TS. Uông Thiện Hoàng
ThS. Lê Anh Việt
Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
(Quanlynhanuoc.vn) – Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương và toàn dân, trong đó đảng ủy quân sự tỉnh giữ vai trò rất quan trọng. Bài viết phân tích vị trí, vai trò của đảng ủy quân sự tỉnh, với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ; đề xuất đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất về xây dựng khu vực phòng thủ trong tình hình mới.
Từ khóa: Đảng ủy quân sự tỉnh; nghiên cứu đề xuất; khu vực phòng thủ, nâng cao hiệu quả; hoạt động.
1. Đặt vấn đề
Trước yêu cầu bảo vệ vững chắc từng địa bàn, từng địa phương và cả nước; sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược, Đảng và Nhà nước đã có kế sách bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, trong đó xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc là một chủ trương chiến lược. Để thực hiện được điều này, đòi hỏi phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của ban, ngành, đoàn thể các cấp… Trong đó, hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh giữ vai trò quan trọng.
Theo Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, cơ quan quân sự và đơn vị bộ đội địa phương tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập đảng bộ quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là đảng ủy quân sự tỉnh); đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của tỉnh ủy, thành ủy, đồng thời, chấp hành nghị quyết của đảng ủy quân sự cấp trên về nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương.
Đảng ủy quân sự tỉnh là cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng, có chức năng: (1) Lãnh đạo mọi mặt các đơn vị thuộc quyền; (2) Nghiên cứu đề xuất với cấp ủy cấp trên những vấn đề có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác đảng, công tác chính trị; đồng thời thực hiện 10 nhiệm vụ của các cấp ủy từ cấp trên trực tiếp cơ sở đến cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương theo Quy định số 49-QĐ/TW.
Do tính chất nhiệm vụ, đảng ủy quân sự tỉnh chú trọng lãnh đạo các nhiệm vụ có tính đặc thù, đó là: đề xuất nội dung lãnh đạo và giúp cấp ủy địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chính sách hậu phương quân đội tại địa phương theo nghị quyết của đảng ủy quân sự cấp trên. Lãnh đạo mọi mặt cơ quan quân sự cùng cấp và các đơn vị bộ đội địa phương thuộc quyền thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ do cấp ủy địa phương và cấp ủy, người chỉ huy quân sự cấp trên giao.
2. Hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh về xây dựng khu vực phòng thủ thời gian qua
Những năm qua, tình hình hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh với cấp ủy địa phương về quân sự, quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ đã đạt được những kết quả quan trọng cả về nội dung, hình thức, phương pháp, giúp cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Theo đó, có 63/63 tỉnh, thành phố, 713/713 quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch, đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW1.
Nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương các cấp, như: diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh: 126 lượt; diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện: 1.932 lượt; diễn tập chiến đấu phòng thủ cấp xã: 24.791 lượt2.
Nghiên cứu đề xuất với cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành của địa phương xây dựng các phương án chiến đấu; quy hoạch, xây dựng các thành phần thế trận quân sự của khu vực phòng thủ; kết hợp xây dựng thế trận của nền quốc phòng toàn dân ở địa phương…
Trong báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đánh giá về năng lực lãnh đạo của cấp ủy, vai trò của bí thư cấp ủy địa phương, bí thư đảng ủy quân sự cùng cấp; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền; trách nhiệm, trình độ tham mưu, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của cơ quan quân sự, công an và ban, ngành, đoàn thể địa phương các cấp ngày càng được nâng cao; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.
Quân đội và Công an đã tích cực phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền 457.380 buổi/105.005.189 lượt người, vận động được 60.880 học sinh bỏ học trở lại trường; mở lớp tình thương, xóa mù chữ và phổ cập giáo dục 850 lớp/10.130 người; vận động không di cư 51.100 hộ/150.594 khẩu. Huy động hơn 2 triệu lượt bộ đội, dân quân tự vệ, hơn 40.000 lượt phương tiện tham giúp Nhân dân phòng tránh khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn; kêu gọi hơn 4.600.000 lượt phương tiện và hơn 20.100.000 người tránh trú bão; di rời gần 1.000.000 hộ/3.579.000 người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; cứu hơn 2.316 phương tiện/27.704 người dân3.
