Kinh nghiệm xây dựng, khai thác học liệu mở phục vụ công tác đào tạo ở Việt Nam hiện nay

ThS. Phạm Lê Vân
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 

(Quanlynhanuoc.vn) – Học liệu mở đã và đang là xu thế mới của giáo dục – đào tạo trong việc xây dựng và chia sẻ tri thức. Hiện nay, việc ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ 4.0 đã tạo môi trường thuận lợi cho khai thác học liệu mở phát triển và cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động này đối với công tác giáo dục – đào tạo của Việt Nam. Việc nghiên cứu kinh nghiệm và rút ra bài học thực tiễn từ một số mô hình trong việc xây dựng, khai thác học liệu mở phục vụ công tác đào tạo sẽ góp phần củng cố lý luận, đưa ra định hướng đúng đắn cho sự phát triển của học liệu mở ở Việt Nam nói chung và của các cơ sở đào tạo nói riêng.

Từ khóa: Học liệu mở; khai thác học liệu mở; giáo dục – đào tạo; tài nguyên giáo dục mở; chia sẻ tri thức; xu thế.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, nhờ có sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều thành tựu khoa học – công nghệ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội. Cùng với xu hướng chung của thế giới, lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo ra sự chuyển đổi phương thức hoạt động từ phương thức truyền thống sang nền tảng thông tin số, tài nguyên số, học liệu mở là một trong những ứng dụng đó. Học liệu mở hay tài nguyên giáo dục mở (Open Educational Resources – OER) là thuật ngữ để chỉ các tài liệu phục vụ cho mục tiêu giáo dục, được cấp phép sử dụng, tái sử dụng miễn phí trên mạng Internet. Học liệu mở góp phần hỗ trợ các cơ sở đào tạo, các trường đại học trong việc không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. 

Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,… khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”1. Yếu tố về năng lực sáng tạo chính là mục tiêu quan trọng mà một nền giáo dục hiện đại hướng đến cùng với đó là phát huy tính chủ động và sáng tạo của người dạy và người học, khắc phục những khuyết điểm của hệ thống giáo dục “khép kín” trước đây. Học liệu mở chính là phương pháp giáo dục – đào tạo hiện đại giúp tăng cường khả năng tự học, nghiên cứu của người học mà các quốc gia đang hướng tới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

2. Khái niệm và vai trò của học liệu mở 

2.1. Một số khái niệm

Theo UNESCO: Học liệu mở có thể được coi là bất cứ tài liệu giáo dục nào nằm trong phạm vi, miền công cộng hoặc được phát hành theo một giấy phép mở, bất cứ ai cũng có thể sao chép, sử dụng, sửa đổi và chia sẻ một cách hợp pháp các tài liệu này2. Học liệu mở còn được biết đến với thuật ngữ tài nguyên giáo dục mở (OER) gồm tất cả những khóa học, tài liệu học tập, các module giảng dạy, giáo trình, sách giáo khoa, video, bài kiểm tra, phần mềm và những công cụ, tài liệu, công nghệ được sử dụng để hỗ trợ cho việc tiếp cận kiến thức.

Tại Việt Nam, một số trường đại học đã đưa ra khái niệm học liệu mở là những tài liệu, bài giảng, giáo trình, chương trình môn học do các trường đại học, cơ sở đào tạo xây dựng được số hóa trong các chương trình chính thức, cho phép người dùng có thể sử dụng tự do trên internet thông qua các hệ thống giấy phép mở. Học liệu mở bao gồm 3 nội dung cơ bản: (1) Tài liệu học tập: là cơ sở dữ liệu sách, báo, tạp chí, luận án, luận văn, đề tài nghiên cứu, bài giảng, nội dung khóa học…; (2) Các cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, phần mềm thư viện để tìm kiếm, sử dụng và phân phối tài liệu học tập; (3) Căn cứ thực hiện: giấy phép về quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền của tài liệu đó.

2.2. Vai trò của học liệu mở trong phục vụ công tác đào tạo 

Học liệu mở đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, hướng tới xây dựng xã hội học tập. Với những đặc trưng nêu trên, khai thác học liệu mở phục vụ công tác đào tạo có những vai trò hết sức quan trọng.

