Đồng thuận xã hội – nhân tố đóng vai trò quan trọng trong xây dựng nông thôn hiện đại ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa

Lê Hữu Nam
Hệ 5, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta; trong đó đồng thuận xã hội là nhân tố đóng vai trò quan trọng tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thuận xã hội là điều kiện khách quan, là tiền đề để xây dựng và phát triển nông thôn hiện đại. Thực hiện chủ trương đó, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực, chủ động tăng cường đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại trong giai đoạn hiện nay.

Từ khóa: Đồng thuận xã hội; nông thôn hiện đại; tăng cường; huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

1.  Đặt vấn đề

Đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí với nhau của đại đa số thành viên trong xã hội về một hoặc một số vấn đề nào đó, trên cơ sở đó, các thành viên này gắn kết chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động của mình nhằm đạt đến mục đích chung1. Đây chính là yêu cầu tạo sự đoàn kết và đồng thuận xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, xây dựng nông thôn hiện đại là chiến lược lâu dài, bền vững được triển khai mạnh mẽ trong những năm qua. Quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể hóa trong mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân trên địa bàn, đến nay, bộ mặt nông thôn của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.

2. Cơ sở lý luận

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất coi trọng vai trò của đại đoàn kết dân tộc. Người nhấn mạnh, “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”2, đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Người nói đến đại đoàn kết cũng là nói đến sự đồng thuận xã hội và để xây dựng sự đồng thuận xã hội, Người đã rất chú trọng về công tác tuyên tuyền, vận động, giáo dục để mọi giai cấp, tầng lớp trong xã hội tự nguyện cùng thống nhất, đồng lòng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải đi đúng đường lối quần chúng, biến những Nghị quyết của Đảng thành quyết tâm của quần chúng và không được quan liêu, mệnh lệnh, gò ép nhân dân”3.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng và công cuộc đổi mới đất nước đã luôn kiên trì mục tiêu tạo ra sự đồng thuận cao, thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Theo đó, đồng thuận xã hội là yếu tố cơ bản, nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc, nhân tố căn bản nhằm bảo đảm thắng lợi mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Theo đó, tăng cường đồng thuận xã hội là mục tiêu, quan điểm của Đảng ta; đồng thời là nguyện vọng chân chính, tha thiết của mọi tầng lớp, giai tầng trong xã hội và đang được thể hiện sinh động, hiệu quả trong thực tiễn.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Cần đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, một yếu tố quan trọng đạt được sự đồng thuận xã hội cao”4. Trong xây dựng đồng thuận xã hội không chỉ dừng lại ở khái niệm chính trị, đó là ở phương thức tập hợp lực lượng có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thông qua phương thức tập hợp đó sẽ tạo ra nguồn lực vững chắc để chúng ta chiến thắng cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và đánh bại các thế lực thù địch hiện nay. Vì vậy, đồng thuận xã hội là một chiến lược cách mạng của Đảng ta nhằm phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc lên tầm cao mới.

Thuật ngữ “nông thôn hiện đại” lần đầu tiên được Đảng ta sử dụng và thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh là định hướng xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam trong thời gian tới: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”5.

Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Xây dựng nông thôn hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo”6. Do vậy, sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại là sự đồng tình, nhất trí trong nhận thức và hành động của Đảng, Nhà nước và toàn dân trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Với những lý luận trên, chúng ta có thể hiểu, đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí cả về tư tưởng và hành động của cấp ủy, đảng, chính quyền và toàn thể Nhân dân huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn hiện đại, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững kinh tế xã hội trên địa bàn huyện, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

3. Thực trạng tăng cường đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn mới của huyện thời gian qua

Hoằng Hóa là huyện đồng bằng ven biển nằm ở vị trí phía Đông của tỉnh Thanh Hóa. Địa phương có truyền thống cách mạng với nhiều dân tộc cùng chung sống hòa thuận. Thực tiễn những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương và Nhân dân trên địa bàn huyện đã phát huy tốt nhưng ưu thế của địa phương, đoàn kết phát triển và đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ cả về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Những kết quả đạt được đó do có sự đồng thuận xã hội trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của huyện. Những năm qua, huyện Hoằng Hóa đã quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tăng cường đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại của huyện và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: có 100% số xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới (đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025); có 100% số thị trấn của địa phương đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ sự hài lòng của người dân ở địa phương đối với hiệu quả xây dựng nông thôn hiện đại của huyện đạt từ 90% trở lên (tỷ lệ hài lòng của người dân ở từng xã đối với hiệu quả thực hiện từng nội dung xây dựng nông thôn hiện đại từ từ 80% trở lên)7. Đây là minh chứng cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong định hướng xây dựng mô hình nông thôn hiện đại được tiến hành từng bước dựa trên cơ sở kết quả quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao trong những năm qua. 

