Kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp đổi mới phong trào công nhân và công tác công đoàn

PGS.TS Nguyễn Minh Hoàn 
Học viện Báo chí và Tuyên truyền

(Quanlynhanuoc.vn) – Ngày 27/11/2024, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội (khoá XV) Việt Nam đã thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là đạo luật có tính chính trị cao trong bối cảnh quốc tế hóa ngày càng sâu rộng. Luật đã thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc quản lý nhà nước bằng pháp luật, đồng thời cũng phản ánh đầy đủ sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phong trào công nhân và công tác công đoàn, thể hiện quan điểm toàn tâm, toàn ý dựa vào Nhân dân, không ngừng phát triển và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân.

Từ khóa: Sự lãnh đạo của Đảng, sự nghiệp đổi mới, phòng trào công nhân, công đoàn.

1. Yêu cầu đổi mới công tác công đoàn trong tình hình mới

Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập ngày 28/7/1929 đến nay đã trải qua lịch sử 95 năm, đặc biệt trong gần 40 năm đổi mới và mở cửa, giai cấp công nhân Việt Nam không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, trở thành lực lượng chủ yếu thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Công đoàn là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam, trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, công đoàn luôn tích cực tham gia vào việc xây dựng Đảng, chế độ chính trị và đoàn kết dân tộc, kịp thời phản hồi và giải quyết những yêu cầu của người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, khơi dậy sức sống và sức sáng tạo của giai cấp công nhân, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. 

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng đến sản xuất, đời sống và việc làm của người lao động, các quốc gia gắn kết chặt chẽ với nhau thông qua việc tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ký kết và tham gia nhiều hiệp định đa phương, song phương quan trọng, có hơn 130.000 lao động nước ngoài làm việc và sinh sống tại Việt Nam và hưởng các quyền lợi hợp pháp như công nhân Việt Nam. 

Những tình hình mới và thay đổi mới này đòi hỏi các tổ chức công đoàn Việt Nam phải thích ứng kịp thời, đẩy nhanh việc đổi mới mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và phương thức hoạt động của công đoàn, bắt kịp với sự phát triển của kinh tế – xã hội và sự thay đổi nhanh chóng của quan hệ lao động.

2. Công cuộc đổi mới công đoàn cần sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng

Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong những năm gần đây, các tranh chấp lao động, đặc biệt là tình trạng đình công tập thể ở Việt Nam đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, với áp lực suy thoái kinh tế toàn cầu gia tăng, sự nổi lên của tư tưởng chủ nghĩa bảo hộ thương mại, phong trào công nhân Việt Nam không thể tránh khỏi ảnh hưởng phức tạp nếu không giải quyết hiệu quả có thể ảnh hưởng đến an ninh chính trị và ổn định xã hội. 

Chẳng hạn, đôi khi một số tổ chức công đoàn cơ sở chỉ quan tâm đến vấn đề lợi ích kinh tế và lợi ích trước mắt mà không quan tâm đến ý thức giai cấp, ý thức chính trị, sứ mệnh lịch sử, trách nhiệm của giai cấp công nhân. Cá biệt có cá nhân bị lực lượng thù địch lợi dụng, gây rối, làm mất an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Ngoài ra, Việt Nam vẫn phải đối mặt với áp lực lớn từ các cuộc “cách mạng màu”, cổ súy cho việc đòi hỏi về lợi ích “công đoàn độc lập” hoặc lợi dụng ưu thế về quy định và quyền tiếng nói trong lĩnh vực lao động để gây sức ép lên Chính phủ, bịa đặt và rêu rao rằng Việt Nam không đáp ứng được các tiêu chuẩn về quyền lao động, không có công đoàn độc lập thực sự để phản đối việc công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường. 

Như vậy, con đường đúng đắn trong phát triển phong trào công nhân và công cuộc đổi mới công đoàn, đó là luôn kiên trì sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp phong trào công nhân và công tác công đoàn; kiên trì, toàn tâm, toàn ý dựa vào giai cấp công nhân, vì giai cấp công nhân, thiết thực bảo vệ quyền lợi hợp pháp của giai cấp công nhân và quần chúng lao động; luôn kiên trì thúc đẩy công cuộc cải cách và đổi mới công đoàn để ngày càng phù hợp với điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới; là cơ sở chính trị – xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước; làm tốt vai trò cầu nối, giữ mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với giai cấp công nhân, người lao động; xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị năm 2021 về đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới đã chỉ rõ: “việc đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, phù hợp với chế độ chính trị của nhà nước và nhu cầu hội nhập quốc tế”. Để làm được điều này, cần sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng trong quá trình công tác công đoàn, như: xây dựng tổ chức đảng trong công đoàn, phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ công đoàn, tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ chính trị cho các cán bộ công đoàn. Công đoàn phải chủ động nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực bảo vệ lập trường và đường lối chính trị của Đảng, đấu tranh chống các tư tưởng chính trị sai trái, tăng cường “tự làm cách mạng chính mình”,…

3. Kết luận

Xây dựng tổ chức công đoàn Việt Nam lớn mạnh là yêu cầu của việc phát triển lớn mạnh giai cấp công nhân hiện đại ở Việt Nam cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội. Luật Công đoàn vừa được sửa đổi sẽ tạo nền tảng vững chắc, bảo đảm vai trò ngày càng lớn của công đoàn trong tình hình mới, cung cấp bảo đảm vững chắc cho sự phát triển có chất lượng của phong trào công nhân và công tác công đoàn Việt Nam.

Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội (2024). Luật Công đoàn sửa đổi năm 2024.
2. Bộ Chính trị (2021). Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 về đổi mới phương thức tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.
3. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2019/08/15/van-dung-quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-xay-dung-giai-cap-cong-nhan-viet-nam-trong-giai-doan-hien-nay.