Tuy nhiên, công tác chủ động nghiên cứu đề xuất chủ trương, biện pháp với cấp ủy địa phương nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ có mặt còn hạn chế. Một số lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương và Nhân dân ở một số địa phương vẫn còn nhận thức chưa đầy đủ và sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của thế trận quốc phòng toàn dân, của khu vực phòng thủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc4.
Ở một số nơi, hoạt động nghiên cứu đề xuất, chỉ đạo, điều hành cơ chế xây dựng khu vực phòng thủ đôi lúc chưa thật sự chủ động. Hoạt động nghiên cứu đề xuất nội dung kết hợp phát triển kinh tế – xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại với cấp ủy địa phương có nội dung chưa thiết thực, thiếu đồng bộ dẫn đến công tác xây dựng thế trận khu vực phòng thủ chưa thực sự tương xứng với yêu cầu, tầm quan trọng của khu vực phòng thủ của mỗi địa phương.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh về khu vực phòng thủ
Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc địa phương, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới, nhất là trong xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuốc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc theo Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đòi hỏi đảng ủy quân sự tỉnh phải thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ bảo đảm vững chắc cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài.
Một là, thường xuyên củng cố, kiện toàn đảng ủy quân sự tỉnh; chăm lo bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt, trước hết là năng lực nghiên cứu đề xuất của các đảng ủy viên.
Kiện toàn tổ chức đảng ủy quân sự tỉnh đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng, bảo đảm cótính kế thừa, liên tục, vững chắc. Theo Quy định số 49-QĐ/TW, đảng ủy quân sự tỉnh có số lượng từ 11 – 15 ủy viên. Do đặc thù tính chất nhiệm vụ nên đảng ủy quân sự tỉnh thường xuyên có sự biến động về số lượng; vì vậy, đảng ủy quân khu cần tích cực phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy làm tốt công tác cán bộ, tạo sự thống nhất trong quản lý cán bộ giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu trước khi đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định. Việc kiện toàn đảng ủy quân sự tỉnh phải gắn chặt với công tác cán bộ, bảo đảm cho đảng ủy luôn đủ về số lượng, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện chức năng nghiên cứu đề xuất với tỉnh ủy, thành ủy về xây dựng khu vực phòng thủ.
Củng cố, kiện toàn đảng ủy quân sự tỉnh phải luôn gắn số lượng với chất lượng và cơ cấu. Xây dựng đội ngũ đảng ủy viên quân sự tỉnh toàn diện, có đủ đức, tài và các tiêu chí theo tiêu chuẩn của một cấp ủy viên được xác định trong Điều lệ Đảng và cấp ủy cấp trên. Trong đó, coi trọng hàng đầu là phẩm chất chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của cấp ủy địa phương, sự quản lý, điều hành của chính quyền…, có đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, xây dựng đội ngũ đảng ủy viên quân sự tỉnh thực hiện “7 dám” theo Nghị quyết Đại hội XIII; có trình độ và năng lực công tác, nhất là năng lực công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Quan tâm bồi dưỡng đội ngũ đảng ủy viên quân sự tỉnh có phương pháp và năng lực tư duy khoa học, năng lực phân tích, đánh giá tình hình, dự báo chính xác những vấn đề đặt ra về quốc phòng, an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ của địa phương. Bồi dưỡng năng lực nghiên cứu, quán triệt, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, hướng dẫn của cấp trên về xây dựng khu vực phòng thủ vào điều kiện cụ thể của từng tỉnh, thành phố.
Hai là, xác định đúng nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp nghiên cứu đề xuất.
Kết quả xây dựng khu vực phòng thủ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là hiệu quả nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh với cấp ủy địa phương. Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và hoạt động có tính đặc thù của mình, đảng ủy quân sự tỉnh phải xác định đúng nội dung nghiên cứu đề xuất về xây dựng khu vực phòng thủ với cấp ủy địa phương trên cơ sở đúng với chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu, cấp ủy địa phương…, đúng đối tượng, thời cơ và phù hợp với điều kiện, khả năng của từng tỉnh, thành phố trong cả nước, bảo đảm có hiệu quả thiết thực.
