TS. Lê Thị Hiền Lương – Chế Lê Quỳnh Chi
Trường Đại học An ninh nhân dân
(Quanlynhanuoc.vn) – Bài viết phân tích âm mưu, nội dung, hình thức thực hiện diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch đối với sinh viên Việt Nam, từ đó gợi mở một số vấn đề cần thực hiện tốt để phòng, chống diễn biến hoà bình nhằm vào thanh niên, sinh viên, đối tượng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Sinh viên, xã hội chủ nghĩa, “diễn biến hoà bình” thế lực thù địch.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh thế giới đang trải qua cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các nền tảng số trở thành một phần không thể thiếu của đời sống, khi các dòng chảy thông tin và sự kết nối giữa người và người càng ít chịu ảnh hưởng của khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ; sự giao lưu và trao đổi thông tin, văn hóa ngày càng thuận tiện và phát triển hơn bao giờ hết. Đặc điểm này vừa tạo ra những cơ hội, điều kiện để Việt Nam giao lưu, học hỏi các thành tựu khoa học – công nghệ trên thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; vừa đem lại nhiều thách thức cho đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển, đặc biệt là 4 nguy cơ, thách thức đã được Đảng ta chỉ ra tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ (khóa VII năm 1994). Trong đó, diễn biến hòa bình của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang là thách thức lớn với các hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, tập trung vào nhóm đối tượng là sinh viên Việt Nam thông qua môi trường giáo dục đại học.
2. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tác động đến sinh viên
Một trong những đối tượng chủ yếu mà diễn biến hòa bình nhắm đến là thanh niên, sinh viên. Bởi lẽ, sinh viên nói riêng, thanh niên nói chung là chủ thể nắm quyền điều hành đất nước trong tương lai. Tuy nhiên, nhiều sinh viên chưa có kinh nghiệm sống; chưa đủ kỹ năng nhận diện và phân biệt các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…; cảm xúc còn bồng bột, nhận thức, bản lĩnh chính trị còn khuyết thiếu, chưa vững chắc dẫn đến dễ bị thuyết phục và lợi dụng. Đồng thời, sinh viên còn có đặc điểm sinh sống, học tập, rèn luyện trong môi trường giáo dục đại học, thuận lợi trong tiếp nhận, lan truyền tri thức; dễ chấp nhận, tiếp thu những trào lưu tư tưởng mới, có nhiều hoài bão, đam mê, không ngại phải chịu đựng khó khăn, thử thách để hiện thực hóa ước mơ của mình.
Thanh niên, sinh viên có tiềm năng tạo biến động xã hội trên quy mô lớn, cả ở khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực. Do đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách tác động đến sinh viên như là một đối tượng trọng yếu trong quá trình thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” nhằm mục tiêu xúi giục sinh viên đấu tranh, phủ nhận thành tựu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, làm phai nhạt, lu mờ, đi đến phủ định, xóa bỏ các giá trị văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Việt Nam (trong đó, “tiên tiến” theo lý giải của Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII), năm 1998 có nội hàm chủ yếu là mang tính tư tưởng, tính Đảng, tính xã hội chủ nghĩa), thậm chí còn tìm những thanh niên tiêu cực để thúc đẩy biểu tình, bạo loạn gây bất ổn về an ninh, trật tự. Hình thức phổ biến là qua những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, hội, nhóm, cuộc thi trên không gian mạng lẫn ngoài đời thực, nhiều phần tử lợi dụng chiêu bài tự do ngôn luận để tạo dựng, thúc đẩy những nhận thức sai lầm về bản chất của Đảng.
