Phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên trong giai đoạn hiện nay

ThS. Trần Thị Phương
Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

(Quanlynhanuoc.vn) – Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên trở thành công dân có ích cho xã hội. Phát huy vai trò của gia đình trong hoạt động này thực chất là quá trình thực hiện những chức năng của gia đình. Bài viết làm rõ vị trí, vai trò của gia đình; nêu thực trạng trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên thời gian qua; từ đó, đề xuất một số biện pháp nhằm phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Từ khóa: Phát huy vai trò, gia đình; quản lý, giáo dục, bồi dưỡng; thanh niên.

1. Đặt vấn đề

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”1. Vì vậy, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên (con cái) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong giai đoạn hiện nay, trước tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế đã có một bộ phận con cái trong gia đình sống buông thả, không có mục đích, động cơ phấn đấu vươn lên, lười lao động, thích hưởng thụ, dẫn đến vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. Việc phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng con cái càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, là nội dung, biện pháp quan trọng để giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình hiện nay, là sức mạnh nội sinh, nguồn lực bên trong vô cùng phong phú, đa dạng, càng khai thác càng phát triển, càng bừng sáng lên tinh thần đổi mới sáng tạo, ý chí, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, không bao giờ vơi cạn của dân tộc, đặc biệt là đối với thế hệ thanh niên.

2. Gia đình – nơi nuôi dưỡng, hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách của con người

Con người từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành luôn được sự nuôi dưỡng, chăm sóc từ gia đình; trong quá trình đó phẩm chất, nhân cách của con người từng bước được hình thành, phát triển, tham gia vào các hoạt động xã hội, trở thành những công dân có ích cho xã hội. Gia đình là bức tranh thu nhỏ của xã hội, những hoạt động diễn biến của xã hội được phản ánh sinh động qua từng thành viên. Vì vậy, gia đình là nơi sinh ra và cũng là nơi con người trở về sau một ngày làm việc vất vả, cực nhọc; không đâu ở gia đình mà tình cảm, sự quý trọng, trân quý giá trị văn hóa, định hướng nhận thức, hành động con người giữ gìn và phát huy văn hóa, đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam được bộc lộ, thể hiện rõ nét và đậm đà nhất. Việc cùng nhau chăm lo, vun vén, xây dựng gia đình văn minh, tiến bộ, hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, trong đó ông bà, cha, mẹ là tấm gương, mực thước về lời nói và hành động để con cái nhận thức được đó là sự kính trọng, tôn trọng, có tôn ti, trật tự, khuôn phép, nền nếp, gia phong của gia đình.