Một là, góp phần tăng cường chất lượng nghiên cứu giảng dạy của các cơ sở đào tạo. Với nguồn tài nguyên thông tin đa dạng và chuyên sâu, việc khai thác học liệu mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi các các cơ sở giáo dục, đào tạo xây dựng kế hoạch và mục tiêu đào tạo của mình. Không những thế, dựa trên những ý kiến nhận xét, đóng góp, đánh giá từ phía của người học, từ phía đội ngũ giảng viên vàcác nhà nghiên cứu, các cơ sở đào tạo sẽ đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút học viên, nâng cao vị thế của nhà trường.

Hai là, góp phần làm giảm giá thành xây dựng, biên soạn học liệu, giáo trình, nâng cao hiệu quả trong sử dụng ngân sách, vốn đầu tư. Các cơ sở giáo dục đào tạo thông qua sự liên kết, hợp tác với trong xây dựng học liệu mở sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực của trường. Thông qua thỏa thuận liên kết cơ sở học liệu sẽ giúp giảm bớt chi phí mua sắm, trang cấp tài liệu, tránh trùng lặp cơ sở học liệu, các cơ sở giáo dục – đào tạo không phải bỏ một khoản ngân sách lớn để phát triển học liệu. Với khoản tiết kiệm chi này các cơ sở đào tạo có thể dùng để đầu tư nghiên cứu những nội dung mới hoặc nâng cấp những chương trình có sẵn một cách tối ưu và hiệu quả.

Ba là, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn học liệu có chất lượng. Do không giới hạn trong tiếp cận nội dung của học liệu mở, chất lượng các tài liệu sẽ được đánh giá bởi đông đảo người sử dụng, trong đó có các chuyên gia trong lĩnh vực đó. Thông qua việc tiếp cận được nhiều hơn các tài liệu nghiên cứu, người đọc, nhà nghiên cứu có thể biết được những nội dung nào đã được công bố, có nghiên cứu sâu hơn hoặc các nội dung khác tránh trùng lặp. Ngoài ra, tác giả của các học liệu mở này có thể nhận được phản hồi của người đọc để có sự điều chỉnh, sửa chữa, nghiên cứu chuyên sâu hơn, nâng được trình độ bản thân, khẳng định uy tín của bản thân. Nhờ đó, cơ sở dự liệu sẽ đượccập nhật, hoàn thiện, chỉnh sửa và nâng cấp liên tục.

Bốn là, góp phần thúc đẩy sự minh bạch trong hoạt động nghiên cứu, tính học thuật trong các cơ sở đào tạo. Các tài liệu mở, như: các kết quả nghiên cứu đề tài khoa học, các công trình luận án, luận văn, các bài giảng… khi được công khai sẽ giúp hạn chế sự gian lận, sao chép trong kết quả nghiên cứu. Hạn chế được sinh viên, học viên đạo văn của các công trình trước đó, nâng cao được chất lượng nghiên cứu của sinh viên, học viên

Năm là, tăng cường sự kết nối giữa giảng viên và học viên trong quá trình giảng dạy và học tập. Học liệu mở hỗ trợ cho các giảng viên khả năng dễ dàng điều chỉnh các tài liệu học tập đáp ứng các nhu cầu của sinh viên, học viên. Đồng thời, học liệu mở giúp sinh viên, học viên có nguồn tài liệu học tập phong phú hơn, tạo điều kiện cho sinh viên, học viên tham gia vào quá trình giáo dục chủ động và hiệu quả hơn; từ đó có thể tiếp cận tri thức nhanh hơn, được giải đáp thắc mắc thông qua học tập tương tác và trao đổi với giảng viên.

3. Một số bài học kinh nghiệm về khai thác học liệu mở phục vụ công tác đào tạo tại Việt Nam

3.1. Học liệu mở của Đại học Fulbright Việt Nam

Đại học Fulbright Việt Nam thành lập vào năm 2016, tiền thân là Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM). Loại hình đào tạo của Đại học Fulbright là đào tạo trình độ thạc sĩ và các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên ngành chính sách công; cung cấp các chương trình đào tạo đa dạng như luật pháp, khoa học kinh doanh, công nghệ thông tin và khoa học xã hội; ngoài ra Đại học Fulbright còn thực hiện chương trình trao đổi, tọa đàm giải quyết những bất cập trong thực hiện chính sách công ở Việt Nam.

Các tài liệu, học liệu trên trang học liệu mở của Đại học fulbright Việt Nam bao gồm chương trình của từng môn học, các bài giảng, bài thảo luận, bài tập, sách chuyên khảo, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến chính sách công. Trang không chỉ cung cấp các nội dung bài học mang tính chất học thuật, lý luận cơ sở ngành mà đây còn là một nguồn học liệu mở cung cấp tài liệu, số liệu, khảo sát thực tế cho những cá nhân đang nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực liên quan đến lãnh đạo học và chính sách công. 

