TS. Đông Thị Hồng
Trường Đại học Lao động – Xã hội
(Quanlynhanuoc.vn) – Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam giữ vai trò quan trọng. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động với nhân lực phát triển cả về trí lực và thể lực, cả về khả năng lao động, về đạo đức, tình cảm trong sáng. Tuy nhiên, ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Từ khóa: Đào tạo; nguồn nhân lực chất lượng cao; giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng; Việt Nam.
1. Đặt vấn đề
Nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghệp là lực lượng lao động có học vấn, trình độ chuyên môn cao và nhất là có khả năng sáng tạo, linh hoạt, thích ứng nhanh với những biến đổi nhanh chóng của công nghệ sản xuất, của ngành nghề, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng tiếp tục xác định “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng và phát triển mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo” là một trong ba đột phá chiến lược.
Bài viết phân tích, đánh giá, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay.
2. Một số kết quả về công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp thời gian qua
Việc đẩy mạnh công tác đào tạo phát triển nhân lực chất lượng cao trong trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được đặc biệt chú trọng nhiều hơn từ năm 2014, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 37-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Ngày 30/11/2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Đây là những cơ sở quan trọng để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức thực hiện đào tạo các chương trình chất lượng cao.
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thời gian qua lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nói chung, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta nói riêng đã có những chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Cụ thể:
Trong giai đoạn 2011 – 2020: có 398/421 trường thuộc khối công lập được lựa chọn các ngành nghề trọng điểm với 1.566 lượt ngành, nghề trọng điểm (trong đó 410 lượt ngành, nghề cấp độ quốc tế; 294 lượt ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 862 lượt ngành, nghề cấp độ quốc gia). Đối với khối trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường thuộc doanh nghiệp nhà nước: có 59/321 trường được lựa chọn các ngành nghề trọng điểm với 168 lượt ngành, nghề trọng điểm (trong đó 33 lượt ngành, nghề cấp độ quốc tế; 40 lượt ngành, nghề cấp độ khu vực ASEAN và 95 lượt ngành, nghề cấp độ quốc gia)1. Kết quả tuyển sinh, đào tạo các ngành, nghề trọng điểm trong giai đoạn 2016- 2020 là 641.136 người (chiếm 26% tổng số tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng của cả giai đoạn 2016 – 2020). Số đã tốt nghiệp là 397.046 người (đạt 64% trên tổng số tuyển sinh); tỷ lệ sinh viên có việc làm/tổng số sinh viên tốt nghiệp đạt trên 70%2. Đến nay, bắt đầu hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao.
Về công tác tổ chức thực hiện của các trường: tính đến năm 2023, đã có 32 trường có chương trình chất lượng cao với tổng số 146 chương trình đào tạo ở trình độ cao đẳng và trung cấp. Trong đó có 14/45 trường theo Quyết định số 761 ngày 23 tháng 05 năm 2014 của Thủ Tướng Chính phủ đã có văn bản báo cáo đăng ký triển khai chương trình chất lượng cao. Hầu hết các chương trình do các trường tự xây dựng, một số trường đang tham gia dự án sử dụng chương trình chuyển giao từ Đức, Pháp, Hàn Quốc, Australia… để làm chương trình đào tạo chất lượng cao của trường và triển khai theo Thông tư số 21/2018/BLĐTBXH ngày 30 tháng 11 năm 2028 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến nay, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã cấp giấy chứng nhận liên kết đào tạo với nước ngoài cho 14 trường cao đẳng; tổng số 40 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang được triển khai, trong đó có 39 chương trình trình độ cao đẳng, 1 chương trình trình độ sơ cấp (không bao gồm 12 chương trình thí điểm đào tạo theo chương trình chuyển giao từ Australia và 22 chương trình chuyển giao từ Đức. Bên cạnh đó, thực hiện Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025”và đã có 10/10 trường đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao theo quy định. Có 56 trường đủ năng lực đào tạo 34 nghề chuyển giao từ nước ngoài (Australia, Đức) được các tổ chức giáo dục quốc tế công nhận3.
