TS. Nguyễn Văn Sơn
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
ThS. Cao Thị Thanh Loan
Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội
(Quanlynhanuoc.vn) – Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp bán dẫn có vai trò quan trọng là động lực cho tăng trưởng, phát triển kinh tế. Đây là ngành công nghiệp có công nghệ cao, sự phát triển chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Bài viết phân tích và đưa ra một số giải pháp góp phần hiện thực hóa chiến lược đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn theo Nghị quyết và quyết tâm của Chính phủ đề ra để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Từ khóa: Ngành Công nghiệp bán dẫn, kỹ sư, đào tạo, động lực phát triển, kỷ nguyên mới.
1. Vai trò của công nghiệp bán dẫn
Ngày nay, với các thiết bị máy móc ngày càng thông minh hơn, các con chíp bán dẫn đã có mặt ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống, như: sản xuất, tiêu dùng, tài chính, ngân hàng, truyền thông, giải trí…, với các thiết bị, như: ti vi, tủ lạnh, ô tô, điện thoại, máy tính, chiếu sáng, cửa cuốn, máy giặt, điều hòa nhiệt độ, các loại bếp từ… đều không thể thiếu con chíp bán dẫn, thiếu nó các cỗ máy và thiết bị thông minh không thể hoạt động. Do đó, thị trường chíp bán dẫn ngày càng tăng nhanh, “doanh thu ngành sản xuất chip toàn cầu năm 2022 tăng khoảng 1,2% so với năm 2021, đạt 601,7 tỷ USD. Dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có quy mô khoảng 1.400 tỷ USD vào năm 2029”1.
Nhu cầu chíp bán dẫn của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng, dẫn đến nhập khẩu chíp bán dẫn ngày càng lớn, “con chíp” ngày càng có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Chẳng hạn như Trung Quốc, nền kinh tế thứ 2 trên thế giới, giá trị nhập khẩu chíp bán dẫn đã vượt so với năng lượng dầu mỏ.
Hay như đối với quốc phòng, trong cuộc chiến tranh hiện đại ngày nay, với các tên lửa hành trình tầm xa, máy bay không người lái và các thiết bị, vũ khí thông minh khác, như: bản đồ vệ tinh, hệ thống dẫn đường chính xác đều phụ thuộc vào các con chíp bán dẫn. Đối với an ninh kinh tế, an ninh xã hội, con chíp bán dẫn cũng rất quan trọng vì hệ thống tài chính, ngân hàng và hạ tầng xã hội đều sử dụng mạng internet tốc độ cao, khả năng lưu trữ, xử lý số liệu ngày càng lớn… Nghĩa là phụ thuộc vào hoạt động của các con chíp bán dẫn và các con chip cũng đòi hỏi ngày càng tiên tiến hơn.
Việc sản xuất chíp bán dẫn đòi hỏi nguồn lực rất lớn với rất nhiều công đoạn khác nhau, như: sản xuất vật liệu, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chíp, đóng gói, kiểm thử… mỗi công đoạn đòi hỏi có sự chuyên môn hóa cao, nguồn lực và bí quyết riêng. Chẳng hạn, để xây dựng được nhà máy sản xuất chíp cần khoảng 20 tỷ USD và nhiều năm kinh nghiệm. Vì vậy, không một quốc gia nào có thể hoàn toàn làm chủ ngành công nghiệp này, các nước đều đi vào lợi thế của mình và đều phụ thuộc vào nhau. Ví dụ như: Hà Lan sở hữu máy in thạch bản để sản xuất chíp; Mỹ, Nhật, châu Âu mạnh về vật liệu, thiết kế chíp bán dẫn; Trung Quốc lợi thế sản xuất chíp với giá rẻ công nghệ cũ hơn; Đài Loan (Trung Quốc) lại làm chủ công nghệ sản xuất chip tiên tiến, phần lớn các con chip tiên tiến trên thế giới chủ yếu được sản xuất tại đây…
2. Thực trạng nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam – cơ hội và thách thức
Ngành Công nghiệp sản xuất chip ở Việt Nam được hình thành khá sớm trong lịch sử, với 3 cột mốc quan trọng.
Cột mốc đầu tiên gắn với sự ra đời của Nhà máy Z181 những năm cuối thập niên 80 của thể kỷ trước. Với sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa , năm 1973 một phòng thí nghiệm về bán dẫn đã được xây dựng tại Viện Vật lý và đã chế tạo ra hàng loạt Transistor Silicon bằng công nghệ Planar – Epitaxi hiện đại nhất lúc bấy giờ. Nhà máy đã sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm chíp bán dẫn sang các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và các nước Đông Âu. Quá trình tồn tại sản xuất 10 năm đã đem lại cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý trong công nghiệp bán dẫn, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực và kinh nghiệp sản xuất trong ngành công nghệ cao, đặt nền móng cho sản xuất phát triển về sau.
