TS. Phạm Thị Lan
Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh
(Quanlynhanuoc.vn) – Giáo dục đạo đức cho thanh niên là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội, quyết định sự thành bại của công cuộc phát triển kinh tế đất nước. Nghị quyết số 25-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó nhấn mạnh: “Chăm lo, phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước”1. Nhận thức được tầm quan trọng đó, thanh niên cần được quan tâm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục thành những người “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Đạo đức; thanh niên; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; chăm lo; bồi dưỡng; phát triển.
1. Đặt vấn đề
Dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường, ở Việt Nam hiện nay diễn ra tình trạng suy thoái đạo đức diễn ra ngày càng nhiều hơn, nhất là đối với thanh niên. Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25/7/2008Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đã đánh giá còn có một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, ít quan tâm đến tình hình đất nước, sống thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa của dân tộc; tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh niên đang ngày càng gia tăng. Xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật của thanh niên, như: thiếu tôn sư trọng đạo, sống hưởng thụ, coi nặng giá trị vật chất, đồng tiền, xa hoa, lãng phí, thờ ơ vô cảm, vị kỷ… nếu để tình trạng suy thoái đạo đức của thanh niên kéo dài và trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Vì vậy, để “Thanh niên là rường cột của nước nhà, là chủ nhân của đất nước, tương lai của dân tộc, lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2, trước hết, cần chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức từ bài học kinh nghiệm thực tiễn về xây dựng đạo đức cho thanh niên để mỗi thanh niên Việt Nam là một nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
2. Tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam
Thanh niên có vai trò rất quan trọng trong quy luật kế thừa đạo đức chung của dân tộc. Sự phát triển ý chí đạo đức của thanh niên mang tính độc lập, tự chủ của thanh niên trong quá trình học tập và công tác. Thanh niên là người biết tự chủ, có tinh thần vượt khó. Tính tổ chức và tính kỷ luật cao. Sự phát triển ý chí đã giúp thanh niên biết tự đánh giá mình, họ có tinh thần tự trọng cao, có thái độ tự phê bình đúng đắn với nghị lực, giàu lòng quả cảm, gan dạ, dũng cảm. Đó là điều kiện để thực hiện hành vi đạo đức tốt đẹp góp phần xây dựng nhân cách toàn diện về thế hệ trẻ hiện nay.
Tiếp nối các thế hệ cha ông, trong bối cảnh toàn hóa hiện nay, quan hệ đạo đức của thanh niên cơ bản là rất tốt đẹp như trong mối quan hệ bạn bè ở các tổ chức, đoàn thể thường rất trong sáng, nhiệt tình, đầy trách nhiệm như tấm gương giết giặc của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu đã trở thành huyền thoại, đi vào sử sách. Hay người anh hùng Lý Tự Trọng là đoàn viên đầu tiên với tấm thẻ Đoàn viên và tên của anh cũng được đặt cho nhiều trường học và con đường ở Việt Nam; tấm gương của chị Võ Thị Sáu với hình ảnh hiên ngang, bất khuất cùng cất những lời ca về bài “Tiến quân ca” trước họng súng quân thù. Hình ảnh người con gái Đất Đỏ kiên trung đi vào lịch sử, sống mãi trong lòng dân tộc.
Chính vì vậy, vai trò về sự tự nhận thức, tự giáo dục đạo đức của thanh niên là chủ đạo trong quá trình hoàn thiện đạo đức. Lứa tuổi thanh niên đến giai đoạn trưởng thành là giai đoạn phải tự lập, tự định vị và điều chỉnh bản thân. Có khả năng tự ý thức, tự giáo dục là một trong những đặc trưng của thanh niên. Sự tự giáo dục là một biểu hiện tốt, thể hiện sự trưởng thành trong đạo đức của thanh niên. Tự giáo dục của thanh niên góp phần xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn tạo sự liên kết chặt chẽ giữa trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Thanh niên luôn là người đi trước tiếp thu những giá trị tiên tiến của thời đại, của nhân loại, chống lại sự bảo thủ, lạc hậu, chống lại những tư tưởng đạo đức xấu, phản động dưới sự tác động của nền kinh tế như hiện nay.
Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Thanh niên: có 61,2% thanh niên cảm thấy phấn khởi và tin tưởng vào các giải pháp ổn định kinh tế của Chính phủ, 21,7% thanh niên tin tưởng nhưng cho rằng đất nước còn nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết để nền kinh tế phát triển bền vững hơn3. Đồng thời, số lượng thanh niên Việt Nam hiện nay mong muốn vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, vào Đảng Cộng sản Việt Nam cũng không ngừng tăng lên; có 65,7% nhóm đối tượng thanh niên đã đi làm khẳng định mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên và 24,6% dự định sẽ phấn đấu theo mục tiêu này. Ở nhóm học sinh, sinh viên tỷ lệ khẳng định mục tiêu phấn đấu trở thành đảng viên là 47,2% và dự định sẽ phấn đấu trở thành đảng viên là 29,4% 4.
Đại đa số thanh niên được khảo sát thể hiện ý thức trách nhiệm cao trong việc tham gia bảo vệ Tổ quốc và trong xây dựng, phát triển đất nước. Cụ thể, thanh niên cho rằng: là thanh niên phải quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước (89,8 % thanh niên; 82,5% học sinh sinh viên); là thanh niên phải tham gia bảo vệ đất nước khi có yêu cầu (95,3% thanh niên, 94,2% học sinh sinh viên); là thanh niên phải có trách nhiệm làm cho đất nước giàu mạnh (92,4% thanh niên, 90,3% học sinh sinh viên)5.
Tuy nhiên, bên cạnh vai trò quan trọng trong xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam hiện nay, về thế giới quan, lý tưởng, niềm tin đạo đức cao đẹp, về sự cống hiến sức lao động, những đóng góp bằng những hành động thiết thực phục vụ lợi ích của cộng đồng, của xã hội, vẫn còn một bộ phận thanh niên sống thiếu lý tưởng, sống ích kỷ, thực dụng, xa rời truyền thống văn hóa của dân tộc; thờ ơ với cuộc sống và sứ mệnh của tuổi trẻ với đất nước, thậm chí còn bị các thế lực thù địch lôi kéo, dụ dỗ… suy thoái đạo đức, trở thành tội phạm… Vẫn tồn tại một bộ phận thanh niên có tính cục bộ địa phương, tâm lý bình quân chủ nghĩa, ghen ghét, hạn hẹp, đố kỵ, thích phô trương, không dám mạo hiểm…. Điều này hoàn toàn bất cập với những yêu cầu của thị trường mở cửa, giao lưu như nhạy bén, biết nhìn xa, trông rộng, ý thức tổ chức kỷ luật, tôn trọng kỷ cương, tác phong làm việc nhanh nhẹn, khẩn trương, khoa học, chính xác, tinh thần trách nhiệm và cách tính toán có hiệu quả.
Sự đề cao “lệ làng” quá đáng theo kiểu tông tộc, họ hàng, thân quen, ơn nghĩa… đã trở thành lực cản tính thống nhất và nghiêm minh của luật pháp cho thói quen tùy tiện hay là góp phần làm nặng nề thêm chủ nghĩa cục bộ địa phương… Nhiều giá trị cá nhân bị che lấp, những ưu trội bị san phẳng theo kiểutâm lý truyền thống của người tiểu nông, thích phô trương hình thức trong điều kiện hàng hóa dồi dào, xu hướng kích thích tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường là môi trường thuận lợi tệ sùng bái đồng tiền, chạy theo giá trị vật chất, sống thực dụng, ích kỷ phát sinh. Từ đó, nhiều thanh niên đã không đủ bản lĩnh và trí tuệ đã không giữ được mình trong sạch đã sống buông thả, vô trách nhiệm, học đòi lối sống thực dụng. Điều đó đã tạo nên những tác hại không nhỏ trong việc bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp, làm đảo lộn các chuẩn mực đạo đức theo hướng tiêu cực.
3. Một số kiến nghị, giải pháp về giáo dục đạo đức cho thanh niên Việt Nam
Một là, bài học nhận thức về trách nhiệm của toàn xã hội đối với tạo việc làm cho thanh niên.