Lịch sử phát triển của dân tộc, đặc biệt có sự lãnh đạo của Đảng, gia đình có vai trò góp phần quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Chính sự động viên, hỗ trợ, nhiệt tình, trách nhiệm của gia đình một cách thường xuyên, kịp thời mà lớp lớp thế hệ thanh niên đã lên đường, tham gia vào chiến trường, trở thành nguồn lực quan trọng, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của Nhân dân ta đến thắng lợi cuối cùng. Mỗi gia đình là tế bào của xã hội, là bộ phận không tách rời của xã hội, gia đình yên ấm, hạnh phúc thì xã hội ổn định, phát triển. Vì vậy, sự ổn định, bền vững của mỗi gia đình là sự phát triển đi lên của xã hội, cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa, hội nhập quốc tế, hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và Nghị quyết hội nghị Trung ương (khóa XIII) của Đảng xác định, đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, bên cạnh sự giáo dục truyền thống là hoạt động tích cực, chủ động của ông bà, cha, mẹ và sự tự giác của mỗi thanh niên với nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục, quản lý, bồi dưỡng linh hoạt, sáng tạo nhằm nâng cao ý thức, thái độ, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Trách nhiệm, nghĩa vụ đó là sự hiếu thảo với cha, mẹ, ông bà, sống nghĩa tình, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau; con cháu chăm ngoan, học giỏi, lễ phép, sống có trước, có sau, giàu lòng nhân ái, vị tha, quan tâm, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn… Đây chính là những giá trị văn hóa được đúc kết, khái quát từ thực tiễn ứng xử trong quá trình hình thành, phát triển của gia đình Việt Nam, trở thành lẽ sống, niềm tin, quy định việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên trở thành công dân có ích cho xã hội. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Một gia đình muốn ấm êm, hoà thuận, hạnh phúc thì cùng với sự dạy bảo, khuyên nhủ còn phải có khuôn phép, gia phong, nền nếp (nếp nhà): “trên kính dưới nhường”, tôn ti trật tự, không thể vô lễ, vô phép, cá mè một lứa, thượng hạ bằng đẳng…2. Theo đó, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn việc hình thành, phát triển phẩm chất nhân cách của con cái. Trong gia đình, ông bà, bố mẹ gương mẫu, chuẩn mực, liêm khiết, biết cách dạy dỗ, chỉ bảo con cái những điều hay, lẽ phải, đó là một gia đình văn hóa. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”3.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, gia đình đã phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của mình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên. Nhiều gia đình đã trở thành gia đình văn hóa, giữ được nền nếp, tôn ti, trật tự, con cái sống lễ phép, có hiếu với ông, bà, cha, mẹ; các thành viên trong gia đình luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau và tích cực, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội. Nhiều phong trào hiếu học trong gia đình, dòng họ được phát huy và được cấp chính quyền địa phương tôn vinh, biểu dương, trao tặng quỹ khuyến học, bảng vàng về truyền thống hiếu học. Ông, bà, cha, mẹ đã phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; thường xuyên nhắc nhở, định hướng thanh niên những suy nghĩ, hành động đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, quy định của địa phương; đi đâu, làm gì phải luôn khắc cốt, ghi tâm về văn hóa gia đình. Từng thành viên gia đình luôn có sự điều chỉnh phù hợp với truyền thống đã có và có sự tiếp nhận với văn hóa mới, bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình được coi trọng và có nhiều tiến bộ. Bình đẳng giới, quyền trẻ em, vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được đề cao; việc chăm lo, vun đắp, xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình là giá trị cao đẹp mà mỗi người Việt Nam luôn quan tâm thực hiện và hướng tới. Các giá trị chung thủy, yêu thương, chia sẻ và bình đẳng trong hôn nhân luôn được coi trọng4

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được việc phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay còn một số hạn chế: nhận thức của một số thành viên gia đình về chức năng, nhiệm vụ quản lý, giáo dục, bồi dưỡng chưa sâu sắc, toàn diện; còn tồn tại tư tưởng áp đặt chủ quan theo truyền thống. Những mâu thuẫn, tranh chấp về đất đai, tài sản, con cái không nghe lời ông, bà, cha mẹ; tình trạng con cái hư hỏng, sống buông thả, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; chạy theo lối sống phương Tây, xa lánh văn hóa gia đình truyền thống.

Một số gia đình phó mặc con cái cho nhà trường, xã hội, coi trọng vật chất, địa vị xã hội, sống không có đạo lý, tình người. Tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra chủ yếu lứa tuổi thanh niên; không hiếm bắt gặp thanh niên nghiện hút, ma tuý, cờ bạc, mại dâm, trộm cắp, cướp tài sản, ngay cả học sinh ngồi trên ghế nhà trường còn gây gổ đánh nhau; một số thanh niên trong gia đình thiếu động cơ ý chí phấn đấu vươn lên, lười lao động, lười suy nghĩ… Thực tế này đã được Đảng ta chỉ rõ: “Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên Internet và mạng xã hội tới gia đình”5.

Nguyên nhân của hạn chế trên là do: công tác tuyên truyền, giáo dục của hệ thống chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp chưa sâu sắc, toàn diện đầy đủ. Nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên chưa hấp dẫn, còn dập khuân máy móc, chưa kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại. Tính tiền phong, gương mẫu của một số thành viên gia đình chưa tốt, còn buông lõng lãnh đạo, quản lý, chưa quan tâm sâu sát, trách nhiệm đến việc dạy dỗ, chỉ bảo con cái. Vai trò, trách nhiệm của từng thành viên gia đình trong phối kết hợp quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên chưa được phát huy.