Các nội dung môn học, kế hoạch giảng dạy, tài liệu học tập trên trang Học liệu mở được cập nhật liên tục, nắm bắt các biến động chính trị, điều chỉnh để phù hợp sự thay đổi trong chính sách ở trong nước và quốc tế. Trong đó, để cung cấp thêm tài liệu bổ trợ cho học liệu mở, Đại học Fulbright đã thiết kế các case study – nghiên cứu tình huống thực tế phù hợp với tình hình ở Việt Nam. 

Trang học liệu mở của Đại học Fulbright hoạt động theo dạng website dựa trên nền tảng công nghệ web của Google, phù hợp với mọi thiết bị thông minh, chỉ cần có kết nối internet, bất cứ ai trên thế giới cũng có thể truy cập và sử dụng các học liệu. Các tài liệu học tập được đăng tải chủ yếu là định dạng file PDF cho phép người dùng có thể tải tài liệu trực tiếp về máy tính cá nhân một cách dễ dàng mà không cần phải đăng ký tài khoản. Đội ngũ cán bộ quản lý phụ trách đăng tải tài liệu lên mạng phải thực hiện quy trình 6 bước: 

Bước 1: Giảng viên lựa chọn tài liệu mới cần đưa vào nội dung giảng dạy của môn học, sau đó chuyển cho bộ phận tiếp nhận của Thư viện.

Bước 2: Thư viện tiến hành liên hệ với nhà xuất bản hoặc tác giả để xin cấp giấy phép bản quyền để được sử dụng và dịch tài liệu đó ra tiếng Việt, sau đó bộ phận tiếp nhận của Thư viện sẽ gửi tài liệu đó đến bộ phận dịch thuật.

Bước 3: Tài liệu sau khi được dịch, Thư viện sẽ gửi lại cho giảng viên để kiểm tra tài liệu; sau đó Thư viện sẽ tiến hành các bước biên tập lại tài liệu, hiệu đính, định dạng lại tài liệu theo quy định của trường và theo giấy phép Creative Commons (CC).

Bước 4: Tài liệu được chuyển đến bộ phận đào tạo của trường dưới dạng bản giấy để lưu trữ, sao in và gửi cho học viên, nhằm kịp thời bổ sung tài liệu tham khảo cho môn học. 

Bước 5: Sau đó, Thư viện sẽ tiến hành xuất bản tài liệu điện tử lên học liệu mở 

Bước 6: Kiểm tra lại học liệu mở vừa được xuất bản. Kết thúc quy trình tạo ra học liệu mở.

Bản quyền là một trong những khó khăn trong khai thác học liệu mở của Đại học Fulbright. Trong thực tế, khi muốn đưa một văn bản hay tài liệu nào đó đã dịch sang tiếng Việt lên Trang học liệu mở, bộ phận phụ trách công tác xin giấy phép của Thư viện phải liên hệ với các nhà xuất bản, tác giả hoặc cá nhân có sở hữu bản quyền của tài liệu để tiến hành thương thảo và xin phép được dịch văn bản/tài liệu để đưa lên học liệu mở. Quy trình này được thực hiện theo các điều khoản chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch được quy định trong hợp đồng, bao gồm nội dung chi phí để mua bản quyền tài liệu đó, chi phí này cao hay thấp phục thuộc vào mức độ sử dụng tài liệu mà tác giả cho phép. 

Việc xuất bản tài liệu lên Trang học liệu mở cũng cần rất nhiều thời gian. Một phần vì tác giả thường có tâm lý e ngại không muốn đưa tác phẩm của mình lên không gian mạng. Một phần vì lo lắng quá trình dịch thuật sẽ làm ảnh hưởng đến nội dung tác phẩm của mình. Do đó, bộ phận Thư viện cần có thời gian để đưa ra những cam kết cẩn thận và kỹ càng với phía nhà xuất bản, tác giả. Đồng thời, sau khi có bản quyền, sẽ mất một khoảng thời gian để bộ phận dịch thuật tiến hành dịch và hiệu đính tài liệu đó trước khi chuyển lại cho bộ phận đào tạo và tiến hành xuất bản tài liệu điện tử lên Trang học liệu mở.