Về năng lực, trình độ của đội ngũ nhà giáo:100% nhà giáo các trường chất lượng cao đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn dạy tích hợp (cả lý thuyết và thực hành) tăng mạnh: 90,5% đáp ứng yêu cầu đào tạo theo năng lực thực hiện để đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp4.
Về trình độ kỹ năng nghề: theo báo cáo tự đánh giá của các trường, năm 2021, có 89,7% số trường có ít nhất 70% nhà giáo có chứng chỉ kỹ năng nghề để giảng dạy thực hành trình độ cao đẳng hoặc văn bằng, chứng chỉ tương đương trở lên; chỉ có 10,3% số trường có tỷ lệ từ 50% đến dưới 70% đội ngũ nhà giáo đạt yêu cầu này. Đến nay, đã có 84,6% số trường có ít nhất 50% nhà giáo có trình độ ngoại ngữ bậc 3 hoặc tương đương trở lên. 100% nhà giáo đã có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản hoặc tương đương trở lên theo quy định. Có 84,6% số trường đã đáp ứng được yêu cầu về số hóa, kết nối, chia sẻ và tương tác trong nhà trường; thực hiện quản trị, điều hành trường dựa trên dữ liệu và các công nghệ số5.
Về gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và việc làm sau đào tạo: năm 2021, có 97,4% số trường được khảo sát và có ít nhất 80% tổng số học sinh hệ trung cấp, cao đẳng tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo trong vòng 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Có 42/45 trường được khảo sát có sinh viên đã từng có thành tích tại các kỳ thi kỹ năng nghề ở cấp quốc gia và quốc tế. Trong đó, ở cấp độ quốc gia có 218 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 73 huy chương đồng, 38 huy chương bạc, 110 huy chương vàng; ở cấp độ ASEAN có 14 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 6 huy chương đồng, 6 huy chương bạc, 16 huy chương vàng; ở cấp độ thế giới có 9 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc…6.
3. Những khó khăn, hạn chế và thách thức trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Bên cạnh các kết quả nêu trên, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là việc triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp của Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” còn chậm, như: chưa phê duyệt danh sách các trường cao đẳng có năng lực đào tạo tốt; các tiêu chí của trường caođẳng chất lượng cao; việc tổ chức đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao theo mục tiêu của Đề án chưa cụ thể; việc hướng dẫn cụ thể các cơ chế, chính sách để phát triển hệ thống các trường cao đẳng chất lượng cao chưa có…
Nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp nói chung, cho đào tạo nhân lực chất lượng cao nói riêng còn thấp; cơ chế thực hiện còn vướng mắc do một số quy định về tài chính. Các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục nghề nghiệp vẫn còn bất cập. Trong giai đoạn 2021 – 2025, chưa cân đối, bố trí được nguồn vốn để thực hiện Đề án. Một số bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản của các trường chưa tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực từ kinh phí chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản, các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn thu sự nghiệp của các trường và các nguồn vốn hợp pháp khác để cùng với nguồn hỗ trợ của ngân sách trung ương đầu tư đồng bộ cho các trường được lựa chọn nhằm đạt các tiêu chí của trường nghề chất lượng cao; bảo đảm chi phí đào tạo nghề của các trường. Đến nay, vẫn chưa có văn bản quy định nội dung chi và mức chi cho hoạt động đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao. Năm 2022, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được bố trí kinh phí 1 tỷ đồng để triển khai đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao (để đánh giá tối đa 10 trường). Năm 2023, được bố trí 500 triệu đồng (để đánh giá tối đa 5 trường). Với kinh phí được cấp hằng năm như trên khó có thể đạt được mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao theo Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đối với chương trình chất lượng cao, nhiều đề án các trường xây dựng theo Thông tư số 21/TT-BLTBXH ngày 30/11/2018 của Bộ Lao động Thương binh – Xã hội còn khá sơ sài, chưa làm rõ chuẩn đầu ra về chuyên môn nghề cao hơn chuẩn đầu ra tối thiểu là gì, chưa có thông tin về mức thu phí, dự toán thu chi, lộ trình cụ thể.