Trên thực tế, lợi dụng các lớp học kỹ năng mềm, các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài để lôi kéo sinh viên tham gia những hội nhóm, như: “Câu lạc bộ Hướng Dương”, nhóm “Trứng bay”, “Cọp lãnh đạo”, “Thanh niên, sinh viên Công giáo”. Một số cuộc thi qua mạng được tổ chức đã lồng ghép tuyên truyền các luận điệu sai trái, thù địch vào sinh viên như cuộc thi “Quyền con người và tôi”, “Tuổi trẻ Việt Nam với hiện tình đất nước”, “Tìm hiểu lịch sử Hoàng Sa, Trường Sa”…
Trong thời gian diễn ra Hội nghị APEC 14 và chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ George Walker Bush năm 2006, tổ chức “Chính phủ Việt Nam tự do” đã chỉ đạo thu thập số điện thoại, địa chỉ email của nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên để lập nhóm thử nghiệm chương trình phát thanh trực tuyến qua Internet nhằm kêu gọi, kích động xuống đường biểu tình. Chỉ một năm sau đó, tổ chức này lại thực hiện kế hoạch đưa phương tiện phát sóng vào trong nước chèn ép các đài truyền hình địa phương, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam nhằm tuyên truyền kích động biểu tình, bạo loạn, khuếch trương thanh thế tổ chức trên quy mô lớn hơn1.
Một hình thức diễn biến hoà bình khác cũng khá phổ biến là thông qua tương tác, trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa sinh viên với nhau, đặc biệt với đội ngũ du học sinh. Một bộ phận sinh viên, đặc biệt là một số du học sinh hiện đại và sinh viên các trường quốc tế tiếp nhận một chiều, vô điều kiện về văn minh, văn hóa phương Tây, tuyệt đối hóa chủ nghĩa cá nhân, từ đó lan tỏa nhận thức rằng, Việt Nam cần thiết lập chế độ đa nguyên, đa đảng; phải hoàn toàn tự do, khai phóng về tư tưởng, về giáo dục, bất chấp các quy định của pháp luật và vai trò quản lý của Nhà nước để bảo đảm quyền dân chủ, tự do cá nhân tuyệt đối. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về cơ sở lý luận và tình hình thực tiễn của đất nước cũng như sự tiếp thu thiếu chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài đã khiến những sinh viên này hoang mang, nghi ngờ, thậm chí có biểu hiện tiêu cực, phản đối con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta.
Nhóm sinh viên này sùng bái một chiều thành tựu của các nước phát triển Âu Mỹ mà bỏ qua sự thật rằng, Việt Nam đạt “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” chưa từng có trong chưa đầy 50 sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước và bắt đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Một thống kê cho thấy, từ năm 1995 – 2008, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý 196 vụ tuyên truyền phá hoại tư tưởng chống Việt Nam trong sinh viên ở TP. Hồ Chí Minh, trung bình 15 vụ/năm. Con đường phổ biến để truyền đạt các thông tin này là thông qua hình thức truyền miệng, chiếm tỷ lệ 73% trong tổng số các vụ tuyên truyền phá hoại tư tưởng trong sinh viên2.
Thực tế cho thấy “Diễn biến hoà bình” đối với sinh viên Việt Nam không chỉ được thực hiện bằng hình thức tác động trực tiếp tới sinh viên mà còn gián tiếp thông qua nội dung giảng dạy và hoạt động của đội ngũ giảng viên trên các giảng đường đại học. Chương trình đào tạo của một số trường đại học, nhất là các chương trình liên kết với nước ngoài, chương trình của một vài trường quốc tế có biểu hiện “pha loãng”, lược bỏ nhiều môn học/nội dung lý luận chính trị quan trọng. Chẳng hạn: giảng dạy về lịch sử, văn hóa dân tộc nói chung thay cho môn học “Tư tưởng Hồ Chí Minh”; giảng dạy về lịch sử tư tưởng nhân loại, các học thuyết triết học Đông Tây, kim cổ thay cho môn học triết học Mác – Lênin, giảng dạy về kinh tế chính trị học nói chung thay cho môn học kinh tế chính trị Mác – Lênin… Trong khi, chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng và nền văn hóa “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo quan điểm của Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) (năm 1998) có nội dung “tiên tiến”, tức là yêu nước và tiến bộ vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh…
