Nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy vùng đồng bằng sông Hồng

ThS. Đào Thị Hoa
Quận ủy Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội

(Quanlynhanuoc.vn) – Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng, bảo đảm cho đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng được chấp hành triệt để, đồng thời, là biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Những năm qua, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng đã rất quan tâm đến công tác này. Nội dung bài viết phân tích thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng.

Từ khóa: Hiệu quả hoạt động; Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy; vùng đồng bằng sông Hồng.

1. Đặt vấn đề

Tổng kết quá trình lãnh đạo cách mạng và công tác xây dựng Đảng, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), khẳng định: “Kiểm tra là một trong những chức năng lãnh đạo chủ yếu của Đảng”, “Lãnh đạo mà không có kiểm tra thì coi như không có lãnh đạo”1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”2. Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi Đảng phải được xây dựng, chỉnh đốn, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu. Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và toàn thể đảng viên, hoạt động của ủy ban kiểm tra có tác dụng to lớn trong nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ. Vì vậy, nâng cao chất lượng hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng là yêu cầu khách quan trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.

2. Thực trạng hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng

Đồng bằng sông Hồng bao gồm 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Tương ứng với đó là 11 tỉnh ủy, thành ủy.

a. Những kết quả đạt được

Một là, tổ chức nghiên cứu, quán triệt nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; quy định về thi hành Điều lệ Đảng; quy định về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng. Tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng; của Ủy ban kiểm tra Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát. “Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của  Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 của Ban Bí thư thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng”3.

Hai là, tích cực tham mưu cho tỉnh ủy xây dựng và ban hành các văn bản có liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, đồng thời tổ chức quán triệt các văn bản này cho ủy ban kiểm tra cấp dưới, nhất là đội ngũ cán bộ của cơ quan ủy ban kiểm tra. Cụ thể: “Quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020 – 2025; chương trình hành động để thực hiện Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của  Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/05/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…”4; nhiều quy chế phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các tổ chức liên quan; các quy trình kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, quy trình giải quyết khiếu nại của ban thường vụ và dự thảo các quy trình kiểm tra, giám sát, kỷ luật của ban chấp hành đảng bộ tỉnh. 

Theo kết quả điều tra xã hội học ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, có 258/300 (86%) đảng viên ở các tổ chức đảng trực thuộc tỉnh ủy được hỏi đều khẳng định ủy ban kiểm tra tỉnh ủy luôn chủ động, kịp thời trong quán triệt, học tập các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương và của tỉnh ủy về công tác kiểm tra của Đảng. Có 141/150 (94%) cán bộ ủy ban kiểm tra cấp huyện ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng được hỏi đánh giá việc tổ chức quán triệt, nghiên cứu, học tập nghị quyết, chỉ thị và các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh ủy, thành ủy về công tác kiểm tra rất chủ động, kịp thời5

Ba là, luôn chủ động kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới; đảng viên, kể cả cấp ủy viên cùng cấp khicó dấu hiệu vi phạm tiêu chuẩn đảng viên, tiêu chuẩn cấp ủy viên và trong việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên. Cụ thể:

(1) Đối với kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm. Năm 2020: 46 tổ chức đảng; năm 2021: 31 tổ chức đảng. Qua kiểm tra đã kết luận vi phạm và thi hành kỷ luật: năm 2020 là 13 tổ chức đảng; năm 2021 là 11 tổ chức đảng.

(2) Đối với kiểm tra đảng viên. Năm 2020: 165 đảng viên; năm 2021: 179 đảng viên. Qua kiểm tra kết luận vi phạm và thi hành kỷ luật đối với 126 đảng viên (năm 2020), 133 đảng viên (năm 2021)6.

Bốn là, công tác quy hoạch cán bộ trong luôn quan tâm và thực hiện tốt. Nhiệm kỳ 2020 – 2025, tại các tỉnh ủy đã quy hoạch được 427 lượt cán bộ kiểm tra, bao gồm các chức danh chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và ủy viên ủy ban kiểm tra cấp tỉnh. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra cũng luôn được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy đã mở 49 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.699 lượt cán bộ ủy ban kiểm tra tỉnh ủy trên địa bàn7, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay. 

b. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng cũng còn có những tồn tại, hạn chế, như:

(1) Nhận thức của một số cán bộ ủy ban kiểm tra chưa đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức đến chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát; công tác tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật chưa được thường xuyên; công tác tham mưu của ủy ban kiểm tra đối với tỉnh ủy trong xây dựng chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ vẫn còn một số hạn chế nhất định.