Những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về phát triển nông thôn đã từng bước làm thay đổi diện mạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cư dân nông thôn ngày càng ổn định, bền vững. Hoằng Hóa hoàn thành huyện nông thôn mới với tổng nguồn vốn được huy động là 9.747.311 triệu đồng. Xã nào cũng có người dân hiến đất, góp công làm đường bằng ngày công lao động, “mạnh thường quân” là những người dân đi làm xa quê nhiệt tình ủng hộ các công trình. Theo thống kê, Nhân dân tham gia đóng góp xây dựng các công trình công cộng với số tiền mặt đạt 206.554 triệu đồng, 312.128 ngày công lao động (chiếm 1,50%); Nhân dân hiến đất, xây dựng nhà cửa,chỉnh trang khuôn viên vườn, con em làm ở địa phương khác ủng hộ đạt: 4.498.103 triệu đồng, chiếm 45,89%”8. Đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên rõ rệt, nhiều nơi nông dân đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến, đề đạt tâm tư, nguyện vọng kịp thời với cấp ủy đảng, chính quyền trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại, để cùng tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại, khó khăn nhất định trong việc tăng cường đồng thuận xã hội về xây dựng nông thôn hiện đại của huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Thực tế, nguồn vốn ngân sách từ ngân sách trung ương, tỉnh và ngân sách của huyện là cơ bản, cụ thể: nguồn vốn thực hiện đề án nông thôn mới có được từ nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước vẫn chiếm phần lớn, giai đoạn 2020 – 2023 là 371,22 tỷ đồng, trong đó: trái phiếu 123,95 tỷ đồng; đầu tư phát triển 86,81 tỷ đồng; sự nghiệp 60,46 tỷ đồng còn vốn tiết kiệm của hơn 192.537 người trong toàn huyện chưa được huy động một cách hiệu quả vào xây dựng nông thôn mới ở huyện9; huyện vẫn còn chưa thật sự chú trọng huy động từ người dân của địa phương đi làm xa có tích lỹ kinh tế. Tâm lý cất trữ tiền, vàng, ngoại tệ hoặc sử dụng vào việc xây dựng nhà ở, đầu tư vào kinh doanh bất động sản là chủ yếu, đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội theo chuẩn nông thôn mới càng hạn chế.

Thực tế, còn một số cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào xây dựng nông thôn mới chưa đủ sức hấp dẫn, hiệu quả chưa cao. Tổng hợp số liệu từ năm 2020 – 2023 cho thấy, nguồn vốn doanh nghiệp được huy động 162,20 tỷ đồng là tổng số vốn huy động từ các doanh nghiệp trong giai đoạn này (chiếm 13,8% tổng số vốn huy động được cho chương trình nông thôn mới). Tuy nhiên, khả năng tăng vốn đóng góp của các doanh nghiệp hằng năm còn hạn chế và đang có xu hướng giảm10.

Ngoài ra, ở một số chính sách về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn chưa đồng bộ, vai trò của khối liên minh công – nông – trí thức ở một số thời điểm chưa được phát huy hết. Công tác tuyên truyền, thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thật sự thiết thực chưa hướng đến nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong xây dựng nông thôn hiện đại, phát triển kinh tế – xã hội. 

Việc phát huy dân chủ, tổ chức các hoạt động gặp gỡ, nắm bắt thông tin, giải quyết nhu cầu, nguyện vọng và trưng cầu ý kiến đối với Nhân dân ở một số nơi tiến hành chưa thường xuyên, có biểu hiện xem nhẹ. Còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ cùng với sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, lối sống, phong tục, tập quán nên chưa tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu vực nông thôn; thiếu tự giác chấp hành pháp luật, quy định của địa phương. Vì vậy, tăng cường đồng thuận xã hội tạo sức mạnh khối đại đoàn kết xây dựng nông thôn hiện đại ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa phải trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với đổi mới tổ chức, hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội của huyện; gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của huyện. 

4. Một số giải pháp 

Một là, phát huy vai của các chủ thể về tăng cường sự đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại ở huyện.

Cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền địa phương các cấp về xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết trong xã hội, nhất là cơ quan, tổ chức giữ vai trò trọng yếu, tạo cơ sở cho xây dựng, phát triển sự đồng thuận xã hội đạt kết quả cao nhất. Tiếp đến, cấp ủy, chính quyền cần nghiên cứu, ban hành những chủ trương, chính sách đúng đắn, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, hợp lòng dân, tạo cơ sở xây dựng sự đồng thuận xã hội, động viên, tập hợp và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp phát triển huyện theo đúng định hướng.

Cần chú trọng lấy mục tiêu, lợi ích chung của toàn thể người dân cũng như trong các khâu, các bước, từ khâu ra nghị quyết, hoạch định chính sách, đến kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết và chính sách xây dựng nông thôn hiện đại phải bảo đảm tạo sự đồng thuận xã hội cao trong toàn thể người dân của huyện.

