Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến thi hành án hình sự từ thực tiễn công tác thanh tra tại các trại giam thuộc Bộ Công an

Nguyễn Trường Vinh
Học viên cao học – Học viện An ninh nhân dân

(Quanlynhanuoc.vn) – Công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật thi hành án hình sự tại các trại giam của lực lượng chuyên trách bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hệ thống pháp luật hướng dẫn về thanh tra và pháp luật về thi hành án hình sự còn một số điểm bất cập, hạn chế. Bài viết nghiên cứu thực trạng pháp luật liên quan đến thi hành án hình sự và đ xuất một số kiến nghị hoàn thiện những văn bản liên quan.

Từ khóa: Pháp luật, thi hành án hình sự, thanh tra, Bộ Công an.

1. Thực trạng pháp luật liên quan đến thi hành án hình sự và công tác thanh tra tại các trại giam của Bộ Công an

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; trong đó phạm nhân được bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo. Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an có chức năng, nhiệm vụ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của phạm nhân trong quá trình quản lý, cải tạo, giáo dục phạm nhân và giải quyết các nội dung khiếu nại, tố cáo khác theo quy định của pháp luật.

Xác định nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các trại giam là nhiệm vụ hết sức quan trọng, lực lượng Thanh tra Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng đã thường xuyên tham mưu giúp Đảng uỷ, lãnh đạo Cục hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất ngăn chặn, chấn chỉnh xử lý vi phạm và các hiện tượng tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ, đặc biệt là đã tổ chức có hiệu quả công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật thi hành án hình sự tại các trại giam.

Kết quả kiểm tra, về cơ bản các đơn vị đã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị tại kết luận thanh tra, tổ chức khắc phục những tồn tại, hạn chế tại các kết luận thanh tra theo quy định. Qua thanh tra đã chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm của cán bộ, chiến sỹ, đồng thời tham mưu với lãnh đạo Cục chỉ đạo các phòng chức năng hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Cục kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các sơ hở, thiếu sót trong thực hiện chế độ chính sách và quản lý giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh, tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an về công tác cán bộ, công tác thi hành án phạt tù, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị công tác trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật thi hành án hình sự tại các trại giam của lực lượng thanh tra tại Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an còn bộc lộ một số hạn chế nhất định xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có hệ thống pháp luật hướng dẫn về thanh tra và pháp luật về thi hành án hình sự còn một số điểm bất cập, hạn chế, như: pháp luật thanh tra chưa quy định cụ thể tính chất, mức độ vi phạm pháp luật làm căn cứ tiến hành thanh tra; chưa xác định được rõ các yêu cầu, nhiệm vụ của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Việc ghi nhật ký đoàn thanh tra; chưa được cấp sổ theo mẫu, mặt khác đoàn thanh tra thường chia thành các tổ nhóm, hoạt động độc lập, trong khi đó sổ nhật ký chỉ có một, lại do Trưởng đoàn giữ nên việc ghi sổ nhật ký cũng khó khăn trong công tác cập nhập, ghi sổ nhật ký.

Luật Thanh tra quy định, người ra quyết định thanh tra có quyền trưng cầu giám định về các vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra, kinh phí trưng cầu, giám định do cơ quan thanh tra chi trả. Trường hợp đối tượng thanh tra có vi phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả. Việc này gây khó khăn cho cơ quan thanh tra vì chi phí giám định thường cao.

Việc thành lập đoàn giám sát còn nhiều thủ tục, phải lập hồ sơ nghiệp vụ thanh tra… hơn nữa số lượng cán bộ cùng một lúc phải thực hiện nhiều đoàn thanh tra nhiều nhiệm vụ khác nhau, như: giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiếp công dân nên không bố trí được Đoàn, người giám sát. Thực tế việc giám sát chỉ thực hiện qua quá trình báo cáo của Đoàn thanh tra.

Chưa có quy định cụ thể về trường hợp người đến khiếu nại, tố cáo là người không biết chữ và bị khiếm khuyết về thính giác; có được từ chối tiếp theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013. Ngoài ra, Luật Tiếp công dân chưa quy định cụ thể về trường hợp quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong công tác tiếp công dân và chế tài xử lý việc công dân cố tình quay phim, chụp ảnh, ghi âm.

Luật Khiếu nại năm 2011 chưa có quy định về trình tự, thủ tục giải quyết, thời hạn giải quyết đối với đơn kiến nghị, đề nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động tư pháp nói chung, trong hoạt động thi hành án hình sự nói riêng, nên việc giải quyết vẫn còn bất cập, lúng túng, có thể áp dụng về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết đơn khiếu nại hoặc tố cáo. Do đó đề nghị các cơ quan chức năng có hướng dẫn để việc áp dụng luật được thống nhất trong việc giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh liên quan đến thi hành án hình sự, đồng thời ban hành các biểu mẫu liên quan đến việc giải quyết các loại đơn kiến nghị, phản ánh liên quan đến thi hành án hình sự.

