Xây dựng tiêu chí cơ bản của doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế hội nhập hiện nay

ThS. Nguyễn Anh Tuân
Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng

(Quanlynhanuoc.vn) – Doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới. Bài viết tập trung đánh giá về các tiêu chí của doanh nhân nói chung, doanh nhân Việt Nam hiện nay; những mặt mạnh cũng như hạn chế, bất cập, từ đó, đề xuất xây dựng những tiêu chí cơ bản để doanh nhân Việt Nam không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần cho sự nghiệp cách mạng thời kỳ vươn mình của đất nước hiện nay.

Từ khóa: Doanh nhân, đạo đức doanh nhân, tiêu chí cơ bản, trình độ quản trị, kinh tế hội nhập.

1. Đặt vấn đề

 Những tiêu chí cơ bản của doanh nhân được hiểu là hệ thống kiến thức, kỹ năng và các phẩm chất mà doanh nhân cần phải có để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp. Cho đến nay, trên thế giới đang tồn tại nhiều loại tiêu chí của doanh nhân tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, mục tiêu cụ thể của các quốc gia, các địa phương hoặc của các doanh nghiệp. Để đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay rất cần phải xây dựng hoàn chỉnh bộ tiêu chí cơ bản của doanh nhân Việt Nam.

2. Tiêu chí của doanh nhân Việt Nam trước đổi mới                    

Ở Việt Nam, từ xa xưa đã truyền tụng câu nói rất phổ biến trong xã hội: “Một sự bất tín, vạn sự bất tin”. Chữ “tín” có ý nghĩa to lớn đối với doanh nhân. Để có được tín nhiệm với khách hàng, đối tác, các doanh nhân phải khổ công tạo dựng trong thời gian dài. Vào đầu thế kỷ 20, trong phần luận “Kinh doanh phải hiểu nghĩa” nhà Nho Lương Văn Can không đề cập đến chữ “tín” mà cho rằng: “Bí quyết thành công đối với nhà kinh doanh là ở sự trung thực. Nghĩa là nguồn lợi thu về phải theo lẽ tự nhiên, đừng bao giờ vì lợi mà làm điều xằng bậy hoặc phiêu lưu mạo hiểm. Xét kỹ ra, người ta giàu nghèo ở tâm đức, ở lòng ngay thẳng, khoan hậu với người, đấy cũng là phép thuật kinh doanh vậy!…”1.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi cho rằng, các doanh nhân cần có những “tôn chỉ nghiêm túc” trên thương trường, như: “thương phẩm, thương hội, tín thực, kiên tâm, nghị lực, trọng nghề, thương học, giao thiệp, tiết kiệm và coi trọng hàng nội hóa”. Trong tình thế cạnh tranh “một sống, một còn” với các đối thủ nước ngoài, ông đã nghĩ tới một thứ vũ khí mà họ không thể có, đó là tinh thần dân tộc. Bạch Thái Bưởi tin rằng, sự nghiệp kinh doanh của mình diễn ra trên tổ quốc mình, xung quanh là đồng bào minh chắc chắn sẽ thắng lợi. Ông đã sử dụng thành công tinh thần dân tộc như một vũ khí để chiến thắng đối thủ cạnh tranh của mình2.

Sau Cách mạng tháng Tám – 1945, trước những khó khăn chồng chất của tình thế cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận động Nhân dân cả nước tham gia “Tuần lễ Vàng” và xây dựng “Quỹ Độc Lập”. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta, nhiều doanh nhân đã tham gia bằng tất cả tấm lòng với Chính phủ cách mạng, như: doanh nhân Trịnh Văn Bô và gia đình ông đã hiến tặng cho ngân khố của Chính phủ Cách mạng Lâm thời 5.147 lượng vàng và vận động nhiều người cùng tham gia3. Về đạo đức doanh nhân, ông Trịnh Văn Bô quan niệm: “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7 đồng, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức. Khi cần nuôi nền độc lập thì cống hiến tất cả”4.