(2) Một số ủy ban kiểm tra chưa thực sự bám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương để tham mưu giúp cấp ủy xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát dẫn đến một số nội dung kiểm tra, giám sát còn chung chung, dàn trải, chưa phát huy hết được hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy. Cụ thể, tại Quảng Ninh: “có thời điểm, Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy chưa phát huy hết trách nhiệm trong công tác tham mưu, giúp tỉnh ủy, các tổ chức đảng cấp dưới, chưa thực sự chủ động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định”8. Tại Nam Định: “Chương trình kiểm tra, giám sát hằng năm chưa tập trung vào khâu yếu, mặt yếu; có nơi chưa thực hiện tốt việc luân phiên trong chọn đối tượng kiểm tra, chưa chú trọng kiểm tra trọng tâm, trọng điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo chung”9.

(3) Công tác nắm bắt tình hình còn có những hạn chế; chưa chủ động trong công tác kiểm tra, giám sát; sau kiểm tra có kết luận rõ đúng, sai, mức độ vi phạm nhưng một số nơi xử lý vẫn chưa triệt để; vụ việc đã kết luận sai phạm đến mức phải thi hành kỷ luật nhưng chưa thi hành mà để tồn đọng sang nhiệm kỳ sau. Đơn cử: nhiệm kỳ 2015 – 2020, ủy ban kiểm tra các cấp ở đồng bằng sông Hồngđã kết luận được 187 tổ chức đảng vi phạm phải thi hành kỷ luật nhưng mới xử lý được 158 trường hợp, còn 29 trường hợp tồn đọng lại cho nhiệm kỳ sau; đã kết luận được 3.521 đảng viên có vi phạm phải thi hành kỷ luật nhưng mới xử lý kỷ luật được 3.193 trường hợp, còn tồn đọng 328 trường hợp trong cả nhiệm kỳ10

(4) Số lượng các lớp bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và số lượt cán bộ tham gia giảm; thời gian khóa học của các lớp được mở cũng ngày càng ngắn dần làm ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ cán bộ ủy ban kiểm tra trong toàn khu vực.

3. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và hoạt động của ủy ban kiểm tra các cấpCông tác kiểm tra, giám sát là nhiệm vụ của toàn Đảng, của mọi tổ chức đảng và đảng viên, trong đó ủy ban kiểm tra là cơ quan chuyên trách, giữ vai trò nòng cốt trong tổ chức thực hiện. Trước hết, phải làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra và đội ngũ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, lập trường tư tưởng đúng đắn; có nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tác dụng và các quy định về công tác kiểm tra, giám sát; trên cơ sở đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng; thường xuyên làm tốt việc tổ chức quán triệt các nghị quyết, chỉ thị theo quy định, hướng dẫn của cấp trên và chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, quán triệt, giáo dục trong quá trình kiểm tra cho cả cấp đi kiểm tra và nơi được kiểm tra. Cùng với đó, khắc phục nhận thức lệch lạc, thái độ mặc cảm, định kiến, ngại kiểm tra, sợ kiểm tra, đối phó với kiểm tra. 

Thứ hai, bám sát và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh và yêu cầu công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn cụ thể. Hoạt động của ủy ban kiểm tra phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, phải lấy việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng làm mục tiêu, phương hướng, nội dung hoạt động. Tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra tỉnh ủyphải nắm vững những nội dung, yêu cầu chủ yếu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của đảng bộ trong từng thời kỳ, nắm vững Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nghị quyết của Đại hội đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng đảng bộ để lãnh đạo công tác kiểm tra và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, xác thực, có hiệu quả.

Thứ ba, luôn chủ động, đề cao trách nhiệm, làm tốt công tác chính trị tư tưởng với thẩm tra, xác minh khi có dấu hiệu vi phạm. Ủy ban kiểm tra và cán bộ kiểm tra các cấp phải chủ động đề cao trách nhiệm, sớm phát hiện được dấu hiệu vi phạm để kiểm tra. Trong quá trình kiểm tra cần phải có phương pháp làm việc khoa học, có quyết tâm và phải làm tốt công tác tư tưởng để phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan làm tốt việc thẩm tra, xác minh để xem xét, kết luận đúng nội dung, bản chất của vụ việc. 