Thanh niên với sự dồi dào về sức lực, nhiều hoài bão và ước mơ, nhưng ước mơ chân chính và thiết thực nhất là việc làm. Có việc làm thì thanh niên mới cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống, thông qua việc làm giúp thanh niên khẳng định với những ước mơ, hoài bão chân chính của thanh niên thành hiện thực. Bài học nhận thức về trách nhiệm của toàn xã hội đối với tạo việc làm cho thanh niên là một việc làm cần thiết, không chỉ thuộc về Nhà nước mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp, xã hội và của chính bản thân người lao động, của các bộ phận và ban ngành chức năng.
Hai là, sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cần thiết giáo dục đạo đức cho thanh niên.
Kinh tế thị trường tác động đến đạo đức của thanh niên và ngược lại, đạo đức của thanh niên cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường có những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đối với đạo đức của thanh niên, và ngược lại, đạo đức của thanh niên cũng có những tác động trở lại đối với sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. Thanh niên là lực lượng xã hội to lớn nên sự tiến bộ hay suy thoái đạo đức của thanh niên có tác động rất lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay. Đảng, Nhà nước, các cơ quan đoàn thể và toàn xã hội cần nhanh chóng có chính sách và sự đầu tư thích đáng để xây dựng khu vui chơi, giải trí là hình thức để con người hình thành nhân cách, phẩm chất lành mạnh cho thanh niên, thông qua những hoạt động giải trí lành mạnh như đọc sách, tham gia văn nghệ, võ thuật, thể thao, tham gia các trò chơi tập thể thanh niên có thể tự rèn luyện những phẩm chất như tình yêu thương, tinh thần đoàn kết, hợp tác. Từ đó, hình thành đạo đức trong sáng vì lý tưởng đạo đức chủ nghĩa xã hội của thanh niên là yếu tố tích cực đối với sự nghiệp xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cơ sở vật chất cũng phải được quan tâm, nên đầu tư xây dựng nhà văn hóa thanh niên, nhìn chung đã được quan tâm. Tuy nhiên, cơ sở đầu tư nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng cho thanh niên vẫn còn thiếu, chưa được đầu tư nhu cầu, đầu tư kém hiệu quả và hoạt động chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, Nhà nước cần có hệ thống chính sách phát triển hơn nữa môi trường văn hóa – xã hội, và tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên có thể tham gia các hoạt động văn hóa – xã hội ở tất cả các vùng miền, khu vực trên cả nước, hoạt động thường xuyên. Đây là việc làm cấp bách của thanh niên hiện nay để có cơ sở vật chất tổ chức các hoạt động giao lưu, vui chơi giải trí, du lịch, dã ngoại, về nguồn, và các hoạt động xã hội khác.
Cần phải chú trọng việc kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm bảo đảm chất lượng cơ sở vật chất và hiệu quả việc tổ chức các hoạt động nghiên cứu, xác định hệ chuẩn mực đạo đức, đổi mới các hoạt động văn hóa – xã hội cho thanh niên. Định hướng đúng đắn và giám sát, kiểm tra, chặt chẽ, uốn nắn, xử lý kịp thời những cơ sở giáo dục, quản lý chất lượng kém, chỉ chạy theo lợi nhuận trước mắt gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức của thanh niên.
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quá trình giáo dục đạo đức cho thanh niên.
Việc giáo dục lý tưởng cách mạng, các chuẩn mực đạo đức trong nhà trường nên phối hợp và giao cho các tổ chức chính trị – xã hội như Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,… và các tổ chức cơ sở đảng. Đảng ta và các tổ chức chính trị – xã hội chủ động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức cách mạng để định hướng cho thanh niên xác định lý tưởng cá nhân đúng đắn cho quá trình học tập và rèn luyện.
Những phẩm chất cơ bản, được truyền đạt chặt chẽ từ mẫu giáo đến đại học, và có sự kết hợp với các môn học khác và phù hợp với lứa tuổi sẽ tạo được hiệu quả cao. Nhà trường là môi trường giáo dục chuyên nghiệp, có nề nếp, có kỷ cương, kỷ luật, là nơi giáo dục cho thanh niên lý tưởng sống, rèn luyện cho thanh niên những phẩm chất đạo đức cần thiết của công dân. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có chủ trương và hệ thống giải pháp sửa chữa sai lầm, thiếu sót trong hệ thống giáo dục góp phần ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường nói chung và giáo dục đạo đức của thanh niên nói riêng.