Các doanh nhân khác cũng rất tâm huyết cống hiến, như:  ông Nguyễn Hữu Nhâm, chủ hiệu vải Tam Kỳ hiến tặng 300 lạng vàng; ông bà Đỗ Đình Thiện hiến tặng 140 lạng vàng; ông Nguyễn Sơn Hà chuyên sản xuất sơn hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình (gồm vàng bạc, đá quý) cân được 10,5 kg; bà Vương Thị Lai, chủ hiệu buôn Lợi Quyền hiến tặng 109 lạng vàng…

Đến ngày 13/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có buổi gặp gỡ với các doanh nhân có nhiều cống hiến cho cách mạng ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Sau này ngày đó đã trở thành “Ngày Doanh nhân Việt Nam”5.

3. Tiêu chí của doanh nhân Việt Nam ngày nay                    

Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/11/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế  đã xác định về chuẩn mực của doanh nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hóa kinh doanh, góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí”.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới bổ sung thêm nội dung “có tầm nhìn, trí tuệ, tinh thần kinh doanh năng động, sáng tạo,… đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.

­Để đạt được danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” (từ năm 2022) của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các doanh nhân phải đáp ứng được 6 tiêu chí là: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) Tuân thủ pháp luật; (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình6.

Nhìn chung, nét tiêu biểu của doanh nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế là những người tự tin, có trình độ quản trị và kiến thức chuyên môn, có sự năng động, sáng tạo và có khát vọng đưa doanh nghiệp và đất nước phát triển ngang tầm với các quốc gia thuộc tốp đầu trong khu vực và thế giới7.

Ở góc độ châu lục, Giải thưởng Doanh nghiệp châu Á (APEA) được tổ chức thường niên bởi Enterprise Asia, Tổ chức phi chính phủ hàng đầu tại châu Á dành cho doanh nghiệp, doanh nhân. Giải thưởng này vinh danh những doanh nhân xuất sắc với các tiêu chí: có những hoạt động kinh doanh truyền cảm hứng và có những nỗ lực thúc đẩy sự đổi mới bền vững. Năm 2024, một trong những doanh nhân đoạt giải thưởng này là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Thái Hương – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Bắc Á8. Bà đã đoạt những giải thưởng với các tiêu chí khác, như: Giải thưởng Le Fonti Awards – cộng đồng doanh nhân hơn 10,5 triệu thành viên chuyên tôn vinh những doanh nhân có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực đổi mới doanh nghiệp, triết lý lãnh đạo, đột phá công nghệ, gắn kết nhân viên; Được vinh danh trong danh sách Top 10 “Phụ nữ vì sự phát triển bền vững” 2021 tại châu Á của CSRWorks International; là doanh nhân duy nhất ở Việt Nam được bình chọn Giải thành tựu nổi bật cho đóng góp cộng đồng tại Dubai (UAE)9.

 Một số công trình nghiên cứu cũng đưa ra quan điểm về tiêu chí doanh nhân. Trong đó, nhóm nghiên cứu Đề tài nhà nước KX.04.17/06-10 đưa ra 6 tiêu chí định tính: (1) Doanh nhân trước hết phải là người lãnh đạo doanh nghiệp; (2) Có trí tuệ; (3) Có tài năng kinh doanh; (4) Có quyết tâm và sáng tạo trong kinh doanh; (5) Có trách nhiệm xã hội trong kinh doanh và trong cuộc sống: (6) Biết tôn trọng pháp luật10.

Tác giả Nguyễn Viết Lộc đúc kết 9 yếu tố cốt lõi của tinh thần kinh doanh Việt Nam cũng có thể hiểu như là những tiêu chí doanh nhân Việt Nam. Cụ thể: (1) Khát vọng kinh doanh; (2) Khả năng tìm kiếm, tạo dựng và nắm bắt cơ hội kinh doanh; (3) Độc lập, quyết đoán, tự tin; (4) Dám làm, dám chịu trách nhiệm (5) Linh hoạt, chủ động; (6) Có tư tưởng mới, phương pháp mới, hướng giải quyết vấn đề mới; (7) Đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội; (8) Bền bỉ (ý chí quyết tâm, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần); (9) Đạt được thành quả kinh tế11.