Thứ tư, củng cố, kiện toàn bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu hợp lý, xây dựng ủy ban kiểm tra tỉnh ủy vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Trong hoạt động ủy ban kiểm tra tỉnh ủy phải chủ động, năng động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm và bản lĩnh trong thực hiện công tác kiểm tra và thi hành kỷ luật trong Đảng; phối hợp với các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của các tổ chức trong cơ quan, đơn vị để công tác kiểm tra có chất lượng, hiệu quả và hiệu lực. Bên cạnh đó, cần có những chính sách, chế độ đãi ngộ thỏa đáng để cán bộ làm công tác kiểm tra yên tâm, phấn khởi làm tốt nhiệm vụ được giao và thu hút cán bộ giỏi về làm việc trong các cơ quan kiểm tra của Đảng.

Thứ năm, tăng ­cường sự lãnh đạo của tỉnh ủy, sự chỉ đạo, ­kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với hoạt động của ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi tỉnh ủy phải xác định rõ: lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát là trách nhiệm của tỉnh ủy. Phải luôn coi kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo, khâu quan trọng trong quy trình lãnh đạo của tỉnh ủy, lãnh đạo đến đâu, kiểm tra, giám sát đến đó. Các tỉnh ủy phải có nghị quyết, chủ trương, biện pháp lãnh đạo đúng đắn, xác định rõ trách nhiệm; xây dựng được kế hoạch kiểm tra, giám sát phù hợp với từng thời gian, sát với từng đối tượng. Nội dung kiểm tra phải quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương; bám sát công tác xây dựng Đảng; nhiệm vụ chính trị trọng tâm của tổ chức đảng; chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Hướng vào những lĩnh vực trọng yếu, nơi có vấn đề phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực. 

Thứ sáu, duy trì nền nếp các chế độ công tác, coi trọng sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Để bảo đảm hoạt động có chất lượng, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy phải duy trì có nề nếp các chế độ công tác. Mặt khác, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy cần coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động. Thông qua kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời thấy rõ những ưu điểm, hạn chế khuyết điểm, xác định rõ nguyên nhân, phương hướng, biện pháp khắc phục nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của ủy ban kiểm tra tỉnh ủy. Đồng thời, thông qua đó giúp cho tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá chính xác hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của mình, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng vững mạnh, hoạt động có chất lượng và hiệu quả ngày càng cao. 

3. Kết luận

Nâng cao chất lượng hoạt động của các ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng là trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các đảng bộ tỉnh, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên, xây dựng đảng bộ tỉnh trong sạch vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện, đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Các tỉnh ủy, ủy ban kiểm tra tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng trong toàn đảng bộ đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2001). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr.122 – 123.
2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 636.
3. Tỉnh ủy Bắc Ninh (2020). Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; việc thực hiện Quy chế làm việc của ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ Đại hội XII.
4. Tỉnh ủy Hà Nam (2020). Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; việc thực hiện Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra nhiệm kỳ 2020 – 2025.
5. Theo kết quả điều tra xã hội học của tác giả tại các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, tháng 7/2024.
6, 7, 10, 11. Tác giả tổng hợp từ số liệu do các văn phòng tỉnh ủy ở đồng bằng sông Hồng cung cấp, tháng 7/2024.
8. Tỉnh ủy Quảng Ninh (2020). Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
9. Tỉnh ủy Nam Định (2020). Báo cáo tổng kết công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng; việc thực hiện quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tài liệu tham khảo:
1Ban Bí thư (2021). Hướng dẫn số 02-HD/TW ngày 09/12/2021 thực hiện một số nội dung Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28/7/2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.     
3. Bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra đảng các cấp ở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/06/13/boi-duong-doi-ngu-can-bo-kiem-tra-dang-cac-cap-o-vung-dong-bang-song-hong-hien-nay/. 
4. Kinh nghiệm của các tỉnh ủy ở vùng đồng bằng sông Hồng trong lãnh đạo cải cách hành chính nhà nước. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/09/05/kinh-nghiem-cua-cac-tinh-uy-o-vung-dong-bang-song-hong-trong-lanh-dao-cai-cach-hanh-chinh-nha-nuoc/