng cao chất lượng công tác ngoại giao văn hóa, hướng tới hoàn thành tốt mục tiêu của Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2030.

Thứ nhất, thực hiện đa dạng các biện pháp cụ thể nhằm phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa Việt Nam ra quốc tế, đặc biệt là các danh hiệu được UNESCO công nhận, như: di sản thế giới, di sản vật thể, phi vật thể; khu dự trữ sinh quyển…

Thứ hai, tăng cường hơn nữa công tác quảng bá văn hóa Việt Nam, nâng cao chất lượng các sản phẩm công nghiệp văn hóa Việt Nam, sản phẩm truyền thông (nghe, nhìn, in ấn…) phù hợp với công chúng ở các nước, vùng miền có đặc thù khác nhau. Các sản phẩm quảng bá cần được chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng phục vụ kịp thời cho các đợt, các sự kiện ngoại giao văn hóa lớn. Chất lượng dịch thuật cũng cần bảo đảm, dễ hiểu cho công chúng nước ngoài. 

Thứ ba, đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động giao lưu trao, đổi văn hóa, giáo dục, thể thao… trong khuôn khổ cả song phương và đa phương, hướng tới thế hệ trẻ, công chúng rộng rãi. Thúc đẩy hơn nữa việc tham gia của Việt Nam trong bộ máy các tổ chức quốc tế về văn hoá hoặc liên quan đến hợp tác văn hóa như UNESCO, Ủy ban Di sản thế giới… góp phần hiệu quả cho việc hình thành lực lượng nòng cốt có chất lượng cao trong quá trình thực hiện ngoại giao văn hóa.

Thứ tư, cần có chính sách phù hợp trong việc xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa. Chính phủ có chính sách hỗ trợ các nghệ nhân và các công ty trực tiếp sản xuất và quảng bá các sản phẩm ngoại giao văn hóa Việt Nam; khuyến khích, động viên công chúng tham gia trực tiếp nhiều hơn nữa các hoạt động ngoại giao văn hóa do Nhà nước khởi xướng. 

Thứ năm, song song với việc quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới, cần xây dựng các nội dung, kèm theo các biện pháp cụ thể về học tập, tiếp thu các giá trị văn hóa của thế giới phù hợp với văn hóa Việt Nam. Lồng ghép, đẩy mạnh hơn nữa các yếu tố, thành phần văn hóa trong các hoạt động hợp tác quốc tế, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. 

5. Kết luận 

Nhật Bản là nước công nghiệp phát triển cao, có bề dày kinh nghiệm, có giá trị trong việc kết hợp giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với việc vận dụng các yếu tố văn hóa phục vụ phát triển mà Việt Nam có thể và cần tiếp tục học hỏi phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước trong bối cảnh vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cùng phát triển ngày càng đan xen trong quan hệ quốc tế hiện nay.  

Chú thích:
1, 2. Phạm Lê Dạ Hương (2018),  Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản đối với Đông Nam Á cuối thập niên 90 của thế kỷ XX. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 1/2018.
3, 4. Lê Thanh Bình (2021). Ứng dụng ngoại giao văn hóa trong thực tiễn một số nước. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 51.
5. Establishing Japan as a “Peaceful Nation of Cultural Exchange”. https://japan.kantei.go.jp/policy/bunka/050711bunka_e.html, accessed Sep 20, 2024.
6. Secretariat of Intellectual Property Strategy Headquarters (2019), About the Cool Japan Strategy. https://www.cao.go.jp/cool_japan/about/pdf/190903_cjppt_english.pdf accessed Sep 20 2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Ngoại giao văn hóa gia tăng “sự nhận diện Việt Nam” trên toàn cầu. https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/ngoai-giao-van-hoa-gia-tang-su-nhan-dien-viet-nam-tren-toan-cau-629707.html, truy cập ngày 20 tháng 09 năm 2024.
2. Nation Brands Index 2023: Japan takes the lead for the first time in NBI history. https://www.ipsos.com/en/nation-brands-index-2023 accessed Sep 25 2024.
3. Cabinet Office Intellectual Property Headquarters. Cool Japan initiative. https://www.cao.go.jp/cool_japan/english/pdf/cooljapan_initiative.pdf accessed Sep 22 2024.
4. Hirotaka Watanabe (2021). Chiến lược sức mạnh mềm Nhật Bản – từ giao lưu văn hóa quốc tế tới ngoại giao văn hóa. Truy cập ngày 20/9/2024. 渡邊 啓貴 (2021)日本のソフトパワー戦略試論―国際文化交流から文化外交へ. https://www.jfir.or.jp/studygroup_article/5952/.