Cột mốc thứ hai gắn với sự thu hút thành công đầu tư nước ngoài trong ngành Công nghiệp bán dẫn. Cùng với sự đổi mới của đất nước, Chính phủ xác định sản xuất chíp bán dẫn là lĩnh vực quan trọng cần ưu tiên phát triển, do vậy, đã ban hành các cơ chế, chính sách, như kêu gọi đầu tư từ nước ngoài, kêu gọi sự đầu tư từ đóng góp của các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài. Do vậy, năm 2005, Intel đã xây dựng nhà máy trị giá 1 tỷ USD tại TP. Hồ Chí Minh để lắp ráp, kiểm thử. Năm 2008, Samsung đã xây dựng nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh ở Bắc Ninh trị giá hơn 1 tỷ USD… Kể từ đó, Việt Nam được thế giới biết đến và trở thành “cứ điểm” sản xuất công nghiệp bán dẫn của thế giới. Trong nước, ngành Công nghiệp bán dẫn cũng phát triển với các doanh nghiệp, như: Viettel đã thiết kế, sản xuất chíp 3G, 4G, 5G phục vụ trong lĩnh vực viễn thông cũng như trong lĩnh vực quốc phòng; FPT làm gia công phần mềm và thiết kế chíp điện tử phục vụ trong nước, xuất khẩu; một số doanh nghiệp do người Việt ở nước ngoài về trong nước đầu tư…
Cột mốc thứ ba là đầu thập kỷ này, do sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, sự bùng nổ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với trí tuệ nhân tạo, bigdata, internets vạn vật… Năm 2019, đại dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng và cuộc thương chiến Mỹ – Trung, nước Mỹ ban hành Đạo luật Chips năm 2022. Theo chiến lược của Mỹ thì Đông Nam Á, và khu vực Mỹ – Latinh sẽ là các khu vực bảo đảm dịch vụ đóng gói trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn. Các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đã chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn cho ngành bán dẫn. Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều công ty lớn trên thế giới, như: Intel, Samsung, Apple, Foxconn… và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành Công nghiệp bán dẫn.
Sự phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam, theo số liệu thống kê: “Tổng doanh thu công nghiệp công nghệ số ước đạt 152 tỷ USD vào năm 2024, tăng 35,7% so với năm 2019”2. Công nghiệp bán dẫn đã đóng góp lớn vào GDP của cả nước và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo, trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo. Các sản phẩm của công nghiệp bán dẫn đã trở thành chủ lực đưa nước ta trở thành nước xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn của thế giới: “Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu linh kiện máy tính; đứng thứ 6 thế giới về xuất khẩu thiết bị máy tính; đứng thứ 7 thế giới về gia công phần mềm, đứng thứ 8 thế giới về thiết bị linh kiện điện tử”3.
Do sự phát triển của công nghiệp bán dẫn đã thu hút một lượng lớn lao động, có hàng triệu người góp phần giải quyết công ăn, việc làm và ổn định phát triển của xã hội “Lực lượng lao động trong ngành ngày càng đông đảo, đạt hơn 1,67 triệu lao động. Hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ đa dạng, bao gồm phần cứng, điện tử, phần mềm và các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật”4.
Phát triển như vậy, nhưng công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam chủ yếu là ở khâu đóng gói kiểm thử, gia công, lắp ráp có giá trị gia tăng thấp nhất trong chuỗi cung ứng, chiếm 10% giá trị của toàn ngành. Còn các khâu có giá trị gia tăng cao, như: nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, công nghệ là của nước ngoài. Theo số liệu thống kê “ngành điện tử, sản xuất điện thoại và linh kiện, khu vực FDI xuất khẩu 100% giá trị điện thoại và linh kiện nhưng nhập đến 89% giá trị linh kiện này”5. Điều này cho thấy, lao động trong ngành chủ yếu là tay nghề thấp, phục vụ cho đóng gói, gia công, lắp ráp là chính. Còn lao động có tay nghề cao, đòi hỏi có bằng kỹ sư trở lên là rất ít, mới chỉ hơn 5.000 người.
Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, Việt Nam đang có nhiều cơ hội cho phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn, nhu cầu thị trường rất lớn, ngày càng phát triển. Đứt gãy chuỗi cung ứng và thương chiến Mỹ – Trung làm dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, rào cản đòi hỏi phải vượt qua, như: chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chủ yếu là gia công lắp ráp; số lượng kỹ sư, thạc sỹ,tiến sỹ qua đào tạo có trình độ cao rất ít. Bị cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới, như: Thái Lan, Singapo, Nhật Bản, Ấn Độ…; hạ tầng phục vụ cho phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu…
Khác với các ngành truyền thống, như: nông nghiệp, cơ khí, dệt may… ngành Công nghiệp bán dẫn đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực rất cao, chẳng hạn như việc đóng gói kiểm thử cũng đòi hỏi độ chính xác đến từng micromet. Do vậy, để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, tạo ra giá trị gia tăng cao, đòi hỏi chúng ta phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đón đầu cơ hội vượt qua, khó khăn, thách thức thì đầu tư cho giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ hàng đầu. Đảng và Nhà nước coi đây là khâu “đột phá của đột phá”. Chính vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định phát triển đất nước nhanh, bền vững dựa vào khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đảng, Nhà nước xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đào tạo nhân lực. Chính phủ đã có Quyết định số 1017/QĐ-TTg về phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
3. Một số giải pháp góp phần đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành Công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam từ nay đến năm 2030
Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, Chính phủ đã có Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 với mục tiêu là: “Phấn đấu đến năm 2030, đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành Công nghiệp bán dẫn, đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế, ít nhất 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành Công nghiệp bán dẫn; đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo”6.
Với đặc thù là ngành công nghệ cao, đào tạo nhân lực cho ngành này không đơn giản và không thể một sớm, một chiều, đòi hỏi lao động phải được đào tạo sâu rộng, phức tạp, với trình độ kỹ thuật cao. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật, có khả năng chuyển đổi để đào tạo nhân lực bán dẫn; có 35 cơ sở đào tạo đang đào tạo các ngành có liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
Mục tiêu của Chính phủ có trở thành hiện thực hay không đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất lớn. Bởi lẽ, mỗi năm chúng ta phải đào tạo ra trường 10.000 kỹ sư bán dẫn với năng lực đào tạo của chúng ta hiện nay mới đáp ứng được 50% theo đề án. Theo số liệu thống kê giai đoạn từ 2019 – 2023: “các ngành phù hợp (điện tử – viễn thông, vi điện tử…) sẽ tuyển mới khoảng 6.000 và tốt nghiệp khoảng 5.000 người/năm (gia tăng trung bình 7%/năm”7.
Do đó, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp đột phá, đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Thứ nhất, phải đào tạo giảng viên chuyên ngành bán dẫn.
Đào tạo nguồn nhân lực với ngành công nghệ cao phụ thuộc trước hết vào đội ngũ giảng viên phải đủ về số lượng và có chất lượng cao. Hiện nay, các trường đại học cũng như các cơ sở đào tạo có các giảng viên tốt nghiệp ngành thiết kế vi mạch và bán dẫn nói chung còn ít. Do đó, chúng ta cần cử các giảng viên chuyên ngành gần đi nâng cao trình độ, chuyển đổi sang công nghiệp bán dẫn để đáp ứng yêu cầu có 1.300 giảng viên chuyên ngành bán dẫn. Nhà nước, các trường đại học cần cử người sang các nước có nền giáo dục phát triển, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… để học tập, nâng cao trình độ cũng như bắt kịp công nghệ của thế giới, từ đó, về giảng dạy, đào tạo cho sinh viên Việt Nam.
Thứ hai, Nhà nước phải ban hành khung chương trình của ngành.
Các nhà trường cần xây dựng về giáo trình, chương trình giảng dạy phù hợp với chuẩn mực của thế giới và bắt kịp sự thay đổi thường xuyên về khoa học – công nghệ của ngành bán dẫn. Đây là ngành công nghệ cao thay đổi nhanh chóng với cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo… Do vậy, chương trình giảng dạy cũng phải thường xuyên thay đổi để đáp ứng với yêu cầu phát triển mạnh mẽ của thực tiễn nước ta cũng như trên thế giới.
Thứ ba, các cơ sở đào tạo, các trường đại học phải đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, thực hành, thí nghiệm và nghiên cứu khoa học.