GS.TS. Hồ Đức Hùng đã tổng kết 10 tiêu chí mới cho một CEO chuyên nghiệp: (1) Có tầm, biết nhìn xa, trông rộng, dự đoán được tương lai, biết cách nắm bắt cơ hội – chấp nhận rủi ro, dám chịu trách nhiệm; (2) Có năng lực hoạch định chiến lược, điều hành, đánh giá; (3) Chiến lược suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương; (4) Có phong cách lãnh đạo riêng, chuyên nghiệp gây ảnh hưởng đến cấp dưới, hợp với môi trường nội bộ và đối phó được với bên ngoài; (5) Biết đề cao vai trò nhân viên, biết cách sử dụng và tạo môi trường tốt để thu hút người giỏi về với mình; (6) Luôn đi tìm cái mới, cập nhật, học hỏi liên tục, tìm biện pháp cải tiến – phát triển sản phẩm và quy trình làm việc, đổi mới bản thân; (7) Am hiểu đa lĩnh vực; (8) Vận dụng sáng tạo và linh hoạt các kỹ năng quản lý; (9) Gương mẫu, đi đầu trong doanh nghiệp về tự đào tạo nâng cao trình độ để tăng khả năng lãnh đạo; (10) Xây dựng được văn hóa doanh nghiệp, tạo ra môi trường làm việc thân thiện12.

 Bản thân các doanh nhân cũng tự xác định các tiêu chí cho mình như ông Đỗ Cao Bảo – thành viên sáng lập, ủy viên Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng các doanh nhân cần: lịch sự, chân thành, lễ độ, nghiêm túc, hiểu biết, giữ chữ tín, đáng tin cậy, đáng yêu và các trách nhiệm với xã hội, dũng cảm, đi tiên phong13. Doanh nhân Mai Hữu Tín, chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư U&I, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương – người sở hữu hàng chục công ty con và công ty liên kết với tổng lao động trên 20.000 người, từng khẳng định, năng lực chính tạo ra sự khác biệt giữa người này với người khác, giữa doanh nhân này với doanh nhân khác, chính là năng lực học tập suốt đời. Năng lực học tập suốt đời là rất quan trọng. Khi dùng cụm từ “năng lực”, người ta muốn nói đến không chỉ khả năng học tập mà còn cả thái độ học tập14. Ông Lê Viết Lam, Chủ tịch Sungroup trải lòng, ông có được thành công là do có “ứng xử mạnh dạn, dám chấp nhận rủi ro… Và, đã làm việc gì thì luôn cố gắng làm tốt hơn và nhiều thời gian hơn người khác”15.

4. Gợi ý những tiêu chí cơ bản của doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Thứ nhất, có “tinh thần doanh nhân” (Entrepreneurship), có năng lực chuyên môn vững vàng, khát khao vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước.

Tinh thần doanh nhân Việt xuất phát từ lòng yêu nước, niềm hào dân tộc16. Theo đó, doanh nhân Việt Nam với vai trò là người tiên phong đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội. Đáng chú ý là họ cần có khả năng tiên đoán, hoạch định chiến lược, mạo hiểm có tính toán, giảm thiểu rủi ro, thu hút nhân tài, giỏi ngoại ngữ, thành thạo tin học, phong cách chuyên nghiệp… nhằm tạo ra hiệu quả kinh doanh ngày càng cao, xứng  là “một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

– Thứ hai, có ý thức tuân thủ pháp luật quốc gia, quốc tế, cạnh tranh lành mạnh cùng phát triển.

