Nguyễn Thị Kim Thành
Công ty In Tiến Bộ
(Quanlynhanuoc.vn) – Hoạt động xuất bản và công tác quản lý xuất bản đang ngày càng nhiều thách thức trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự đa dạng trong nhu cầu của người đọc và sự thay đổi trong quy định pháp lý, đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng quản lý hoạt động xuất bản. Bài viết nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại khu vực đồng bằng sông Hồng.
Từ khóa: Quản lý nhà nước, hoạt động xuất bản, khu vực đồng bằng sông Hồng, nâng cao hiệu quả.
1. Đặt vấn đề
Hoạt động xuất bản đóng vai trò thiết yếu trong việc cung cấp các thông tin, kiến thức và giải trí cho xã hội. Ở Việt Nam, quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì sự phát triển bền vững và quản lý chất lượng của ngành Xuất bản. Khu vực đồng bằng sông Hồng – nơi tập trung nhiều nhà xuất bản lớn của cả nước, hoạt động xuất bản đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, từ việc sản xuất các ấn phẩm văn hóa, giáo dục đến các tài liệu khoa học, kỹ thuật phục vụ cho nghiên cứu và giảng dạy… Các nhà xuất bản tại khu vực đồng bằng sông Hồng cũng đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản khu vực đồng bằng sông Hồng trong những năm gần đây găp nhiều khó khăn, thách thức, như: tình trạng in sách lậu, vi phạm bản quyền, nội dung ấn phẩm không được rà soát kỹ, đội ngũ cán bộ quản lý mỏng, năng lực, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng, do đó, việc nghiên cứu và tìm kiếm các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở khu vực đồng bằng sông Hồng là cần thiết.
2. Thực trạng quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản ở khu vực đồng bằng sông Hồng
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, in và phát hành năm 2023, toàn ngành Xuất bản doanh thu ước đạt 99.700 tỷ đồng (giảm 2% so với năm 2022), tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.378 tỷ đồng (giảm 8% so với năm 2022). Số xuất bản phẩm in là: 33.000 xuất bản phẩm với 450 triệu bản (giảm 11% về xuất bản phẩm và giảm 23% về bản so với cùng kỳ năm 2022). Năm 2023, ngành Xuất bản nổi bật trong thực hiện chuyển đổi số, như: quy mô doanh thu thị trường sách nói trong năm 2023 đạt 80 tỷ đồng; số lượt nghe sách nói trong năm 2023 đạt 40 triệu lượt (tăng 25% so với năm 2022); số tựa sách điện tử xuất bản trong năm đạt 4.600 đầu, tăng 31,4%, đưa tỷ lệ sách điện tử/sách đạt 15,3% trên tổng số xuất bản phẩm (vượt chỉ tiêu năm 12%); tỷ lệ nhà xuất bản đăng ký hoạt động xuất bản phẩm điện tử đạt 40,3% (vượt 20% so với kế hoạch)1.
Công tác phòng, chống in lậu sách tại các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng đã được chính quyền địa phương các tỉnh phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh, cảnh sát của Bộ Công an và đã phát hiện, xử lý, truy tố một số vụ in lậu với số lượng lớn; triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; chủ động kết hợp hoạt động kiểm tra của các đoàn liên ngành trong phòng chống in lậu từ trung ương đến địa phương; phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam ký hợp tác với nền tảng Tiktok ngăn chặn vi phạm bản quyền. Tổ chức 4 hội thảo, hội nghị theo kế hoạch. Tiếp nhận ý kiến phản ánh của tác giả, độc giả về việc xuất bản, phát hành sách lậu trên fanpages qua số điện thoại đường dây nóng, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh xử lý tình trạng ngăn chặn in lậu và phát hành sách lậu.