Một số giảng viên dù có thể giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhưng lại mơ hồ, thiếu tri thức và phương pháp luận lý luận chính trị nền tảng hoặc phai nhạt niềm tin, suy yếu bản lĩnh chính trị, dẫn đến chưa gắn giảng dạy chuyên môn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thậm chí vô tình hay cố ý góp phần thực hiện các thủ đoạn diễn biến hoà bình. Ở mức độ còn ít nghiêm trọng, các giảng viên này hiểu nhầm, hiểu sai bản chất một số sự kiện lịch sử, hiện tượng kinh tế – xã hội, nhận thức siêu hình về lý luận chính trị và truyền đạt lại những quan điểm, góc nhìn chưa chính xác, phiến diện đến sinh viên. Ví dụ, họ truyền đạt các thông tin không rõ nguồn gốc hoặc từ những nguồn tin không đáng tin cậy (dã sử, lời đồn, truyền thuyết…) và dựa vào đó để phân tích, đánh giá về các sự kiện, nhân vật lịch sử, lãnh tụ cách mạng; dùng những câu chuyện đời tư chưa được kiểm chứng để quy chụp thành bản chất tư tưởng, hành động của các cá nhân; phân tích lý luận, phản ánh hiện thực phiến diện, một chiều, mang tính chủ quan, định kiến… Tuy chưa thể hiện rõ chủ đích chính trị tư tưởng tiêu cực, chống phá cách mạng song những hành vi này gieo mầm, làm lây lan chủ nghĩa hoài nghi hiện thực, hoài nghi lịch sử cực đoan, thiếu căn cứ khoa học trong sinh viên, tạo môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch thực hiện âm mưu Diễn biến hòa bình.
Ở mức độ nghiêm trọng hơn, có trường hợp giảng viên đại học cố tình tiêm nhiễm tư tưởng lệch lạc, phản động cho sinh viên, kích động sinh viên phá hoại an ninh, trật tự, tiến tới lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đây là những hành vi được thực hiện với mục đích, phương pháp rõ ràng, cụ thể, bởi những đối tượng đã bị chuyển hóa về mặt tư tưởng, nhận thức. Điển hình là trường hợp của Phạm Minh Hoàng, giảng viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Theo tài liệu của cơ quan An ninh điều tra, Phạm Minh Hoàng (sinh năm 1955 tại Vũng Tàu; quốc tịch Việt Nam, Pháp) là giảng viên Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh nhưng lại tham gia tổ chức khủng bố lưu vong Việt Tân, có nhiều hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Hành vi phạm tội của đối tượng này diễn ra từ tháng 01/2010 – 5/2010, khi Hoàng cùng 3 thành viên khác của Việt Tân là Phạm Duy Khánh, Jolie Trang Huỳnh, Huỳnh Châu tổ chức 2 khóa, tổng cộng 4 lớp học về “kỹ năng mềm” tại TP. Hồ Chí Minh nhằm thu gom người, lồng vào các nội dung tuyên truyền, kích động và phát hiện người để lôi kéo vào Việt Tân. Đây không phải một thủ đoạn mới, khi các tổ chức ngoại vi của Việt Tân đã từng sử dụng danh nghĩa “trợ cấp học bổng”, hứa hẹn “tài trợ kinh phí nhằm nâng cao trình độ tiếng Anh, kỹ năng mềm”, mời chào các đối tượng là sinh viên, thanh niên, nhân sĩ, trí thức, chức sắc cực đoan trong các tôn giáo, thành phần cơ hội chính trị, đối tượng chống đối trong nước có tuổi đời dưới 30 tuổi, biết ngoại ngữ… vào những khóa đào tạo, huấn luyện về “xã hội dân sự” nhằm xây dựng thành “hạt nhân” phục vụ mưu đồ chống phá lâu dài3.