Ngoài cơ sở vật chất của từng cơ sở đào tạo, cần có các phòng, cơ sở dùng chung cho các trường với trang thiết bị hiện đại, tiên tiến để kiểm nghiệm lý thuyết, phục vụ cho các Startup khởi nghiệp với sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thứ tư, Nhà nước phải có cơ chế đặc thù cho người giảng dạy, nghiên cứu khoa học bán dẫn, thiết kế vi mạch. Để thu hút người tài như đãi ngộ về thu nhập phải cao hơn các ngành khác, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, cung cấp về điều kiện ăn ở, đi lại, làm việc… có như vậy mới thu hút được người giỏi phục vụ cho đào tạo của ngành.
Thứ năm, đối với người học. Phải có chính sách thu hút các sinh viên giỏi vào học. Công nghiệp bán dẫn là ngành công nghệ cao, đòi hỏi phải thông minh và nhiều ý tưởng sáng tạo, do đó, rất cần các sinh viên giỏi, có trình độ theo học. Các chính sách, bao gồm: miễn giảm học phí, có quỹ học bổng, cử các sinh viên ra nước ngoài đào tạo, cấp học bổng cho sinh viên tốt nghiệp các ngành gần sang học tập ngành bán dẫn.
Thứ sáu, đa dạng hóa các hình thức đào tạo để thực hiện mục tiêu. Chúng ta cần kết hợp đào tạo công với các trường tư thục; đào tạo dài hạn và đào tạo ngắn hạn; kết hợp nhà trường với các doanh nghiệp; kêu gọi chuyên gia có trình độ cao ở doanh nghiệp về đào tạo năng cao trình độ cho các giảng viên, sinh viên…
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo. Các trường đại học, các cơ sở đào tạo trong nước cần thường xuyên cử giảng viên, sinh viên sang các nước có nền giáo dục tiên tiến của ngành, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để trao đổi học thuật, tài liệu và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước khác, có như vậy mới bắt kịp sự phát triển của ngành, tạo mối liên hệ khăng khít, thường xuyên giữa đào tạo trong nước và đào tạo của quốc tế, phục vụ thiết thực trong một nền kinh tế mở hội nhập ở Việt Nam hiện nay.
Thứ tám, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Kêu gọi đầu tư nước ngoài, chuyển giao về khoa học – công nghệ. Điều này giúp cho sinh viên ra trường có thể làm việc được ngay, nâng cao tay nghề gắn kết đào tạo với sử dụng, học đi đôi với hành, tránh lãng phí về nguồn lực sau khi đào tạo sinh viên tốt nghiệp ra trường.
4. Kết luận
Để ngành Công nghiệp bán dẫn phát triển mạnh mẽ, tạo động lực cho tăng trưởng, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam thì trước tiên, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đến năm 2030, nước ta có 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn. Với các giải pháp đồng bộ và sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ đào tạo ra nguồn lực con người có chất lượng ngày càng cao, phục vụ cho sự phát triển của ngành và của đất nước.
Chú thích
1. Hàng tỷ USD đổ vào các dự án bán dẫn Việt Nam. https://vneconomy.vn/hang-ty-usd-do-vao-cac-du-an-ban-dan-viet-nam.htm, ngày 19/9/2023.
2, 3, 4, 5. Tổng Bí thư Tô Lâm: Đừng để Việt Nam trở thành cứ điểm “lắp ráp – gia công”. https://dantri.com.vn/cong-nghe/tong-bi-thu-to-lam-dung-de-viet-nam-tro-thanh-cu-diem-lap-rap-gia-cong-20250115141711638.htm, ngày 15/01/2025.
6. Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=211239.
7. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ bán dẫn: Cơ sở đại học đã sẵn sàng vào cuộc. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=8812, ngày 19/10/2023.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Tập I, II. H. NXB Chính trị quốc gia Sự thật.
2. Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-57-nqtw-ngay-22122024-cua-bo-chinh-tri-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-11162, ngày 24/2/2025.
3. Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chíp bán dẫn. https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/viet-nam-co-the-dap-ung-nhu-cau-ve-nguon-nhan-luc-chip-ban-dan-787123, ngày 27/7/2024.
4. Đề án phát triển nhân lực công nghiệp bán dẫn cần “gói” cơ chế, chính sách đột phá. https://baochinhphu.vn/de-an-phat-trien-nhan-luc-cong-nghiep-ban-dan-can-goi-co-che-chinh-sach-dot-pha-10224042214011255.htm, ngày 22/4/2024.
5. Lực lượng lao động bán dẫn sắp bùng nổ tại Việt Nam. https://vneconomy.vn/luc-luong-lao-dong-ban-dan-sap-bung-no-tai-viet-nam.htm, ngày 07/7/2024.