Trên cơ sở nội dung và đối tượng nghiên cứu đề xuất, đảng ủy quân sự tỉnh vận dụng linh hoạt, sáng tạo, xác định phương pháp đề xuất phù hợp. Do vậy, đảng ủy quân sự tỉnh phải không ngừng nâng cao năng lực quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về xây dựng khu vực phòng thủ; nghiên cứu, quán triệt nắm chắc nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ của địa phương mình; dự báo chính xác tình hình; thu thập, phân tích, tổng hợp, đánh giá kết luận… đề xuất chủ trương, biện pháp lãnh đạo với tỉnh ủy, thành ủy. Phát huy vai trò, trách nhiệm các cơ quan chức năng của cơ quan quân sự tỉnh, thành, trực tiếp là phòng chính trị trong chuẩn bị nội dung đề xuất để đảng ủy quân sự tỉnh thảo luận dân chủ các nội dung đề xuất với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ. Đồng thời, đảng ủy quân sự tỉnh phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc trong nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương về xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Đây là cơ sở, điều kiện để đảng ủy quân sự tỉnh không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất của mình.
Ba là, xây dựng và phát huy vai trò của bộ chỉ huy quân sự trong nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh.
Những vấn đề, nội dung nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ do tập thể thường vụ hoặc đảng ủy quân sự tỉnh bàn bạc, thống nhất. Người chỉ huy cơ quan quân sự có trách nhiệm kịp thời báo cáo, đề xuất với đảng ủy quân sự (thường vụ) mọi mặt công tác và nhiệm vụ được cấp trên giao; đồng thời, đề xuất những vấn đề cần nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương. Vì vậy, hiệu quả hoạt động nghiên cứu đề xuất của đảng ủy quân sự tỉnh với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ còn phụ thuộc vào vai trò hoạt động của bộ chỉ huy quân sự, nhất là vai trò của chính ủy, chỉ huy trưởng và các cơ quan chức năng của bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành.
Do đó, cần kết hợp chặt chẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của đảng ủy quân sự tỉnh với phát huy vai trò của bộ chỉ huy quân sự trong nghiên cứu đề xuất với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ. Đảng ủy quân sự tỉnh phải thường xuyên chăm lo xây dựng bộ chỉ huy quân sự Vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò, trách nhiệm của phòng tham mưu, phòng chính trị, phòng hậu cần – kỹ thuật với tư cách vừa là cơ quan đảm nhiệm công tác chuyên môn vừa là cơ quan tham mưu, giúp việc cho đảng ủy quân sự tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ.
Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ chủ trì bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố: Chính ủy với cương vị là phó bí thư thường trực đảng ủy quân sự tỉnh, chịu trách nhiệm trước đảng ủy quân sự, trước tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy, bộ tư lệnh quân khu về xây dựng đảng ủy quân sự tỉnh trong sạch, vững mạnh, tham mưu có hiệu quả với cấp ủy địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ… Chỉ huy trưởng là thủ trưởng trực tiếp, chỉ huy, quản lý mọi hoạt động của cơ quan quân sự địa phương, phải thường xuyên, chủ động trao đổi với chính ủy để thống nhất đề nghị với thường vụ đảng ủy và đảng ủy quân sự quyết nghị chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ quan quân sự Vững mạnh, toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, đủ sức tham mưu cho đảng ủy quân sự, với cấp ủy, chính quyền địa phương về xây dựng khu vực phòng thủ.
Chú thích:
1, 2, 3, 4. Quân ủy Trung ương (2019). Báo cáo số 349-BC/QUTW ngày 10/4/2019 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chấp hành Trung ương (2018). Quy định số 10-QĐi/TW ngày 12/12/2018 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2021). Quy định số 49-QĐ/TW ngày 22/12/2021 về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
3. Bộ Chính trị (khóa X) (2008). Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 22/9/2008 của về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
4. Bộ Chính trị (2019). Kết luận số 64-KL/TW ngày 30/10/2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.
5. Bộ Quốc phòng (2020). Thông tư số 41/2020/TT-BQP ngày 31/3/2020 quy định thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 của Chính phủ về khu vực phòng thủ.
6. Chính phủ (2019). Nghị định số 21/2019/NĐ-CP ngày 22/02/2019 về khu vực phòng thủ.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.