ThS. Đào Ngọc Thủy
Học viện Hành chính Quốc gia
(Quanlynhanuoc.vn) – Thành phố Hà Nội là địa phương có số lượng di tích nhiều nhất cả nước, trong đó nhiều di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, có di tích đã được UNESCO vinh danh. Di tích lịch sử là bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của dân tộc, là những trang sử sống mang dấu ấn về sự biến động, thăng trầm của nhiều thời kỳ lịch sử, vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân; đồng thời, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Từ khóa: Bảo tồn; phát huy; di sản văn hóa; di tích quốc gia đặc biệt, Hà Nội.
1. Đặt vấn đề
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt nói riêng là một trong những định hướng, chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Tại Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp quyết tâm thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến sâu sắc, toàn diện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết. Xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững ở các địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam”.
Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố); hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ1. Các di tích phân bố tại các quận, huyện trong thành phố. Sở hữu số lượng lớn di sản, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt là các di tích quốc gia nhằm góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế – xã hội Thủ đô phát triển bền vững.
2. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội
Bảo tồn di sản, phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ luôn được thành phố Hà Nội coi trọng, cụ thể hóa trong nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình. Tiêu biểu như Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã khẳng định quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng – an ninh và trật tự an toàn xã hội; giữ gìn cảnh quan và bảo vệ môi trường; Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025; Kế hoạch số 176/KH-UBND ngày 30/7/2021 của UBND thành phố Hà Nội nhằm nâng cao nhận thức, chủ động, linh hoạt triển khai nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, danh thắng trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2025: đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích quốc gia, di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long…
Ngày 11/10/2024, UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 294/KH-UBND về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 và các năm tiếp theo. Kế hoạch nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị các di sản, các công trình có giá trị tiêu biểu của Thủ đô, có ý nghĩa chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống đặc sắc, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Trong những năm qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, trong đó có di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị di tích quốc gia đặc biệt. Cụ thể:
Về công tác lập quy hoạch: thực hiện việc lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích quốc gia đặc biệt, trong đó có 4 di tích thành phố quản lý, 17 di tích, cụm di tích do quận, huyện quản lý.
Đối với những di tích thuộc thành phố quản lý: UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc và các sở, ban, ngành liên quan thực hiện việc lập, trình duyệt và triển khai kế hoạch bảo tồn, tôn tạo các hạng mục di tích, như: chương trình giới thiệu, đề cương trưng bày, lựa chọn hiện vật để khai thác, phát huy giá trị của Khu di tích phục vụ học tập, nghiên cứu, tham quan, du lịch…
Đối với những di tích thuộc cấp huyện quản lý: đã xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và kế hoạch thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo, tổ chức các chương trình lễ hội, phát triển sản phẩm du lịch ở địa phương để trình UBND thành phố quyết định. Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm, đầu tư, đạt nhiều kết quả quan trọng. Hà Nội được ghi nhận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và sưu tầm các di sản văn hóa cũng như công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Các di tích thuộc Sở Văn hóa và Thể thao quản lý được thực hiện tốt công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; nhờ đó, trung bình mỗi năm, từ năm 2015 đến nay, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám… đón hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Hà Nội đã giải quyết cơ bản hài hòa, hợp lý giữa công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội. Tại các quận, huyện, thị xã, việc phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng, qua đó, đã triển khai kịp thời và tương đối đồng bộ các biện pháp quản lý di tích tại cơ sở. Các di tích cơ bản đều có ban quản lý. Nhiều quận, huyện chủ động lập và thực hiện tốt kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn cũng như phối hợp mở lớp tập huấn nâng cao công tác quản lý, bảo vệ di tích.
Về phổ biến, tuyên truyền chính sách được tiến hành thường xuyên với hình thức đa dạng. Các ban quản lý di tích đã trực tiếp thực hiện phổ biến, tuyên truyền chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của di tích đến cộng đồng địa phương và khách tham quan di tích thông qua các dịp lễ hội và hướng dẫn khách tham quan. Khách đến tham quan di tích được các bộ phận hướng dẫn của ban quản lý di tích thông báo, nhắc nhở tuân thủ nội quy di tích, nhất là những quy định đối với hiện vật, qua đó, nâng cao ý thức bảo tồn di tích. Ngoài ra, ban quản lý di tích cũng phổ biến tuyên truyền các giá trị của di tích thông qua các ấn phẩm được trưng bày, bày bán tại các di tích, hoặc các tờ rơi, tờ gấp bỏ túi cho du khách tham quan di tích.
Đã thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền góp phần giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên thông qua các hoạt động chương trình tìm hiểu lịch sử – văn hóa địa phương, tham quan học tập ở di tích. Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai giáo dục khám phá di sản tại di tích, như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Khu Hoàng thành Thăng Long. Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (đơn vị quản lý hai khu di tích quan trọng là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa) và Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình giáo dục di sản trong các trường học. Những nội dung giáo dục di sản cho học sinh Thủ đô được đưa vào chương trình học tập một cách có hệ thống, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi. Với hai chương trình cụ thể là “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã góp phần phổ biến, tuyên truyền chính sách giáo dục di sản, giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm, từ đó, giúp học sinh trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.