Tổ chức thành công Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 và Hội sách năm 2023 tại thành phố Huế. Hội sách đã thu hút được sự tham gia của 31 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, giới thiệu khoảng 17.000 đầu sách, tổ chức 6 sự kiện tọa đàm, giao lưu tác giả, nhà văn, nhà khoa học. Chỉ đạo tổ chức Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2023 trên nền tảng Book365.vn. Hội sách đã phát hành sách, giới thiệu khoảng 20.000 đầu sách và tổ chức 5 sự kiện với tổng số 3.839.060 lượt bạn đọc truy cập, trong đó 79,83% lượt bạn đọc truy cập ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh2.
Tăng cường thông tin tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đặc biệt, đã có 8 cơ quan báo chí có lượng độc giả lớn, gồm: Báo Thanh niên, Báo Tiền Phong, Báo Lao động, Báo Tuổi trẻ, Báo Vnexpress, Báo Vietnamnet, Báo Dân trí, Tạp chí Tri thức trực tuyến với trên 1.000 tin bài giới thiệu về sách, xuất bản, góp phần phát triển thị trường sách và văn hóa đọc. Thông qua những bài review sách tốt, sách hay, sách có giá trị đến những bài viết truyền cảm hứng khuyến khích và động viên bạn đọc tìm đến sách và đọc sách. Đã đăng tin, giới thiệu 132 cuốn sách trên các tờ báo, 93 cuốn sách trên các chuyên trang về xuất bản3.
Quản lý tốt và hiệu quả hơn 2.500 cơ sở phát hành, 26 đơn vị xuất, nhập khẩu sách; cấp giấy phép nhập khẩu kinh doanh cho trên 15.000 xuất bản phẩm; bảo đảm sách nhập khẩu đúng quy định pháp luật, phục vụ nâng cao dân trí, phát triển văn hóa đọc4.
Ngành Xuất bản ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng vẫn còn có những hạn chế bất cập.
Một là, một số quy định của pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực thi, khiến các nhà xuất bản và cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc áp dụng. Các quy định pháp lý chưa được ban hành kịp thời để bắt kịp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và các hình thức xuất bản mới, dẫn đến sự lúng túng trong việc quản lý.
Hai là, công tác kiểm duyệt và quản lý nội dung xuất bản còn mang tính chủ quan, thiếu sự thống nhất trong đánh giá nội dung, dẫn đến việc một số ấn phẩm có thể bị từ chối xuất bản mà không có lý do rõ ràng. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khi khối lượng công việc lớn dẫn đến chất lượng kiểm duyệt chưa được bảo đảm, một số ấn phẩm không đạt yêu cầu vẫn được phát hành, trong khi những tác phẩm có giá trị lại gặp khó khăn trong việc xuất bản. Các ấn phẩm không đủ điều kiện vẫn được lưu hành ngoài thị trường. Đơn cử như, tại tỉnh Nam Định, trong 6 tháng đầu năm 2013, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vụ Bản kiểm tra việc phát hành xuất bản phẩm tại chợ Viềng, thu giữ 358 ấn phẩm tuyên truyền mê tín, dị đoan; giao Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Vụ Bản tiêu hủy theo quy định của pháp luật…5.
Ba là, vi phạm bản quyền là vấn đề nổi cộm trong hoạt động xuất bản. Quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc xử lý các vi phạm bản quyền nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Sự phát triển của công nghệ số làm cho việc sao chép, phát tán trái phép các ấn phẩm trở nên dễ dàng hơn, gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát. Tại tỉnh Hà Nam, năm 2021 Sở Văn hóa – Thông tin đã tiến hành 6 đợt khảo sát, rà soát đối với các cơ sở phát hành xuất bản phẩm, khảo sát buôn lậu qua đường bưu chính dịp Tết Nguyên đán và lịch Bloc năm 2021, thu hồi cuốn sách: “Chỉnh thể mới. Kết nối mới. Việt Nam mới” của Viện Nghiên cứu Think TanK Sena, không có xác nhận đăng ký xuất bản và không nộp lưu chiểu, vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản; bộ sách “Nhật ký trưởng thành của đứa trẻ ngoan” (10 tập) của Nhà Xuất bản Thanh niên; cuốn sách “Chiếc áo len mẹ đan” ghi tên mạo danh Nhà xuất bản Hồng Đức,… Mặc dù đã có các quy định pháp lý liên quan đến việc xử lý vi phạm bản quyền nhưng chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh để răn đe, khiến tình trạng vi phạm vẫn tiếp diễn6.