Hiện nay, Thư viện Đại học Fulbright có hơn 7.500 sách, với gần 40 báo và tạp chí khoa học định kỳ ở các chuyên ngành. Về tài nguyên thông tin điện tử có trả phí, Thư viện có 12 cơ sở dữ liệu như: ProQuest Ebook Central, Cambridge Core, EconLit, Art & Architecture Complet, Niên giám Thống kê Việt Nam,… Về tài nguyên thông tin điện tử không cần trả phí, Thư viện cung cấp 18 cơ sở dữ liệu truy cập mở, cung cấp 3 cơ sở dữ liệu nội sinh (gồm hơn 700 luận văn thạc sĩ về chính sách công, 1 cơ sở dữ liệu sách điện tử được biếu tặng, 1 cơ sở dữ liệu về bài trích tạp chí của hơn 30 chuyên ngành nghiên cứu khác nhau bằng tiếng Anh và tiếng Việt). Thư viện Đại học Fulbright được trang bị phần mềm quản trị thư viện tích hợp, phần mềm tìm kiếm tập trung và quản lý truy cập mở3.

Đại học Fulbright là trường đại học độc lập với tài trợ 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, trên nền tảng mô hình giáo dục khai phóng của Hoa Kỳ với trọng tâm là khám phá khoa học xã hội và phát triển năng lực cá nhân. Do đó, việc phát triển Trang học liệu mở đã trở thành định hướng chiến lược phát triển chung lâu dài Đại học Fulbright.

Hình 1. Giao diện Trang học liệu mở của Đại học Fulbright Việt Nam

3.2. Cổng thông tin truy cập Tài nguyên giáo dục mở tại Đại học RMIT Việt Nam 

Năm 2000, Đại học RMIT Việt Nam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, là cơ sở đào tạo tại nước ngoài lớn nhất của Đại học RMIT Melbourne (Australia). Hiện nay, Trường có ba cơ sở đào tạo đặt tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng. Các chuyên ngành đào tạo của Đại học RMIT Việt Nam là kinh doanh, quản trị, thiết kế, công nghệ, du lịch, ngôn ngữ với các hệ đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. 

Với mục tiêu hỗ trợ và khuyết khích giảng viên, học viên sử dụng nguồn tài nguyên giáo dục mở trong giảng dạy và học tập, tiết kiệm chi phí mua tài liệu, giáo trình môn học, đồng thời cung cấp nguồn tài nguyên thông tin đa dạng phục vụ công tác đào tạo, Thư viện Đại học RMIT Việt Nam đã xây dựng Cổng thông tin truy cập tài nguyên giáo dục mở. Sau khi tìm hiểu, đánh giá, tìm hiểu các nguồn tài nguyên giáo dục mở phù hợp với các chuyên ngành của Trường, Thư viện Đại học RMIT Việt Nam đã xây dựng bộ sưu tập các nguồn tài nguyên giáo dục mở gồm có nhiều giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu bổ trợ môn học, các bài báo, bài trích tạp chí, luận án, luận văn…

Hình 2. Giao diện Cổng thông tin truy cập Tài nguyên giáo dục mở tại Đại học RMIT Việt Nam

Mô hình thực hiện của Thư viện là xây dựng kho lưu trữ học liệu mở, chạy trên nền tảng web cho phép truy cập miễn phí trong cộng đồng. Thư viện Đại học RMIT Việt Nam đã thành lập nhóm nghiên cứu để xây dựng kế hoạch, thu thập các dữ liệu, thống nhất quy trình phân loại, xử lý, lưu trữ, truy cập và chia sẻ học liệu mở. 

Về công nghệ, Dự án sử dụng ứng dụng mã nguồn mở có tên là Omeka, do Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Truyền thông Roy Rosenzweig và Đại học George Mason (Hoa Kỳ) phát triển. Đây là phần mềm chuyên về xuất bản và chia sẻ bộ sưu tập số, thường được ứng dụng trong cơ sở đào tạo, thư viện và trung tâm lưu trữ. 

Phần mềm Omeka có giao diện dễ sử dụng, được thiết lập đầy đủ các chức năng về xử lý kỹ thuật tài liệu: nhập tài liệu, biên mục, sắp xếp, quản lý, xuất bản, chia sẻ tài liệu… theo tiêu chuẩn Dublin Core và danh mục định từ khóa tiêu chuẩn MARC. Phần mềm hỗ trợ tải tài liệu với nhiều định dạng khác nhau, thực hiện nhập tài liệu số lượng lớn cùng một lúc đồng thời, đây là ứng dụng dễ cài đặt, dễ tùy biến theo đặc thù của đơn vị. Ngoài ra, Omeka hỗ trợ tính năng thiết kế các trang triển lãm nội dung theo nhiều chủ đề, cho phép người sử dụng đóng góp gửi bài vào kho dữ liệu, hỗ trợ chia sẻ tài liệu theo giấy phép mở Creative Commons. 