Đặc biệt, thông qua các chương trình, hoạt động xúc tiến phát triển du lịch, các cơ quan của thành phố đã liên kết với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành xây dựng các tour, tuyến du lịch góp phần quảng bá hình ảnh di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội đến đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Về số hóa di sản, nhiều năm qua Hà Nội đã triển khai thực hiện việc số hóa di sản, qua đó, góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố Hà Nội; đồng thời, giúp người dân trong nước và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, phối hợp đồng bộ nhằm bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và có biện pháp ngăn chặn việc lấn chiếm, xâm hại di tích. Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử cấp quốc gia được sự quan tâm lãnh đạo của Thành ủy, chỉ đạo của UBND thành phố; có sự phối hợp của các sở, ngành liên quan và các địa phương.
Việc sơ kết, tổng kết được thực hiện nghiêm túc nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện.
3. Một số hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội
Thứ nhất, chính quyền địa phương ở một số nơi và người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích; về vị trí của mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Một số nơi chưa điều tiết hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội, còn tình trạng coi trọng tăng trưởng kinh tế dẫn đến nhiều vấn đề bất cập nảy sinh, phá vỡ các kiến trúc truyền thống.
Thứ hai, việc lập kế hoạch thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chưa được quan tâm đồng đều. Những di tích có lợi thế thu hút khách du lịch thì được quan tâm trong các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, các di tích còn lại ở những địa bàn không thuận lợi chưa được quan tâm. Thành phố chưa có kế hoạch chuyên biệt đối với lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn. Các kế hoạch thực hiện mới chỉ thông qua tích hợp và lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển văn hóa và du lịch của địa phương.
Thứ ba, trước tốc độ đô thị hóa quá nhanh, dân số gia tăng, sự kết nối giữa kiến trúc đô thị và giao thông đô thị chưa đồng bộ cũng tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, các danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Còn tình trạng vi phạm, xâm hại di tích chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Thứ tư, việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương trên địa bàn thành phố chưa thường xuyên dẫn tới tình trạng vi phạm, xâm hại di tích ở một số nơi chưa được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Cơ chế kiểm tra, giám sát tại các ban quản lý di tích còn yếu, chưa gắn với trách nhiệm và chưa được quy định rõ ràng. Ban Quản lý di tích chỉ đơn thuần là trông giữ và tổ chức hoạt động tham quan di tích. Trong khi đó, chính quyền cơ sở quản lý về mặt lãnh thổ. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ thì ảnh hưởng rất lớn đến kiểm tra, giám sát bảo tồn và phát huy di tích, đặc biệt trong việc bảo vệ cảnh quan xung quanh di tích.
Thứ năm, mặc dù các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách bảo tồn, phát huy di tích tới cộng đồng địa phương và khách tham quan di tích, nhưng ở một số hộ dân cư trú xung quanh di tích chưa quan tâm đến quy hoạch, vẫn cố ý xâm phạm không gian văn hóa của di tích.
Thứ sáu, còn nhiều cán bộ tham gia Ban Quản lý di tích chưa được đào tạo chuyên môn về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dẫn đến xảy ra một số sự việc di tích bị hạ giải, mất đi yếu tố gốc.
3. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội
Một là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với di sản văn hóa; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc giữ gìn, bảo vệ di tích; tăng cường công tác phối hợp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo ngành Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên về ý nghĩa lịch sử truyền thống của các di tích lịch sử – văn hóa tại địa phương.
Hai là, đầu tư các nguồn lực cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, quan tâm đầu tư kinh phí để bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích; xây dựng chính sách thu hút, kêu gọi nguồn đầu tư từ xã hội, các nguồn tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về an ninh, trật tự; vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ tại các khu di tích. Đặc biệt, chú ý vấn đề bảo vệ cảnh quan, môi trường, di tích, bảo vệ không gian văn hóa, khắc phục tình trạng xây dựng công trình dân dụng phá vỡ cảnh quan di tích.
Bốn là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô. Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực nhiệm nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, cập nhật tiếp thu kiến thức mới áp dụng vào việc quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Chú trọng xây dựng đội ngũ thợ lành nghề tham gia các hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa. Định kỳ tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức pháp luật liên quan cho cán bộ cơ sở, các ban quản lý di tích cũng như những người trực tiếp tham gia trông coi, bảo vệ di tích.
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý, bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị các di tích lịch sử tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Tăng cường trao đổi chuyên gia và giảng viên, học tập kinh nghiệm của các quốc gia có kinh nghiệm trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
4. Kết luận
Các di tích lịch sử, di sản văn hóa là nguồn tài sản quý giá của Thủ đô. Do vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đặc biệt là các di tích quốc gia đặc biệt cần được các cấp chính quyền Hà Nội quan tâm nhằm bảo đảm cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội bền vững, xứng đáng là “Thành phố anh hùng”, “Thành phố di sản văn hóa”.
Chú thích:
1. Hà Nội bảo tồn, phát huy giá trị di sản. https://sovhtt.hanoi.gov.vn/ha-noi-bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san/
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Chính trị (2020). Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
2. Bộ Chính trị (2022). Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
3. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (2012). Quyết định số 4597/QĐ-UBND ngày 16/10/2012 về việc phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.
5. Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/820759/phat-huy-gia-tri-cac-di-san-van-hoa-trong-phat-trien%C2%A0du-lich-thu
6. Thành phố Hà Nội: Bảo tồn và phát huy giá trị di tích. https://congthuong.vn/thanh-pho-ha-noi-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-tich-180185.html
7. Không gian đô thị và bài toán phát huy giá trị di sản. https://vietnamarchi.vn/khong-gian-do-thi-va-bai-toan-phat-huy-gia-tri-di-san-1785.html