3. Một số biện pháp phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên trong thời kỳ mới

Một là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của từng thành viên gia đình về vai trò của việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Trong bối cảnh hội nhập, mở cửa quốc tế sâu rộng và những tác động tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường đang hằng ngày, hằng giờ chi phối đến mọi mặt đời sống của các thành viên gia đình. Việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của gia đình đình càng trở nên cấp bách hơn. Đây chính là nội dung, biện pháp cơ bản lâu dài để xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đảng đã chỉ rõ: “Đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại”6.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Cần có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo nội dung, hình thức, biện pháp quản lý, giáo dục, bồi dưỡng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và văn hóa truyền thống của mỗi gia đình. Mỗi thành viên gia đình thường xuyên điều chỉnh nhận thức, hành động của mình phù hợp với tình hình thực tiễn đang đặt ra, không nên áp đặt chủ quan, hoặc so sánh gia đình này với gia đình khác. Phát huy vai trò nêu gương của những người lớn tuổi, trước hết là bố, mẹ, anh chị, em trong gia đình. Cập nhật những thông tin mới có liên quan đến các vấn đề xã hội để quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; tăng cường tính thực tiễn trong giáo dục, bồi dưỡng thanh niên, nhất là khi thanh niên đã bước vào tuổi trưởng thành được tiếp xúc, làm quen với nhiều mối quan hệ xã hội, công nghệ thông tin.

Tăng cường phối hợp với gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên; quản lý các mối quan hệ xã hội của thanh niên kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi lệch chuẩn với văn hóa gia đình. Nếu thanh niên trong gia đình có biểu hiện thái quá, không tôn trọng, lắng nghe gia đình cần phối hợp với lực lượng chức năng có thẩm quyền để xử lý, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Việc sử dụng các hình thức, biện pháp quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên của mỗi gia đình cần linh hoạt, sáng tạo ở từng thời điểm khác nhau, có tiếng nói chung, thống nhất của các thành viên gia đình. Xây dựng môi trường giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện tốt nhất từ mỗi thành viên gia đình, gạt bỏ bớt cái tôi cá nhân, hướng đến mục tiêu chung thống nhất vì sự ổn định, hạnh phúc bền vững, có như vậy, mới cùng chung lưng, đấu cật, góp sức vào việc bồi đắp tình cảm gia đình ngày càng gắn bó thuỷ chung, nuôi dậy con cái khôn lớn, trưởng thành có ích cho xã hội. Cần chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội; nêu cao tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết; trọng nghĩa tình, trọng công lý và đạo lý xã hội7.

Ba là, đẩy mạnh thực hiện các phong trào xã hội để phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục, bồi dưỡng thanh niên.

Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa gắn với các phong trào thi đua yêu nước ở từng giai đoạn, thời điểm lịch sử khác nhau có tác dụng quan trọng trong việc giữ gìn và phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình trong thời kỳ mới. Các địa phương đã tích cực, chủ động đề ra các chủ trương, biện pháp gắn với các nội dung, chỉ tiêu cụ thể, thiết thực, phản ánh đúng yêu cầu, nhiệm vụ của cơ sở. Cấp uỷ chính quyền địa phương các cấp cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước thành những công việc, nhiệm vụ cho từng ngành, từng bộ phận. Phát huy dân chủ trí tuệ của các gia đình trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng gia đình văn hóa. Lấy mỗi gia đình là một hạt nhân đoàn kết của địa phương, nhiều gia đình tốt làm cho địa phương ngày càng văn minh, hiện đại, khơi dậy được tính năng động, sáng tạo, các nguồn lực tự nhiên, xã hội để thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội phát triển, môi trường hoà bình được giữ vững, người dân có cuộc sống bình yên, cống hiến ngày càng nhiều hơn trí tuệ, công sức cho quê hương, đất nước.

Đề cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng gia đình văn hóa; xác định nội dung, hình thức, biện pháp thực hiện phong trào đúng, trúng, bảo đảm mọi gia đình đều được tham gia, được hưởng lợi ích từ chính cuộc Vận động xây dựng gia đình văn hóa đem lại. Sau mỗi lần tổ chức các phong trào thi đua yêu nước cần tiến hành sơ kết, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sức lan toả sâu rộng trong toàn dân. Những tập thể, cá nhân được biểu dương, tôn vinh phải thật sự tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, lối sống, gia đình yên ấm, hạnh phúc, con cái khôn lớn, trưởng thành, có những đóng góp nhất định vào hoạt động của xã hội. Đồng thời, cũng cần phải chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn đối với những thành viên gia đình nhận thức, hành động chưa tốt trong việc tham gia vào các hoạt động của địa phương; sống khép kín theo kiểu “đèn nhà ai người ấy rạng”, “sống chết mặc bay”, không có tình người, đạo lý của dân tộc.

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh toàn tập (2011). Tập 12.  H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 300.
2. Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 416.
3, 4, 7. Nguyễn Phú Trọng (2024). Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, tr. 31, 50, 50.
5, 6. Bộ Chính trị (2021). Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.