Trong khi đó, công tác chính trị tư tưởng ở các trường đại học hiện nay, bên cạnh những thành công, mặt tích cực rất đáng ghi nhận thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế. Điển hình là ở các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, theo Báo cáo số 545-BC/TU ngày 30/10/2023 của Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh về kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30/5/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học”, phương thức công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa đi vào chiều sâu; chưa gắn giảng dạy chuyên môn với công tác giáo dục chính trị tư tưởng, công tác bồi dưỡng phát triển đảng trong cán bộ, giảng viên, sinh viên. Công tác nắm bắt diễn biến tư tưởng, cung cấp thông tin và định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên thanh niên có lúc chưa kịp thời, chưa hiệu quả… Nội dung, hình thức sinh hoạt đoàn thanh niên, hội sinh viên tại một số trường cao đẳng, đại học chưa đa dạng, thiếu tính hấp dẫn để thu hút học sinh, sinh viên tham gia…
3. Một số giải pháp
Trên cơ sở âm mưu, nội dung và các hình thức, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch đối với sinh viên Việt Nam cũng như thực trạng công tác chính trị tư tưởng trong các trường đại học; để phòng chống “diễn biến hoà bình” hiệu quả, thời gian tới, các chủ thể của quá trình giáo dục, đào tạo đại học cũng như bản thân tầng lớp sinh viên – trí thức trẻ của đất nước cần tập trung vào các nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới giáo dục, đào tạo theo quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Chú trọng thể chế hóa vá tổ chức thực hiện hiệu quả các quan điểm: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chú trọng công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phát huy vai trò của các cấp uỷ cơ sở giáo dục, đào tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam…
Thứ hai, trang bị phương pháp luận và tri thức lý luận chính trị toàn diện, có hệ thống cho sinh viên; thông qua các hình thức, phương pháp giáo dục, đào tạo sinh động, thiết thực, hiệu quả do Đảng ủy, Ban Giám hiệu và các cấp uỷ trong các trường đại học lãnh đạo, chỉ đạo, các đơn vị thuộc trường và đội ngũ giảng viên là chủ thể thực hiện. Bản chất của diễn biến hoà bình trong sinh viên là quá trình tác động, chuyển hóa về tư tưởng của thế hệ trẻ theo mục tiêu và con đường tư bản chủ nghĩa. Theo đó, để phòng chống quá trình này cần tuân thủ nguyên tắc mà Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới đã chỉ ra: kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” để “chống”, trên cơ sở của “xây” mà “chống”. Trong đó, “xây” là xây dựng, củng cố niềm tin khoa học vào chủ nghĩa xã hội và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam mà niềm tin phải được xây dựng, củng cố, phát triển thông qua nền tảng phương pháp luận, tri thức khoa học về chủ nghĩa xã hội và thực tiễn đổi mới thành công của đất nước. Đồng thời, đặc biệt chú trọng biện pháp nêu gương theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, theo tấm gương sống, làm việc, tu dưỡng đạo đức của các thầy cô giáo.
Thứ ba, phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở các trường đại học thông qua các phong trào hành động cách mạng, các cuộc thi sáng tạo về khoa học – công nghệ, các hình thức sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. Chẳng hạn, như các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tiếp sức mùa thi”, “Giọt máu trao đi, nghĩa tình ở lại”…; các cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Viết chính luận phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”, cuộc thi văn nghệ truyền thống của các trường…; đặc biệt là mô hình “Chi bộ sinh viên” – một trong những mô hình nổi bật về hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng mà các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang xây dựng, phát triển. Đây là các hình thức hoạt động vì thanh niên, do thanh niên sinh viên tổ chức và thực hiện một cách có định hướng, có tính tư tưởng cao nên sẽ tạo môi trường, điều kiện lành mạnh, thuận lợi để sinh viên được rèn luyện, thử thách và trưởng thành, dần được vun đắp, củng cố nhận thức và bản lĩnh chính trị, tạo sức đề kháng tự nhiên trước sự lôi kéo, tác động của các hội nhóm, diễn đàn có tính chất sai trái, thù địch, các tổ chức chính trị phản động.