Trung bình mỗi năm, có hơn 18.000 lượt truy cập đến Cổng thông tin truy cập Tài nguyên giáo dục mở tại Đại học RMIT Việt Nam, nhờ có thư viện người dùng có thể tiếp cận với hơn 6.000 cơ sở dữ liệu theo từng chủ đề, hơn 130.000 bài trích tạp chí, hơn 500.000 sách điện tử và hơn 130.000 video, audio… với nhiều chủ đề phong phú. Thông qua hoạt động tuyên truyền và tư vấn theo nhiều kênh Cổng thông tin truy cập Tài nguyên giáo dục mở tại Đại học RMIT Việt Nam không chỉ được truy cập tại Việt Nam mà còn được giảng viên và học viên tại RMIT Melbourne (Australia) quan tâm sử dụng. Ngoài ra, một số thư viện đại học, như: Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Đại học Hoa Sen, Đại học Đông Á, Đại học Ngoại thương Cơ sở 2, Đại học Bình Dương… đã quảng bá Cổng thông tin truy cập Tài nguyên giáo dục mở của Đại học RMIT Việt Nam đến đông đảo giảng viên, sinh viên, học viên của trường sử dụng và chia sẻ.

3.3. Chương trình Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam (Vietnam Open Educational Resources – VOER) 

Chương trình VOER được thành lập và hỗ trợ hoạt động bởi Quỹ Việt Nam (the Vietnam Foundation), tiền thân là Chương trình học liệu mở Việt Nam (VOCW) năm 2005 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quỹ Giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ (VEF) phối hợp với Công ty Phần mềm và Truyền thông (VASC) với sự hỗ trợ về nội dung môn học từ dự án Học liệu mở MIT. Đến năm 2008, Chương trình học liệu mở Việt Nam đổi tên thành Chương trình Tài nguyên giáo dục Mở Việt Nam với mục tiêu xây dựng kho tài nguyên giáo dục mở dành cho người Việt, cung cấp công cụ giáo dục số để tạo điều kiện thuận lợi cho người dùng tiếp cận với các học liệu trên cơ sở tận dụng các nguồn học liệu sẵn có một cách tối đa.

Hình 3. Trang Học liệu mở của Chương trình VOER

Chương trình VOER sử dụng phần mềm Hanoi Spring – một phần mềm mã nguồn mở hoàn toàn, nội dung được xuất bản trên website là các modules, collections. Trong đó, module là chủ đề tài liệu và collection là tập hợp các module tài liệu được sắp xếp theo một trình tự nhất định để tạo thành một danh mục hoặc giáo trình. Cách tổ chức phân chia nội dung như thế này làm cho việc chia sẻ, sử dụng và tái sử dụng nội dung linh hoạt và dễ dàng. 

Cách thức xây dựng và khai thác học liệu mở như sau: từ ý tưởng, quan điểm, thông tin thu thập được, tác giả thực hiện xây dựng module, sau đó lưu các module này vào kho dữ liệu chung. Dựa vào mục tiêu giảng dạy, khi soạn giảng các giảng viên chỉ cần lựa chọn bộ khung giáo trình trước và sau đó lựa chọn các module thích hợp đã lưu trong kho dữ liệu chung để sắp xếp lại và tạo ra các collection của môn học, sau đó chia sẻ lên học liệu mở.

Như vậy, có thể thấy một module có thể được lựa chọn để sửa dụng cho nhiều collections và các tác giả có thể sử dụng module của nhau để tạo ra collection của riêng cá nhân mình. Không những thế, phần mềm mà VOER sử dụng còn cho phép các giáo trình được định dạng thành sách điện tử với bảng chỉ mục thuận tiện để người sử dụng có thể đọc trên máy tính mà không cần internet cũng như không phải trả chi phí bản quyền. Điều này đã giúp người học tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể, rất phù hợp với đối tượng là học sinh, sinh viên4.