Bốn là, sự bùng nổ của Internet và các công nghệ số đã tạo ra những hình thức xuất bản mới như sách điện tử (e-book), các nền tảng xuất bản trực tuyến và xuất bản trên mạng xã hội. Việc quản lý những hình thức xuất bản này đang là một thách thức lớn đối với các cơ quan nhà nước. Các quy định pháp lý hiện hành chủ yếu tập trung vào xuất bản truyền thống, trong khi xuất bản điện tử và các hình thức mới vẫn chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến những khoảng trống trong việc kiểm soát nội dung và quyền sở hữu trí tuệ. Việc kiểm soát các nội dung xuất bản trên môi trường số, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội rất phức tạp và khó khăn do các nền tảng này thường xuyên thay đổi và không thuộc quyền kiểm soát trực tiếp của các cơ quan nhà nước.
3. Một số giải pháp quản lý hoạt động xuất bản ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng thời gian tới
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý của chính quyền địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các hoạt động xuất bản tại địa phương, bảo đảm các ấn phẩm xuất bản đáp ứng được các tiêu chuẩn về nội dung và chất lượng. Bên cạnh đó, cũng cần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình giám sát và phản biện xã hội đối với các hoạt động xuất bản, từ đó nâng cao tính minh bạch và hiệu quả trong quản lý.
Thứ hai, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành Xuất bản. Các trường đại học và viện nghiên cứu cần tăng cường đào tạo chuyên môn cho sinh viên trong lĩnh vực xuất bản, từ kiến thức cơ bản đến các kỹ năng thực tiễn, như: biên tập, thiết kế và quản lý xuất bản. Đồng thời, thường xuyên mở các khóa đào tạo chuyên sâu kiến thức pháp luật về xuất bản, bao gồm các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, kiểm duyệt và cấp phép dành cho cán bộ quản lý và nhân viên trong ngành Xuất bản về những kiến thức mới và nâng cao kỹ năng quản lý. Hỗ trợ và khuyến khích các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực xuất bản để tìm ra các giải pháp quản lý và phát triển hoạt động xuất bản hiện nay. Đặc biệt, cần đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin và quản lý xuất bản số, từ đó giúp hiệu quả công việc được nâng cao.
Thứ ba, áp dụng công nghệ số trong quản lý xuất bản. Việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý xuất bản sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời mở rộng thị trường cho các ấn phẩm xuất bản. Phát triển các nền tảng xuất bản và phát hành sách trực tuyến giúp các nhà xuất bản tiếp cận với độc giả rộng rãi hơn, giảm chi phí sản xuất và phát hành.
Ứng dụng công nghệ blockchain để ghi lại và quản lý quyền sở hữu trí tuệ, từ đó ngăn chặn tình trạng sao chép trái phép và bảo vệ quyền lợi cho các tác giả. Ứng dụng công nghệ số còn tạo điều kiện cho độc giả tiếp cận với các ấn phẩm chất lượng cao thông qua các ứng dụng đọc sách số giúp thúc đẩy văn hóa đọc và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân.
Thứ tư, cải cách quy trình cấp phép và kiểm duyệt để giảm thời gian xử lý, giảm bớt các thủ tục hành chính không cần thiết. Bên cạnh đó, cần tạo các nền tảng trực tuyến cho việc cấp phép và kiểm duyệt để tiết kiệm thời gian và nâng cao tính minh bạch. Ngoài ra, phải xây dựng bộ tiêu chuẩn kiểm duyệt rõ rang, như xác định rõ các tiêu chí và tiêu chuẩn kiểm duyệt để các nhà xuất bản và tác giả hiểu rõ yêu cầu và quy trình kiểm duyệt.