Cha mẹ cần giáo dục cho con cái trong việc xử lý đúng mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung của gia đình. Lợi ích, nguyện vọng cá nhân không làm hại cho cái chung. Tôn trọng quyền tự do, dân chủ của cá nhân là điều được luật pháp bảo vệ và đòi hỏi mọi công dân phải chấp hành, là một nguyên tắc xây dựng gia đình hiện đại ở nước ta. Vì vậy, cha mẹ càng cần phải tôn trọng, quan tâm tìm hiểu tâm tư, tình cảm của con cái, có thái độ mềm dẻo, không nên áp đặt cho con những quan điểm của mình, không can thiệp thô bạo vào các mối quan hệ của con mà chỉ nên quan tâm chia sẻ, tìm hiểu và định hướng cho thanh niên có cách ứng xử phù hợp; việc chăm lo giáo dục đạo đức cho thanh niên cần được các bậc ông bà, cha mẹ đặc biệt quan tâm.
Các tổ chức chính trị – xã hội cũng cần chú trọng phát huy vai trò đối với việc xây dựng đạo đức thanh niên. Vì vậy, các tổ chức này phải đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tham gia tích cực hơn vào công cuộc xây dựng đạo đức mới, tham gia các tổ chức chính trị – xã hội, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam,… tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục về tầm quan trọng của việc xây dựng đạo đức cho thanh niên. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội trong việc xây dựng đạo đức, các tổ chức, hiệp hội cần thực hiện những hoạt động tuyên truyền, giáo dục cụ thể hơn, thiết thực hơn, quan tâm sâu sát đến đời sống của thanh niên.
4. Kết luận
Thanh niên chiếm vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển con người. Để phát huy vai trò tích cực của thanh niên trong công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay, thanh niên phải là những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Đạo đức của thanh niên chịu tác động to lớn của nền kinh tế thị trường và ngược lại để phát triển kinh tế thị trường rất cần có lực lượng thanh niên với đạo đức trong sáng. Vì vậy, xây dựng đạo đức cho thanh niên là vấn đề được sự quan tâm của toàn xã hội. Xây dựng đạo đức của thanh niên Việt Nam giúp cho thanh niên hình thành và hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của thanh niên. Việc xây dựng đạo đức của thanh niên đạt được hiệu quả cao khi có sự đồng tâm hiệp lực của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội, của gia đình, nhà trường, xã hội và bản thân thanh niên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.
Chú thích:
1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X. H. NXB Chính trị quốc gia, tr. 41, 41.
3. Viện Nghiên cứu Thanh niên (2016). Điều tra tình hình thanh niên năm 2015. Hà Nội, tr. 76.
4, 5. Viện Nghiên cứu Thanh niên (2017). Khảo sát quan niệm, thái độ và hành vi của thanh niên về chuẩn mực và sai lệch chuẩn mực xã hội. Hà Nội, tr. 45, 92.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2002). Văn hóa với thanh niên – thanh niên với văn hóa – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội, tr. 34.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2021). Giáo trình Kinh tế chính trị Mác – Lênin. H. NXB Chính trị quốc gia.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2008). Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X. H. NXB Chính trị quốc gia.
4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 15. H. NXB Chính trị quốc gia.
5. Đỗ Thị Thanh Mai (2001). Tâm lý nông thôn miền Bắc Việt Nam khi chuyển sang kinh tế thị trường – đặc trưng và xu hướng biến đổi. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
6. Quốc hội (2005). Luật Thanh niên năm 2005. H. NXB Tư pháp.
7. Lê Đình Thanh (2005). Giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh.Tạp chí Thanh niên số 4/2005.
8. Phạm Huy Thành (2010). Quan niệm về giá trị cuộc sống của sinh viên Việt Nam trong nền kinh tế thị trường. Tạp chí Khoa học chính trị số 4/2010.
9. Hồ Bá Thâm (2006). Xây dựng bản lĩnh thanh niên hiện nay. H. NXB Thanh niên.
10. Viện Triết học thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn (2003). Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay. H. NXB Chính trị quốc gia.
11. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: quan niệm và giải pháp phát triển. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/-/2018/2081/kinh-te-thi-truong-dinh-huong-xa-hoi-chu-nghia—quan-niem-va-giai-phap-phat-trien.aspx