Hiện nay, VOER đã xuất bản lên internet hơn 22.171 tài liệu, 518 tuyển tập và 513 tuyển tập của 8.372 tác giả trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực như kinh tế, công nghệ thông tin, nghiên cứu sinh học, vật lý học, quản trị kinh doanh5. Nguồn tài nguyên thông tin trên VOER luôn được cập nhật với chất lượng tốt hơn, thu hút được nhiều người tham gia và sử dụng.

4. Một số kinh nghiệm xây dựng và khai thác học liệu mở 

Học liệu mở đang được sự quan tâm, khuyến khích xây dựng và khai thác với vai trò là nền tảng quan trọng đổi mới giáo dục ở Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Khai thác học liệu mở đem lại cơ hội học tập cho tất cả mọi người, rút ngắn khoảng cách địa lý và tiết kiệm chi phí. Thông qua phân tích về một số mô hình khai thác học liệu mở phục vụ công tác đào tạo, có thể rút ra một số kinh nghiệm thực tiễn như sau: 

Thứ nhất, xây dựng học liệu mở phục vụ công tác đào tạo cần phải dựa trên mô hình bền vững kèm với những yêu cầu cụ thể để vận hành, theo dõi và quản trị. Trước hết cần xác định rõ chủ thể và đối tượng của học liệu mở, đặc điểm về chuyên ngành để có kế hoạch phù hợp xây dựng học liệu mở. Các trường cần phải được trang bị hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là lựa chọn phần mềm phù hợp quy mô và khả năng sẵn có.

Thứ hai, phát triển các nguồn cơ sở dữ liệu cho học liệu mở. Các nguồn nhằm phát triển gồm có các nguồn tài nguyên thông tin truyền thống và nguồn tài nguyên thông tin điện tử. Trong đó các trường cần chủ động huy động nguồn tại chỗ là sách, tài liệu, kết quả nghiên cứu khoa học nội sinh của trường, đồng thời nguồn đóng góp từ ngoài trường nhằm làm giàu vốn tư liệu của học liệu mở.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu rrang học liệu mở trên các kênh thông tin khác nhau, để thu hút hợp tác, liên kết với các trường đại học, các cơ sở đào tạo và với các thư viện khác cùng tham gia đóng góp và chia sẻ học liệu mở.

Thứ tư, ưu tiên liên kết với các trường đại học có cùng nhóm ngành đào tạo, tổ chức sản xuất bài giảng, biên soạn giáo trình, tài liệu cho các môn học đại cương, chia sẻ cho các trường đại học khác ở Việt Nam cùng sử dụng, ưu tiên khai thác các nguồn học liệu có bản quyền mở, tiết kiệm chi phí tối đa.

Khai thác học liệu mở đang là nền tảng quan trọng trong nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục – đào tạo ở Việt Nam. Các mô hình khai thác học liệu mở ở Việt Nam hiện nay còn rất nhiều khó khăn, với nhiều thách thức về vấn đề bản quyền, năng lực thông tin, hạ tầng thông tin, hiểu biết về học liệu mở, sự tham gia của cộng đồng… Vì vậy, trước khi tiến tới thực hiện khai thác học liệu mở, các tổ chức phải xây dựng những kế hoạch cụ thể để xác định tiềm lực, thế mạnh vốn có, chỉ ra những khó khăn gặp phải để có phương hướng giải quyết. Bên cạnh đó, cần mở rộng quan hệ hợp tác, tranh thủ sự quan tâm đầu tư từ các tổ chức cả về tài chính và con người. Từ đó, nâng cao chất lượng học liệu mở trong phục vụ công tác đào tạo.

Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIITập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 136 -137
2. How has UNESCO supported OERs? http://www.unesco.org/new/en/communication-and-information/access-to-knowledge/open-educational-resources/howhas-unesco-supported-oers/.
3. https://library.fulbright.edu.vn/vn/ve-thu-vien/ve-thu-vien/
4. Đại học Quốc gia Hà Nội (2019). Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở, Sách liên kết. H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 401.
5. Đỗ Văn Hùng (2022). Tài nguyên giáo dục mở: Hợp tác phát triển và chia sẻ tài nguyên thông tin (sách chuyên khảo). H. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 136.
Tài liệu tham khảo:
1. Xây dựng và phát triển dữ liệu mở tại tỉnh Thừa Thiên Huế. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/10/28/xay-dung-va-phat-trien-du-lieu-mo-tai-tinh-thua-thien-hue/.
2. Phát triển hạ tầng big data (dữ liệu lớn) ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2021/03/18/phat-trien-ha-tang-big-data-du-lieu-lon-o-viet-nam-hien-nay/.