Đặc biệt, phát huy vai trò của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hoằng Hóa trong thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao; thật sự là cầu nối vững chắc giữa các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với Nhân dân, góp phần phát huy dân chủ, nâng cao sự đoàn kết, đồng thuận xã hội. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ công tác Mặt trận, đáp ứng yêu cầu tăng cường đồng thuận xã hội trong xây dựng nông thôn hiện đại của huyện thời gian tới.

Hai là, kiên trì thực hiện quan điểm lấy dân làm gốc, lấy lợi ích căn bản của đại đa số nhân dân làm nền tảng, xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích giữa các giai cấp, tầng lớp, các khuynh hướng, lực lượng xã hội.

Các chủ thể ở địa phương cần có những chủ trương, giải pháp thích hợp nhằm khích lệ, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự chủ, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Chú trọng phát huy vai trò chủ thể là người dân để thấy được vai trò và quyền làm chủ của Nhân dân, nâng cao thực chất công tác giám sát, kiểm tra, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh; chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng và tiêu cực xã hội với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy dân chủ rộng rãi trong các tầng lớp dân cư, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương phải định kỳ trao đổi thông tin, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng nông thôn hiện đại trên tinh thần vì mục tiêu và lợi ích chung. Thực hiện tốt mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội với Nhân dân; đồng thời giữ vững sự đoàn kết thống nhất cao của Đảng bộ huyện, khối đoàn kết giữa các thành phần, giai cấp, tầng lớp xã hội; sự đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc; giữa đồng bào có đạo và không có đạo; giữa các thế hệ cán bộ; tập hợp rộng rãi các giai cấp, giai tầng xã hội. Qua đó, không ngừng củng cố, tăng cường và phát huy truyền thống, sức mạnh của khối đại đoàn kết Nhân dân trong huyện. Từ đó, khơi dậy sự sáng tạo, hiện thực hóa khát vọng xây dựng huyện Hoằng Hóa ngày càng giàu mạnh, văn minh. Xứng đáng là địa phương đi đầu góp phần trong xây dựng tỉnh Thanh Hóa nằm trở thành tỉnh có công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước.

Ba là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để các tầng lớp nhân dân, giai tầng, lực lượng xã hội tự nguyện thống nhất với nhau vì mục tiêu, lợi ích chung.

Đây là giải pháp cơ bản vì công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các đối tượng đóng vai trò rất quan trọng, bởi có nhận thức đúng mới có hành động và việc làm đúng đắn. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục tiến hành một cách sâu rộng, thiết thực, hiệu quả. Cần tập trung về tuyên truyền giáo dục đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; Nghị quyết số19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Huyện cần tiếp tục phát huy các mô hình, cách làm hay, hiệu quả của địa phương, như mô hình:“Khu dân cư tự quản về an toàn thực phẩm”; “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”; “Khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”; “Khu dân cư sáng – xanh – sạch – đẹp – an toàn”…,  từ đó góp phần nâng cao chất lượng sống ở khu vực nông thôn của huyện. Chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đổi mới, sáng tạo và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là xây dựng xã hội số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân; phương thức phải có trọng tâm, trọng điểm sát với thực tiễn ở cơ sở và nâng cao tần suất, hiệu quả thực chất của các cuộc vận động và các phong trào yêu nước, với phương châm: nghĩ thật; nói thật; làm thật; kết quả thật và Nhân dân được hưởng lợi nhiều nhất.

5. Kết luận

Hiện nay tuy còn có sự khác biệt nhất định về kinh tế, văn hóa, có sự phân hóa xã hội, sự bất bình đẳng trong một số chính sách thụ hưởng phúc lợi xã hội…, trên địa bàn huyện Hoằng Hóa, song nhìn chung đều có những điểm tương đồng về lợi ích, mục tiêu chung là xây dựng “nông thôn hiện đại” để ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng xã hội trên địa bàn. Do vậy, cần tiếp tục tăng cường sự đồng thuận xã hội và tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vì lợi ích chung, tương lai phát triển ở địa phương. Sự đồng thuận xã hội không chỉ là một chủ trương xây dựng “nông thôn hiện đại”, mà còn là một giải pháp thiết thực để thực hiện khối đại đoàn kết dân tộc ở huyện Hoằng Hóa trong thời gian tới.

Chú thích:
1. Đồng thuận xã hội – một số vấn đề lý luận và thực tiễn. https://www.tapchicongsan.org.vn/nghien-cu/-/2018/2270/dong-thuan-xa-hoi-mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien.aspx
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh (1945). Quốc dân đại hội Tân Trào (tháng 8/1945).
3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 5. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 521.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. H. NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, tr. 241.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 124.
6. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) (2022). Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
7. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa (2022). Quyết định số 1016/QĐ-UBND ngày 15/9/2022 về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao; quy định xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025 áp dụng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
8, 9, 10. Ủy ban nhân dân huyện Hoằng Hóa (2024). Báo cáo số 23/BC-UBND ngày 21/01/2024 về kết quả xây dựng nông thôn mới đến năm 2023 của huyện.