Thực tiễn cho thấy, cho dù doanh nghiệp có quy mô và hình thức như thế nào thì các doanh nhân luôn phải tuân thủ pháp luật của quốc gia và quốc tế khi thực hiện hoạt động kinh doanh. Có rất nhiều đạo luật trong nước liên quan đến hoạt động của kinh doanh mà doanh nhân phải hiểu rõ và tuân thủ, như: Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thương mại; Luật Lao động; Luật Thuế; Luật Đất đai; Luật Cạnh tranh, Luật Bảo vệ môi trường,… Việc Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới đem lại cho doanh nhân nhiều cơ hội cũng như nhiều thách thức. Đáng chú ý là các quy định rất khắt khe về lao động, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ, pháp luật cạnh tranh, chất lượng sản phẩm,…

– Thứ ba, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức kinh doanh tiến bộ. “Cốt lõi của văn hóa kinh doanh chính là đạo đức doanh nhân. Để hình thành văn hóa kinh doanh, nhất thiết phải bắt đầu từ xây dựng con người doanh nhân mà đạo đức là gốc rễ… là khát vọng phát triển là đích đến”17. Trong quá trình kinh doanh, những giá trị văn hóa, đạo đức tiến bộ của doanh nhân sẽ được chuyển hóa vào sản phẩm dịch vụ, tô thắm, làm đẹp hình ảnh doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng với khách hàng, đối tác… từ đó tạo ra hiệu quả kinh doanh bền vững hay “kinh doanh văn minh”.

– Thứ tư, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội.

Các doanh nhân thành đạt, doanh nhân “sếu đầu đàn” thuộc các tập đoàn, như: Vingroup, Hòa Phát, Thaco, VNPT… thông thường cũng là những doanh nhân luôn quan tâm, có trách nhiệm với người lao động, làm cho họ tin tưởng, hạnh phúc và “gắn bó suốt đời” với doanh nghiệp. Họ cũng luôn tích cực tham gia vào các hoạt động, như khắc phụ thiên tai, dịch bệnh, tạo sinh kế, “xóa đói giảm nghèo”, “kinh tế xanh”, kinh tế tuần hoàn”… Các khẩu hiệu ngày càng trở nên quen thuộc, như: “sự an toàn hay phát triển của mỗi cá nhân gắn chặt với sự an toàn của cả cộng đồng”; “doanh nghiệp không thể một mình thành công khi xung quanh họ thất bại”18. xây dựng được tiêu chí này đồng nghĩa với việc doanh nhân đã tạo lập được chiến lược phát triển phù hợp với xu thế thời đại.

– Thứ năm, bền bỉ, kiên trì, có nền tảng sức khỏe thể chất và tinh thần.

Rủi ro trong kinh doanh là điều bất khả kháng, đa dạng và thường xuyên “tiến hóa” theo sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Doanh nhân có thể đối mặt với 20 loại rủi ro thường trực trong kinh doanh19. Con đường dẫn tới thành công của doanh nhân luôn có rất nhiều khó khăn, trở ngại, cạm bẫy rình rập. Nếu không bền bỉ, kiên trì dựa trên nền tảng sức khỏe về thể chất và tinh thần thì công việc sẽ rời rạc, thất bại sẽ cận kề. Theo đó doanh nhân cần rèn luyện các kỹ năng trên cùng với việc chăm chỉ tập luyện thể thao, tạo lập lối sống lành mạnh, trạng thái tinh thần lạc quan sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.   

5. Kết luận

Trong thực tiễn xã hội sinh động, những tiêu chí của doanh nhân khó đo lường được một cách tuyệt đối, không thể đưa ra một hệ tiêu chí để áp dụng cho tất cả doanh nhân. Đối với từng doanh nghiệp, bối cảnh kinh doanh cụ thể, các doanh nhân cần xác định cho mình những tiêu chí phù hợp, điều này giúp doanh nhân xác định “chân dung” bản thân, tự hoàn thiện để hoàn thành một cách tốt nhất chức năng nhiệm vụ của mình.