Theo quy định khiếu nại chưa đủ thông tin, tài liệu về điều kiện thụ lý thì yêu cầu người khiếu nại bổ sung để thụ lý, nhưng có trường hợp người khiếu nại không thực hiện (mời không đến, không bổ sung) thì có được ra quyết định đình chỉ giải quyết khiếu nại không? Trường hợp này có thể xử lý vào loại đơn không đủ điều kiện thụ lý và lưu đơn không? Ngoài ra, quy định về thời hạn khiếu nại tại Luật Khiếu nạiLuật Tố tụng hành chính năm 2015 còn chưa thống nhất. Điển hình như tại Điều 9 Luật Khiếu nại quy định về thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính. Tuy nhiên, tại Điều 330 Luật Tố tụng hành chính lại quy định thời hiệu khiếu nại là 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính, hành vi hành chính… Do đó gây khó khăn cho việc xác định thời hiệu khiếu nại để thụ lý hoặc không thụ giải quyết khiếu nại.

2. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan

Từ những bất cập, hạn chế hệ thống pháp luật liên quan và hoạt động thanh tra nói chung và thanh tra việc chấp hành pháp luật thi hành án hình sự tại các trại giam thuộc Bộ Công an nói riêng, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện pháp luật, cụ thể như:

Một là, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện những tồn tại của Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Luật Thanh tra năm 2022… Xây dựng hệ thống pháp luật về thi hành án hình sự đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định. Đặc biệt, nghiên cứu nội luật hóa các điều ước quốc tế đa phương về tư pháp hình sự mà Việt Nam là thành viên phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội và hội nhập quốc tế.

Hai là, nghiên cứu tổng kết Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến trích xuất; sử dụng đặc tính; đồ vật cấm; việc sử dụng thuốc chữa bệnh cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam… nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các trại giam. Sau khi Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 được sửa đổi, bổ sung, tiến hành sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản dưới luật cho phù hợp, tránh độ “trễ” của luật.

Ba là, kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 cùa Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự; ban hành nghị định mới thay thế Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2022 và Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ về quy chế quản lý kho vật chứng; phối hợp đề xuất ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về việc xử lý vật chứng để có phương án giải quyết triệt đổ vật chứng còn tồn đọng.

Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, đề xuất sửa đổi Luật Thi hành án hình sự năm 2019, trong đó bổ sung quy định về tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam, xây dựng căn cứ pháp lý để triển khai trên toàn bộ các trại giam.

Bốn là, chủ động nghiên cứu, đánh giá các quy định về thi hành án đối với pháp nhân thương mại, thi hành án hình sự tại cộng đồng. Nghiên cứu, xem xét mở rộng thêm hình thức, đối tượng thi hành án hình sự tại cộng đồng, mục đích để huy động sự tham gia, phối hợp cùa cộng đồng vào công tác thi hành án hình sự; góp phần giảm tình trạng quá tải trong việc giam giữ phạm nhân ở các cơ sở giam giữ, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước; khuyến khích phạm nhân tự giác cải tạo tạo cơ hội tìm việc làm phù hợp, giảm tỉ lệ tái phạm tội.

 Năm là, nghiên cứu, đề xuất xác định rõ về vị trí pháp lý, thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của Công an cấp xã trong thi hành án hình sự theo hướng mở rộng phạm vi về trách nhiệm, quyền hạn thực hiện công tác thi hành án hình sự; tham mưu cho chính quyền cơ sở để thực hiện đúng trách nhiệm, quyền hạn theo Luật Thi hành án hình sự quy định và làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân về nội dung của công tác thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng.

3. Kết luận

Công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự tại các trại giam thuộc Bộ Công an có vị trí, tác dụng rất quan trọng góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; quyền, nghĩa vụ của cán bộ chiến sĩ; quyền, nghĩa vụ của các phạm nhân tại các trại giam; theo đó, việc nghiên cứu tổ chức đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phân hoàn thiện thiện hệ thống pháp luật liên quan. Qua đó nâng cao hiệu quả công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật thi hành án hình sự tại các trại giam thuộc Bộ Công an trong thời gian tới

Tài liệu tham khảo:
1. Chính phủ (2020). Nghị định 133/2020/NĐ-CP ngày 09/11/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
2. Học viện Hành chính quốc gia (2018). Giáo trình Thanh tra và giải quyết khiếu nại hành chính.
3. Quốc hội (2011). Luật Khiếu nại năm 2011.
4. Quốc hội (2013). Luật Tiếp công dân năm 2013.
5. Quốc hội (2015). Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
6. Quốc hội (2022). Luật Thanh tra năm 2022.