Thứ năm, đánh giá và điều chỉnh chính sách quản lý dựa trên các tiêu chí rõ ràng và có sự tham gia của các bên liên quan. Trên cơ sở đánh giá, thu thập phản hồi từ các nhà xuất bản, tác giả và cộng đồng để điều chỉnh các chính sách và quy trình quản lý sao cho phù hợp. Bảo đảm các điều chỉnh phản ánh đúng nhu cầu và thực tiễn đang diễn ra tại các đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm thực tiễn và các mô hình quản lý thành công trong và ngoài nước để cải thiện chính sách. Việc thực hiện cải cách chính sách phải được thực hiện liên tục để đáp ứng các yêu cầu và xu hướng mới của ngành Xuất bản.
Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, như: tăng cường tham gia các hội chợ sách quốc tế để giới thiệu các ấn phẩm xuất bản của Việt Nam, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc quản lý và phát triển hoạt động xuất bản. Xây dựng mối quan hệ hợp tác với các tổ chức xuất bản quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ và cùng phát triển các ấn phẩm chất lượng cao. Tận dụng các chương trình đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên trong lĩnh vực xuất bản.
4. Kết luận
Nâng cao quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản nói chung và ở khu vực đồng bằng sông Hồng là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết để bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành Xuất bản. Điều này không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước mà còn cần có sự tham gia tích cực của các nhà xuất bản, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng. Bằng việc triển khai các giải pháp đồng bộ, từ cải thiện chất lượng kiểm duyệt nội dung, xử lý nghiêm các vi phạm bản quyền, ứng dụng công nghệ số đến việc tăng cường hợp tác quốc tế và phát triển nguồn nhân lực sẽ giúp nâng cao chất lượng quản lý hoạt động xuất bản, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của độc giả và góp phần vào sự phát triển văn hóa, giáo dục của khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Chú thích:
1, 2. Xuất bản, In và Phát hành năm 2023: Tích cực chuyển đổi số. https://sotttt.namdinh.gov.vn/portal/Pages/2023-12-27/Xuat-ban-In-va-Phat-hanh-nam-2023-Tich-cuc-chuyen-nhez7q.aspx.
3, 4. Thực trạng pháp luật về quản lý nhà nước đối với hoạt động xuất bản. https://chinhtrivaphattrien.vn/thuc-trang-phap-luat-ve-quan-ly-nha-nuoc-doi-voi-hoat-dong-xuat-ban-a8403.html.
5. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản, phát hành trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2021. https://stttt.hanam.gov.vn/Pages/cong-tac-quan-ly-nha-nuoc-ve-hoat-dong-xuat-ban-phat-hanh-tren-dia-ban-tinh-ha-nam-nam-2021.aspx.
6. Tăng cường quản lý nhà nước về xuất bản, in ấn. https://baonamdinh.vn/channel/5100/201307/tang-cuong-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-ban-in-an-2252526/.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Xuất bản năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2018.
2. Thủ tướng Chính phủ (2024). Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 về phê duyệt quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2023 tầm nhìn 2050.
3. Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở vùng đồng bằng sông Hồng hiện nay. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/827689/xay-dung-doi-song-van-hoa-co-so-vung-dong-bang-song-hong-hien-nay.aspx.
4. Vai trò quản lý nhà nước về xuất bản ở nước ta hiện nay. https://chinhtrivaphattrien.vn/vai-tro-quan-ly-nha-nuoc-ve-xuat-ban-o-nuoc-ta-hien-nay-a8404.html.
5. Phát triển xuất bản phẩm điện tử tại Việt Nam. https://www.quanlynhanuoc.vn/2022/02/24/phat-trien-xuat-ban-pham-dien-tu-tai-viet-nam/.