Chú thích:
1. Nhà Nho Lương Văn Can xây dựng đạo kinh doanh cho người Việt.  https://happy.live/nha-nho-luong-van-can-xay-dung-dao-kinh-doanh-cho-nguoi-viet/ 2020.
2. Thân thế và sự nghiệp của doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932). https://vi.wikipedia.org/wiki/B%E1%BA%A1ch_Th%C3%A1i_B%C6%B0%E1%BB%9Fi
3. Nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập. https://doisongphapluat.com.vn/ve-noi-bac-ho-viet-tuyen-ngon-doc-lap-a109315.html.
4. Trịnh Văn Bô. https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BB%8Bnh_V%C4%83n_B%C3%B4.
5. Doanh nhân Việt Nam – sự phát triển xuyên thế kỷ.  https://kinhtemoitruong.vn/doanh-nhan-viet-nam-su-phat-trien-xuyen-the-ky-72143.html.
6. Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2020: Tiêu chí hàng đầu là đạo đức và trách nhiệm. https://baochinhphu.vn/doanh-nhan-viet-nam-tieu-bieu-2022-tieu-chi-hang-dau-la-dao-duc-va-trach-nhiem-102220730132645226.htm
7. Doanh nhân Việt luôn sát cánh cùng đất nước vươn tới giàu mạnh. https://vneconomy.vn/doanh-nhan-viet-luon-sat-canh-cung-dat-nuoc-vuon-toi-giau-manh.htm.
8. Giải thưởng Apea 2024 tôn vinh doanh nghiệp và doanh nhân xuất sắc tại Việt Nam. https://baodautu.vn/giai-thuong-apea-2024-ton-vinh-doanh-nghiep-va-doanh-nhan-xuat-sac-tai-viet-nam-d226682.html
9. Nữ doanh nhân Thái Hương nhận giải nhà lãnh đạo phát triển bền vững của năm 2023.  https://tuoitre.vn/nu-doanh-nhan-thai-huong-nhan-giai-nha-lanh-dao-phat-trien-ben-vung-cua-nam-20231221143353623.htm.
10. Hoàng Văn Hoa (2010). Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020. H. NXB. Chính trị Quốc gia, tr. 32 – 36.
11. Nguyễn Viết Lộc (2011).  Tinh thần kinh doanh – cơ sở xây dựng hệ giá trị văn hóa doanh nhân Việt Nam. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh số 27/2021, tr. 232 – 239.
12. Tiêu chí để chọn CEO giám đốc điều hành.  http://vietbao.vn/Kinh-te/10-tieu-chi-de-chon-CEO-giam-doc-dieu-hanh/65069601/176/
13. Doanh nhân Việt trải lòng chuyện tiền nhiều để làm gì, 4 đức tính quý giá.  https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nhan-viet-trai-long-chuyen-tien-nhieu-de-lam-gi-4-duc-tinh-quy-gia-20231013053518183.htm.
14. Sự học của doanh nhân thời nay. https://thesaigontimes.vn/su-hoc-cua-doanh-nhan-thoi-nay.
15.  Những tượng đài trong lòng tôi. https://themoshavfarm.com/con-nguoi-moshav-farm/nhung-tuong-dai-trong-long-toi.
16. Tinh thần dân tộc và tinh thần doanh nhân – Động lực cho phát triển đất nước. https://nhandan.vn/tinh-than-dan-toc-va-tinh-than-doanh-nhan-dong-luc-cho-phat-trien-dat-nuoc-post215516.html.
17. Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh ở Việt Nam trong bối cảnh mới. https://tapchimattran.vn/nghien-cuu/dao-duc-doanh-nhan-va-van-hoa-kinh-doanh-o-viet-nam-trong-boi-canh-moi-53872.html.
18. Doanh nhân và trách nhiệm cộng đồng. https://daidoanket.vn/doanh-nhan-va-trach-nhiem-cong-dong-10292177.html.
19. 20 loại rủi ro trong kinh doanh thường gặp nhất. https://amis.misa.vn/6762/diem-mat-20-loai-rui-ro-trong-kinh-doanh-thuong-gap-nhat.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2011). Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 09/11/2011 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2023). Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.