Cơ chế, quy định cụ thể về phát triển chương trình, tài liệu bồi dưỡng nhà giáo còn phức tạp. Chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao trong khi yêu cầu về đội ngũ nhà giáo đáp ứng được các điều kiện đào tạo chất lượng cao là tương đối cao. Bên cạnh đó, số lượng giáo viên, cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài; số lượng sinh viên của 34 chương trình được chuyển giao, đào tạo thí điểm còn chưa đạt mục tiêu của Đề án. Kinh phí chi trả chuyên gia của Đức sang Việt Nam hướng dẫn, tổ chức thi, đánh giá công nhận tốt nghiệp, kiểm tra, giám sát đào tạo thí điểm và chi trả cho các trường để tổ chức đào tạo thí điểm theo hợp đồng ký kết còn hạn hẹp, dẫn đến, tình trạng sinh viên đã học xong chương trình nhưng chưa được tổ chức thi tốt nghiệp để cấp bằng theo kế hoạch.
Việc triển khai tự chủ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đồng bộ và mạnh mẽ; cơ chế đặt hàng giao nhiệm vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn chưa rõ. Các cơ chế, chính sách cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao còn chưa hoàn thiện và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể để phát triển trường nghề chất lượng cao…
Yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học – công nghệ, xu hướng phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và tăng trưởng xanh đòi hỏi người lao động phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn cao cũng như khả năng đổi mới và sáng tạo để có thể bắt kịp với công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần tiếp tục đổi mới, khắc phục những tồn tại, bất cập và chú trọng đến việc thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
4. Một số đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam, trong thời gian tới, cần tập trung một số vấn đề sau:
Một là, đẩy mạnh xã hội hóa và đa dạng nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, mở rộng đào tạo kỹ năng chuyên nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc cơ cấu lại hệ thống giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, chuyên ngành, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng thực dạy, thực học.
Hai là, các sở giáo dục và đào tạo nghề cần tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện để các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng đủ điều kiện để mở các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề nghiệp. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học gắn với chuẩn năng lực và đánh giá sự tác động của chuẩn đầu ra đối với cải thiện chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục chuyên nghiệp, trong đó triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục chuyên nghiệp ở các cấp và cơ sở giáo dục nghề chuyên nghiệp, đưa các nội dung công khai về giáo dục lên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo và của cơ quan quản lý.
Bốn là, triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020. Cùng với đó, cần chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục chuyên nghiệp. Đặc biệt, khuyến khích các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp trong nước hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nước ngoài để nâng cao năng lực quản lý, đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên và cán bộ khoa học, quản lý giáo dục chuyên nghiệp.
Chú thích:
1. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2011). Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2025.
2. https://www.molisa.gov.vn/baiviet/224706?tintucID=224706, truy cập ngày 20/7/2024.
3. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.https://tapchilaodongxahoi.vn/dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-trong-he-thong-giao-duc-nghe-nghiep-1330952.html
4, 5, 6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2021). Thông tư số 35/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2021 quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2014). Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 06/6/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
2. Ban Bí thư (2023). Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2011). Quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2025.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017). Quyết định 1836/QĐ-LĐTBXH ngày 27/11/2017 phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường cao đẳng, trường trung cấp công lập được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.
5. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2017). Quyết định số 1839/QĐ-LĐTBXH ngày 28/11/2017 về việc phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; trường tư thục, trường có vốn đầu tư nước ngoài và trường thuộc doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025.
6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2018). Thông tư số 21/2018/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2018 quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
7. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2011). Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 phê duyệt ngành, nghề trọng điểm; các trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025.
8. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2021). Thông tư số 35/2021/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2021 quy định tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận trường cao đẳng chất lượng cao.
9. Quốc hội (2014). Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014.