Thứ tư, các lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia, đặc biệt là lực lượng chuyên trách – Công an nhân dân cần tăng cường phối hợp, thực hiện tốt công tác tham mưu, hướng dẫn cấp uỷ các trường đại học trong xây dựng, triển khai công tác phòng ngừa các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa nội bộ, bảo vệ chính nội bộ; đồng thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi, hoạt động lan truyền các quan điểm sai trái, thù địch, xúi giục, kích động chống phá chính quyền nhân dân trong môi trường giáo dục đại học của các thế lực thù địch.
Thứ năm, bản thân sinh viên phải tự xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của mình trong quá trình học tập, rèn luyện ở bậc đại học nói riêng, trong sự nghiệp, cuộc đời mình nói chung. Có khát vọng, hoài bão xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, văn hiến và anh hùng, kế tục xứng đáng truyền thống tốt đẹp và sự hy sinh to lớn, vô giá của các thế hệ cha ông trong lịch sử dân tộc. Chủ động, tích cực, sáng tạo trong tiếp nhận, vận dụng, phát triển phương pháp luận, tri thức khoa học, các kỹ năng được trang bị ở nhà trường. Chủ động tổ chức, tham gia các phong trào, hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội tích cực, giàu tính nhân văn, có sức lan tỏa sâu rộng những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Nắm vững và tuân thủ pháp luật, là những công dân tốt, những trí thức có lý tưởng, khát vọng, đạo đức cao đẹp, có năng lực, kỹ năng và tầm nhìn vì sự phát triển, nâng cao giá trị bản thân, cống hiến nhiều nhất cho gia đình, xã hội, cho Tổ quốc trong kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chú thích:
1. Bộ mặt mới của chiến lược “Diễn biến hòa bình” trong cục diện thế giới hiện nay. http://www.ttgdqp.edu.vn/tin-tuc-5/tin-tuc-3/bo-mat-moi-cua-chien-luoc-dien-bien-hoa-binh-trong-cuc-dien-the-gioi-hien-nay-12498-p.html, truy cập ngày 30/9/2024.
2. Trường Đại học An ninh Nhân dân (2023). Kỷ yếu toạ đàm khoa học: “Công tác bảo đảm an ninh, trật tự theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại Công an TP. Hồ Chí Minh”, ngày 19/3/2023.
3. Ý đồ từ các khóa đào tạo huấn luyện kỹ năng đối phó, chống phá chính quyền (bài 1). https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/y-do-tu-cac-khoa-dao-tao-huan-luyen-ky-nang-doi-pho-chong-pha-chinh-quyen-bai-1–i641851, truy cập ngày 02/10/2024.
Tài liệu tham khảo:
1. Bắt giảng viên đại học vì hoạt động lật đổ chính quyền. https://baophapluat.vn/bat-giang-vien-dai-hoc-vi-hoat-dong-lat-do-chinh-quyen-post102652.html, truy cập ngày 02/10/2024.
2. Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 01/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/ket-luan-so-91-kltw-ngay-1282024-cua-bo-chinh-tri-ve-tiep-tuc-thuc-hien-nghi-quyet-so-29-nqtw-ngay-04112013-cua-ban-chap-10637, truy cập ngày 21/01/2025.
3. GS.TS. Phạm Ngọc Hiền (2010). Phòng, chống “Diễn biến hòa bình” và “Cách mạng màu” ở Việt Nam. H. NXB Chính trị quốc gia.
4. Khởi điểm của một chiến lược phi nhân tính “Diễn biến hòa bình”. https://nhanvanviet.com/chong-dbhb/khoi-diem-cua-mot-chien-luoc-phi-nhan-tinh-dien-bien-hoa-binh, truy cập ngày 30/10/2024.
5. Nguyễn Như Ý (Chủ biên) (2007). Đại từ điển tiếng Việt. NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 419.
6. Đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa ở Việt Nam hiện nay. https://www.quanlynhanuoc.vn/2024/12/12/dau-tranh-phong-chong-am-muu-dien-bien-hoa-binh-tren-linh-vuc-tu-tuong-van-hoa-o-viet-nam-hien-nay.